Dù có thành tích đánh thắng các đế quốc to, Hà Nội vẫn phải theo đuổi chiến lược ngoại giao "cây tre". Tưởng là khôn ngoan nhưng thật ra, vì "ở chiếu dưới", VN đành phải "uốn éo" (như cây tre) trước các cơn bão do các cường quốc gây ra. Nếu tự cường mọi cái, ngoại giao "cây tùng" phải là chọn lựa số một của người Việt chúng ta.
.........................................................................................................................................
“Việt Nam thận trọng giữ cân bằng trong phản ứng trước cuộc chiến Ukraine”.
Bài của Huỳnh Tâm Sang (*) đăng trên THE DIPLOMAT, Mỹ, ngày 1 tháng 6.
Từ lúc Nga xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 02, VN cố tách khỏi sự chạm trán của các cường quốc ở Đông Âu bằng cách nhấn mạnh, họ “không chọn phe” trong xung đột. Tuy nhiên, tranh cãi quanh cách đi dây khôn khéo của VN giữa Mỹ và Nga vẫn kéo dài.
Là đồng minh cũ của Liên Xô, VN bỏ phiếu trắng trong nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc chiến của Nga chống Ukraine, chính thức kêu gọi các bên kìm chế, bỏ phiếu chống lại việc loại Nga ra khỏi hội đồng nhân quyền LHQ. Nhưng rồi vào tháng 5, VN bỏ ra nửa triệu đô la Mỹ viện trợ nhân đạo “cho những người bị ảnh hưởng trong xung đột ở Ukraine”. Mặc dù khá khiêm tốn, đóng góp đó chứng tỏ VN cảm thông với người dân Ukraine, và trên hết, họ muốn giảm bớt hồ nghi của Mỹ đối với Hà Nội trong tư thế lập lờ của mình trước cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy thế, các chuyên gia vẫn nghi ngờ hiệu quả của VN khi chọn cân bằng kín đáo giữa các siêu cường; họ cho rằng phản ứng không rõ ràng của VN có thể phương hại quan hệ Việt-Mỹ, đang trên đà phát triển. Hệ quả, VN có khi bị cuốn hút vào bài toán hóc búa chiến lược, điều họ đang cố tránh.
Diễn văn quan trọng gần đây của hàng ngũ chóp bu VN giúp giải mã lập trường của Hà Nội về vấn đề Ukraine và quan hệ của họ với các cường quốc trên bình diện lớn hơn. Trong diễn từ đọc trước trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ngày 11 tháng 5, thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: “Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược, có quá nhiều chọn lựa, VN không chọn phe.Trái lại, chúng tôi chọn công lý, công bằng, và điều tốt đẹp, dựa trên luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Thông điệp của VN có thể hiểu là một bảo đảm rõ ràng về “vị thế trung lập” của Hà Nội, bất chấp nhiều ràng buộc sâu đậm với Moscow, kéo dài từ lâu sự ủng hộ tinh thần, viện trợ hữu nghị, sự trợ giúp quân sự lẫn kinh tế của Liên Xô đối với miền Bắc.
Nhận định của ông Phạm Minh Chính cũng xoay quanh các nguyên tắc chung, các chia sẻ giá trị phổ quát, với các từ ngữ chính như chân thành, tin tưởng, trách nhiệm xuất hiện hơn 60 lần trong bài nói (và lặp lại trong các câu trả lời với các người tham dự). Từ lăng kính phân tích diễn ngôn, Phạm Minh Chính cố gắng định hình nhận thức và hành động về hợp tác thay vì đối đầu, hòa bình thay vì chiến tranh.
Dẫu không nói ra, thông điệp của ông Chính cho thấy VN không nghiêng về Nga, đặc biệt giữa sự cạnh tranh Nga-Mỹ, không tính đến việc chẳng ủng hộ cuộc xâm lược của tổng thống Putin vào lãnh thổ Uktaine. Đối với các nhà lãnh đạo VN, thật sai lầm nếu so sánh, VN không lên án Nga chẳng khác gì Hà Nội ủng hộ cuộc xâm lược của Moscow vào Kiyv.
Tổng bí thư đảng cộng sản VN, ông Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu tại hội nghị quan hệ đối ngoại toàn quốc tháng 12 năm 2021, đúc kết triết lý trường phái “ngoại giao cây tre” với “gốc vững, thân dẻo, cành uốn”. Là người Việt Nam quyền lực, ảnh hưởng bao trùm lên chính sách ngoại giao đất nước, ông Trọng tóm tắt đặc trưng lời khuyên “quyền biến” (astute) của cố chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông ta đề cập các vấn đề cốt lõi, như đề cao vị thế chiến lược của VN trong quan hệ với các nước láng giềng, tôn trọng và tạo điều kiện để các cường quốc “giữ gìn phẩm giá”, đồng thời, “áp dụng đối sách vừa mềm vừa cứng” để bảo vệ lợi ích quốc gia cao nhất của VN.
Cách thức các nhà lãnh đạo VN định hình quan hệ đối ngoại cho chúng ta thấy nhiều diễn giải đa dạng do (hoàn cảnh) môi trường bên ngoài. Dù theo dõi rất sát các điểm nóng an ninh, cả ở Ukraine lẫn ở biển Đông, VN từng tìm cách đẩy mạnh đòn bẫy địa chiến lược bằng việc chủ động tăng cường tính thích ứng của khối Đông Nam Á qua các sang kiến và can dự năng động. VN còn áp dụng chủ nghĩa đa phương làm phương châm trong chính sách đối ngoại, thiết lập 30 đối tác chiến lược toàn diện với các nước. Thêm vào đó, VN và Hoa Kỳ đã hợp tác nâng cao tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, và quốc phòng. Thực chất, hai nước đã là “đối tác chiến lược về mọi mặt, trừ danh nghĩa”. Chuyến viếng thăm của ông Chính tới Washington là một thành công có tính bước ngoặt đối với VN, cùng những chương trình và cơ hội được cho biết sẽ thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn nữa giữa hai nước.
