Trẻ em ngày nay nhìn những quả xoài chín không như chúng tôi gần 60 năm trước; ao ước của một đứa trẻ thơ: cầm một quả xoài tròn trĩnh, nhìn màu vàng ươm, ngửi mùi thơm dịu, với cả sự trân quý và lòng háo hức, rồi “cạp” một miếng rõ to, cho "đã", cho thỏa ước mơ, không phải ăn từ tốn theo cách thông thường.

Chiến tranh làm mất đi những cây xoài cổ thụ họa hoằn lắm mới có trong những ngôi làng cũ thời xa xưa ở vùng quê rừng núi Quảng Nam, nơi tôi trải qua một thời thơ ấu. Ông bà chúng tôi không hẳn không yêu cây ăn quả nhưng những vùng quê thường ngập lũ vào mùa mưa, trồng cây rất khó, nhất là cây ăn trái. Chỉ những cây "hữu dụng" tre, cau, chuối, mít (ăn quả non luộc trộn rau răm với đậu phộng rang, ăn quả chín, và dùng lấy gỗ về sau)…được để ý trồng; xoài, ổi, mận…những thứ “ăn chơi” ít được quan tâm.
Xoài rất hiếm là thế. Hiếm không có nghĩa là không có. Những cây xoài nổi tiếng tôi còn nhớ mang những tên cúng cơm như “Xoài quỳ” (một khoảng đất rộng sát bờ sông, có vài ba cây xoài, trong đó có một cây xoài cổ thụ dáng nghiêng như sắp đổ ở thế “quỳ” sống cả trăm năm). Xoài “ông Hiến” là cây xoài khá to, tán lá rộng bát ngát, thân cây hai người ôm, cao như một chàng khổng lồ trong chuyện cổ tích, nằm trên đất người chủ cùng tên. “Xoài Miếu” là tên gọi đôi ba cây xoài trồng trên sân Miếu Ông, một tòa miếu khá đồ sộ theo lời kể, nằm giữa một cánh đồng bao la lúa và lúa, nay chỉ còn là bãi đất rộng trồng cây tràm. Lúc còn bé trước 1960, tôi thấy nền miếu xây gạch vữa vẫn còn, một hai trụ vôi cao trên sân miếu, có những chữ Hán loằng ngoằng, và một tấm bình phong bề mặt còn dấu vết một con hổ đắp bằng chén bể loang lỗ. Miếu đã bị đốt cháy cả tuần lễ thời Việt Minh tiêu thổ kháng chiến.
Ấn tượng của tôi không nhiều về những cây xoài bề thế, đa phần của công cộng như thế. Bởi chúng là của chung, mỗi trận mưa có gió to, lũ trẻ con hay chạy đến, tụ tập dưới gốc, tranh nhau những quả chín rụng xuống, lắm khi chờ cả buổi phải ra về tay trắng, mấy cây xoài to lớn, không thấy một quả rơi, dù gió khá mạnh, những quả xoài đong đưa trên cao như trêu tức, "nhém thèm" lũ trẻ, đang dán mắt và dán niềm hy vọng vào chúng.
Chỉ cây xoài nằm trên đường dẫn về nhà tôi trở thành kỷ niệm in đậm nét nhất trong tâm trí một cậu bé nhà quê.
Mỗi chiều gần tối, ăn cơm xong, tôi "biến” rất nhanh khỏi nhà, “lánh nạn” lau bàn, hay phụ chị tôi mang chén bát ra rửa; nhà có nhiều người ăn, có cả bác trai cày, anh giữ trâu, và vài người giũ rơm, lúc nào cũng dùng cơm với gia đình trong mùa gặt, thường là đầu hạ mùa xoài ra quả.
Cây xoài này là nỗi ám ảnh trong suốt thời gian của tuổi thơ tôi. Ra khỏi nhà lúc mặt trời hãy còn chưa tắt hẳn, và khi về nhà đi ngủ, không rõ mấy giờ mỗi đêm, tôi sợ hãi cái bóng sừng sững của cây xoài cao, tán lá sum suê, che phủ một đoạn đường, nhìn tối om như một thế giới ma quái. Gió thổi rít qua khe lá của những cành cây trên cao, như tiếng hú kéo dài của một bầy “ma con nít”.
'Ma con nít', cha tôi kể, thường đu ở những cành cây cao ban đêm, hoặc chạy nhảy trên ấy, chuyên nhát những đứa trẻ nào đi qua đó quá khuya. Cây xoài ấy thỉnh thoảng có một con ma tinh nghịch, thè lưỡi dài đỏ chót, liếm vào đầu hay thò cánh tay dài hơn đòn gánh, chộp tóc đứa nào đi một mình qua đó, khi mọi người đã đi ngủ.
