Thursday, September 21, 2023

Làng KIM BỒNG và cố đô HUẾ

Đặt hai địa danh gần nhau, một ngôi làng quê và một chốn kinh thành, tôi sắp kể câu chuyện duyên nợ của cả hai: mộc Kim Bồng (1) và mỹ thuật gỗ Huế.

Nhiều người nghĩ rằng, Huế đi trước Kim Bồng về mọi cái chứ không chỉ là nghề mộc. Mỹ thuật cố đô khác một trời một vực với nghề thợ mộc làng quê. Nhưng sự đời tréo ngoe không như người ta nghĩ. Nghề mộc làng Kim Bồng có trước mỹ thuật gỗ của kinh thành Huế.

Kim Bồng là một làng của tỉnh Quảng Nam. Nghề mộc không xuất phát từ Huế. Cũng như mọi nghề thủ công khác, nghề mộc Quảng Nam xuất phát từ một tỉnh nào đó của miền Bắc, có thể là Thanh Hoá hay Nghệ An gì đó, hai địa phương có nhiều người theo chân Nguyễn Hoàng vô Nam sinh cơ lập nghiệp. Trong mọi gia phả (tôi không nói hầu hết) dòng họ ở Quảng Nam, những người đầu tiên có mặt trong vùng Thuận Quảng đều phát xuất từ “đàng Ngoài”. Nghề mộc, do đó, cũng theo chân người Việt vô Nam.

Trước khi Gia Long thống nhất sơn hà, nhà Nguyễn đã bắt đầu xây dựng các kiến trúc của họ ở nơi sau này gọi là Phú Xuân rồi kinh đô Huế. Trịnh Nguyễn phân tranh, các thợ chạm trổ, điêu khắc gỗ cho cung điện ở Huế không thể tuyển từ địa phương của “địch” vì lý do chiến tranh. Ngôi làng mộc Kim Bồng nằm trên một “hòn đảo” bao quanh bởi cuối con sông Thu Bồn là nguồn cung cấp những nghệ nhân nghề mộc đầu tiên cho Huế. Lý do: “Thủ đô” không thể hội tụ những những anh chàng “thợ mộc”; nó là nơi dành cho giới áo mão cân đai. Giới “chân lấm tay bùn” khó mà chen vai thích cánh chốn “triều ca”.

Nhưng vì sao mỹ thuật gỗ Huế nổi tiếng hơn nghề mộc Kim Bồng? Dễ hiểu thôi. Nông dân làm sao mà so đọ với quan viên. Ông tổ nghề mộc Huế của làng Mỹ Xuyên là một vị quan lại. Ông trực tiếp chỉ huy việc xây dựng phần mộc của cung điện Huế. Thấy tài hoa tay nghề những người thợ Kim Bồng, ông mon men tìm hiểu và học hỏi.

Nhờ có óc quan sát nhạy bén và hai bàn tay tinh tế, khi cáo quan về dân, ông tổ chức cho dân làng cái nghề mà sau này đóng góp rất nhiều cho cung điện hoàng gia. Tất nhiên, những nghệ nhân trai trẻ Kim Bồng, “ thấy cô gái Huế, chân theo không rời”, là những người giúp vị quan này phát triển nghề mộc, để làng Mỹ Xuyên nổi tiếng ngày nay.

Vì sao tôi cả quyết nghề mộc Huế “di cư “ từ Quảng Nam? Không phải là “nghe kể”. Tác phẩm tiêu biểu cho xây dựng gỗ (không bằng bê tông, cốt thép như ngày nay) là nhà rường cổ Quảng Nam. Hiện nay, huyện Tiên Phước còn sót năm bảy cái có tuổi thọ hàng mấy trăm năm tuổi. (Ngô Đình Khôi, anh ruột tổng thống Ngô Đình Diệm, lúc tại chức từng hỏi mua một ngôi nhà tại đây nhưng không mua được).

Một cái tủ thờ bằng gỗ quý có tuổi thọ hơn 200 năm (ảnh), hiện còn để nơi chính điện của nhà thờ tộc Huỳnh, làng Cẩm Kim, Hội An, tức xưa kia là làng Kim Bồng. Lúc có mặt tại đây năm 1652, họ Huỳnh bắt đầu lập một cái nhà thờ tộc thô sơ. Và mấy chục năm sau, một ngôi nhà thờ tộc “kiên cố” được dựng lên, chiếc tủ thờ xuất hiện thời đó.

ĐỘI BÓNG CẢNH SÁT QUỐC GIA

Chớ có giật mình, “quốc gia” đâu còn, đội bóng cảnh sát làm chi có. Cảnh sát ngày nay làm những công việc to tát hơn nhiều. Nhưng trước 30 tháng 4 năm 1975, từng có một đội bóng như thế thuộc ty cảnh sát quốc gia (Quảng Nam). Nhìn các cầu thủ “cảnh sát” (bên dưới), quý vị sẽ thấy, “chúng nó” có "đứa" mặt mày non choẹt, “búng ra sữa’; có "đứa" ngây ngô như mấy chú học trò trường tỉnh chưa biết yêu là gì. Cái anh chàng đứng giữa, cao nhất đội bóng là người có thể như thế. Tên anh là Nguyễn Mạnh Kim.

Tuổi còn nhỏ so với đàn anh, Kim không phải là cảnh sát. Lý do anh nằm trong đội tuyển bóng đá hàng đầu tỉnh Quảng Nam vì là học sinh cầu thủ xuất sắc nhất thuở đó. Cảnh sát bấy giờ không được phép uống bia rượu từa lưa nên ai cũng gầy gầy như thiếu đói. Tìm ra chú nào bụng to như Đổng Trác chắc chắn không bao giờ có. Bụng to làm sao đá banh.

