Saturday, July 9, 2022

(Nhớ một chuyến đi ) TRUỒI



"Xứ Truồi ngọt mít thơm dâu
Anh đi làm rể ở lâu không về." (ca dao)
Một địa phương rộng có nhiều địa danh trong đó, tên gọi khác nhau, nhưng xứ Truồi lại rất ít địa danh, chung quy, cái gì cũng Truồi: Núi Truồi, sông Truồi, cầu Truồi, hồ Truồi, đập Truồi, thậm chí đồn Truồi...Tất nhiên nơi đây có làng Truồi.
Tôi hỏi nhiều người và không ai cắt nghĩa Truồi là gì. Truồi, tên gọi dân dã, có vẻ "nghèo khổ" nhưng thiên nhiên ở đây thì không.
Xứ Truồi gần Lăng Cô, tính từ Nam ra Bắc, nằm dưới chân núi thắng cảnh Bạch Mã. Núi rừng ở đây xưa kia giàu có các loại cây hàng "danh mộc" như lim, kiền kiền, chò, sến...Nay vẫn còn gọi rừng "nguyên sinh" để phân biệt với rừng trồng. Nguyên sinh sau khi các loại thuộc "rừng vàng" bị đốn hạ sạch, do bảo vệ rừng kém cỏi, nhưng có lẽ do mưu sinh là chính: cái đói và đời sống cơ cực, dẫu người dân nơi đây vẫn biết "ăn của rừng, rưng rưng nước mắt".
"Rừng nguyên sinh" hiện nay nhìn rất dễ biết: cây thấp cao bao phủ toàn là dây và dây, những đám bụi dây rừng. Còn cây cao, đố mà dây che phủ. Rừng lòi thòi còn sót một số cây dây dại đeo bám khiến tôi nhớ câu "giậu đổ, bìm leo".
Trễ còn hơn không. Con người nhận ra, sống thiếu thiên nhiên là sống như...chết. Núi rừng còn lại của xứ Truồi được bảo vệ khá chặt chẽ hiện nay. Một điểm son cho vùng "Truồi" là sự xuất hiện của quần thể các ngôi chùa Truồi, có cái "tên chữ" rất thoát tục Trúc Lâm.
Trúc Lâm tọa lạc trên một ngọn núi tương đối cao so với mặt đất, nằm giữa vùng nước trong xanh, mênh mông, có chỗ sâu 60 mét. Đi vào chùa du khách cần qua đò trên mặt hồ rộng non nửa cây số vuông.
Đi bộ vài trăm mét quanh co dưới bóng cây rừng, các bậc thang xi măng hiện ra, càng lên càng dốc, cả thảy 174 bậc. Các bậc thang ở đây không thấm tháp gì so với núi Thị Vải, Vũng Tàu, nhưng đi lên cũng khá mệt nhọc.
Du khách cảm thấy nhẹ nhàng khi thấy cổng tam quan chùa, tiếng kính coong phát ra từ chuông gió treo cao trên một nhánh cây rừng khá lớn. Âm thanh của chuông gió như âm thanh của một quả chuông đồng, ít ngân nga nhưng thánh thót, nhẹ nhàng, cao vút hơn. Tiếng chuông gió theo nhịp thiên nhiên, gió mạnh tiếng chuông nhanh nhặt, gió lơi tiếng chuông bỗng khoan hòa. Lòng người cũng thế, khoan nhặt theo nhịp đập đất trời: ở đây là chốn thiền môn, giữa núi rừng tĩnh mịch. Bụi trần phủi sạch khi đi qua hồ nước lăn tăn sóng gợn.
Cuộc sống nơi phồn hoa như rớt lại khi nhác thấy cổng chùa, nghe thoang thoảng tiếng chuông thanh thoát trên cao. Tôi rất yêu các ngôi chùa dù tôi là người theo Thiên Chúa giáo. Nhà thờ, nhà chùa đều có tiếng chuông. Một bên tiếng chuông như giục giã yêu đời, một bên tiếng chuông như ngân nga mà thoát tục.
Các ngôi chùa theo Thiền có một đặc điểm chung: cảnh quan không gian thoáng đãng, không "chật chội" bày biện nhiều cây cảnh, tượng thờ. Vào đảnh lễ trong nội điện, bước ra hiên, hè, quanh chùa, tôi có cảm giác mình trở thành một thày chùa bình dị. Không mặc áo cà sa, tôi vẫn thấy nỗi lo toan cuộc sống bon chen mỗi ngày như lặn mất, tan vào khoảng không tĩnh mịch ở một ngôi chùa trên núi, chung quanh là các cây rừng yên lặng, thỉnh thoảng chúng rì rào như trò chuyện với thiên nhiên, gió đang lay động cành, một vài chiếc lá vàng an nhiên rơi rụng không một chút thở than.
Phía sau lưng chùa có bức thư pháp vẽ hình vị Đạt Ma lão tổ, mặt mũi như bợm trợn nhưng lòng ngài lại bao dung: ngài đã đốn Ngộ.
Ngắm bức thư pháp một hồi, rồi lặng lẽ bắt chước tín đồ ngoan đạo, tôi chắp tay bái biệt vị đạt ma kia, lòng nhẹ nhàng thanh thản.
Lúc đi lên để vãn cảnh chùa, chúng tôi cảm thấy mệt nhọc, đi bộ, qua đò, leo bậc thang nhưng khi chuẩn bị rời chùa, tiếng chuông gió lại kính coong vang lên, ai cũng thấy mình nhẹ nhõm: bái biệt nhau, chuông nhé.
Tiếng chuông vui vẻ như theo bước chúng tôi qua đò, trở về cuộc sống biết đâu sẽ bớt đi chật vật đa đoan?
Chùa Trúc Lâm ở Truồi không có lấy một thùng "phước sương", loại thùng nhận tiền thập phương, tôi thấy bày cả 3 gian nội điện như ở một ngôi chùa lớn của Hội An.
Chùa có tiếng chuông ngân có lẽ khác với chùa vang tiếng kim ngân?

