Thêm một bác sĩ tra tay vào còng. Đôi dòng tản mạn.
Thường thì thầy giáo dạy học, luật sư đi làm thầy cãi, và bác sĩ chỉ biết có bệnh nhân. Nhưng xã hội không luôn luôn xảy ra trật tự như thế. Có bác sĩ lại làm chính trị. Như bác sĩ quốc vụ khanh Phan Quang Đán thời VNCH. Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Mặt trận GPMNVN. Giáo sư làm chính trị cũng có, thầy giáo già Trần Văn Hương, cố tổng thống ngắn ngủi của nền đệ nhị cộng hòa (Nam VN).
Nhưng làm chính trị mà không phải xuất thân từ y khoa, nghĩa là như bác sĩ, vẫn yên tâm và hiệu quả hơn. Dân chúng không phải là bệnh nhân. Cho thuốc này không hết bệnh thì kê thuốc khác. Lỡ chích lộn thuốc có ngoẻo thì cũng giỏi lắm bị cấm hành nghề. Chớ bác sĩ mà làm chánh trị, nói nôm na, làm quản lý thì không những bệnh nhân bị chết mà người không bệnh cũng tèo theo. Mấy vị quản lý test kits mùa đại dịch là ví dụ điển hình.
Qua báo chí, chúng ta biết vị giáo sư bác sĩ viện tim chi đó ở Hà Nội. Rồi một vị bác sĩ khác ở Sài Gòn, cựu giám đốc bệnh viện Thủ Đức. Cả hai vị “lương y như từ mẫu” đang “gặm một nỗi đau buồn trong cũi sắt” (nhại câu: Gặm một nỗi căm hờn trong cũi sắt). Vì sao nên nỗi?
Dân bây chừ thấy quan chức, bất kỳ ai, vô lò họ rất mừng rỡ. Riêng tui, nói thật, không mừng chút nào. Bởi lẽ quan chức càng cao mà ở tù càng nhiều, đất nước càng bất an. Bất an không phải củi to bị đốt. Bất an ở chỗ “vì sao những người tài, đức vẹn toàn, hồng chuyên trọn vẹn, lại ra thân tù tội, ngày càng nhiều?”
Quy trình xét chọn cán bộ, càng cao càng nghiêm ngặt. Tại sao có người “Bề ngoài thơn thớt nói cười. Bề trong nham hiểm giết người không dao” (Kiều) lại lọt lưới, thăng tiến lên cỡ tối cao, lại về vườn đuổi gà cho vợ?
Cái nào gây bất an lớn nhất? Tôi hỏi và không thể trả lời.
Nhưng cái bất an nho nhỏ, đối với tôi, đó là vì làm quản lý (một hình thức tham gia chính trị), xã hội mất đi nhân tài, tôi không nói tới hiền tài.
Cựu giám đốc bệnh viện tim Hà Nội là người chữa tim giỏi nhất Việt Nam vào thời điểm này. Nếu ông ta không làm giám đốc, mà làm vị giáo sư nghiên cứu và giảng dạy, đào tạo ra những bác sĩ tim, thì đất nước này, sẽ có biết bao người được cứu khi mắc bệnh tim hiểm nghèo? Y đức nhờ vậy sẽ ngời ngời sáng rạng.
Có người nói tại ông ta thiếu đạo đức. Thiếu đạo đức tại sao được cơ cấu vào những chức vụ, chức sau cao hơn chức trước?
Ngày xưa, ngoài việc trị thẳng tay những kẻ lạm trong chốn quan trường, nhiều vị vua chú ý đến đến ưu đãi vật chất cho các quan lại, giúp họ không, hay ít nhũng lạm (bây giờ ta gọi tham nhũng), với cách “dưỡng liêm”, nuôi sự liêm khiết. Nguyễn Bá Thanh hồi còn sống, nghe nói, có cho bồi dưỡng cảnh sát giao thông ở Đà Nẵng mỗi tháng 5 triệu đồng người, để họ không phải vất vả đi kiếm “bánh mỳ’, có thể gọi là "tiền dưỡng liêm".
Vì sao một số bác sĩ lại ăn hối lộ? Tại vì họ sống không đầy đủ bằng nghề cao quý của mình. Tôi nêu ví dụ.
Ở miền Nam trước 1975, không có một bác sĩ nào ra tòa vì tham nhũng. Tôi chắc chắn như thế (Xin vài lời chỗ này. Tôi hay so sánh bây giờ với “hồi xưa” của tôi, để thấy là chúng ta có thể làm khác hơn, tốt hơn, nếu tham khảo cái quá khứ VNCH, chớ không phải Nhật hay Mỹ).
