Monday, November 11, 2024

BA ĐỨA QUẢNG

Xa quê, nghe ai nói giọng Quảng (Nam) tôi liền bắt chuyện. Nghe tiếng quê, lòng mình cảm thấy thư thái – như ở quê nhà. Ở Sài Gòn, tình cờ gặp một vài bạn đồng hương, thật là một cơ duyên. Hôm kia, uống cà phê cùng Lê Văn Trí Minh và Nguyễn Tăng Hải. Chúng tôi gặp nhau lần thứ hai…sau đúng một năm chẵn.

Ở Hội An, xuất thân từ trường trung học Trần Quý Cáp, học sinh nào cũng hãnh diện, nhất là những ai học ở đây trước 1975. Lý do duy nhất: Cả tỉnh Quảng Nam chỉ  Trần Quý Cáp là trường công có cấp 3. Đây như là trường Bưởi của Hà Nội. “Tinh hoa” cả tỉnh “đổ” về đây. Những người thành danh hầu hết đều học từ trường này. Thi đậu vào lớp đệ thất (lớp 6) phải nói là “trầy vi tróc vảy”. Và thi ra tú tài ở đây cũng tróc vảy trầy vi. Lớp nào có tỷ lệ đậu tú tài toàn (tú tài II) từ 15 đến 20 % phải là “lớp chọn, trò chuyện”.

Hai trong ba người (ảnh) đỗ tú tài cùng năm (1972). Minh sau đó vào sư phạm toán. Tôi thi đậu ngay vào sư phạm Anh (dạy cấp 3). Cả tỉnh Quảng Nam chỉ có hai người đậu vào ngành này năm đó. Bạn nữ giỏi hơn tôi nên được học bổng du học Úc (Nguyễn Thị Thanh Tú). Bạn Hải thì học ở Phú Thọ (Bách Khoa) sau chúng tôi nhiều năm.

Từ một quê nghèo nên chúng tôi phải cố gắng học. Thời chiến tranh, động lực học còn vì là…”trốn lính”. Sinh viên nào học trễ năm phải đăng lính, (ví dụ: Sinh 1954 buộc phải là năm thứ nhất, 1972).

Tuy từ đại học ra nhưng hai bạn “thành công” hơn tôi rất nhiều. Năm 1983, Minh trình luận án tiến sĩ. Có lẽ anh là người đầu tiên của tỉnh Quảng Nam đậu bằng tiến sĩ Toán. Trước đó, nghe đâu Phạm Phú Hiển, cháu cố của cụ Phạm Phú Thứ cũng đậu tiến sĩ Toán nhưng là ở nước Pháp.

Khi ra Hà Nội làm luận án, học trò được thầy hướng dẫn tặng một…chai xì dầu (nước tương) nhưng chai nước tương còn…lưng. Có lẽ thầy “nhịn” ăn để tặng trò lên đường. Thời điểm đói…toàn quốc, chai nước tương không khác chai nước sâm. “Hành trang” cho con lên đường của mẹ anh còn giản dị hơn. Bà rang cho con trai một lọ muối hột. Hồi ấy ở quê không có muối bột. Muối hột hầm (một cách rang) cất giữ lâu hơn. “Con nhớ ăn dè xẻn hỷ”. Mẹ anh dặn dò con trai cẩn thận. Mỗi lần xuống nhà ăn tập thể, anh đem một đôi hạt muối hầm, để “ăn dặm” khi thức ăn thiếu thốn. Người Quảng có thói quen ăn mặn.

“Có phải nhờ vả ai không?”. Tôi hỏi bạn, ngầm ý “chạy chọt” chỗ thân quen. “Không”. Anh nói thời đó rất trong sáng, thầy cũng như nhà trường. "Sức học" chứ không phải “sức mạnh” (của kim ngân hay chức quyền) làm nên tấm bằng tiến sĩ. Dù không còn dạy, Minh vẫn còn…tự học. Đó là chữ Hán. và đang dịch sách lịch sử. Thế hệ chúng tôi rất ít và hầu như không có đi học thêm với thầy. Vả lại cũng rất ít người dạy thêm. “Giáo sư trung học đệ nhị cấp” (giáo viên cấp 3) có ngạch công chức hạng A, chỉ số lương 470, trong khi phó quận trưởng (học 4 năm từ trường Quốc gia Hành chánh) hay kỹ sư Phú Thọ (Bách Khoa) có chỉ số lương là 450.

Anh bạn trẻ hơn chúng tôi là một kỹ sư xây dựng, từ trường đại học Bách Khoa ra. Là công dân Mỹ nhưng anh có công đóng góp với các bạn kiến trúc sư xây dựng ngôi mộ của cụ Phạm Phú Thứ ở Quảng Nam, được xếp vào di tích lịch sử cấp tỉnh. Làng có ngôi mộ lại là nơi Nguyễn Tăng Hải sinh ra và lớn lên. Hải còn đang ấp ủ một “dự án” cá nhân: Sản xuất máy sạc điện không nhiên liệu. Nếu thành công, Hải nói sẽ mang về VN để sản xuất đại trà sau khi chào hàng tại Mỹ. Không rõ thành bại thế nào nhưng mỗi khi nói đến “dự án”, Hải trở nên sôi nổi và hưng phấn như Archimede sắp tìm ra sức đẩy của nước.

