Saturday, October 15, 2022

CHỐNG LŨ



Dân Việt có truyền thống “chống” rất lâu đời. Ngày xưa chống Tàu, gần hơn chống Pháp, gần nhất là chống Mỹ. Chưa kể cả nước đang sục sôi chống tham nhũng.
Vì quyết liệt như thế, ngày nay người ta còn chống cả…Trời. Có cái ban lập ra để chống lại thiên nhiên: Uỷ ban phòng chống lụt bão trung ương.
Phòng thì rất tốt. Chống cũng nên xem lại. Chống lụt, chống bão, sao to tát quá. Ở quê tôi, trong đó có làng Hà Tân, người ta “tránh” chứ không chống “bão lụt”. Không khác với dân Nam bộ sống chung với lũ, người dân ở đây sống chung với lụt.
Trừ trận lụt năm Giáp thìn 1964, và trận bão kèm xả lũ năm 2006, quê tôi coi lụt như…”pha”, một tiếng lóng thay cho “chẳng nhằm nhò gì”.
Nằm sát quận lỵ Thường Đức cũ, (Quảng Nam) Hà Tân là ngôi làng chịu đựng nhiều nhất không chỉ chiến tranh mà cả thiên tai. Năm 1974, trận đánh cấp quận lỵ đầu tiên trên lãnh thổ VNCH xảy ra tại ngôi làng này. Phải mất hơn 10 ngày, quận lỵ mới thất thủ. Quân giải phóng hy sinh gần 1000 người, tức chừng 10 đại đội. Quân “Nguỵ” và dân thường không rõ bao nhiêu nhưng cứ thượng tuần tháng 8 âm lịch, các chợ trong khu vực đều khan hiếm thịt heo. Vùng quê tôi coi thịt heo là món chủ đạo cho bữa ăn “thịnh soạn”. Sẽ có hàng chục, có thể là hàng trăm gia đình mua thịt về làm…đám giỗ cùng một thời gian, vì thân nhân bị chết trong trận đánh ác liệt, có người không tìm ra xác hay bị mất tích khi tháo chạy do thất trận.
Điều đó làm cho người dân quê tôi càng quen đối phó với tai ương, của trời cũng như của người. Và lũ lụt đối với họ cũng vậy. Khi có mưa to kéo dài, chính quyền địa phương sẽ thông báo chừng chừng mực nước lên của hai con sông chạy ngang qua làng, một ở hướng bắc, sông Con, một ở hướng nam, sông Cái. Duy nhất ở quê tôi, một ngôi làng có hai con sông bao bọc gần như ba phần tư đất đai của dân làng. Tôi chưa nói, Hà Tân này có một lúc hai tượng đài kỷ niệm về một chiến thắng, cái nhỏ cấp địa phương, cái lớn cấp quốc gia.
Người ta “sống chung” với lũ lụt như thế nào?
Sáng nay, lúc 1 giờ, loa thôn thông báo: bà con dậy “dọn lụt”. Thực sự, buổi chiều hôm trước, dân đã “dọn” đồ đạc lên gác cao xong xuôi đâu vào đấy. Có nhà dùng ròng rọc kéo vật dụng, hàng hoá trên một cái sàn gỗ chắc chắn. Chỉ cần bật công tắc điện, mọi thứ sẽ đưa lên gác, một người ở sẵn bên trên chuyển vào nơi cất giữ. Nhiều nhà sử dụng máy phát điện; thông thường có lụt lớn, điện sẽ bị cắt vì sự an toàn. Lụt sẽ chia cắt các địa phương, việc đi lại rất khó khăn. Thiếu điều kiện hơn, nhiều nhà buộc những chiếc thùng phuy lại, đặt những tấm ván kết liên với nhau, vật dụng thiết yếu để sẵn bên trên, nước lên, “bè” lên.
Nghe TV báo bão, báo lụt, ở xa, chúng ta thấy xót xa cho những đồng bào của mình nằm trong vùng ảnh hưởng. Nhưng ở cùng với họ, tôi thấy lũ lụt lại rất…gần gũi với bà con. Họ thật sự sống chung với lũ lụt. Họ không chống lũ lụt, họ không chống lại thiên nhiên, họ sống với thiên nhiên.
Chỗ nào ngập nước (cục bộ) thì người ta lo chuyện ngập nước. Chỗ nào chưa ngập, và biết chắc rất khó ngập nhờ địa hình cao, người ta “thưởng thức” thời gian “rảnh rỗi” bằng cách tụ tập uống cà phê bàn chuyện trên trời dưới đất, đương nhiên không sót chuyện thời sự Ukraina và Nga. Phụ nữ có người nhóm lửa…”đúc” bánh xèo. Trời rầm rập từng cơn gió lạnh, mưa từng hồi đập mạnh lên mái nhà, có lúc lại rả rích bên ngoài, gia đình quây quần bên nhau, cầm những chiếc bánh nghi ngút khói chấm nước mắm ớt đưa vào miệng nhai. Cái béo ngậy của bánh đem lại năng lượng để người ta sống chung với lũ lụt. Bánh xèo dễ làm; có sẵn bột gạo thơm, chỉ cần giá, nấm, thịt heo ba chỉ, dầu phụng, những thực phẩm quen thuộc, và một bếp củi, người ta có một bữa ăn thay cơm ngon miệng.
Lụt thì có đông chợ không? Có. Ở khu nào nước không bao giờ ngập trong làng. Lạ lùng ở chỗ, tất cả xe máy đều tập kết vào những chỗ này, cả ngày lẫn đêm, chẳng cần khoá cổ, khoá xích. Chưa hề có vụ mất cắp xe nào kể từ khi xe máy trở thành phương tiện đi lại thông thường của người dân, mỗi nhà tối thiểu một chiếc.
Thật ra, chợ “đông” rất khiêm nhường. Chừng năm bảy người bán và hơn chục người mua. Sáng nay, nhà tôi mua vài cái bánh ít, vài cái bánh chưng cho gia đình bà chị, và mọi người không cần phải ăn mì gói dự trữ từng thùng phòng lụt ngâm lâu.
Chuẩn bị ra về, tôi bắt gặp một cụ già, tuổi như tầm mẹ vợ tôi (gần 90) đang hối hả tới “chợ” với một chiếc rổ nhựa bên hông. Bà ngồi kế một người phụ nữ khác đang bán hai trái thơm (dứa) chín vàng. Trên chiếc rổ nhựa cũ là ba bó môn mới cắt, quấn bằng ba cọng cỏ dài, có nhét kèm mấy chiếc lá lốt. Môn ngọt nấu với mọi loại cá đều ngon. Không cá thì lá lốt thay cá. Mỗi bó …5 ngàn. “Chị mua hết hả?“. “ Dạ, con mua hết”. Thoáng ngạc nhiên, bà cụ cầm tờ 20 ngàn và ngượng ngùng: “Lồm ren có noăm ngoàn thối cho chị đây”. (Làm sao có 5 ngàn thối cho chị đây). “Bà khỏi thối cho con”. Chúng tôi ra về, lòng vừa ái ngại, vừa sung sướng, chỉ với 20 ngàn, một cụ già không phải ngồi lâu để chờ bán 3 bó môn dại có lẽ sáng nay mới tìm cắt.
Thiên nhiên không bao giờ làm cho người dân quê tôi kinh hoàng nếu các đập thủy điện đừng biến lụt thành lũ. Thủy điện cần những người điều hành không những lương tâm mà còn phải trí tuệ.
Sống với lũ lụt khác xa với chống lũ lụt. Người dân quê tôi rất hiểu điều đó. Ba bó rau của bà cụ cũng thể hiện “triết lý”ấy.

