So sánh luôn khập khiễng nhưng so sánh ở bài viết cũng đáng quan tâm dù rằng bản chất chiến tranh VN rất khác bản chất chiến tranh Ukraine: Cuộc chiến ý thức hệ cộng sản và không cộng sản. Nga khác Mỹ. Mỹ không mở rộng lãnh thổ nhưng Nga thì có. Mỹ có nhiều đồng minh nhưng Nga thì cô độc. Mỹ là cường quốc thật sự cả kinh tế lẫn quân sự, Nga thì không, ngoại trừ vũ khí hạt nhân của quá khứ. Mỹ có kẻ chống người không nhưng Nga thì hầu như toàn thế giới lên án. Mỹ theo chế độ dân chủ có cơ hội sửa sai nhưng Nga thì không, chỉ độc tài nên đất nước lãnh đủ. Mỹ có tự do tư tưởng –như tác giả này dám vạch trần sai trái của chính quyền nước Mỹ - nhưng Nga thì không; ai gọi Nga xâm lược là xâm lược sẽ bị tù 15 năm. Tất cả các báo không theo Putin đều bị đóng cửa, Mỹ thì không, nhà báo nào cũng có thể chỉ trích tổng thống mà không ai bị nhốt tù.
Wednesday, March 23, 2022
UKRAINE LÀ VIỆT NAM CỦA PUTIN
“Sự tàn bạo do tổng thống Nga Vladimir Putin gây ra ở Ukraine được xem như một Afghanistan của ông ta. Việt Nam là so sánh đúng hơn. Tại sao?” (Russian President Vladimir Putin’s outrage in Ukraine has been called his Afghanistan. A better analogy is Vietnam. Why?).
Bài của Harlan Ullman (*) đăng trên The Hill, Mỹ.
Một, Bắc Việt thắng nhờ không thua. Ukraine cũng thế nếu không thua và đang đẩy Nga đến chỗ thất bại vì mất máu. Có lẽ một khác biệt lớn, đó là: Ukraine đang chiếm lợi thế đánh nhau trên bộ.
Hai, lý lẽ “chiến dịch đặc biệt” của Putin còn kém cỏi và thêu dệt nhiều hơn lý do gây chiến của Mỹ ở VN. Putin tố cáo Ukraine là mối đe dọa trực tiếp cho Nga; nào là chính phủ tân phát xít, cầm đầu bởi một tổng thống người Do Thái, đang tấn công người Ukraine nói tiếng Nga vô tội, nào là giết chết công dân Nga, rồi ông ta dựng lên các tin giả để minh họa.
Dựa vào Thuyết domino Đông Nam Á sai quấy, cho rằng một quốc gia rơi vào chủ nghĩa cộng sản vô thần sắt máu thì các quốc gia khác sẽ đổ theo, nên năm 1961, chính quyền Kennedy bắt đầu xây dựng sức mạnh quân sự ở Nam VN. Để trả đũa, Việt Cộng đẩy mạnh tấn công vào lực lượng Mỹ đóng ở đó. Đầu tháng 8 năm 1964, tàu tuần tra gắn ngư lôi của Bắc Việt tiến về khu trục hạm USS Maddox ở vịnh Bắc bộ. Không thấy có báo cáo thiệt hại.
Maddox và tàu USS Turner Joy được lịnh quay lại tuần tra. Cả hai tàu đều tố cáo hải quân Bắc Việt khai hỏa vào họ. Sự thật thì chẳng có cuộc tấn công nào. Nhưng điều đó chẳng thay đổi gì. Người Mỹ đều tin hải quân của họ bị tấn công.
Quốc hội cũng tin như thế. Chỉ hai phiếu chống ở lưỡng viện, quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết Vịnh Bắc bộ ngày 7 tháng tám năm 1964, được tổng thống Lyndon Johnson ký thành luật. Hoa Kỳ sa lầy vào cuộc chiến hàng chục năm trời.