Còn tôi? Chẳng tích sự gì. Mỗi ngày bỏ ra nửa tiếng lên Facebook…để “chém gió”. Dịch sách cho người nhưng mình không được đứng tên, chỉ làm kiếm tiền uống…bia. Công việc dịch thuật cũng nhàn nhờ có thằng bạn Google.  Cũng có cuốn được đứng tên (Tư Duy Nhạy, Tiếp Thu Nhanh. Đề sách biên tập kiểu “mì ăn liền” chứ nguyên tôi dịch là Kiến Tạo Bộ Não Ưu Việt, Build A Better Brain).

Nhưng những người Quảng Nam chúng tôi khác gì những người ở tỉnh khác? Tôi nghĩ là giọng nói. Chúng tôi rất dễ gần gũi nếu nghe ai đó nói lên cái giọng Quảng mộc mạc và có phần cục mịch của mình.

Ba chúng tôi gặp nhau cũng vì thế. Gặp nhau chuyện vãn, một phần, phần khác cũng muốn nghe một trong ba ông Quảng hứng khởi  nói ra một đôi chữ, chỉ chúng tôi mới biết, mới hiểu, những chữ nằm trong dòng máu, trái tim, tâm hồn, từ khi cha ông chúng tôi từ Thanh Hóa, Nghệ An vào đây lập nghiệp.

Tiếng Quảng, giọng Quảng, tiếng Quê hương, giọng Quê hương. Rứa thôi.

VÌ SAO TRUMP ĐẮC CỨ?

Câu hỏi này có vẻ vô duyên, không khác câu vì sao Harris thất cử. Đắc, thất là do quyết định của người dân Mỹ. Nếu nói Trump mới xứng đáng làm tổng thống thì tại sao  lại thua cử ông già lớn tuổi “lụm cụm” Joe Biden. Tại bầu cử gian lận? Vậy thì chính quyền đảng dân chủ không “gian lận” tiếp để giành lấy nhà trắng? Họ đang nắm quyền. Quyền to như núi. Và khi nắm quyền, Donald Trump lại để cho cuộc bầu cử bị “ăn cắp” (stolen)?

Có rất nhiều cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử dẫn đến Trump tức tối ôm gói rời Nhà Trắng. Nào là người chết đi bầu. Nào là phiếu bị ăn gian, bầu Trump thành bầu Biden. Không đáng kể. Sự chênh lệch phiếu giữa 2 ứng viên tổng thống là rất lớn. Chỉ có giả thuyết khả tín: gian lận do máy bầu, máy đếm. Đó là máy của Dominion. Chỉ có máy mới có thể làm sai số hàng triệu phiếu.

Nhưng giả thuyết ấy sai hoàn toàn. Người tung tin này nhiều nhất là Fox Corp. và Fox News. Thế là kiện tụng. Thấy không thể thắng ở toà, hãng truyền thông theo phe Trump này buộc phải dàn xếp đền danh dự cho hãng chế tạo máy bầu cử Dominion 787,5 triệu đô la. Đau như thiến. Vì đăng bậy, đăng sai, số tiền bị đền vô cùng lớn. Rồi những vụ kiện khác của Trump đều bị toà án từ thấp đến cao lắc đầu: No, hổng có gian lận.

Nếu hệ thống tổ chức bầu cử Mỹ bị phe Dân Chủ khuynh đảo thì xin thưa, Trump bây giờ hẳn phải nổi loạn: Gian lận, gian lận. Tổ chức bầu cử vừa rồi rất an toàn. Ban đầu chỉ có vài tin bịp có đặt bom. Sau đó, cuộc bầu cử diễn ra yên ổn nhất. Như vậy, hệ thống bầu cử Mỹ là tốt và người thực thi nhiệm vụ rất tận tụy.

Nhiều người đánh giá bầu cử Mỹ “rối rắm” và “lộn xộn” quá. Hai ứng viên tổng thống không tiếc lời chỉ trích nhau. Người thì bị gọi là “tâm thần”. Người bị gọi là phát-xít. Thậm chí, những người ủng họ cho hai phe còn “thoá mạ” nhau. Biden gọi người ủng hộ Trump là “rác rưởi” (garbage) để đáp trả một danh hề được mời lên bục phát biểu trong cuộc tụ tập ủng hộ Trump gọi Puerto Rico là hòn đảo trôi trên rác. Cử tri từ đảo này có thể bầu cử nếu họ ở bất kỳ đâu trong các bang của Mỹ.

Thấy Elon Musk treo thưởng mỗi ngày 1 triệu đồng USD cho một người bất kỳ, trong danh sách đăng ký ủng hộ Trump, nhiều người trề môi: Dùng tiền “mua” phiếu mà bầu cử dân chủ à? Không. Musk được tòa cho phép vì đúng luật. Bầu cử Mỹ như một cuộc so găng. Nó không những hấp dẫn cho người Mỹ mà còn hồi hộp cho người VN. Đa phần người Việt khoái Trump hơn Harris. Ông còn là “người hùng “ của nhiều phen hâm mộ. Ở Mỹ nhưng ông được kỳ vọng rất nhiều ở VN. Thấy ông “đánh” Tàu tơi tả bằng thuế quan (tariff), người ta rất khoái trí. Và ông đắc cử, nhiều người thở phào sung sướng, có khi xài chữ “vỡ oà “ cho nó máu me.