Wednesday, October 12, 2022

LŨ, LỤT.


 

Quê tôi chỉ biết lũ sau 1975. Trước đó chúng tôi chỉ biết có lụt. Và chúng tôi gọi lụt bằng “cây lụt”. Cây xoài, cây mít, cây ổi…Thân thương, thương lắm. Cây lụt cũng vậy. Lũ nghe rất dữ dội. Và cũng đúng như thế. Khi thấy có nguy cơ, các đập thủy điện bắt đầu “xả lũ”. Chẳng ai nói xả lụt.

Ngoại trừ “trận” lụt năm Thìn, 1964, gây cảnh thảm thương, mọi cây lụt ở miền Trung, cụ thể ở quê tôi, rất “gần gũi” với người dân Quảng. Trong đó có tôi.
Qua truyền thông, rõ nhất là báo chí “chính thống”, cây lụt của tôi biến thành cơn lũ của họ. “Lũ” sẽ kèm theo nhà cửa bị trôi, hoa màu bị hại, mạng sống bị mất. Cây lụt “hiền” lắm. Cứ sau tháng 8 âm lịch, vùng quê sẽ đón những cây lụt. Nhiều thì năm sáu cây, ít thì đôi ba cây. Mưa sẽ kéo dài một tuần hay 3 ngày. Tùy lượng mưa sẽ có những cây lụt to hay nhỏ. Nước lụt sẽ được đón chờ. Trẻ con chúng tôi đi “coi” lụt. Các bác nông dân sẽ “đứng trủ”, một loại lưới hình vuông, bốn góc nối với hai cộng tre nhỏ bằng ngón chân cái uốn cong giao nhau, điểm giao này cột chặt với một thanh tre đực (tre đặc ruột bằng ống thổi lửa) dài chừng 3 mét, đầu thanh tre tì vào đất, chừng 10 phút, người ta “cất” trủ, tức kéo lưới lên. Cá đang đi bị nằm trong lưới. Một cái gáo dừa có cán dài đưa ra để “hốt” trọn số cá trong đáy trủ. Cá dính lưới thường là cá con, gọi là cá “cấn” – cá con đủ loại.
Cây lụt sẽ “lớn” dần. Một hay hai ngày, lụt mới vào sân hay vào nhà. Trẻ con chúng tôi cắm một cây nhỏ ở mực nước dâng. Lụt sẽ “to” nếu chỗ cắm cây nước ngập nhanh. Lụt sẽ nhỏ nếu chỗ đó nước lên chầm chậm. Vì sao như vậy? Núi rừng quê tôi bao bọc lấy xóm làng.
Dãy Trường Sơn ôm ấp xóm làng dưới chân mình. Tầng tầng, lớp lớp các loại cây rừng, lớn có, nhỏ có; có cây trăm tuổi, có cây 50 tuổi, và có cây mới có trên trần năm bảy tháng; tất cả như là người ông, người cha, người con…ruột thịt với dân làng sống quây quần bên lưu vực các dòng sông , sông Côn, sông Cái, sông Vàng. Các thế hệ cây rừng giữ nước mưa, khi nhiều quá, họ mới cho chảy xuống sông. Sông không chứa đủ, nước phải tràn. Nước mưa càng nhiều, sông phải chia sẻ nước vào những cánh đồng lúa bạt ngàn. Rút không kịp, nước sông đành vào nhà người dân than mến của mình.
Những cây lụt càng “ngâm” lâu, những cánh đồng càng phì nhiêu; phù sa từ suối nguồn, lá rừng hoai mục từ rừng núi, ruộng đồng tươi tốt sau những cây lụt trong năm. Lụt còn giúp nông dân “giải quyết” chuột đồng, kẻ thù bất cộng đái thiên. Có lũ gặm nhấm, có tai họa. Nhiều năm thiếu lúa vì bọn gặm nhấm quá nhiều. Chúng như những quan tham, đục khoét tài sản nhân dân.
Lụt không hại nông dân. Lụt với nông dân là bạn. Chỉ có lũ mới là kẻ thù. Lụt đến, lụt đi, như quy luật ngàn đời. Lụt bắt đầu và lụt kết thúc, nhờ thiên nhiên, ở đây là núi rừng nguyên sinh của dãy Trường Sơn; người ta còn “hiểu” lụt như hiểu người yêu: “Ông tha mà bà chẳng tha/ Làm cho cây lụt 23 tháng 10”. Qua tháng 10 âm lịch, lụt không còn nữa. Họa hoằn lắm gần cuối tháng mười (ngày 23) mới có một cây lụt “cuối cùng”. Lụt lớn đến nổi, trên mặt sông có những cây khô rất to, trôi vun vút như tên bắn. Dân làng kháo nhau ông bà lên nguồn lấy cây về để “làm nhà”.
Khi lụt dâng, người ta bắt đầu đi đánh cá. Kẻ “khá giả” mới sắm nhiều tay lưới. Người “trung lưu” bắt cá bằng lờ. Lờ có hình trụ dài tầm 5 tấc, ngang 2 tấc, có cửa (hom) 2 đầu, cá vào nhưng không ra được, đan bằng những cộng tre vót nhỏ như cây tăm (lờ trúm, lờ con), hoặc lớn hơn (lờ trung, lờ ống, lờ ngâm , có thể để dưới nước đôi ba ngày mới giở -tức thu lờ về), loại lo chuyên đánh bắt cá giếc, cá dưng, loại cá sống rất lâu dưới nước mà không sợ thiếu ô xy, khác với loại cá tràu (lóc), cá rô, cá trê. Mùa mưa nhiều, tức mùa lụt, chính là mùa người nông dân yêu thích: vừa có cá ăn, vừa có màu mỡ cho vụ mùa.