Tôi không rõ người chỉ huy đội bóng trong bức ảnh; nhưng có nghe ông Tân “đầu láng” (công chức thời đó hay chải tóc bằng dầu ‘brillantine con én’) làm đội trưởng đội bóng. Là trưởng toán phụ trách làm căn cước của ty cảnh sát, ông ta rất mê đá banh. Nghe kể, lúc đôi tuyển VNCH sắp đấu giao hữu với đội bóng Cộng hòa Liên bang Đức, ông bỏ tiền mua vé máy bay, dắt theo người trọ học trong nhà, anh Trịnh Quốc Thắng (dạy trường cao đẳng kinh tế kế hoạch Đà Nẵng sau 1975) vào tận sân vận động Cộng Hoà (Thống Nhất) để trực tiếp xem trận đấu. Kết thúc, đội VN cầm hòa đội Đức; hồi ấy đội bóng Nam VN rất có tiếng tăm ở châu Á, từng đá thắng đội bóng xứ mặt trời Nhật Bản. Thái Lan hay Miến Điện chẳng xi- nhê gì.

Đợi mọi người rời sân bóng, ông Tân ‘đầu láng’ bèn cui xuống đất, tay vuốt mặt sân đầy cỏ xanh, và cúi sát hơn, ông hôn lấy mặt đất Sài Gòn với niềm vui ánh lên đôi mắt ngay cả khi đứng dậy, dắt tay ‘đệ tử’ ra về tìm khách sạn để nghỉ qua đêm, sáng hôm sau mua vé máy bay về lại Đà Nẵng.

Người Hội An bao đời - kể cả thời chiến tranh- đam mê văn nghệ và đá bóng. Một thành phố nhỏ (rất nhỏ so với bây giờ) có một sân vận động, một rạp hát, và một rạp xi-nê. Thỉnh thoảng thành phố bị "bên kia" pháo kích bất chợt, có khi ban đêm, có khi ban ngày. Mục tiêu của đạn pháo là các khu hành chính và quân sự. Nhưng Hội An bé như bàn tay, đạn lạc ra ngoài là không hiếm. Không thiếu nhiều thường dân trúng đạn chết và nhà bị cháy rụi. Vậy mà, mỗi lần có trận đá banh, dân chúng – nhất là đám học sinh các trường trung học, tiểu học ở thành phố chúng tôi không hề bỏ sót.

Những trận đá banh nào thu hút nhất? Đó là các trận có tham gia của đội bóng sư đoàn Thanh Long Đại Hàn và đội Cảnh sát Quốc gia (Quảng Nam). Người Nam Triều Tiên cao lớn không thua người Mỹ. Họ không đẹp như các nam diễn viên Hàn Quốc bây giờ. Gương mặt của họ bèn bẹt, trán thấp, mắt một mí, đa phần ‘ti hí mắt lươn’, tóc húi cua (gần như sát ót), nhưng mũi khá cao so với người Việt Nam.

Không khác gì khán giả ngày nay “ghét” đội Thái Lan (thời chưa có ngài Park), khán giả Hội An thời đó cũng “ghét” đội Đại Hàn thậm tệ. Các cầu thủ họ đều có võ nghệ. Té ngã trên sân cỏ chẳng làm chậm đà tiến trong việc tranh bóng dưới thấp, trên cao. Họ thắng ta toàn tập. Rất ít khi họ thua. Đội bóng CSQG từng nằm hạng nhất nhì cấp vùng, cấp quốc gia, nhưng khó khi nào thắng họ nếu không có cầu thủ xuất sắc cao lớn Nguyễn Mạnh Kim tham gia đội bóng. Là con vị đại bài gạo giàu có Hội An, ông Nguyễn Tữu, anh từng học tại Đà Nẵng trong trường Pascal dành cho giới giàu sang và Pháp kiều sinh sống ở VN. Rất xuất sắc các môn: bóng bàn, nhảy cao, nhảy xa, đua xe đạp, quần vợt, nhưng đá banh là xuất sắc nhất.

Vì sao ghét đội bóng ‘Đại Hàn’? Vì nhiều thứ lắm. Họ là dân tộc không bao giờ chịu thua kém ai. Đá banh cũng thế. Nếu dẫn trước bàn thắng, họ chơi rất thăng hoa và đẹp mắt. Nhưng bị dẫn trước, ôi là là, họ bắt đầu trổ ngón nghề, taekwondo là số một. Bên ta ư. Lăn như dưa. Ngã như rạ. Té như sung rụng. Cầu thủ đội CSQG như những chú gà đá. Lông lá tả tơi. Trầy trụa khắp người. Cầu thủ họ vừa cao vừa khỏe. Tài dắt banh, lừa banh, bấm banh, thả banh cho đồng đội, bằng kỹ thuật nhuần nhuyễn của đôi bóng VN cũng phải chào thua khi đội bóng Đại Hàn giở trò ‘chơi xấu’, foul play. Có lúc trọng tài (người Việt Nam- đương nhiên) thổi phạt, cầu thủ họ ôm cứng trái banh, không chịu đặt xuống, và nổi gân cổ xí lô xí là, có lẽ cho là thiên vị. Thấy kỳ cục, vị sĩ quan cao cấp, đại diện sư đoàn Thanh Long, ngồi trên khán đài bước xuống can thiệp. Trận đấu mới tiếp tục. Từ đó, ở Hội An, dân chúng có thêm một tục ngữ “Đại Hàn chơi xấu”.

