Thursday, February 3, 2022

NEM, TRƯỞI



Thường thì nem đi với chả, hai món ngon nhất ngày xưa. “Ngon như chả”. Ngon như thế, dân gian mới nói “ông ăn chả, bà ăn nem”. Cân bằng chuyện "ăn ngon".
Nhưng trưởi lại đi kèm với nem, nem- trưởi, ở Quảng Nam, trong những ngày xuân. Trưởi không phải là tré của Huế.
Trưởi ngon nhất là làm từ lỗ tai heo luộc vừa chín, để ráo, nguội, xắt thật mỏng, dài độ ngón tay út. Trộn thịt xắt với riềng sấy khô (đâm nhuyễn), một ít tiêu hạt giã nhỏ, mè rang (nguyên hột), tý muối rang (không iod); có người lấy nước mắm cô đặc thành bột trắng, thay muối. Gói thành từng gói nhỏ dài tầm sáu phân tây, to như cán rựa, bằng lá chuối hột (chuối chát) phơi nửa nắng (không phải một nắng), lót trên hai lá vông nem, cột ngang dọc thật chặt bằng lạt giang (dan, gian?)- một loại cây như trúc to thân, chỉ có trên núi, thường dùng để cột các đòn bánh tét.
Cột 10 gói một chùm treo lên cao chỗ thoáng mát. Trưởi ăn dần nhờ có thể để lâu đến nửa tháng, khác với nem, để lâu không ăn được vì quá chua. Trưởi làm từ tai heo cỏ (heo mọi, heo tộc “cặp nách”) mới đạt độ ngon vì mỏng, giòn, và dai.
Yêu cầu ngon nữa là trưởi không ẩm ướt và ăn với bánh tráng nướng. Ở vùng quê Quang Nam thời xưa, trưởi đắc dụng ngày Tết đãi khách đến thăm xuân, một hay hai gói, khách sẽ hiểu đó là “liều lượng” hiếu khách. Chủ nhà sẽ con tiếp một số khách “quan trọng” khac. Vài chục trưởi giúp gia đình ăn Tết tinh tươm. Điều bất công là món này chỉ để nhắm rượu xuân cho các ông. Có bà mẹ thương con cũng nhẹ nhàng cất riêng cho trẻ đôi gói nếu chúng ăn được thịt có mùi riềng.
Nhưng trưởi không “bắt mồi” bằng nem. Món này nổi tiếng lắm, tôi không phải mô tả nữa. Nem thường chua ăn mới ngon, nên có tên nem chua. Đi khắp nước có điều kiện thưởng thức món nem, tôi thấy nem huyện Tiên Phước, Quảng Nam là “số dách”.
Vùng quê nhiều thắng cảnh, nổi tiếng trầm hương thơm nhất nước, ở vị trí bán sơn địa, có ngôi đền thờ của nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng.Thổ nhưỡng và đặc trưng núi rừng tại đây khiến mọi thứ tầm thường trở nên đặc biệt. Ví dụ, một ký tiêu thường có giá 100 ngàn thì ở Tiên Phước phải là 500 ngàn vì mùi vị đặc biệt, thơm giống tiêu rừng, tiêu lốp (Nam bộ), rất cay nhưng không cay xé; có thưởng thức, một hạt tiêu thôi, quý vị sẽ thấy tôi nói không ngoa.
Còn nữa, các nơi đều có mít, có sầu riêng, có bưởi, có bòn bon (trái nam trân), có xoài nhưng hương vị các loại trái cây ở đây đều ngon hơn, tôi không hiểu vì sao. Hay tại nơi này có nước con sông Tiên chảy ngược gần như duy nhất ở VN- từ Đông sang Tây, chứ không từ Tây sang đông như tất cả các con sông khác.
Nhưng có lẽ chưa hẳn đúng. Một lẽ khác: phụ nữ ở đây đa phần đều xinh nhờ nước da trắng, hàm răng sáng,mái tóc đầy ? Thấy họ thì thấy thứ gì không ngon kia chứ. Món nem này chẳng hạn. Một phụ nữ tên Nguyễn Tiên Phước gửi tặng đồng hương 20 gói nem đặc biệt, chỉ để dành đến Tết. Từ Quảng Nam đến Sài Gòn, nem đi chưa tới hai ngày, thật “thần tốc”. Cô còn gửi bán khắp nơi qua mạng.
Cám ơn Tiên Phước quê nhà.

THÍCH NHẤT HẠNH, NHÀ HOẠT ĐỘNG CHO HÒA BÌNH, THI SĨ, BẬC THẦY DẠY TỈNH THỨC, QUA ĐỜI Ở TUỔI 95



(Thich Nhat Hanh, poetic peace activist and master of mindfulness, dies at 95)

