Sunday, October 20, 2024

DẠY THÊM, HỌC THÊM: Vấn nạn ở Việt nam.

Chúng ta đặt câu hỏi:

- Vì sao phải học thêm?

- Chương trình học chính thống không đáp ứng nhu cầu học hỏi của học sinh?

- Nội dung chương trình học hiện nay đối với học sinh là vừa phải hay ‘quá tải’?

- Dạy thêm để cải thiện mức sống giáo viên?

- Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành không giúp học sinh phát huy năng lực bản thân?

• Học thêm, thực ra đã có tự ngàn xưa. Học thêm dành cho những học không đuổi kịp chương trình. Học thêm cần thiết cho những học sinh nâng cao môn học mình yêu thích. Đây là ý nghĩa của học thêm.

• Học thêm vì học chính thống không đáp ứng nhu cầu học hỏi của học sinh là hết sức vô lý. Vậy, nhà trường lập ra để làm gì?

• Học sinh chỉ học nâng cao khi chương trình nhà trường nhẹ nhàng và không hề quá sức, ta hay gọi là “quá tải”. Có ai không than vãn chương trình học hiện nay không quá tải? Tổ chức học thêm không gây nặng gánh lên vai học sinh, thầy cô, người quản lý?

• Dạy thêm không hề “nâng cao” mức sống của…mọi giáo viên. Lý do: Không phải thầy cô nào cũng có điều kiện dạy thêm.

• Chương trình học hiện nay “không giúp học sinh phát huy năng lực bản thân”, thì duy trì nó làm gì? Tại sao không đổi mới, ngắn gọn hơn, tiến bộ hơn, khoa học hơn? Các nước tân tiến trên thế giới có chủ trương dạy thêm bên cạnh dạy chính thống? Hay họ để việc học thêm, dạy thêm cho xã hội lo? Ở VN, tại sao bộ giáo dục lại phải cưu mang lĩnh vực dạy thêm? Nhiệm vụ quản lý giáo dục hiện nay của họ không “nặng nề” sao?

Theo tôi, dạy thêm và học thêm là nhu cầu có thật, hãy để cho nhu cầu ấy phát triển tự nhiên. Nhà trường không nên dài tay quản lý. Vì là hoạt động ngoài nhà trường, việc quản lý sẽ thuộc về chính quyền sở tại. Bù đầu công việc nhà trường, ông hiệu trưởng không thể quản những việc làm của giáo viên ngoài giờ hành chánh (dạy học ở nhà trường).

Nhà trường chỉ có thể tổ chức dạy thêm (miễn phí hay tự nguyện của giáo viên – càng tốt) một số em không theo kịp bạn trong lớp). Số này có lẽ rất ít. Nhưng nếu số này nhiều, nhà trường nên xem lại chất lượng dạy của thầy hoặc sức học của trò. Lên lớp do năng lực hay vì chạy theo thành tích: Không có học sinh lưu ban?

Đọc bản dự thảo THÔNG TƯ quy định dạy thêm, học thêm của bộ giáo dục, tôi có cảm tưởng sẽ có thêm một chương trình giáo dục song song với chương trình giáo dục chính thống hiện hành trong nhà trường. Công việc dạy thêm, học thêm cũng bài bản ra phết.

Ở trường:

“Tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) việc dạy thêm, học thêm…”. (Điều 4 điểm 1). “Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm…” (Điều 4, điểm 2). “Nhà trường công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm…” (Điều 4, điểm 3). “Hiệu trưởng căn cứ nguyện vọng của học sinh xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm (xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu theo từng môn học ở mỗi khối lớp) (Điều 4, điểm 4).

Ở ngoài:

Nếu là giáo viên ở trường muốn dạy ở ngoài thì phải “Báo cáo Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao…” (Điều 5, điểm 2, mục a). Nếu có dạy thêm học sinh của mình ở trường thì giáo viên phải báo với hiệu trưởng “danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) (mục b). Nếu hiệu trưởng muốn dạy thêm thì phải xin “thủ trưởng” của mình như trưởng phòng giáo dục hay sở giáo dục. (Tội nghiệp cho hiệu trưởng, nghèo đến nổi phải…dạy thêm).

Qua những quy định, tôi thấy vai trò của hiệu trưởng quyền lớn ngút ngàn trong việc “điều hành” dạy thêm và học thêm. Có quyền cao sẽ đẻ ra nhũng lạm. Đó là quy luật. Hãy để các vị hiệu trưởng làm tròn bổn phận của họ trong nhà trường. Bên ngoài, hãy để cho nhà chức trách. Có như thế, nhà trường mới toàn tâm toàn ý trong vấn đề giáo dục.

Nói thêm chỗ này: Có một câu quy định ngắn nhưng tôi thấy là quan trọng, cũng ở mục b này: “…cam kết (với hiệu trưởng) không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm”.