Thursday, July 7, 2022

TỰ TY, TỰ TÔN NHƯNG THIẾU TỰ TIN



Ảnh chụp các sĩ tử ở Hà Nội cung kính bái lạy hai chữ Hạ Mã trước ngày thi tốt nghiệp cho thấy chữ Hán vẫn còn trọng vọng. Trọng vọng đến nỗi, “hạ mã” là hai chữ nhắc nhở “xuống ngựa” cũng coi là chữ thánh hiền. Quan lớn mới có ngựa mà cỡi. Quan nhỏ hẳn phải đi bộ, ấy là thời quân chủ chuyên chế. Nơi “linh thiêng” như Văn Miếu không cho phép ai cưỡi ngựa đi qua hoặc đi đến kể cả quan. Văn Miếu có gì quan trọng? Đó là nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám.
Với hơn “700 năm hoạt động”, Quốc Tử Giám được coi như là trường đại học đầu tiên của Việt Nam và cũng là biểu tượng cho nền khoa cử thời phong kiến của nước này (theo wikipedia). Bảy trăm năm hoạt động khiến người ta tưởng cái đại học này hoạt động liên tục bảy thế kỷ. Cái rốn tri thức ấy với từng ấy thời gian chỉ còn ghi lại mấy chục “hiền tài”, mấy chục (83) tấm bia tưởng niệm, với tên khắc 1304 vị tiến sĩ .
Học vị tiến sĩ ngày xưa như giấy thông hành; hầu hết sĩ tử miệt mài đèn sách đặng thi đỗ chỉ để... làm quan. Đếm trên đầu ngón tay những vị tiến sĩ mới chuyên về nghiên cứu. Với "lý tưởng" đi vào ca dao: “Võng anh đi trước võng nàng theo sau”, học hành thời quân chủ phong kiến chỉ để làm quan. “Anh chưa thi đỗ thời chưa động phòng”. Việc thi cử lấy bằng cấp để làm "giấy thông hành" ấy đã chấm hết sau 700 năm xuất hiện của trường đại học đầu tiên của Việt Nam? Xin thưa, không chấm hết, nó còn phát triển, lên tầm cao mới. Nhìn những vị quan chức có bằng tiến sĩ, ngày càng nhiều trong guồng máy quốc gia, lời nhận xét của tôi không xuyên tạc hay khoa đại.
Các sĩ tử (tuy không phải đa số ở Hà Nội) đến Quốc Tử Giám không phải để noi gương các vị tiền bối về học vấn. Họ đến để “cầu may” bằng cách sờ vào đầu những chú rùa bằng đá đội bia có khắc tên tiến sĩ. Cúng bái là lẽ đương nhiên. Thần thánh thời @ này cũng rất thực dụng “cao lễ dễ thưa” hay sao? Đứa nào cúng nhiều, thần sẽ phù hộ may mắn đỗ đạt. Lễ càng trọng, đậu càng cao. Sĩ tử nào không cúng có lẽ sẽ rụng như sung?
Đến đây, tôi xin lưu ý quý vị, đó không phải mục đích của bài viết. Tôi muốn nói đến sự tự tin của người Việt Nam qua câu chuyện tưởng bình thường này.
Do hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam không có chữ viết riêng. Chữ Hán là ngôn ngữ truyền tải suy nghĩ của ông bà chúng ta. Có người bảo có chữ viết chứ, chữ Nôm kìa. Xin thưa, đây là ý muốn tổ tiên ta, tạo cho mình một chữ riêng, để ghi tiếng nói riêng; nhưng nếu không giỏi chữ Hán sẽ không đọc được và viết được chữ Nôm. Không khác chi bây giờ, không có phần mềm Windows của chú Bill Gates đố mà vi tính hoạt động.
Chữ Hán là ngôn ngữ chính thức trong các chế độ quân chủ chuyên chế VN. Và chữ Hán với Khổng Tử trở thành chữ thánh hiền. Tất cả nho sinh mở đầu đều "Tử viết, Tử viết". Không tin, quý vị đi khắp đất nước, nhất là miền Bắc, nơi rất nhiều công trình văn hóa có bề dày thời gian, đố ai tìm ra một chữ quốc ngữ (có thể gọi chữ Nôm đi) đúc trên mặt tiền của mỗi kiến trúc ấy. Và ngay cả ngày nay, hầu hết, nếu không nói là tất cả, các công trình “văn hoá “ mới xây dựng như đền, đài, miếu, nhà thờ tộc, chữ Hán đều được trọng vọng. Cũng có nhiều chỗ ghi chữ Việt nhưng để “trang trọng” hơn, chữ Hán được đứng song song.
Tôi không bài bác chữ Hán. Nó là bộ phận trong gia tài văn hóa, văn học nước nhà. Không có nó chúng ta làm gì có được tác phẩm hùng tráng như Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Không có chữ Hán, lịch sử dân tộc chẳng biết ghi bằng tiếng gì, ở đâu. Chữ Hán là phần của dân tộc. Chữ Hán là công cụ ghi chép một thời của dân tộc.
Ngày nay, chữ quốc ngữ (chữ Việt) thay thế rất thành công cái chữ “thánh hiền” kia. Nhưng trớ trêu, không phải chữ quốc ngữ thoát hẳn cái “bóng” của chữ Hán (ta hay gọi xách mé “chữ Tàu”). Ngay trong biểu tượng của một quốc gia tuyên bố độc lập đầu tiên ở châu Á, chữ Tàu vẫn còn nằm trên tờ giấy bạc có in hình một vị lãnh tụ. Đây là chi tiết không quan trọng, nhưng chi tiết này nói lên cái tính cách người Việt Nam chưa thật sự hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của một loại chữ viết mà bao thế hệ, cả ngàn năm, trong một nước tự chủ vẫn gọi là chữ thánh hiền.
Người Việt Nam không tạo ra cho mình một lối đi hoàn toàn tự chủ. Xem lịch sử thì thấy. Có một tư tưởng - chưa nói triết học - một tôn giáo, một trường phái văn học, một lý thuyết chính trị... do người Việt Nam lập ra? Tất cả đều “du nhập” từ phương Tây, và trước đó hằng ngàn năm, từ phương Đông. Ngay cả chủ thuyết được dung để “giải phóng” đất nước cũng của ngoại bang. Một nhà cách mạng nổi tiếng thế giới, bất chợt thấy được “Luận cương Lê Nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, ngài mừng rỡ còn hơn nhặt được vàng. Việt Nam có cần một chủ thuyết ngoại lai để giải phóng đất nước mà không phải chủ thuyết của chính mình, những tinh hoa ông cha chúng ta sử dụng để không sống tiếp “một ngàn năm nô lệ giặc tàu”?
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.
(Nguyễn Trãi).
Vì hoàn cảnh lịch sử hay vì căn tính dân tộc: chúng ta không hề là dân tộc tự tin? Dân tộc tự tôn, khỏi nói rồi. Lịch sử đánh thắng ngoại xâm cả ngàn năm: có khi nào người Việt nghiền ngẫm lại các trận thua, các thất bại đẫm máu, rồi viết vào lịch sử cho hậu thế “rút kinh nghiệm”? Tất cả là chiến thắng. Địch chết lềnh sông, phơi thây đầy núi. Vì ở gần một đế chế có máu xâm lược, người Việt chỉ lo đánh giặc mà không có thời gian xây dựng cho mình một nền tảng văn hóa, văn minh, mà sự tự tin phải lấn lướt sự tự tôn? Các công trình kiến trúc lịch sử của ta có bề thế, hùng vĩ hơn các công trình của các nước láng giềng? Có xây dựng nền tảng chiều sâu văn hóa thì người ta mới có thể có những công trình “để đời” về: hội họa, điêu khắc, âm nhạc, văn học, triết học…Di sản văn hóa thế giới Cung Đình Huế chỉ là bản sao thu nhỏ của Tử Cấm Thành Trung Quốc.
Tôi cho rằng người Việt thông minh nhưng người Việt không tạo ra những cái “đặc sắc” độc đáo Việt Nam có tầm vóc quốc tế vì: người Việt thiếu tự tin (dù họ thừa tự tôn).
Các sĩ tử ở Hà Nội (trong bức ảnh) nếu tự tin, dựa vào nỗ lực của mình, thì các em sẽ không lạy bái hai cái chữ HẠ MÃ để mong hai chữ này phò hộ mình “vượt vũ môn” xênh xang áo mão. Và tôi cũng múa may một tý: Nếu thất bại việc hình thành trong giới trẻ VN lòng tự tin (mạnh hơn tự hào), như ở các em này, thì đó là lỗi hoàn toàn do giáo dục gia đình và xã hội.
(Chép lại bài cũ nhân ngày học sinh “lều chõng” đi thi).

