Thursday, September 21, 2023

56 NGƯỜI CHẾT KHÔNG CHỈ LÀ NỖI ĐAU THƯƠNG

Xin thắp một nén nhang cho những người đã khuất.

Bản chất người Việt là nhanh mủi lòng trước các nỗi đau thương. Nhưng họ cũng nhanh quên đi nguyên do gây ra đau thương ấy. Cái chết của 56 người trong vụ cháy vừa qua ở Hà Nội cũng sẽ nhạt nhòa theo ngày tháng khi cả trăm triệu dân Việt đang cuốn hút vào cuộc mưu sinh chật vật mỗi ngày.

Theo ước tính có 2000 ‘chung cư mini’ tại Hà Nội và (nghe đâu) 42.200 cái nữa ở Sài Gòn. Không rõ quy mô thế nào, chung cư mới gọi là mini (tức là ‘nhỏ’). Trong lúc nhu cầu nhà ở của người dân ngày càng tăng cao, sự có mặt của các chung cư ấy là một đóng góp tích cực. Không thể vì sự cố chết người ở chung cư mini Khương Hạ, vai trò của loại nhà ở này cần phải xem xét xóa bỏ. Có thể nói, càng nhiều chung cư mini có tình trạng như cái đã cháy, an sinh người dân càng trở nên mờ mịt; một khi nhà ở xã hội của chính phủ không xúc tiến nhanh chóng, kịp thời và mạnh mẽ.

Để các chung cư mini an toàn, nhất là vấn đề hỏa hoạn, tôi nghĩ có mấy cách:

- Buộc tất cả các chủ chung cư, ngay ngày hôm nay, phải rà soát toàn bộ lại hệ thống phòng chống chữa cháy, với sự giúp sức của những người chuyên môn từ các cơ quan thẩm quyền.

- Nếu chung cư nào không đáp ứng tối thiểu biện pháp phòng chống cháy phải ngừng hoạt động. Điều này khó khăn, các chủ nhà lỡ mua thì phải dọn đi đâu? Nhưng hiện nay, theo luật xây dựng, một ngôi nhà đơn vẫn phải tuân thủ quy định về phòng chống chữa cháy. Chắc chắn các chung cư mini tối thiểu cũng phải đáp ứng quy định ấy.

- Các chung cư mini- kể cả chung cư quy mô- đều phải nghiêm cấm các cư dân tự ý thay đổi cấu trúc bên trong căn hộ. Tôi thấy nhiều chủ nhà đập bỏ, cắt đục, một số bức tường xây, để cải tạo lại theo ý muốn, mà không hề để tâm đến nguy cơ làm suy yếu kết cấu chung cư.

- Đối với việc thay đổi cấu trúc bên trong nơi ở chung cư theo ý muốn của chủ nhà, mọi thay đổi phải được thực hiện bởi những người có chuyên môn, nghĩa là, thợ điện, thợ xây, thợ trang trí nội thất, thợ đặt ống nước…đều phải có giấy phép hành nghề của nhà nước cấp. Những người này phải nằm trong một công ty có đăng ký pháp nhân, nghĩa là ban quản trị công ty phải chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra sau này vì sự bất cẩn hay sơ sót trong quá trình thi công, sau thi công, gây hậu quả nguy hiểm.

- Các cư dân trong chung cư đều phải mua bảo hiểm nhà ở. Công ty bảo hiểm chính là người sẽ chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố. Công ty này sẽ trả tiền sửa chữa cho chủ nhà khi người sửa chữa có giấy phép hành nghề. Nghiêm cấm chủ nhà tự động sửa chữa hay lắp mới bất kể cấu trúc có sẵn trong mỗi chung cư. Nhiều vụ cháy nhỏ, không thiếu các vụ cháy lớn, xảy ra khi chủ nhà tự động thiết kế các đường dây dẫn điện. Cư dân thường nghĩ, nhà mình mình có mọi quyền. Từ nay, suy nghĩ đó cần phải chấm dứt: vì sự an toàn chung trong cộng đồng dân cư.

- Khi sự cố xảy ra, ví dụ như vụ cháy chết người vừa qua, ngoài chủ chung cư , những ai liên quan đến việc cấp phép xây dựng, thiết kế an toàn điện, phòng chống chữa cháy, mà không kiểm tra việc xây dựng, thực thi, đúng quy định, để xảy ra sự cố chết người, đều phải bị đưa ra tòa xét xử. Chính quyền quản lý cơ quan hữu trách, người đứng đầu, cũng phải chịu trách nhiệm liên đới kể cả những người về hưu, thậm chí đã chết (để tăng mạnh sự răn đe, nghiêm minh của luật pháp. Không thể chết là hết trách nhiệm).

- Để hạn chế việc hối lộ, ví dụ tình trạng ‘phạt cho tồn tại’, quy chế ưu ái cần lưu ý cho những người có trọng trách thực thi công vụ. Cái này hơi khó nhưng không phải không làm được. Ở Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh lúc sinh thời từng cho phép trợ cấp mỗi cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ngoài đường mỗi tháng 5 triệu động, gọi là tiền ‘dưỡng liêm’. Tuy sai quy định chung nhưng việc làm này có ý nghĩa giúp người thực thi công vụ ‘an tâm’ công tác, không vì đời sống còn khó khăn mà làm sai lệch nhiệm vụ của mình.