Đội bóng CSQG thua gần như hầu hết khi đấu với đội sư đoàn Thanh Long Hàn Quốc. Nhưng khi đội này đấu với đội bóng Không đoàn 41, đóng tại phi trường Đà Nẵng, họ đều không thắng nổi. Lý do, dân không quân, hầu hết là phi công và chuyên viên, tuyển nhiều người cao không kém người Hàn, lại có sức khỏe và kỹ thuật đá banh khá tốt. Là quân chủng ít chiến đấu, khi về hậu cứ, họ có nhiều thời gian tập dợt đá banh. Kỹ thuật Không đoàn Việt lấn lướt kỹ thuật sư đoàn Hàn. Nhưng đóng góp cho thắng lợi ấy, nổi bật nhất, là anh Nguyễn Mạnh Kim – được tăng cường vào đội bóng VN mỗi khi mở trận.

NGỒI L ÂU, NGỒI NHIỀU LÀ NGUYÊN DO CHẾT SỚM.

Tạp chí Biên Niên Nội Khoa (Annals of Internal Medicines) thuộc đại học Thầy thuốc Mỹ (American College of Physicians)- một tạp chí được trích dẫn nhiều nhất, ảnh hưởng nhất thế giới - có đăng một nghiên cứu do Keith Diaz dẫn đầu, cho biết một kết quả như đã nêu ở đầu bài viết.

Nghiên cứu thực hiện trong 4 năm với gần 8000 người tham gia có độ tuổi từ 45 trở lên, và số tử vong trong đó là 340 người.

Một kết quả có được như sau: Người ngồi một mạch 90 phút, thời gian ngồi tổng cộng cả ngày trên 13 giờ có tỉ lệ tử vong sớm hơn người ngồi dưới 90 phút tổng cộng thời gian ngồi dưới 11 giờ là 200 %.Người ngồi 1 mạch dưới 30 phút có tỉ lệ tử vong chỉ 55% so với người ngồi trên 30 phút.

Thường thì càng già người ta ngồi càng nhiều và các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết, ngồi nhiều làm cơ thể ít tiêu hao năng lượng (calori) và cơ thể ít "kích hoạt insulin"; (chất insulin có liên quan mật thiết đến nguyên do của bệnh tiểu đường). Ngồi nhiều còn ảnh hưởng đến lưu thông máu huyết và ảnh hưởng đến tim mạch.

Có câu hỏi là đối với những người làm việc bàn giấy hay công việc cần phải ngồi thì có thể đứng, hoặc chế loại bàn đứng để làm việc được hay không, Keith Diaz trả lời: rất ít cơ sở chứng minh việc đứng một chỗ để làm việc thì tốt hơn ngồi.

Ngồi liên tục quá 30 phút một lần thì rất là có hại. Ngay cả hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng ra một khẩu hiệu " Sit less, move more". (Hãy ngồi ít, mà đi nhiều)

Việc ngồi một chỗ quá lâu, theo nghiên cứu, ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả mọi người, không kể tuổi tác, chủng tộc, chỉ số cân đối cơ thể (BMI, body mass index), và ngay cả người hằng ngày có tập thể dục cũng bị.

Lời khuyên sau cùng của nhóm nghiên cứu: Cứ mỗi 30 phút hãy đứng lên đi lại thật nhanh hoặc di chuyển chừng 5 phút, nguy cơ chết sớm sẽ không đáng kể. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay".(Nguyễn Du). Không "qua cầu" mà biết "đoạn trường" mới là “trang anh kiệt”.

Nghiên cứu trên có lẽ giới trẻ IT Việt Nam ngày nay nên tham khảo. Có sức khỏe là có tất cả.

Ghi chú: Tư liệu lấy từ bài báo trên CNN có tựa đề " Yes, sitting too long can kill you, even if you exercise" của tác giả Susan Scutti.

ĐỌC SÁCH, THỜI VNCH.

Thỉnh thoảng tôi bắt gặp một hai trẻ tầm lớp 2, lớp 3, cầm trên tay truyện tranh chăm chú đọc trong quán khi chúng ăn xong trước ba mẹ. Hình ảnh những cháu bé đi với người lớn, thường thường là một cái điện thoại trượt trên tay với các ngón nhỏ nhanh nhẹn bấm bấm, có lẽ các cháu đang chơi games.

Tôi thán phục những phụ huynh nào tập cho con mình đọc sách từ nhỏ thay vì lên mạng.

Các gia đình trẻ bây giờ thường có một hay hai con, không có nhiều con như thế hệ chúng tôi, trước chúng tôi.

Việc giáo dục con không đơn giản như xưa nữa: đến giờ học, cha mẹ chỉ nhắc nhở qua nếu thấy con có thể trễ giờ.

Lúc nhỏ, tôi là một học sinh rất ngu ở tuổi tiểu học. Không ở lại lớp (lưu ban) từ lớp năm cho đến lớp nhất (lớp 1-lớp 5) là thành tích đáng phát bảng “danh dự” (giấy khen) rồi. Ở quê những năm cuối 1950, một cậu bé như tôi chỉ có đi bơi sông, bắn chim bằng ná thun, hoặc chơi “u mọi” (trò chơi trẻ con chia 2 phe, ranh giới vẽ bằng chân xuống một sân đất, thường là sân trường hay nền ruộng mùa hè; mỗi bên cử người “u” bằng miệng, chạy qua “lãnh thổ” bên kia, nếu bị giữ lại mà hết “u” (hết âm thanh phát ra u u như tiếng sáo) thì ở luôn bên đó. Trò chơi kết thúc khi “đối phương” không còn người, nghĩa là thua. Một lối chơi Rugby nhà quê).

