Tuesday, March 8, 2022

8 THÁNG 3: BÌNH ĐẲNG GIỚI, CHUYỆN CÒN DÀI



Trong bài Trả lời cho mấy vị độc giả hỏi về bài Thân oan cho Võ hậu, năm 1930, học giả Phan Khôi, có thể là người đầu tiên trong giới học thuật mạnh mẽ bảo vệ nữ quyền, bênh vực nhân vật bị lịch sử Trung Hoa phỉ báng Võ Tắc Thiên. Ông viết: “…Tôi thấy đàn ông có làm vua, tôi mới hỏi: sao đàn bà lại không được làm vua? Tôi thấy “vua đực” có nhiều cung phi mỹ nữ, tôi mới hỏi: sao “vua cái” lại không được có nhiều cung phi mỹ nam?”.
Học tập theo tiền bối người Quảng Nam, tôi xin mạn đàm về Quyền phụ nữ ở đâu trong vấn đề hưởng thụ?
Ngày nay, Việt Nam đi một bước rất xa trong việc bảo vệ nữ quyền. Ngoài các quyền công dân như bầu cử và ứng cử (dù chỉ là "đảng cử dân bầu"), làm việc trong các cơ quan chính quyền, phụ nữ còn được hưởng những quyền - tôi thấy rất tiến bộ và rất nhân văn - trong đó có quyền sinh con mà không phải có chồng, miễn là không lấy…chồng người khác (có trời mới biết).
Phụ nữ Việt Nam sẽ hạnh phúc hơn nếu biết ở một số nước, khi đi khỏi nhà, họ phải có người giám hộ đi kèm như cha hoặc chồng (nước giàu đấy nhé). Phụ nữ Việt Nam cũng sẽ cảm thấy tự do nếu biết, ở đó, đàn bà không được đi xe đạp; cúi người đạp xe, cặp mông khêu gợi sẽ phổng phao thêm: “nguy hiểm” cho người nhìn là đàn ông. Tất nhiên, chị em chúng ta ra đường ăn bận mát trời, có thể hở chỗ nào cũng được, miễn không hở hai chỗ trọng đại trên cơ thể, khiến tai nạn giao thông có thể gây ra cho mấy ông chạy xe mà mắt sắc như dao cạo.
Nhưng có mấy ai – tôi nói phụ nữ - la cà quán nhậu, karaoke, tiệm cà phê, có khi từ trưa chí tối, trong lúc các đức ông chồng ngồi bên mâm cơm mỏi mắt trông vợ về, cùng ăn với chồng con? Có không? Xin thưa: NO.
“Cảnh” như thế là “thường tình” đối với đàn ông và cũng “đương nhiên” đối với phụ nữ. Như vậy, phụ nữ có bình đẳng với nam giới về hưởng thụ vật chất hay không? Tôi không khuyến khích “ông sao tôi vậy” hay “ông ăn chả bà ăn nem” . Tôi muốn nói cánh mày râu: có khi nào quí vị biết ơn cái “bất bình đẳng” ấy không? Quí vị (một số) xem đó là chuyện tự nhiên, và trớ trêu thay, phụ nữ (một số) cũng nghĩ đó cũng là tự nhiên: vợ thì ai chả thế.
Tôi thấy ông trời cũng bất công khi nắn ra con người. Đàn ông thường có nhiều thú vui hơn phụ nữ. Không rõ nhờ đóng góp nhiều cho nhân loại mà đàn ông có nhiều biệt đãi? Họ uống rượu, hút thuốc, đánh bạc, chơi cờ, và cả chuyện “gái gú” trong khi phụ nữ xem những thứ ấy chỉ dành cho…đàn ông. Việc của họ là: đẻ con, chăm con, chăm luôn cả ông chồng nhiều biệt đãi kia.
Không khác ý kiến cụ Phan về ông vua và bà vua, phụ nữ sẽ bị xã hội phê phán nếu: hút thuốc, uống rượu, đánh bạc, chơi cờ, và “trai gú” (đối lại gái gú), nghĩa là muốn “bình đẳng” như đàn ông trong vấn đề thụ hưởng thú vui cuộc sống.
Phụ nữ phương Tây đi đầu trong vấn đề giải phóng chính họ. Bị quấy rối tình dục, người vợ có thế thưa chồng ra cảnh sát. Người vợ Việt Nam có thường thưa ra pháp luật người chồng ngược đãi họ?