- Tôi để ý nơi dễ cháy nhất và ‘nguy hiểm’ nhất của chung cư là nơi để xe máy, thường là tầng hầm (chung cư lớn), tầng trệt (nếu là chung cư nhỏ). Nơi này cần buộc chủ đầu tư kinh doanh nhà ở phải hết sức chú trọng. Các camera quan sát cần được theo dõi thường xuyên, nhất là ban đêm. Các thiết bị báo cháy cần ưu tiên đặt ở nơi này. Các bình chữa cháy cần bố trí những nơi thuận tiện nhất. Ai cũng có thể trở thành ‘nhân viên cứu hỏa’ nếu hỏa hoạn xảy ra. Nguyên tắc hàng đầu của chữa cháy là dập tắt tức thời nơi phát ra ngọn lửa. Đốm lửa dễ chữa hơn rừng lửa.

- Tất cả người trên 18 tuổi, sống trong chung cư, đều phải có giấy chứng nhận (1) tập huấn phòng chống chữa cháy. Có tình trạng, ban quản lý chung cư mời cảnh sát phòng chống cháy đến với phương tiện chữa cháy đầy đủ. Cư dân đứng xem như là xem phim, xem kịch mà không hiểu, các hướng dẫn của các nhân viên cảnh sát chữa lửa sẽ cứu mạng sống của mình một khi biết được cách xử trí lúc chung cư mình ở nằm trong ‘đống lửa’. Chỗ này cũng cần thêm: Đừng vì có vài trăm, vài chục bỏ túi mà giấy chứng nhận tập huấn PCCC cấp ra rào rào. Người làm lơ cho chủ chung cư mini nâng cấp xây dựng từ 6 tầng thành 9 tầng gián tiếp nhúng tay vào tội ác giết chết 56 người vừa qua. Tang tóc và vết cắt đau thương của biết bao gia đình không biết khi nào nguôi ngoai, lành lặn.

- Nhà chức trách nơi có các chung cư mini cần có thái độ cởi mở, hiểu thấu, thể hiện bằng việc làm, giúp đỡ bằng biện pháp trong chức năng sẵn có, các chủ nhân các chung cư ấy thực hiện, càng nhiều càng tốt, các quy định an toàn phòng chống cháy nổ. Chung cư yên bình thì người dân yên bình. Quý vị từng nói, hạnh phúc của người dân là mục đích cao nhất của mình mà.

Các chung cư mini này là nơi những người ‘yếu thế’ trong xã hội sinh sống. Họ càng được quan tâm hơn. Những người ‘không yếu thế’ đều có nhà riêng an toàn hay mua các căn hộ ở những chung cư cao cấp, vấn đề an toàn mạng sống được đảm bảo tối đa. "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui cái vui sau thiên hạ) mà ông Hồ từng nhắc, đừng có làm ngược lại “chớ không phải: “Tiên thiên hạ chi lạc nhi lạc, hậu thiên hạ chi ưu nhi ưu”(2).

Thời buổi này mà còn nói đến luân lý, như câu nói của người xưa qua lời nhắc lại của ông Hồ Chí Minh từng nói với cán bộ mấy chục năm trước, tôi không nghĩ là ‘lạc hậu’ hay ‘lạc lõng ’. Con người Việt Nam, dù theo chủ nghĩa nào đi nữa, đều có phần sâu thẳm bên trong: tình thương yêu đồng bào.

Hãy quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội. Hãy chú ý đến họ, những người đang sinh sống trong những nơi ở ‘thiếu thốn’ ‘thiếu tiện nghi’, xa trong hẻm, trong ngách, mà chúng ta gọi là chung cư mini, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn.

Ghi chú:

(1) Ở Phần Lan, cái gì cũng có giấy phép. Vào siêu thị, thấy có rất nhiều cần câu máy, tôi định mua một hai chiếc vì giá khá mềm. Con tôi bảo, không được vì muốn sở hữu chúng, người mua phải có giấy phép câu cá. Người có giấy sẽ biết cá nào được câu, cá nào cấm câu; câu vào mùa nào hoặc cách thức câu, quăng câu thế nào không móc vào người đứng cạnh; lưỡi câu mắc vào vật chìm, người câu phải biết cách xử lý và phải biết bơi nữa. Chứ không phải hứng lên là xách cần đi câu. Phần Lan là nước có rất nhiều hồ nước( trên 188. 000 cái). Giấy phép 'lung tung': Sửa ống nước, cầu tiêu, bắt dây điện...đều phải có giấy hành nghề. Không vì sợ tốn, chủ nhà muốn làm gì trong nhà cũng được. Mọi nhà ở đều có mua bảo hiểm. Mọi thay đổi sẽ không được thanh toán tiền mà phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 10, tr 463.

Friday, July 7, 2023

TẢN MẠN: PHẢN ĐỘNG

(Nhân một học sinh thi lớp 10 đậu thủ khoa với bài văn dài 21 trang viết trong 3 giờ).

