Sunday, September 22, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 18 (Tiếp): ĐI BỘ

1*

Mỗi người tự chọn cho mình một cách thể dục phù hợp sức  khỏe và sự ưa thích. Đối với tôi, đi bộ là môn thể dục tôi bắt đầu khi gần qua già nửa cuộc đời, ở tuổi 40. Lúc đó, tôi có cảm giác sức khỏe cơ thể mình đang ở chu kỳ đi xuống.

 Thông tin về rèn luyện sức khỏe trên mạng ê hề. Vì ê hề nên không biết chỗ nào mà chọn. Tôi thấy mấy lợi ích này là có thật, bởi tôi đi  bộ 30 năm nay, trước cả lúc bị ung thư. Một tài liệu nói về lợi ích của đi bộ.

 Đi bộ thể dục rèn luyện sức khỏe: Tác dụng đầu tiên của việc tập thể dục đi bộ và cũng chính là mục tiêu khi tập đi bộ của mọi người đó chính là rèn luyện sức khỏe.

 Đi bộ cải thiện sức khỏe tim mạch: Đi bộ thúc đẩy quá trình vận động của cơ thể, tăng cường khả năng hấp thụ oxy và lưu thông máu tốt nhất và cung cấp máu đến các cơ quan trong cơ thể. Đi bộ tập thể dục đều đặn mỗi ngày giúp cải thiện khả năng của hệ tim mạch ổn định hơn.

 Rèn luyện xương khớp nhờ đi bộ mỗi ngày: Đi bộ tuy là hình thức vận độngnhẹ nhàng trong các bộ môn thể thao tuy nhiên có tác dụng rất tốt trong việc rèn luyện xương khớp. Với những người lớn tuổi, trung niên thường có sức khỏe xương khớp yếu hơn, hay gặp đau mỏi các khớp xương nên đi bộ, tập thể dục, là cách tốt nhất để họ cải thiện chức năng xương khớp của mình.

 Đi bộ cải thiện tinh thần tốt hơn: Đi bộ thể dục vừa rèn luyện thể chất khỏe mạnh hơn nhưng đồng thời còn là khoảng thời gian để mọi người cải thiện tinh thần tốt hơn, thoải mái hơn. Sau một ngày làm việc học tập mệt mỏi áp lực với stress của công việc thì đi bộ giúp đầu óc thư giãn và xua tan mệt mỏi

 Đi bộ giảm cân cải thiện vóc dáng: Tập thể dục đi bộ đúng cách được nhiều người lựa chọn cho mục tiêu giảm cân hiệu quả mà đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Chỉ cần đi bộ 30 phút mỗi ngày giúp cơ thể đốt cháy 300-350 lượng calo đánh tan mỡ thừa trên cơ thể giảm béo hiệu quả. Không chỉ đi bộ giảm mỡ bụng mà mỡ thừa ở đùi, chân cũng được đốt cháy mang lại cơ thể cân đối khỏe mạnh hơn.

 

Tập thể dục đi bộ giúp tiêu hóa tốt hơn: Đi bộ thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể giúp hoạt động các cơ quan diễn ra tốt hơn, tiêu hóa tốt hơn. Với những người gầy thì tập thể dục đi bộ giúp họ cải thiện chức năng tiêu hóa, hấp thụ các dưỡng chất tốt hơn cho cơ thể khỏe mạnh hơn.

 2*

Tôi xin được nhắc lại: Tôi không phải là bác sĩ, tôi chỉ là bệnh nhân chữa khỏi ung thư gần 8 (*) năm nay. Lời tôi nói từ đáy lòng của một bệnh nhân với bệnh nhân khác đang chữa trị hay đang mắc bệnh ung thư.

 Bước những năm đi đến ngưỡng 40 (tứ thập nhi bất hoặc - bốn mươi tuổi thì không thay đổi) tôi cảm thấy sức khỏe cơ thể có chiều hướng đi xuống. Đây là cảm nhận đúng. Tôi mắc bệnh loét hành tá tràng (gọi chung là đau bao tử), thoái hóa cột sống lưng nhiều đốt, và nhất là huyết áp thấp. Khi xét nghiệm tổng quát để vô hóa chất, bác sĩ tim mạch hỏi tôi từng chữa tim bao giờ chưa. Tôi rất lo sợ. Tim tôi có vấn đề sao? Thì ra, van 2 lá, ba lá gì đó của tôi hở 1/4; quan trọng nhất, động mạch chủ cũng hở như thế. Sức bơm máu của tim là 63%, nghĩa là khá thấp, máu có thể không đi khắp chốn trong cơ thể như một người bình thường. Thận tôi lại có nang sữa canxi 1,2 cm (không phải sỏi). Nói chung, sức khỏe tôi xuống cấp “toàn tập”.

 Ngoại trừ tim, sau này xét nghiệm mới biết, đau bao tử, thoái hóa cột sống, áp huyết thấp, sạn thận…tôi có sẵn lúc bắt đầu bước qua khỏi tuổi 30. Thời gian cho mấy bệnh đó khá nhiều, năm nào cũng ghé thăm bệnh viện. Một bác sĩ ở TP. Hồ Chí Minh bảo tôi khi ông điều trị bao tử: “Ông nên tập đi bộ mỗi ngày. Chữa thuốc tây mà không tập thể dục, bệnh ông sẽ tái đi tái lại. Tôi là bác sĩ, ông tưởng tôi không cần tập thể dục sao”. Vị bác sĩ này tốt nghiệp y khoa trước 1975, khá nổi tiếng. Nhìn ông rất khỏe mạnh dù hơn tôi chừng 20 tuổi, tôi tin ngay lời ông nói.

 Từ đó tôi đi bộ mỗi ngày, lúc 5 giờ sáng; mưa tôi đội áo đi, vẫn không bỏ. Lúc đầu 15 phút, sau mấy tháng tăng dần 20 phút và duy trì 30 phút hay hơn một chút cho đến nay. Giấc ngủ sáng thường rất say, rất “ngon”. Thức giấc vào giờ này là một cực hình cho tôi mấy tháng đầu đi bộ. Lặp đi lặp lại nhiều lần thói quen nào nó, chúng ta sẽ thấy thói quen ấy trở thành như phản xạ. Cứ 5 giờ, không cần báo thức, tôi vẫn thức dậy, ngày nào cũng thế.