Đắc cử tổng thống Mỹ đều phải là người của một trong hai đảng lớn. Hai phe đều có “hậu phương” của mình, nhất là đô la, nhì là báo chí. Sự cạnh tranh khốc liệt của người hai phe- như một mất một còn- làm cho chúng ta suy nghĩ: Ở Mỹ, hai thế lực chính trị này sẽ “không đội trời chung”. Có người coi đảng cộng hòa là chống…cộng sản. Đảng dân chủ là đảng “xã hội chủ nghĩa”. Dân chủ phải thua, nhiều người mới hả dạ.

Vì không ở trong xã hội Mỹ; vì không am hiểu hệ thống vận hành của nền tư pháp Mỹ ; vì bị chi phối bởi lối giáo dục “địch-ta”; nhiều người VN tưởng rằng đảng dân chủ và đảng cộng hòa luôn muốn “tiêu diệt” nhau. Không. Họ như 2 mặt của một đồng tiền. Có âm và có dương. Nghĩa là có mâu thuẫn mới có tiến bộ. Nhiều thể chế toàn trị hay độc tài không bao giờ để, hay dung dưỡng, hay chấp nhận, mâu thuẫn. Ở Nga thời Putin, nhiều nhân vật đối lập nổi tiếng gặp khốn khổ, bị nhốt tù, bị thủ tiêu hay tự ý té lầu vong mạng.

Bầu cử Mỹ không những hấp dẫn mà còn ảnh hưởng cả thế giới. Trump lên. Nga mừng. Ucraina lo. NATO bồn chồn. Tàu nín thở chờ. Nhưng tôi thấy, Mỹ của Trump hay Mỹ của Biden, chính phủ của cộng hòa hay chính phủ của Mỹ, tất cả cũng vì nước Mỹ trên hết. America First.

Người Việt Nam không vì ai mà cào cấu nhau rồi chửi bới nhau. 4 năm của Trump chuyển thành 4 năm của Biden. Rồi Trump trở lại. Không phải xu thế “phá hủy sáng  tạo” (disruptive innovation), như Trần Huỳnh Duy Thức nhận định trong 1 status của ông khi nước Mỹ “rung lắc”: Trump chiến thắng ngoạn mục. Trump và không Trump là xu thế nước Mỹ. Mỹ phát triển vượt bậc nhờ trong nước họ luôn luôn xảy ra mâu thuẫn. Nước Mỹ không hề “ổn định chính trị”. Chính nhờ bất ổn, cứ 4 năm một lần, Mỹ sẽ dẫn đầu thế giới ít ra 100 năm nữa.

Tuy nhiên, thái độ của người Việt chúng ta nên là: “Không chống Mỹ, không theo Mỹ, mà nên hiểu Mỹ”(*). Chính vì theo Mỹ mà Afghanistan bị sụp đổ để chính quyền sắt máu Taliban nắm quyền. Cũng vì chống Mỹ mà Nga (của Putin) bị chính quyền Biden cho  sa lầy ở Ukraine. Cũng vì chống Mỹ mà Cuba vẫn còn phải thức để canh giữ thế giới (thức trắng mắt). Chỉ có hiểu Mỹ, Nam Triều Tiên đánh thắng Bắc Triều Tiên và trở thành nước công nghiệp nằm trong tốp đầu thế giới. Và cũng nhờ hiểu Mỹ, Nhật Bản trở thành nên kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Hỡi anh em của tôi. Hãy hiểu Mỹ. Chống phe dân chủ hay yêu phe cộng hòa chỉ là tình cảm nhất thời, giỏi lắm kéo dài chừng 4 năm. Đừng biến yêu ghét thành lý trí. Và cũng đừng vội coi Trump sẽ là “cứu tinh” của thế giới. Vi du: Ông sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong 24 giờ đồng hồ.

Tái bút: Tôi có cảm giác, phụ nữ không thể làm tổng thống nước Mỹ. Không hẳn họ không đủ khả năng. Thừa khả năng đằng khác. Ứng viên tổng thống Hillary Clinton so với Kamala Harris chưa chắc ai hơn ai. Harris là người da màu cũng như Obama. Nếu phải vượt hơn, người Mỹ mới có thể chọn một người da màu làm lãnh đạo của họ. Thường thì họ chọn người da trắng nhiều hơn dù nước Mỹ rất đi đầu trong việc bảo vệ quyền con người. Biết đâu- tuy không có chứng cứ nào cho biết vì lý do chủng tộc hay giới tính mà cả hai lần Trump đều đánh bại đối thủ là phụ nữ - Harris thất cử vì còn mang “phận đàn bà”?

(*) Lưu Á Châu, một nhà nghiên cứu Trung Quốc. Tập Cận Bình rất nể ông ta.

Wednesday, October 30, 2024

CHÂN MÀY PHONG THUỶ

Ngôn ngữ chuyển biến theo thời gian. Trong từ điển Hán Việt, Đào Duy Anh cắt nghĩa DẠ VŨ là mưa ban đêm. Ngày nay, dạ vũ là khiêu vũ buổi tối. ĐÀN ĐIẾM: Cái đàn (như đàn Nam Giao- tôi chú thích) và cái điếm (canh)= chỗ hội họp nghiêm trang. Nay, đàn(g) điếm có nghĩa rất xấu. Nhưng phong thuỷ mà đi đôi với chân mày, có sự chuyển biến ngôn ngữ xảy ra ở đây?