Trước 1975, ở miền Nam chúng tôi không nghe hoặc ít nghe hai chữ PHẢN BIỆN. Báo chí có thể PHẢN BÁC tuyên bố của một viên chức chính quyền, hoặc ngay cả tuyên bố của tổng thống (quyền uy không thua tổng bí thư) nếu tuyên bố ấy “tà lơ” (tầm phào). Ví dụ: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (nguyên là trung tướng) tuyên bố từ chức để trở về hàng ngũ quân đội khi Sài Gòn sắp thất thủ. Vài hôm sau, có tin đồn, tổng thống sẽ có mặt ở Đài Loan. Báo diễu nhại ông: “Đất nước còn, tôi ở Sài Gòn, đất nước mất tôi đi ngoại quốc”.

Do lối học thoát thai đặc trưng phương Tây từ Pháp (Nam kỳ là thuộc địa) cho tới Mỹ (thời chiến tranh), sinh viên, ngay cả học sinh, dưới chế độ VNCH rất quen thuộc với phản bác, phản biện. Không cứ chi tây, ta cũng có từ: học hỏi. Học hành hiệu quả nếu tri hành hợp nhất. Học là phải hỏi. Không hỏi thà đừng học.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, sinh viên chúng tôi ở trường đại học sư phạm Sài Gòn dành thời gian học các buổi “chính trị”. Ông hiệu trưởng tạm thời - một cán bộ có nước da trắng trẻo, hơi mảnh khảnh, đeo kính trắng - có hỏi sinh viên toàn khối (hay toàn trường, tôi không nhớ rõ), ai có câu hỏi nào thì mạnh dạn nêu ra; bất kể câu hỏi gì, sau một buổi “sinh hoạt chính trị” do ông giảng dạy. Một bạn trong lớp anh văn của tôi giơ tay xin nói.

Gần 50 năm tôi còn nhớ rõ câu hỏi của cô sinh viên người Sài Gòn này. Đại để: “Thể chế cộng sản có độc tài hay không khi bức hại những người trí thức trong nhóm Nhân văn giai phẩm và tiến hành cải cách ruộng đất đẫm máu ở miền Bắc?”.

Là sinh viên, ngay cả lúc còn là học sinh, chúng tôi thường tò mò, muốn tìm hiểu những diễn biến như thế của “bên kia vĩ tuyến”. Chúng tôi sửng sốt khi nghe câu hỏi “nguy hiểm” ấy. Và nguy hiểm thật, một “đồng chí” trong hội thanh niên học sinh giải phóng Sài Gòn-Gia Định đứng phắt dậy trước đám đông, chỉ tay vào mặt cô gái và quát to: “Đồ phản động. Im ngay”. Có lẽ anh ta không ngờ, cách mạng vào đây, quân đội, chính quyền Sài Gòn vỡ trận; số trốn đi bằng đường biển, số được người Mỹ cho máy bay chở đi, cô ta thuộc bên “thua cuộc”, không an phận, mà còn dám giở giọng “chống đối chính quyền”.

Nhưng tất cả sinh viên thở phào nhẹ nhõm khi nghe câu giải đáp của vị giáo sư mặc đồ bộ đội, mang dép râu, gương mặt hiền hòa dễ mến. Đưa tay về chỗ sinh viên “cách mạng mùa”, như cắt ngang cơn thịnh nộ của anh ta, ông điềm đạm giải thích: “Hãy tôn trọng tự do phát biểu của tất cả anh chị em sinh viên. Chế độ ta phát triển hay không cũng nhờ vào tầng lớp trí thức trung thực; chị sinh viên vừa nêu câu hỏi là một người trung thực; chị hỏi câu hỏi mà ngay cả tôi cũng không dám trả lời'. Ông khéo léo cho qua câu hỏi nhạy cảm ấy: "Rồi các anh chị sẽ hiểu kỹ hơn những việc làm của Cách Mạng sau này. Có ai còn ý kiến không?”. Sau câu hỏi ấy cả đám đông sinh viên im phăng phắc. Ai cũng hiểu không phải nghĩ là nói được đâu.

Cái không khí tự do tư tưởng vẫn chưa phai nhòa trong những ngày đầu miền Nam chuyển qua một thể chế chính trị mới. Cô sinh viên kia chưa quen với nếp nghĩ mới. Cái nếp nghĩ tôn ti trật tự. Nghe và không phản bác, phản biện. Cấp trên luôn đúng. Thầy luôn luôn giỏi hơn trò và đương nhiên trò không thể “mặc áo quá đầu”.

Thói quen phản bác hay phản biện chỉ hình thành gần đây sau những năm đổi mới. Nhưng trên phương tiện truyền thông chính thống, sự phản bác hay phản biện rất hiếm xảy ra nhất là “phản bác” nhà chức trách. Nếu có phản biện hay phản bác quan điểm của viên chức đương nhiệm thì giọng điệu của báo chí thường hết sức dè dặt, kiểu ngó trước dòm sau. Hay đợi cho vị quan chức ấy chuẩn bị vào lò hoặc sắp "về vườn" thì lúc ấy báo chí tha hồ mà “phản bác”, “phản biện”.