 Trong cuốn Build A Better Brain (tôi dịch cho nhà phát hành sách Phương Nam, Sài Gòn) có nói đến “đường rãnh thần kinh”. Gọi đường rãnh theo ý nghĩa, đi nhiều thành đường mòn. Lối nhiều người đi lại nhiều lần sẽ thành đường đi.

 Não người mới sinh ra có 1000 (1 ngàn) tỷ tế bào và còn lại 100 tỷ lúc trưởng thành. Não càng mất đi tế bào tại sao càng lớn, người ta càng “khôn” hơn? Lẽ đáng phải “ngu” hơn mới đúng.  Không, nhờ học tập và rèn luyện, qua những thói quen tốt, não thiết lập thêm những “rãnh thần kinh”, nhờ chúng con người “thông minh” hơn. Những thói quen duy trì lâu hơn. Khi bạn thức dậy vào lúc 5 giờ sáng và đi bộ, có thể đôi ba tháng, não mới tạo ra các rãnh thần kinh, và đến mức độ nào đó, không cần đặt giờ báo thức, bạn vẫn tự động thức dậy đúng giờ, miễn là đêm đó bạn không thức quá khuya hay làm việc quá nhiều. Người ta gọi là đồng hồ sinh học.Nghiên cứu của cuốn sách cho thấy cần 26 ngày cho tới 126 ngày một người có thể tạo ra một thói quen có tính “phản xạ”. Tôi duy trì “phản xạ” ấy trong 30 năm nay.

 3*

Tập thể dục đều như vậy, tại sao tôi mắc ung thư? Nếu ai đặt câu hỏi như thế, tôi phải bó tay. Nhưng tôi có thể trả lời: Nhờ tập thể dục, tôi vượt qua căn bệnh dễ dàng hơn người không tập kiên trì như tôi. Tất nhiên, thể dục không chữa lành bệnh; nó chỉ nâng cao thể trạng, cơ thể dễ dàng chống lại bệnh tật.

Một bệnh nhân tôi thân người Bến Tre, không thể tập thể dục buổi sáng vì anh làm nghề bán bánh mỳ; và tám, chín giờ sáng, hết bánh mỳ, anh phải sửa xe đạp kiếm cách sinh nhai. Cùng loại bệnh ung thư như tôi, giai đoạn bệnh sớm hơn, cùng bác sĩ, cùng chữa một lần, cùng một bệnh viện, thật đau đớn, anh không còn trên cõi đời này dù anh nhỏ hơn tôi 20 tuổi. Tôi chắc chắn, tập thể dục giúp tôi may mắn hơn anh.


Nhờ tôi đi bộ mỗi sáng 30 phút, mưa hay không mưa, giá lạnh hay không giá lạnh, bất kỳ đi đến chỗ nào. Có lẽ nhờ đó, bệnh đau bao tử của tôi chấm hết lúc nào tôi không rõ; thoái hóa đốt sống lưng không còn hành hạ tôi. Trước đó, đôi ba tháng, tôi phải nằm, đôi ba ngày như bất động, trên giường để cơn đau dịu đi; và nhất là áp huyết tôi trở lại “như thanh niên”; bây giờ thỉnh thoảng đo, các bác sĩ đều khen, áp huyết “bình thường” dù tôi gần 70. Chỉ có sạn thận là không hết. kích cỡ không tăng thêm, và bác sĩ khuyên tôi không nên mổ, trừ khi có biến chứng.


Về giấc ngủ, tôi có thể ngủ bất cứ chỗ nào, dù là chỗ lạ hay chỗ mới đến. Trước khi tập đi bộ một thời gian, chỗ lạ đố mà tôi ngủ được, nếu không mất ba bốn đêm tập quen. Ăn không ngon miệng như hồi thanh niên nhưng tới giờ ăn cơm tôi cảm thấy đói bụng.

Dù ăn một đến hai chén cơm đầy, tùy bữa sáng tối, tôi ăn rất ngon miệng, và không bao giờ còn cái cảm giác rát bụng khi đói, đầy bụng hay ấm ách khi ăn xong, bệnh đau bao tử biến mất. Tôi đi du lịch chung với các bạn, ai cũng bảo tôi “dễ ngủ” và “dễ ăn”, cái mà trước đây, khi chưa tập thể dục đi bộ, hiếm được ai khen như thế.

Tôi cũng xin khoe với quý vị, nhờ đi bộ nhiều, hay tại sau bạo bệnh, tinh thần tôi rất phấn chấn, luôn suy nghĩ lạc quan. Tôi cười nhiều hơn trước, tính tình cởi mở hơn trước, và tôi cảm thấy “yêu đời” hơn trước. Tôi cao 1,6 cân nặng tôi dao động 60 kg nhưng nhìn tôi không béo mập, chỉ có hơi thiếu thước so với chiều cao trung bình của người Việt Nam hiện nay. Nói dễ hơn làm, nhưng tôi làm như mình nói: Tôi tập thể dục mỗi ngày.


Đi bất kỳ nơi đâu, ở đôi ba tuần,tôi cũng dễ được nhận ra, “có cái ông già tóc bạc” sáng nào cũng đi bộ. Ở Hội An một tháng, Đà Nẵng hai tháng, và quê tôi một tháng, bị kẹt trong cơn đại dịch, tôi có thêm biệt danh “ông già đi bộ tóc bạc”.


4*

Có rất nhiều cách tập thể dục phù hợp cho mọi lứa tuổi. Buổi sáng sớm, tôi may mắn có dịp ở một số thành phố rải rác khắp nước, mỗi chỗ một hoặc hai đêm: Tôi nhận thấy người tham gia tập thể dục đa phần lớn tuổi, nhất là các vị hưu trí. Số thanh niên ít hơn. Có lẽ cũng như tôi hồi còn trẻ, ít chú trọng rèn luyện sức khỏe; tôi nghĩ mình vốn khỏe vì vốn trẻ. Thời gian chiến tranh, vấn đề tập thể dục ít được chú trọng, trừ ở các thành phố lớn. Tôi xin nhắc lại câu có nói ở một chương trước: Có hai cái mất đi người ta mới để ý, đó là: Sức khỏe và hạnh phúc.