Người nông dân dự đoán lụt to hay lụt nhỏ tùy theo lượng mưa kéo dài nhiều ngày hay ít ngày, mưa to hay mưa nhỏ. Việc “dọn lụt” sẽ được quyết định hay không. Dân còn nghèo, ngoài các vật dụng liên quan nghề nông như cối xay, cối giã lúa, dừng, sàng, nong nia, thì lúa là tài sản quý giá nhất. Thường thì nhà nào cũng có gác lửng làm bằng những tấm gỗ dày, cứng cáp, nơi chứa những bồ lúa hay “dí” lúa, (tấm cót rộng 1 mét dài chừng 4 mét, đan bằng tre chẻ mỏng). Việc dọn lụt do đó không lấy gì làm vất vả. Vả lại, nước lụt dâng từ tốn không làm cho nông dân “trở tay không kịp” như những trận lũ ngày nay.
Lụt khác lũ – theo suy nghĩ nông dân – vì lụt hiền hòa và lũ dữ tợn. Cây rừng bị triệt hạ, cả già lẫn trẻ, thay vào bằng cây keo, cây tràm cho TQ mua làm giấy, đôi ba năm đốn sạch, đốt sạch để trồng tiếp. Lại còn những con đường ủi loang lỗ, chằng chịt trên núi, xe công nông có thể chạy đến tận nơi chuyển gỗ tràm, gỗ keo về các nhà máy để băm nhỏ cho dễ xuất. Hễ có mưa là có nước đỏ quạch đất núi trút xuống ào ào. Rừng không còn là bạn của dân nghèo. Rừng của những người có của ăn của để: rừng keo rừng tràm, một loại rừng “mì ăn liền”. Nước mưa hiền hòa trở thành dữ tợn: nó trở thành lũ quét. Quét hoa màu, quét vườn tược, quét cả nhà cửa. Lũ càng dữ tợn với các thủy điện xả lũ. Bàn tay con người còn mãnh liệt hơn bàn tay thiên nhiên. Xả lũ không phù hợp làm lụt ở vùng hạ lưu các dòng sông có đập thủy điện trở thành lũ, hung tợn, dũ dằn, có khi tàn khốc.
Phát triển để phục vụ con người nhưng phát triển gây hại cho nhóm người này đồng thời tạo lợi ích cho nhóm người khác cần phải cân nhắc. Lợi lớn hơn hay hại lớn hơn. Đó là suy nghĩ của các bậc điều hành đất nước ở tầm vĩ mô. Tầm “vi mô” ở người dân nằm trong tay tầm “vĩ mô” của lãnh đạo.
Lũ ngày nay có vẻ hiền hơn trước? Các đập thủy điện đầu nguồn có kinh nghiệm dự đoán thời tiết và xả lũ thích hợp, kịp thời gian, đúng quy trình khoa học . Tuy nhiên, quê tôi là nơi có nhiều thủy điện nhất nước. Không biết đây là niềm hãnh diện hay là nỗi lo âu. Tính toán xả lũ để làm các cây lụt hiền hòa hay dữ tợn, tất cả tùy thuộc vào con người – những ai đang giữ trọng trách điều hành thủy điện. Rất may, kể từ năm 2006, vừa lũ vừa bão, thủy điện thi nhau xả lũ, cả một ngôi làng gần thủy điện gần như bị lấp đầy bởi cát, đá, có chỗ lên đến mấy mét. Thiệt hại về người, về của đến mức chủ tịch nước Trương Tấn Sang than hành đi xe qua hơn 50 cây số từ Đà Nẵng lên đến quê tôi để “mục sở thị” tác hại của lũ trời, lũ người.
Từ đó về sau, các trận lũ dần dần hiền hòa, hình ảnh các cây lụt xa xưa đang dần hình thành: dân cư trong vùng gần thủy điện đĩnh đạc đón lụt trong tâm trạng không còn hoảng sợ trước lũ như năm 2006.
Tất nhiên, ngày nay của cải vật chất nhiều hơn, tốt hơn, việc dọn lụt của dân chúng càng nặng nề, càng vất vả hơn. Nhưng tất cả đều được chuẩn bị bình tĩnh hơn, và cẩn thận hơn. Nhưng vì nằm giữa hai con sông: sông Cái và sông Con, dân quê tôi vẫn còn “hồi hộp”: Thủy điện bên sông nào xả sớm, xả mạnh, dân làng sống hai bên bờ con sông ấy sẽ “đón” lũ sớm hơn, đương nhiên sẽ vất vả, nhọc nhằn hơn.
Người dân rất quen vào “tính nết” của các ông bà thủy điện. Ngày xưa sống chung với lũ thì ngày nay sống chung với thủy điện. Có thủy điện, có tiện ích. Người sử dụng điện khắp VN có lẽ sẽ không hiểu thấu nỗi lòng của người ở vùng “sản sinh” ra thủy điện. Lũ lụt trở thành “lẽ sống”. Năm nào cũng vậy. Năm bảy cây lụt là chuyện thường. Dân chỉ mong lụt không biến thành lũ. Trăm sự cũng trông mong vào sự xử lý thông minh của các ông thủy điện. Lũ sẽ thành lụt. Lụt rửa sạch thuốc trừ sâu rời khỏi ruộng đồng. Lụt trừ khử kẻ thù nông dân: loại chuột chuyên gặm nhấm. Lụt bồi bổ phù sa cho ruộng đồng. Mùa lụt, chợ quê bày bán nhiều loài cá trước đây gần như tuyệt chủng vì thuốc bảo vệ thực vật: cá giếc, cá dưng, cá gáy…
Tôi bắt gặp những đàn cò trắng bay lượn trên mặt nước khi lụt đang rút đi. Chúng đậu tương đối nhiều trên cồn chưa ngập nước có trâu đang gặm cỏ. Và đặc biệt, trong mùa lụt tôi gặp một đàn quạ mấy chục con: thật hiếm thấy mấy chục năm trở lại đây. Cò và quạ là hại loại chim rất thân thuộc với dân quê từ khi tôi còn năm bảy tuổi. Bẵng đi mấy chục năm, chúng lại trở về. Lũ thành lụt chăng?