Phản bác hay phản biện có cùng họ với phản động, bắt đầu từ chữ phản. Trên báo chí (giờ chỉ có nền tảng Facebook) sẽ có hai luồng đối chọi nhau khi xảy ra một sự kiện nào đó khá đình đám. Dư luận thường chia phe nếu sự kiện đó liên quan đến chính trị. Một bên là A và bên kia là B; có kẻ “xấu miệng” gọi là “bò đỏ”, “bò vàng” gì gì đó, (tôi mù mờ chỗ này lắm!).

Phản bác hay phản biện là lẽ đương nhiên trong sự vận hành tư tưởng. Không ai độc quyền tư tưởng. Không thể tư tưởng nào “bách chiến, bách thắng”. Những gì hôm qua đúng chưa chắc ngày mai không sai. Chưa chắc ngày nay sai mà ngày mai không đúng. Để tìm kiếm chân lý, con người cần luôn luôn tỉnh thức, nghĩa là luôn luôn đặt hồ nghi với tất cả mọi thứ. Hồ nghi không phải là yếm thế. Hồ nghi để đặt câu hỏi, để phản bác, phản biện, để tiệm cận chân lý.

Nói về phản bác, phản biện, dân Quảng Nam chúng tôi là…hàng đầu. Nhiều người nhận xét “Quảng Nam hay cãi”. Tôi lại nghĩ: Không cãi không phải Quảng Nam. Chúng tôi luôn luôn hồ nghi kết luận do đó chúng tôi cãi cho đến khi có kết luận khác, đúng hơn. Quý vị cũng rõ tính phản bác, phản biện rất rõ ở những danh nhân tiêu biểu: Phan Châu Trinh và Phan Khôi.

Nếu phản biện, phản bác không bị coi là phản động thì chắc chắn chúng ta rút ngắn thời gian phát triển đất nước. Ví dụ, nếu có quyền phản biện thì, hợp tác hóa nông nghiệp chấm dứt ngay sau một năm áp dụng. VN trì trệ hàng chục năm; động cơ sản xuất tư nhân bị triệt tiêu; cảnh thiếu ăn xảy ra ở một đất nước dân chúng cần mẫn, vốn rất giàu có sức bật trong nông nghiệp, nông thôn.

Ngày nay, phản bác, phản biện có còn bà con với phản động không? Tôi e là còn – có lẽ chút chút. Không thế, trên diễn đàn “tự do ngôn luận” của Facebook, lúc nào dư luận cũng chia ra hai phe choảng nhau, hầu như không phải vì tìm kiếm chân lý, mà vì ai cũng muốn độc quyền chân lý “tao đúng, mày sai”.

Ví dụ cỏn con. Một học sinh lớp 10 làm bài thi văn dài tới 21 trang giấy bị đem ra đặt ở đấu trường La Mã. Một vị tiến sĩ phải xin lỗi cô bé vì nhận xét em “không não”. Thay vì dùng ngòi bút sắc thì vị trí thức này dùng thanh gươm bén. Dù có xin lỗi thì hành động ấy nói lên một điều: thay vì phản bác thì người ta xem hành vi viết bài thi dài 21 trang là…phản động. “Phản động” hay bị ghép chung với “không não”. Có rất ít người chế giễu em học sinh kia? Không. Tôi thấy không ít. Phản bác, phản biện không đem lại chân lý bởi nó “bà con gần” với…phản động hay sao?

Thursday, July 6, 2023

BÁC SĨ CŨNG ĐI TÙ

Thêm một bác sĩ tra tay vào còng. Đôi dòng tản mạn.

Thường thì thầy giáo dạy học, luật sư đi làm thầy cãi, và bác sĩ chỉ biết có bệnh nhân. Nhưng xã hội không luôn luôn xảy ra trật tự như thế. Có bác sĩ lại làm chính trị. Như bác sĩ quốc vụ khanh Phan Quang Đán thời VNCH. Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Mặt trận GPMNVN. Giáo sư làm chính trị cũng có, thầy giáo già Trần Văn Hương, cố tổng thống ngắn ngủi của nền đệ nhị cộng hòa (Nam VN).

Nhưng làm chính trị mà không phải xuất thân từ y khoa, nghĩa là như bác sĩ, vẫn yên tâm và hiệu quả hơn. Dân chúng không phải là bệnh nhân. Cho thuốc này không hết bệnh thì kê thuốc khác. Lỡ chích lộn thuốc có ngoẻo thì cũng giỏi lắm bị cấm hành nghề. Chớ bác sĩ mà làm chánh trị, nói nôm na, làm quản lý thì không những bệnh nhân bị chết mà người không bệnh cũng tèo theo. Mấy vị quản lý test kits mùa đại dịch là ví dụ điển hình.

Qua báo chí, chúng ta biết vị giáo sư bác sĩ viện tim chi đó ở Hà Nội. Rồi một vị bác sĩ khác ở Sài Gòn, cựu giám đốc bệnh viện Thủ Đức. Cả hai vị “lương y như từ mẫu” đang “gặm một nỗi đau buồn trong cũi sắt” (nhại câu: Gặm một nỗi căm hờn trong cũi sắt). Vì sao nên nỗi?

