Wednesday, March 30, 2022

PHẠT ĐỂ GIÁO DỤC?



Giáo dục để con người tốt hơn nhờ tự do hơn. Giáo dục không phải để đào tạo ra mẫu người “cần giáo dục”. Cháu tôi lớp một buổi chiều đi học về buồn xo. Ba mẹ hỏi lý do, cháu bảo vì nô giỡn va vào bạn té nhào tới 2 lần ở hai buổi ra chơi, bị các anh “sao đỏ” ghi vào sổ kỷ luật.
Nếu trẻ ngoan, giỏi, chúng không cần đến trường. Dự một buổi họp phụ huynh học sinh, mấy chục năm trước, tôi nghe phản ảnh của một người với hiệu trưởng một trường cấp 3, “nên đuổi học những em nhảy qua cửa sổ, bỏ giờ học”. Ông hiệu trưởng (là bạn học của tôi cùng học trường sư phạm) trả lời: nếu đuổi những học sinh “cá biệt “ ấy thì thầy cô chúng tôi và nhà trường có mặt để làm gì?
Kỷ luật cần có nhưng kỷ luật hiệu quả là không cần kỷ luật nhưng học sinh vẫn có kỷ luật. Đó mới là hiệu quả của giáo dục. Cháu tôi bị cô giáo bắt đứng ở bục giảng trước mấy chục em học sinh khác, để “nhận khuyết điểm “. Một cháu cùng lớp nói lại khi tôi tìm hiểu thái độ của cháu mình. “Bạn Ch. cười cười chẳng sợ hãi gì, ông ạ”.
Phải, đúng là trẻ con. Cháu vô tư mỉm cười, mới lớp một, làm sao cháu hình dung đứng trước bảng đen là một “nỗi sỉ nhục “ trong đầu óc của một người lớn. Có thể lớp 2, lớp 3, lớp 4…hay các lớp lớn hơn, học sinh sẽ hiểu ra, đứng trước lớp nhận khuyết điểm là đáng xấu hổ, cần nên tránh khuyết điểm. Con người kể cả người thành thánh, ai mà không có khuyết điểm.
Đối với trẻ, chỉ một lời nói không thôi cũng là sức mạnh giáo dục , chứ không phải hình phạt. Tôi lấy mình làm ví dụ. Trong học bạ đệ lục (lớp 7)cô tôi, bà Tống Nữ Mộng Hoa (hiện đang ở Mỹ) viết lời phê: “Nếu cố gắng sẽ giỏi Anh văn”. Cố gắng, học sinh nào mà không cố gắng? Nhưng cô nhận xét về tôi. Và tôi sau này tôi đã không phụ lòng kỳ vọng của cô. Gần 70 tuổi tôi vẫn “cố gắng” mỗi ngày học ngoại ngữ, để giỏi Anh văn. Tôi có thể dịch sách báo để mua vui cũng như hồi sinh viên đi dịch thư từ (ở Bưu điện) để kiếm tiền mua sách vở.
Có cần phải cho tôi điểm kém để tôi cố gắng khá tiếng Anh? Hay cháu tôi, có cần bị “kỷ luật kiểm điểm “ trước lớp để cháu tốt hơn, không nô đùa tông ngã bạn bè?
Giáo dục không phải chỉ ở cải tiến sách giáo khoa. Giáo dục cần cải tiến thái độ của những người làm giáo dục đối với học sinh. Giáo dục không phải là khuôn đúc bánh in: hàng triệu triệu chiếc bánh chun bằng sắc cạnh, răm rắp như nhau. Giáo dục là biết phát huy sự khác biệt và đề cao tự do cá nhân.
Ngôn từ chứ không phải “đòn roi” (hình phạt) mới là căn cơ của phương tiện giáo dục.

