Friday, October 21, 2022

TRỐNG

 Không phải là trống vắng mà là trống đánh. Như tiếng trống trường gần gũi vì ai cũng có thời đi học.

Quảng Nam tính ra có nhiều cái “nổi tiếng”; không chỉ “hay cãi” đâu hỷ. Đó là “Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều. Ghé ông Google có thấy làng nghề Lâm Yên hình thành hơn 200 năm, phát xuất từ Hải Dương, miền Bắc, đến nay nghề làm trống truyền đến 6 đời (thế hệ). Nhưng “mục sở thị”, tôi vào nhà một nghệ nhân, anh cho biết mình là đời thứ bảy ở làng làm trống bán cho cả nước nhất là các tỉnh phía Nam.
Có lẽ không ai tin nhưng người đàn ông này (tầm 50 tuổi, từ chối chụp ảnh) cho biết vừa bán cho một doanh nhân ở Đồng Nai một chiếc trống dài…6 mét rưỡi! Miệng trống có đường kính 2.3 m, bụng trống 2,8m với giá 3,5 tỷ (riêng tiền mua cây là 2,5 tỷ, loại gụ Châu Phi qua cảng Hải Phòng). Mất hàng mấy tháng mới hoàn thành chiếc trống “khổng lồ” này. Chiếc nhỏ hơn (trong hình) chừng 1 tháng, giá 120 triệu, miệng trống 1,3 m, bụng 1,6 m và thân trống dài 2,1 m.
Vì sao người ta không làm trống có mặt lớn hơn 2,3 m (có lẽ lớn nhất nước)? Đáp: Không có con trâu nào đủ lớn để cho da bịt đủ mặt trống lớn hơn. Mặt trống tôi cứ nghĩ làm từ da bò nhưng “bé cái nhầm”, không phải.
Lâm Yên là tên lâu đời của xã Lộc Hoà (VNCH), nay là Đại Minh (CHXHCNVN). Nếu “hai ông” sau dẹp nghề làm trống lâu đời thì ông Lâm Yên đã bị xoá sổ “bụi đời”. May mắn, vật phẩm văn hoá truyền thống phục hồi, trong đó có TRỐNG, CHIÊNG, cái tên cha ông đặt cho tên làng mới có cơ duyên sống lại.
Lâm Yên có chung số phận của nhiều ngôi làng bị chiến tranh tàn phá ác liệt nhất của tỉnh Quảng Nam và có thể nhất nước, vì nó nằm ở vùng B, vùng “oanh kích tự do”, (free fire zone) khác với vùng A thuộc quân đội Sài Gòn.
Người ta kể năm 1965, sau thời gian quân đội Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, du kích vùng “tự do” (Việt Cộng kiểm soát) chưa hình dung ra sức mạnh lợi hại của máy bay trực thăng. Họ chạy trốn Mỹ hành quân càn quét bằng cách núp vào các cánh đồng trồng bắp, từng toán, từng toán. Hẳn là tránh được đối phương. Ai ngờ, trực thăng Mỹ, với sức gió cực mạnh phát ra từ các cánh quạt, cây bắp ngã rạp sát mặt đất, “các đồng chí bị lộ”, rõ mồn một, và đau đớn thay, những chàng trai tuổi đôi mươi không có người nào còn sông để trở về với gia đình. Tỉnh “bà mẹ Việt Nam anh hùng “ nhiều nhất nước có lẽ do sự hy sinh quá lớn của những thanh niên ở buổi đầu chiến trận.
Và ác liệt của chiến tranh không làm mất đi truyền thống của làng Lâm Yên nửa thế kỷ sau: những chiếc trống làm bằng thân cây nguyên khối, không phải những mảnh gỗ mít ghép lại như thời xưa. Việc “gọt “ cho tròn, cho đều, cho cân đối khối gỗ to thành chiếc trống “quá khổ”, độ dày vỏ trống, cách thuộc da, phơi khô, bịt miệng trống, với các công đoạn phức tạp, đòi hỏi sự bền bỉ, tính kỹ thuật, tay nghề đặc biệt, không dễ ai cũng làm được, để có tiếng trống vang lên vừa hùng vĩ vừa lay động vừa khí khái cho xứng với trống Lâm Yên danh tiếng.
Ăn giỗ ở nhà một người bạn, nhìn những hàng cau cao vòi vọi trong những khuôn vườn của một vùng chiến tranh đẫm máu ngày xưa, bắt gặp khối cây để chế tác nên trống để bên đường, tôi mừng rỡ, sức sống của dân tộc này vẫn còn mãnh liệt, từ đây, trống Lâm Yên đi ra mọi miền đất nước. Không chỉ là tiếng trống trường. Biết đâu đó là tiếng trống “ra quân”, khơi dậy trong lòng mọi người VN, tiếng trống thiêng từ quá khứ, nếu không như tiếng trống Mê Linh thì cũng là “ Trống đồng Ngọc Lũ”.
Làng Lâm Yên và tiếng trống Lâm Yên. Tiếng trống danh tiếng đang vang xa, vang xa…

Wednesday, October 19, 2022

ẢO TƯỞNG THỊ GIÁC


 

Lúc là học sinh, chúng tôi được giải thích “ảo tưởng thị giác”; hai vòng tròn bằng nhau nhưng hình màu đen nhìn nhỏ hơn hình màu trắng. Lớn lên, tôi thấy cái ‘ảo tưởng’ này không mất. Điển hình, tôi và một người bạn. Anh lớn hơn tôi 2 tuổi nhưng nhìn trẻ hơn tôi 4 tuổi. Đến chỗ đông người, vẻ mặt của anh cũng cho người nhìn cái cảm giác một gã đàn ông bảnh trai dù tuổi ngoại thất tuần. Đương nhiên, anh được người khác chú ý nhiều hơn, nhất là cánh phụ nữ. Tôi không muốn so bì bên ngoài nhưng tôi muốn nói ý nghĩ con người không phải lúc nào cũng “vô tư”. Ý nghĩ thường hình thành do tình cảm, tập quán, hay thành kiến mỗi cá nhân. Sâu xa hơn là từ…giáo dục.