Dân bây chừ thấy quan chức, bất kỳ ai, vô lò họ rất mừng rỡ. Riêng tui, nói thật, không mừng chút nào. Bởi lẽ quan chức càng cao mà ở tù càng nhiều, đất nước càng bất an. Bất an không phải củi to bị đốt. Bất an ở chỗ “vì sao những người tài, đức vẹn toàn, hồng chuyên trọn vẹn, lại ra thân tù tội, ngày càng nhiều?”

Quy trình xét chọn cán bộ, càng cao càng nghiêm ngặt. Tại sao có  người “Bề ngoài thơn thớt nói cười. Bề trong nham hiểm giết người không dao” (Kiều) lại lọt lưới, thăng tiến lên cỡ tối cao, lại về vườn đuổi gà cho vợ?

Cái nào gây bất an lớn nhất? Tôi hỏi và không thể trả lời.

Nhưng cái bất an nho nhỏ, đối với tôi, đó là vì làm quản lý (một hình thức tham gia chính trị), xã hội mất đi nhân tài, tôi không nói tới hiền tài.

Cựu giám đốc bệnh viện tim Hà Nội là người chữa tim giỏi nhất Việt Nam vào thời điểm này. Nếu ông ta không làm giám đốc, mà làm vị giáo sư nghiên cứu và giảng dạy, đào tạo ra những bác sĩ tim, thì đất nước này, sẽ có biết bao người được cứu khi mắc bệnh tim hiểm nghèo? Y đức nhờ vậy sẽ ngời ngời sáng rạng.

Có người nói tại ông ta thiếu đạo đức. Thiếu đạo đức tại sao được cơ cấu vào những chức vụ, chức sau cao hơn chức trước?

Ngày xưa, ngoài việc trị thẳng tay những kẻ lạm trong chốn quan trường, nhiều vị vua chú ý đến đến ưu đãi vật chất cho các quan lại, giúp họ không, hay ít nhũng lạm (bây giờ ta gọi tham nhũng), với cách “dưỡng liêm”, nuôi sự liêm khiết. Nguyễn Bá Thanh hồi còn sống, nghe nói, có cho bồi dưỡng cảnh sát giao thông ở Đà Nẵng mỗi tháng 5 triệu đồng người, để họ không phải vất vả đi kiếm “bánh mỳ’, có thể gọi là "tiền dưỡng liêm".

Vì sao một số bác sĩ lại ăn hối lộ? Tại vì họ sống không đầy đủ bằng nghề cao quý của mình. Tôi nêu ví dụ.

Ở miền Nam trước 1975, không có một bác sĩ nào ra tòa vì tham nhũng. Tôi chắc chắn như thế (Xin vài lời chỗ này. Tôi hay so sánh bây giờ với “hồi xưa” của tôi, để thấy là chúng ta có thể làm khác hơn, tốt hơn, nếu tham khảo cái quá khứ VNCH, chớ không phải Nhật hay Mỹ).

Một bác sĩ là một hãnh diện cho đất nước đang thời chiến tranh. Hãnh diện trước hết cho ai trở thành bác sĩ. Đầu vào, thi vào, trường y rất khắt khe. Sinh viên phải học một năm ở đại học khoa học để lấy bằng gọi là SPCN rồi mới “có quyền” thi vào đại học y khoa. Tối thiểu 5 hoặc 6 năm sau mới tốt nghiệp. Trên con đường học, ở lại, nghĩa là rớt, sẽ phải đi lính vì kẹt tuổi quân dịch (quy định tuổi nào học năm thứ mấy đối với sinh viên). Và nhiều người phải “ra trường” đi lính nếu là nam và gãy gánh giữa chừng nếu là nữ.

Tôi có một bạn học (hiện ở Đà Nẵng, có quốc tịch Mỹ) là sinh viên y khoa có thời ở chung phòng trọ tại Sài Gòn. Nhìn đống sách tiếng Anh, tiếng Pháp về chuyên môn của nó mà tôi sởn gai ốc. Trong khi học tiếng Anh, tôi còn ngắt ngư con tàu đi với sách giáo khoa, sách truyện của mình, thì bạn tôi ngày đêm miệt mài bên đống sách còn nghiêm túc hơn tôi, một sinh viên sư phạm.

Nói như thế, để thấy rằng đào tạo ra một bác sĩ là vô cùng gian nan, vất vả, tiêu tốn thời gian. Chính nhờ vậy, bác sĩ mới gọi là doctor cùng tên với tiến sĩ (doctor). Bác sĩ là người nắm vận mệnh bệnh nhân. Học lơ mơ, bác sĩ không khéo sẽ trở thành kẻ "giết người thầm lặng! Bác sĩ được xã hội coi trọng vì, chỉ những học sinh tài năng, yêu ngành y, yêu con người, mới đậu vào trường y.