Lớn thêm một hai tuổi, tôi mới hiểu, những lời kể của cha là để "hù dọa, răn đe": tôi hầu như đi chơi về rất khuya lúc bé. Những trò chơi đêm nào cũng có, từ trò chơi này đến trò chơi khác, hết với đứa này, thì với đứa kia, hết với trẻ xóm trên thì với trẻ xóm dưới. Đi… vui, về… sợ, hằng đêm như thế, mỗi tháng, mỗi năm, trừ những ngày mưa bão, hay lũ lụt. Sợ ma nhưng vẫn đi chơi buổi đêm, tính tôi lạ lùng quá.
Ma luôn luôn là nỗi sợ hãi đối với trẻ con khi vùng quê chưa có đèn điện; những bóng đèn quả trứng sáng le lói hiện diện trong mỗi gia đình thôn quê, trong một không gian tĩnh mịch thỉnh thoảng có những tiếng cú kêu văng vẳng, rợn người.
Trên những cây xoài, ma còn nhiều hơn ở những cây ăn trái khác. Trẻ con hay leo hái trộm ban đêm, có thể ngã té gây họa lây, xoài hay bị hái trộm, những người chủ thường thêu dệt câu chuyện “có ma” nhằm mục đích răn đe.
Có ma nhưng chắc chắn học trò không ngại, vì học trò chỉ sau ma một hạng: Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Đây là ví dụ.
Làng tôi có một chủ vườn trồng tương đối nhiều các giống xoài ngon đặc biệt nhờ mang hạt ở miền Nam về. Ông là mục sư thường đi giảng đạo, luôn luôn vắng nhà, chỉ còn người vợ tên là bà Lẫm (thực ra là một cái tên khác). Xoài bà Lẫm, một “thương hiệu” nổi tiếng trong giới trẻ con chúng tôi.
Vườn nhà bà rất rộng, xoài lại trồng sai “quy hoạch”, một vài cây đầu sân vườn, một vài cây cuối vườn, cách nhau hơn 200 mét. Nhà neo người (mỗi một bà, con bà đi học xa ở Sài Gòn) là một ưu tiên cho những “phi vụ” trộm xoài của chúng tôi, mỗi đêm trăng tỏ, nhất là vào mùa hè nghỉ học, có đêm trăng đẹp còn sáng hơn gương.
Kế hoạch tác chiến thảo ra chi tiết. Một vài đứa cầm đất cục ném vào trước sân, gây tiếng động để “dụ” gia chủ mở cửa ra quan sát. Bà đóng cửa khi vào nhà, đạn đất tiếp tục “nã” dồn dập hơn. Khi chủ nhà cầm cây đèn dầu trở ra lần nữa, không thấy ai, bèn trở vào ngủ tiếp, yên tâm, chẳng có gì lo ngại, "mặt trận miền Tây, ý lộn, trên sân vẫn yên tĩnh".
Mặt trận nghi binh đang thực thi thì mặt trận “tập hậu” thực hiện thành công: đã chiếm mục tiêu, những cây xoài sau nhà, các chiến hữu đã hoàn thành nhiệm vụ. Xoài được “tập kết” (khoảng gần mười trái) vào một vị trí “hiểm yếu” không ai có thể phát hiện, trong một mảnh vườn hoang gần đó, sau khi mỗi "chiến sĩ" gặm vội một trái, mừng công.
Sáng hôm sau, khi kéo nhau ra sông, quà ăn chơi của chúng tôi sẽ là một hai quả xoài chiến tích, mỗi đứa cầm gặm, với ít muối đem theo. Xoài thường chua nhưng chua sao nổi với những thằng thèm chua chúng tôi. Tắm xong mạnh ai về nhà nấy. Vài ngày hôm sau, “bổn cũ soạn lại” trong suốt mùa xoài ra trái nhưng "khổ chủ" sẽ là những chủ xoài khác, kiểu "luân chuyển cán bộ".
Nguyên tắc tác chiến của đội quân trong mặt trận trộm xoài là tuyệt đối bí mật: không kể lại, không cho ai biết, không chia sẻ chiến lợi phẩm cho người không nằm trong “tổ chức”. Kỹ lưỡng như thế nhưng...Thiên bất dung gian.
Thủ lãnh của đội quân thiện nghệ, tôi là người nhận quả báo trước tiên, của cái ông Trời có tên Thiên "nhiều chuyện" đó. Địa bàn như cũ nhưng thời gian "đánh quả” thực hiện buổi sáng, không phải buổi tối như mọi lần. Thay đổi thời gian "nguy hiểm" như thế cũng có lý do. Đi ngang qua những cây xoài, chúng tôi nhìn một đôi quả chuyển qua màu vàng hấp dẫn, những quả xoài có cuống dài, đong đưa trong gió, đã thôi thúc chúc tôi gấp rút "ra tay", vì sợ có nhóm khác “phỗng tay trên” , ân hận sẽ tràn trề. Thời cơ chín muồi: chủ nhà đi vắng, theo nguồn tin tình báo đáng tin cậy của một nhóc bạn có nhà gần đó.