Thursday, October 6, 2022

THÀNH KIẾN hay ĐỊNH KIẾN?

 Trong 2 từ trên, không rõ từ nào “tốt hơn” từ nào, nhưng có vẻ ông Thành kiến có lý lịch không trong sạch bằng ông Định kiến.

Bước vào một ngôi nhà mới xây xong, bề thế, khang trang, người thăm nếu ganh tị sẽ nghĩ “con chủ này, làm gì mà mau giàu thế, chắc là của cha mẹ để lại” nếu chủ nhà là thường dân. Nếu chủ ngôi nhà là một cán bộ, “thằng này chắc ăn hối lộ, chớ tiền đâu mà xây nhà to thế này”.
Nhưng kết luận đó dựa vào cái gì? Dân hay cán bộ không được xây nhà đẹp, nhà to, bằng mồ hôi công sức của họ sao? Cái ông Thành kiến dứt khoát là…nguyên do của nhận xét trên, biểu hiện thái độ yêu ghét thường tình, “thế thái nhân tình”.
Những người ở miền Nam trước 1975 ban đầu thường không thiện cảm mấy những người từ miền Bắc vào; đa phần họ “quy tội” chính những người ngoài đó vào đây làm cho một số người trong họ đã gặp những khó khăn thua thiệt trong cuộc sống sau 30 tháng 4. Nhưng tất cả người Bắc đều… “khó ưa” sao?
Người Nam không phải là người Bắc?
Lãnh thổ miền Nam từ thời Nguyễn Hoàng được khai phá, mở rộng, làng xã được hình thành, không phải nhờ những người theo các chúa Nguyễn từ miền Bắc (Đàng ngoài) vào hay sao?
Chính chiến tranh, nội chiến Trịnh-Nguyễn, thực dân Pháp(chia nước ta làm 3 kỳ, có thể chế chính trị như một quốc gia riêng lẻ) và cuối cùng cái “ý thức hệ” đã chia rẽ chúng ta rất lâu, rất rộng, rất sâu, và từ đó, hễ ai là “miền Bắc”, “cộng sản”, “quốc gia” là bị “người bên kia” gọi bằng một cái tên nghĩ kỹ ra không phải cái tên đồng bào gọi nhau dù tất cả cùng một dân tộc, một đất nước, một tổ quốc. Lẽ ra chúng ta nên thấu hiểu lịch sử chính mình: một nước nhược tiểu vì vua chúa bất minh, vì ảnh hưởng đế chế phong kiến Trung Hoa, vì xâu xé bởi thế lực quốc tế; ban đầu người dân cùng nhau chung sức giành độc lập, về sau lại trở thành đối kháng nhau vì cái gọi là “ý thức hệ”, đánh nhau chí tử, núi xương sông máu, các cường quốc thêm củi, thêm lửa, thêm tiền, thêm hóa chất hủy diệt, chúng ta càng chết nhiều hơn.
Lịch sử rất huy hoàng “đánh thắng các đế quốc to”nhưng cũng rất bi thương, phải trả giá bằng mạng sống hàng triệu đồng bào. Người Nga, người Tàu, rồi người Pháp, người Mỹ và chính chúng ta, đã làm tan hoang đất nước mình.
Nhìn sự xích lại bên nhau, tuy còn nhiều việc phía trước, Nam Hàn và Bắc Hàn là nỗi niềm cho chúng ta suy nghĩ. Ước chi hơn 50 năm trước chúng ta làm được cái việc họ đang làm. Phúc hạnh cho dân tộc biết là dường nào.
Nhưng lịch sử không có “ước chi” và không bao giờ có “nếu mà”. Giờ đây, đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà, non sông nối liền một dải, sáng ở Hà Nội chiều có mặt Sài Gòn, liệu trong lòng của chúng ta có mảy may “thống nhất” nào không?
Chúng ta có thật sự đang sống ở một đất nước mọi người đều yêu thương nhau, xem nhau như cùng một nhà, cùng đồng bào hay không? Kẻ này gọi những người kia là bọn…“ba que”. Người kia gọi những người này “quân cộng sản”.
Những ngôn từ đó dành cho nhau dễ dàng như hít thở, hít vào thở ra, vô tư bình thản mà không thấy như vậy đã đè nặng lên tâm hồn nhau sao?
Còn một điều không thể không nói tới dù nó rất “nhạy cảm” và “nguy hiểm ”.
Đó là lá cờ, một biểu tượng tinh thần hết sức thiêng liêng.
Lá cờ vàng (hay bị gọi xách mé là “ba que”) bây giờ không còn phất phới ở Liên Hiệp Quốc, nhưng vẫn nằm trong tâm thức hàng chục triệu người miền Nam, vì nó mà hàng triệu người bỏ mạng trong cuộc chiến vừa qua.
Lá cờ đỏ cũng là một biểu tượng hy sinh, niềm vinh dự của hàng chục triệu người và vì nó mà hàng triệu người bỏ mạng, hàng trăm ngàn người mất tích nơi rừng thiêng nước độc, thỉnh thoảng còn vang lên lời ai oán “ai biết xác liệt sĩ này nằm ở đâu xin báo cho gia đình chúng tôi...”.
Tại sao chúng ta cứ mãi nhắc đến những nỗi đau của đồng loại, bằng những tên gọi như tôi nhắc ở trên (dẫu không nhiều)? Chiến tranh vẫn còn sao? Vẫn còn những quan điểm gây chia rẽ sao? Vẫn còn có người xem nhau như thù địch sao?
Mẹ Việt Nam chẳng giây phút nào thanh bình dù tiếng súng đã im ắng mấy chục năm nay.
“Khép lại quá khứ không phải để quên nó đi nhưng để nó không ảnh hưởng tương lai”. Khó mà thực hiện mơ ước trên khi chúng ta hiện nay còn có quá nhiều thành kiến và định kiến xuất phát từ quá khứ đau thương.
Định kiến hay thành kiến đẻ ra từ vô minh. Ước chi vô minh bị triệt sản.

Monday, October 3, 2022

DĨ THỰC VI TIÊN? ( ăn là trên hết?)

 Đất nước Việt Nam hình thành như hôm nay là kết quả của các cuộc di cư. Biến cố lớn nhất tạo ra di cư: cái ăn’, kế đến mới là chiến tranh. Chiến tranh xảy ra nếu cái ăn có đủ, ít ai phải di cư. Người Việt gắn chặt với nơi chôn nhau cắt rốn. Điều tôi nói vẫn đúng đến ngày nay. Nhiều người nói giọng Trung, giọng Bắc đang ngày càng nhiều ở miền Nam, nhất là các thành phố, đô thị. Không ai di cư ra miền Bắc, miền Trung. Vì sao? Miền Nam dễ làm ăn, thời tiết thuận lợi, đất đai màu mỡ, tinh thần con người khoáng đạt.

