Sunday, June 26, 2022

AI GIÚP NƯỚC



Hồi Việt Minh, cụ Hồ Chí Minh ra “sắc lịnh” cầu hiền, tìm những người tài đức ra giúp nước. Thế hệ các vị tiền bối cộng sản thật sự tập họp được tinh hoa của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp giai đoạn đầu. Điều đáng nói, tất cả, tôi không nói hầu hết, rất tréo ngoe, tầng lớp tinh hoa ấy trưởng thành từ nền giáo dục của bọn thực dân Pháp.
Thế rồi xảy ra hai cuộc chiến tranh, tầng lớp ưu tú mai một dần: một số bị giết chết vì ở khác bên, một số mất mạng trong trại tù, và số khác trốn chạy khỏi đất nước họ và cha ông họ đã từng sinh sống. Lớp ưu tú muốn ra giúp nước bị giới hạn. Con, cháu của bên “thua cuộc” chắc chắn không thể là hạt giống đỏ, “hồng phúc” của dân tộc. Và ngay trong con cháu của bên thắng cuộc chưa chắc con đường “giúp nước” của họ hanh thông. Trong lúc cha ông họ cầm súng chiến đấu trên chiến trường, rất nhiều người trong số họ làm mồi cho bom đạn đối phương, hàng trăm ngàn người vẫn chưa tìm ra tông tích thì cha ông một số khác yên bình ôm sách học hành ở những nước anh em không hề nghe thấy tiếng súng, họ mới là người có điều kiện giúp nước.
Khi cha ông không ở cạnh, nhất là không quyền chức, những người ít điều kiện học hành, liệu trong hàng ngũ giúp nước bên thắng cuộc có được bao người?
Tôi chưa nói, hàng ngũ “giúp nước “ ngày nay còn bị hạn chế bởi cơ chế tuyển chọn nhân tài: số người “có tiêu chuẩn “ quanh quẩn trong số chừng 5 triệu người, mà trong sô đó, gần như 3/4 là lực lượng hậu bị hay hưu trí. Nhân tài “giúp nước” càng thu hẹp trong một số đối tượng. 5 triệu cá nhân tiên phong của giai cấp cách mạng không phải ai ai cũng có quyền xung phong ra giúp nước theo như lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi đầu kháng chiến.
Mấy chục triệu dân còn lại không ai có quyền ra giúp nước dù họ là công dân co quyền bầu cử và ứng cử theo hiến pháp. Tôi cho đây là lý do, nhiều chức vụ chưa phải là “chóp bu” không dễ dàng tìm người thay thế vì “phải cân nhắc cẩn thận”, “không thể vội vàng được” như than vãn của vị nguyên thủ quốc gia.
Lý do giản dị: cơ chế. Tại sao lúc làm tổng thống, Donald Trump thay người trong chính phủ còn chóng vánh hơn thay áo, nước Mỹ vẫn không thiếu người “giúp nước”? Đội ngũ điều hành của ông ta vẫn rất sáng suốt, không “hùa” theo lãnh đạo để “lật kèo” bầu cử tổng thống, một nguy cơ phá vỡ nền chính trị lâu đời dựa vào hiến pháp của nước Mỹ. Những người tài giúp việc cho tổng thống không nhất thiết là người trong đảng của ông ta.
Điều đó nói lên cái gì?
Mọi người dân Mỹ đều có quyền ra ứng cử để “giúp nước “ không bị giới hạn trong tổ chức đảng phái chính trị nào. Mỹ tiến bộ nhờ cơ chế, chính quyền của dân, do dân, và vì dân, tất nhiên phải thể hiện qua lá phiếu của mỗi cử tri. Lá phiếu quyết định người lãnh đạo quốc gia.
Trở lại đầu bài viết, liệu có một “sắc lịnh “ hay bức thư kêu gọi toàn dân “ai có tài đức, ai biết người tài đức , xin ra giúp nước hoặc giới thiệu cho chính phủ để mời họ ra giúp nước “ như lời kêu gọi của vị đại tiền bối cách mạng cộng sản không? Chắc chắn là không.
Chọn người vào chức vụ lãnh đạo đã khó, tại sao thay người lãnh đạo bị kỷ luật lại càng khó hơn?
Tôi nghĩ mọi người đều biết nguyên do nhưng ít ai dám nói ra. Nếu có thì cũng là những lời nói rụt rè, ví như tìm người đứng đầu thủ đô, sau vụ liên tiếp hai ông đi đếm kiến, họ dè dặt đề xuất: để dân Hà Nội bầu ra lãnh đạo. Họ dư trí để hiểu: nếu thí điểm dân bầu lãnh đạo ở thành phố đứng đầu cả nước, thì sự “lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện” cất vào đâu cho ổn?
Dân chúng hãy yên tâm, các chức vụ cất nhắc sắp tới để thay ông bộ trưởng, ông đô trưởng, sẽ không còn ai hăng hái tự nguyện gia nhập đội Juventus nữa đâu.