Tôi từng đọc tin, cách đây mấy năm, người vợ bị chồng đánh bảy lần, lần nào cũng nằm bịnh viện vì thương tật, lúc gãy tay, lúc gãy giò, lúc vỡ đầu, lúc rách trán…Hội phụ nữ đề nghị người vợ bất hạnh li dị, bà trả lời, tỉnh bơ: “Không, tôi không thể bỏ ông ấy. Chỉ khi say rượu, ông mới đánh đập tôi. Bình thường, ông ấy là người rất hiền lành”. Có thể người chồng hiền lành nhưng cũng có thể có một lý do khác, thầm kín hơn, tôi không tiện suy đoán ra đây, người vợ bị đánh đập tàn nhẫn vẫn gắn bó ông chồng độc ác.
Tôi có đọc đâu đó, có một số thống kê lý do các cặp li dị. Nào là nghèo khổ, cha mẹ đôi bên thúc ép, bị chồng đánh đập, không sinh đẻ được, xung đột tính tình, và ngoại tình…Trước khi ly dị thường có thời gian ly thân. Hầu như bảy mươi phần trăm các cặp hôn nhân đó không tiến tới ly dị, nếu người phụ nữ cảm thấy hòa hợp chăn gối với chồng.
Tôi không rõ sự chính xác của thống kê nhưng tôi rất rõ: phụ nữ mong thỏa mãn tính dục, một việc rất dễ dàng đối với đàn ông.
Trong nhiều cuộc luận đàm nơi bàn nhậu (rượu vào lời ra mà), tôi nghe quí ông đều khoe khoang họ rất mạnh mẽ về khoảng chăn gối. Tôi không rõ có thực vậy không nhưng tôi nhiều lần được các bạn nam khoe ảnh người tình, gọi là đơ-di-em buy-rô (phòng nhì – bồ nhí). Tất nhiên bạn tôi đều có vợ con đề huề, con cái thành đạt, công danh không phải thua kém ai. (Số bạn này là ít, không phải tất cả).
Nếu những người phụ nữ đi nhậu và khoe ảnh của bồ nhí với bạn nhậu, quí vị sẽ đánh giá thế nào? Ấy là tôi hỏi quí ông. Tôi không đi sâu phê phán hiện tượng này. Tôi muốn nói, sự thỏa mãn tình dục – một nhu cầu cần thiết cho tâm lý, quan trọng như ăn như uống - nam giới hay nữ giới không thể như nhau?
Đàn ông không vừa ý chăn gối (rất ít khi) có quyền bày tỏ còn nữ giới “cùng hoàn cảnh” không được biểu lộ, hay đúng hơn, không dám biểu lộ. Xã hội Việt Nam – ngay cả một số nước phương Tây – cũng còn cái nhìn khắt khe về vấn đề này.
Khát nước, kẻ được uống thỏa thê, kẻ mới ngụm chưa tới một hớp thì nước…hết, và phụ nữ lấy việc “bất bình đẳng” ấy làm sức “chịu đựng” của mình. Nhiều lần cơm không lành, canh không ngọt, có ai biết, một trong những lý do thầm kín lại là sự “bất bình đẳng” ấy kéo dài, lần này sang lần khác, ngày này sang ngày khác, thậm chí tháng này sang tháng khác.
Tôi đi xa hơn tiền bối Phan Khôi trong vấn đề “nữ quyền”?
Vấn đề tôi muốn kết luận theo ý tưởng của tiền nhân: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, điều ta không muốn thì cũng đừng làm cho người. Trong phạm vi “tế nhị” này, tôi diễn nôm: quí ông không muốn “bí bách” gối chăn thì quí ông cũng không làm điều đó với người phối ngẫu, người phụ nữ.
Vợ chồng hay trai gái hạnh phúc nhờ hòa hợp tinh thần và thể xác, không nhất thiết đàn ông phải uống rượu Minh Mạng thang hay cậy đến Viagra thần dược. Chỉ cần hiểu phụ nữ là đủ rồi. Con người ai cũng bị chi phối bởi qui luật. Nắm qui luật thì mọi sự trôi tròn. Củi to hay củi bé, thậm chí là rơm, cỏ, nếu biết cách nấu cơm thì cơm nào cũng sôi, cũng chín. Không biết nấu, cứ ỷ vào củi bự, củi to, đun hết cây này tới cây khác, cơm có thể cháy hoặc khê. Cơm nấu không chín thì đáng trách thay.
Bình đẳng trong hưởng thụ không có nghĩa “ông sao tui vậy” hay “ông ăn chả thì bà ăn nem”. Bình đẳng là hiểu nhau, hiểu nhau để bình đẳng. Tuy nhiên, chưa thể bình đẳng giới nếu chưa bình đẳng trong thụ hưởng.
Vậy nên, ca dao mới cứ mãi là:
"Hôm nay mồng tám tháng ba,
Tôi giặt giùm bà cái áo của tôi"