(Hay là: Tiên học lễ, hậu học văn)
Hồi học lớp tư (tức lớp 2 bây giờ), tôi có nhớ một bài “học thuộc lòng”:
Chú cá bé bên cha bơi lội
“Kìa kìa cha hãy ngó trông”
“Miếng ngon vật lạ bỏ không kia kìa”
Cá lớn bảo “hãy lìa cho khá
Miếng mồi ngon là bả trên đời
Con nên ghi nhớ lấy lời
Vì tham ăn đã bao người chết oan”.
Dư luận còn xôn xao, cũng vì miếng mồi ngon, một thanh niên chưa tới tuổi 40 đã đưa vào lao lý gần 50 người, trong đó hầu hết là những người giữ trọng trách bảo vệ sức khỏe nhân dân. Không hiếm người trong số ấy là giáo sư, tiến sĩ – những thành phần trí thức của xã hội, thời xưa còn gọi là “nguyên khí quốc gia”. Đáng nói hơn, có hai vị vừa bị bắt làm tới chức thượng thư của triều đình, đạo đức tót vời, trí tuệ mênh mông, nghĩa là rất hồng và rất chuyên.
Sáng nay, VNexpress đưa tin: Một thanh niên bị bắt vì tội giết cha ruột –một tiến sĩ đang giảng dạy- vì xin tiền không cho. Nghịch tử này học hành cũng rất tử tế ở Singapore, về nước cách đây mười năm.
Ba người trên có chung điều kiện: giàu có và học hành bài bản. Vậy, tại sao họ phạm tội? Tội ác, phải nói là, kinh hoàng.
Trong lúc dân tình khốn khó vì dịch bịnh, hàng chục ngàn người chết, hàng trăm ngàn người chật vật trong các cơ sở cách ly, con xa cha, vợ xa chồng, gia đình ly tán; hàng triệu người mất công ăn việc làm lâm vào đói khổ, và hàng triệu người khác phải dong ruỗi hàng ngàn cây số chạy về quê hương tìm nơi nương tựa thì hai vị trí thức này dửng dưng dung túng cho cấp dưới tha hồ ăn trên sức khỏe của nhân dân? Trúc rừng không ghi hết tội.
Còn vị thanh niên kia, tuy không gây ra tội ác tày trời, nhưng tội giết cha mình, tày trời không kém. Giết cha vì không đòi được tiền (theo báo) – một tội ác trời không dung, đất không tha.
Tội ác kinh hoàng ấy lại xuất phát từ những người “có học”. Và đau đớn thay, đồng tiền đứng phía sau tội ác ấy – đồng tiền vấy máu.
Trước đây, dư luận một thời sôi nổi với khẩu hiệu (không rõ còn hay đã gỡ xuống ở các trường học): TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN. Nhiều vị giáo sư, tiến sĩ, học giả cấp tiến phê phán nó là “tàn dư của phong kiến”. Lễ lạc hậu; văn cũng lạc hậu. Hãy vứt bỏ phong kiến lạc hậu. Nhưng với những người từng học thuộc lòng bài đọc ở trên như tôi, câu ấy đi vào tâm khảm mình từ thuở cắp sách đến trường. Nó thân thương đến nỗi, LỄ trở thành đạo đức; VĂN trở thành học vấn. Nó thay đổi đi ít nhiều nguyên nghĩa ban đầu thời phong kiến.
Không phải lúc còn nhỏ năm bảy tuổi thế hệ chúng tôi mới học về đạo lý giản dị trong bài học thuộc lòng. Lớn hơn, ở lớp đệ ngũ (lớp 8 ) khi chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì, tuổi mới lớn, chúng tôi còn học thêm nhiều “bài thuộc lòng” có tính triết lý, ví dụ như “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc” trong bài thơ của Nguyễn Công Trứ. Biết đủ thì đủ, tìm cho đủ, biết bao giờ mới đủ. Quan chức ngày nay có giàu không? Chắc chắn không nghèo. Vậy có ai “tri túc”? Chắc chắn rất hiếm. Nếu tri túc thì số người vào tù ngày càng nhiều không phải là quan chức tham nhũng. Nhìn cơ ngơi của hầu hết các quan chức cả nước thì biết.
Không hề giữ những vị trí gì (dù cỏn con) trong xã hội, những bài thơ, những câu thơ dạy về tiết chế và về lòng tự trọng vẫn còn mãi trong tâm trí những người thuộc thế hệ chúng tôi.
Và dù không thể đại diện cho tất cả thành phần trí thức trong xã hội ngày nay, những người trên có phải là sản phẩm của một nền nền giáo dục – cả trong gia đình và ngoài xã hội – coi khinh TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN? Và có phải chỉ HỒNG và CHUYÊN là đủ trong việc giáo dục con người?