Nga của Putin là nước Nga đang bị thế giới tẩy chay. Nga của tay độc tài này khác Nga của Khrushchyov hay Gorbacheve càng khác xa nước Nga của Chiến Tranh và Hòa Bình hay Nga của Sông Đông Êm Đềm. Nhưng Nga của Putin vẫn là niềm tự hào và hãnh diện của một số (hay đa số?) người Việt Nam. Hành động ngang ngược của quốc gia này đối với một quốc gia khác vẫn được họ cổ võ. Quân xâm lược không bị lên án. Tuyên bố sáp nhập bằng trưng cầu giả hiệu lãnh thổ một nước có chủ quyền vẫn nhận “phiếu trắng” (đồng nghĩa: không biết, không nghe, không thấy). Nếu sau này có một nước lớn nào đó mang quân xâm lược một nước nhỏ – ví dụ là Việt Nam – thì thái độ các nước “bỏ phiếu trắng” sẽ được người Việt “phản đối” hay “hoan nghinh”?
Nhìn lại ví dụ tôi dẫn chứng ở trên. Chỉ bên ngoài thôi, tình cảm hay ý nghĩ của con người hình thành – thích hay không thích, yêu hay không yêu huống hồ chi tình cảm và ý nghĩ của một bộ phận (hay hầu hết?) người Việt chúng ta yêu thich nước Nga (của Putin) sâu đậm đến nỗi quên đi lẽ công chính: xâm lược phải bị lên án. Việt Nam chóng quên đất nước mình từng bị xâm lược rồi sao? Binh vực Nga (của Putin) là binh vực xâm lược. Sự nhầm lẫn ấy phát xuất từ đâu?
Cũng không khó để nhận ra nó. Số người Việt “thăng tiến” trong xã hội ngày nay đa phần là con cháu những người trước đây từng “hàm ân” Liên Sô. Bên cạnh việc bảo trợ giáo dục, đào tạo, vị anh cả khối xã hội chủ nghĩa viện trợ từng ký bo bo, từng viên đạn, từng chiếc xe tang, từng chiếc hỏa tiễn, từng chiếc máy bay cho miền Bắc tiến hành “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Thành quả “giải phóng miền Nam” là thành quả của sự viện trợ “không hoàn lại” (?) của Liên Sô đứng đầu là Nga.
Vì vậy, “ủng hộ” Nga “xâm lược” là thể hiện tình cảm “ăn quả nhớ người trồng cây”? Không hẳn như thế. Ủng hộ (tôi nhắc lại của một số người) Nga và Putin không hẳn hoàn toàn từ động cơ “vật chất” (khí tài chiến tranh, vũ khí giết người) mà từ “tinh thần” - sự giáo dục bền bỉ ở học đường khi trẻ mới chập chững bước vào mẫu giáo về Liên Sô (hay là Nga) anh em.
“Ông Lê Nin ở nước Nga,




Mà em cứ ngỡ như là Việt Nam”. (*)
Hoặc là:
“Vui biết mấy khi con tập nói.
Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin”.(*)
Và thống thiết hơn nữa:
“Xta-lin ơi!
Hỡi ôi Ông mất, đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười”.(*)
Khi gieo vào đầu óc trẻ con những tư tưởng hàm ơn như thế, có thể nói hàng trăm năm sau, tư tưởng ấy khó bề thay đổi.
Nhiều người cho rằng, tình cảm nước Nga dành cho Việt Nam (cụ thể là miền Bắc VN) quá sâu đậm trong quá khứ. VN ứng xử với Nga (của Putin) bằng thái độ “im lặng” cũng là điều dễ hiểu.
Tôi không nghĩ như thế. Trong thâm tâm, VN vẫn không thể chấp nhận hành động một nước mang quân xâm lược một đất nước có chủ quyền. Điều ấy trái với đạo lý: nước lớn không có quyền bắt nạt nước nhỏ. Điều ấy còn trái với luật pháp quốc tế được Liên Hiệp Quốc công nhận.
Campuchia là nước lớn hay nước nhỏ? Vì sao họ dám lên án Nga sáp nhập lãnh thổ đất nước có chủ quyền? Bởi vì Campuchia không mang trong mình tâm thế của một nước “nhược tiểu”: hàm ơn và “mở miệng mắc quai”.
Đến khi nào con người cất lên tiếng nói công chính mà không phải dè dặt “trông trước dòm sau” thì khi đó tâm thế nhược tiểu của con người không còn nữa: Người Việt anh dung như đã từng anh dũng tuyên bố hằng mấy trăm năm trước:
“Nam quốc sơn hà nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm.
Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư”(**)
Giáo dục trong sáng (có thể đối nghịch với giáo dục tuyên truyền) sẽ khiến các thế hệ hiện nay và mai sau có cái nhìn đúng đắn về lịch sử nước nhà. Trẻ con không còn ê a Lê-Nin hay Xít-ta-lin. Bằng cái nhấp chuột, chúng sẽ hiểu ra sự thật từng giai đoạn lịch sử. Quá khứ sẽ không thể chi phối tương lai nếu quá khứ ấy được soi rọi bằng trí tuệ chứ không phải tình cảm, bằng tâm thế ngẩng cao đầu đĩnh đạc chứ không phải tâm thế cúi mình trước sức mạnh. (Uy vũ bất năng khuất).
Sẽ không còn “trí thức” nào binh vực cho Putin độc tài. Yêu nước Nga chứ không yêu Putin. Cần nhớ lại bài học vỡ lòng: ảo tưởng thị giác luôn luôn là…ảo tưởng.
Chú thích:
(*) Thơ Tố Hữu
(**) Dịch nghĩa: “Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.
(Bản dịch của Lê Thước và Nam Trân)
Ảnh: Người bạc tóc hơn lại nhỏ tuổi hơn.