Tuesday, July 5, 2022

SỢ


Không rõ súc vật cùng loài có sợ nhau không. Mèo sợ cọp, chuột sợ mèo thì rõ rồi. Vì chúng khác loài. Nhưng người sợ người là điều chắc chắn, tuy cùng loài với nhau. Nỗi sợ là bản năng. Chính vì sợ, con người mới tồn tại. Thấy lửa cháy, không sợ, nhảy vào, con người sẽ ra than. Gặp cọp đói mà không sợ, chạy trốn, con người bị ăn thịt ngay.
Sợ làm người dễ trị người. Người dễ khiến người. Lúc nhỏ ở vùng quê, đèn điện chưa có, tôi hay đi chơi về khuya, nghĩa là về trễ, khi mọi người trong nhà đã yên giấc. Thế là cha tôi kể cho nghe chuyện ma. Trong những con đường làng vắng vẻ, bóng tối ngập tràn, mỗi nhà ban đêm leo lét ngọn đèn dầu, nhà này rất xa nhà kia, thì bên ngoài trong đêm tối mịt mờ, trong những cây xoài, cây mít xum xuê, những con ma núp trong đó, trẻ con đi qua, con ma sẽ le lưỡi dài đỏ chót, có đứa bị liếm mà rụng sạch tóc. Thế là, tôi không còn đi chơi đêm. Sợ ma làm cho tôi làm theo ý muốn của cha. Có lẽ ông vui vì dùng nỗi sợ để khuất phục con: Cha nói con phải nghe.
Nỗi sợ đi theo con người qua nhiều thời đại. Và nỗi sợ giúp thời đại “yên bình”. Đó là thời Việt Minh. Quê tôi là vùng tự do, nghĩa là vùng có VM quản lý, khác vùng bị chiếm, bọn Tây (tức Pháp) kiểm soát. Thỉnh thoảng, lính Pháp tổ chức hành quân càn quét vùng “tự do “. VM kháng cự sơ sài rồi rút vào núi để trốn, dù đông hơn quân số, do giáo mác, một vài khẩu súng trường, không địch lại bọn Tây vũ khí trang bị tận răng. Dân làng đều theo lực lượng VM chạy lẫn vào núi rừng mênh mênh mông tìm nơi ẩn nấp, bỏ lại nhà không đồng trống. Có ai ở lại không? Có nhưng rất ít. Một số có hận thù với VM muốn ở lại để dựa vào Tây mà rắp tâm trả thù. Có kẻ ở lại để dễ bề trộm cắp. Cũng có người ở lại vì nghề đưa đò hay trẻ em không hiểu “địch, ta”.
Bọn Tây hành quân lên đốt phá xóm làng; số người ”lợi dụng Tây”: chống ghe đưa chúng qua sông, ăn cắp gạo, lúa, bắt trộm gà, hoặc tố cáo với giặc đốt nhà ở của các lãnh đạo VM. Chừng 12 trong số người này bị “toà án nhân dân” kết án tử hình sau khi giặc rút đi. Tất cả dân chúng các xã, các làng, đều được huy động đến để trực tiếp chứng kiến phiên toà xử bọn “Việt gian” phản quốc. Cha tôi kể lại, sau vụ hành quyết tập thể này, không bao giờ có vụ mất cắp đối với lúa gạo nào xảy ra, và không ai dám ở lại nhà mỗi lần bọn giặc Pháp tổ chức hành quân. Tất cả một lòng theo VM. Cái chết của bọn “Việt gian” có sức mạnh răn đe khủng khiếp.
Nỗi sợ này không hẳn chỉ có của VM. Sau 1954 một thời gian ngắn, ở vùng quốc gia, nỗi sợ tràn lan không kém. Thành phần cốt cán tập kết ra Bắc không mấy người. Số còn lại, tuổi trai trẻ, ai không theo VM? Thế là các người tham gia guồng máy VM bị tập trung để… sám hối. Một số người “có ân oán” trong đấu tố địa chủ thì bị thủ tiêu, không nhiều, nhưng nỗi sợ hãi sẽ có người tiếp theo bị “bỏ bao tời” thả sông (bao bố sọc xanh chứa 1 tạ gạo) thì bao trùm cả vùng quê. Cha tôi là một trong những người may mắn. Là đảng viên CS, trưởng ban đỡ đầu Dân Quân vùng bị chiếm huyện tôi ở, ông chỉ bị tập trung tra hỏi và “sám hối” một thời gian rồi được tha nhờ không có hành động “gây oán” nào trong thời kháng chiến chống Pháp.
Nỗi sợ của người Việt không chấm dứt khi cuộc chiến tranh Nam- Bắc bắt đầu. Lúc này, nỗi sợ của mỗi người dân là: theo bên này sẽ là địch thủ của bên kia. Chết sẽ là kết cục. Hoà bình lặp lại sau 30 tháng 4, nỗi sợ chấm dứt?