Chân mày “phong thủy”!

Đào Duy Anh định nghĩa "phong thuỷ: Nghề xem đất tốt xấu để cất mộ". Ngày nay,  người VN đều hiểu phong thuỷ bắt nguồn từ gió và nước. Phong thủy liên quan đến thiết kế nhà cửa, sắp xếp môi trường sống, ở đó thông thoáng (gió: phong) và đầy đủ nước (thuỷ). Chân mày phong thuỷ hay nốt ruồi phong thuỷ thì có ý nghĩa gì với nhà cửa, đất đai?

Thực ra, gọi đúng phải là chân mày tướng, nốt ruồi tướng, quý tướng. Có thật sự khi sửa lại chân mày hay chấm thêm nốt ruồi mang lại hạnh phúc hay giàu sang thì con người đoạt được quyền tạo hoá? Đang có chân mày “hãm tài” hay “sát phu”, “sát thê “, chỉ cần vài trăm hay đôi triệu, số phận của người “sửa tướng” sẽ thay đổi hoàn toàn?

Giống như làm nhà, có người mở cửa chính rộng hẹp theo đúng thước Lỗ Ban. Gọi là trực. Trên thước có đánh dấu trực hoạ phúc, giàu nghèo, xấu tốt…Vậy, ai mở cửa nhà theo đúng “phép “ Lỗ Ban đều sẽ đạt được mong muốn? Ngày xưa, ở Trung Hoa, mọi người đều phát đạt nhờ áp dụng theo sách vở cha ông họ? Tất cả đều hạnh phúc. Không có ai ly hôn, bỏ vợ, bỏ chồng, chết vợ, chết chồng, vì trước khi cưới nhau, mọi người đều tham khảo tướng số, coi xem tuổi tác?

Phụ nữ coi trọng nhất gương mặt. Làm cho sắc diện mình dễ ngó, đáng yêu là nhu cầu chính đáng của họ. Nhưng để gương mặt đúng với tướng “tốt” như vượng phu hay ích tử rồi dùng biện pháp nhân tạo để “đổi” tướng thì cần phải xem lại. Như tôi nói, đổi chân mày, thêm bớt nốt ruồi, nâng cao hay hạ thấp gò má…để tướng được tốt, thì ai có điều kiện đi giải phẫu thẩm mỹ đều có thể thay đổi số phận? Chắc chắn là không.

Đến thẩm mỹ viện để làm đẹp thì đáng khuyến khích . Đến đó để xăm chân mày “tướng”, điểm thêm nốt ruồi tướng, ở trên mặt hay ở chỗ kín như đầu vú, vùng âm hộ để mình sinh quý tử cũng cần xem lại.

Nhưng thật ra, niềm tin về việc thay đổi “tướng” cho tốt hơn chính là động lực khiến người ta tự tin hơn. Nếu trên gương mặt mình có nốt ruồi đen nằm sát mí dưới, có người sẽ cho là xấu: tích lệ khấp phu (sát chồng hay chồng chết) nếu là phụ nữ. Đàn ông sẽ tích lệ khấp thê: chết vợ hay sát vợ. Tôi thấy nhiều người có nốt ruồi ở vị trí đó và thật trớ trêu họ sống vẫn phây phây hạnh phúc, có người gần 90 tuổi. Đâu có tích lệ khóc ai đâu.

Nhưng nếu tẩy nốt ruồi ấy đi để khỏi bị ám ảnh mình có số sát phu, sát phụ, thì tốt quá đi chứ: tạo sự tự tin.

Nói tóm lại, làm chân mày đẹp hơn, thanh tú hơn, dễ thương hơn thì rất tốt. Đừng vì “phong thủy “( từ sai hoàn toàn) mà sửa chân mày, tốn tiền, có khi gây hại; chân mày cần phù hợp với gương mặt. Khi sinh ra, mọi cái trên gương mặt con người đều rất hài hoà. Quá tin “phong thuỷ “ rồi chỉnh sửa gương mặt quá nhiều, quý cô vô tình làm mất đi cái hài hoà vốn có của trời ban.

Thẩm mỹ để tạo cái đẹp và sự tự tin. Không vì mê tín mà sa đà vào thẩm mỹ. Giải phẫu thấm mỹ không phải là an toàn tuyệt đối.

Sunday, October 20, 2024

DẠY THÊM, HỌC THÊM: Vấn nạn ở Việt nam.

Chúng ta đặt câu hỏi:

- Vì sao phải học thêm?

- Chương trình học chính thống không đáp ứng nhu cầu học hỏi của học sinh?

- Nội dung chương trình học hiện nay đối với học sinh là vừa phải hay ‘quá tải’?

- Dạy thêm để cải thiện mức sống giáo viên?

- Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành không giúp học sinh phát huy năng lực bản thân?

• Học thêm, thực ra đã có tự ngàn xưa. Học thêm dành cho những học không đuổi kịp chương trình. Học thêm cần thiết cho những học sinh nâng cao môn học mình yêu thích. Đây là ý nghĩa của học thêm.

• Học thêm vì học chính thống không đáp ứng nhu cầu học hỏi của học sinh là hết sức vô lý. Vậy, nhà trường lập ra để làm gì?