Reuters, ngày 22/01/2022: Thích Nhất Hạnh, thiền sư Phật giáo, thi sĩ, nhà hoạt động cho hòa bình, nổi tiếng chống chiến tranh VN thập niên 1960 vừa qua đời hôm thứ bảy bên các đệ tử tại ngôi chùa nơi ông bắt đầu một hành trình tu hạnh.
Danh khoản Twitter của thiền sư phát đi tin: “Cộng đồng phật giáo dấn thân Làng Mai thế giới kính báo, vị thầy kính mến của chúng tôi đã viên tịch tại chùa Từ Hiếu, Huế, vào lúc 0 giờ ngày 22 tháng 02 năm 2022 ở tuổi 95”.
Dấn thân với nhiều công việc to lớn và xuất hiện trước công chúng qua nhiều thập kỷ, Thích Nhất Hạnh, với giọng nói nhỏ nhẹ nhưng uy vũ về sự cần thiết “đi những bước trên đất như thể hôn nó bằng đôi chân”.
Năm 2014, ông bị đột quỵ không còn nói được và trở về Việt Nam sống những ngày cuối đời ở cố đô Huế, nơi ông sinh ra, sau phần hết cuộc đời lưu lạc xứ người.
Là nhà tiên phong Phật giáo ở phương Tây, ông thành lập đạo tràng “Làng Mai” ở Pháp, thuyết pháp đều đặn về thực hành tỉnh thức (mindfulness)- quán chiếu, tách khỏi ý niệm xét đoán – đến giới doanh nghiệp và các môn đồ quốc tế.
Trong một bài thuyết giảng, ông nói: “Bạn nên học biết đau khổ. Nếu biết đau khổ, bạn sẽ bớt đi rất nhiều đau khổ. Và nhờ thế, bạn biết dùng đau khổ để tạo an lạc và hạnh phúc”. “Nghệ thuật hạnh phúc và nghệ thuật đau khổ luôn luôn song hành”. ("The art of happiness and the art of suffering always go together").
Ra đời với tên Nguyễn Xuân Bảo năm 1926, Thích Nhất Hạnh xuống tóc đi tu khi nhà cách mạng tiền bối Hồ Chí Minh lãnh đạo phong trào giải phóng một nước Đông Nam Á khỏi ách cai trị của thực dân Pháp.
Nói được bảy thứ tiếng, Thích Nhất Hạnh giảng dạy ở đại học Princeton và Columbia những năm đầu thập niên 1960. Ông trở về Việt Nam năm 1963 tham gia phong trào Phật giáo chống chiến tranh Việt Nam, bằng những cuộc tự thiêu phản đối của một số thầy chùa.
Năm 1975, ông viết: “Tôi thấy người cộng sản và người chống cộng sản giết nhau và tiêu diệt nhau vì mỗi bên đều tin rằng, họ độc quyền chân lý. Tiếng nói của tôi chìm trong bom đạn và tiếng gào thét”.
‘NHƯ MỘT CÂY TÙNG’
Khi chiến tranh lên đỉnh điểm thập niên 1960, ông gặp lãnh đạo nhân quyền Martin Luther King, và thuyết phục vị mục sư này lên tiếng chống chiến tranh. King gọi Thích Nhất Hạnh là “sứ giả hòa bình và bất bạo động”, đề cử ông giải Nobel Hòa Bình. Trong thư đề cử, ông viết: “Cá nhân tôi chưa từng biết ai xứng đáng giải Nobel hòa bình hơn vị sư Phật giáo hiền hòa này từ Việt Nam”.
Trong lúc ở Mỹ để gặp mục sư King một năm trước, chính quyền Nam VN cấm chỉ Thích Nhất Hạnh trở về nước.
Vị sư đồng hành Haenim Sunin, người phiên dịch cho Thích Nhất Hạnh trong chuyến đi Nam Hàn, cho biết Thiền sư rất tĩnh lặng, tận tâm, và yêu thương. Haemin Sunim nói với Reuters: “Ngài như cây tùng lớn, giúp nhiều người an trú dưới bóng mình bằng lời dạy tuyệt vời về tỉnh thức và lòng từ bi. Ngài là một trong những người tuyệt vời nhất mà tôi từng được gặp”.
Các tác phẩm của Thích Nhất Hạnh, sự quảng bá ý tưởng tỉnh thức và thiền định được quần chúng tiến bộ đón nhận khi cả thế giới vật vã dịch bịnh, xã hội đảo lộn, mạng sống của mấy triệu người mất đi.
Thích Nhất Hạnh nói: “Hy vọng rất quan trọng, bởi vì nó làm cho giây phút hiện tại bớt đi đau khổ. Nếu tin tưởng ngày mai tốt đẹp, chúng ta có thể chịu đựng đau khổ ngày nay. Nếu bám vào hy vọng, bạn có thể hoàn toàn an trú trong phút giây hiện tại và khám phá ra niềm an lạc trong đó ”.

CHỐNG HAY SỐNG CHUNG? - Mạn đàm chuyện covid ở Sài Gòn

 




Có thời điểm Sài Gòn có số ca nhiễm kèm ca chết vì Covid-19 tăng vọt. Một vài người ở Hà Nội phê phán thành phố Hồ Chí Minh thiếu ý thức, dịch bịnh, ngăn đường, chốt hẻm, dân vẫn cứ ào ào ra đường. Họ đâu có thấu hiểu, ở Sài Gòn, thời dịch, ai muốn ra đường làm chi. Đói đầu gối hay bò. Ra đường chỉ để tìm lẽ sống. Không ai muốn ra đường để rước con corona vào người. Ra đường vì lẽ sống, sướng ích chi khi bị cản trở bởi rào chắn thép gai, bởi xử phạt nghiêm khắc, bởi chỉ thị “ai ở đâu, ở yên đó”.