Monday, March 28, 2022

LỢI ÍCH CỦA CHUYỆN TRÒ



Tôi thấy mọi thống kê cho biết phụ nữ sống thọ hơn nam giới. Chưa hẳn nhờ không hút thuốc, uống rượu bia, “trai gú” (đối lại gái gú) nhưng nhờ nữ nói… nhiều hơn nam. Nói chuyện giúp giải tỏa những gì ẩn ức trong con người là cách chữa trị tâm phân học. Tôi có dịp được nói chuyện với những người không phải là bác sĩ tâm lý nhưng chuyện họ nói ra giúp tôi thanh thản ra về sau vài giờ đồng hồ nghe chuyện và hỏi chuyện.
Đó là buổi gặp mặt do anh Nguyễn Công Chính (hậu duệ Nguyễn Công Trứ ) tổ chức tại một nhà hàng ở Sài Gòn. Các vị khách gồm Hoàng Hưng, thi sĩ kiêm dịch giả, nhà báo “nhân dân” Lưu Trọng Văn, phó giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Dũng, luật sư Trần Đình Thu.
Hầu hết họ trưởng thành dưới mái trường XHCN. Chỉ mỗi tôi là “lạc loài “ trưởng thành từ giáo dục VNCH. Từng tiếp xúc với một số trí thức Sài Gòn “cũ” một vài vị còn “hoài cổ”, tôi ngạc nhiên khi những vị này không hề đá động chuyện Nam- Bắc, “ địch-ta”, thành phần “thắng cuộc- thua cuộc”. Họ có những nhận định về lịch sử đất nước cận đại thật trung thực và đầy hiểu biết. Đề tài câu chuyện trải dài mọi lĩnh vực và lĩnh vực nào họ cũng am hiểu, điều tôi còn đang học hỏi.
Nhưng cái xuất hiện rất rõ trong trí tôi: Tất cả họ đều đau đáu với tình hình đất nước. Trong trái tim họ, chỉ có một dân tộc VN, không hận thù, nhân hậu và yêu thương, tất cả hướng đến tương lai. Quá khứ trưởng thành không làm cho họ có những định kiến về người Nam người Bắc, người Việt trong nước, người Việt nước ngoài. Có thể một số người khác không có cùng nhận định như tôi. Nhưng tôi chắc chắn họ đúng như tôi nghĩ, dù ở xã hội có người trong số họ vướng không ít chuyện “thị phi”.
Tôi sẽ sống thọ nếu có dịp nói chuyện nhiều với những vị như thế; tất nhiên sẽ sống thọ hơn phụ nữ (như nhà tui chẳng hạn) nhờ cởi mở chuyện trò.

Wednesday, March 23, 2022

UKRAINE LÀ VIỆT NAM CỦA PUTIN

 So sánh luôn khập khiễng nhưng so sánh ở bài viết cũng đáng quan tâm dù rằng bản chất chiến tranh VN rất khác bản chất chiến tranh Ukraine: Cuộc chiến ý thức hệ cộng sản và không cộng sản. Nga khác Mỹ. Mỹ không mở rộng lãnh thổ nhưng Nga thì có. Mỹ có nhiều đồng minh nhưng Nga thì cô độc. Mỹ là cường quốc thật sự cả kinh tế lẫn quân sự, Nga thì không, ngoại trừ vũ khí hạt nhân của quá khứ. Mỹ có kẻ chống người không nhưng Nga thì hầu như toàn thế giới lên án. Mỹ theo chế độ dân chủ có cơ hội sửa sai nhưng Nga thì không, chỉ độc tài nên đất nước lãnh đủ. Mỹ có tự do tư tưởng –như tác giả này dám vạch trần sai trái của chính quyền nước Mỹ - nhưng Nga thì không; ai gọi Nga xâm lược là xâm lược sẽ bị tù 15 năm. Tất cả các báo không theo Putin đều bị đóng cửa, Mỹ thì không, nhà báo nào cũng có thể chỉ trích tổng thống mà không ai bị nhốt tù.