• Học sinh chỉ học nâng cao khi chương trình nhà trường nhẹ nhàng và không hề quá sức, ta hay gọi là “quá tải”. Có ai không than vãn chương trình học hiện nay không quá tải? Tổ chức học thêm không gây nặng gánh lên vai học sinh, thầy cô, người quản lý?

• Dạy thêm không hề “nâng cao” mức sống của…mọi giáo viên. Lý do: Không phải thầy cô nào cũng có điều kiện dạy thêm.

• Chương trình học hiện nay “không giúp học sinh phát huy năng lực bản thân”, thì duy trì nó làm gì? Tại sao không đổi mới, ngắn gọn hơn, tiến bộ hơn, khoa học hơn? Các nước tân tiến trên thế giới có chủ trương dạy thêm bên cạnh dạy chính thống? Hay họ để việc học thêm, dạy thêm cho xã hội lo? Ở VN, tại sao bộ giáo dục lại phải cưu mang lĩnh vực dạy thêm? Nhiệm vụ quản lý giáo dục hiện nay của họ không “nặng nề” sao?

Theo tôi, dạy thêm và học thêm là nhu cầu có thật, hãy để cho nhu cầu ấy phát triển tự nhiên. Nhà trường không nên dài tay quản lý. Vì là hoạt động ngoài nhà trường, việc quản lý sẽ thuộc về chính quyền sở tại. Bù đầu công việc nhà trường, ông hiệu trưởng không thể quản những việc làm của giáo viên ngoài giờ hành chánh (dạy học ở nhà trường).

Nhà trường chỉ có thể tổ chức dạy thêm (miễn phí hay tự nguyện của giáo viên – càng tốt) một số em không theo kịp bạn trong lớp). Số này có lẽ rất ít. Nhưng nếu số này nhiều, nhà trường nên xem lại chất lượng dạy của thầy hoặc sức học của trò. Lên lớp do năng lực hay vì chạy theo thành tích: Không có học sinh lưu ban?

Đọc bản dự thảo THÔNG TƯ quy định dạy thêm, học thêm của bộ giáo dục, tôi có cảm tưởng sẽ có thêm một chương trình giáo dục song song với chương trình giáo dục chính thống hiện hành trong nhà trường. Công việc dạy thêm, học thêm cũng bài bản ra phết.

Ở trường:

“Tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) việc dạy thêm, học thêm…”. (Điều 4 điểm 1). “Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm…” (Điều 4, điểm 2). “Nhà trường công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm…” (Điều 4, điểm 3). “Hiệu trưởng căn cứ nguyện vọng của học sinh xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm (xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu theo từng môn học ở mỗi khối lớp) (Điều 4, điểm 4).

Ở ngoài:

Nếu là giáo viên ở trường muốn dạy ở ngoài thì phải “Báo cáo Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao…” (Điều 5, điểm 2, mục a). Nếu có dạy thêm học sinh của mình ở trường thì giáo viên phải báo với hiệu trưởng “danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) (mục b). Nếu hiệu trưởng muốn dạy thêm thì phải xin “thủ trưởng” của mình như trưởng phòng giáo dục hay sở giáo dục. (Tội nghiệp cho hiệu trưởng, nghèo đến nổi phải…dạy thêm).

Qua những quy định, tôi thấy vai trò của hiệu trưởng quyền lớn ngút ngàn trong việc “điều hành” dạy thêm và học thêm. Có quyền cao sẽ đẻ ra nhũng lạm. Đó là quy luật. Hãy để các vị hiệu trưởng làm tròn bổn phận của họ trong nhà trường. Bên ngoài, hãy để cho nhà chức trách. Có như thế, nhà trường mới toàn tâm toàn ý trong vấn đề giáo dục.

Nói thêm chỗ này: Có một câu quy định ngắn nhưng tôi thấy là quan trọng, cũng ở mục b này: “…cam kết (với hiệu trưởng) không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm”.

Thông thường, dạy thêm, học sinh đang dạy ở trường sẽ là “mục tiêu” nhắm tới của bất cứ ai được nhà nước cho phép dạy thêm. Thấy có “vấn đề” nên thông tư có nhắc tới hai từ “ép buộc” đối với học sinh. Không. Không bao giờ thầy ép buộc học trò mình học thêm.

Nhưng, giống như trước đây, nông dân đều “tự nguyện” làm đơn xin vào hợp tác xã nông nghiệp, học sinh giáo viên đang dạy ở trường chắc chắn (100%) sẽ tự nguyện học thêm. Cha mẹ sẽ “chú tâm” điều này. Trong huyết quản của phụ huynh luôn chảy câu “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”. Học trò giỏi cũng cần phải học thêm cùng với học trò kém. Không thiếu trường hợp học sinh có lực học tập không đạt hạng khá giỏi vì không chịu học thêm với giáo viên dạy mình ở nhà trường. Từ đây, đẻ thêm tệ trạng: dạy thêm và học thêm “lệch lạc”.

Nhưng không phải ai cũng dạy thêm. Người dạy thêm có thu nhập khá nhờ “học trò của mình” sẽ khiến những thầy cô không dạy thêm tâm tư, suy nghĩ. Tốt hơn, học sinh không nên học thêm lớp dạy thêm nếu giáo viên đang dạy học ở trường. Điều này giúp người dạy thêm không mang tiếng “ép buộc” (vô hình) như thông tư lo ngại.