Khi xuống Hội An học, tôi bắt đầu chú tâm hơn, vì bị bạn hữu ở thành phố này chê tôi là “thằng dốt”, “thằng nhà quê” .

Hóa ra tôi đâu phải dốt sẵn, dốt truyền thống, dốt ba đời (theo lý lịch).

Không phải là xuất sắc nhưng tôi luôn luôn nằm trong tốp 5 từ đệ thất lên đến đệ nhất (lớp 6 đến 12) nhờ chăm chỉ “cần cù bù thông minh”.

Một trong lợi thế khi được đi học ở phố là có chỗ mượn sách, thuê sách. Trường có thư viện, loại sách bổ trợ cho học tập, ít có sách “ngoài luồng”.

Đọc sách bắt đầu từ bắt chước các bạn đọc sách. Nó đọc mình đọc, sợ chi. Tôi may mắn có người bạn ( mới mất tết năm trước) thằng Phạm Gia Tuấn. Một tay “mọt sách”. Nhà hắn ở gần tiệm chụp ảnh Huỳnh Sau. Bố trước là trưởng ty công an thời ông Ngô Đình Diệm, “thất sủng” sau 1963, có một tủ sách khá phong phú đối với tôi thời đó. Tất cả các sách thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn có gần như đủ ở tủ sách này. Ông rất nghiêm nhưng sau đó biết tôi đến con ông để mượn sách đọc, ông cởi mở hơn, thi thoảng mỉm cười khi tôi lên tiếng chào ông mỗi khi lên lầu để vào chỗ bạn tôi đang đọc sách hay học bài gì đó.

Học sinh nghèo từ quê ra làm gì có tiền mua sách. Mượn sách đọc là may mắn lắm rồi. Bảo vệ những cuốn sách đa phần giấy vàng ố là nguyên tắc “sống còn” nếu bạn muốn được cho mượn sách lâu dài.

Có một “nguồn” sách nữa đó là tiệm cho thuê sách. Tôi có một người bạn hiện đang ở chỗ cho thuê sách trước kia, trên đường Trần Phú. Nhà anh ta giờ làm nơi du lịch nhà cổ, mỗi lần vào xem mỗi người 50 ngàn đồng (10 năm trước), khách tây khách ta nườm nượp.

Sách thuê ở tiệm này đa phần là tiểu thuyết, chiếm đầu bảng là các loại tiểu thuyết kiếm hiệp, còn gọi là “truyện chưởng”. Sách in trên giấy vàng, chữ không rõ mấy nhưng đọc được. Mỗi ngày 1 hay 2 đồng gì đó mỗi cuốn. Chính chỗ cho thuê này, vì sợ tốn tiền, lũ học sinh chúng tôi buộc phải “ngốn” cho nhanh một hai hay ba ngày một cuốn, đặng trả ít tiền mướn; tiền trả cao hơn nếu kéo dài ngày đọc sách. Nhờ “đồng tiền liền khúc ruột”, chúng tôi lại may mắn có thói quen đọc sách tốc độ như các đường cao tốc hiện nay.

Những nhân vật trong truyện kiếm hiệp thường đẹp như Tây Thi nếu là nữ, và hơn diễn viên Hàn Quốc nếu là nam. Thế giới trong truyện chưởng là thế giới của sự tưởng tượng, mênh mông, đi từ tây sang đông, từ nam lên bắc, một đất nước không biết bao nhiêu là thắng cảnh nối thắng cảnh; nay đang ở Tây Tạng mai đã có mặt ở Động Đình Hồ, hay trên các đỉnh núi của Thiếu Lâm Tự, khi độc giả nam biến mình thành Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung, độc giả nữ tưởng mình là Triệu Minh (Triệu Mẫn) hay Nhậm Doanh Doanh đẹp hoa nhường nguyệt thẹn. Nàng Nghi Lâm tu hành cũng si tình. Bất giới Hòa Thượng cũng yêu đương tá lả.

Đắm mình trong thế giới ấy, lũ học sinh chúng tôi được đắm mình trên những trang giấy, những quyển sách, những bộ sách. Vốn từ ngữ có chút “giang hồ” ngày càng nhiều trong vốn ngữ vựng của chúng tôi. Nhà trường biết chúng tôi, em nào cũng có “luyện chưởng” (đọc sách kiếm hiệp) nhưng không cấm. Ngay cả các thầy các cô, lúc vui vẻ, cũng kể chuyện Cô gái Đồ Long cho học sinh chúng tôi nghe, nữa là.

Nhưng một trong những định hướng học sinh đọc sách “chính thống” (những cuốn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn cùng những tác phẩm “kinh điển” thời tiền chiến) là cách thức “thuyết trình”.

Lớp từ đệ thất (lớp 6, hay đệ lục tôi không rõ) bắt đầu làm các buổi thuyết trình trước lớp. Các tổ (thường học sinh ngồi 2 hay 3 bàn học gần nhau) phụ trách một tác phẩm như Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng) hay Đôi bạn (Nhất Linh)... Tổ sẽ phân công các công việc: tìm sách, đọc (ai cũng phải đọc), ghi ra nhận xét về tác phẩm, tác giả, lập một dàn bài thuyết trình, cử một trò chữ đẹp chép bài viết, một “thằng miệng mồm” có giọng tốt để trình bày trước lớp. Khi trình bày xong, các học sinh trong tổ sẽ thay nhau trả lời những câu hỏi của các bạn khác đặt ra, câu nào “bí” thầy chủ nhiệm môn văn sẽ gỡ bí giùm.