Không. Nỗi sợ lúc này là miếng ăn, cái đói chực chờ. Cái đói do sai lầm quản lý kinh tế không đáng sợ. Cái đáng sợ là mặc cảm thua trận. Nỗi sợ bị phân biệt đối xử của những người “cầm súng chống lại nhân dân”, cả người trong gia đình họ. Nỗi sợ tương lai mịt mờ. Có ai là con cái “ngụy quân, ngụy quyền” vào đại học thời điểm sau “giải phóng” ? Nỗi sợ theo đuổi không chỉ thân nhân người đi cải tạo, biền biệt rừng sâu. Nỗi sợ còn đeo bám những người đi vào biển cả, thách thức hiểm nguy, bão tố, hải tặc, biên phòng, để đi tìm tự do, tự do trả bằng mạng sống.
Nỗi sợ ấy tuy đau đớn nhưng nỗi sợ cất lên tiếng nói sự thật còn đau đớn hơn. Có ai dám nói thật suy nghĩ của họ sau những ngày tháng miền Nam hoàn toàn giải phóng? Không. Không có ai. Cất tiếng nói trong lúc này của bên thua cuộc chắc chắn chẳng được ai để ý; chưa nói, tiếng nói khác biệt ấy có khi là “tàn dư của bọn từng cầm súng chống lại nhân dân”. Nhưng bên thắng cuộc, tiếng nói có được tự do? Chưa chắc.
Nếu tiếng nói tự do, chân thật, được lắng nghe thì ông Kim Ngọc của Vĩnh Phú đâu bị thất sủng khi sáng suốt đề xuất khoán hộ trong nông nghiệp hợp tác xã thập niên 1960? Để rồi 20 năm sau đó, tiếng nói của ông mới trở thành chân lý: sản xuất do động lực tập thể không hiệu quả bằng sản xuất từ động lực cá nhân. Vì sao hợp tác xã nông nghiệp- đặc trưng của XHCN- không thành công nhưng vẫn được áp dụng? Bởi ai cũng không dám cất lên tiếng nói phản bác. Phản bác đồng nghĩa với phản động: đi ngược lại đường lối cách mạng.
Nỗi sợ hãi không những làm kẻ bình dân không dám cất lên tiếng nói tự đáy lòng, tự suy nghĩ của mình. Nỗi sợ hãi còn làm cho những bậc trí thức không dám cất lên tiếng nói của trí tuệ. Nếu có góp tiếng, thì, hoặc là không phải tự thâm tâm, hoặc xuôi chiều gió, đặng kiếm chút bình an. Nỗi sợ làm cho họ nhớ đến Nguyễn Trường Tộ, Chu Văn An. Nói thẳng, nói thật để về vườn?
Ngày nay, nhân loại đang ở vào giai đoạn tiến bộ vô cùng. Cách mạng công nghệ kĩ thuật số có làm con người không còn nỗi sợ nào?
Các chế độ toàn trị bây giờ- như ở Trung Quốc- đã làm chủ việc ban phát nỗi sợ. Bất kỳ hoạt động của bất cứ người nào trong hơn 1,4 tỷ dân đều được theo dõi. Đó là lý do xã hội TQ trở thành một thế giới riêng. Thế giới của nỗi sợ. Người dân không biết tới cuộc nổi dậy Thiên An Môn. Người dân không biết tới có các trại “huấn nghiệp “ ở Tân Cương. Người dân không biết tới cuộc xâm lược VN năm 1979. Họ chỉ biết đó là ”dạy cho VN một bài học “. Chính trị ổn định, người dân chỉ biết làm giàu. Họ không bao giờ dám lên án một người sửa hiến pháp để lãnh đạo mãn đời không khác gì vua chúa, ở cái thể chế mà cha ông cộng sản của họ đổ xương máu để đánh đổ. Nỗi sợ làm cho người dân cảm thấy bình an khi ai đó cho họ bình an, hạnh phúc khi có ai đó ban họ hạnh phúc, giàu có khi có ai đó cho họ giàu có, trong khi bình an, hạnh phúc, giàu có chính họ mới tạo ra cho mình, đó mới trường cữu.
Khi có những suy nghĩ, tôi thường hay viết ra, và đăng lên Facebook. Nếu có một chỗ khác để tự do bày tỏ suy tư, tôi sẽ không chọn mạng xã hội này. Một mạng ảo. Xem qua rồi bỏ. Không xem nó cũng trôi mất. Mà biết có ai xem? Viết ra và tôi có nỗi sợ nào ám ảnh không? Sao lại không. Nhiều bạn học, bạn đọc, người thân khuyên tôi: Viết “táo bạo” coi chừng bị “hốt”, bỏ gia đình, ảnh hưởng tới con cái, chẳng lợi ích gì ở xã hội bây giờ. Nhiều người theo dõi tôi viết nhưng (thẳng thắn nhận xét) họ chẳng buồn like, buồn còm, vì “nguy hiểm” lắm.
Suy nghĩ và nói lên suy nghĩ của mình là cái tôi học trong trường thời nhỏ ở miền Nam. Không có vị thầy nào nói với học sinh, rồi sinh viên chúng tôi, các em phải suy nghĩ như thế này, không được suy nghĩ như thế kia. Nghĩa là không sợ hãi khi suy nghĩ và tự do biểu đạt suy nghĩ cá nhân.
Khi đã “thất thập”, tôi mới nghiệm ra, ở quê vì tăm tối, thiếu ánh sáng của đèn điện, tôi mới tin cha tôi kể về ma và tôi sợ ma. Khi có ánh sáng, nỗi sợ không còn thì ma cũng mất. Rất đơn giản.