Học sinh các nước tiên tiến có học thêm không? Tôi nghĩ là có. Họ học ở các trung tâm hẳn hoi. Cũng có người “thuê” riêng thầy để học thêm những môn học họ yêu thích.

Riêng ở Phần Lan – nơi tôi có cháu nội ngoại đang học – không có học thêm và dạy thêm. Nhà trường đầu tư hầu như đầy đủ phương tiện phát huy năng lực học sinh từ bé. Các cháu “chơi” nhiều hơn “học”. Đi đón cháu mẫu giáo tôi thấy học sinh ra chơi rất lâu. Các cô giáo đứng quanh sân trường quan sát.

Học thêm không có nhưng học trước là không được. Cháu tôi rất “giỏi toán” trong lớp vì nó học trước ở VN. Cô giáo gửi mail yêu cầu phụ huynh không “tự tiện” dạy trước môn toán cho cháu. Con tôi giải thích lý do. Họ bằng lòng giả thích và nói thêm “Chúng tôi dạy cháu học toán theo phương pháp nhà trường: Cần suy nghĩ chứ không cần đáp án”. Dĩ nhiên, giáo dục mỗi nước mỗi khác. Ta không bì họ nhưng tôi muốn nói học thêm không hẳn là thượng sách.

Để kết thúc bài viết, tôi xin nhắc lại: Nhà trường không nên tổ chức dạy thêm trong trường trừ những lớp phụ đạo học sinh yếu. Hãy để xã hội giải quyết việc dạy thêm, học thêm. Nhà chức trách sẽ hiểu họ sẽ phải làm gì để dạy thêm, học thêm không phải là bận tâm lớn, bận tâm chính, của ngành giáo dục.

Có một điểm làm cho dạy thêm, học thêm thành điểm nóng xã hội: Đó là do chạy theo thành tích. Nếu bỏ được việc phân hạng học sinh ở bậc trung học thì “vấn nạn” dạy thêm học thêm sẽ không còn. Người ta chỉ học thêm để nâng cao môn học nào đó. Đây là nguyện vọng chính đáng. Dạy thêm, học thêm sẽ không tràn lan khi việc dạy thêm và học thêm đi đúng hướng. Bỏ phân hạng (giỏi, khá, trung bình, kém) không có nghĩa là bỏ chấm điểm. Điểm thể hiện việc học của học sinh chỉ có cha mẹ, thầy cô, và bản thân học trò ấy biết như một số nước thực hiện.

Háo danh, chạy theo thành tích, nặng hình thức, khiến mọi người (phụ huynh và học sinh) ai cũng muốn tiếng “giỏi, khá” sẽ đẩy giáo dục vào nỗi lo không chính đáng. Thầy cô nào không muốn học trò họ giỏi? Tại sao phải lấy thành tích học sinh để đánh giá thầy cô? Mà thành tích ấy có thật hay ảo? Tại sao xã hội lại chuộng ảo hơn thật? Hay ảo là cái người ta mơ ước để thỏa lòng ước mơ?

Kết luận của tôi: Khi nền giáo dục Việt Nam hoàn chỉnh thì việc học thêm, dạy thêm cũng chẳng cần.

Ảnh: Có thật sự giáo viên phải đi bán hàng, làm cò đất?

Wednesday, October 16, 2024

ELON MUSK VÀ NƯỚC MỸ

Thế giới vừa chứng kiến một tiến bộ vượt bậc của loài người: Thu hồi thành công tên lửa Super Heavy khi nó trở về trái đất trước sự “kinh hoàng” và thán phục của hàng tỷ người trên trái đất. 55 năm trước, phi hành gia người Mỹ - Neil Armstrong-   tuyên bố một câu nổi tiếng khi lần đầu tiên đi bộ trên mặt trăng: “Đây là một bước nhỏ đối với con người, (nhưng là) một bước tiến vĩ đại đối với nhân loại. ("That's one small step for man, one giant leap for mankind").

Hàng chục phát minh của nước Mỹ làm thay đổi diện mạo thế giới. Năm 1960, họ “phát minh” ra Internet. Hai chục năm sau thế giới mới được sử dụng thành quả ấy qua thương mại. Giải thưởng danh giá nhất hành tinh, người đoạt giải đa phần từ nước Mỹ. Năm 2024, có ba người Mỹ đoạt giải Nobel kinh tế. Họ nổi tiếng với nhận xét “Thể chế chính trị ảnh hưởng đến nền tảng đạo đức và sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia”.

Không dám nói “vĩ mô”, tôi chỉ nói “vi mô” về một câu chuyện có thể minh chứng nhận định của ba “ông nội” chuyên về kinh tế này là… “có cơ sở”.

Không người nông dân miền Nam nào không có ký ức “nhớ đời” về hợp tác xã nông nghiệp những năm sau ngày “giải phóng”.

Không rõ cái thể chế của ba nhà kinh tế nói tới có phải là thể chế bao gồm chính quyền xã, huyện, tỉnh…hay không. Nhưng ở mỗi xã, phương thức sản xuất “xã hội chủ nghĩa” tiên tiến nhất có lẽ là…hợp tác hóa nông nghiệp.