“Sự tàn bạo do tổng thống Nga Vladimir Putin gây ra ở Ukraine được xem như một Afghanistan của ông ta. Việt Nam là so sánh đúng hơn. Tại sao?” (Russian President Vladimir Putin’s outrage in Ukraine has been called his Afghanistan. A better analogy is Vietnam. Why?).
Bài của Harlan Ullman (*) đăng trên The Hill, Mỹ.
Một, Bắc Việt thắng nhờ không thua. Ukraine cũng thế nếu không thua và đang đẩy Nga đến chỗ thất bại vì mất máu. Có lẽ một khác biệt lớn, đó là: Ukraine đang chiếm lợi thế đánh nhau trên bộ.
Hai, lý lẽ “chiến dịch đặc biệt” của Putin còn kém cỏi và thêu dệt nhiều hơn lý do gây chiến của Mỹ ở VN. Putin tố cáo Ukraine là mối đe dọa trực tiếp cho Nga; nào là chính phủ tân phát xít, cầm đầu bởi một tổng thống người Do Thái, đang tấn công người Ukraine nói tiếng Nga vô tội, nào là giết chết công dân Nga, rồi ông ta dựng lên các tin giả để minh họa.
Dựa vào Thuyết domino Đông Nam Á sai quấy, cho rằng một quốc gia rơi vào chủ nghĩa cộng sản vô thần sắt máu thì các quốc gia khác sẽ đổ theo, nên năm 1961, chính quyền Kennedy bắt đầu xây dựng sức mạnh quân sự ở Nam VN. Để trả đũa, Việt Cộng đẩy mạnh tấn công vào lực lượng Mỹ đóng ở đó. Đầu tháng 8 năm 1964, tàu tuần tra gắn ngư lôi của Bắc Việt tiến về khu trục hạm USS Maddox ở vịnh Bắc bộ. Không thấy có báo cáo thiệt hại.
Maddox và tàu USS Turner Joy được lịnh quay lại tuần tra. Cả hai tàu đều tố cáo hải quân Bắc Việt khai hỏa vào họ. Sự thật thì chẳng có cuộc tấn công nào. Nhưng điều đó chẳng thay đổi gì. Người Mỹ đều tin hải quân của họ bị tấn công.
Quốc hội cũng tin như thế. Chỉ hai phiếu chống ở lưỡng viện, quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết Vịnh Bắc bộ ngày 7 tháng tám năm 1964, được tổng thống Lyndon Johnson ký thành luật. Hoa Kỳ sa lầy vào cuộc chiến hàng chục năm trời.
Ba, Nga tiến hành chiến dịch khủng bố bằng bom đạn lên thường dân và giết hại bừa bãi ở Ukraine. Nhớ lại thật đau lòng nhưng Hoa Kỳ đổ xuống Đông Nam Á số bom đạn còn nhiều hơn ở đệ nhị thế chiến. Các mục tiêu được cho là “quân sự”. Ở miền Nam, chiến lược “tìm và diệt” để quét sạch kẻ thù với việc “đếm xác người” thật kinh khủng.
CIA tiến hành chương trình thủ tiêu gọi là chiến dịch Phượng Hoàng. Chừng 50.000 cán bộ VC “nằm vùng” bị sát hại vì các định kiến cực đoan. Chẳng ai biết có bao nhiêu người Việt bị chết trong trong cuộc chiến tranh mở rộng. Con số có khi hàng triệu.