Monday, July 4, 2022

THẾ GIỚI TAM CỰC: SỰ TRỖI DẬY CỦA CÁC CƯỜNG QUỐC "TRUNG LẬP" (Tripolar world ushered in by the rise of 'neutral' powers).

 Trước chỉ đu dây giữa Tàu và Mỹ nay thêm ông Nga, Đông Lào thật vất vả. Phải chi có tiềm lực thì , mẹ nó, sợ gì ai. Bị dịch bịnh, nội xâm (tham nhũng), thêm lão Putin giở thói chí Phèo, Đông Lào hẳn phải ngất ngư con tàu đi.

........................................................

HIROYUKI AKITA, nhà bình luận của Nikkei Asia, đăng ngày 3 tháng 7 năm 2022.
TOKYO: Nhật là một cường quốc ít ảnh hưởng bởi sự thay đổi trật tự thế giới nhờ sự “bảo bọc” của Hoa Kỳ, không bị ai xâm lược, và họ tiếp tục chính sách an ninh với điều kiện trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo sẽ tiếp tục.
Không hẳn điều này dẫn đến sự hiểu sai nhưng những diễn biến địa chính trị mới đây cần sự đánh giá tỉnh táo lại khả năng lâu dài một trật tự do Mỹ dẫn đầu khẩn thiết hơn bao giờ hết.
Chỉ mới bốn tháng sau ngày Nga xâm lược Ukraine, trật tự thời hậu chiến do Mỹ lãnh đạo rõ ràng ở bên bờ sụp đổ. Không hiếm chứng cứ củng cố cho quan điểm này. Khi Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu một nghị quyết gạt Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền ngày 7 tháng 4, 100 nước hoặc bỏ phiếu chống, phiếu trắng, hoặc là không bỏ phiếu so với 93 nước ủng hộ.
Theo Economist Intelligent Unit, tính đến 30 tháng 3, các nước tham gia cấm vận quốc tế chống Nga, hoặc ít ra chỉ trích họ xâm lược, chiếm tỷ lệ 36% dân số thế giới. Đa số là các nước dân chủ phương Tây.
Trong lúc đó, 64% dân số thế giới sống ở các nước hoặc trung lập trước xung đột Ukraine hoặc tỏ ra “cảm thông” hay ủng hộ Nga. Các nước trung lập chiếm 32% dân số toàn cầu gồm Ấn, Brazil, Nam Phi. Số còn lại, thuộc khối ủng hộ Nga, gồm Trung Quốc và Iran (tác giả quên Syria -ND).
Lãnh đạo các nền dân chủ lớn, có cả tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, thích nói thế giới đoàn kết lên án Nga xâm lược, nhưng thực ra không hẳn như vậy. Sự thật này thấy rõ ở Đối thoại Shangry-La, hội nghị thượng đỉnh quốc phòng hàng đầu châu Á tổ chức từ 10-12 tháng 6 ở Singapore.
Thủ tướng Nhật Kishida lên án Nga xâm lược Ukraine, cũng như các bộ trưởng của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Úc. Tất cả đều cảnh cáo thái độ quân sự ngày càng hung hăng của TQ, kêu gọi hợp lực chống lại cái họ thấy là mối đe dọa từ TQ.
Nhưng sự chỉ trích Nga và TQ của họ không tìm đồng thanh trong các nước Đông Nam Á hay Thái Bình Dương. Bộ trưởng quốc phòng Indonesia cho biết nước ông đã có quan hệ lành mạnh với Nga, mà ông mô tả như “một người bạn tốt”. Ông còn gọi TQ là đối tác thân cận
.
Bộ trưởng quốc phòng Malaysia minh định vị thế trung lập của nước ông, trong khi người đồng cấp nước Fiji nói đảo quốc của ông sẽ gặt hái lợi ích nhờ quan hệ với tất cả các nước, kể cả TQ.
Những phát ngôn như thế thật không tưởng tượng được trong một thế giới mà nghiễm nhiên Mỹ đang phụ trách. Nhiều thành viên từ các nước Đông Nam Á, Ấn Độ tham dự hội nghị, phát biểu sự lãnh đạo của Hoa Kỳ ngày càng suy yếu khoảng 10 năm gần đây khi nêu ra các sự kiện như sau:
Tháng 8 năm 2012, tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh cáo tổng thống Syri, việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ vượt qua “ranh giới đỏ” và sẽ dẫn đến sự can thiệp của Hoa Kỳ. Chẳng sợ hãi, quân đội Syri dung hơi độc sarin giết chết hàng trăm người một năm sau đó. Obama im thin thít. Rồi 2013, Obama tuyên bố Mỹ không còn đóng vai “cảnh sát quốc tế” nữa. Ông ta chẳng có hành động nào để ngăn chận Nga sáp nhập Crimea năm 2014 hoặc ngăn chặn TQ xây dựng các căn cứ quân sự ở biển Đông.
Kế tục sau đó, Donald Trump áp dụng chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, hậu quả là, từ bỏ vai trò lãnh đạo trong các sự việc thế giới. Sự xâm lược Ukraine của Nga nổ ra trong bối cảnh địa chính trị như thế.
Với hy vọng hạ thấp hơn nữa ảnh hường của Hoa Kỳ, Moscow từng bước gây áp lực lên châu Á. Lấy ví dụ, Nga đe dọa ngưng vận chuyển các thiết bị quân sự đến các quốc gia Đông Nam Á nếu các nước này ủng hộ phương Tây kết án Nga đối với “chiến dịch quân sự đặc biệt”, theo một nguồn tin ngoại giao trong khu vực.
Nga là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đông Nam Á. Theo viện nghiên cứu hòa bình thế giới Stockholm, giữa các năm 2000 đến 2021, Nga bán cho các nước 10,9 tỷ đô la vũ khí, nhiều hơn Mỹ.
Nước mua nhiều nhất là Việt Nam, Malaysia, Indonesia sẽ gặp rắc rối vận hành khí tài nếu Nga cắt nguồn cung. Thật an toàn để nói rằng Moscow cũng tạo áp lực lên các nước ở Trung Đông và châu Phi, hai nơi phụ thuộc vào vũ khí Nga.
TQ sử dụng không những sức ép ngoại giao mà còn giúp đỡ kinh tế và đầu tư để lấy long các nước đang phát triển.
Diễn tiến này chỉ ra sự kết thúc của trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo và thay thế họ không phải bởi một thế giới không có các cực, hay "G-zero", như một số chuyên gia đã dự đoán, mà là một thế giới ba cực nơi ba khối các quốc gia cạnh tranh để giành giựt ảnh hưởng toàn cầu .
Khối thứ nhất gồm các nền dân chủ phương Tây và châu Á, như Hoa Kỳ, Cộng đồng châu Âu, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Anh, Canada. Khối thứ hai gồm Trung Quốc, Nga, Iran, Bắc Hàn và các nước toàn trị khác. Khối thứ ba là liên minh lỏng lẻo của các nước “trung lập” hoặc không liên minh với phương Tây hay khối Nga-TQ. Khối này gồm Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil.
Khi sự đối đầu giữa “phương Tây” – gồm cả các thành viên châu Á – với khối Nga-Tàu thêm căng thẳng, các nước trung lập thấy ra cơ hội mở rộng ảnh hưởng của họ qua động thái cân bằng thận trọng. Phấn khởi với sự thành công của mình, các nước lớn trong khối thứ ba này – như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - hiện nổ lực hơn để theo đuổi hướng đi của riêng họ.
Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, sau đó thì tổ chức cuộc gặp cấp bộ trưởng ngoại giao với Anh hôm 23 tháng 6 để thăm dò cách thức chấm dứt sự phong tỏa của Nga ở các cảng Biển Đen.
Về phía mình, Ấn Độ đẩy mạnh nhập khẩu dầu của Nga từ tháng ba, nhưng đồng thời, cùng làm việc với Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc là nhóm Bộ Tứ chống lại sự bành trướng của TQ.
Khi nhiều nước “trung lập” không dựa vào một liên minh an ninh nào với cường quốc dẫn đầu, họ tránh tuyên bố các phát ngôn có tính nguyên tắc, và có xu hướng tập trung vào những lợi ích hạn chế hơn. Điều này khó làm cho họ đoàn kết trong bất kỳ vấn đề nào như các nền dân chủ phương Tây hay liên minh Nga-Tàu.
Các cường quốc dẫn đầu phương Tây cần lôi kéo những nước lừng khừng này về phía mình và giữ nguyên hiện trạng. Nhưng làm thế chẳng dễ dàng gì. Muốn thành công, các nước phương Tây phải minh định những yêu cầu của các quốc gia này, kiên trì xây đắp quan hệ với họ dựa vào quyền lợi hỗ tương. Phương Tây có thể chẳng còn nhiều lựa chọn: TQ đã quyết tâm hoạch định các nỗ lực ngoại giao với cùng mục đích như thế.
Nguyễn Long Chiến dịch từ