Khi gần vào tuổi 40 tôi mới kiên trì tập thể dục, dù có tham gia đá banh, bơi lội, nhưng thời gian không đều đặn. Nếu tập từ lúc 18 tuổi, như đi bộ mỗi ngày, tôi nghĩ sức khỏe của mình sẽ khá hơn.

Có rất nhiều tài liệu đều nói đến lợi ích của tập thể dục, tốt cho sức khỏe, nhưng thực hiện hay không đều tùy theo chọn lựa cá nhân. Có người nói vui: Tập thể dục làm gì, mất thời gian, phải tập 20 năm để sống thêm chỉ có 5 năm. Nhà cũ của tôi vốn ở Đồng Nai cách Sài Gòn 100 cây số (*). Vài tháng, tôi chạy xe máy gần 3 tiếng chở vợ về thăm nhà mà không phải nghỉ dọc đường như 10 năm trước, dù tôi vừa thoát khỏi ung thư và tuổi tác nhiều hơn. Ích lợi của đi bộ mỗi ngày đối với tôi thật “thần diệu”.

Có nhiều cách đi bộ, có thể trên máy, có thể ngoài trời. Tôi chọn cách thứ hai. Có tài liệu bảo rằng, tập thể dục buổi sáng không tốt bằng buổi chiều, buổi sáng cây cối ven đường còn thải khí các-bô-nic. Tôi không rõ thế nào. Buổi sáng lại thuận lợi cho tôi: Vắng người, yên tĩnh, và sau một đêm “bất động” trên giường với giấc ngủ say. Khi ngủ máu huyết lưu thông có lẽ không “thông suốt” như khi thức; không khí hít vào phổi có khi ít hơn lúc không ngủ. Buổi sáng đi bộ sớm giúp cơ thể trở lại bình thường. Đối với tôi, và nhiều người như tôi cùng đi bộ, đều nhận xét: Bữa nào không đi bộ, cơ thể thấy “mệt mỏi” làm sao ấy. Những người quen đi bộ đã “nghiện” tập thể dục rồi hay sao? Nghiện mỗi ngày như thế thì quả là nên nghiện.


5*

Nhiều người rủ nhau đi bộ một lần để có dịp nói chuyện cho “khí thế”. Họ vừa đi vừa kể chuyện, trên trời dưới đất, trong nước thế giới. Ngày nào cũng đi lưng nửa tiếng, không trên trời dưới đất, chuyện đâu mà nhiều thế. Có người than với tôi đi bộ nói chuyện với bạn bè thành thói quen; ngày nào vắng bạn, họ thấy không “khí thế” và ảm đạm thế nào ấy. “Ảm đạm” thì làm sao tốt cho sức khỏe? Tôi lại không chọn đi bộ đông người, kể cả với người quen.

Khi tập trung vào các câu chuyện kể, làm sao tôi có thể tập trung vào hơi thở của mình. Tôi tập để ý hơi thở khi đi bộ như thế, nhất là sau đợt “tập thiền” khi chữa ung thư. Đi bộ kèm câu chuyện, không của người này cũng của người kia, làm sao chúng ta đi bộ nhanh, tập trung vào hơi thở? Cần đi có bạn tập, có thể chuyện vãn sau thời gian đi bộ; lúc ấy nói chuyện lại tốt không thua kém tập thể dục.

Người già không nên chạy bộ như người trẻ nhưng đi bộ phải nhanh, để sau 30 phút, sau lưng mồ hôi thấm ra là tốt nhất. Đi bộ một mình còn có thú vui: Chìm sâu vào yên tĩnh, không phải bận rộn vào câu chuyện liên tục của các người đồng hành. Đi bộ một mình còn chỗ tế nhị khác. Khi đi bộ nhanh, đều đặn, mấy bước thở ra, mấy bước hít vào, nhu động ruột hoạt động rất tốt. Cái gì “bí bách” trong người dễ dàng thoát ra; có người cùng đi, việc ấy sẽ rất khó xử, “kìm nén” hơi trong bụng lại còn khó xử hơn.

Đối với tôi, không phải là người hướng ngoại, một mình tôi thích hơn “nhiều mình”, vào những giây phút cần sự tĩnh lặng, bình yên. Buổi sáng đi bộ một mình là những giây phút tôi yêu quý nhất trong ngày.

Có tài liệu lại nói, người có tuổi chỉ cần tập thể dục 40 phút một lần, 3 lần trong một tuần. Tôi lại không làm theo như thế. Ngày nào tôi cũng đi bộ 30 phút và hằng ngày không nghỉ. Ngày nào vì lý do bất khả kháng không tập thể dục, ngày đó tôi cảm thấy mệt mỏi, có lẽ không đi bộ, các chất cặn bã không “thoát” ra khỏi cơ thể mình hay sao, tôi không rõ.

Có người cho rằng, con người có ba chứ không phải một…quả tim. Hai “quả tim” nữa: Bàn chân và hoành cách mô - màng ngăn giữa tim phổi gan với phần ruột non, ruột già. Khi đi bộ, người tập kích hoạt tim, đồng thời kích hoạt hoành cách mô do hơi thở mạnh, và kích hoạt hai lòng bàn chân do ma sát mặt đường. Có loại dép bề mặt có nhiều gai mềm giúp người mang cảm thấy hai bàn chân như được mát-xa mỗi khi đi lại. Các vị tu sĩ thở sâu thở dài nhờ điều khiển hoành cách mô một cách cơ động.