Nếu thông tin hiện đại ngày nay tràn ngập như hồi chiến tranh VN, hình ảnh sẽ không khác những gì đang xảy ra ở Ukraine ngày nay, cũng như trong mọi cuộc chiến. Hồi đó, phim quay bỏ trong các hộp nhôm gởi về Mỹ để biên tập và phát hình rất nhiều tiếng đồng hồ sau đó. Chiến tranh mọi cấp độ đều là sự gom lại hàng triệu nỗi kinh hoàng, sự bi thương, các hành động anh hùng, và sự tuyệt vọng, của mỗi cá nhân được ghi bằng hình ảnh.
Bốn, dân chúng Nga vẫn còn trung thành với tổng thống và chính phủ của mình trong khi chứng cớ các cuộc tàn sát do quân đội Nga gây ra tràn lan là điều không còn chối cãi. Câu trả lời thật đơn giản. Quần chúng cậy dựa vào lãnh đạo và tập họp cùng nhau khi đất nước trong cơn khủng hoảng.
Hãy coi lại quốc hội và quần chúng Mỹ tin tưởng bao lâu “ánh sáng ở cuối đường hầm” kéo dài (trong chiến tranh) ở Việt Nam. Hoặc giả, bao lâu quần chúng Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ cuộc chiến hai thập kỷ ở Afghanistan một khi rõ ràng là không thể thắng nổi. Và có bao nhiêu người Mỹ thách thức xác quyết “mười mươi” (“slam dunk”) của chính phủ George W. Bush rằng I rắc có vũ khí hủy diệt hàng loạt năm 2003?
Năm, có độc giả thấy liên hệ chiến tranh của Putin với VN đáng ghét vì có so sánh với Hoa Kỳ. Nhưng rất rõ sự giống nhau: Nước nào khơi mào chiến tranh nước đó đều thua. Câu đó nên được khắc lên trần nhà tòa Bạch Ốc và văn phòng điện Kremlin để hai tổng thống có thể nhìn lên mỗi ngày.
Cuối cùng, khi VN từng làm uy quyền và danh tiếng Mỹ giảm sút thời gian dài thì Ukraine sẽ làm điều này khủng khiếp hơn đối với Putin và Nga. Điều này sẽ tạo ra bất ổn lớn và sự hỗn loạn vô cùng cho một siêu cường hạt nhân. Hoa Kỳ và phương Tây cần những bước đi cẩn thận trong cách ứng xử với Nga khi cuộc chiến chấm dứt. Ký ức sau đệ nhất thế chiến với nước Đức không thể bị bỏ qua.
Về ngắn hạn, NATO sẽ tiếp tục gắn bó. Chi phí quốc phòng tất thảy sẽ lên cao. Trước bối cảnh đó, Hoa Kỳ cần phải hết sức tránh sai lầm chết người trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 2003: không hỏi và trả lời “Sau đó sẽ là gì”. Cuộc chiến ở Ukraine có thể đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn khác biệt: không phải chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng mà là chiến tranh tàn tệ.
Hoa Kỳ không giữ lại những gì họ học từ chiến tranh Việt Nam. Nếu thế giới phải an toàn hơn và bảo đảm hơn, nước Nga cần bị buộc không lặp lại thất bại này. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để thực hiện được như thế.
(*) Harlan Ullman là tiến sĩ, cố vấn cấp cao ở Hội đồng Đại Tây Dương, Washington DC.
Nguyễn Long Chiến dịch từ nguồn https://thehill.com/.../598954-ukraine-is-putins-vietnam

