Wednesday, October 16, 2024

ELON MUSK VÀ NƯỚC MỸ

Thế giới vừa chứng kiến một tiến bộ vượt bậc của loài người: Thu hồi thành công tên lửa Super Heavy khi nó trở về trái đất trước sự “kinh hoàng” và thán phục của hàng tỷ người trên trái đất. 55 năm trước, phi hành gia người Mỹ - Neil Armstrong-   tuyên bố một câu nổi tiếng khi lần đầu tiên đi bộ trên mặt trăng: “Đây là một bước nhỏ đối với con người, (nhưng là) một bước tiến vĩ đại đối với nhân loại. ("That's one small step for man, one giant leap for mankind").

Hàng chục phát minh của nước Mỹ làm thay đổi diện mạo thế giới. Năm 1960, họ “phát minh” ra Internet. Hai chục năm sau thế giới mới được sử dụng thành quả ấy qua thương mại. Giải thưởng danh giá nhất hành tinh, người đoạt giải đa phần từ nước Mỹ. Năm 2024, có ba người Mỹ đoạt giải Nobel kinh tế. Họ nổi tiếng với nhận xét “Thể chế chính trị ảnh hưởng đến nền tảng đạo đức và sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia”.

Không dám nói “vĩ mô”, tôi chỉ nói “vi mô” về một câu chuyện có thể minh chứng nhận định của ba “ông nội” chuyên về kinh tế này là… “có cơ sở”.

Không người nông dân miền Nam nào không có ký ức “nhớ đời” về hợp tác xã nông nghiệp những năm sau ngày “giải phóng”.

Không rõ cái thể chế của ba nhà kinh tế nói tới có phải là thể chế bao gồm chính quyền xã, huyện, tỉnh…hay không. Nhưng ở mỗi xã, phương thức sản xuất “xã hội chủ nghĩa” tiên tiến nhất có lẽ là…hợp tác hóa nông nghiệp.

Từ chỗ lúa gạo ăn không hết -  dù thời điểm trước và sau ngày thống nhất, năng suất lúa không cao- đến chỗ đói “rã ruột” khi hợp tác ngày càng “khí thế” đi lên. Xã viên hợp tác xã thiếu ăn. Cán bộ công nhân viên chức cũng đâu khá hơn. Phần ăn của họ có bo bo “hợp tác’ mới có thể đủ suất ăn mười mấy ký mỗi tháng. Như vậy, cái “thể chế” hợp tác xã này làm cho mức sống người dân đi xuống.

Nhưng cái đáng nói hơn, “thể chế” hợp tác xã ấy làm cho đạo đức làng quê đi xuống thấy rõ.

Khi làm cho ruộng của mình (như sau ngày “đổi mới”- ruộng về tay họ), người nông dân rất tận tâm, nhiệt huyết. Khi làm hợp tác  thì hỡi ôi, lãng công, đãi công, làm dối, ăn cắp, làm qua loa lấy lệ…trở nên phổ biến và “đều khắp” hợp tác. Từng làm việc cho hợp tác xã, tôi chứng kiến nhiều chuyện “đau lòng”, xảy ra cũng vì cái “thể chế” hợp tác ấy.

Xã viên đi cấy lúa sẽ  ăn điểm theo diện tích. Ví dụ, một sào là 100 điểm; mỗi ngày công là 10 điểm. Vì chạy theo số lượng, thay vì bụi lúa cấy cách nhau 10 cm, người ta cấy giãn ra trên 20 cm, cho mau  hết điện tích. Tất nhiên, sát bờ, lúa cấy đúng “kỹ thuật”. Cán bộ sẽ đi trên bờ để nghiệm thu. Và ở gần giữa ruộng, việc kiểm tra mật độ cấy không thể: lúa cấy xong, lội xuống gốc lúa sẽ trồi lên, không đứng vững. Làm cỏ cũng theo “phương sách” cấy lúa. Sát bờ làm sạch, xa bờ chỉ sục cho bùn nổi chứ không cây cỏ con nào bị trốc gốc.

Khi gặt, không suy nghĩ, người ta vẫn biết năng suất thấp và lúa thu không đạt yêu cầu. Điểm làm thì nhiều nhưng lượng lúa chia cho công điểm chẳng là bao. Có mùa, ngày công chưa tới 7 lạng.