Nghe đơn giản như thế nhưng chúng tôi tập quen với việc đọc, ghi chép, nhận xét, và “tranh luận” với các bạn khác trong lớp. Đến lượt các tổ khác sẽ thực hiện tuần tự tùy đề tài sách thầy chủ nhiệm chọn hoặc chính chúng tôi chọn với sự bằng lòng của thầy.

Việc “thuyết trình” trong lớp duy trì cho đến hết bậc trung học (trừ thi tú tài 2, lớp 12, môn Triết thay môn Văn).

Tự tìm tòi sách, tự đọc sách đã hình thành một thói quen cho học sinh chúng tôi. Cả một đời học sinh chúng tôi chưa bao giờ biết lấy một “bài văn mẫu” nào cả, và cũng chưa bao giờ nghe nhà trường buộc học sinh phải đọc sách loại này, loại sách kia; khái niệm sách “đồi trụy”, “phản động” không mảy may biết đến. Tự do đọc sách. Tự do tìm tòi đề tài đọc. Tự do đọc cả những truyện có nội dung na ná như “phim chiếu cho người từ 18 tuổi trở lên, cấm trẻ em” thường ghi trước rạp chiếu bóng khi phim có những cảnh nhạy cảm như ôm hôn hay hơi hở hang nơi mông, nơi ngực.

Chúng tôi là những học sinh không bao giờ nghe giảng chính trị trong lớp và cũng không có bất cứ một chương, một khóa nào ở trường học nói về chính trị trong khi đất nước lúc ấy đang có chiến tranh, đang có “cộng sản”, đang có “quốc gia”.

Đọc sách lúc đó là niềm vui của học sinh, sinh viên chúng tôi.

Bây giờ học sinh, sinh viên, có quá nhiều niềm vui: Smartphone, games, phim Hàn, ca nhạc, bóng đá, facebook, có cả bia Tiger và thịt chó nữa.

Học sinh và sinh viên, tầng lớp nắm vận mệnh, tương lai dân tộc, bây giờ có quá nhiều niềm vui như thế, không hiểu họ có bỏ một số thời gian cho việc đọc sách hay không, tôi không được rõ lắm, nhưng rất rõ, họ rất ít có thời gian, vì chương trình học ở trường, học thêm ở các trung tâm, ở nhà, rồi nào đội, nào đoàn, nào đảng…đè nặng lên đôi vai của họ rất nhiều.

Chỉ nhìn một học sinh cấp một thôi: một va li sách vở kéo lè kè như va ly hành lý xách lên máy bay, đủ thấy học sinh bây giờ học hành khổ sở, tất bật thế nào.

Bill Gates là ông trùm Internet, cả thế giới xài vi tính có Windows của ông nhưng ông lại là người xài vi tính ít hơn đọc sách. Điều đó nói lên vi tính chưa hẳn thay được sách (cho đến lúc này) đối với “bộ-óc-vĩ-đại-vi-tính” ấy.

Chúng ta ao ước được thấy nhiều hơn những người cha, người mẹ trẻ, luôn cho con cái năm ba tuổi trở lên của họ làm quen với sách (ảnh, chữ) trước khi làm quen với smartphone và dân tộc này sẽ hồng phúc biết bao nếu những đứa trẻ ấy thích lướt sách như (không mong hơn) lướt web.

Những người trẻ thành đạt, mong ước khi vào thăm căn nhà sang trọng của họ, tôi được may mắn nhìn thấy cái tủ trang trọng, hoành tráng, chứa đầy sách chứ không chứa đầy những chai rượu tây đắt tiền.

56 NGƯỜI CHẾT KHÔNG CHỈ LÀ NỖI ĐAU THƯƠNG

Xin thắp một nén nhang cho những người đã khuất.

Bản chất người Việt là nhanh mủi lòng trước các nỗi đau thương. Nhưng họ cũng nhanh quên đi nguyên do gây ra đau thương ấy. Cái chết của 56 người trong vụ cháy vừa qua ở Hà Nội cũng sẽ nhạt nhòa theo ngày tháng khi cả trăm triệu dân Việt đang cuốn hút vào cuộc mưu sinh chật vật mỗi ngày.

Theo ước tính có 2000 ‘chung cư mini’ tại Hà Nội và (nghe đâu) 42.200 cái nữa ở Sài Gòn. Không rõ quy mô thế nào, chung cư mới gọi là mini (tức là ‘nhỏ’). Trong lúc nhu cầu nhà ở của người dân ngày càng tăng cao, sự có mặt của các chung cư ấy là một đóng góp tích cực. Không thể vì sự cố chết người ở chung cư mini Khương Hạ, vai trò của loại nhà ở này cần phải xem xét xóa bỏ. Có thể nói, càng nhiều chung cư mini có tình trạng như cái đã cháy, an sinh người dân càng trở nên mờ mịt; một khi nhà ở xã hội của chính phủ không xúc tiến nhanh chóng, kịp thời và mạnh mẽ.

Để các chung cư mini an toàn, nhất là vấn đề hỏa hoạn, tôi nghĩ có mấy cách:

- Buộc tất cả các chủ chung cư, ngay ngày hôm nay, phải rà soát toàn bộ lại hệ thống phòng chống chữa cháy, với sự giúp sức của những người chuyên môn từ các cơ quan thẩm quyền.

- Nếu chung cư nào không đáp ứng tối thiểu biện pháp phòng chống cháy phải ngừng hoạt động. Điều này khó khăn, các chủ nhà lỡ mua thì phải dọn đi đâu? Nhưng hiện nay, theo luật xây dựng, một ngôi nhà đơn vẫn phải tuân thủ quy định về phòng chống chữa cháy. Chắc chắn các chung cư mini tối thiểu cũng phải đáp ứng quy định ấy.