Sunday, March 13, 2022

NỖI NIỀM TRONG BOM ĐẠN (tôi xin dịch ra tiếng Việt, tựa tôi đặt)

 Trên fb của dịch giả, thi sĩ Hoàng Hưng, có bài viết của

Julia Delaney, phụ nữ người Ukraina.




Cha tôi người Ukraina, mẹ tôi người Nga. Mẹ sống cả cuộc đời ở Ukraina. Mẹ coi mình là người Ukraina, mẹ không bao giờ bị chèn ép, mẹ nói cả tiếng Nga lẫn tiếng Ukraina, tôi cũng vậy, cả bạn bè tôi, con cháu tôi, chú bác tôi, và con của tôi. Ukraina là một nước dân chủ, một đất nước thân thiện, hiếu khách.
Mẹ tôi hiện sống tại Kyiv với tất cả người bà con (cả Nga lẫn Ukraina). Họ quyết không bỏ đi, bởi đây là đất nước, đây là quê hương. Cuộc đời họ gắn chặt nơi này. Họ hạnh phúc nơi này. Họ không bao giờ yêu cầu ai giải thoát họ, không yêu cầu ai đem bom đánh vào bịnh viện và giết hại trẻ em.
Tôi không bàn chuyện chính trị ở dây. Ngày ngày tôi ở bên cha mẹ và những người thân, nửa khuya tôi thức dậy, nghe ngóng, để biết chắc họ còn sống trong đêm (những buổi tối kinh hoàng, đạn bom đầy đất, tên lửa ngợp trời). Ban ngày cũng vậy, tôi đều để ý nghe ngóng để biết rằng họ vẫn còn sống. Không có chính trị gì ở đây đối với tôi.
Tôi nói tự cõi lòng và nói những gì gia đình tôi đang chịu đựng giờ khắc này. Đây không phải là nội chiến. Đây là cuộc xâm lăng vấy máu của một cường quốc hạt nhân khổng lồ, nước lớn xâm chiếm một nước nhỏ dân chủ. Tôi chỉ muốn rạch ròi, đây không phải là nội chiến, không phải là cuộc chiến giữa những người làm chính trị… đây là một thảm họa của loài người!
Không có chuyện anh đúng, chuyện tôi đúng một khi trẻ con bị giết bởi một số đồ tể máu lạnh người Nga. Chỉ có một cái đúng. Khi chứng kiến những tâm hồn trong trắng bị giết chết tàn nhẫn, bạn sẽ không thể yên lặng, bạn sẽ hành động. Có lúc yên vui nhưng có lúc phải đứng lên. Ở đây tôi không nói chính trị hay thuyết phục ai về bất cứ điều gì.
Mỗi sớm mai thức dậy, tôi nói chuyện với cha mẹ, tôi sợ có thể đó là lần nói chuyện cuối cùng. Tôi xin ngưng chỗ này bởi tôi ngán nói chuyện và tranh luận. Đối với tôi, đây không phải là điều tôi thích nhưng là một sự thật rõ ràng.
Ucraina là một đất nước nhỏ, yêu chuộng tự do, họ có quyền đứng lên bảo vệ đất nước khỏi bọn xâm lược tàn bạo; dân tộc Ukraina không còn con đường nào khác.
Tôi biết ơn thế giới ủng hộ Ucraina, và với những ai vẫn chưa đứng về phía chúng tôi, xin chớ nhắn nhủ tôi, bảo ban tôi phải nói cái gì và phải làm cái gì (chuyện ấy không hợp chút nào).
Xin chúc tất cả an lành.
(Bản tiếng Anh)
My father is Ukrainian and my mother is Russian. My mother lived in Ukraine her whole life. She considers herself Ukrainian, she was never oppressed, she speaks Russian and Ukrainian, so do I, so do my friends, my nephew, my uncles, my child. Ukraine is a democratic country, is a friendly and welcoming nation.
My mother is currently in Kyiv along with all my other relatives (Russian and Ukrainian). They choose not to leave because it’s their land, their home. Their whole lives are there. They’re happy there. They never asked for anyone to rescue them, to bomb their hospitals, to kill their children.
I’m not talking politics here. My days end with my parents and relatives checking in at midnight to let me know that they survived the night (nights are terrifying, active ground and air war campaigns are active all around them). My day starts with checking in with all my relatives to see if they are still alive. It is not politics for me.
I’m speaking from my experience and what my family is experiencing right now. It is not an internal war. It is a cold blooded invasion from a huge nuclear powered country to a small democratic country. I just want this to be clear, it Is not a civil war, it’s not a war between politicians… it’s a humanitarian disaster!
There is no ‘your truth’ and ‘my truth’ when little kids are killed and targeted by cold blooded Russian murderers. There is one truth. When you see innocent souls being brutally murdered, you don’t stay silent about it, you act. There is a time to dance, there is a time to act.
I’m not here to talk about politics or convince anybody about anything. Every morning when I talk to my parents, I know it can be the last time. I’m leaving it here because I’m sick of this conversation and debate, for me it is not an entertainment but a living truth.
Ukrainian people are a small freedom loving nation that have the right to defend their land from brutal invaders; they are left with no choice...
I'm grateful to the world for supporting Ukraine, and those who still do not, plz stop messaging me and telling me what to say or what to do (it is very inappropriate).
Peace to all

