(Không tin mả phát, tôi chọn thiêu khi chết).
Ở vùng quê, xưa như nay, gia đình ai làm ăn giàu có, con cái đỗ đạt, nhiều người làm quan... được cho mồ mả gia đình đó phát: phát tài, phát lộc, phát quan…Thành công của họ mặc nhiên do mả phát.
Lúc Hà Nội sáp nhập Hà Tây, nhiều phát ngôn hoan hỉ được đưa ra: thủ đô sẽ ở thế “ hổ ngồi, rồng quyện”, núi rừng Ba Vì là “chỗ dựa” cho "trái tim" cả nước. Có lẽ chẳng cần phấn đấu vất vả làm chi, chỉ ngồi đó thôi, ta sẽ có một đô thị tầm cỡ Singapore.
Nếu xét về “phong thủy” không có đất nước nào nhiều vị trí “đắc địa” như Trung Quốc. Chỉ xem phim đã thấy núi non hùng vĩ, sông nước đẹp như thơ (“Quân bất kiến/ Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai/ Bôn lưu đáo hải bất phục hồi”, Anh không thấy/Nước sông Hoàng Hà chảy từ trên trời xuống/Chảy ra đến biển không quay trở lại nữa, Lý Bạch). Phong thủy nước Trung Hoa có lẽ đã sản sinh ra nhiều trí tuệ cho nhân loại.
Nhưng Lưu Á Châu, tướng, học giả của họ nhận xét, Trung Hoa không có nền triết học thật sự. Không tìm ra ai tầm cỡ như triết gia Kant người Đức. Cuốn Nam Hoa Kinh của Trang Tử, Đạo Đức Kinh của Lão Tử chả có chi là triết học, theo tự thú của tay trí thức nước Tàu này.
Phong thủy họ tôt đẹp hẳn bây giờ họ phải giàu gấp mấy ông Quatar, ông Ả Rập Saudi, chả có "cái mẹ gì" ra hồn, nói chi núi rừng hùng vĩ, sông nước hữu tình. Đất nước toàn cát và cát nhưng họ giàu ngất ngưởng. Mồ mả cha ông họ chắc nằm dưới những cồn cát nóng cháy, làm chi được ở gần con suối nước chảy trong lành của Trung Hoa thơ mộng.
Sống nhờ âm phần, trông nhờ mả phát, nhờ độ trì của người quá cố, một số chúng ta coi trọng nơi chôn cất các bậc trưởng thượng trong gia đình.
Những ngôi mộ bền vững, thách thức thời gian bằng vật liệu siêu bền, và một chỗ nằm đúng “long mạch”…sẽ mang lại tiền đồ cho con cháu, cho người còn sống, luôn luôn là mong ước cho một số người vẫn còn tin vào phong thủy, âm phần.
Nhưng họ có biết đâu những vị vua trong lịch sử cả Việt lẫn Tàu đều coi trọng gấp ngàn lần họ cái âm phần và phong thủy. Khi sống họ đã bắt dân hàng vạn người xây lăng sẵn cho họ chờ lúc quy tiên sẽ nằm trong đó. Những thầy phong thủy hàng đầu được gọi tới; những vùng đất xinh đẹp, có núi, có sông, có khe suối, có cả chim hót mỗi ngày, là nơi họ nhắm đến với ý nguyện con cháu họ đời đời sẽ làm vua trị vì thiên hạ.
Lịch sử cũng chứng minh hùng hồn mong ước của họ là hoàn toàn mây khói. Có triều vua nào muôn năm trường trị không, mà "muôn năm, muôn năm"?
Ngôi mộ của Tần Thủy Hoàng cực kỳ kiên cố, cực kỳ bí mật, chiếm một diện tích cực kỳ to lớn, với cả ngàn lính bằng đất nung theo bảo vệ ở thế giới bên kia, cũng bị hậu thế đào bới, xới tung. Tần Thủy Hoàng có "muôn năm" trường trị cho con cháu ông ta không?
Ông đã để gì cho hậu thế ngoài những lời nguyền rủa vì sự tàn độc của mình? Và Vạn Lý Trường Thành, "niềm vinh quang" hay "nỗi ô nhục" cho một đất nước luôn luôn tự coi mình là trung tâm vũ trụ?
Không lẽ nhờ ác độc thống nhất Trung Hoa bằng xương máu, ông ta được người sau tốn không biết bao nhiêu là sách vở để "vinh danh" nhân vật khét tiếng tàn ác mọi thời?
Qua các thời đại, khi sống những vị lãnh đạo quốc gia đã làm gì cho đất nước, đem lại được gì cho nhân dân, thay đổi được gì cho xã hội, ai ai cũng có thể nhận thấy trong quá khứ, bây giờ và tương lai không phải chỉ trong lịch sử Trung Hoa.
Lịch sử luôn luôn công bằng.
Những cái để lại không phải là những ngôi mộ chiếm hàng mấy hectare đất. Những cái để lại không phải nằm ở những tượng đài nguy nga, những nơi tưởng niệm hoành tráng, xa xỉ.
Cái để lại chính là thứ nằm ở trái tim của nhân dân. Phan Châu Trinh không có chức tước, không có mồ to, không có tượng lớn, nhưng ông đã nằm trong mỗi trái tim của người Việt Nam. “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Chỉ tiếc, hậu bối không thấy ra: khai dân trí phải là quốc sách. Hay là do mả ông không "phát" cho hậu thế?
(Bài cũ 4 năm trước).