Dịch bịnh nhờ thế mà giảm xuống? Không. Ông boss của thành phố Hồ Chí Minh than thở: không thể phong tỏa mãi. Đành áp dụng phương sách "sống chung với lũ". Triết lý này không phải từ dịch hay từ lãnh đạo mà có. Nó có rất sớm ở mỗi người dân Nam bộ, năm nào cũng có lũ về. Dân Nam bộ không nói chống lũ. Họ nói sống chung với lũ. Muốn không có Covid, Trung Quốc theo đuổi chính sách “zero-covid”. Phong tỏa (lockdown), truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm đại trà, cưỡng bách cách ly. Kết quả thế nào không ai rõ vì con số công bố của họ có định hướng, và chưa chắc đã thật. Họ đang phong tỏa “lai rai” các thành phố lớn. Cầu mong cho họ thành công. Và cũng thất vọng cho VN áp dụng theo họ (ít nhất là ở Sài Gòn), nhưng chẳng thành công.
Covid không những làm chết người, phá hỏng kinh tế, chia rẽ nhân loại; nó còn làm cho nhân loại đối xử với nhau chẳng chút tình nhân loại. Ai mắc corona bị xem như cùi hủi. Cha, mẹ, vợ, con, chồng, vợ, người ruột thịt…xem nhau như kẻ thù. Chống dịch như chống giặc. Giặc (corona) ám ai, người đó như thành ma, mọi người đều run sợ và xa lánh. Không run sợ hay xa lánh thì chẳng ai dùng khóa để khóa cổng, khóa nhà “người F1 hoặc người về từ vùng dịch”. Chưa kể có tỉnh khuyên con dân đừng về quê ăn Tết. Ôi, tha phương cầu thực, mang từng đồng xu cắc bạc về cho gia đình, cũng là cho quê hương, người lao động đắng lòng khi quê hương từ chối đón họ trong những ngày thiêng liêng nhất một năm – tết Nguyên Đán, tết đoàn tụ gia đình. Quê hương không còn là chùm khế ngọt. Cũng có quê hương mang chùm khế (chưa biết ngọt chua) áp dụng cách ly 7 ngày (có nơi 14 ngày) đối với những con dân về quê ăn tết.
Covid còn làm cho con người hiểu thấu lòng dạ con người. Trong lúc xét nghiệm giá ba, bốn trăm ngàn/một người/một lần thì những công bộc của dân nhập về từ nước xuất phát dịch đầu tiên với giá thành chưa quá 22.000/mỗi que thử. Họ ăn cả trên sức khỏe và xác chết đồng bào. Tận cùng khốn nạn.
Covid có còn là kẻ thù nguy hiểm? Chưa ai biết được. Nhưng nó không còn là nỗi kinh hoàng cho Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi…những nước tưởng đâu dân chúng bị “xóa sổ” dần dần vì nó. Nói đâu xa, covid có còn là nỗi kinh hoàng cho dân chúng Sài Gòn nữa không? Trong khi Hà Nội, thủ đô có tỷ lệ chích ngừa cao nhất nước, ghi nhận hàng ngàn ca bịnh mỗi ngày. Số thương vong tuy cao (hôm nay 33), rất trớ trêu, không đáng kể, so với thành phố Hồ Chí Minh thời cao điểm dịch bịnh.
Sài Gòn hiện nay thì sao? Tỷ lệ nhiễm trên 100.000 dân (hôm nay) là 20. Trong khi ở Hà Nội là 251 và tỉnh cao nhất Cà Mau, 671. Nhìn bản đồ nhiễm dịch, chúng ta thấy, dịch nơi nào cũng có. Trước nhiều sau ít, trước ít sau nhiều, đó dường như là quy luật. Cao, cao mãi đến đỉnh thì xuống, cao tới trời, ai mà chịu thấu? Trong lúc nước Mỹ đang xính vính vì Omicron thì nước Anh tuyên bố “xả cổng”: không bắt buộc ai mang khẩu trang nơi công cộng. Vì sao Mỹ lo lắng? Dân họ có số người áp huyết cao, béo phì nhất thế giới, lại có bộ phận dân chống vắc xin, không chịu đeo khẩu trang.
Chỉ trừ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là hai nước “bí mật” hoàn toàn với thế giới với các con số liên quan dịch covid, tất cả các nước trên thế giới đều minh bạch các con số dịch bịnh ở nước mình.
Covid đáng sợ không? Tôi cho là không trong tương lai. Tôi không biết căn cứ vào số liệu khoa học. Tôi chỉ trông vào thực tiễn. Thành phố Hồ Chí Minh một thời có người nhiễm, người chết cao nhất nước. Nhưng Sài Gòn hôm nay có người nhiễm, người chết thấp gần nhất nước. Đừng có nói nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao ở Sài Gòn. Có nơi còn cao hơn. Cũng đừng có nói nhiễm nhiều quá, còn đâu mà nhiễm nữa. Mà hãy nói dân Sài Gòn phát huy lẽ sống tiền nhân họ từng sống: Chống dịch không bằng sống chung với dịch. Chống lũ không bằng sống chung với lũ. Dịch đến rồi dịch đi. Lũ đến rồi lũ đi. Chúng ở mãi thì người đâu còn. Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong. Thuận lẽ trời thì sống, trái lẽ trời thì vong.
Mỗi chiều hãy đi dọc các con phố ở Sài Gòn để thấy dân Sài Gòn "chịu chơi". Họ chịu chơi, ví như chuyện nhậu: nhậu (hưởng thụ) ra nhậu, làm( tạo của cải) ra làm. Nhậu và làm không lẫn lộn. Nếu lẫn lộn chơi và làm, dân Sài Gòn không thể là đầu tàu của cả nước. Dân cả nước sẽ không kéo về Sài Gòn để kiếm sống. Đóng góp cho ngân sách thủ đô cũng không địch nổi. Mỗi ngày nhìn Sài Gòn xe cộ dày đặc, nối đuôi nhau, các phố, các chợ dày ken người đi lại, chúng ta mới thấy Sài Gòn đầy sức sống sau những ngày "ngõ không qua, nhà không tới". Nếu phong tỏa “ai ở đâu ở đó” thêm hai tháng nữa để thực hiện chủ trương “zero-covid” như bạn vàng đang làm, Sài Gòn sẽ thành thành phố chết. Sài Gòn chết cả nước chết theo.
Hãy cảm thông cho dân Sài Gòn sinh hoạt gần như bình thường khi hiện nay nhiều tỉnh còn lo sốt vó vì covid những ngày cận tết. Họ đã đến tận cùng của khổ nạn Covid thì họ đáng được hưởng ý nghĩa cuộc sống, chẳng hạn một vài ly bia, hay chén rượu vỉa hè, một tô hủ tiếu, một tô phở nơi quán xá, nơi công cộng, mỗi buổi chiều tối sau ngày làm việc hay mỗi ngày lễ, ngày chủ nhật.
Sài Gòn sống vững nhờ triết lý “không chống” nhưng “sống chung”, dù đó là với dịch hay với lũ. Tất nhiên, sống chung không có nghĩa "sống xả lán, sáng về sớm".