Thể hiện mình là thủ lĩnh, tức lãnh đạo như bây giờ, tôi xung phong leo trước cây xoài có những quả đong đưa như đã tả. Đang say sưa với mấy quả xoài ấn tượng, tai tôi vang lên mấy tiếng thét như có người bị điện giật dưới gốc xoài “Bà Lẫm”, “Bà Lẫm”…Mỗi lúc tiếng thét càng to, rồi đột ngột im bặt. Tiếng chân chạy thình thịch bên dưới không to bằng những tiếng đập thình thịch trong lồng ngực của tôi. Tôi rụng rời tay chân, những quả xoài rụng theo, lả tả như mưa thu, rơi khỏi người, nằm sóng soài vô tư trên mặt đất. Nhảy xuống thì sợ gãy chân, tụt xuống thì chủ nhà đang ở dưới gốc, trên tay lăm lăm một con dao phát cỏ, lưỡi loang loáng như gươm. Bà chỉ hù dọa thôi. “Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay” chứ đừng nói là tôi. Tôi không còn giữ phong độ thủ lĩnh hay lãnh đạo nữa. Bộ dạng tôi lúc đó có lẽ còn thiểu não hơn những bị cáo cán bộ trước tòa rất nhiều. Tôi vừa tụt xuống đất thì bàn tay rắn chắc của bà chủ nhà như còng sắt, lạnh tanh, kẹp cứng lấy bàn tay non nớt của một cậu bé mới qua 10 tuổi, mà cũng đòi làm lãnh đạo, chỉ đạo đi ăn trộm.
Tôi "vinh dự" được bà cột chặt bằng cọng chuối khô mềm của tàu lá chuối. “Lạt mềm buộc chặt” thật là ác nghiệt. Cọng tàu lá chuối thật mềm kia đã thít chặt tay tôi vào gốc cây xoài, quá khốc liệt.
Tội lỗi chúng tôi được chủ nhà kể ra dài như sớ, đương nhiên chỉ mỗi một mình tôi nghe tuyên đọc. Mấy thằng kia có lẽ đã cao chạy xa bay. Thật áo não vì tổ trác; có lẽ chúng tôi khởi hành nhầm giờ xấu, đúng là họa vô đơn chí. “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”, huống hồ là hùm con vừa bị trói.
Nhưng ông trời còn thương, hùm hết thiêng nhưng không hết hên.
Sau này khi "họp rút kinh nghiệm", tôi lu loa hãnh diện đã chọn những người phò tá mưu trí, bây giờ gọi là những tham mưu thông minh. Bà chủ lườm lườm nhìn tôi đang giả bộ "quằn quại" với gốc xoài ở cuối vườn thì đầu vườn xa tít có tiếng la oai oái: “Ăn trộm xoài. Ăn trộm xoài, bà ơi”. Tiếng la thất thanh như có nhà cháy làm bà chủ bỏ dao xuống, vội vã chạy ra trước vườn quan sát. Bà chạy chừng 10 bước dài thì một thằng trong đội quân tinh nhuệ của tôi xuất hiện, trên tay là con dao xếp (loại dao cắt cau trái để ăn trầu) xông ngay đến gốc xoài.
Nhoáng một cái, tôi và đôi tay tê dại, đã đến bến bờ tự do. Lòng chất ngất hân hoan, tôi co giò cút khỏi chiến trường, trên con "đường thênh thang tám thước", chứ không còn là con đường làng nhỏ hẹp.
Hai chúng tôi chạy thục mạng ra phía nà (đất trồng màu sát sông) "lặn sâu" vào một vườn chuối kín mít còn hơn núi rừng Trường Sơn."Rừng vây 'quân địch', rừng che quân mình”. Thằng la to “trộm xoài”, và thằng cầm dao giải thoát tôi, đã thông thái nghĩ ra kế hoạch giải cứu thủ lĩnh, thật ngoạn mục.
Hồi đó, không có bằng khen hay giấy khen, thành ra không ghi lại chiến tích trận đánh “chưa từng thấy” như thế của lũ học trò con nít chúng tôi, những năm tháng yên bình của một vùng quê yên tĩnh; sống ở phố, có những buổi vừa chìm vào giấc ngủ khuya, thỉnh thoảng tôi hay mơ: mình hãy là con nít, hãy còn ở một vùng quê.
Những đứa cháu nội ngoại của tôi hiện giờ, cầm những lát xoài chín, cha mẹ chúng gọt vỏ sẵn, đưa vào miệng thật vô tư, trong sáng, yên bình, không như chúng tôi, tầm tuổi chúng, đã thấm thía, gian nan, sóng gió với những quả xoài, bây giờ nhớ lại, những quả xoài chứa chan nhiều kỷ niệm, thấm đẫm bao niềm háo hức của tuổi thơ dại khờ.
Ăn trộm dù một quả xoài cũng là ăn trộm.
1ZVTLFkvWpnlyu-uzZk34ljmuDG5q-ysqkEadk9wjrzo