Đi bộ nhiều, người có tuổi như tôi sẽ tránh căn bệnh nhiều người mắc: Xương khớp, nhất là các khớp gối, khớp bàn chân. Đi lại khó khăn, phải chống gậy, đó là cảnh ngày xưa chúng ta thường thấy. Ngày nay, nhiều người già tập thể dục, đi lại của họ nhanh nhẹn hơn các cụ ngày xưa rất nhiều. Chính nhờ dinh dưỡng, nhất là rèn luyện cơ thể, ngày nay tuổi thọ con người Việt Nam không như ngày xưa: “Mười lăm trẻ, năm mươi già không kể” (Nguyễn Công Trứ).

(*) Tôi vừa hoàn thành chuyến đi bằng xe máy gần 800 km lên Đà Lạt. Không thấy mỏi mệt sau mỗi ngày chạy xe chừng 100km.

Thursday, September 19, 2024

Sách “Ung thư và con đường tôi chữa khỏi”. CHƯỚNG 18 (tiếp): THỞ

Có ai không thở mà sống? Nhưng có mấy ai để ý thở thế nào tốt cho cơ thể? Tôi cũng thế. Tôi chỉ để ý thở khi mắc bệnh ung thư. Quá trễ. Nhưng trễ còn hơn không (“Retard que jamais”). Và tôi luôn chú ý hơi thở mọi lúc mọi nơi trừ lúc ngủ.

Nhiều người Việt Nam biết qua bài tập thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Đó là sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, tai chi, dưỡng sinh của phương Đông từ ngàn xưa qua cái nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một bác sĩ. Chính nhờ phương pháp thở này, ông đã sống thêm được 50 năm nữa sau khi đã cắt bỏ hoàn toàn lá phổi bên trái và một phần ba lá phổi bên phải.

 Cơ bản qua mấy câu thơ sau đây:

“Thót bụng thở ra

Phình bụng thở vào

Hai vai bất động

Chân tay thả lỏng

Êm chậm sâu đều

Tập trung theo dõi

Luồng ra luồng vào

Bình thường qua mũi

Khi gấp qua mồm

Đứng ngồi hay nằm

Ở đâu cũng được

Lúc nào cũng được!”

Ít người muốn nghe lời khuyên dạy của người khác vì ai cũng có lòng tự ái. Nhưng lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là lời khuyên đúc kết trí tuệ, đúc kết cả cuộc đời “luyện thở” của ông, người vì lao phổi, phải cắt đi một lá. Chúng ta không điều khiển nhịp tim nhưng chúng ta điều khiển được nhịp thở. Dưỡng khí cần cho sự sống. Bộ não con người không tiếp nước có thể nhiều ngày chưa chết nhưng nó sẽ chết tức thì nếu thiếu dưỡng khí trong đôi ba phút. Tại sao chúng ta không cung cấp dưỡng khí đầy đủ cho nó bằng hơi thở sâu? Hơi thở quá quen thuộc, hơi thở dễ bị khinh khi? “Huống nỗi người ta đều tự ái. Bao giờ quen thuộc cũng khinh khi” (Xuân Diệu).

Người bình thường cần thở sâu, thở đều thì người bệnh ung thư càng thở sâu, thở đều nhiều hơn. Người khỏe mạnh mấy ai để ý, người trong tâm trạng lo lắng cái chết ung thư mang đến, có ai chú trọng đến hơi thở mình không?

Tôi khỏi bệnh ung thư trong thời gian tập thiền, không rõ thiền có vai trò gì không, nhưng thở do tập thiền đóng góp cho tôi, có sức khỏe khá tốt, cho đến ngày hôm nay, sau tám năm (*) khỏi ung thư: Tôi vẫn còn chú trọng hơi thở của mình mỗi ngày trừ lúc ngủ. Người ta nói nếu tập thở ở ngưỡng nào đó thì khi ngủ, nhịp độ thở có thể trở thành phản xạ, lúc ngủ, có thể người ta hít vào, thở ra cũng sâu hơn khi lúc thức chúng ta không tập thở.

(*) Nay là 12 năm.

Có một cách thở nữa, được nghiên cứu theo khoa học, gọi là Phương pháp 7-7-7. Hít thật sâu, sau đó ta đếm từ 1 đến 7, giữ hơi thở trong phổi và đếm cũng đến 7, sau đó thở ra nhẹ nhàng khi đếm đến 7. Cách thở này kích thích sản sinh ra chất Endorphins trong não bộ - thuốc hạnh phúc tự nhiên (nature’s happy drug). Một lượng cực nhỏ hormone này đem lại cho chúng ta một cảm giác yên bình và sáng suốt. Người ta thực hiện 7 lần như thế mỗi khi gặp căng thẳng (stress), giận dữ, hay chuẩn bị đi dự một sự kiện quan trọng, như hội họp hay diễn thuyết. Mỗi ngày chúng ta thực hiện tối thiểu 1 lần, đâu có hại gì, mà dễ làm, không phải mất tiền.

Năm nay tôi bước vào ngưỡng 70, sau một lần ung thư; nhiều người vẫn khen tôi, da mặt hồng hào, tay chân rắn chắc, “như thanh niên” (họ khen tôi hơi quá, để động viên tôi chăng). Họ đâu biết tôi, mưa cũng như không mưa, mỗi ngày thức giấc 5 giờ sáng, đi bộ trên 30 phút và hít vào, thở ra, theo nhịp mỗi mấy bước chân, như đếm. Hít  thở tập không khó, không khí không mua, tại sao chúng ta không tận hưởng ân huệ của đất trời. Có ai tức giận, lo sợ mà không thở gấp, “tức thở không ra hơi”? Hít thở nhẹ nhàng, thong thả, đứng, ngồi, nằm, ở đâu cũng được, lúc nào cũng được, tại sao chúng ta lại bỏ đi không thực hiện? Ta thở là thở cho mình, tốt cho mình, tức yêu lấy mình, không yêu lấy mình, làm sao có thể yêu người khác?

Nếu không có bảo hiểm y tế, thuốc chữa ung thư rất là đắt. Không khí cũng là một loại “thuốc” không tốn tiền, tại sao người bệnh không sử dụng thật hiệu quả như lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện?