Tỉnh “nghèo “ như quê tôi Quảng Nam có những cuộc di cư như thế không? Ít ai để ý, ngay cả người Quảng, có những cuộc di cư nhỏ nhỏ nhưng “khốc liệt”, nhất là thời gian chống Pháp.
Vùng cực tây núi rừng Quảng Nam là nơi ’ đất lành chim đậu’ . Có vẻ khó tin nhỉ? Nhưng có thật. Cánh đồng Thường Đức (quận lỵ cũ gồm 3 xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lộc Ninh) là Đồng Nai con và do đó, trở thành hậu phương kháng chiến thời Việt Minh. Dưỡng quân tại đây để VM đánh giặc tới cả Khu Tư (Huế- Bình Trị Thiên) qua dãy Trường Sơn.
Sau 1945, nạn đói và các cuộc bố ráp của Pháp vào các vùng giáp ranh Hội An khiến dân chúng bắt đầu tản cư lên quê tôi, vừa tránh chiến sự, vừa kiếm kế sinh nhai.
Nếu đi bộ, tránh đồn Tây, phải mất ba ngày đi qua Duy Xuyên, dọc theo sông Thu Bồn, rồi đi qua các rẻo núi cao trở xuống vùng Đồng Nai con. Nếu đi thuyền, thời gian cũng ba ngày, và mất hai ngày rưỡi với thuyền có bườm. Ruộng thì có chủ chỉ có bãi bồi ven sông, sát chân núi thì không. Mua có bạn, bán có phường, huống hồ sinh cơ nơi ở mới, cư dân hình thành từng nhóm nhỏ các lều trại bằng tranh, tre, nứa, lá (tro), thứ phẩm vật núi rừng có đầy dẫy.
Đất đai màu mỡ, khoai, sắn, bắp thu về không sao chứa xuể. Một số để ăn, một số chở về xuôi cho những người không đủ sức di cư như người già, trẻ em, kẻ đau ốm. Cá đánh bắt từ sông, ê hề. Thú rừng thì khó bắt hơn. Nhưng thỉnh thoảng có những bữa tiệc lớn từ đâu đưa tới: heo rừng, heo con, heo mẹ, heo đực chiếc (con đầu đàn). Vì không có cầu, lẫn không có ghe, để đi kiếm ăn hai bên bờ sông, heo rừng buộc phải lội qua sông theo bầy; đặc điểm của heo không bao giờ đi một mình (trừ heo đực chiếc, rất to, rất dữ tợn, có thể tấn công người).
Thân mình chìm dưới nước, chỉ một phần đầu và cái mõm dài đen trũi là nhô lên. Vì theo bầy, heo nối đuôi nhau qua sông; ở xa người ta tưởng tượng như có ai giăng một sợi dây to màu đen vắt qua hai bờ sông phủ đầy luống khoai, cây sắn, hai thứ đặc sản hàng đầu heo rừng rất thích.
Trên bờ, đố ai lại gần bầy heo rừng. Nhưng dưới sông, chúng rất yếu thế. Khi phát hiện bầy heo “quá cảnh”, người ta đánh động cho nhau, vội vã chèo thuyền tiếp cận. Thật tội nghiệp nhưng thịt heo là món ăn truyền thống, heo rừng lại là món ăn cao hơn truyền thống; chúng bị đánh chết bởi những chiếc dầm (tay chèo) gỗ kiền kiến săn cứng như sắt nguội.
Có lẽ không ai ăn được thịt heo rừng muối nhưng là dân tản cư từ vùng gần Hội An, muối họ mang theo rất nhiều, nó biến thành tủ lạnh giữ thịt ăn cả tháng trời cho đến khi có một “sợi dây đen to” nối qua sông lần khác. Heo rừng ăn sắn, ăn khoai của người trồng, người ăn lại thịt chúng: nhân quả mà, có chi là tội nghiệp.
Chỉ có tội nghiệp cho con người ngày nay, không hề trồng khoai, trồng sắn cho heo rừng nhưng lại khoái ăn thịt của chúng. Muốn hưởng quả nhưng chẳng gieo nhân nên núi rừng ngày càng cạn kiệt, cây rừng biến mất, cây tràm làm giấy thay vào. Đôi ba năm, tràm được đốn hạ, núi đốt trụi lũi để đất sạch trồng tiếp vụ sau, những cây rừng “mì ăn liền”.
Chuyện di cư xảy ra cách nay gần 70 năm, bây giờ, chỉ còn là chuyện đời xưa. Khi hết can qua, người di cư trở về quê quán. Nếu ở lại Đồng Nai con, lấy gì mà sinh sống. Hay là phá núi trồng tràm? Không được rồi. Xưa rừng là của chung, đất đai thuộc sở hữu toàn dân; nay rừng có chủ. Có những ông chủ sở hữu cả một cánh rừng bạt ngàn, cánh rừng tràm đấy ạ.

Tuesday, September 27, 2022

Toàn cầu hóa (globalization) có lợi nhất cho Trung Quốc; phi toàn cầu hóa (deglobalization) có lợi nhất cho VN


 

Việt Nam lọt vào điểm ngắm (radar) của phi toàn cầu hóa (deglobalization). Mấy tháng nay, phi toàn cầu hóa được nhiều người nói tới. Cụ thể, nơi nào bị tác động nhất, hoặc giả, TQ có chịu nổi đợt thoái vốn áo ạt này hay không. Tuy nhiên, ít ai để ý đến nước hưởng lợi trong sự bùng phát này.

TRUNG QUỐC KHÔNG CÒN LÀ LỰA CHỌN HẤP DẪN
thể nói, TQ là nước hưởng lợi lớn nhất trong việc toàn cầu hóa (globalization) hàng chục thập niên rồi. Từ khi gia nhập WTO năm 2001, GDP của họ tăng gấp mười một lần, trỗi dậy từ nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới vươn lên vị trí thứ 2 và gần bắt kịp Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cơn sóng địa chính trị đã sớm đổi chiều. Cả ở TQ, và còn hơn thế nữa. Qua chính sách lưu thông kép, TQ đầu tư mạnh về công nghệ tiên phong để bảo đảm không còn lệ thuộc vào công nghệ thiết yếu từ nước ngoài. Rõ nhất là chất bán dẫn. Xu hướng này không có gì bất ngờ, vì các công ty ngày càng thấy rõ các rủi ro liên quan đến đầu tư ở TQ – đáng chú ý nhất là chính sách “zero-Covid” (phong tỏa tiếp phong tỏa khi xuất hiện dịch-ND). Chi phí nhân công và đất đai tiếp tục tăng, đầu tư vào TQ chẳng có ý nghĩa gì về kinh tế đối với các công ty đa quốc gia. Một số công ty còn nán lại ở TQ đang cân nhắc chủ trương “TQ cộng một” (China plus One) để bảo vệ vốn liếng của mình. Do đó, nhiều công ty xem xét các lựa chọn thay thế trong khu vực.
VIỆT NAM LÀ NƠI LÀM ĂN LÝ TƯỞNG
Vào Việt Nam. Có một số yếu tổ khiến VN có một vị trí hoàn hảo. Về măt địa lý, VN nằm sát phía nam TQ, thông ra biển Đông qua các cảng biển lớn, sản phẩm xuất khẩu nhanh chóng. Giá trị gia tăng vẫn tạo ở nơi khác, chủ yếu là TQ, việc tiếp cận công nghệ, nguồn nhân lực kỹ thuật cao, ở đó phong phú hơn nhiều.
Tuy nhiên, VN tự khẳng định mình là nơi hoàn hảo để lắp ráp sản phẩm ở giai đoạn hoàn chỉnh. Giai đoạn này không cần công nhân tay nghề cao, các công ty do đó tận dụng giá nhân công thấp, đất đai rẻ (so với các nước láng giềng). Thái Lan và TQ là hai nước đầu tư đáng kể trong sản xuất, dẫn đến giá đất tăng khi xây nhà xưởng đồng thời lương cũng tang, khiến cho họ khó cạnh tranh với nước láng giềng VN.
Dân số VN cũng là yếu tố chính. Với 98 triệu dân, VN là nước đứng hàng thứ 15 trên thế giới về số dân, hầu hết đều là lao động trẻ. So với TQ, VN là một quốc gia trẻ, đó cũng là lý do tại sao họ có khả năng chấm dứt chủ trương bỏ phong tỏa (“zero-covid”) hồi cuối thu năm ngoái.
CÁC ÔNG LỚN ĐÃ VÀO VN.
Samsung có lẽ là công ty đặt cược lớn vào VN. Năm nay, họ đầu tư 920 triệu đô la Mỹ vào các hãng xưởng của mình tại đây. Nhưng không chỉ có Samsung; Apple và Foxconn cũng đầu tư nhiều vào nước này.
Nhắc đến phi toàn cầu hóa, một trong những ngành xem xét nhiều nhất là ngành công nghiệp bán dẫn. Khi TQ cố gắng tự cung tự cấp, và các công ty muốn tránh rủi ro về địa chính trị, cơ hội mở ra rất lớn. Đáng chú ý, Samsung tuyên bố họ sẽ sản xuất chip tại VN vào tháng 7 năm 2023; hãng chip Synopsys của Mỹ cũng vừa chuyển đầu tư đến nước này.
Các yếu tố trên chỉ ra một tương lai tươi sáng cho VN, một quốc gia, trong lịch sử, nổi tiếng can cường đối diện với ảnh hưởng không lành của ngoại bang như Trung Hoa, Pháp hoặc Mỹ. Ngày nay, VN đối diện hình thức ảnh hưởng lành hơn nhiều qua đầu tư FDI (Foreign Development Investment: đầu tư phát triển nước ngoài).