ĐAU LÒNG QUÁ! - Chuyện bé gái bị đánh đến chết




Theo WHO (tổ chức Y tế thế giới), BẠO HÀNH trẻ em là tất cả những hành vi đối xử tệ bạc với trẻ em về cả thể chất và tinh thần như đánh đập, xâm hại tình dục, lợi dụng hay bỏ bê… dẫn đến những mối nguy hiểm tiềm năng hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ.
Theo Wikipedia, TRA TẤN, hay còn gọi là tra tẩn (bao gồm cả hành hạ, nhục hình) là việc có chủ ý gây đau khổ tâm lý hoặc thể chất (bạo lực, hành hạ, làm đau đớn, tạo sự lo sợ hoặc làm nhục) của người này gây ra cho người khác.
Hành vi của người tình bà mẹ có con 3 tuổi bị đóng 9 chiếc đinh vào đầu đang cấp cứu gọi là tra tấn sát nghĩa hơn bạo hành. Hành động dã man này không chỉ là lần duy nhất. Thanh niên bảnh trai kia còn đập gãy tay, cho nuốt đinh ốc, và đầu độc bất thành cháu bé. Hành vi man rợ này chỉ có thể của một người mất trí, nhẹ hơn, của một người tâm thần.
Xâu chuỗi sự kiện, trẻ con bị tra tấn, đánh đập bởi người lớn - “chồng hờ” đạp chết trẻ 3 tuổi của “vợ hờ”, mẹ ghẻ đánh chết con chồng 8 tuổi, và mới đây, người tình đóng đinh vào đầu con gái của tình nhân, chúng ta thấy, vấn đề nhân quyền (hay quyền con người, “quyền được sống” (như hiến pháp VN năm 1945), bảo vệ thân thể- nhất là thân thể trẻ con) cần được tuyên truyền cho thấu đáo trong dân chúng. Những người phạm tội đều ở lứa tuổi còn trẻ, tuổi thanh niên, tầng lớp đòi hỏi phải là rường cột của nước nhà.
Cha mẹ đánh đập con cái với mục đích dạy dỗ (“thương cho roi cho vọt”) cũng nên hiểu là “phạm luật”. Không có thể giữ nếp “đóng cửa dạy nhau” nữa.
Trong lúc xã hội bộn bề nhiều vấn nạn, việc can thiệp bằng luật pháp vào hành vi bạo hành trẻ em chưa thực thi nghiêm túc, mỗi bà mẹ, mỗi ông cha, mỗi gia đình hãy tự lo lấy mình.
Cuốc sống con người không phải ai ai cũng hạnh phúc. Nỗi mất mát không còn là mất mát con người trong chiến tranh. Ngày nay, nỗi mất mát là tình cảm con người..
Vợ bỏ chồng, chồng bỏ vợ, nhiều cặp đôi chịu tan vỡ hôn nhân chỉ vì không tìm được ai ý hợp tâm đầu cùng nhau xây tổ ấm trăm năm. Mấy ai biết trước. Nhưng đổ vỡ hôn nhân cũng có mặt tích cực: chấm dứt đày đọa nhau vì cơm không lành, canh không ngọt. Ly hôn, ly dị để tìm một người yêu thương khác là chọn lựa chính đáng. Nhất là đối với phụ nữ. Khi chia tay, gánh nặng lớn nhất cho họ là con cái. Mẹ hiếm khi nào để con sống với chồng li dị trừ trường hợp phải tuân thủ phán quyết của tòa án. “Bước thêm bước nữa” sẽ là cuộc phiêu lưu đầy bất trắc. Hành vi tra tấn con tình nhân như ta biết sẽ là kết cục buồn cho phụ nữ muốn tìm một nơi gởi gắm tình yêu.
Không có con – nhất là con dại- phụ nữ sẽ dễ dàng có nhiều lựa chọn. Khi có con dại lựa chọn rất dễ sai lầm. Tình yêu trai gái, tình yêu vợ chồng, luôn là tình yêu có tính chiếm hữu. Chỉ có chàng hay nàng trong trái tim của nhau. Cháu bé ba tuổi (hay tám tuổi) ngây thơ cũng sẽ là “kỳ đà cản mũi” giữa đàn ông và đàn bà, hay giữa đôi tình nhân với nhau. Nói vậy, có những cặp có “con anh”, “con tôi”, vẫn hạnh phúc để đi tới “con chúng ta” thì sao? Tình yêu của những cặp đôi này trở thành tình yêu đích thực, tính “chiếm hữu” nhường cho lòng “bao dung” và sự thấu hiểu. Mang lại tình thương cho nhau: đó mới là tình yêu đích thực.
Làm sao chọn cho ra mẫu người như thế, nhất là đối với phụ nữ “mười hai bến nước”? Tiêu chuẩn của nam, phụ nữ đẹp; tiêu chuẩn của nữ, đàn ông tài để khớp câu “trai tài, gái sắc”. Đây là câu chuyện chỉ có trong tiểu thuyết và phim ảnh.
Ông bà ta thường đề cao “nam nhơn chi chí, hải hà chi lượng” (đàn ông phải có ý chí và phải có tấm lòng rộng mở). Nếu là tái hôn, phụ nữ nên chú trọng đến tính cách đàn ông. Điều này hơi khó. Các nàng thường thích các chàng đẹp trai, ăn nói lưu loát, có thêm nghề đàn ca nữa thì số một. Đã một lần tan vỡ hôn nhân, sự lựa chọn lần thứ hai đối với phụ nữ cần sự tỉnh táo chứ không phải sự si mê. Ác nỗi, yêu thường là yêu chết bỏ, yêu say đắm, yêu điên cuồng, hiếm ai vừa yêu vừa suy nghĩ, cân nhắc.
Nhưng phụ nữ có con mọn không thể để trái tim quá say đắm, quá điên cuồng khi chọn lựa đàn ông làm chồng tương lai: hãy nghĩ đến con trước khi quyết định. Đứa con mình có thể là “vật cản” đối với người tình hay không? Làm sao biết được. Để chinh phục phụ nữ, chắc chắn ban đầu đàn ông sẽ “cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa” con riêng của người tình. Lầm là rất nhiều. Chỉ có cách quan sát cách cư xử của người tình tương lai với gia đình họ. Họ có yêu mến anh em, con cháu họ không. Đàn ông nào không yêu thương gia đình cha mẹ chắc chắn họ sẽ không bao giờ yêu thương vợ con.
Trước khi yêu họ hãy có thời gian tìm hiểu kỹ càng. Có cái này vui nhưng cũng hữu ích: anh ta có yêu súc vật, chẳng hạn chó, mèo, thú cưng như chim, sóc không. Anh ta có khi nào hứng lên lấy búa phang vào đầu con chó đang nuôi để mổ thịt đãi bạn bè mặc dù mỗi khi đi đâu về con chó đó – chứ chưa hẳn con người – luôn luôn ngoắt đuôi mừng rỡ chào anh ta?
Nếu biết đàn ông cam tâm cầm đinh đóng vào đầu con mình chỉ vì đứa trẻ ba tuổi là dấu chỉ của một tình yêu trước đây của mình dành cho chồng cũ, người phụ nữ đáng thương trên có còn yêu say đắm, điên cuồng nữa không? Chăc chắn là không. Một đứa bé ngây thơ ba tuổi còn bị đóng đinh vào đầu thì có ai tiên đoán kẻ thủ ác không làm đối với người lớn khi thú tính anh ta trỗi lên? Biết thì đã trễ. Cuộc hôn nhân trước bất hạnh, cuộc hôn nhân tương lai đau buồn, thử hỏi bà mẹ trẻ kia sẽ đau khổ ngần nào? “Họa hổ, họa bì, nan họa cốt. Tri nhân, tri diện, bất tri tâm”. (Vẽ cọp, vẽ da, khó vẽ cốt. Biết người, biết mặt, khó biết lòng).
Chẳng lẽ phụ nữ có con ba tuổi ấy – biết đâu sẽ có nhiều người cùng cảnh ngộ trong tương lai – lại chon dã thú làm chồng vì không biết bên trong trái tim anh ta?
Chỉ có một cách giúp phụ nữ từng tan vỡ hôn nhân chọn tương lai hạnh phúc cho chính mình: hãy yêu mình trước hết. Yêu mình chính đáng sẽ giúp phụ nữ yêu núm ruột mình sinh ra, không thể để nó là “mồi ngon” cho lòng ích kỷ của kẻ xem tình yêu là chiếm hữu đến độ có những hành động ác độc dã man kinh hoàng đến thế. Yêu mình có nghĩa là tôn trọng chính mình.
Hạnh phúc không nằm ở bàn tay người khác. Hạnh phúc phải ở trong tay ta.