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 18:ĂN

CÓ THỰC MỚI VỰC ĐƯỢC... BỆNH

-1*

Có hàng trăm ngàn người chữa khỏi bệnh ung thư. Tất nhiên hàng trăm ngàn người đó đều phải nỗ lực tự thân. Cha, mẹ, vợ, con, anh, chị… không ai gánh lấy nỗ lực người bệnh dù họ đều mở lòng yêu thương. Nỗ lực mỗi người mỗi khác. Chữa lành ung thư nhờ bệnh viện nhưng trước hết nhờ nỗ lực bản thân bệnh nhân. Nỗ lực ấy phát xuất từ ý thức: tự cứu lấy mình trước khi cầu người khác cứu. Không giống hầu hết các bệnh khác, ung thư phải hóa trị hay xạ trị, sức chịu đựng của bệnh nhân ung thư phải nói là khủng khiếp. Khủng khiếp cả ở chỗ hóa chất đưa vào cơ thể, tác dụng phụ của nó, có chỗ tôi đã nói tới, nó còn khủng khiếp vì sự sợ hãi mông lung.

Thời gian đầu phát hiện bệnh, tôi suy sụp tinh thần vì hai chữ ung thư, hai chữ hãi hùng. Bệnh tôi thuộc giai đoạn 3, giai đoạn chữa khỏi rất khó khăn. Ý nghĩ u ám ám luôn luôn ám ảnh, về khả năng sức khỏe không vượt qua cơn hành hạ của các đợt hóa chất khi tôi bước vào tuổi 60, giai đoạn cơ thể lão hóa gần như toàn diện.

Cân nặng của tôi từ trung bình 53kg xuống còn 48 ký. Tác động tâm lý, tinh thần lên cơ thể thật trầm trọng. Như tôi đã có lần nói, thích nghi chính là bảo vật tạo hóa phú cho con người. Nhờ thích nghi, tôi dần quen với các đợt vô hóa chất, các tác dụng của nó. Tôi cảm thấy nó không khủng khiếp như trước; các lần sau, cơ thể tôi bắt đầu chịu đựng khá tốt, hay nói đúng hơn, tôi chịu đựng thành công sức nóng như thiêu như đốt của thuốc, loại uống, loại truyền qua máu.

Ý thức phải nâng đỡ cơ thể chống chọi lại bệnh tật dần dần hình thành. Ăn không còn để sống, ăn còn để chữa bệnh. Các thực phẩm “không ưa” trước đây đều “phải ưa” khi tôi tìm hiểu, chúng đem lại các chất dinh dưỡng, hay “nghe nói” tiêu diệt tế bào ung thư, miễn thực phẩm ấy đều có mặt trong các món ăn trong truyền thống.

Thức ăn đa dạng giúp tôi không còn dở miệng như những lúc ban đầu “tập quen” ăn uống nữa. Rau, phải nói các loại rau, ngoài các chất bột, đường, béo khác, có mặt trong mỗi bữa ăn của tôi. Tất nhiên, các thứ không thể thiếu hằng ngày, cho đến nay tôi vẫn duy trì, không hề bỏ: 1 quả chuối Đà Lạt (hoặc chuối già hương), một quả cam (nếu không thì một quả chanh nhỏ, pha mật ong), và chừng 20 hạt đậu phộng rang.

Khi chưa bệnh, có thể sinh hoạt của tôi không đúng giờ giấc khắt khe nhưng khi bệnh, tôi ăn uống rất là đúng giờ. Gia đình tôi có ông bà cố, bà nội, và cha mẹ đều có tuổi thọ khá cao (trừ ông thân ngã té, dập gan mất ở tuổi 73 – năm 1978): một trong thói quen, cha tôi hay nói: không bao giờ ăn no. Thời xưa, cái ăn không đầy đủ như bây giờ, không nhiều như bây giờ, ăn không quá no là một nỗ lực phi thường. Tập quán này “truyền” từ đời ông tổ, ông cố tôi trở xuống.

Tôi có đọc một thí nghiệm nghiên cứu về chuột. Chúng được chia ra hai bầy: một ăn không no bữa, nghĩa là còn đói; một ăn thả dàn, ăn cho đến ớn, không ăn nổi. Theo dõi tuổi thọ thì thấy nhóm đầu sống lâu hơn, lại ít bệnh tật hơn; nhóm thứ hai tuổi thọ ngắn hơn, bệnh tật (nhất là béo phì) nhiều hơn. Cơ thể chuột thường được làm thí nghiệm vì chúng có những điểm giống cơ thể người.

Người không giống chuột thì tại sao quý vị hay nghe nói “đừng lấy học sinh làm chuột bạch thí nghiệm” là gì? Khi ăn uống trong thời gian chữa trị, tôi cũng học tập và làm theo thí nghiệm về mấy con chuột, nhất là nhóm thứ nhất, trong ăn uống mặc dù còn sống, cha tôi cũng từng khuyên tôi “chớ bao giờ ăn no”. Ông còn dẫn câu: No mất ngon, giận mất khôn. Ngon miệng, chính là dinh dưỡng cho cơ thể: ngon miệng sẽ làm tiêu hóa tốt.

2*

Xe chạy được nhờ xăng, người sống được nhờ ăn. Ăn thế nào cho lành luôn là đề tài phong phú, nhiều màu sắc, đương nhiên qua nhiều quan điểm khác nhau. Khoa học tiến bộ giúp con người chọn lựa thức ăn nào lành, thức ăn nào không. Chỉ có điều, chọn khi có điều kiện, không ai thiếu điều kiện mà có nhiều chọn lựa; nhưng tôi thấy có một điểm, các thực phẩm cần hài hòa, cân đối, từ xa xưa có mặt trong các bữa ăn Việt Nam.

Có ai chắc chắn trà cung đình Doctor Thanh có thể thay thế vĩnh viễn chè xanh dân dã? Nước tăng lực ngon miệng thay thế mãi mãi chè vối tầm thường? Chè xanh và chè vối từng là thức uống đối với người Việt Nam hằng mấy trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, có ai thấy nó ảnh hưởng gì cho sức khỏe hay không? Các thức ăn, thức uống chế biến sẵn đều có chất bảo quản. Có ai chắc chắn vài năm, hay mươi năm nữa, khoa học không chứng minh có một vài chất có hại trong các chất bảo quản, chất phụ gia, chất tạo màu, chất tạo mùi… nào đó trong thức ăn, thức uống chế biến sẵn? Có ai chắc bây giờ chúng vô hại nhưng sau đó thì không?