Thursday, June 30, 2022

NỘI CHIẾN TỪNG NGÀY?



Báo đăng ban tổ chức đêm văn nghệ ở Đà Lạt bị “mời làm việc” do Khánh Ly hát Gia tài của mẹ, bài hát ngoài danh sách đăng ký. Nếu không “có vấn đề” thì chả ai phải bị “mời” cả.
Vấn đề ở đây là gì? Chắc chắn không phải ca sĩ hát bài bị cấm hát. Lý do, theo VNEXPRESS ngày 17/02/2020, “Bỏ cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975”. Vậy vì lý do gì? Không trách “cơ quan chức năng”. Nhiệm vụ của họ là phải tuýt còi nếu có gì không nằm trong sự quản lý của mình. Tất cả cũng vì trách nhiệm, hay nôm na hơn, vì nồi cơm. Ăn cơm chúa mà không múa thì chúa đâu có chịu.
Vậy, bài hát có “vấn đề” gì?
Theo suy luận của tôi, nội dung khiến cơ quan chủ quản “ra tay” nằm trong câu cuối của đoạn hát (trích): “Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu. Một trăm năm đô hộ giặc Tây. Hai mươi năm nội chiến từng ngày”.
Nhưng tại sao lại sợ mấy chữ “nội chiến”? Cuộc chiến vừa qua có rất nhiều tên gọi cách nhìn của các bên tham gia. Mỹ gọi là Vietnam war (Cuộc chiến VN). Nhà cầm quyền Hà Nội gọi là cuộc chiến chống Mỹ (xâm lược). Vì khác cách gọi mà người Việt có thái độ khác nhau với cuộc chiến.
Có mặt của đội quân nước ngoài ở VN, đứng đầu là Mỹ, chiến tranh xâm lược là tên gọi dễ dàng được nhiều người bên VNDCCH (Việt Nam dân chủ cộng hòa) chấp nhận nhất. Về phía VNCH (Việt Nam cộng hòa), phần nhiều người dân miền Nam gọi cuộc chiến chống lại “quân cộng sản xâm lược”.
Cuộc chiến tranh lần nhì (phân biệt với lần nhất – chống thực dân Pháp) xảy ra vì đất nước bị chia cắt tại vĩ tuyến 17. Vì sao bị chia cắt, chẳng cần giải thích, ai ai cũng hiểu: Việt Nam lọt vào “gọng kìm lịch sử” của các cường quốc thuộc hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Nói huỵch tẹt ra, nếu không có chủ nghĩa cộng sản thì không có chiến tranh ở Việt Nam.
Tôi dẫn chứng: Lúc tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhiều bức thư gửi tổng thống Mỹ đề nghị được công nhận. Vì phát hiện ra Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, chính phủ Mỹ không dám công nhận một nước có lãnh tụ là…cộng sản. Giả sử Mỹ coi VN là một nước độc lập, liệu cụ Hồ có phát động cuộc chiến chống Mỹ cứu nước? Khi VN là bạn Mỹ, người Mỹ có mang quân qua VN, giúp chính quyền Sài Gòn, đánh chính quyền Hà Nội? Sự có mặt của Mỹ ở VN không khác sự có mặt của Mỹ ở Triều Tiên. Hàn Quốc tri ân sự có mặt của Hoa Kỳ. Nếu không có họ, Nam Hàn bây giờ cũng húp cháo để chế bom nguyên tử như Bắc Hàn.
“Đế quốc” Mỹ không có nhu cầu đất đai, do đó, Mỹ không xâm lược ai. Họ có thể thất bại trên phương diện nào đó như không thể duy trì chế độ họ cưu mang một thời ở Việt Nam hay ở Afghanistan (Thực ra lỗi không hoàn toàn ở họ).
Vậy, cuộc chiến vừa qua ở Việt Nam chủ yếu là cuộc chiến giữa người miền Bắc (theo cộng sản) và người miền Nam (chống cộng sản). Số người Việt chết trong chiến tranh ước tính trên 3 triệu người. Đất nước tan hoang vì bom đạn, dân tộc đổ quá nhiều máu bởi loại vũ khí không phải chính người Việt làm ra. Giết chết người Việt là đạn, là bom, của người Nga, của người Tàu, của người Mỹ, của người Pháp.
Nếu không có chủ nghĩa cộng sản thì thế giới không thể chia hai phe đánh nhau, hậu quả, hai miền Nam-Bắc VN cũng phải cầm vũ khí đánh nhau, giết nhau.
Trong bài Gia tài của mẹ, Trịnh Công Sơn than thở “Hai mươi năm nội chiến từng ngày”; lời than thở ấy cũng là lời than thở sâu thẳm trong tâm khảm của mọi người dân Việt Nam.