Monday, September 26, 2022

MẢ PHÁT (Không tin mả phát, tôi chọn thiêu khi chết).

 (Không tin mả phát, tôi chọn thiêu khi chết).


Ở vùng quê, xưa như nay, gia đình ai làm ăn giàu có, con cái đỗ đạt, nhiều người làm quan... được cho mồ mả gia đình đó phát: phát tài, phát lộc, phát quan…Thành công của họ mặc nhiên do mả phát.
Không rõ yếu tố tài năng, chăm chỉ, và chí tiến thủ có đóng góp gì không.Dân thường một số như thế nhưng những người trọng vọng trong xã hội cũng tư duy không khác.
Lúc Hà Nội sáp nhập Hà Tây, nhiều phát ngôn hoan hỉ được đưa ra: thủ đô sẽ ở thế “ hổ ngồi, rồng quyện”, núi rừng Ba Vì là “chỗ dựa” cho "trái tim" cả nước. Có lẽ chẳng cần phấn đấu vất vả làm chi, chỉ ngồi đó thôi, ta sẽ có một đô thị tầm cỡ Singapore.
Nếu xét về “phong thủy” không có đất nước nào nhiều vị trí “đắc địa” như Trung Quốc. Chỉ xem phim đã thấy núi non hùng vĩ, sông nước đẹp như thơ (“Quân bất kiến/ Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai/ Bôn lưu đáo hải bất phục hồi”, Anh không thấy/Nước sông Hoàng Hà chảy từ trên trời xuống/Chảy ra đến biển không quay trở lại nữa, Lý Bạch). Phong thủy nước Trung Hoa có lẽ đã sản sinh ra nhiều trí tuệ cho nhân loại.
Nhưng Lưu Á Châu, tướng, học giả của họ nhận xét, Trung Hoa không có nền triết học thật sự. Không tìm ra ai tầm cỡ như triết gia Kant người Đức. Cuốn Nam Hoa Kinh của Trang Tử, Đạo Đức Kinh của Lão Tử chả có chi là triết học, theo tự thú của tay trí thức nước Tàu này.
Phong thủy họ tôt đẹp hẳn bây giờ họ phải giàu gấp mấy ông Quatar, ông Ả Rập Saudi, chả có "cái mẹ gì" ra hồn, nói chi núi rừng hùng vĩ, sông nước hữu tình. Đất nước toàn cát và cát nhưng họ giàu ngất ngưởng. Mồ mả cha ông họ chắc nằm dưới những cồn cát nóng cháy, làm chi được ở gần con suối nước chảy trong lành của Trung Hoa thơ mộng.
Sống nhờ âm phần, trông nhờ mả phát, nhờ độ trì của người quá cố, một số chúng ta coi trọng nơi chôn cất các bậc trưởng thượng trong gia đình.
Những ngôi mộ bền vững, thách thức thời gian bằng vật liệu siêu bền, và một chỗ nằm đúng “long mạch”…sẽ mang lại tiền đồ cho con cháu, cho người còn sống, luôn luôn là mong ước cho một số người vẫn còn tin vào phong thủy, âm phần.
Nhưng họ có biết đâu những vị vua trong lịch sử cả Việt lẫn Tàu đều coi trọng gấp ngàn lần họ cái âm phần và phong thủy. Khi sống họ đã bắt dân hàng vạn người xây lăng sẵn cho họ chờ lúc quy tiên sẽ nằm trong đó. Những thầy phong thủy hàng đầu được gọi tới; những vùng đất xinh đẹp, có núi, có sông, có khe suối, có cả chim hót mỗi ngày, là nơi họ nhắm đến với ý nguyện con cháu họ đời đời sẽ làm vua trị vì thiên hạ.
Lịch sử cũng chứng minh hùng hồn mong ước của họ là hoàn toàn mây khói. Có triều vua nào muôn năm trường trị không, mà "muôn năm, muôn năm"?
Ngôi mộ của Tần Thủy Hoàng cực kỳ kiên cố, cực kỳ bí mật, chiếm một diện tích cực kỳ to lớn, với cả ngàn lính bằng đất nung theo bảo vệ ở thế giới bên kia, cũng bị hậu thế đào bới, xới tung. Tần Thủy Hoàng có "muôn năm" trường trị cho con cháu ông ta không?
Ông đã để gì cho hậu thế ngoài những lời nguyền rủa vì sự tàn độc của mình? Và Vạn Lý Trường Thành, "niềm vinh quang" hay "nỗi ô nhục" cho một đất nước luôn luôn tự coi mình là trung tâm vũ trụ?
Không lẽ nhờ ác độc thống nhất Trung Hoa bằng xương máu, ông ta được người sau tốn không biết bao nhiêu là sách vở để "vinh danh" nhân vật khét tiếng tàn ác mọi thời?
Qua các thời đại, khi sống những vị lãnh đạo quốc gia đã làm gì cho đất nước, đem lại được gì cho nhân dân, thay đổi được gì cho xã hội, ai ai cũng có thể nhận thấy trong quá khứ, bây giờ và tương lai không phải chỉ trong lịch sử Trung Hoa.
Lịch sử luôn luôn công bằng.
Những cái để lại không phải là những ngôi mộ chiếm hàng mấy hectare đất. Những cái để lại không phải nằm ở những tượng đài nguy nga, những nơi tưởng niệm hoành tráng, xa xỉ.
Cái để lại chính là thứ nằm ở trái tim của nhân dân. Phan Châu Trinh không có chức tước, không có mồ to, không có tượng lớn, nhưng ông đã nằm trong mỗi trái tim của người Việt Nam. “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Chỉ tiếc, hậu bối không thấy ra: khai dân trí phải là quốc sách. Hay là do mả ông không "phát" cho hậu thế?
(Bài cũ 4 năm trước).

Tuesday, September 20, 2022

Nhớ ngày này năm ngoái. CORONA: một F0 “tâm tư”.

 Trên thế giới mấy triệu người chết vì Covid, tôi thấy buồn nhưng không nặng nề tâm trạng. Mấy chục ngàn đồng bào tôi ra đi, và trở về trong hũ tro lạnh lẽo, lòng tôi càng trĩu nặng.