- Các chung cư mini- kể cả chung cư quy mô- đều phải nghiêm cấm các cư dân tự ý thay đổi cấu trúc bên trong căn hộ. Tôi thấy nhiều chủ nhà đập bỏ, cắt đục, một số bức tường xây, để cải tạo lại theo ý muốn, mà không hề để tâm đến nguy cơ làm suy yếu kết cấu chung cư.

- Đối với việc thay đổi cấu trúc bên trong nơi ở chung cư theo ý muốn của chủ nhà, mọi thay đổi phải được thực hiện bởi những người có chuyên môn, nghĩa là, thợ điện, thợ xây, thợ trang trí nội thất, thợ đặt ống nước…đều phải có giấy phép hành nghề của nhà nước cấp. Những người này phải nằm trong một công ty có đăng ký pháp nhân, nghĩa là ban quản trị công ty phải chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra sau này vì sự bất cẩn hay sơ sót trong quá trình thi công, sau thi công, gây hậu quả nguy hiểm.

- Các cư dân trong chung cư đều phải mua bảo hiểm nhà ở. Công ty bảo hiểm chính là người sẽ chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố. Công ty này sẽ trả tiền sửa chữa cho chủ nhà khi người sửa chữa có giấy phép hành nghề. Nghiêm cấm chủ nhà tự động sửa chữa hay lắp mới bất kể cấu trúc có sẵn trong mỗi chung cư. Nhiều vụ cháy nhỏ, không thiếu các vụ cháy lớn, xảy ra khi chủ nhà tự động thiết kế các đường dây dẫn điện. Cư dân thường nghĩ, nhà mình mình có mọi quyền. Từ nay, suy nghĩ đó cần phải chấm dứt: vì sự an toàn chung trong cộng đồng dân cư.

- Khi sự cố xảy ra, ví dụ như vụ cháy chết người vừa qua, ngoài chủ chung cư , những ai liên quan đến việc cấp phép xây dựng, thiết kế an toàn điện, phòng chống chữa cháy, mà không kiểm tra việc xây dựng, thực thi, đúng quy định, để xảy ra sự cố chết người, đều phải bị đưa ra tòa xét xử. Chính quyền quản lý cơ quan hữu trách, người đứng đầu, cũng phải chịu trách nhiệm liên đới kể cả những người về hưu, thậm chí đã chết (để tăng mạnh sự răn đe, nghiêm minh của luật pháp. Không thể chết là hết trách nhiệm).

- Để hạn chế việc hối lộ, ví dụ tình trạng ‘phạt cho tồn tại’, quy chế ưu ái cần lưu ý cho những người có trọng trách thực thi công vụ. Cái này hơi khó nhưng không phải không làm được. Ở Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh lúc sinh thời từng cho phép trợ cấp mỗi cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ngoài đường mỗi tháng 5 triệu động, gọi là tiền ‘dưỡng liêm’. Tuy sai quy định chung nhưng việc làm này có ý nghĩa giúp người thực thi công vụ ‘an tâm’ công tác, không vì đời sống còn khó khăn mà làm sai lệch nhiệm vụ của mình.

- Tôi để ý nơi dễ cháy nhất và ‘nguy hiểm’ nhất của chung cư là nơi để xe máy, thường là tầng hầm (chung cư lớn), tầng trệt (nếu là chung cư nhỏ). Nơi này cần buộc chủ đầu tư kinh doanh nhà ở phải hết sức chú trọng. Các camera quan sát cần được theo dõi thường xuyên, nhất là ban đêm. Các thiết bị báo cháy cần ưu tiên đặt ở nơi này. Các bình chữa cháy cần bố trí những nơi thuận tiện nhất. Ai cũng có thể trở thành ‘nhân viên cứu hỏa’ nếu hỏa hoạn xảy ra. Nguyên tắc hàng đầu của chữa cháy là dập tắt tức thời nơi phát ra ngọn lửa. Đốm lửa dễ chữa hơn rừng lửa.

- Tất cả người trên 18 tuổi, sống trong chung cư, đều phải có giấy chứng nhận (1) tập huấn phòng chống chữa cháy. Có tình trạng, ban quản lý chung cư mời cảnh sát phòng chống cháy đến với phương tiện chữa cháy đầy đủ. Cư dân đứng xem như là xem phim, xem kịch mà không hiểu, các hướng dẫn của các nhân viên cảnh sát chữa lửa sẽ cứu mạng sống của mình một khi biết được cách xử trí lúc chung cư mình ở nằm trong ‘đống lửa’. Chỗ này cũng cần thêm: Đừng vì có vài trăm, vài chục bỏ túi mà giấy chứng nhận tập huấn PCCC cấp ra rào rào. Người làm lơ cho chủ chung cư mini nâng cấp xây dựng từ 6 tầng thành 9 tầng gián tiếp nhúng tay vào tội ác giết chết 56 người vừa qua. Tang tóc và vết cắt đau thương của biết bao gia đình không biết khi nào nguôi ngoai, lành lặn.

- Nhà chức trách nơi có các chung cư mini cần có thái độ cởi mở, hiểu thấu, thể hiện bằng việc làm, giúp đỡ bằng biện pháp trong chức năng sẵn có, các chủ nhân các chung cư ấy thực hiện, càng nhiều càng tốt, các quy định an toàn phòng chống cháy nổ. Chung cư yên bình thì người dân yên bình. Quý vị từng nói, hạnh phúc của người dân là mục đích cao nhất của mình mà.