Tôi có đọc cuốn sách của giáo sư Lập Thạch Hòa, Nhật Bản, tác giả hai công thức Nước gạo lứt và Canh dưỡng sinh. Ông cho rằng bộ não con người rất hoàn chỉnh. Nó nhận biết những hiểm nguy từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể nhờ hệ thống miễn dịch thần diệu. Bộ não và cơ thể con người hoạt động hài hòa nhờ những phản ứng hóa học tự nhiên có sẵn trong cơ thể. Khi con người tiếp thu thức ăn và thức uống, ví dụ các thứ có biến đổi gen chẳng hạn, cơ thể con người sẽ “bối rối” khi xử lý các chất từ bên ngoài nạp vào, hệ thống nhận biết tự nhiên do bộ não điều khiển không còn tinh nhuệ, bệnh tật do đó dễ nảy sinh.

Lập luận của ông có thể còn tranh cãi nhưng rõ ràng, theo tôi, thức ăn, thức uống càng ít chế biến và chất phụ gia, chất bảo quản, chất tạo màu, càng ít càng tốt. Thức ăn từ thiên nhiên có lẽ sẽ lành hơn thức ăn bảo quản hay chế biến nhiều công đoạn. Chúng ta ăn thịt tươi mua ngoài chợ có tốt hơn thịt đóng hộp, nếu có thể mua được thịt tươi? Chúng ta ăn chuối tươi từ buồng chuối cắt xuống có tốt hơn chuối đóng hộp? Thơm cắt lát tươi có hơn thơm đóng hộp?

Cá tươi dưới biển vớt lên có tốt hơn cá biển đóng hộp? Thức ăn, thức uống chế biến sẵn có thuận lợi của nó: dễ di chuyển, để được lâu, nơi thiếu thốn hoặc không có thức ăn tươi sống. Nhưng nếu có sẵn chúng quanh ta, tại sao ta lại chọn thức ăn đóng hộp, thức uống đóng chai? Nước lã đun sôi có kém bổ hơn nước ngọt có ga?

Khi tôi mắc bệnh ung thư, tôi không dám sử dụng thức ăn chế biến sẵn như đồ hộp hay thức uống đóng chai, Pepsi hay Coca Cola. Tôi có cảm giác khát hơn sau khi uống nước ngọt thay vì uống một ly trà đá. Tất nhiên, ăn uống là quyền chọn lựa của mỗi người nhưng khi bệnh, nhất là ung thư, cách chọn lựa thức ăn tươi sống, thức ăn lành…nên là chọn lựa ưu tiên.

Khi mắc bệnh ung thư, ngoài chú ý tìm hiểu tài liệu về loại bệnh đang mắc, tôi bỏ công tìm hiểu rất nhiều các loại thực phẩm “lành” hay “bổ dưỡng” cho cơ thể bị “bầm dập” vì hóa trị của mình. Có rất nhiều tài lại hướng dẫn ăn để “chữa” ung thư, nhiều đến độ, đọc không bao giờ hết, và không bao giờ không gây bối rối cho ai tìm tòi: biết chọn thức ăn, thức uống nào “tối ưu” đây? Tôi đề ra cho mình một quy tắc: đó là sự hài hòa.

3*

Ông tổ phép Dưỡng sinh, bác sĩ Oshawa người Nhật Bản, phân thực phẩm ra hai loại: âm và dương. Ví dụ: gạo lứt thuộc dương, mè thuộc âm. Củ quả có màu đỏ, màu tím thuộc dương, chúng có màu xanh hay màu trắng thuộc âm. Không phải phương pháp thực dưỡng của ông được các nhà khoa học Mỹ chấp nhận nhưng cách phân loại thực phẩm ra âm dương để hài hòa ăn uống là cái chúng ta cần chú ý.

Tại sao ông bà chúng ta chọn rau răm ăn với trứng vịt lộn mà không chọn rau quế? Dưa hành ăn với thịt heo mà không ưu tiên dưa cải? Thịt chó ăn kèm với riềng mà không kẹp với gừng? Tổ tiên chúng ta có sự chọn lựa thức ăn một cách hài hòa. Chỉ tiếc một cái sự chọn lựa ấy chỉ lưu truyền mà không có nghiên cứu chứng minh.

Nhưng ngặt nỗi, làm thế nào để phân thức ăn ra hai loại âm dương và sự phân loại này phải có chứng minh khoa học. Tất nhiên, phân loại thực phẩm dựa vào màu sắc để chia ra âm và dương quả là rắc rối không dễ ai ai cũng phân biệt được. Tôi suy nghĩ, đa dạng hóa các loại thực phẩm là cách chọn thực phẩm tốt nhất: rau củ quả ngũ cốc càng nhiều màu càng tốt: “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”, quê Quảng Nam tôi hay nói. Các loại thực phẩm ấy hàng ngàn năm chúng ta sử dụng, miễn là số lượng vừa phải, không quá nhiều, quá mức.

Ông bà ta cũng không phải vô cớ mà đúc kết ăn uống qua các câu câu đối, ca dao: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.” Hay: “Con gà cục tác lá chanh Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi Con chó khóc đứng khóc ngồi Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.” Tại sao thịt chó lại chấm mắm tôm ăn kèm với lá rau mơ? Cá trê nướng lại dầm nước mắm gừng đâm nhỏ? Thịt vịt ăn cùng với rau tần dày lá chấm mắm gừng? Không những ăn kèm làm ngon miệng nhưng biết đâu ăn kèm ấy lại làm cho thức ăn hòa hợp âm dương, ông bà ta “dặn dò” con cháu nhưng không kèm theo lời giải thích; âm dương trong ăn uống không phải dễ diễn giải rạch ròi khi người Việt Nam xưa có ít điều kiện và đam mê nghiên cứu khoa học.