Saturday, October 15, 2022

CHỐNG LŨ



Dân Việt có truyền thống “chống” rất lâu đời. Ngày xưa chống Tàu, gần hơn chống Pháp, gần nhất là chống Mỹ. Chưa kể cả nước đang sục sôi chống tham nhũng.
Vì quyết liệt như thế, ngày nay người ta còn chống cả…Trời. Có cái ban lập ra để chống lại thiên nhiên: Uỷ ban phòng chống lụt bão trung ương.
Phòng thì rất tốt. Chống cũng nên xem lại. Chống lụt, chống bão, sao to tát quá. Ở quê tôi, trong đó có làng Hà Tân, người ta “tránh” chứ không chống “bão lụt”. Không khác với dân Nam bộ sống chung với lũ, người dân ở đây sống chung với lụt.
Trừ trận lụt năm Giáp thìn 1964, và trận bão kèm xả lũ năm 2006, quê tôi coi lụt như…”pha”, một tiếng lóng thay cho “chẳng nhằm nhò gì”.
Nằm sát quận lỵ Thường Đức cũ, (Quảng Nam) Hà Tân là ngôi làng chịu đựng nhiều nhất không chỉ chiến tranh mà cả thiên tai. Năm 1974, trận đánh cấp quận lỵ đầu tiên trên lãnh thổ VNCH xảy ra tại ngôi làng này. Phải mất hơn 10 ngày, quận lỵ mới thất thủ. Quân giải phóng hy sinh gần 1000 người, tức chừng 10 đại đội. Quân “Nguỵ” và dân thường không rõ bao nhiêu nhưng cứ thượng tuần tháng 8 âm lịch, các chợ trong khu vực đều khan hiếm thịt heo. Vùng quê tôi coi thịt heo là món chủ đạo cho bữa ăn “thịnh soạn”. Sẽ có hàng chục, có thể là hàng trăm gia đình mua thịt về làm…đám giỗ cùng một thời gian, vì thân nhân bị chết trong trận đánh ác liệt, có người không tìm ra xác hay bị mất tích khi tháo chạy do thất trận.
Điều đó làm cho người dân quê tôi càng quen đối phó với tai ương, của trời cũng như của người. Và lũ lụt đối với họ cũng vậy. Khi có mưa to kéo dài, chính quyền địa phương sẽ thông báo chừng chừng mực nước lên của hai con sông chạy ngang qua làng, một ở hướng bắc, sông Con, một ở hướng nam, sông Cái. Duy nhất ở quê tôi, một ngôi làng có hai con sông bao bọc gần như ba phần tư đất đai của dân làng. Tôi chưa nói, Hà Tân này có một lúc hai tượng đài kỷ niệm về một chiến thắng, cái nhỏ cấp địa phương, cái lớn cấp quốc gia.
Người ta “sống chung” với lũ lụt như thế nào?
Sáng nay, lúc 1 giờ, loa thôn thông báo: bà con dậy “dọn lụt”. Thực sự, buổi chiều hôm trước, dân đã “dọn” đồ đạc lên gác cao xong xuôi đâu vào đấy. Có nhà dùng ròng rọc kéo vật dụng, hàng hoá trên một cái sàn gỗ chắc chắn. Chỉ cần bật công tắc điện, mọi thứ sẽ đưa lên gác, một người ở sẵn bên trên chuyển vào nơi cất giữ. Nhiều nhà sử dụng máy phát điện; thông thường có lụt lớn, điện sẽ bị cắt vì sự an toàn. Lụt sẽ chia cắt các địa phương, việc đi lại rất khó khăn. Thiếu điều kiện hơn, nhiều nhà buộc những chiếc thùng phuy lại, đặt những tấm ván kết liên với nhau, vật dụng thiết yếu để sẵn bên trên, nước lên, “bè” lên.
Nghe TV báo bão, báo lụt, ở xa, chúng ta thấy xót xa cho những đồng bào của mình nằm trong vùng ảnh hưởng. Nhưng ở cùng với họ, tôi thấy lũ lụt lại rất…gần gũi với bà con. Họ thật sự sống chung với lũ lụt. Họ không chống lũ lụt, họ không chống lại thiên nhiên, họ sống với thiên nhiên.
Chỗ nào ngập nước (cục bộ) thì người ta lo chuyện ngập nước. Chỗ nào chưa ngập, và biết chắc rất khó ngập nhờ địa hình cao, người ta “thưởng thức” thời gian “rảnh rỗi” bằng cách tụ tập uống cà phê bàn chuyện trên trời dưới đất, đương nhiên không sót chuyện thời sự Ukraina và Nga. Phụ nữ có người nhóm lửa…”đúc” bánh xèo. Trời rầm rập từng cơn gió lạnh, mưa từng hồi đập mạnh lên mái nhà, có lúc lại rả rích bên ngoài, gia đình quây quần bên nhau, cầm những chiếc bánh nghi ngút khói chấm nước mắm ớt đưa vào miệng nhai. Cái béo ngậy của bánh đem lại năng lượng để người ta sống chung với lũ lụt. Bánh xèo dễ làm; có sẵn bột gạo thơm, chỉ cần giá, nấm, thịt heo ba chỉ, dầu phụng, những thực phẩm quen thuộc, và một bếp củi, người ta có một bữa ăn thay cơm ngon miệng.
Lụt thì có đông chợ không? Có. Ở khu nào nước không bao giờ ngập trong làng. Lạ lùng ở chỗ, tất cả xe máy đều tập kết vào những chỗ này, cả ngày lẫn đêm, chẳng cần khoá cổ, khoá xích. Chưa hề có vụ mất cắp xe nào kể từ khi xe máy trở thành phương tiện đi lại thông thường của người dân, mỗi nhà tối thiểu một chiếc.
Thật ra, chợ “đông” rất khiêm nhường. Chừng năm bảy người bán và hơn chục người mua. Sáng nay, nhà tôi mua vài cái bánh ít, vài cái bánh chưng cho gia đình bà chị, và mọi người không cần phải ăn mì gói dự trữ từng thùng phòng lụt ngâm lâu.
Chuẩn bị ra về, tôi bắt gặp một cụ già, tuổi như tầm mẹ vợ tôi (gần 90) đang hối hả tới “chợ” với một chiếc rổ nhựa bên hông. Bà ngồi kế một người phụ nữ khác đang bán hai trái thơm (dứa) chín vàng. Trên chiếc rổ nhựa cũ là ba bó môn mới cắt, quấn bằng ba cọng cỏ dài, có nhét kèm mấy chiếc lá lốt. Môn ngọt nấu với mọi loại cá đều ngon. Không cá thì lá lốt thay cá. Mỗi bó …5 ngàn. “Chị mua hết hả?“. “ Dạ, con mua hết”. Thoáng ngạc nhiên, bà cụ cầm tờ 20 ngàn và ngượng ngùng: “Lồm ren có noăm ngoàn thối cho chị đây”. (Làm sao có 5 ngàn thối cho chị đây). “Bà khỏi thối cho con”. Chúng tôi ra về, lòng vừa ái ngại, vừa sung sướng, chỉ với 20 ngàn, một cụ già không phải ngồi lâu để chờ bán 3 bó môn dại có lẽ sáng nay mới tìm cắt.
Thiên nhiên không bao giờ làm cho người dân quê tôi kinh hoàng nếu các đập thủy điện đừng biến lụt thành lũ. Thủy điện cần những người điều hành không những lương tâm mà còn phải trí tuệ.
Sống với lũ lụt khác xa với chống lũ lụt. Người dân quê tôi rất hiểu điều đó. Ba bó rau của bà cụ cũng thể hiện “triết lý”ấy.