Thursday, January 20, 2022

Rau ghém


 


"Bao giờ rau diếp làm đình. Gỗ lim ăn ghém thì mình lấy ta"

Có nơi gọi rau diếp là xà lách nhưng rau diếp trong ca dao trên có lẽ là rau diếp cá? Thuở Tây sang họ mới mang theo rau xà lách. Lời ca dao là của cô gái xinh đẹp thách đố chàng trai. Các giai nhân thường rất kiêu ngạo, nhất là các cô "chim sa, cá lặn". Dẫn đầu câu chuyện rau sống bằng câu ca dao, tôi muốn nói món ăn truyền thống của người Việt: rau ghém; chỗ Quảng Nam quê tôi gọi là rau sống.
“Rau sống” chỉ đúng một phần, các loại sau đều tươi sống. Nhưng rau ghém đúng hơn: nhiều loại rau góp lại. Rau ghém cũng như quân đội, gồm quân chủ lực và quân phụ trợ. Chủ lực rau ghém quê tôi là cây cải con.
Cải con – mà phải là cải cay, cải bẹ xanh, có mùi hăng – thu hoạch từ lúc thân cải tách thành hai phiến lá lớn tầm móng tay, ngọn nhú lên với hai mầm lá rất nhỏ. Nông dân gieo hạt cải rất dày trên đất. Cải sẽ ăn từ lúc “cải con” đến cải “trưởng thành”, nghĩa là thân cải sắp sửa trỗ “ngồng”, ngọn cải cao vống lên khỏi các tầng lá, chuẩn bị ra bông. Từ một vạt sân phủ đầy cải nẩy mầm đến cải con, cải thiếu niên, cải trung niên, cải lão…Quý vị sẽ thấy khung cảnh mùa xuân kéo dài trên sân ở nông thôn, từ xanh ngát đến vàng óng những bông cải, rập rờn những cánh bướm đủ màu sắc đầu xuân.
Cải có thể gieo quanh năm để thu hoạch cải con. Nhưng cải “ngon nhất” phải là cải gieo hạt từ trước đầu tháng chạp khi không còn các trận lũ lụt. Lúc này không khí sẽ se se lạnh. Không gian mờ mờ những đợt mưa phùn, còn gọi là mưa xuân. Cải thay đổi hình dáng mỗi ngày nhờ đất, nhờ khí trời, nhờ hơi xuân, nhờ lòng náo nức của lũ trẻ con chúng tôi, trông Tết còn hơn trông mẹ.
Ở nông thôn ngày xưa khi tôi năm ba tuổi (nay 70), nhà nào cũng có một khoảng sân phơi lúa. Nhà giàu thì sân rộng. Nhà nghèo thì sân hẹp hơn. Tất cả mọi nhà đều phải có sân. Thời điểm gieo cải bắt đầu khi lúa thóc thu hoạch xong, phơi phong hẳn hoi, đổ sẵn vào “bồ” đặt trên gác. Sân phơi lúa biến thành sân cải. Các loại rau khác cần phải xới tơi đất nhưng cải thì không.
Tôi thấy cha tôi dùng cuốc chĩa có ba răng nhọn cào nhẹ mặt sân, lúc này rong rêu bám xanh, sau mấy tháng nước lụt mang phù sa vào từ dòng sông chảy qua làng. Mặt đất như trải một lớp đất mịn, mỏng khi lưỡi cuốc chĩa kéo ngang, kéo dọc, nhè nhẹ, nhè nhẹ nhiều lần. Hạt cải ngâm qua nước ấm một đêm đem ra trộn thêm một ít tro bếp để rải. Tro bếp dính vào hạt cải đánh dấu chỗ nào hạt cải đã rơi, chỗ nào chưa. Màu hạt cải không thể thấy vì dễ chìm vào màu đất. Hạt cải gieo đều răm rắp. Nông dân từng gieo mạ thì gieo cải đối với họ chỉ là “chuyện nhỏ”.
Nhiều nơi, khi thu hái cải con - thực ra là cải “thiếu niên”, lá dài như lóng ngón tay - người ta nhổ sạch từng vạt và dùng kéo cắt lấy rễ con. Cải con quê tôi thu hoạch công kỹ hơn. Cải còn nhỏ nên rễ rất ít. Phụ nữ thường lãnh việc tỉ mỉ tốn nhiều thời gian này. Họ đặt chân lên chỗ ít cải mọc, nhổ tỉa những cây cải con đang chen nhau từng cụm. Cả một vài giờ thì mới đủ cải con cho một rổ rau cung cấp cả gia đình năm bảy người ăn. Nhổ cây cải này để có chỗ cho cây cải khác phát triển. Một quá trình, một “triết lý”, một sự kiên nhẫn…chỉ có ở người phụ nữ thôn quê thuở xưa. Và thỉnh thoảng tôi còn thấy đặc trưng ấy ở họ ngày nay.