Trong lúc đó, VN là “đối tác chiến lược toàn diện” với Nga, thành viên thường trực hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Dù cuộc chiến ở Ukraine đang tiếp diễn, Nga vẫn là nhân tố quan trọng trên diễn đàn toàn cầu, cũng như là đối tác quân sự quan trọng của VN, nước mua 80 % thiết bị quân sự của Moscow. Năm ngoái, VN và Nga ký thỏa thuận kỹ thuật-quân sự nhằm mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại và công nghệ. Về an ninh ở biển Đông, VN cần Nga vì Nga đóng vai trò ngoại giao quan trọng trong tam giác Nga-Việt-Trung. Đối với lãnh đạo VN, cửa mở ra cơ hội, có được nhờ quan hệ lâu đời với Nga, dù hẹp và mơ hồ, vẫn còn để ngỏ.
Ngoài ra, phương Tây đang cố tách khỏi nền kinh tế Nga, nhưng ngay cả đồng thuận giữa Nga và các nước phương Tây, hoặc Putin rút quân khỏi Ukraine, có xảy ra, việc cô lập Nga có lẽ không phải là cái mà Hoa Kỳ và phương Tây muốn thấy. Về phía VN, quốc gia còn duy trì liên kết lâu dài với Nga và quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ, lên án Nga hoặc tham gia cấm vận họ do Mỹ dẫn đầu sẽ không phải là lựa chọn khôn ngoan.
Nhưng cô lập Nga của khối phương Tây và sự phụ thuộc của VN vào nền quốc phòng Nga tạo ra thách thức, khó khăn cho chiến lược trung lập của VN trong cuộc xung đột tại Ukraine. Thứ nhất, VN cần hỗ trợ về ngoại giao và trợ giúp chính trị của Nga, khi ghế thường trực hội đồng bảo an và quyền phủ quyết của họ rất quan trọng cho Hà Nội. Tuy nhiên, tình hình xấu đi của Nga khó mà đem lại lợi ích cho VN khi quan hệ ngày càng tăng giữa Moscow và Hà Nội đang làm đau đầu và có nguy cơ bị quy là một loại đồng minh (không chính thức –của Nga). Thứ hai, dù cố đa dạng hóa việc mua vũ khí, không chắc VN quay qua đối tác khác để mua vũ khí tấn công, kể cả Hoa Kỳ, trong ngắn hạn. Giá cả thiết bị quân sự phải chăng, dễ chọn phương thức thanh toán, Nga chính là đối tác vũ khí lý tưởng.
Quan hệ gần gũi Trung-Nga cũng đáng quan tâm. Nếu Nga phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về giúp đỡ kinh tế, công nghệ, và quân sự, có vẻ như thế, vì kinh tế nước này bị tác hại bởi hàng loạt trừng phạt mới, Bắc Kinh có thể khiến Moscow không bán vũ khí tấn công cho Hà Nội. Do đó, Nga sẽ lưỡng lự chuyển giao hoặc giảm thiểu việc bán vũ khí cho VN, đây sẽ thắng lợi cho quốc gia châu Á này. Thêm nữa, những vấn nạn công nghệ quốc phòng Nga, đặc biệt thể hiện đáng kinh ngạc và kém cỏi trên chiến trường Ukraine, sẽ đặt VN vào vị thế mong manh.
Trong trường hợp TQ càng đe dọa biển Đông và/hoặc Nga cắt giảm bán vũ khí, VN cuối cùng có thể xích gần lại Hoa Kỳ để tiếp cận vũ khí quốc phòng. Vấn đề cần lưu ý là, Mỹ có thể áp dụng đạo luật CAATSA (chống kẻ thù Mỹ thông qua trừng phạt) như lá bài chiến lược để thuyết phục Hà Nội giảm thiểu phụ thuộc vũ khí vào Nga và quay qua Washington để đặt mua vũ khí quốc phòng. Nếu chuyện này xảy ra, nó sẽ làm xấu đi quan hệ Hà Nội với Moscow và đặt VN vào tình thế rắc rối khi nhắc tới quan hệ với TQ, hay chí ít, tạo căng thẳng lên mục tiêu của VN, là duy trì thế cân bằng chiến lược giữa các cường quốc.
Nhiều năm nữa, có lẽ VN sẽ phải tiếp tục “đi dây” giữa Mỹ và Nga, và cùng một lúc, theo đuổi cân bằng đa cực trong quan hệ đối ngoại. Thật xa vời để dự đoán một thay đổi triệt để trong những mối quan hệ của VN với Nga, trong bối cảnh, truyền thống của Hà Nội là thận trọng với các vấn đề gây tranh cãi, nhất là với các xung đột của các cường quốc. Tuy nhiên, trong thời buổi hỗn loạn, cam kết không chọn bên của VN trong việc đối đầu của các siêu cường sẽ tiếp tục được thử thách. Xét tất cả các mặt, thành công trong sự cân bằng chiến lược giữa Hoa Kỳ và Nga sẽ còn được chứng kiến.
Ảnh: Ngôi làng đổ nát Borodyanka vừa được chiếm lại từ tay quân Nga ngày 8 tháng 4 năm 2022. Nguồn của Depositphotos.
(*) Huynh Tâm Sang là giảng viên về quan hệ quốc tế tại đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố HCM, nghiên cứu viên tại Tổ chức NextGen Đài Loan, nghiên cứu viên WSD-Handa không thường trực tại Diễn đàn Thái Bình Dương.
Nguyễn Long Chiến dịch.