Tuesday, March 8, 2022

8 THÁNG 3: BÌNH ĐẲNG GIỚI, CHUYỆN CÒN DÀI



Trong bài Trả lời cho mấy vị độc giả hỏi về bài Thân oan cho Võ hậu, năm 1930, học giả Phan Khôi, có thể là người đầu tiên trong giới học thuật mạnh mẽ bảo vệ nữ quyền, bênh vực nhân vật bị lịch sử Trung Hoa phỉ báng Võ Tắc Thiên. Ông viết: “…Tôi thấy đàn ông có làm vua, tôi mới hỏi: sao đàn bà lại không được làm vua? Tôi thấy “vua đực” có nhiều cung phi mỹ nữ, tôi mới hỏi: sao “vua cái” lại không được có nhiều cung phi mỹ nam?”.
Học tập theo tiền bối người Quảng Nam, tôi xin mạn đàm về Quyền phụ nữ ở đâu trong vấn đề hưởng thụ?
Ngày nay, Việt Nam đi một bước rất xa trong việc bảo vệ nữ quyền. Ngoài các quyền công dân như bầu cử và ứng cử (dù chỉ là "đảng cử dân bầu"), làm việc trong các cơ quan chính quyền, phụ nữ còn được hưởng những quyền - tôi thấy rất tiến bộ và rất nhân văn - trong đó có quyền sinh con mà không phải có chồng, miễn là không lấy…chồng người khác (có trời mới biết).
Phụ nữ Việt Nam sẽ hạnh phúc hơn nếu biết ở một số nước, khi đi khỏi nhà, họ phải có người giám hộ đi kèm như cha hoặc chồng (nước giàu đấy nhé). Phụ nữ Việt Nam cũng sẽ cảm thấy tự do nếu biết, ở đó, đàn bà không được đi xe đạp; cúi người đạp xe, cặp mông khêu gợi sẽ phổng phao thêm: “nguy hiểm” cho người nhìn là đàn ông. Tất nhiên, chị em chúng ta ra đường ăn bận mát trời, có thể hở chỗ nào cũng được, miễn không hở hai chỗ trọng đại trên cơ thể, khiến tai nạn giao thông có thể gây ra cho mấy ông chạy xe mà mắt sắc như dao cạo.
Nhưng có mấy ai – tôi nói phụ nữ - la cà quán nhậu, karaoke, tiệm cà phê, có khi từ trưa chí tối, trong lúc các đức ông chồng ngồi bên mâm cơm mỏi mắt trông vợ về, cùng ăn với chồng con? Có không? Xin thưa: NO.
“Cảnh” như thế là “thường tình” đối với đàn ông và cũng “đương nhiên” đối với phụ nữ. Như vậy, phụ nữ có bình đẳng với nam giới về hưởng thụ vật chất hay không? Tôi không khuyến khích “ông sao tôi vậy” hay “ông ăn chả bà ăn nem” . Tôi muốn nói cánh mày râu: có khi nào quí vị biết ơn cái “bất bình đẳng” ấy không? Quí vị (một số) xem đó là chuyện tự nhiên, và trớ trêu thay, phụ nữ (một số) cũng nghĩ đó cũng là tự nhiên: vợ thì ai chả thế.
Tôi thấy ông trời cũng bất công khi nắn ra con người. Đàn ông thường có nhiều thú vui hơn phụ nữ. Không rõ nhờ đóng góp nhiều cho nhân loại mà đàn ông có nhiều biệt đãi? Họ uống rượu, hút thuốc, đánh bạc, chơi cờ, và cả chuyện “gái gú” trong khi phụ nữ xem những thứ ấy chỉ dành cho…đàn ông. Việc của họ là: đẻ con, chăm con, chăm luôn cả ông chồng nhiều biệt đãi kia.
Không khác ý kiến cụ Phan về ông vua và bà vua, phụ nữ sẽ bị xã hội phê phán nếu: hút thuốc, uống rượu, đánh bạc, chơi cờ, và “trai gú” (đối lại gái gú), nghĩa là muốn “bình đẳng” như đàn ông trong vấn đề thụ hưởng thú vui cuộc sống.
Phụ nữ phương Tây đi đầu trong vấn đề giải phóng chính họ. Bị quấy rối tình dục, người vợ có thế thưa chồng ra cảnh sát. Người vợ Việt Nam có thường thưa ra pháp luật người chồng ngược đãi họ?