Từ chỗ lúa gạo ăn không hết -  dù thời điểm trước và sau ngày thống nhất, năng suất lúa không cao- đến chỗ đói “rã ruột” khi hợp tác ngày càng “khí thế” đi lên. Xã viên hợp tác xã thiếu ăn. Cán bộ công nhân viên chức cũng đâu khá hơn. Phần ăn của họ có bo bo “hợp tác’ mới có thể đủ suất ăn mười mấy ký mỗi tháng. Như vậy, cái “thể chế” hợp tác xã này làm cho mức sống người dân đi xuống.

Nhưng cái đáng nói hơn, “thể chế” hợp tác xã ấy làm cho đạo đức làng quê đi xuống thấy rõ.

Khi làm cho ruộng của mình (như sau ngày “đổi mới”- ruộng về tay họ), người nông dân rất tận tâm, nhiệt huyết. Khi làm hợp tác  thì hỡi ôi, lãng công, đãi công, làm dối, ăn cắp, làm qua loa lấy lệ…trở nên phổ biến và “đều khắp” hợp tác. Từng làm việc cho hợp tác xã, tôi chứng kiến nhiều chuyện “đau lòng”, xảy ra cũng vì cái “thể chế” hợp tác ấy.

Xã viên đi cấy lúa sẽ  ăn điểm theo diện tích. Ví dụ, một sào là 100 điểm; mỗi ngày công là 10 điểm. Vì chạy theo số lượng, thay vì bụi lúa cấy cách nhau 10 cm, người ta cấy giãn ra trên 20 cm, cho mau  hết điện tích. Tất nhiên, sát bờ, lúa cấy đúng “kỹ thuật”. Cán bộ sẽ đi trên bờ để nghiệm thu. Và ở gần giữa ruộng, việc kiểm tra mật độ cấy không thể: lúa cấy xong, lội xuống gốc lúa sẽ trồi lên, không đứng vững. Làm cỏ cũng theo “phương sách” cấy lúa. Sát bờ làm sạch, xa bờ chỉ sục cho bùn nổi chứ không cây cỏ con nào bị trốc gốc.

Khi gặt, không suy nghĩ, người ta vẫn biết năng suất thấp và lúa thu không đạt yêu cầu. Điểm làm thì nhiều nhưng lượng lúa chia cho công điểm chẳng là bao. Có mùa, ngày công chưa tới 7 lạng.

Đó là chưa kể bón phân cho ruộng. Nhà nhà đều làm phân xanh, phân Bắc, phân tro. Thư ký đội sản xuất sẽ cân phân và ghi sổ lượng, rồi quy ra điểm. Phân càng nhiều điểm càng cao. Thế là, phân được trộn thêm đất cho nặng ký. Đâu có phòng thí nghiệm để tính tỷ lệ đất cát chiếm bao nhiêu trong phân mà…trừ hao hụt. Cánh đồng ruộng rộng mênh mông. Không cán bộ nào đủ sức để đi theo từng người mà “chỉ đạo” đổ những đám ruộng nào, ở đâu, ngoài “lệnh miệng”, gánh phân này chị rải vào đám Gò Mùn nhá. Gánh này bà rải vào đám Bằng Lăng nghe…Và phân rải vào đâu, rải bao nhiêu, chỗ nào trên ruộng, chỉ có Trời mới biết. Có khi ổng biết cũng mù. Hàng trăm xã viên gánh phân đi rải ruộng tám phương tứ hướng. Trời giỏi lắm cũng chỉ có hai mắt mà thôi!

Nhưng cái thiếu, cái đói khi thực hiện “thể chế” hợp tác xã ấy không những khiến con người trở nên không trung thực mà nó còn đẻ ra tính…trộm cắp.

Của chung không ai xót. Cha chung không ai khóc. Thu hoạch lúa chính là lúc nạn trộm cắp xảy ra. Thật ra thì chẳng nên gọi là “nạn”. Người lao động chỉ xúc trộm chừng năm bảy lạng, mỗi ngày một lần, trên đường gánh lúa chuyển về kho hợp tác. Những vật dụng như can đựng nước, bi đông, thậm chí ống quần dài (phần dưới), đều là nơi cất giữ “của phi pháp”. Cán bộ đội biết không? Họ biết rất rõ. Và họ làm như không biết. Của hợp tác mà. Họ cũng biết người lấy cắp có cả người nhà của mình.

Nhà nước không thu nhiều lúa. Người nông dân không đủ lúa để ăn. Việc ăn cắp nhỏ ấy xảy ra mùa này sang mùa khác, năm này sang năm khác. Và ai cũng thấy chuyện lấy cắp ấy rất tự nhiên. Ai không “nhon” một ít của chung; tất cả cũng  vì đói.

Sự thịnh vượng quốc gia phụ thuộc vào thể chế. Tôi thấy đúng quá. So sánh hai thể chế chính trị Nam Hàn và Bắc Hàn, chúng ta thấy rất rõ. Một bên dân chúng sung túc. Một bên dân chúng nghèo khổ; có năm phải xin cứu tế.

Nhưng đạo đức cũng phụ thuộc thể chế nữa sao?