Các chung cư mini này là nơi những người ‘yếu thế’ trong xã hội sinh sống. Họ càng được quan tâm hơn. Những người ‘không yếu thế’ đều có nhà riêng an toàn hay mua các căn hộ ở những chung cư cao cấp, vấn đề an toàn mạng sống được đảm bảo tối đa. "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui cái vui sau thiên hạ) mà ông Hồ từng nhắc, đừng có làm ngược lại “chớ không phải: “Tiên thiên hạ chi lạc nhi lạc, hậu thiên hạ chi ưu nhi ưu”(2).

Thời buổi này mà còn nói đến luân lý, như câu nói của người xưa qua lời nhắc lại của ông Hồ Chí Minh từng nói với cán bộ mấy chục năm trước, tôi không nghĩ là ‘lạc hậu’ hay ‘lạc lõng ’. Con người Việt Nam, dù theo chủ nghĩa nào đi nữa, đều có phần sâu thẳm bên trong: tình thương yêu đồng bào.

Hãy quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội. Hãy chú ý đến họ, những người đang sinh sống trong những nơi ở ‘thiếu thốn’ ‘thiếu tiện nghi’, xa trong hẻm, trong ngách, mà chúng ta gọi là chung cư mini, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn.

Ghi chú:

(1) Ở Phần Lan, cái gì cũng có giấy phép. Vào siêu thị, thấy có rất nhiều cần câu máy, tôi định mua một hai chiếc vì giá khá mềm. Con tôi bảo, không được vì muốn sở hữu chúng, người mua phải có giấy phép câu cá. Người có giấy sẽ biết cá nào được câu, cá nào cấm câu; câu vào mùa nào hoặc cách thức câu, quăng câu thế nào không móc vào người đứng cạnh; lưỡi câu mắc vào vật chìm, người câu phải biết cách xử lý và phải biết bơi nữa. Chứ không phải hứng lên là xách cần đi câu. Phần Lan là nước có rất nhiều hồ nước( trên 188. 000 cái). Giấy phép 'lung tung': Sửa ống nước, cầu tiêu, bắt dây điện...đều phải có giấy hành nghề. Không vì sợ tốn, chủ nhà muốn làm gì trong nhà cũng được. Mọi nhà ở đều có mua bảo hiểm. Mọi thay đổi sẽ không được thanh toán tiền mà phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 10, tr 463.

Friday, July 7, 2023

TẢN MẠN: PHẢN ĐỘNG

(Nhân một học sinh thi lớp 10 đậu thủ khoa với bài văn dài 21 trang viết trong 3 giờ).

Trước 1975, ở miền Nam chúng tôi không nghe hoặc ít nghe hai chữ PHẢN BIỆN. Báo chí có thể PHẢN BÁC tuyên bố của một viên chức chính quyền, hoặc ngay cả tuyên bố của tổng thống (quyền uy không thua tổng bí thư) nếu tuyên bố ấy “tà lơ” (tầm phào). Ví dụ: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (nguyên là trung tướng) tuyên bố từ chức để trở về hàng ngũ quân đội khi Sài Gòn sắp thất thủ. Vài hôm sau, có tin đồn, tổng thống sẽ có mặt ở Đài Loan. Báo diễu nhại ông: “Đất nước còn, tôi ở Sài Gòn, đất nước mất tôi đi ngoại quốc”.

Do lối học thoát thai đặc trưng phương Tây từ Pháp (Nam kỳ là thuộc địa) cho tới Mỹ (thời chiến tranh), sinh viên, ngay cả học sinh, dưới chế độ VNCH rất quen thuộc với phản bác, phản biện. Không cứ chi tây, ta cũng có từ: học hỏi. Học hành hiệu quả nếu tri hành hợp nhất. Học là phải hỏi. Không hỏi thà đừng học.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, sinh viên chúng tôi ở trường đại học sư phạm Sài Gòn dành thời gian học các buổi “chính trị”. Ông hiệu trưởng tạm thời - một cán bộ có nước da trắng trẻo, hơi mảnh khảnh, đeo kính trắng - có hỏi sinh viên toàn khối (hay toàn trường, tôi không nhớ rõ), ai có câu hỏi nào thì mạnh dạn nêu ra; bất kể câu hỏi gì, sau một buổi “sinh hoạt chính trị” do ông giảng dạy. Một bạn trong lớp anh văn của tôi giơ tay xin nói.

Gần 50 năm tôi còn nhớ rõ câu hỏi của cô sinh viên người Sài Gòn này. Đại để: “Thể chế cộng sản có độc tài hay không khi bức hại những người trí thức trong nhóm Nhân văn giai phẩm và tiến hành cải cách ruộng đất đẫm máu ở miền Bắc?”.

Là sinh viên, ngay cả lúc còn là học sinh, chúng tôi thường tò mò, muốn tìm hiểu những diễn biến như thế của “bên kia vĩ tuyến”. Chúng tôi sửng sốt khi nghe câu hỏi “nguy hiểm” ấy. Và nguy hiểm thật, một “đồng chí” trong hội thanh niên học sinh giải phóng Sài Gòn-Gia Định đứng phắt dậy trước đám đông, chỉ tay vào mặt cô gái và quát to: “Đồ phản động. Im ngay”. Có lẽ anh ta không ngờ, cách mạng vào đây, quân đội, chính quyền Sài Gòn vỡ trận; số trốn đi bằng đường biển, số được người Mỹ cho máy bay chở đi, cô ta thuộc bên “thua cuộc”, không an phận, mà còn dám giở giọng “chống đối chính quyền”.