Và mặt quan trọng hơn, bác sĩ khi hành nghề không bao giờ lo lắng về cuộc sống vật chất. Nếu làm cho nhà nước, (hầu hết) các bác sĩ ra trường đều có mức lương và phụ cấp thoả đáng, nếu không nói là khá giả. Có vợ, có con, bác sĩ khỏi phải lo toan bất cứ thứ gì. Ngoài giờ hành chánh, bác sĩ có quyền mở phòng mạch tư. Bác sĩ có phòng mạch thường có thể sắm xe hơi sau một thời gian hành nghề độ đôi ba năm nếu tay nghề cao.

Có thể đầu vào y khoa nghiêm khắc, chọn lựa người xuất sắc, số bác sĩ không nhiều như bây giờ; có nhiều kênh đào tạo, cả chuyên tu và tại chức. Nhưng đạo đức thì sao?

Bác sĩ VNCH không hề học đạo đức của ai cả và họ chẳng có thì giờ học đạo đức lương y như từ mẫu, nhưng không một bệnh nhân nào phàn nàn họ bị sách nhiễu mỗi khi nhập viện chữa trị bệnh. Khi đầy đủ vật chất không ai phải ăn cắp của công, ăn cắp của nhân dân, của đồng bào. Còn làm sao để bác sĩ sống đầy đủ vật chất, chuyện đó không phải là tài năng "múa may bàn phím" của kẻ hèn này.

Một cái giúp lương y không vào tù là đừng giao nhiệm vụ quản lý cho họ. Họ chỉ làm mỗi chuyên môn. Ở chế độ VNCH, quản lý y tế có bác sĩ không? Tôi thấy là không, và nếu có, quản lý rất nhẹ nhàng. Thường thì giám đốc bệnh viện lớn nhất tỉnh là giám đốc ty y tế. Ty y tế của họ không có phòng y tế, chẳng có trạm y tế. Có lẽ trong chiến tranh, guồng máy quản lý gọn, nhẹ hơn hòa bình. Lương tất cả nhân viên hay y tá, bác sĩ, điều dưỡng, các bộ phận hỗ trợ đều từ ngân sách tỉnh. Mọi xây dựng hay mua sắm vật tư nhà nước lo tất. Giám đốc bệnh viện không phải “ký hợp đồng” hay “ đi đêm nâng giá” thì lấy đâu họ có điều kiện nhũng lạm phải đi tù? Đương nhiên sắm cái gì, xây cái gì, y tế đề xuất, nhà nước trực tiếp giải quyết, và nhà nước toàn quyền quyết định, không giao quyền đó cho các bác sĩ.

Mỗi thời mỗi khác nhưng cốt lõi để bác sĩ, những cứu tinh của người dân không phải đi tù là tách ra càng nhiều càng tốt nhiệm vụ chuyên môn và công tác quản lý. Giám đốc bệnh viện chuyên chỉ đạo công tác chữa trị còn chuyện quản lý nên giao cho bộ phận chuyên ngành quản trị phụ trách.

Ông cứu quả tim con người lại ngồi đếm lịch trong tù, bên ngoài cần biết bao nhiêu con tim chữa lành để sống. Hãy trả lại thiên chức cứu người cho bác sĩ. Hãy thương họ, thương dân, bằng cách đừng giao cho họ nghề quản lý. Nhà tù sẽ không còn bác sĩ. Xã hội sẽ không còn xem rẻ giới tinh hoa một thời VNCH hết mực quý trọng.

Wednesday, July 5, 2023

ĂN CỖ ĐI TRƯỚC

Quan sát bức hình chụp lễ tiễn đội bóng nữ tham dự cúp thế giới (bên dưới), rất nhiều người cảm thấy khó chịu, thậm chí bỉ bôi, châm biếm các quan chức đứng chần dần phía trước che khuất đội tuyển. Bởi họ quá to.

Chê bai các quan chức này giành lấy chỗ đứng danh dự, “ăn cỗ đi trước” là chưa thỏa đáng.

Ai là người tổ chức sắp xếp họ đứng trước chụp ảnh mới là người đáng trách. Nói rộng ra, trong tất cả các sự kiện quan trọng, nếu có sự tham dự của phía chính quyền, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, những người tổ chức sự kiện rất lấy làm hãnh diện. Từ lễ tựu trường tiểu học cho chí lễ tốt nghiệp đại học, sự có mặt của quan chức, đôi khi không thuộc ngành giáo dục, người dự và người tổ chức thưởng cảm thấy vinh hạnh.

Đảng lãnh đạo toàn diện; chính quyền là người thay mặt; sự có mặt của họ ở mọi hoạt động xã hội là lẽ đương nhiên. Nhưng, hoạt động nào cũng cần có họ, tôi muốn nói những sự kiện quan trọng, là điều chẳng tự nhiên chút nào. Viên chức chính quyền, chỗ làm việc của họ là ở cơ quan. Nếu phải có mặt ở những sự kiện phải có mặt thì chỉ một người chức vị cao nhất đến dự là tốt nhất.

Chỉ có một lễ tiễn mà hàng chục quan chức đến dự, báo chí nêu tên, chức vụ, và chắc chắn “sự có mặt của quý lãnh đạo là niềm vinh dự to lớn cho đội tuyển nữ quốc gia” (ấy là tôi suy diễn). Trong khi vinh dự to lớn đó phải là của đội tuyển.