Cải con rửa riêng cho thật sạch, đựng trong một rổ tre lớn sau khi “đảo” mạnh cho sạch nước. Đảo không khéo cải sẽ văng hết ra đất. Vợ tôi quê Hội An từng về quê chồng và từng đảo rau cải; tôi là người phải nhặt lại từng cây cải con tung tóe trên mặt đất. Công đoạn cho một rổ rau ghém sẽ là trộn cải con với các loại rau “phụ trợ”: giá sống (không thể thiếu), chuôi chát non thái mỏng, bông chuối xắt nhuyễn (chỗ tôi gọi là bắp chuối chát – chuối hột), nếu không thì thay vào bẹ chuối thái nhỏ (lấy phần lụa trắng), và cà dĩa trắng xắt thật mỏng (cà màu tím không dòn bằng), ba loại rau kể sau ngâm qua nước lạnh, vắt vài giọt chanh hay giấm cho rau được trắng. Rổ rau ghém sẽ có thêm “phần hồn” là các loại rau thơm (miền Bắc gọi rau mùi?) như rau ngò rí, ngò gai (ngò tàu), rau quế, rau bạc hà, lá hành và lá tỏi cắt đoạn (chỉ dân quê tôi ăn thêm lá tỏi). Tất cả trộn đều bằng bàn tay khéo léo của người mẹ hay người chị (có bàn tay to thô của đàn ông xen vào đây sẽ hỏng hết việc – xin lưu ý) theo một tỷ lệ vừa phải, tất nhiên “chủ đạo” phải là cải con.
Rau ghém thường đi kèm với thịt heo luộc ba chỉ (ba rọi) xắt lát dài và mỏng; và dường như chỉ có thịt heo (heo cỏ- heo mọi) luộc mới “xứng đôi vừa lứa” với rau ghém. Rau ghém kèm lát thịt heo chấm với nước mắm nhỉ có ớt đâm. Ngon “nhức răng”. Có thể ăn kèm với cá con kho mặn không cần chấm thêm nước mắm.
Rau ghém ngon không những là tập hợp các loại rau sạch. Nó còn ngon ở chỗ chỉ ăn vào những ngày giáp Tết, khi không khí dìu dịu, lành lạnh, lất phất những hạt mưa xuân, tất nhiên chỉ nói ở miền Trung, miền Bắc. Miền Nam vào mùa xuân lại là mùa nắng. Rau ghém dẫu có đủ các loại ra như vừa kể cũng không thể ngon vì thời tiết và khí hậu. Nếu ai tinh ý sẽ thấy: rau thơm (rau mùi) Sài Gòn - phần hồn của rau ghém, không ngon bằng rau thơm Quảng Nam và rõ ràng tất cả không thể so với rau thơm xứ Huế (nơi có nhiều cô gái Huế).
Rau ghém miền Bắc tôi chưa thưởng thức nên chưa rõ “mèo nào cắn miêu nào”. Rau ghém xứ Quảng đem ra bàn là thực khách ăn ngay, họ không phải chọn lựa, ăn loại nào, không muốn ăn loại rau nào. Các loại rau trộn đều với nhau không thể lựa loại nào thích hơn để ăn.
Cách ăn rau thể hiện văn hóa vùng miền. Ở miền Nam bạn sẽ chọn loại rau ăn kèm mình thích: tự do cá nhân được tôn trọng. Ở miền Trung (Quảng Nam tôi) bạn sẽ không thể chọn ra thứ nào để ăn theo ý thích. Bạn sẽ ăn tất cả và bạn sẽ cảm thấy ngon miệng. Chính đó mới là bí quyết. Một loại hỗn hợp rau dành cho tất cả moi người, rất khó, nhưng vẫn ngon. Tất nhiên muốn thưởng thức rau ghém, bạn phải về vùng quê nơi có người thân thiết, ruột thịt. Tất cả các quán đều không thể có loại ra ghém như tôi mô tả. Bởi lẽ không ai bỏ nhiều công sức để làm một loại rau ghém; và khi bán nó cũng chỉ là một loại rau…bình thường với giá bình thường.
Một loại rau ghém mang cả hồn cốt quê nhà, đất đai, khí hậu, đặc điểm vùng miền, thử hỏi rau gì ngon hơn? Rau ghém còn ngon ở chỗ nó là sản phẩm kết tinh của sự chịu thương, chịu khó, nhẫn nại, bàn tay khéo léo, tấm lòng bao dung của người phụ nữ Việt Nam. Có thể đó là người em gái, chị gái, người vợ, người dì, người bác, và nhất là người mẹ. Rau ghém gói ghém các loại rau nhưng cũng gói ghém một tình yêu ruột thịt gắn chặt bao đời.
Đã đến lúc nên làm thêm hai câu:
“Bao giờ rau diếp làm đình
Anh chê rau ghém thì mình bỏ nhau”.
Ảnh minh họa: Không loại rau nào như rau sống (ghém) quê tôi.