Thức ăn cho người ung thư, ngoài việc đủ chất, cần tươi sống và đa dạng, lấy từ nhiên nhiên càng nhiều càng tốt. Tất nhiên sữa bột hay thuốc bổ các loại, chúng ta không thể lấy từ nơi khác ngoài bò sữa hay chiết xuất từ các loại cây thuốc, vị thuốc quanh ta. Thức ăn, thức uống từ thiên nhiên, có nguồn gốc thiên nhiên, tôi nghĩ, sẽ lành mạnh hơn thức ăn thức uống từ nhân tạo (chế biến đóng hộp, đóng chai – chẳng hạn) đối với người đang dưỡng bệnh như ung thư.

Sách “Ung thư và con đường tôi chữa khỏi”. CHƯƠNG 18. UỐNG NƯỚC

 XƯA NHƯ TRÁI ĐẤT

"Uống đủ nước". Đây là ba từ tôi nghe bác sĩ khuyên hầu như mỗi lần đi khám bệnh, không phải chỉ mỗi mình tôi được nghe đâu. Cơ thể chúng ta hai phần ba là nước. Bác sĩ khuyên cung cấp nước đầy đủ cho cơ thể là lời khuyên quý giá nhưng ít bệnh nhân nào để ý. Khát thì uống. Khát mới uống. Lúc chưa thực hiện uống đủ nước, tôi thường nghĩ như thế.

Một trong lời dặn tôi luôn nhớ là lúc chữa ung thư, đang vô hóa chất. “Ông nhớ uống nhiều nước. Hai lít đến hai lít rưỡi mỗi ngày nha”. Nước làm nhẹ sức nóng cơ thể chứa đầy hóa chất. Nước đủ để cơ thể giải nhiệt kịp thời. Lượng nước uống tùy vào cân nặng mỗi người, thông thường cứ 0,4 lít nước cho 10 ký trọng lượng cơ thể. Tùy loại bệnh, bác sĩ sẽ khuyên chúng ta uống lượng nước phù hợp. Lưu ý, nếu húp nhiều nước luộc rau, nước canh, số lượng nước cần ít lại. Nhiều nước quá, thận làm việc, đào thải quá mức, không phải là tốt cho cơ thể.

Trong thời gian chữa trị, tôi không hề uống các loại nước “bổ” như nước tăng lực hay trà Doctor Thanh, chẳng hạn; trừ nước yến, nước sâm Cao Ly, tự nấu pha với rất ít đường phèn cho dễ uống. Các loại nước ngọt thì không bao giờ, kể cả lúc chưa chữa bệnh. Tôi có biết tất cả tín hữu và mục sư đạo Cơ Đốc Phục Lâm ở Sài Gòn trước đây. Họ không bao giờ uống nước ngọt. Họ bảo nước lã mới là nước của Đức Chúa Trời.

Tác dụng của nước đối với cơ thể, tôi không dám luận bàn, quý vị còn hiểu biết nhiều hơn tôi. Là một bệnh nhân, nước với tôi vô cùng cần thiết. Ngày nào, tôi quên uống không đủ nước, cơ thể khá bức bối, một cảm giác rõ ràng, không phải tôi tưởng tượng ra.

Ở tuổi gần 60, tôi có khi quên, quên một cách buồn cười. Nhiều khi đi tìm chìa khóa xe trong lúc cần đi gấp, trong khi chìa khóa đang cầm trên tay. Nước uống cũng vậy. Không biết mình uống đủ số nước bác sĩ dặn hay chưa. Để dễ nhớ, tôi lấy mấy chai thủy tinh trắng đựng nước lọc, đặt chúng ngay trên chỗ dễ thấy nhất, bên cạnh là một cái ly. Khi đi ngủ, các chai đựng nước ấy phải hết. Tôi chắc chắn số nước cần uống đã nằm trong cơ thể.

Tất nhiên, số lượng nước ấy giảm hơn, bù lại số nước từ nước gạo lứt rang, nước yến, hoặc nước sâm. Nghĩa là cộng các loại nước, số lượng phải đủ như lời bác sĩ khuyên uống mỗi ngày. Trong các loại nước giải khát, tôi thích uống nước rau má xay nhuyễn, không đường. Ban đầu khó uống, uống quen dễ chịu hơn. Tuyệt đối, tôi nghiêm ngặt tuân theo lời bác sĩ: không uống bất cứ nước gì mà không hiểu rõ đặc tính dược lý của chúng, nghĩa là được y khoa cho phép.

Nhiều người khuyên uống nước nấm lim xanh, tôi không bao giờ dám uống, dù có thể mua được tại quê gốc tôi Quảng Nam. Cháu ruột tôi chữa gan cũng rất chuộng nấm này. Cháu chết lúc 49 tuổi vì “xơ gan mất bù”, một loại bệnh không chữa được, nguy hiểm còn hơn ung thư – một bệnh có thể chữa khỏi; một bác sĩ quen biết với gia đình, rất giỏi y lý, kết luận bệnh cháu tôi do uống nước nấm lim xanh quá nhiều, liều lượng “tự ra toa” theo “hướng dẫn” của các “dược sĩ trên mạng” mà không theo lời khuyên của bác sĩ chuyên môn, chữa trị bài bản từ đầu, theo phác đồ khoa học áp dụng trong bệnh viện. Tất nhiên, nấm lim xanh có thể tốt cho người khác nhưng không hẳn tốt cho cháu tôi. Không chọn uống nước nấm lim xanh là chọn lựa cá nhân mình, tôi không nói nấm ấy có hại cho người khác.

Nước rất mầu nhiệm cho cơ thể, ai ai cũng biết. Thiếu ăn khó chết hơn thiếu nước. Nhịn ăn có thể 30 ngày nhưng nhịn uống 3 ngày, sức khỏe con người rất dễ nguy kịch. Tạo hóa rất vi diệu khi tạo ra cơ thể con người. Khi đau bụng ăn phải thực phẩm ôi thiu, chúng ta sẽ cảm thấy bụng cồn cào đau đớn, ruột già ruột non co bóp mãnh liệt, và nhờ có nước, chúng mới tống xuất các chất nguy hại ra khỏi cơ thể. Nếu không có nước, các loại độc hại ấy lưu trữ lâu ngày trong ruột, cơ thể càng dễ gặp hiểm nguy nhiều hơn.