Người ta dùng từ “ăn có” để ám chỉ các quan chức đứng án mặt các tuyển thủ là hơi oan. Họ không tự đứng chỗ đó. Ban tổ chức là người sắp xếp. Chính cái anh Ban này là người đáng trách. Mà cũng không đáng trách. Biết đâu, sắp xếp quan chức đứng trước là để “lấy lòng” cấp trên.

Quy ra “tội” gây ra phản cảm bức ảnh chụp phải “gom về” ông nhà báo. Chắc chắn lúc chụp hình lưu niệm với đội tuyển không lẽ chỉ có mỗi bức ảnh khó coi này. Biết đâu ông nhà báo này muốn “nấy nòng” các vị quan chức? Người chuộng thuyết âm mưu cho rằng, với bức chụp lên báo này, các vị quan chức kia sẽ bị cộng đồng mạng chửi “sấp mặt”. Cái này tôi nghĩ không có.

Chỉ đáng trách quan chức ở bức hình phản cảm này là: Các anh thiếu tự trọng. Khi được mời chụp ảnh, các anh phải nghĩ đến đội tuyển. Dù có mời đứng trước họ, các anh cũng nên từ chối. Nếu đối để lắm, một hay hai người trọng trách nhất đứng cùng đội tuyển. Người có lòng tự trọng và có văn hóa sẽ cảm thấy mình vinh dự vì chụp hình chung với đội tuyển chứ không phải đội tuyển vinh dự vì chụp hình chung với mình.

Qua bức ảnh dậy sóng, chúng ta có thể khẳng định, mọi hành vi và thái độ của quan chức đều được quần chúng soi rọi rất kỹ lưỡng. Do đó, nhà chức trách nên có những quy định cụ thể cho viên chức của mình những ứng xử ở đám đông hay trước quần chúng mỗi khi tham dự một sự kiện nào đó.

Sự quan tâm của nhà chức trách đúng mức ở những sự kiện trọng đại sẽ rất ý nghĩa. Nó tạo cơ hội cho chính quyền và nhân dân gần gũi hơn. Thể thao, văn hóa, giáo dục, tôn giáo… sẽ thêm ý nghĩa sự có mặt của quan chức nhà nước không gây bão như sự kiện có bức hình vừa qua.

Thời VNCH, những sự kiện quan trọng thường có chính quyền tham dự. Họ không đến để dự rồi tiệc tùng. Vị đứng đầu ở địa phương thường là quận trưởng, tỉnh trưởng. Duy nhất một người được tiếp đón. Họ không dắt ban bệ theo. Nếu tôi không lầm, sau lễ họ về ngay. Ở thủ đô (Sài Gòn), tổng thống, văn phòng tổng thống, sẽ tổ chức vinh danh trong dinh tổng thống.

Và điều duy nhất, quan chức đầu quận, đầu tỉnh, và tổng thống hoặc phó tổng thống chỉ có mặt trong các lễ tuyên dương học sinh xuất sắc, nghĩa là chỉ có mỗi ngành giáo dục. Các lãnh vực khác không hề có mặt mấy ổng. Có lần đội tuyển bóng đá VN hạ đội tuyển Nhật Bản, cả nước chỉ biết qua đọc báo, chưa bao giờ đội bóng chụp hình chung với bộ trưởng thể thao - văn hoá - thanh niên.

Người viết lại có vinh dự đó lúc là học sinh đệ lục (lớp 7, năm 1966). Phần thưởng là 20 cuốn vở, một chồng sách giáo khoa, và một cây bút máy. Ở hội trường rạp hát Phi Anh, Hội An, tôi khệ nệ ôm phần thưởng từ tay của ông tỉnh trưởng Quảng Nam. Ổng chỉ xoa đầu tôi. Chẳng có bức hình nào chụp ổng có tui đứng “ké”. Tôi và nhiều người bạn có thưởng đều nhớ mãi gương mặt, hình ảnh của vị quan chức đầu tỉnh, có thể cho đến giờ dù chẳng có 1 tấm hình; toà tỉnh không hề thiếu máy ảnh. Quan chức chính quyền đến để vinh danh học sinh xuất sắc, không phải học sinh xuất sắc vinh danh ông chính quyền.

Sự có mặt đúng lễ nghi của quan chức ở sự kiện quan trọng nó ý nghĩa như thế. Nhìn bức ảnh (bên dưới) mà kết luận “ăn cỗ đi trước” quả là oan, quá oan, còn hơn oan Thị Kính.

Tuesday, July 4, 2023

THỊT CHÓ

Con trai tôi nói, ở Phần Lan mà nhắc đến hai chữ thịt chó sẽ là chuyện không một người nào nghĩ tới, nếu không nói là kinh khủng đối với họ.