Wednesday, October 12, 2022

LŨ, LỤT.


 

Quê tôi chỉ biết lũ sau 1975. Trước đó chúng tôi chỉ biết có lụt. Và chúng tôi gọi lụt bằng “cây lụt”. Cây xoài, cây mít, cây ổi…Thân thương, thương lắm. Cây lụt cũng vậy. Lũ nghe rất dữ dội. Và cũng đúng như thế. Khi thấy có nguy cơ, các đập thủy điện bắt đầu “xả lũ”. Chẳng ai nói xả lụt.

Ngoại trừ “trận” lụt năm Thìn, 1964, gây cảnh thảm thương, mọi cây lụt ở miền Trung, cụ thể ở quê tôi, rất “gần gũi” với người dân Quảng. Trong đó có tôi.
Qua truyền thông, rõ nhất là báo chí “chính thống”, cây lụt của tôi biến thành cơn lũ của họ. “Lũ” sẽ kèm theo nhà cửa bị trôi, hoa màu bị hại, mạng sống bị mất. Cây lụt “hiền” lắm. Cứ sau tháng 8 âm lịch, vùng quê sẽ đón những cây lụt. Nhiều thì năm sáu cây, ít thì đôi ba cây. Mưa sẽ kéo dài một tuần hay 3 ngày. Tùy lượng mưa sẽ có những cây lụt to hay nhỏ. Nước lụt sẽ được đón chờ. Trẻ con chúng tôi đi “coi” lụt. Các bác nông dân sẽ “đứng trủ”, một loại lưới hình vuông, bốn góc nối với hai cộng tre nhỏ bằng ngón chân cái uốn cong giao nhau, điểm giao này cột chặt với một thanh tre đực (tre đặc ruột bằng ống thổi lửa) dài chừng 3 mét, đầu thanh tre tì vào đất, chừng 10 phút, người ta “cất” trủ, tức kéo lưới lên. Cá đang đi bị nằm trong lưới. Một cái gáo dừa có cán dài đưa ra để “hốt” trọn số cá trong đáy trủ. Cá dính lưới thường là cá con, gọi là cá “cấn” – cá con đủ loại.
Cây lụt sẽ “lớn” dần. Một hay hai ngày, lụt mới vào sân hay vào nhà. Trẻ con chúng tôi cắm một cây nhỏ ở mực nước dâng. Lụt sẽ “to” nếu chỗ cắm cây nước ngập nhanh. Lụt sẽ nhỏ nếu chỗ đó nước lên chầm chậm. Vì sao như vậy? Núi rừng quê tôi bao bọc lấy xóm làng.
Dãy Trường Sơn ôm ấp xóm làng dưới chân mình. Tầng tầng, lớp lớp các loại cây rừng, lớn có, nhỏ có; có cây trăm tuổi, có cây 50 tuổi, và có cây mới có trên trần năm bảy tháng; tất cả như là người ông, người cha, người con…ruột thịt với dân làng sống quây quần bên lưu vực các dòng sông , sông Côn, sông Cái, sông Vàng. Các thế hệ cây rừng giữ nước mưa, khi nhiều quá, họ mới cho chảy xuống sông. Sông không chứa đủ, nước phải tràn. Nước mưa càng nhiều, sông phải chia sẻ nước vào những cánh đồng lúa bạt ngàn. Rút không kịp, nước sông đành vào nhà người dân than mến của mình.
Những cây lụt càng “ngâm” lâu, những cánh đồng càng phì nhiêu; phù sa từ suối nguồn, lá rừng hoai mục từ rừng núi, ruộng đồng tươi tốt sau những cây lụt trong năm. Lụt còn giúp nông dân “giải quyết” chuột đồng, kẻ thù bất cộng đái thiên. Có lũ gặm nhấm, có tai họa. Nhiều năm thiếu lúa vì bọn gặm nhấm quá nhiều. Chúng như những quan tham, đục khoét tài sản nhân dân.
Lụt không hại nông dân. Lụt với nông dân là bạn. Chỉ có lũ mới là kẻ thù. Lụt đến, lụt đi, như quy luật ngàn đời. Lụt bắt đầu và lụt kết thúc, nhờ thiên nhiên, ở đây là núi rừng nguyên sinh của dãy Trường Sơn; người ta còn “hiểu” lụt như hiểu người yêu: “Ông tha mà bà chẳng tha/ Làm cho cây lụt 23 tháng 10”. Qua tháng 10 âm lịch, lụt không còn nữa. Họa hoằn lắm gần cuối tháng mười (ngày 23) mới có một cây lụt “cuối cùng”. Lụt lớn đến nổi, trên mặt sông có những cây khô rất to, trôi vun vút như tên bắn. Dân làng kháo nhau ông bà lên nguồn lấy cây về để “làm nhà”.
Khi lụt dâng, người ta bắt đầu đi đánh cá. Kẻ “khá giả” mới sắm nhiều tay lưới. Người “trung lưu” bắt cá bằng lờ. Lờ có hình trụ dài tầm 5 tấc, ngang 2 tấc, có cửa (hom) 2 đầu, cá vào nhưng không ra được, đan bằng những cộng tre vót nhỏ như cây tăm (lờ trúm, lờ con), hoặc lớn hơn (lờ trung, lờ ống, lờ ngâm , có thể để dưới nước đôi ba ngày mới giở -tức thu lờ về), loại lo chuyên đánh bắt cá giếc, cá dưng, loại cá sống rất lâu dưới nước mà không sợ thiếu ô xy, khác với loại cá tràu (lóc), cá rô, cá trê. Mùa mưa nhiều, tức mùa lụt, chính là mùa người nông dân yêu thích: vừa có cá ăn, vừa có màu mỡ cho vụ mùa.
