Chủ tịch nước vừa ký quyết định đình chỉ công tác bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Nôm na ông ta bị cách chức. Hẳn ông ấy đang buồn thúi ruột. Đường hoạn lộ thênh thang bỗng dưng đóng lại. Về vườn.
Tái ông rất giàu có, sinh một con trai duy nhất; khi biết cưỡi ngựa, người cha mua rất nhiều ngựa quý. Chàng thường xuyên luyện tập. Một hôm, có một con ngựa đẹp nhất đi mất. Hàng xóm chia buồn ngựa mất. Ông trả lời chưa hẳn là rủi. Mấy ngày sau, con ngựa lại trở về, dắt thêm một con khác, cực kỳ xinh đẹp. Hàng xóm chia vui. Ông nói chưa hẳn đã may. Và thật, con ông đã ham cưỡi con ngựa mới, chẳng may ngã té, gãy chân. Hàng xóm chia buồn, ông nói không hẳn rủi. Khi xảy chiến tranh, tất cả trai làng đi lính bỏ mạng gần hết, con ông không chết nhờ gãy giò, miễn lính. Hàng xóm mừng gia đình ông may mắn.
Câu chuyện không rõ đúng sai nhưng đúng ở chỗ: may - rủi, được - thua, thành công - thất bại là...quy luật, không lấy làm mừng khi được, không lấy làm buồn khi thua.
Lúc chiến tranh còn ác liệt trên đất nước mình, rủi may cũng rất nhiều. Những người sống chui nhủi trên rừng, sốt rét, đói kém, bị bom đạn Mỹ và đối phương săn lùng, mạng sống ngàn cân treo sợi tóc, trong lúc đó, ở chỗ an toàn hơn nơi phố thị người ta sống ở đó, thật "may", những "người kia" thật "rủi". May mắn hơn thì nằm trong guồng máy chính phủ, tuy phải ra sa trường nhưng có lương, lỡ chết vợ con cũng còn tiền tử tuất, cuộc sống không phải như những "người ở núi".
Năm 1975, Hà Nội "giải phóng" Sài Gòn. Những người sống "chui nhủi" trên núi về thành phố cầm quyền. Những người ở thành phố tưởng thảnh thơi phải cơm đùm gạo gói, lên núi học tập cải tạo.
May rủi, sướng khổ...đổi thay, chẳng biết đâu mà lường. Những người ở trại cải tạo cũng bị sốt rét, có khi ăn không đủ no, khổ sở tứ bề. Từ sướng chuyển qua khổ thật đoạn trường. “May" qua "rủi" tức thì.
Nhưng có "rủi" mãi đâu. Chương trình ra đi có trật tự gì đó đã đưa hàng trăm ngàn người đói ốm và gia đình túng quẫn qua Mỹ, hình thành những Việt kiều...yêu nước, dù trước đây bị coi là..."bán nước". Cộng với hàng trăm ngàn người Việt đi vượt biên, họ, những người bị cải tạo kia đã gởi hàng chục tỷ Mỹ kim về thân nhân, gia đình , góp phần cho kinh tế đất nước. Con cháu họ trở thành những công dân xứ sở tự do, thành đạt hầu hết trên mọi lãnh vực, thậm chí có người còn là nhà khoa học, nhà phát minh sáng chế, những nhân vật kiệt xuất làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam.
Nội dung chuyện kể ở trên cũng tương tự nội dung câu chuyện Tái ông mất ngựa. Có tí xíu hơi hơi chuyện thời sự báo đăng mấy ngày nay.
Ông Trương Minh Tuấn một thời "hét ra lửa" với giới báo chí, trước thật may(lên chức vù vù), nay thật rủi (chưa hết giấc hòe đã mất chức), như một con hổ của Thế Lữ: “Gặm một nỗi căm hờn trong cũi sắt". "Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua".
Thế mới biết: “Hữu thế bất khả ỷ tận". “Hữu phước bất khả hưởng tận".Những câu nói khôn ngoan của cha ông chúng ta ít được các quan chức hiện nay suy gẫm. Làm sao khi trở về làm dân, quan chức được người ta mừng rỡ, mời một ly nước, một ly rượu chân tình. Chứ không phải mới chỉ "đình chỉ công tác", người ta hồ hởi xúm vào nhíu mày đay nghiến, bỉ bôi, chửi bới. Chưa kể người dân còn hân hoan khi quan vào tù, nghỉ sống, chuyển qua từ trần.