Tôi từng đọc tin, cách đây mấy năm, người vợ bị chồng đánh bảy lần, lần nào cũng nằm bịnh viện vì thương tật, lúc gãy tay, lúc gãy giò, lúc vỡ đầu, lúc rách trán…Hội phụ nữ đề nghị người vợ bất hạnh li dị, bà trả lời, tỉnh bơ: “Không, tôi không thể bỏ ông ấy. Chỉ khi say rượu, ông mới đánh đập tôi. Bình thường, ông ấy là người rất hiền lành”. Có thể người chồng hiền lành nhưng cũng có thể có một lý do khác, thầm kín hơn, tôi không tiện suy đoán ra đây, người vợ bị đánh đập tàn nhẫn vẫn gắn bó ông chồng độc ác.
Tôi có đọc đâu đó, có một số thống kê lý do các cặp li dị. Nào là nghèo khổ, cha mẹ đôi bên thúc ép, bị chồng đánh đập, không sinh đẻ được, xung đột tính tình, và ngoại tình…Trước khi ly dị thường có thời gian ly thân. Hầu như bảy mươi phần trăm các cặp hôn nhân đó không tiến tới ly dị, nếu người phụ nữ cảm thấy hòa hợp chăn gối với chồng.
Tôi không rõ sự chính xác của thống kê nhưng tôi rất rõ: phụ nữ mong thỏa mãn tính dục, một việc rất dễ dàng đối với đàn ông.
Trong nhiều cuộc luận đàm nơi bàn nhậu (rượu vào lời ra mà), tôi nghe quí ông đều khoe khoang họ rất mạnh mẽ về khoảng chăn gối. Tôi không rõ có thực vậy không nhưng tôi nhiều lần được các bạn nam khoe ảnh người tình, gọi là đơ-di-em buy-rô (phòng nhì – bồ nhí). Tất nhiên bạn tôi đều có vợ con đề huề, con cái thành đạt, công danh không phải thua kém ai. (Số bạn này là ít, không phải tất cả).
Nếu những người phụ nữ đi nhậu và khoe ảnh của bồ nhí với bạn nhậu, quí vị sẽ đánh giá thế nào? Ấy là tôi hỏi quí ông. Tôi không đi sâu phê phán hiện tượng này. Tôi muốn nói, sự thỏa mãn tình dục – một nhu cầu cần thiết cho tâm lý, quan trọng như ăn như uống - nam giới hay nữ giới không thể như nhau?
Đàn ông không vừa ý chăn gối (rất ít khi) có quyền bày tỏ còn nữ giới “cùng hoàn cảnh” không được biểu lộ, hay đúng hơn, không dám biểu lộ. Xã hội Việt Nam – ngay cả một số nước phương Tây – cũng còn cái nhìn khắt khe về vấn đề này.
Khát nước, kẻ được uống thỏa thê, kẻ mới ngụm chưa tới một hớp thì nước…hết, và phụ nữ lấy việc “bất bình đẳng” ấy làm sức “chịu đựng” của mình. Nhiều lần cơm không lành, canh không ngọt, có ai biết, một trong những lý do thầm kín lại là sự “bất bình đẳng” ấy kéo dài, lần này sang lần khác, ngày này sang ngày khác, thậm chí tháng này sang tháng khác.
Tôi đi xa hơn tiền bối Phan Khôi trong vấn đề “nữ quyền”?
Vấn đề tôi muốn kết luận theo ý tưởng của tiền nhân: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, điều ta không muốn thì cũng đừng làm cho người. Trong phạm vi “tế nhị” này, tôi diễn nôm: quí ông không muốn “bí bách” gối chăn thì quí ông cũng không làm điều đó với người phối ngẫu, người phụ nữ.
Vợ chồng hay trai gái hạnh phúc nhờ hòa hợp tinh thần và thể xác, không nhất thiết đàn ông phải uống rượu Minh Mạng thang hay cậy đến Viagra thần dược. Chỉ cần hiểu phụ nữ là đủ rồi. Con người ai cũng bị chi phối bởi qui luật. Nắm qui luật thì mọi sự trôi tròn. Củi to hay củi bé, thậm chí là rơm, cỏ, nếu biết cách nấu cơm thì cơm nào cũng sôi, cũng chín. Không biết nấu, cứ ỷ vào củi bự, củi to, đun hết cây này tới cây khác, cơm có thể cháy hoặc khê. Cơm nấu không chín thì đáng trách thay.
Bình đẳng trong hưởng thụ không có nghĩa “ông sao tui vậy” hay “ông ăn chả thì bà ăn nem”. Bình đẳng là hiểu nhau, hiểu nhau để bình đẳng. Tuy nhiên, chưa thể bình đẳng giới nếu chưa bình đẳng trong thụ hưởng.
Vậy nên, ca dao mới cứ mãi là:
"Hôm nay mồng tám tháng ba,
Tôi giặt giùm bà cái áo của tôi"