Nhưng tất cả sinh viên thở phào nhẹ nhõm khi nghe câu giải đáp của vị giáo sư mặc đồ bộ đội, mang dép râu, gương mặt hiền hòa dễ mến. Đưa tay về chỗ sinh viên “cách mạng mùa”, như cắt ngang cơn thịnh nộ của anh ta, ông điềm đạm giải thích: “Hãy tôn trọng tự do phát biểu của tất cả anh chị em sinh viên. Chế độ ta phát triển hay không cũng nhờ vào tầng lớp trí thức trung thực; chị sinh viên vừa nêu câu hỏi là một người trung thực; chị hỏi câu hỏi mà ngay cả tôi cũng không dám trả lời'. Ông khéo léo cho qua câu hỏi nhạy cảm ấy: "Rồi các anh chị sẽ hiểu kỹ hơn những việc làm của Cách Mạng sau này. Có ai còn ý kiến không?”. Sau câu hỏi ấy cả đám đông sinh viên im phăng phắc. Ai cũng hiểu không phải nghĩ là nói được đâu.

Cái không khí tự do tư tưởng vẫn chưa phai nhòa trong những ngày đầu miền Nam chuyển qua một thể chế chính trị mới. Cô sinh viên kia chưa quen với nếp nghĩ mới. Cái nếp nghĩ tôn ti trật tự. Nghe và không phản bác, phản biện. Cấp trên luôn đúng. Thầy luôn luôn giỏi hơn trò và đương nhiên trò không thể “mặc áo quá đầu”.

Thói quen phản bác hay phản biện chỉ hình thành gần đây sau những năm đổi mới. Nhưng trên phương tiện truyền thông chính thống, sự phản bác hay phản biện rất hiếm xảy ra nhất là “phản bác” nhà chức trách. Nếu có phản biện hay phản bác quan điểm của viên chức đương nhiệm thì giọng điệu của báo chí thường hết sức dè dặt, kiểu ngó trước dòm sau. Hay đợi cho vị quan chức ấy chuẩn bị vào lò hoặc sắp "về vườn" thì lúc ấy báo chí tha hồ mà “phản bác”, “phản biện”.

Phản bác hay phản biện có cùng họ với phản động, bắt đầu từ chữ phản. Trên báo chí (giờ chỉ có nền tảng Facebook) sẽ có hai luồng đối chọi nhau khi xảy ra một sự kiện nào đó khá đình đám. Dư luận thường chia phe nếu sự kiện đó liên quan đến chính trị. Một bên là A và bên kia là B; có kẻ “xấu miệng” gọi là “bò đỏ”, “bò vàng” gì gì đó, (tôi mù mờ chỗ này lắm!).

Phản bác hay phản biện là lẽ đương nhiên trong sự vận hành tư tưởng. Không ai độc quyền tư tưởng. Không thể tư tưởng nào “bách chiến, bách thắng”. Những gì hôm qua đúng chưa chắc ngày mai không sai. Chưa chắc ngày nay sai mà ngày mai không đúng. Để tìm kiếm chân lý, con người cần luôn luôn tỉnh thức, nghĩa là luôn luôn đặt hồ nghi với tất cả mọi thứ. Hồ nghi không phải là yếm thế. Hồ nghi để đặt câu hỏi, để phản bác, phản biện, để tiệm cận chân lý.

Nói về phản bác, phản biện, dân Quảng Nam chúng tôi là…hàng đầu. Nhiều người nhận xét “Quảng Nam hay cãi”. Tôi lại nghĩ: Không cãi không phải Quảng Nam. Chúng tôi luôn luôn hồ nghi kết luận do đó chúng tôi cãi cho đến khi có kết luận khác, đúng hơn. Quý vị cũng rõ tính phản bác, phản biện rất rõ ở những danh nhân tiêu biểu: Phan Châu Trinh và Phan Khôi.

Nếu phản biện, phản bác không bị coi là phản động thì chắc chắn chúng ta rút ngắn thời gian phát triển đất nước. Ví dụ, nếu có quyền phản biện thì, hợp tác hóa nông nghiệp chấm dứt ngay sau một năm áp dụng. VN trì trệ hàng chục năm; động cơ sản xuất tư nhân bị triệt tiêu; cảnh thiếu ăn xảy ra ở một đất nước dân chúng cần mẫn, vốn rất giàu có sức bật trong nông nghiệp, nông thôn.

Ngày nay, phản bác, phản biện có còn bà con với phản động không? Tôi e là còn – có lẽ chút chút. Không thế, trên diễn đàn “tự do ngôn luận” của Facebook, lúc nào dư luận cũng chia ra hai phe choảng nhau, hầu như không phải vì tìm kiếm chân lý, mà vì ai cũng muốn độc quyền chân lý “tao đúng, mày sai”.

Ví dụ cỏn con. Một học sinh lớp 10 làm bài thi văn dài tới 21 trang giấy bị đem ra đặt ở đấu trường La Mã. Một vị tiến sĩ phải xin lỗi cô bé vì nhận xét em “không não”. Thay vì dùng ngòi bút sắc thì vị trí thức này dùng thanh gươm bén. Dù có xin lỗi thì hành động ấy nói lên một điều: thay vì phản bác thì người ta xem hành vi viết bài thi dài 21 trang là…phản động. “Phản động” hay bị ghép chung với “không não”. Có rất ít người chế giễu em học sinh kia? Không. Tôi thấy không ít. Phản bác, phản biện không đem lại chân lý bởi nó “bà con gần” với…phản động hay sao?