Tôi thấy mọi thống kê cho biết phụ nữ sống thọ hơn nam giới. Chưa hẳn nhờ không hút thuốc, uống rượu bia, “trai gú” (đối lại gái gú) nhưng nhờ nữ nói… nhiều hơn nam. Nói chuyện giúp giải tỏa những gì ẩn ức trong con người là cách chữa trị tâm phân học. Tôi có dịp được nói chuyện với những người không phải là bác sĩ tâm lý nhưng chuyện họ nói ra giúp tôi thanh thản ra về sau vài giờ đồng hồ nghe chuyện và hỏi chuyện.
Đó là buổi gặp mặt do anh Nguyễn Công Chính (hậu duệ Nguyễn Công Trứ ) tổ chức tại một nhà hàng ở Sài Gòn. Các vị khách gồm Hoàng Hưng, thi sĩ kiêm dịch giả, nhà báo “nhân dân” Lưu Trọng Văn, phó giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Dũng, luật sư Trần Đình Thu.
Hầu hết họ trưởng thành dưới mái trường XHCN. Chỉ mỗi tôi là “lạc loài “ trưởng thành từ giáo dục VNCH. Từng tiếp xúc với một số trí thức Sài Gòn “cũ” một vài vị còn “hoài cổ”, tôi ngạc nhiên khi những vị này không hề đá động chuyện Nam- Bắc, “ địch-ta”, thành phần “thắng cuộc- thua cuộc”. Họ có những nhận định về lịch sử đất nước cận đại thật trung thực và đầy hiểu biết. Đề tài câu chuyện trải dài mọi lĩnh vực và lĩnh vực nào họ cũng am hiểu, điều tôi còn đang học hỏi.
Nhưng cái xuất hiện rất rõ trong trí tôi: Tất cả họ đều đau đáu với tình hình đất nước. Trong trái tim họ, chỉ có một dân tộc VN, không hận thù, nhân hậu và yêu thương, tất cả hướng đến tương lai. Quá khứ trưởng thành không làm cho họ có những định kiến về người Nam người Bắc, người Việt trong nước, người Việt nước ngoài. Có thể một số người khác không có cùng nhận định như tôi. Nhưng tôi chắc chắn họ đúng như tôi nghĩ, dù ở xã hội có người trong số họ vướng không ít chuyện “thị phi”.
Tôi sẽ sống thọ nếu có dịp nói chuyện nhiều với những vị như thế; tất nhiên sẽ sống thọ hơn phụ nữ (như nhà tui chẳng hạn) nhờ cởi mở chuyện trò.