Friday, January 7, 2022

GẦN TẾT NÓI CHUYỆN LÒNG




Có thể mọi người cho tôi là lập dị nếu tôi nói VN nghèo vì chia rẽ chứ không phải nghèo vì không giỏi. Những người Việt đầu tiên đến Mỹ với thân phận lưu dân, có ai “nghèo” không? Chắc chắn là rất hiếm. Tại sao người Việt tại Mỹ thì “giàu” (vật chất và tinh thần) nhưng người Việt sở tại thì không? (Tôi muốn nói số đông. Có nhiều doanh nhân Việt giàu không thua doanh nhân Mỹ).

Nếu người Việt ở nước ngoài cộng tác với người Việt trong nước, Việt Nam hiện nay có phải sợ hãi trước bọn bành trướng hay không? Chắc chắn là không. Ngoại giao “cây tre” là triết lý ngoại giao “thời thượng”. Tre thì rỗng ruột, mảnh mai, nhưng chịu đựng bão tố, gió chiều nào nghiêng chiều đó, khó mà gãy thân tre rỗng. Tại sao không là “ngoại giao cây tùng” (thông). Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Bất cứ một hiện tượng nào nhắc đến Nam- Bắc, nghĩa là, về quá khứ phân tranh, người Việt đều chia làm hai. Kẻ theo cộng sản thì xem người “quốc gia” trong nước, hải ngoại là thù địch, luôn âm mưu lật đổ chính quyền. Người theo “quốc gia” căm căm lòng thù hận muốn tiêu diệt “cộng sản”. Bó đũa khó bẻ nhưng từng chiếc – “từng em một”. Tại sao chúng ta muốn làm từng chiếc đũa?
Theo dõi truyền thông “trái, phải” tôi có nhận xét, hiện có một thế lực nào đó, luôn khoét sâu vết thương chiến tranh, vết thương Nam cắt lên Bắc, Bắc cắt lên Nam, từ quá khứ, những năm gọi là “chống Mỹ cứu nước”, hay "chống cộng sản xâm lăng”.
Việt Nam thống nhất lãnh thổ, thể chế, con người nhưng liệu Việt Nam có thống nhất lòng người? Cái gì chia rẽ dân tộc Việt Nam? Chủ nghĩa cộng sản thể hiện chính quyền hiện nay hay tinh thần quốc gia thể hiện ở những “cựu” thuyền nhân VN sống khắp nơi trên thế giới, và một bộ phận VNCH hiện còn sinh sống trong nước?
Cái gì còn gây chia rẽ? Lá cờ đỏ sao vàng hay là cờ vàng ba sọc đỏ? Cả hai lá cờ chỉ là những mảnh vải có màu sắc không giống nhau. Con người đặt một giá trị lên đó: biểu tượng thiên liêng. Mỗi lá cờ thiêng liêng vì kèm theo mạng sống của hàng triệu sinh linh.
Lá cờ khác nhau làm cho người Việt chia hai chiến tuyến. Lá cờ khác nhau làm người Việt xem nhau như hai kẻ thù. Lá cờ khác nhau làm cho nước Việt Nam tan tác, hàng triệu người bỏ mạng, di sản tiền nhân bị phá hoại tan thương, đất nước bị qua phân, chia cắt, non sông bị tàn phá thảm thương. Liệu lá cờ ấy có thiêng liêng thật không?
Đất nước dưới lá cờ đỏ sao vàng là đất nước phồn vinh? Con dân dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ (ở nước ngoài và cả trong nước) là con dân hạnh phúc? Hai lá cờ lý tưởng, thiêng liêng, có làm dân tộc ta đoàn kết thành một, Nam như Bắc, trong nước như ngoài nước? Hay hai lá cờ vẫn gieo mỗi hận thù cho mọi người con Hồng, cháu Lạc, cho cha Lạc Long Quân, cho mẹ Âu Cơ?
Có một lá cờ nào không cắt đứt dòng máu Lạc Hồng?
Khi có một lá cờ như thế, kẻ thù hàng đầu hiện nay của Việt Nam sẽ là số không, nếu Nam cũng là Bắc, người Việt trong nước cũng là người Việt ngoài nước. “Ta” cũng như “ngụy”. Suy nghĩ này có lẽ không phải của mỗi mình tôi nhưng đây là suy nghĩ chân tình nhất và thật thà nhất. Tôi mong muốn mọi người Việt Nam sẽ xem nhau là “đồng bào”. VN sẽ ngẩng đầu sánh bước cùng thế giới nếu người VN không còn nghi kỵ nhau. “Kẻ thù ta đâu có phải là người (VN). Giết người đi thì ta ở với ai?”(*).
(*) Tâm ca số 7 của Phạm Duy.

Monday, January 3, 2022

THAM NHŨNG, DIỆT HẾT KHÔNG?





Vụ Việt Á test kit cho thấy tham nhũng đã ở vào giai đoạn hết thuốc chữa dù chống tham nhũng “không có vùng cấm”. Cả đất nước hoảng loạn vì COVID thì bọn hút máu người vẫn sống trên nỗi đau của đồng loại.