Nhưng không vì thế tôi căm thù vi rút. Vi rút sinh ra trên thế gian này cũng như tôi, và hàng tỷ người khác, sinh ra trên cuộc đời này, trong một vũ trụ chung. Sinh mạng nào sinh ra cũng có quyền sống, dẫu sinh mạng này có mặt để giết hại sinh mạng kia: quy luật sinh tồn.
Corona ơi. Ta biết ơn mi đã cho ta thấy sự quan trọng của một gia đình, dù mi đang chia rẽ gia đình ta. Chúng tao phải đi cách ly, rời khỏi mái nhà ấm cúng, như hàng trăm ngàn gia đình khác. Gia đình là tổ ấm ngàn đời nay, người Việt Nam tao đều phải dựa vào, một lòng chống lại bất kể tai ương nào, kể cả giặc ngoại xâm, nhưng nay, bất lực không chống được mi.
Mi chia rẽ rất giỏi những người ta luôn nghĩ là đồng bào. Khi mi ở trong ta, đồng bào xem ta như… địch. Họ sợ chúng ta, những F0, hơn sợ cọp. Họ dựng lên không biết bao nhiêu hàng rào kẽm gai, không biết bao nhiêu cổng chắn, cả những ổ khóa đặt vào cửa nhà những người "bà con" với F0, những người mi ám hại ‘từ xa” là F1. Có biết bao nhiêu người sợ hãi mi, trốn chạy, ngày lẫn đêm. Họ đùm túm vợ con, có những đứa trẻ mới ra đời khi mi vừa tới, chạy trên các cung đường hàng nghìn cây số để về quê. Quê hương nghèo khốn, họ mới rứt ruột nơi chôn nhau cắt rốn ra đi, tha phương cầu thực. Nhưng vì kinh hoàng mi, quê hương không dám đón người trở về. Quê hương không còn là “chùm khế ngọt”. Quê hương thành “chùm kế chua”. “Ai ở đâu, ở đó”. Quê hương đành đoạn từ chối những người con khốn khổ.
Corona, tên thật mi là cúm Vũ Hán, mi ác độc đến nỗi, bánh mì dân ta mua để ăn qua cơn đói, mi làm thế nào mà bánh mì không phải là hàng “thiết yếu”. Có người bịnh cấp cứu ở Vũng Tàu, dưới tác động của mi, bịnh nhân y tế đưa lên tuyến trên, sở giao thông vận tải phải phối hợp, cấp cứu mới được thực thi.
Mi gian manh đến nỗi, đất nước nối liền một dải, nay phải chia lìa, Nam Bắc không còn một nhà, "sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Bỗng mi lù lù ló mặt, non sông cắt đoạn, đất nước chia phân. Có người phải chui vào xe đông lạnh, sém chết, để được đi về nơi họ muốn về - quê hương, vì quá sợ hãi mi.
Cũng vì mi mà biết bao nhiêu người nghèo ra đường muốn kiếm ăn bị phạt tiền, tiền tỷ, có ít đâu. Vì mi mà biết bao giấy phép ra đời. Ta tưởng ngăn sông cấm chợ chỉ là quá khứ. Ngờ đâu. Vợ ta Covid nằm bịnh viện thở oxy, ta ở xa nàng chừng mấy trăm mét trong chỗ cách ly nhưng mỗi đêm nguyện cầu đừng ai gọi điện thoại để ta nhận về một hũ tro. Mấy trăm mét là mấy ngàn ki lô mét. Mi ác độc còn hơn lũ sói lang từng xâm lược, chia cắt đất nước ta.
Lên án mi trong một bài viết không đủ. Mi đến, tang thương đi theo. Hàng triệu người mất việc. Hàng triệu gia đình khốn đốn. Hàng chục ngàn doanh nghiệp , công xưởng đóng cửa vì mi. Trúc rừng không ghi hết tội. Nước sông không rửa sạch oan cừu. Huống hồ chi bàn phím, chỉ vài chục chữ cái. Lên án mi, một ngày, một năm, mười năm, trăm năm…cũng chưa hết tội.
Thôi, ta cũng "lấy tình thương xóa bỏ hận thù", không lấy oán báo oán, chỉ lấy ân trả oán, học theo luật nhân quả, ta nghe lóm bên chỗ mấy ông thầy chùa. Ta thôi, không kết oán cùng mi. Ta ưng làm thằng “phản động”, muốn …tri ân mi.
Nhờ mi mà:
- Ta thấy nước Trung Hoa thần bí ngày càng thần bí. Vi rút, mi sinh ra từ Vũ Hán, quê nhà mi. Không nước nào trên thế giới mi không đến, kể cả xứ văn minh nhất thế giới – Cờ Hoa, hay nước nghèo khó đông dân Ấn Độ. Mi cũng không tha các nước nghèo khó ở châu Phi, chết đói nhiều hơn chết bịnh. Mi có mặt ở mọi nơi. Mi không thua gì Đấng Cứu Thế của ta - “Chúa ở khắp mọi nơi”. Ta nể phục mi. Hàng mấy triệu người về chầu trời nhưng ở nước sinh mi ra, hơn tỷ tư dân, già trẻ lớn bé, số đồng hương mi chết không đáng kể, vài ngàn chưa hết đầu ngón tay.
Cả thế giới ngắc ngư, thì nơi mi xuất phát, sinh cơ, lại “yên hơn bàn thạch”. Ta thấy quê hương ngươi có hơn trăm người ngươi đến viếng, chính quyền lớn tiếng lu loa, ngươi từ “nước ngoài” len lỏi, xâm nhập vào quê hương mi. Họ cũng phong tỏa, cũng ngoáy mũi, cũng cách ly, cũng chích ngừa… rộn ràng như chống dịch không thua ở xứ ta. Ta thấy người xứ ngươi chẳng mang khẩu trang trong nhiều chỗ đông người. Thế giới có chỗ không đủ đất chôn người buộc phải thiêu vì Covid, thì xứ sở sinh ra ngươi "cười cười nói nói" như thiên hạ thái bình.
Ngươi thiên vị quá. Ngươi thương dân ngươi, sao ngươi không thương chúng ta, và những người dân khác trên trái đất, không đồng chủng với ngươi? Trung Hoa thần bí. Đọc Kim Dung, ta thấy Nhật Nguyệt thần giáo (tức Ma giáo) có Tam thi não thần đan, tưởng là chuyện bá vơ. Đâu ngờ…Trung Hoa còn thần bí hơn.
- Ta tưởng đất nước ta là đất nước yêu thương “bầu ơi thương lấy bí cùng” nhưng không ngờ. Mi “nhập” ai, người đó thành…kẻ địch. Kẻ bị mi “ám” lập tức bị cách ly. Cha mẹ, con cái, vợ chồng muốn đưa tiễn vào khu vực cách ly, họ phải đứng xa đủ hai mét, mặt mũi trùm kín, dưới cái khẩu trang. Rồi những người tổ chức cũng phải đưa kẻ gọi là F0 ra khỏi địa phương họ quản. Người thân yêu và người xa lạ, không biết những người tiễn đưa ấy, đang cười hay đang khóc? Khẩu trang che kín không những miệng mũi, có khi, còn che cả mắt.