Một bác sĩ là một hãnh diện cho đất nước đang thời chiến tranh. Hãnh diện trước hết cho ai trở thành bác sĩ. Đầu vào, thi vào, trường y rất khắt khe. Sinh viên phải học một năm ở đại học khoa học để lấy bằng gọi là SPCN rồi mới “có quyền” thi vào đại học y khoa. Tối thiểu 5 hoặc 6 năm sau mới tốt nghiệp. Trên con đường học, ở lại, nghĩa là rớt, sẽ phải đi lính vì kẹt tuổi quân dịch (quy định tuổi nào học năm thứ mấy đối với sinh viên). Và nhiều người phải “ra trường” đi lính nếu là nam và gãy gánh giữa chừng nếu là nữ.
Tôi có một bạn học (hiện ở Đà Nẵng, có quốc tịch Mỹ) là sinh viên y khoa có thời ở chung phòng trọ tại Sài Gòn. Nhìn đống sách tiếng Anh, tiếng Pháp về chuyên môn của nó mà tôi sởn gai ốc. Trong khi học tiếng Anh, tôi còn ngắt ngư con tàu đi với sách giáo khoa, sách truyện của mình, thì bạn tôi ngày đêm miệt mài bên đống sách còn nghiêm túc hơn tôi, một sinh viên sư phạm.
Nói như thế, để thấy rằng đào tạo ra một bác sĩ là vô cùng gian nan, vất vả, tiêu tốn thời gian. Chính nhờ vậy, bác sĩ mới gọi là doctor cùng tên với tiến sĩ (doctor). Bác sĩ là người nắm vận mệnh bệnh nhân. Học lơ mơ, bác sĩ không khéo sẽ trở thành kẻ "giết người thầm lặng! Bác sĩ được xã hội coi trọng vì, chỉ những học sinh tài năng, yêu ngành y, yêu con người, mới đậu vào trường y.
Và mặt quan trọng hơn, bác sĩ khi hành nghề không bao giờ lo lắng về cuộc sống vật chất. Nếu làm cho nhà nước, (hầu hết) các bác sĩ ra trường đều có mức lương và phụ cấp thoả đáng, nếu không nói là khá giả. Có vợ, có con, bác sĩ khỏi phải lo toan bất cứ thứ gì. Ngoài giờ hành chánh, bác sĩ có quyền mở phòng mạch tư. Bác sĩ có phòng mạch thường có thể sắm xe hơi sau một thời gian hành nghề độ đôi ba năm nếu tay nghề cao.
Có thể đầu vào y khoa nghiêm khắc, chọn lựa người xuất sắc, số bác sĩ không nhiều như bây giờ; có nhiều kênh đào tạo, cả chuyên tu và tại chức. Nhưng đạo đức thì sao?
Bác sĩ VNCH không hề học đạo đức của ai cả và họ chẳng có thì giờ học đạo đức lương y như từ mẫu, nhưng không một bệnh nhân nào phàn nàn họ bị sách nhiễu mỗi khi nhập viện chữa trị bệnh. Khi đầy đủ vật chất không ai phải ăn cắp của công, ăn cắp của nhân dân, của đồng bào. Còn làm sao để bác sĩ sống đầy đủ vật chất, chuyện đó không phải là tài năng "múa may bàn phím" của kẻ hèn này.
Một cái giúp lương y không vào tù là đừng giao nhiệm vụ quản lý cho họ. Họ chỉ làm mỗi chuyên môn. Ở chế độ VNCH, quản lý y tế có bác sĩ không? Tôi thấy là không, và nếu có, quản lý rất nhẹ nhàng. Thường thì giám đốc bệnh viện lớn nhất tỉnh là giám đốc ty y tế. Ty y tế của họ không có phòng y tế, chẳng có trạm y tế. Có lẽ trong chiến tranh, guồng máy quản lý gọn, nhẹ hơn hòa bình. Lương tất cả nhân viên hay y tá, bác sĩ, điều dưỡng, các bộ phận hỗ trợ đều từ ngân sách tỉnh. Mọi xây dựng hay mua sắm vật tư nhà nước lo tất. Giám đốc bệnh viện không phải “ký hợp đồng” hay “ đi đêm nâng giá” thì lấy đâu họ có điều kiện nhũng lạm phải đi tù? Đương nhiên sắm cái gì, xây cái gì, y tế đề xuất, nhà nước trực tiếp giải quyết, và nhà nước toàn quyền quyết định, không giao quyền đó cho các bác sĩ.
Mỗi thời mỗi khác nhưng cốt lõi để bác sĩ, những cứu tinh của người dân không phải đi tù là tách ra càng nhiều càng tốt nhiệm vụ chuyên môn và công tác quản lý. Giám đốc bệnh viện chuyên chỉ đạo công tác chữa trị còn chuyện quản lý nên giao cho bộ phận chuyên ngành quản trị phụ trách.
Ông cứu quả tim con người lại ngồi đếm lịch trong tù, bên ngoài cần biết bao nhiêu con tim chữa lành để sống. Hãy trả lại thiên chức cứu người cho bác sĩ. Hãy thương họ, thương dân, bằng cách đừng giao cho họ nghề quản lý. Nhà tù sẽ không còn bác sĩ. Xã hội sẽ không còn xem rẻ giới tinh hoa một thời VNCH hết mực quý trọng.