Hai chữ thể chế rất là “nhạy cảm”. Thể chế làm người ta liên tưởng đến chế độ dù thể chế không hẳn là chế độ. Cái thể chế của Singapore giúp cho nước họ bài trừ thành công nạn tham nhũng. Lúc mới hình thành quốc gia, nạn tham nhũng ở cái xứ bé con này cũng “dữ trời thần”. Người Hoa mà. Nhờ thể chế (hay cơ chế gì đấy), đất nước sư tử này được tiếng trong sạch trong bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng hằng năm.

Nói gần, nói xa, không qua nói thật. Chế độ (hay thể chế) chúng ta hiện nay thế nào? Tôi nghĩ là vững hơn bàn thạch. Nhưng thấy một số lãnh đạo “thôi giữ chức”, một cách đột ngột, những vị trí trọng trách của quốc gia, tôi có mối hồ nghi. Và tôi muốn hỏi tại sao, nhiều vị trẻ tuổi, học thức cao, được đào tạo bài bản, niềm hy vọng tràn trề của quốc gia, lại bỗng dưng…thôi giữ những vị trí dẫn dắt đất nước? Có vấn đề gì về đạo đức ở các vị ấy không? Hay là nhận xét của ba nhà kinh tế mà tôi trích dẫn ở trên là có lý?

Có một điều tôi đưa ra đây để chúng ta bình luận.

Người Việt Nam nhưng ở các nước tiên tiến lại có cơ hội phát triển hơn ở quê nhà. Có phải vì thể chế khác nhau? Tôi chưa dám khẳng định. Nhưng tôi có thể khẳng định: Người Việt ở ngoài nước (ta hay gọi là Việt kiều- hai từ có vẻ không ổn lắm) thành công rất nổi trội trong bình diện khoa học, kỹ thuật, y tế, tôi chưa nói tới các lĩnh vực khác.

Nếu Ngô Bảo Châu không rời Hà Nội liệu ông ta có đoạt giải “Nobel” về toán học (Fields) không? Đặng Thái Sơn có nổi tiếng không nếu không được đào tạo piano tại Liên Xô? Có người cho rằng ta không có điều kiện bằng các nước ấy. Đúng. Nhưng tại sao Châu không phải là người Hàn; Sơn không phải người Nhật?

Nhiều người theo dõi thời sự đều biết:

- Khoa học gia thuộc cơ quan NASA, ông Nguyễn Xuân Vinh, đã vạch quỹ đạo cho những phi thuyền Apollo của Mỹ lên được mặt trăng nhờ luận án về tính toán quỹ đạo tối ưu.

- Bà Dương Nguyệt Ánh (1960) giám đốc khoa học và kỹ thuật của Indian Head Division thuộc Trung tâm vũ khí hải quân Hoa Kỳ, chế tạo hàng chục loại chất nổ vũ khí, nổi tiếng nhất là bom áp nhiệt (thermobaric bomb), đánh sập hang ổ quân khủng bố Bin Laden ở Afghanistan, chỉ sau 45 ngày nghiên cứu.

- -Bà Giao Phan, nữ tổng giám đốc người Việt điều hành đóng hàng không mẫu hạm hiện đại nhất thế giới, trong đó có chiếc USS Gerald Ford nổi tiếng.

- Ở Cộng hòa Liên bang Đức có một vị cựu phó thủ tướng cũng gốc người Việt,  Philipp Rösler. Nghĩ vui. Ở VN, nếu tìm một chủ tịch xã, chưa chắc ai dám chọn anh ta.

-

Ở  Mỹ có khoảng khoảng hơn 280 nhà phát minh người Mỹ gốc Việt được cấp bằng sáng chế của Mỹ. Tiêu biểu là tiến sĩ Đoàn Trung của Tập đoàn Micron có tới 72 bằng sáng chế. Về y tế, trung bình cứ 1.000 người dân Mỹ gốc Việt có 3,5 bác sĩ. Tiến sĩ Nghiêm Đại Đạo - người tham gia vào một số sáng kiến cấy ghép dịch tụy cho những bệnh nhân đái tháo đường. Giáo sư Nguyễn Hữu Xương, người có phát minh nổi tiếng đóng góp rất nhiều cho việc nghiên cứu cấu trúc protein trong chữa trị căn bệnh ung thư.

Nếu không ở một thể chế chính trị như Mỹ, liệu những người Việt Nam có đạt những thành tựu to lớn như thế không?

Thấy nhà văn Hàn đoạt giải Nobel văn chương nhiều người Việt thầm trách cho Việt Nam. Người Việt thua sút về trí thông minh hơn người Triều Tiên? Không chắc. Tại sao những nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ, số người gốc Việt chiếm ưu thế nhiều hơn người Hàn?

Tại sao ở miền Nam, có người Hàn chế tạo những thứ nổi tiếng thế giới (Samsung, Hyundai) cho người ta sống để hưởng thụ…thì ở miền Bắc, người Hàn lại chuyên chú chế tạo bom, hỏa tiễn, tàu ngầm… để mong muốn chiến tranh cho người ta chết?

Ước chi, một ngày nào đó, người Việt trong nước cũng đóng góp cho nhân loại, không khác chi những người Việt nước ngoài. Và câu nói của ba nhà kinh tế này chẳng làm cho chúng ta phải nhức đầu suy gẫm: “Thể chế chính trị ảnh hưởng đến nền tảng đạo đức và sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia”.

Khi đó, Elon Musk sẽ chẳng còn khoe khoang mình thành công  nhờ sinh ra ở Mỹ.