- Khi mi có mặt, ta thấy câu “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” là... trật lất. Cha, mẹ mà dính Covid, thì khi vào bịnh viện, con cháu chỉ đứng xa mà ngó. Hiếu để của con cái đặt ngay cổng nhà thương. Cha, mẹ mang Corona trong người cũng phải trở thành xa lạ có khi là thù địch. Núi Thái Sơn cũng đổ. Nước trong nguồn cũng chẳng còn mà chảy ra. Hiếu để còn lại chỉ là những giọt nước mắt khi con cái ôm trên người một hũ tro cốt mẹ cha. Cha, mẹ, ông, bà, người máu mủ, mà cách ly vì Covid tại nhà, họ không khác chi những người bị cùi hủi, còn hơn thời Hàn Mặc Tử. Thức ăn được mang tới cho người thân sẽ đặt trên một miếng ván hay một chiếc ghế nhựa. Con cháu đi khá xa thì ông bà, cha mẹ, anh em... mới rón rén đến, để nhận lấy thức ăn. Con có hiếu kính, yêu thương cha mẹ thì cũng chỉ dùng tay ra dấu, bày tỏ yêu thương, như những người câm, người điếc. Nói chuyện, mi - con vi rút ác độc, có tha những người gần gũi đâu?
- Khi có mi xuất hiện, ta mới hiểu ra, không phải vắc xin, 5K mà ngăn được mi. Hàng rào kẽm gai cũng hữu hiệu không kém và người cách ly người, nhà cách ly nhà, làng cách ly làng, phố cách ly phố.
- Mi cũng làm cho ta thấy thế giới hiểu biết phong tỏa (nói theo Tây là lockdown) khác nhau thế nào. Trong khi ở xứ sở ta, mấy mụ đàn bà, phải lén lút bò, leo qua hàng rào kẽm gai, để nhận hàng cứu trợ hay hàng thiết yếu đi "mua trộm", thì ở nhiều xứ sở, ai đi ra khỏi nhà hơn 5 cây số sẽ bị phạt tiền khá nặng. Ở xứ ta, kẻ gặt lúa, người lén đi tập thể dục, hay ra đường mua hàng “không thiết yếu” như băng vệ sinh… cũng đều nơm nớp, âu lo. Tuy nghèo khó nhưng muốn như thế, họ cũng phải thủ đủ số tiền quy định, để mà nộp phạt.
- Ta rất lấy làm lạ lùng khi mi vào nước Cờ Hoa. Không những mi làm bay chức tổng thống, anh hùng tóc vàng của biết bao người ái mộ VN, mà còn chia rẽ rất thành công nước Mỹ siêu cường. Nhiều người ghét Biden không chịu chích vắc xin dù bang chết nhiều nhất lại là bang ít chích ngừa nhất. Mỹ cũng bát nháo vì anh ruột Delta của ngươi xuất hiện.
-Nhờ mi, ta mới hiểu thêm dân chủ Mỹ. Dân họ thà chết (vì vi rút) nhưng không để mất tự do (chích hay không chích vắc xin; đeo hay không đeo khẩu trang). Đâu như xứ ta, vắc xin là cứu cánh, ai cùng tranh nhau chích, dẫu đó là vắc xin của kẻ thù truyền kiếp sản xuất, không biết có chất “lú lẫn” nào trong những lọ xinh xắn, đáng yêu đó hay không.
- Có mi, ta mới thấy kẻ thù tốt hơn bạn hữu. Bạn vàng “nhỏ giọt” nước "cam lồ'. Kẻ thù “hào phóng” thuốc vắc xin. Có ngươi ta mới thấy câu ni của đế quốc thật đúng “A friend in need is friend in deed”. (Gian khó mới có được bạn hiền).
- Cũng nhờ mi ta mới thấy tài năng những người quản trị đất nước- những người luôn luôn tự hào và ngạo nghễ. Mỹ chết vì mi như ngả rạ, Việt Nam ta ‘vững như bàn thạch”. Số người chết chẳng qua bị bịnh nền; có covid thì sẽ chết mau hơn; khỏe mạnh chẳng ai thèm chết. Có người nhắc chuyện lịch sử “cột điện nếu qua Mỹ cũng sẽ về VN trốn dịch”. Nhưng khi Delta xuất hiện ta mới thấy ít lại tự hào, bớt đi ngạo nghễ. Có mi ta mới thấy, lãnh đạo của ta thật tài tình. Từ chỗ coi mi như kẻ thù cần phải diệt (“zero-covid”) nay họ rất sáng suốt, không ngại diễn biến hòa bình, “sống chung” với mi. Đừng có mà tự mãn. Sống chung không có nghĩa đầu hàng mi đâu.
- Nhờ mi, ta mới thấy sức mạnh guồng máy quản trị có thể nói là vô địch. Ta thấy dân đế quốc xuống đường biểu tình chống lịnh bắt con em họ mang khẩu trang khi vào lớp đến trường. Có nước, dân chúng đánh nhau với cảnh sát gìn giữ quy định giãn cách. Nếu ở VN, bọn này sẽ bị gô cổ. Không mang khẩu trang ư? Rất dễ nếu có sẵn 1 đến 2 triệu đóng phạt. Nhiều người đói rả họng, có mống nào dám la làng kêu réo đâu? Mất tháng lockdown nghiêm ngặt, có đứa nào dám biểu tình? Nhờ mi, ta thấy dân ta rất dễ thương. Cần mũi ngoáy, mũi ngoáy ngay. Tập trung xét nghiệm, tập trung liền. Chỉ hê một tiếng, vắc xin đây, hàng hàng lớp lớp xông lên, có đâu vô ý thức như bọn Mẽo, cho 100 đô, chích vắc xin có thưởng, chả có ai thèm để ý. Đôi khi ta nghĩ, Mỹ nên học tập VN về cách “ổn định chính trị”. Họ rất thiên tài trong quản lý người dân. Nếu họ “hiến kế” chắc gì Donald Trump bị thất cử vì “gian lận” phiếu bầu? Trump sẽ nắm chắc 99, 9% phiếu.
- Cám ơn mi – Covid - nhờ mi mà ta thấy yêu thương hơn những người cùng “cách ly” như ta. Nhờ mi ta hiểu hơn nỗi khổ cực, lòng hy sinh thầm lặng của những người áo trắng, ngày đêm đánh đổi sức khỏe mình cho đồng bào hoạn nạn. Ở trạm thu dung Covid ta mới thấm câu "đồng bịnh tương lân".
-Cám ơm mi, Covid, nhờ mi mà ta hiểu được thế thái nhân tình. Có mi Việt Nam mới lộ rõ bản chất của một số người: cưu mang nhau hay đèn nhà ai nấy sáng; quảng đại và yêu thương hay sống chết mặc bay; nhân ái với đồng bào hay ích kỷ bởi công danh, thành tích; trung thành hay nịnh bợ; thẳng thắn hay khòm lưng; thông minh hay dốt nát; và nhất là, ai thật sự yêu nước trong lòng, ai yêu nước đầu môi chót lưỡi; có mi, người ta trở nên khiêm nhường hơn, cầu tiến hơn, và hiểu dân hơn.
- Cuối cùng, riêng ta, ta cám ơn mi: ta sẽ nhường mũi vắc xin thứ hai cho người khác; và nhờ mi, vài hôm nữa ta sẽ có một cái visa màu xanh hy vọng. Ta sẽ trở lại làm người- không bằng như trước khi mi xuất hiện- tự do đi lại. Ôi, trân quý tự do.
Học theo chúa Jesus, ta sẽ yêu mến kẻ thù, là mi đó- Wuhanvirus. Mi chẳng giết được người đâu – ai cũng hiểu lòng dạ mi rồi. Làm ơn, hãy trở về nơi mi đã ra đi.