========
Người ta ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng trong những năm qua như bậc thế thiên hành đạo nhờ công lao chống tham nhũng. Tham nhũng là quốc nạn. Tham nhũng sẽ làm mất chế độ chứ không phải “bọn phản động”, hay thế lực thù địch. Chỉ cần tham nhũng 1 triệu đồng, một nhân viên kiểm tra an toàn thực phẩm, bỏ qua một chất cấm xử dụng trong thực phẩm, hậu quả sẽ có bao nhiêu người dân nhận lãnh tai họa cho sức khỏe của mình. Tôi chưa nói những vụ tham nhũng lớn hơn.
Hàng triệu chứ không phải hàng trăm ngàn người VN sung sướng khi có vị quan chức nào bị bắt tù vì tham nhũng, lò của bác Cả đun thêm củi. Ngay cả vị có chỗ đứng cao nhất trong những người cao nhất, ông Đinh La Thăng cũng không khỏi xộ khám vì…cố ý làm trái hoặc cáo buộc tham nhũng.
“Vòi vọi” như Nguyễn Bắc Son hay Trương Minh Tuấn cũng đang gặm nỗi oán hờn trong cũi sắt vì tham nhũng. Hơn 70 ngàn quan chức khác bị kỷ luật vì tham nhũng. Còn nữa không? Chưa ai dám chắc.
Thời VNCH, phong trào chống tham nhũng cũng rất rầm rộ. Thủ tướng Trần Văn Hương, sau thời gian cật lực làm việc, ông cũng ngậm ngùi tuyên bố: diệt hết tham nhũng lấy ai làm việc. Câu chuyện tôi nghe không rõ đúng sai nhưng nếu áp dụng ngày hôm nay, chắc hẳn không được. Chỉ những kẻ thoái hóa biến chất mới tham nhũng. Nhiều người đức hạnh trong guồng máy quốc gia đâu dễ gì cám dỗ bởi đồng tiền tham nhũng. Có chắc họ chiếm đa số?
Nhưng khi bác Cả về nghỉ ngơi, lò bác xây, có củi để đun nữa không, củi to và củi bé? Chưa ai chắc chắn trả lời: Lò không cần nữa.
Dân thường như tôi, tham nhũng được không? Không. Trả lời cho nó gọn. Vậy, ai là người có thể tham nhũng?
Kẻ có chức quyền.
Chỉ có kẻ nằm trong guồng máy quốc gia mới có chức quyền. Họ không tham nhũng, chính quyền sẽ vững mạnh. Dân chúng yêu họ, tin tưởng họ. Đất nước sẽ tiến lên.
Tham nhũng không phải chỉ có ở VN. Nhiều nước có tham nhũng. Singapore thập niên 1960 chống tham nhũng rất quyết liệt. Họ thành công. Vì sao? Có nhiều câu trả lời. Chẳng hạn tiền lương cho quan chức cao ngất ngưỡng. Ai vướng tham nhũng, nhục nhã thanh danh chưa nói, tương lai của họ, kể cả gia đình, con cái bị đóng chặt. Cái quan trọng hơn: quyền lực có giám sát bằng cơ chế phân quyền. Montesquieu: Quyền lực (mới có thể) ngăn chặn quyền lực. Le pouvoir arrête le pouvoir
Ở Việt Nam, có quyền lực ngăn cản quyền lực không? Tôi rất băn khoăn. VN có ba nhánh quyền lực: hành pháp, tư pháp, lập pháp, nhưng cả ba đều nằm dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN. Như vậy, Đảng (viết hoa) là người nắm quyền lực cao nhất.
Các quan chức VN vô tù vì tham nhũng đều là đảng viên. Có cái gì đó lấn cấn không? Trước khi bị bắt, bất cứ đảng viên nào phạm tôi cũng phải được khai trừ đảng, điều đó nói lên đảng quan trọng ngần nào.
Theo ý tôi, đây là cái khó cho việc bài trừ tham nhũng. Bất kỳ quyền lực nào cũng đều phải có cái cơ chế “nhốt quyền lực” - như ông tổng bí thư từng tuyên bố.
Ai nhốt ai? Khi đảng là người lãnh đạo tuyệt đối? Khi ông Đinh La Thăng là sếp của dầu khí, ai trong ngành dám kiểm soát ông? Nếu kiểm soát ông hiệu quả, tại sao ông ta lại phạm tội?
Nếu không thấy cái gốc tạo ra tham nhũng, diệt tham nhũng chỉ là chặt ngọn. Những người bị nhốt tù vì tham nhũng là những cán bộ nhiệt tình theo đảng. Họ cống hiến, Họ nhiệt thành. Họ có nhiều thành tính trong công tác. Không thể 18 tuổi, ông Đinh La Thăng nhảy lên vị trí ủy viên bộ chính trị. Ông ta phải phấn đấu hết mình và hết sức gian khổ. Lẽ đáng, nếu được kiểm soát tốt từng nấc thang tiến bước, ông ta đâu trở thành người phạm tôi khi lên tới một chức vị cao nhất trong những người cao nhất ỏ hệ thống chính trị VN? Còn nhiều người như ông ta. Họ không thể đẻ ra là làm lãnh đạo. Lẽ đáng họ sẽ là những người tốt nếu có quyền lực kiểm soát quyền lực khi họ ở chức vụ ngày càng cao.
Những điều tôi suy luận ở trên không mới. Tôi chỉ lặp lại những điều cốt lõi của các bậc thức giả về kiểm soát quyền lực. “Quyền lực càng tuyệt đối, tha hóa (tham nhũng) càng tuyệt đối”. Câu nói này cũng rất cũ, cũ mèm.
Thế gian còn, lòng tham còn, nói chi tham nhũng. Nhưng tham nhũng nhiều đến mức lò càng cháy, củi càng nhiều; lò sẽ đốt hết củi, liệu có hết không?
Nếu có một cơ chế: củi không có, lò sẽ không cần. Sức nóng đốt lò không còn cuồn cuộn, guồng máy quốc gia sẽ chạy êm ả khi không khí mát mẻ, chẳng hừng hực còn lò, còn củi, còn lửa.
Montesquieu đúng quá: Il faut que le pouvoir arrête le pouvoir. Chỉ quyền lực mới ngăn ngừa quyền lực. Hành pháp, tư pháp, lập pháp có quyền lực ngang nhau và không có quyền lực nào bao trùm họ.
(Bài cũ nghe cũng mới)