Mà thật. Mỗi buổi sáng đi bộ thể dục, những ngày rét căm căm, tôi bắt gặp người ta dắt chó đi bộ, trên các con đường hai bên cây thông còn động tuyết cuối mùa, cho chúng “dãn gân cốt”, khỏi cúm chân. Thỉnh thoảng chó ị, chủ nhân liền móc bọc lấy ra một túi ny lông, cho tay vào, kẹp lấy cục phân, rồi lộn ngược, bỏ vào bọc, có lẽ sẽ đem về nhà bỏ vào sọt rác.

Trên đường đi sáng nay, tôi gặp lại người phụ nữ đứng tuổi nhưng còn nét mặn mà (đương nhiên theo kiểu Tây, thân hình săn chắc, không phải kiểu Ta, liễu yếu mảnh mai) có con chó to như sư tử (có lần tôi nhắc tới trước đây). Sau câu nói chủ động trước, houmenta , chào buổi sáng, cô ta chỉ vào con thú cưng và nói he’s friendly, nó thân thiện lắm; ý là khoe con sư tử của mình.

Khác với lần trước, tôi không sợ hàm răng trắng nhởn, nhe ra khi người phụ nữ trấn an, he’s very nice, nó không sao đâu. Tôi lấy tay xoa đầu con thú to nặng mấy chục ký lô. Nó liếm vào tay tôi; buổi sáng 15 độ, hơi ấm từ miệng con chó làm tôi cảm thấy ấm áp hơn. Nhờ khen con chó, how gentle, hiền lắm, mà tôi làm quen và bắt chuyện với một người phụ nữ phương Tây khá là lịch lãm, dễ thương - mới chết chớ. Nếu ở VN, chắc chắn tôi sẽ xin số nhà hoặc số điện thoại, hoặc có thể là nickname Facebook.

Không phải mỗi một người phụ nữ này dắt chó đi bộ thể dục. Cung đường đi chừng 45 phút mỗi sáng, tôi không hề thấy ai ngoài bốn hoặc năm người dắt chó, hầu hết là phụ nữ. Tôi ít thấy đàn ông dắt chó. Có lẽ phụ nữ yêu chó hơn vì họ ít yêu đàn ông? Ấy là tôi nói phụ nữ phương Tây.

Tình cảm dành cho thú cưng nhất là con chó cho thấy văn hóa sống của ta khác Tây. Từ chỗ tiêu thụ hàng mấy triệu con chó mỗi năm, ngày nay, số người không ăn thịt chó tăng lên, số quán thịt có giảm xuống (theo một bài báo đọc trên VNExpress sáng nay), tôi rất vui.

Ít ra, dân tộc chúng ta vốn yêu mến thú nuôi như mèo và chó từ xưa. Không rõ, bắt đầu từ đâu nảy lên trào lưu ăn thịt chó, năm sau hùng hậu hơn năm trước. Hùng hậu đến nổi có câu vè, “sống trên đời không ăn thịt chó, chết xuống âm phủ không có mà ăn”. Khác với ông cha ta thuở xa xưa, coi chó và mèo là thú nuôi trong nhà rất có ích. Chó giữ nhà, đôi khi là nhà cầu di động, giúp thanh toán chỗ thải của trẻ con nông thôn, chưa có nhà cầu, nhà xí như ngày nay. Mèo nuôi bắt chuột, bảo vệ lúa má. Họ lấy tin tưởng duy tâm ra để khuyên người ta không giết thịt chó mèo. Ví dụ: Ăn thịt chó khó cả đời; nghèo bán chó, khó bán con; ăn thịt mèo nghèo ba năm. Hay là quan niệm ăn thịt chó xui xẻo. Thịt mèo cũng vậy.

Ở Tây, người ta không ăn thịt chó vì coi chó như người bạn thân và rất trung thành. Nếu tức lên, chúng ta nện con chó một gậy. Nhưng sau đó, chiều đi làm về, con vật bị đòn là người đầu tiên chạy ra đón chúng ta với chiếc đuôi quấn quít mừng rỡ. Chưa chắc vợ đón ta tươi cười buổi chiều nếu buổi sáng nàng bị chồng nói nặng một câu, chớ nói chi bị tát một tai.

Hay là, quý trọng chó vì người Tây cảm thấy cô đơn hơn người Ta? Chó là bạn thân bên họ? Có thể. Nhưng giết thịt bạn thân là tội ác đối với họ và là chuyện thường ngày của người VN, người TQ, người Triều Tiên. Đối xử tàn nhẫn (giết thịt) với con vật trung thành là chó, tôi nghĩ vẩn vơ, ba dân tộc trên, đất nước ấy luôn có chiến tranh trong lịch sử quá khứ, tôi nhấn mạnh là nội chiến, nhiều nhất và ác liệt nhất chăng?

Đọc tin thấy dân Việt quay lưng với thịt chó, tôi mừng vô hạn. Sát sinh là tội đối với nhà Phật. Huống hồ, giết chó. Giết người bạn trung thành.

Ngày mai, đi bộ sớm, tôi sẽ hỏi phụ nữ dễ thương người Phần Lan có con chó sư tử (cũng dễ thương) xem bài lý luận về chó của tôi có làm chị quan tâm không. Chắc chắn là như thế. Ngày mai sẽ gặp lại giai nhân đứng tuổi nhưng còn quá trẻ (so với tôi).