Người nông dân dự đoán lụt to hay lụt nhỏ tùy theo lượng mưa kéo dài nhiều ngày hay ít ngày, mưa to hay mưa nhỏ. Việc “dọn lụt” sẽ được quyết định hay không. Dân còn nghèo, ngoài các vật dụng liên quan nghề nông như cối xay, cối giã lúa, dừng, sàng, nong nia, thì lúa là tài sản quý giá nhất. Thường thì nhà nào cũng có gác lửng làm bằng những tấm gỗ dày, cứng cáp, nơi chứa những bồ lúa hay “dí” lúa, (tấm cót rộng 1 mét dài chừng 4 mét, đan bằng tre chẻ mỏng). Việc dọn lụt do đó không lấy gì làm vất vả. Vả lại, nước lụt dâng từ tốn không làm cho nông dân “trở tay không kịp” như những trận lũ ngày nay.
Lụt khác lũ – theo suy nghĩ nông dân – vì lụt hiền hòa và lũ dữ tợn. Cây rừng bị triệt hạ, cả già lẫn trẻ, thay vào bằng cây keo, cây tràm cho TQ mua làm giấy, đôi ba năm đốn sạch, đốt sạch để trồng tiếp. Lại còn những con đường ủi loang lỗ, chằng chịt trên núi, xe công nông có thể chạy đến tận nơi chuyển gỗ tràm, gỗ keo về các nhà máy để băm nhỏ cho dễ xuất. Hễ có mưa là có nước đỏ quạch đất núi trút xuống ào ào. Rừng không còn là bạn của dân nghèo. Rừng của những người có của ăn của để: rừng keo rừng tràm, một loại rừng “mì ăn liền”. Nước mưa hiền hòa trở thành dữ tợn: nó trở thành lũ quét. Quét hoa màu, quét vườn tược, quét cả nhà cửa. Lũ càng dữ tợn với các thủy điện xả lũ. Bàn tay con người còn mãnh liệt hơn bàn tay thiên nhiên. Xả lũ không phù hợp làm lụt ở vùng hạ lưu các dòng sông có đập thủy điện trở thành lũ, hung tợn, dũ dằn, có khi tàn khốc.
Phát triển để phục vụ con người nhưng phát triển gây hại cho nhóm người này đồng thời tạo lợi ích cho nhóm người khác cần phải cân nhắc. Lợi lớn hơn hay hại lớn hơn. Đó là suy nghĩ của các bậc điều hành đất nước ở tầm vĩ mô. Tầm “vi mô” ở người dân nằm trong tay tầm “vĩ mô” của lãnh đạo.
Lũ ngày nay có vẻ hiền hơn trước? Các đập thủy điện đầu nguồn có kinh nghiệm dự đoán thời tiết và xả lũ thích hợp, kịp thời gian, đúng quy trình khoa học . Tuy nhiên, quê tôi là nơi có nhiều thủy điện nhất nước. Không biết đây là niềm hãnh diện hay là nỗi lo âu. Tính toán xả lũ để làm các cây lụt hiền hòa hay dữ tợn, tất cả tùy thuộc vào con người – những ai đang giữ trọng trách điều hành thủy điện. Rất may, kể từ năm 2006, vừa lũ vừa bão, thủy điện thi nhau xả lũ, cả một ngôi làng gần thủy điện gần như bị lấp đầy bởi cát, đá, có chỗ lên đến mấy mét. Thiệt hại về người, về của đến mức chủ tịch nước Trương Tấn Sang than hành đi xe qua hơn 50 cây số từ Đà Nẵng lên đến quê tôi để “mục sở thị” tác hại của lũ trời, lũ người.
Từ đó về sau, các trận lũ dần dần hiền hòa, hình ảnh các cây lụt xa xưa đang dần hình thành: dân cư trong vùng gần thủy điện đĩnh đạc đón lụt trong tâm trạng không còn hoảng sợ trước lũ như năm 2006.
Tất nhiên, ngày nay của cải vật chất nhiều hơn, tốt hơn, việc dọn lụt của dân chúng càng nặng nề, càng vất vả hơn. Nhưng tất cả đều được chuẩn bị bình tĩnh hơn, và cẩn thận hơn. Nhưng vì nằm giữa hai con sông: sông Cái và sông Con, dân quê tôi vẫn còn “hồi hộp”: Thủy điện bên sông nào xả sớm, xả mạnh, dân làng sống hai bên bờ con sông ấy sẽ “đón” lũ sớm hơn, đương nhiên sẽ vất vả, nhọc nhằn hơn.
Người dân rất quen vào “tính nết” của các ông bà thủy điện. Ngày xưa sống chung với lũ thì ngày nay sống chung với thủy điện. Có thủy điện, có tiện ích. Người sử dụng điện khắp VN có lẽ sẽ không hiểu thấu nỗi lòng của người ở vùng “sản sinh” ra thủy điện. Lũ lụt trở thành “lẽ sống”. Năm nào cũng vậy. Năm bảy cây lụt là chuyện thường. Dân chỉ mong lụt không biến thành lũ. Trăm sự cũng trông mong vào sự xử lý thông minh của các ông thủy điện. Lũ sẽ thành lụt. Lụt rửa sạch thuốc trừ sâu rời khỏi ruộng đồng. Lụt trừ khử kẻ thù nông dân: loại chuột chuyên gặm nhấm. Lụt bồi bổ phù sa cho ruộng đồng. Mùa lụt, chợ quê bày bán nhiều loài cá trước đây gần như tuyệt chủng vì thuốc bảo vệ thực vật: cá giếc, cá dưng, cá gáy…
Tôi bắt gặp những đàn cò trắng bay lượn trên mặt nước khi lụt đang rút đi. Chúng đậu tương đối nhiều trên cồn chưa ngập nước có trâu đang gặm cỏ. Và đặc biệt, trong mùa lụt tôi gặp một đàn quạ mấy chục con: thật hiếm thấy mấy chục năm trở lại đây. Cò và quạ là hại loại chim rất thân thuộc với dân quê từ khi tôi còn năm bảy tuổi. Bẵng đi mấy chục năm, chúng lại trở về. Lũ thành lụt chăng?