Đó là chưa kể bón phân cho ruộng. Nhà nhà đều làm phân xanh, phân Bắc, phân tro. Thư ký đội sản xuất sẽ cân phân và ghi sổ lượng, rồi quy ra điểm. Phân càng nhiều điểm càng cao. Thế là, phân được trộn thêm đất cho nặng ký. Đâu có phòng thí nghiệm để tính tỷ lệ đất cát chiếm bao nhiêu trong phân mà…trừ hao hụt. Cánh đồng ruộng rộng mênh mông. Không cán bộ nào đủ sức để đi theo từng người mà “chỉ đạo” đổ những đám ruộng nào, ở đâu, ngoài “lệnh miệng”, gánh phân này chị rải vào đám Gò Mùn nhá. Gánh này bà rải vào đám Bằng Lăng nghe…Và phân rải vào đâu, rải bao nhiêu, chỗ nào trên ruộng, chỉ có Trời mới biết. Có khi ổng biết cũng mù. Hàng trăm xã viên gánh phân đi rải ruộng tám phương tứ hướng. Trời giỏi lắm cũng chỉ có hai mắt mà thôi!

Nhưng cái thiếu, cái đói khi thực hiện “thể chế” hợp tác xã ấy không những khiến con người trở nên không trung thực mà nó còn đẻ ra tính…trộm cắp.

Của chung không ai xót. Cha chung không ai khóc. Thu hoạch lúa chính là lúc nạn trộm cắp xảy ra. Thật ra thì chẳng nên gọi là “nạn”. Người lao động chỉ xúc trộm chừng năm bảy lạng, mỗi ngày một lần, trên đường gánh lúa chuyển về kho hợp tác. Những vật dụng như can đựng nước, bi đông, thậm chí ống quần dài (phần dưới), đều là nơi cất giữ “của phi pháp”. Cán bộ đội biết không? Họ biết rất rõ. Và họ làm như không biết. Của hợp tác mà. Họ cũng biết người lấy cắp có cả người nhà của mình.

Nhà nước không thu nhiều lúa. Người nông dân không đủ lúa để ăn. Việc ăn cắp nhỏ ấy xảy ra mùa này sang mùa khác, năm này sang năm khác. Và ai cũng thấy chuyện lấy cắp ấy rất tự nhiên. Ai không “nhon” một ít của chung; tất cả cũng  vì đói.

Sự thịnh vượng quốc gia phụ thuộc vào thể chế. Tôi thấy đúng quá. So sánh hai thể chế chính trị Nam Hàn và Bắc Hàn, chúng ta thấy rất rõ. Một bên dân chúng sung túc. Một bên dân chúng nghèo khổ; có năm phải xin cứu tế.

Nhưng đạo đức cũng phụ thuộc thể chế nữa sao?

Hai chữ thể chế rất là “nhạy cảm”. Thể chế làm người ta liên tưởng đến chế độ dù thể chế không hẳn là chế độ. Cái thể chế của Singapore giúp cho nước họ bài trừ thành công nạn tham nhũng. Lúc mới hình thành quốc gia, nạn tham nhũng ở cái xứ bé con này cũng “dữ trời thần”. Người Hoa mà. Nhờ thể chế (hay cơ chế gì đấy), đất nước sư tử này được tiếng trong sạch trong bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng hằng năm.

Nói gần, nói xa, không qua nói thật. Chế độ (hay thể chế) chúng ta hiện nay thế nào? Tôi nghĩ là vững hơn bàn thạch. Nhưng thấy một số lãnh đạo “thôi giữ chức”, một cách đột ngột, những vị trí trọng trách của quốc gia, tôi có mối hồ nghi. Và tôi muốn hỏi tại sao, nhiều vị trẻ tuổi, học thức cao, được đào tạo bài bản, niềm hy vọng tràn trề của quốc gia, lại bỗng dưng…thôi giữ những vị trí dẫn dắt đất nước? Có vấn đề gì về đạo đức ở các vị ấy không? Hay là nhận xét của ba nhà kinh tế mà tôi trích dẫn ở trên là có lý?

Có một điều tôi đưa ra đây để chúng ta bình luận.