Sunday, March 6, 2022

CHỊ



Tuy là chị nhưng tuổi chị cách tuổi em gần 3 con giáp. Và tuy là con cô, con cậu, chị không khác chi trong một gia đình, cùng cha cùng mẹ. Những việc gì của cô tôi cũng là những việc của cha tôi.
Năm 1966, anh trai duy nhất của chị bị thương trong một trận đánh, mất một phần xương hàm. Xin giải ngũ, với số tiền trợ cấp thương phế binh, anh sắm một chiếc xe chở khách. Trong chiến tranh, xe khách cũng không khác xe nhà binh: mìn cách mạng đặt trên đường không phân biệt ai dân thường, ai quân đội. Xe khách bị giật nổ. Anh chết cùng một lần với hơn chục hành khách trên xe, con đường từ Pleiku đi Phú Bổn.
Mẹ anh, tức cô ruột tôi, cũng bị bắn chết trong trận phục kích khi quá giang đoàn công voa quân đội; bà muốn đến thăm những người cùng làng quê Quảng Nam vào Tây Nguyên theo gia đình binh sĩ nhưng chưa đến nơi thì về cõi vĩnh hằng. Bà được chôn trong nghĩa trang quân đội. Sau 1975, chị dâu tôi dắt díu đàn con nhỏ 6 đứa trở về nguyên quán. Nghĩa trang quy hoạch đi nơi khác. Mộ cô tôi không biết đi về đâu. Chồng cô mất lúc anh chị tôi chưa tới 10 tuổi, nay mỗi lần về quê, viếng mộ gia tộc, tôi chỉ ngậm ngùi thương cảm, bằng nén nhang thắp mộ cha, tưởng nhớ đến cô.
Chị tôi là người mất sau chót trong gia đình 2 người con của cô. Cái chết thật thương tâm. Năm 1966, chị có 3 cháu. Chồng đi lính, chị sống trong trại tỵ nạn cộng sản sát quận lỵ. Nhà dột mái, chị lên đồi gần đồn lính cắt tranh về lợp. Chẳng may, chị vướng phải mìn, bị thương nặng mà không chết, sau mấy tháng đi nhà thương nhưng đôi mắt bị mù.
Thời ly loạn chiến tranh, có đôi mắt chưa hẳn tránh hiểm nguy, huống chi mù như chị. Và, tại ương ập đến. Năm Mậu thân, quận lỵ bị tấn công. Những dãy nhà tỵ nạn lại nằm trong tầm pháo kích của cách mạng. Trong căn hầm chất bằng bao cát mỗi nhà một cái là cái chết của 4 mẹ con. Đạn pháo gây cháy nhà, nhà vách lá, lợp tranh, cháy như núi lửa. Vì mù, chị tôi không phát hiện nhà cháy, kịp dắt con chạy thoát và lúc lửa phủ lên ác liệt, chị và ba con nhỏ, đứa 2, đứa 4, đứa 6 tuổi, tất cả chết ngạt vì khói; chị vừa bước qua tuổi 30.
Mỗi lần về quê viếng mộ, tôi đều thắp nhang cho chị và ba cháu. Lòng lúc nào cũng bùi ngùi thương tưởng. Cả gia đình chị, và hằng triệu gia đình khác, đều có người chết trong chiến tranh.
Đất nước tôi không làm ra vũ khí nhưng vũ khí ngoại bang giết chết đồng bào tôi, trong đó cả gia đình chị, và gia đình tôi (2 người) . Vết thương luôn nhói đau, mỗi lần nhìn chị và các cháu gởi xác ở mảnh đất bên cánh đồng, hiu quạnh.
Chiến tranh luôn tàn độc, không thể có chiến tranh chính đáng.
(Ảnh: Mộ chị tôi, và ba đứa con chị)