Vì sao anh em một nhà giết chết nhau? Không thể nói người miền Nam muốn “ôm chân” đế quốc để giết hại đồng bào miền Bắc. Cũng không thể nói đồng bào miền Bắc bảo vệ khối XHCN muốn giải phóng miền Nam khỏi sự nô dịch và kìm kẹp của đế quốc Mỹ. Ai giải phóng ai, sau năm 1975, mọi người Việt đều có câu trả lời, rất đơn giản.
Tất cả những điều tôi nói trên không phải là chủ đích chính của bài viết. Tôi muốn nói thái độ nhìn nhận cuộc chiến đối với tương lai hòa giải và hòa hợp dân tộc – một vấn đề lớn, ngốn không biết bao nhiêu tâm huyết của mọi người VN còn có tấm long sâu nặng với mảnh đất từng đau thương này.
Khi nhìn nhận cuộc chiến tranh vừa qua là nội chiến, tức trong gia đình đánh nhau, giết nhau, sự bao dung mới có điều kiện hiển hiện trong suy nghĩ của mỗi người Việt Nam. Có thể nhìn nhận như thế sẽ thay đổi (không dễ gì chấp nhận) cách giải thích từ xưa đến nay của bên “thắng cuộc”, với lý tưởng: cuộc kháng chiến thần thánh, chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có biết bao nhiêu sự thay đổi kèm theo. Một thay đổi đau đớn nhất: hàng triệu người hy sinh cũng chỉ vì “nội chiến” hay sao?
Mỹ không cướp nước không phải họ không thể cướp được. Miền nào cần được giải phóng? Chỉ có "thống nhất” trong cái lý tưởng trên là chấp nhận được: chấp nhận với giá quá đắt, nếu chúng ta so sánh sự thống nhất giữa Đông Đức và Tây Đức (sắp tới biết đâu sẽ là Nam Hàn và Bắc Hàn). Cho đến ngày hôm nay, sự trả giá ấy không phải là không dai dẳng. Có biết bao cuộc “nội chiến” giữa bên “thắng cuộc” và bên” thua cuộc” âm thầm xảy ra ngày đêm, biểu hiện một phần nổi qua các trang mạng xã hội. Bất kỳ một sự việc nào xảy ra ở VN, chúng ta đều thấy – không còn lấp ló nữa – sự chia rẽ sâu sắc của người VN xuât phát từ hai thể chế trong lịch sử, từ hai miền chia cắt chỉ tạm thời chưa quá hai chục năm.
Khi xem cuộc chiến tranh này là nội chiến, người Việt Nam sẽ dễ dàng tha thứ cho nhau. Máu đỏ, da vàng mà. Họ sẽ hiểu vì ai mà người Việt giết nhau. Khi là nội chiến thì sự mất mát của bên kia cũng là mất mát của bên này. Máu bên kia đổ cũng đau đớn như máu bên này đổ. Hai đứa con cùng một mẹ, chúng đối nghịch nhưng cũng từ núm ruột rứt ra. Bàn thờ gia tiên, hai anh em, hai cha con, sống từng bắn vào nhau, nhưng khi chết, đều cùng một chỗ, cùng một gia đình, cùng một cội nguồn. Nếu là “địch ta” bàn thờ sẽ phải bỏ đi?
Nếu sự kiện Khánh Ly hát bài Gia tài của mẹ có vấn đề (vì câu “Hai mươi năm nội chiến từng ngày) thì sự hòa giải hòa hợp dân tộc, suy rộng ra, đang có vấn đề. Và vấn đề lớn hơn, cuộc chiến huynh đệ tương tàn lùi vào dĩ vãng gần nửa thế kỷ, “nội chiến” vẫn còn dai dẳng nhức nhối hay sao?

Tuesday, June 28, 2022

Chúc mừng


 

Lần đầu gặp nhà thơ Hoàng Lộc. Ấn tượng ông còn khá trẻ so với tuổi , tôi kém hơn ông 10 tuổi. Cần thời gian để đọc Gửi lại trần gian, sách in hơn 400 bài thơ, trên giấy bóng, đẹp, sang trọng. Khen thơ ông hay chẳng khác nào khen Tây Thi đẹp. Nhìn cách đi lại của một nhà thơ 81 tuổi, tôi thấy, mình cần rèn luyện sức khỏe hơn nữa. Có một ấn tượng đậm hơn: nhiều người yêu mến ông. Một người làm thơ từ tuổi 20, hơn 60 năm vẫn còn sức sáng tác, được nhiều người yêu mến là lẽ thường tình. Nghe đâu, sang năm ông sẽ in một tập thơ nữa. Chúc ông luôn dồi dào sức khỏe.

