Vụ Việt Á test kit cho thấy tham nhũng đã ở vào giai đoạn hết thuốc chữa dù chống tham nhũng “không có vùng cấm”. Cả đất nước hoảng loạn vì COVID thì bọn hút máu người vẫn sống trên nỗi đau của đồng loại.
========
Người ta ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng trong những năm qua như bậc thế thiên hành đạo nhờ công lao chống tham nhũng. Tham nhũng là quốc nạn. Tham nhũng sẽ làm mất chế độ chứ không phải “bọn phản động”, hay thế lực thù địch. Chỉ cần tham nhũng 1 triệu đồng, một nhân viên kiểm tra an toàn thực phẩm, bỏ qua một chất cấm xử dụng trong thực phẩm, hậu quả sẽ có bao nhiêu người dân nhận lãnh tai họa cho sức khỏe của mình. Tôi chưa nói những vụ tham nhũng lớn hơn.
Hàng triệu chứ không phải hàng trăm ngàn người VN sung sướng khi có vị quan chức nào bị bắt tù vì tham nhũng, lò của bác Cả đun thêm củi. Ngay cả vị có chỗ đứng cao nhất trong những người cao nhất, ông Đinh La Thăng cũng không khỏi xộ khám vì…cố ý làm trái hoặc cáo buộc tham nhũng.
“Vòi vọi” như Nguyễn Bắc Son hay Trương Minh Tuấn cũng đang gặm nỗi oán hờn trong cũi sắt vì tham nhũng. Hơn 70 ngàn quan chức khác bị kỷ luật vì tham nhũng. Còn nữa không? Chưa ai dám chắc.
Thời VNCH, phong trào chống tham nhũng cũng rất rầm rộ. Thủ tướng Trần Văn Hương, sau thời gian cật lực làm việc, ông cũng ngậm ngùi tuyên bố: diệt hết tham nhũng lấy ai làm việc. Câu chuyện tôi nghe không rõ đúng sai nhưng nếu áp dụng ngày hôm nay, chắc hẳn không được. Chỉ những kẻ thoái hóa biến chất mới tham nhũng. Nhiều người đức hạnh trong guồng máy quốc gia đâu dễ gì cám dỗ bởi đồng tiền tham nhũng. Có chắc họ chiếm đa số?
Nhưng khi bác Cả về nghỉ ngơi, lò bác xây, có củi để đun nữa không, củi to và củi bé? Chưa ai chắc chắn trả lời: Lò không cần nữa.
Dân thường như tôi, tham nhũng được không? Không. Trả lời cho nó gọn. Vậy, ai là người có thể tham nhũng?
Kẻ có chức quyền.
Chỉ có kẻ nằm trong guồng máy quốc gia mới có chức quyền. Họ không tham nhũng, chính quyền sẽ vững mạnh. Dân chúng yêu họ, tin tưởng họ. Đất nước sẽ tiến lên.
Tham nhũng không phải chỉ có ở VN. Nhiều nước có tham nhũng. Singapore thập niên 1960 chống tham nhũng rất quyết liệt. Họ thành công. Vì sao? Có nhiều câu trả lời. Chẳng hạn tiền lương cho quan chức cao ngất ngưỡng. Ai vướng tham nhũng, nhục nhã thanh danh chưa nói, tương lai của họ, kể cả gia đình, con cái bị đóng chặt. Cái quan trọng hơn: quyền lực có giám sát bằng cơ chế phân quyền. Montesquieu: Quyền lực (mới có thể) ngăn chặn quyền lực. Le pouvoir arrête le pouvoir
Ở Việt Nam, có quyền lực ngăn cản quyền lực không? Tôi rất băn khoăn. VN có ba nhánh quyền lực: hành pháp, tư pháp, lập pháp, nhưng cả ba đều nằm dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN. Như vậy, Đảng (viết hoa) là người nắm quyền lực cao nhất.
Các quan chức VN vô tù vì tham nhũng đều là đảng viên. Có cái gì đó lấn cấn không? Trước khi bị bắt, bất cứ đảng viên nào phạm tôi cũng phải được khai trừ đảng, điều đó nói lên đảng quan trọng ngần nào.
Theo ý tôi, đây là cái khó cho việc bài trừ tham nhũng. Bất kỳ quyền lực nào cũng đều phải có cái cơ chế “nhốt quyền lực” - như ông tổng bí thư từng tuyên bố.
Ai nhốt ai? Khi đảng là người lãnh đạo tuyệt đối? Khi ông Đinh La Thăng là sếp của dầu khí, ai trong ngành dám kiểm soát ông? Nếu kiểm soát ông hiệu quả, tại sao ông ta lại phạm tội?
Nếu không thấy cái gốc tạo ra tham nhũng, diệt tham nhũng chỉ là chặt ngọn. Những người bị nhốt tù vì tham nhũng là những cán bộ nhiệt tình theo đảng. Họ cống hiến, Họ nhiệt thành. Họ có nhiều thành tính trong công tác. Không thể 18 tuổi, ông Đinh La Thăng nhảy lên vị trí ủy viên bộ chính trị. Ông ta phải phấn đấu hết mình và hết sức gian khổ. Lẽ đáng, nếu được kiểm soát tốt từng nấc thang tiến bước, ông ta đâu trở thành người phạm tôi khi lên tới một chức vị cao nhất trong những người cao nhất ỏ hệ thống chính trị VN? Còn nhiều người như ông ta. Họ không thể đẻ ra là làm lãnh đạo. Lẽ đáng họ sẽ là những người tốt nếu có quyền lực kiểm soát quyền lực khi họ ở chức vụ ngày càng cao.
Những điều tôi suy luận ở trên không mới. Tôi chỉ lặp lại những điều cốt lõi của các bậc thức giả về kiểm soát quyền lực. “Quyền lực càng tuyệt đối, tha hóa (tham nhũng) càng tuyệt đối”. Câu nói này cũng rất cũ, cũ mèm.
Thế gian còn, lòng tham còn, nói chi tham nhũng. Nhưng tham nhũng nhiều đến mức lò càng cháy, củi càng nhiều; lò sẽ đốt hết củi, liệu có hết không?
Nếu có một cơ chế: củi không có, lò sẽ không cần. Sức nóng đốt lò không còn cuồn cuộn, guồng máy quốc gia sẽ chạy êm ả khi không khí mát mẻ, chẳng hừng hực còn lò, còn củi, còn lửa.
Montesquieu đúng quá: Il faut que le pouvoir arrête le pouvoir. Chỉ quyền lực mới ngăn ngừa quyền lực. Hành pháp, tư pháp, lập pháp có quyền lực ngang nhau và không có quyền lực nào bao trùm họ.
(Bài cũ nghe cũng mới)