Ba, Nga tiến hành chiến dịch khủng bố bằng bom đạn lên thường dân và giết hại bừa bãi ở Ukraine. Nhớ lại thật đau lòng nhưng Hoa Kỳ đổ xuống Đông Nam Á số bom đạn còn nhiều hơn ở đệ nhị thế chiến. Các mục tiêu được cho là “quân sự”. Ở miền Nam, chiến lược “tìm và diệt” để quét sạch kẻ thù với việc “đếm xác người” thật kinh khủng.
CIA tiến hành chương trình thủ tiêu gọi là chiến dịch Phượng Hoàng. Chừng 50.000 cán bộ VC “nằm vùng” bị sát hại vì các định kiến cực đoan. Chẳng ai biết có bao nhiêu người Việt bị chết trong trong cuộc chiến tranh mở rộng. Con số có khi hàng triệu.
Nếu thông tin hiện đại ngày nay tràn ngập như hồi chiến tranh VN, hình ảnh sẽ không khác những gì đang xảy ra ở Ukraine ngày nay, cũng như trong mọi cuộc chiến. Hồi đó, phim quay bỏ trong các hộp nhôm gởi về Mỹ để biên tập và phát hình rất nhiều tiếng đồng hồ sau đó. Chiến tranh mọi cấp độ đều là sự gom lại hàng triệu nỗi kinh hoàng, sự bi thương, các hành động anh hùng, và sự tuyệt vọng, của mỗi cá nhân được ghi bằng hình ảnh.
Bốn, dân chúng Nga vẫn còn trung thành với tổng thống và chính phủ của mình trong khi chứng cớ các cuộc tàn sát do quân đội Nga gây ra tràn lan là điều không còn chối cãi. Câu trả lời thật đơn giản. Quần chúng cậy dựa vào lãnh đạo và tập họp cùng nhau khi đất nước trong cơn khủng hoảng.
Hãy coi lại quốc hội và quần chúng Mỹ tin tưởng bao lâu “ánh sáng ở cuối đường hầm” kéo dài (trong chiến tranh) ở Việt Nam. Hoặc giả, bao lâu quần chúng Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ cuộc chiến hai thập kỷ ở Afghanistan một khi rõ ràng là không thể thắng nổi. Và có bao nhiêu người Mỹ thách thức xác quyết “mười mươi” (“slam dunk”) của chính phủ George W. Bush rằng I rắc có vũ khí hủy diệt hàng loạt năm 2003?
Năm, có độc giả thấy liên hệ chiến tranh của Putin với VN đáng ghét vì có so sánh với Hoa Kỳ. Nhưng rất rõ sự giống nhau: Nước nào khơi mào chiến tranh nước đó đều thua. Câu đó nên được khắc lên trần nhà tòa Bạch Ốc và văn phòng điện Kremlin để hai tổng thống có thể nhìn lên mỗi ngày.
Cuối cùng, khi VN từng làm uy quyền và danh tiếng Mỹ giảm sút thời gian dài thì Ukraine sẽ làm điều này khủng khiếp hơn đối với Putin và Nga. Điều này sẽ tạo ra bất ổn lớn và sự hỗn loạn vô cùng cho một siêu cường hạt nhân. Hoa Kỳ và phương Tây cần những bước đi cẩn thận trong cách ứng xử với Nga khi cuộc chiến chấm dứt. Ký ức sau đệ nhất thế chiến với nước Đức không thể bị bỏ qua.
Về ngắn hạn, NATO sẽ tiếp tục gắn bó. Chi phí quốc phòng tất thảy sẽ lên cao. Trước bối cảnh đó, Hoa Kỳ cần phải hết sức tránh sai lầm chết người trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 2003: không hỏi và trả lời “Sau đó sẽ là gì”. Cuộc chiến ở Ukraine có thể đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn khác biệt: không phải chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng mà là chiến tranh tàn tệ.
Hoa Kỳ không giữ lại những gì họ học từ chiến tranh Việt Nam. Nếu thế giới phải an toàn hơn và bảo đảm hơn, nước Nga cần bị buộc không lặp lại thất bại này. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để thực hiện được như thế.
(*) Harlan Ullman là tiến sĩ, cố vấn cấp cao ở Hội đồng Đại Tây Dương, Washington DC.
Nguyễn Long Chiến dịch từ nguồn https://thehill.com/.../598954-ukraine-is-putins-vietnam