P/S: Tôi thích nhất bài thơ này của ông:
Bữa Say Ghé Chùa Ông Hội An
Quan Vân Trường mặt đỏ cũng thành danh
ta đỏ mặt hơn ông, đời lại hỏng
ông cốt cách quỳnh tương, ta hồ đồ rượu dỏm
cuộc trăm năm đã đến thế - hoang tàn
Kinh Châu, Kinh Châu mờ hơi sương
lòng ông, lòng ta - ai biết được?
hào khí ngời thanh long, cũng sụt sùi ngọn bút
chuyện nghìn xưa thầm hỏi chuyện nghìn sau
ông còn đất để về, ta biết về đâu?
mịt mịt trời sương - mờ mờ thân thế
châu với quận đã lạc loài tri kỷ
mảnh trăng suông vừa nhạt thếch rượu mời
chốn trần gian tốc gió bốn trời
trên đất lạ còn rung bờm xích thố
ông tử vi thần thơm lừng thiên cổ
ta thơ cuồng vất vưởng mỗi tờ mây
để có lần ta chếnh choáng qua đây
chén rượu dỏm chừng không gượng nổi
ông linh hiển, mặt mày ông đỏ chói
đỏ mặt mình, ta gục dưới chân ông...
1987
Hoàng Lộc

Sunday, June 26, 2022

AI GIÚP NƯỚC



Hồi Việt Minh, cụ Hồ Chí Minh ra “sắc lịnh” cầu hiền, tìm những người tài đức ra giúp nước. Thế hệ các vị tiền bối cộng sản thật sự tập họp được tinh hoa của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp giai đoạn đầu. Điều đáng nói, tất cả, tôi không nói hầu hết, rất tréo ngoe, tầng lớp tinh hoa ấy trưởng thành từ nền giáo dục của bọn thực dân Pháp.
Thế rồi xảy ra hai cuộc chiến tranh, tầng lớp ưu tú mai một dần: một số bị giết chết vì ở khác bên, một số mất mạng trong trại tù, và số khác trốn chạy khỏi đất nước họ và cha ông họ đã từng sinh sống. Lớp ưu tú muốn ra giúp nước bị giới hạn. Con, cháu của bên “thua cuộc” chắc chắn không thể là hạt giống đỏ, “hồng phúc” của dân tộc. Và ngay trong con cháu của bên thắng cuộc chưa chắc con đường “giúp nước” của họ hanh thông. Trong lúc cha ông họ cầm súng chiến đấu trên chiến trường, rất nhiều người trong số họ làm mồi cho bom đạn đối phương, hàng trăm ngàn người vẫn chưa tìm ra tông tích thì cha ông một số khác yên bình ôm sách học hành ở những nước anh em không hề nghe thấy tiếng súng, họ mới là người có điều kiện giúp nước.
Khi cha ông không ở cạnh, nhất là không quyền chức, những người ít điều kiện học hành, liệu trong hàng ngũ giúp nước bên thắng cuộc có được bao người?
Tôi chưa nói, hàng ngũ “giúp nước “ ngày nay còn bị hạn chế bởi cơ chế tuyển chọn nhân tài: số người “có tiêu chuẩn “ quanh quẩn trong số chừng 5 triệu người, mà trong sô đó, gần như 3/4 là lực lượng hậu bị hay hưu trí. Nhân tài “giúp nước” càng thu hẹp trong một số đối tượng. 5 triệu cá nhân tiên phong của giai cấp cách mạng không phải ai ai cũng có quyền xung phong ra giúp nước theo như lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi đầu kháng chiến.
Mấy chục triệu dân còn lại không ai có quyền ra giúp nước dù họ là công dân co quyền bầu cử và ứng cử theo hiến pháp. Tôi cho đây là lý do, nhiều chức vụ chưa phải là “chóp bu” không dễ dàng tìm người thay thế vì “phải cân nhắc cẩn thận”, “không thể vội vàng được” như than vãn của vị nguyên thủ quốc gia.
Lý do giản dị: cơ chế. Tại sao lúc làm tổng thống, Donald Trump thay người trong chính phủ còn chóng vánh hơn thay áo, nước Mỹ vẫn không thiếu người “giúp nước”? Đội ngũ điều hành của ông ta vẫn rất sáng suốt, không “hùa” theo lãnh đạo để “lật kèo” bầu cử tổng thống, một nguy cơ phá vỡ nền chính trị lâu đời dựa vào hiến pháp của nước Mỹ. Những người tài giúp việc cho tổng thống không nhất thiết là người trong đảng của ông ta.
Điều đó nói lên cái gì?
Mọi người dân Mỹ đều có quyền ra ứng cử để “giúp nước “ không bị giới hạn trong tổ chức đảng phái chính trị nào. Mỹ tiến bộ nhờ cơ chế, chính quyền của dân, do dân, và vì dân, tất nhiên phải thể hiện qua lá phiếu của mỗi cử tri. Lá phiếu quyết định người lãnh đạo quốc gia.
Trở lại đầu bài viết, liệu có một “sắc lịnh “ hay bức thư kêu gọi toàn dân “ai có tài đức, ai biết người tài đức , xin ra giúp nước hoặc giới thiệu cho chính phủ để mời họ ra giúp nước “ như lời kêu gọi của vị đại tiền bối cách mạng cộng sản không? Chắc chắn là không.
Chọn người vào chức vụ lãnh đạo đã khó, tại sao thay người lãnh đạo bị kỷ luật lại càng khó hơn?
Tôi nghĩ mọi người đều biết nguyên do nhưng ít ai dám nói ra. Nếu có thì cũng là những lời nói rụt rè, ví như tìm người đứng đầu thủ đô, sau vụ liên tiếp hai ông đi đếm kiến, họ dè dặt đề xuất: để dân Hà Nội bầu ra lãnh đạo. Họ dư trí để hiểu: nếu thí điểm dân bầu lãnh đạo ở thành phố đứng đầu cả nước, thì sự “lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện” cất vào đâu cho ổn?
Dân chúng hãy yên tâm, các chức vụ cất nhắc sắp tới để thay ông bộ trưởng, ông đô trưởng, sẽ không còn ai hăng hái tự nguyện gia nhập đội Juventus nữa đâu.