Thursday, October 6, 2022

THÀNH KIẾN hay ĐỊNH KIẾN?

 Trong 2 từ trên, không rõ từ nào “tốt hơn” từ nào, nhưng có vẻ ông Thành kiến có lý lịch không trong sạch bằng ông Định kiến.

Bước vào một ngôi nhà mới xây xong, bề thế, khang trang, người thăm nếu ganh tị sẽ nghĩ “con chủ này, làm gì mà mau giàu thế, chắc là của cha mẹ để lại” nếu chủ nhà là thường dân. Nếu chủ ngôi nhà là một cán bộ, “thằng này chắc ăn hối lộ, chớ tiền đâu mà xây nhà to thế này”.
Nhưng kết luận đó dựa vào cái gì? Dân hay cán bộ không được xây nhà đẹp, nhà to, bằng mồ hôi công sức của họ sao? Cái ông Thành kiến dứt khoát là…nguyên do của nhận xét trên, biểu hiện thái độ yêu ghét thường tình, “thế thái nhân tình”.
Những người ở miền Nam trước 1975 ban đầu thường không thiện cảm mấy những người từ miền Bắc vào; đa phần họ “quy tội” chính những người ngoài đó vào đây làm cho một số người trong họ đã gặp những khó khăn thua thiệt trong cuộc sống sau 30 tháng 4. Nhưng tất cả người Bắc đều… “khó ưa” sao?
Người Nam không phải là người Bắc?
Lãnh thổ miền Nam từ thời Nguyễn Hoàng được khai phá, mở rộng, làng xã được hình thành, không phải nhờ những người theo các chúa Nguyễn từ miền Bắc (Đàng ngoài) vào hay sao?
Chính chiến tranh, nội chiến Trịnh-Nguyễn, thực dân Pháp(chia nước ta làm 3 kỳ, có thể chế chính trị như một quốc gia riêng lẻ) và cuối cùng cái “ý thức hệ” đã chia rẽ chúng ta rất lâu, rất rộng, rất sâu, và từ đó, hễ ai là “miền Bắc”, “cộng sản”, “quốc gia” là bị “người bên kia” gọi bằng một cái tên nghĩ kỹ ra không phải cái tên đồng bào gọi nhau dù tất cả cùng một dân tộc, một đất nước, một tổ quốc. Lẽ ra chúng ta nên thấu hiểu lịch sử chính mình: một nước nhược tiểu vì vua chúa bất minh, vì ảnh hưởng đế chế phong kiến Trung Hoa, vì xâu xé bởi thế lực quốc tế; ban đầu người dân cùng nhau chung sức giành độc lập, về sau lại trở thành đối kháng nhau vì cái gọi là “ý thức hệ”, đánh nhau chí tử, núi xương sông máu, các cường quốc thêm củi, thêm lửa, thêm tiền, thêm hóa chất hủy diệt, chúng ta càng chết nhiều hơn.
Lịch sử rất huy hoàng “đánh thắng các đế quốc to”nhưng cũng rất bi thương, phải trả giá bằng mạng sống hàng triệu đồng bào. Người Nga, người Tàu, rồi người Pháp, người Mỹ và chính chúng ta, đã làm tan hoang đất nước mình.
Nhìn sự xích lại bên nhau, tuy còn nhiều việc phía trước, Nam Hàn và Bắc Hàn là nỗi niềm cho chúng ta suy nghĩ. Ước chi hơn 50 năm trước chúng ta làm được cái việc họ đang làm. Phúc hạnh cho dân tộc biết là dường nào.
Nhưng lịch sử không có “ước chi” và không bao giờ có “nếu mà”. Giờ đây, đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà, non sông nối liền một dải, sáng ở Hà Nội chiều có mặt Sài Gòn, liệu trong lòng của chúng ta có mảy may “thống nhất” nào không?
Chúng ta có thật sự đang sống ở một đất nước mọi người đều yêu thương nhau, xem nhau như cùng một nhà, cùng đồng bào hay không? Kẻ này gọi những người kia là bọn…“ba que”. Người kia gọi những người này “quân cộng sản”.
Những ngôn từ đó dành cho nhau dễ dàng như hít thở, hít vào thở ra, vô tư bình thản mà không thấy như vậy đã đè nặng lên tâm hồn nhau sao?
Còn một điều không thể không nói tới dù nó rất “nhạy cảm” và “nguy hiểm ”.
Đó là lá cờ, một biểu tượng tinh thần hết sức thiêng liêng.
Lá cờ vàng (hay bị gọi xách mé là “ba que”) bây giờ không còn phất phới ở Liên Hiệp Quốc, nhưng vẫn nằm trong tâm thức hàng chục triệu người miền Nam, vì nó mà hàng triệu người bỏ mạng trong cuộc chiến vừa qua.
Lá cờ đỏ cũng là một biểu tượng hy sinh, niềm vinh dự của hàng chục triệu người và vì nó mà hàng triệu người bỏ mạng, hàng trăm ngàn người mất tích nơi rừng thiêng nước độc, thỉnh thoảng còn vang lên lời ai oán “ai biết xác liệt sĩ này nằm ở đâu xin báo cho gia đình chúng tôi...”.
Tại sao chúng ta cứ mãi nhắc đến những nỗi đau của đồng loại, bằng những tên gọi như tôi nhắc ở trên (dẫu không nhiều)? Chiến tranh vẫn còn sao? Vẫn còn những quan điểm gây chia rẽ sao? Vẫn còn có người xem nhau như thù địch sao?
Mẹ Việt Nam chẳng giây phút nào thanh bình dù tiếng súng đã im ắng mấy chục năm nay.
“Khép lại quá khứ không phải để quên nó đi nhưng để nó không ảnh hưởng tương lai”. Khó mà thực hiện mơ ước trên khi chúng ta hiện nay còn có quá nhiều thành kiến và định kiến xuất phát từ quá khứ đau thương.
Định kiến hay thành kiến đẻ ra từ vô minh. Ước chi vô minh bị triệt sản.