Thông thường, dạy thêm, học sinh đang dạy ở trường sẽ là “mục tiêu” nhắm tới của bất cứ ai được nhà nước cho phép dạy thêm. Thấy có “vấn đề” nên thông tư có nhắc tới hai từ “ép buộc” đối với học sinh. Không. Không bao giờ thầy ép buộc học trò mình học thêm.

Nhưng, giống như trước đây, nông dân đều “tự nguyện” làm đơn xin vào hợp tác xã nông nghiệp, học sinh giáo viên đang dạy ở trường chắc chắn (100%) sẽ tự nguyện học thêm. Cha mẹ sẽ “chú tâm” điều này. Trong huyết quản của phụ huynh luôn chảy câu “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”. Học trò giỏi cũng cần phải học thêm cùng với học trò kém. Không thiếu trường hợp học sinh có lực học tập không đạt hạng khá giỏi vì không chịu học thêm với giáo viên dạy mình ở nhà trường. Từ đây, đẻ thêm tệ trạng: dạy thêm và học thêm “lệch lạc”.

Nhưng không phải ai cũng dạy thêm. Người dạy thêm có thu nhập khá nhờ “học trò của mình” sẽ khiến những thầy cô không dạy thêm tâm tư, suy nghĩ. Tốt hơn, học sinh không nên học thêm lớp dạy thêm nếu giáo viên đang dạy học ở trường. Điều này giúp người dạy thêm không mang tiếng “ép buộc” (vô hình) như thông tư lo ngại.

Học sinh các nước tiên tiến có học thêm không? Tôi nghĩ là có. Họ học ở các trung tâm hẳn hoi. Cũng có người “thuê” riêng thầy để học thêm những môn học họ yêu thích.

Riêng ở Phần Lan – nơi tôi có cháu nội ngoại đang học – không có học thêm và dạy thêm. Nhà trường đầu tư hầu như đầy đủ phương tiện phát huy năng lực học sinh từ bé. Các cháu “chơi” nhiều hơn “học”. Đi đón cháu mẫu giáo tôi thấy học sinh ra chơi rất lâu. Các cô giáo đứng quanh sân trường quan sát.

Học thêm không có nhưng học trước là không được. Cháu tôi rất “giỏi toán” trong lớp vì nó học trước ở VN. Cô giáo gửi mail yêu cầu phụ huynh không “tự tiện” dạy trước môn toán cho cháu. Con tôi giải thích lý do. Họ bằng lòng giả thích và nói thêm “Chúng tôi dạy cháu học toán theo phương pháp nhà trường: Cần suy nghĩ chứ không cần đáp án”. Dĩ nhiên, giáo dục mỗi nước mỗi khác. Ta không bì họ nhưng tôi muốn nói học thêm không hẳn là thượng sách.

Để kết thúc bài viết, tôi xin nhắc lại: Nhà trường không nên tổ chức dạy thêm trong trường trừ những lớp phụ đạo học sinh yếu. Hãy để xã hội giải quyết việc dạy thêm, học thêm. Nhà chức trách sẽ hiểu họ sẽ phải làm gì để dạy thêm, học thêm không phải là bận tâm lớn, bận tâm chính, của ngành giáo dục.

Có một điểm làm cho dạy thêm, học thêm thành điểm nóng xã hội: Đó là do chạy theo thành tích. Nếu bỏ được việc phân hạng học sinh ở bậc trung học thì “vấn nạn” dạy thêm học thêm sẽ không còn. Người ta chỉ học thêm để nâng cao môn học nào đó. Đây là nguyện vọng chính đáng. Dạy thêm, học thêm sẽ không tràn lan khi việc dạy thêm và học thêm đi đúng hướng. Bỏ phân hạng (giỏi, khá, trung bình, kém) không có nghĩa là bỏ chấm điểm. Điểm thể hiện việc học của học sinh chỉ có cha mẹ, thầy cô, và bản thân học trò ấy biết như một số nước thực hiện.

Háo danh, chạy theo thành tích, nặng hình thức, khiến mọi người (phụ huynh và học sinh) ai cũng muốn tiếng “giỏi, khá” sẽ đẩy giáo dục vào nỗi lo không chính đáng. Thầy cô nào không muốn học trò họ giỏi? Tại sao phải lấy thành tích học sinh để đánh giá thầy cô? Mà thành tích ấy có thật hay ảo? Tại sao xã hội lại chuộng ảo hơn thật? Hay ảo là cái người ta mơ ước để thỏa lòng ước mơ?

Kết luận của tôi: Khi nền giáo dục Việt Nam hoàn chỉnh thì việc học thêm, dạy thêm cũng chẳng cần.

Ảnh: Có thật sự giáo viên phải đi bán hàng, làm cò đất?