Xa quê, nghe ai nói giọng Quảng (Nam) tôi liền bắt chuyện. Nghe tiếng quê, lòng mình cảm thấy thư thái – như ở quê nhà. Ở Sài Gòn, tình cờ gặp một vài bạn đồng hương, thật là một cơ duyên. Hôm kia, uống cà phê cùng Lê Văn Trí Minh và Nguyễn Tăng Hải. Chúng tôi gặp nhau lần thứ hai…sau đúng một năm chẵn.
Ở Hội An, xuất thân từ trường trung học Trần Quý Cáp, học sinh nào cũng hãnh diện, nhất là những ai học ở đây trước 1975. Lý do duy nhất: Cả tỉnh Quảng Nam chỉ Trần Quý Cáp là trường công có cấp 3. Đây như là trường Bưởi của Hà Nội. “Tinh hoa” cả tỉnh “đổ” về đây. Những người thành danh hầu hết đều học từ trường này. Thi đậu vào lớp đệ thất (lớp 6) phải nói là “trầy vi tróc vảy”. Và thi ra tú tài ở đây cũng tróc vảy trầy vi. Lớp nào có tỷ lệ đậu tú tài toàn (tú tài II) từ 15 đến 20 % phải là “lớp chọn, trò chuyện”.
Hai trong ba người (ảnh) đỗ tú tài cùng năm (1972). Minh sau đó vào sư phạm toán. Tôi thi đậu ngay vào sư phạm Anh (dạy cấp 3). Cả tỉnh Quảng Nam chỉ có hai người đậu vào ngành này năm đó. Bạn nữ giỏi hơn tôi nên được học bổng du học Úc (Nguyễn Thị Thanh Tú). Bạn Hải thì học ở Phú Thọ (Bách Khoa) sau chúng tôi nhiều năm.
Từ một quê nghèo nên chúng tôi phải cố gắng học. Thời chiến tranh, động lực học còn vì là…”trốn lính”. Sinh viên nào học trễ năm phải đăng lính, (ví dụ: Sinh 1954 buộc phải là năm thứ nhất, 1972).
Tuy từ đại học ra nhưng hai bạn “thành công” hơn tôi rất nhiều. Năm 1983, Minh trình luận án tiến sĩ. Có lẽ anh là người đầu tiên của tỉnh Quảng Nam đậu bằng tiến sĩ Toán. Trước đó, nghe đâu Phạm Phú Hiển, cháu cố của cụ Phạm Phú Thứ cũng đậu tiến sĩ Toán nhưng là ở nước Pháp.
Khi ra Hà Nội làm luận án, học trò được thầy hướng dẫn tặng một…chai xì dầu (nước tương) nhưng chai nước tương còn…lưng. Có lẽ thầy “nhịn” ăn để tặng trò lên đường. Thời điểm đói…toàn quốc, chai nước tương không khác chai nước sâm. “Hành trang” cho con lên đường của mẹ anh còn giản dị hơn. Bà rang cho con trai một lọ muối hột. Hồi ấy ở quê không có muối bột. Muối hột hầm (một cách rang) cất giữ lâu hơn. “Con nhớ ăn dè xẻn hỷ”. Mẹ anh dặn dò con trai cẩn thận. Mỗi lần xuống nhà ăn tập thể, anh đem một đôi hạt muối hầm, để “ăn dặm” khi thức ăn thiếu thốn. Người Quảng có thói quen ăn mặn.
“Có phải nhờ vả ai không?”. Tôi hỏi bạn, ngầm ý “chạy chọt” chỗ thân quen. “Không”. Anh nói thời đó rất trong sáng, thầy cũng như nhà trường. "Sức học" chứ không phải “sức mạnh” (của kim ngân hay chức quyền) làm nên tấm bằng tiến sĩ. Dù không còn dạy, Minh vẫn còn…tự học. Đó là chữ Hán. và đang dịch sách lịch sử. Thế hệ chúng tôi rất ít và hầu như không có đi học thêm với thầy. Vả lại cũng rất ít người dạy thêm. “Giáo sư trung học đệ nhị cấp” (giáo viên cấp 3) có ngạch công chức hạng A, chỉ số lương 470, trong khi phó quận trưởng (học 4 năm từ trường Quốc gia Hành chánh) hay kỹ sư Phú Thọ (Bách Khoa) có chỉ số lương là 450.
Anh bạn trẻ hơn chúng tôi là một kỹ sư xây dựng, từ trường đại học Bách Khoa ra. Là công dân Mỹ nhưng anh có công đóng góp với các bạn kiến trúc sư xây dựng ngôi mộ của cụ Phạm Phú Thứ ở Quảng Nam, được xếp vào di tích lịch sử cấp tỉnh. Làng có ngôi mộ lại là nơi Nguyễn Tăng Hải sinh ra và lớn lên. Hải còn đang ấp ủ một “dự án” cá nhân: Sản xuất máy sạc điện không nhiên liệu. Nếu thành công, Hải nói sẽ mang về VN để sản xuất đại trà sau khi chào hàng tại Mỹ. Không rõ thành bại thế nào nhưng mỗi khi nói đến “dự án”, Hải trở nên sôi nổi và hưng phấn như Archimede sắp tìm ra sức đẩy của nước.
Còn tôi? Chẳng tích sự gì. Mỗi ngày bỏ ra nửa tiếng lên Facebook…để “chém gió”. Dịch sách cho người nhưng mình không được đứng tên, chỉ làm kiếm tiền uống…bia. Công việc dịch thuật cũng nhàn nhờ có thằng bạn Google. Cũng có cuốn được đứng tên (Tư Duy Nhạy, Tiếp Thu Nhanh. Đề sách biên tập kiểu “mì ăn liền” chứ nguyên tôi dịch là Kiến Tạo Bộ Não Ưu Việt, Build A Better Brain).
Nhưng những người Quảng Nam chúng tôi khác gì những người ở tỉnh khác? Tôi nghĩ là giọng nói. Chúng tôi rất dễ gần gũi nếu nghe ai đó nói lên cái giọng Quảng mộc mạc và có phần cục mịch của mình.
Ba chúng tôi gặp nhau cũng vì thế. Gặp nhau chuyện vãn, một phần, phần khác cũng muốn nghe một trong ba ông Quảng hứng khởi nói ra một đôi chữ, chỉ chúng tôi mới biết, mới hiểu, những chữ nằm trong dòng máu, trái tim, tâm hồn, từ khi cha ông chúng tôi từ Thanh Hóa, Nghệ An vào đây lập nghiệp.
Tiếng Quảng, giọng Quảng, tiếng Quê hương, giọng Quê hương. Rứa thôi.