Monday, October 3, 2022

DĨ THỰC VI TIÊN? ( ăn là trên hết?)

 Đất nước Việt Nam hình thành như hôm nay là kết quả của các cuộc di cư. Biến cố lớn nhất tạo ra di cư: cái ăn’, kế đến mới là chiến tranh. Chiến tranh xảy ra nếu cái ăn có đủ, ít ai phải di cư. Người Việt gắn chặt với nơi chôn nhau cắt rốn. Điều tôi nói vẫn đúng đến ngày nay. Nhiều người nói giọng Trung, giọng Bắc đang ngày càng nhiều ở miền Nam, nhất là các thành phố, đô thị. Không ai di cư ra miền Bắc, miền Trung. Vì sao? Miền Nam dễ làm ăn, thời tiết thuận lợi, đất đai màu mỡ, tinh thần con người khoáng đạt.

Tỉnh “nghèo “ như quê tôi Quảng Nam có những cuộc di cư như thế không? Ít ai để ý, ngay cả người Quảng, có những cuộc di cư nhỏ nhỏ nhưng “khốc liệt”, nhất là thời gian chống Pháp.
Vùng cực tây núi rừng Quảng Nam là nơi ’ đất lành chim đậu’ . Có vẻ khó tin nhỉ? Nhưng có thật. Cánh đồng Thường Đức (quận lỵ cũ gồm 3 xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lộc Ninh) là Đồng Nai con và do đó, trở thành hậu phương kháng chiến thời Việt Minh. Dưỡng quân tại đây để VM đánh giặc tới cả Khu Tư (Huế- Bình Trị Thiên) qua dãy Trường Sơn.
Sau 1945, nạn đói và các cuộc bố ráp của Pháp vào các vùng giáp ranh Hội An khiến dân chúng bắt đầu tản cư lên quê tôi, vừa tránh chiến sự, vừa kiếm kế sinh nhai.
Nếu đi bộ, tránh đồn Tây, phải mất ba ngày đi qua Duy Xuyên, dọc theo sông Thu Bồn, rồi đi qua các rẻo núi cao trở xuống vùng Đồng Nai con. Nếu đi thuyền, thời gian cũng ba ngày, và mất hai ngày rưỡi với thuyền có bườm. Ruộng thì có chủ chỉ có bãi bồi ven sông, sát chân núi thì không. Mua có bạn, bán có phường, huống hồ sinh cơ nơi ở mới, cư dân hình thành từng nhóm nhỏ các lều trại bằng tranh, tre, nứa, lá (tro), thứ phẩm vật núi rừng có đầy dẫy.
Đất đai màu mỡ, khoai, sắn, bắp thu về không sao chứa xuể. Một số để ăn, một số chở về xuôi cho những người không đủ sức di cư như người già, trẻ em, kẻ đau ốm. Cá đánh bắt từ sông, ê hề. Thú rừng thì khó bắt hơn. Nhưng thỉnh thoảng có những bữa tiệc lớn từ đâu đưa tới: heo rừng, heo con, heo mẹ, heo đực chiếc (con đầu đàn). Vì không có cầu, lẫn không có ghe, để đi kiếm ăn hai bên bờ sông, heo rừng buộc phải lội qua sông theo bầy; đặc điểm của heo không bao giờ đi một mình (trừ heo đực chiếc, rất to, rất dữ tợn, có thể tấn công người).
Thân mình chìm dưới nước, chỉ một phần đầu và cái mõm dài đen trũi là nhô lên. Vì theo bầy, heo nối đuôi nhau qua sông; ở xa người ta tưởng tượng như có ai giăng một sợi dây to màu đen vắt qua hai bờ sông phủ đầy luống khoai, cây sắn, hai thứ đặc sản hàng đầu heo rừng rất thích.
Trên bờ, đố ai lại gần bầy heo rừng. Nhưng dưới sông, chúng rất yếu thế. Khi phát hiện bầy heo “quá cảnh”, người ta đánh động cho nhau, vội vã chèo thuyền tiếp cận. Thật tội nghiệp nhưng thịt heo là món ăn truyền thống, heo rừng lại là món ăn cao hơn truyền thống; chúng bị đánh chết bởi những chiếc dầm (tay chèo) gỗ kiền kiến săn cứng như sắt nguội.
Có lẽ không ai ăn được thịt heo rừng muối nhưng là dân tản cư từ vùng gần Hội An, muối họ mang theo rất nhiều, nó biến thành tủ lạnh giữ thịt ăn cả tháng trời cho đến khi có một “sợi dây đen to” nối qua sông lần khác. Heo rừng ăn sắn, ăn khoai của người trồng, người ăn lại thịt chúng: nhân quả mà, có chi là tội nghiệp.
Chỉ có tội nghiệp cho con người ngày nay, không hề trồng khoai, trồng sắn cho heo rừng nhưng lại khoái ăn thịt của chúng. Muốn hưởng quả nhưng chẳng gieo nhân nên núi rừng ngày càng cạn kiệt, cây rừng biến mất, cây tràm làm giấy thay vào. Đôi ba năm, tràm được đốn hạ, núi đốt trụi lũi để đất sạch trồng tiếp vụ sau, những cây rừng “mì ăn liền”.
Chuyện di cư xảy ra cách nay gần 70 năm, bây giờ, chỉ còn là chuyện đời xưa. Khi hết can qua, người di cư trở về quê quán. Nếu ở lại Đồng Nai con, lấy gì mà sinh sống. Hay là phá núi trồng tràm? Không được rồi. Xưa rừng là của chung, đất đai thuộc sở hữu toàn dân; nay rừng có chủ. Có những ông chủ sở hữu cả một cánh rừng bạt ngàn, cánh rừng tràm đấy ạ.