Người Việt Nam nhưng ở các nước tiên tiến lại có cơ hội phát triển hơn ở quê nhà. Có phải vì thể chế khác nhau? Tôi chưa dám khẳng định. Nhưng tôi có thể khẳng định: Người Việt ở ngoài nước (ta hay gọi là Việt kiều- hai từ có vẻ không ổn lắm) thành công rất nổi trội trong bình diện khoa học, kỹ thuật, y tế, tôi chưa nói tới các lĩnh vực khác.

Nếu Ngô Bảo Châu không rời Hà Nội liệu ông ta có đoạt giải “Nobel” về toán học (Fields) không? Đặng Thái Sơn có nổi tiếng không nếu không được đào tạo piano tại Liên Xô? Có người cho rằng ta không có điều kiện bằng các nước ấy. Đúng. Nhưng tại sao Châu không phải là người Hàn; Sơn không phải người Nhật?

Nhiều người theo dõi thời sự đều biết:

- Khoa học gia thuộc cơ quan NASA, ông Nguyễn Xuân Vinh, đã vạch quỹ đạo cho những phi thuyền Apollo của Mỹ lên được mặt trăng nhờ luận án về tính toán quỹ đạo tối ưu.

- Bà Dương Nguyệt Ánh (1960) giám đốc khoa học và kỹ thuật của Indian Head Division thuộc Trung tâm vũ khí hải quân Hoa Kỳ, chế tạo hàng chục loại chất nổ vũ khí, nổi tiếng nhất là bom áp nhiệt (thermobaric bomb), đánh sập hang ổ quân khủng bố Bin Laden ở Afghanistan, chỉ sau 45 ngày nghiên cứu.

- -Bà Giao Phan, nữ tổng giám đốc người Việt điều hành đóng hàng không mẫu hạm hiện đại nhất thế giới, trong đó có chiếc USS Gerald Ford nổi tiếng.

- Ở Cộng hòa Liên bang Đức có một vị cựu phó thủ tướng cũng gốc người Việt,  Philipp Rösler. Nghĩ vui. Ở VN, nếu tìm một chủ tịch xã, chưa chắc ai dám chọn anh ta.

-

Ở  Mỹ có khoảng khoảng hơn 280 nhà phát minh người Mỹ gốc Việt được cấp bằng sáng chế của Mỹ. Tiêu biểu là tiến sĩ Đoàn Trung của Tập đoàn Micron có tới 72 bằng sáng chế. Về y tế, trung bình cứ 1.000 người dân Mỹ gốc Việt có 3,5 bác sĩ. Tiến sĩ Nghiêm Đại Đạo - người tham gia vào một số sáng kiến cấy ghép dịch tụy cho những bệnh nhân đái tháo đường. Giáo sư Nguyễn Hữu Xương, người có phát minh nổi tiếng đóng góp rất nhiều cho việc nghiên cứu cấu trúc protein trong chữa trị căn bệnh ung thư.

Nếu không ở một thể chế chính trị như Mỹ, liệu những người Việt Nam có đạt những thành tựu to lớn như thế không?

Thấy nhà văn Hàn đoạt giải Nobel văn chương nhiều người Việt thầm trách cho Việt Nam. Người Việt thua sút về trí thông minh hơn người Triều Tiên? Không chắc. Tại sao những nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ, số người gốc Việt chiếm ưu thế nhiều hơn người Hàn?

Tại sao ở miền Nam, có người Hàn chế tạo những thứ nổi tiếng thế giới (Samsung, Hyundai) cho người ta sống để hưởng thụ…thì ở miền Bắc, người Hàn lại chuyên chú chế tạo bom, hỏa tiễn, tàu ngầm… để mong muốn chiến tranh cho người ta chết?

Ước chi, một ngày nào đó, người Việt trong nước cũng đóng góp cho nhân loại, không khác chi những người Việt nước ngoài. Và câu nói của ba nhà kinh tế này chẳng làm cho chúng ta phải nhức đầu suy gẫm: “Thể chế chính trị ảnh hưởng đến nền tảng đạo đức và sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia”.

Khi đó, Elon Musk sẽ chẳng còn khoe khoang mình thành công  nhờ sinh ra ở Mỹ.