Tuesday, September 27, 2022

Toàn cầu hóa (globalization) có lợi nhất cho Trung Quốc; phi toàn cầu hóa (deglobalization) có lợi nhất cho VN


 

Việt Nam lọt vào điểm ngắm (radar) của phi toàn cầu hóa (deglobalization). Mấy tháng nay, phi toàn cầu hóa được nhiều người nói tới. Cụ thể, nơi nào bị tác động nhất, hoặc giả, TQ có chịu nổi đợt thoái vốn áo ạt này hay không. Tuy nhiên, ít ai để ý đến nước hưởng lợi trong sự bùng phát này.

TRUNG QUỐC KHÔNG CÒN LÀ LỰA CHỌN HẤP DẪN
thể nói, TQ là nước hưởng lợi lớn nhất trong việc toàn cầu hóa (globalization) hàng chục thập niên rồi. Từ khi gia nhập WTO năm 2001, GDP của họ tăng gấp mười một lần, trỗi dậy từ nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới vươn lên vị trí thứ 2 và gần bắt kịp Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cơn sóng địa chính trị đã sớm đổi chiều. Cả ở TQ, và còn hơn thế nữa. Qua chính sách lưu thông kép, TQ đầu tư mạnh về công nghệ tiên phong để bảo đảm không còn lệ thuộc vào công nghệ thiết yếu từ nước ngoài. Rõ nhất là chất bán dẫn. Xu hướng này không có gì bất ngờ, vì các công ty ngày càng thấy rõ các rủi ro liên quan đến đầu tư ở TQ – đáng chú ý nhất là chính sách “zero-Covid” (phong tỏa tiếp phong tỏa khi xuất hiện dịch-ND). Chi phí nhân công và đất đai tiếp tục tăng, đầu tư vào TQ chẳng có ý nghĩa gì về kinh tế đối với các công ty đa quốc gia. Một số công ty còn nán lại ở TQ đang cân nhắc chủ trương “TQ cộng một” (China plus One) để bảo vệ vốn liếng của mình. Do đó, nhiều công ty xem xét các lựa chọn thay thế trong khu vực.
VIỆT NAM LÀ NƠI LÀM ĂN LÝ TƯỞNG
Vào Việt Nam. Có một số yếu tổ khiến VN có một vị trí hoàn hảo. Về măt địa lý, VN nằm sát phía nam TQ, thông ra biển Đông qua các cảng biển lớn, sản phẩm xuất khẩu nhanh chóng. Giá trị gia tăng vẫn tạo ở nơi khác, chủ yếu là TQ, việc tiếp cận công nghệ, nguồn nhân lực kỹ thuật cao, ở đó phong phú hơn nhiều.
Tuy nhiên, VN tự khẳng định mình là nơi hoàn hảo để lắp ráp sản phẩm ở giai đoạn hoàn chỉnh. Giai đoạn này không cần công nhân tay nghề cao, các công ty do đó tận dụng giá nhân công thấp, đất đai rẻ (so với các nước láng giềng). Thái Lan và TQ là hai nước đầu tư đáng kể trong sản xuất, dẫn đến giá đất tăng khi xây nhà xưởng đồng thời lương cũng tang, khiến cho họ khó cạnh tranh với nước láng giềng VN.
Dân số VN cũng là yếu tố chính. Với 98 triệu dân, VN là nước đứng hàng thứ 15 trên thế giới về số dân, hầu hết đều là lao động trẻ. So với TQ, VN là một quốc gia trẻ, đó cũng là lý do tại sao họ có khả năng chấm dứt chủ trương bỏ phong tỏa (“zero-covid”) hồi cuối thu năm ngoái.
CÁC ÔNG LỚN ĐÃ VÀO VN.
Samsung có lẽ là công ty đặt cược lớn vào VN. Năm nay, họ đầu tư 920 triệu đô la Mỹ vào các hãng xưởng của mình tại đây. Nhưng không chỉ có Samsung; Apple và Foxconn cũng đầu tư nhiều vào nước này.
Nhắc đến phi toàn cầu hóa, một trong những ngành xem xét nhiều nhất là ngành công nghiệp bán dẫn. Khi TQ cố gắng tự cung tự cấp, và các công ty muốn tránh rủi ro về địa chính trị, cơ hội mở ra rất lớn. Đáng chú ý, Samsung tuyên bố họ sẽ sản xuất chip tại VN vào tháng 7 năm 2023; hãng chip Synopsys của Mỹ cũng vừa chuyển đầu tư đến nước này.
Các yếu tố trên chỉ ra một tương lai tươi sáng cho VN, một quốc gia, trong lịch sử, nổi tiếng can cường đối diện với ảnh hưởng không lành của ngoại bang như Trung Hoa, Pháp hoặc Mỹ. Ngày nay, VN đối diện hình thức ảnh hưởng lành hơn nhiều qua đầu tư FDI (Foreign Development Investment: đầu tư phát triển nước ngoài).