Và sau khi “thổ, tả” (ỉa mửa), cơ thể cần cung cấp nước; nhiều người chết vì chậm bù mất nước. Nước không những có ích cho sức khỏe, nó còn hữu ích cho những ai hay nhậu rượu. Tôi thấy những người uống rượu đế luôn có một ca trà đá bên cạnh. Nhờ nước trà đá, có người “chiến đấu” với các chiến hữu có khi cả ngày chưa “lết bánh”, nghĩa là “chưa chết” (chưa xỉn quắc cần câu). Nước quan trọng thế đó! Nước “giải độc rượu” tốt như thế thì giải cái nóng của hóa chất chữa ung thư sẽ tốt ngần nào!

Wednesday, September 18, 2024

Sách “Ung thư và con đường tôi chữa khỏi”. CHƯƠNG 18: THIỀN

                 Một trong những cách tôi được khuyên ngoài đời cũng như trong sách vở: Thiền giúp hỗ trợ sức khỏe bệnh nhân ung thư. Có người quá tin tưởng còn cho rằng, chỉ ngồi thiền, ung thư có thể được chữa khỏi. Tôi không tin như thế dù cũng có thể như thế nhưng ít có ai chứng minh thiền chữa lành các loại bệnh nhất là bệnh ung thư.

Tôi theo Kitô giáo nhưng rất yêu Phật giáo. Hồi ở bậc trung học, tôi có quen mấy tu sinh khi họ còn để “chỏm” tóc giữa đầu, gọi là chú tiểu. Ngồi thiền là nếp sinh hoạt thường xuyên của họ. Sáng, chiều, tối…ngày nào cũng như ngày nào, tôi thấy họ ngồi từng dãy dài trong một gian phòng rất rộng, mỗi người trên một khuôn vải nâu dày. Tò mò vào xem, tôi có cảm tưởng họ là những pho tượng đất, bất động; nếu không quan sát nơi bụng, thóp vào thở ra của họ, tôi tưởng là tất cả họ thành tượng gỗ như các tượng La Hán ở ngoại điện các chùa chiền.

Hồi nhỏ, tôi nghĩ ai theo đạo Phật cũng ngồi thiền. Lớn lên, tôi biết không phải thế. Tôi có nhận xét, các vị tu sĩ Phật giáo ở ngôi chùa có các chú tiểu tôi quen, mấy chục vị già trẻ, dù chỉ ăn toàn chay, sức khỏe tất cả đều rất tốt, dù bên ngoài, hình dáng họ thanh mảnh, không béo phì.

Mùa đông có vị không cần mặc áo ấm, họ vẫn không cảm thấy lạnh dù thời tiết miền Trung rất giá rét, những năm thập niên 1960; có năm giá lạnh đến nỗi “cá nhảy bờ”, nghĩa là cá chịu cái lạnh không thấu trong ruộng lúa, đành nhảy đại ra khỏi nước, rớt lên bờ; trẻ con chúng tôi hay đi ra đồng để “lượm” chúng nằm lăn như chết trên bờ ruộng.

Thiền mỗi ngày, chứ không phải tập thể dục, các vị tu sĩ này có sức khỏe tốt như thế, cái lạnh cũng không làm họ sổ mũi nhức đầu hay nhức các khớp chân tay? Ăn chay thời đó có lẽ “không đủ chất” như bây giờ: Tương đậu đen, đậu nành, xì dầu, đậu phộng, mè, mít non luộc, các loại rau, đậu hủ (khá hiếm thời đó; người ta ăn cả xác đậu nành sau khi làm sữa, trộn với đường “chữa chóng mặt”!). Liên tưởng như thế, tôi nghe lời khuyên bên ngoài và trên mạng: Tập thiền để “chữa” ung thư.

Ngồi bất động đôi ba phút đồng hồ đã chán chết, đằng này ngồi cả nửa tiếng, một giờ, ai mà chịu thấu. Ban đầu tôi nghĩ thế. Cái này y rằng “đau chân há miệng” hoặc “đau bệnh vái tứ phương”: Tôi ngồi thiền. Tôi nghĩ, biết đâu ngồi thiền có thể giúp mình sức khỏe chống chọi bệnh tật. Nếu thiền không hết bệnh thì cũng giúp mình thêm chút tĩnh tâm, bớt đi ám ảnh “ung thư là bản án tử hình”.

Thở ra, hít vào. Hít vào thở ra. Mắt nhắm nghiền. Ngồi xếp bằng như ông Phật trong chùa, bắt chân chéo như hướng dẫn theo sách. Đừng nghĩ gì hết. Ôi, sao mà nó khó, quá khó, Thiền ơi. Tôi có một cái mà cha mẹ truyền cho: Rất chịu khó và kiên định thực hiện cái gì đã quyết tâm. Và tôi thực tập thiền từ 10 phút, 20 phút, và 30 phút. Ngưỡng 30 phút là cố gắng phi thường. Nhiều khi tưởng đủ thời gian, mở mắt nhìn đồng hồ thấy chưa đủ giờ…Thiền tiếp. Khó như thế, người ta mới gọi là tập thiền, chứ không phải ngồi thiền. Ngồi thiền dành cho người tập thiền thành quả.

Thực sự ngồi thiền không gián đoạn một thời gian thì thiền mới gọi là thiền. Chập chờn như tôi, thiền sao đạt, huống chi mong thiền “chữa” bệnh. Năm ngày, một tuần, nửa tháng, một tháng…tôi có thể ngồi thiền 30 phút hoặc hơn. Tôi rất khâm phục ai ngồi thiền cả tiếng hay mấy tiếng đồng hồ. Các vị ấy thượng thừa rồi! Tôi duy trì thiền ấy trong suốt thời gian chữa trị bệnh gần 6 tháng. Khi hết bệnh, tôi lại không thực hiện đều đặn mỗi sáng. Chỉ thi thoảng mới làm. Đúng là “thôi chay, thầy như đất” hay “qua cầu rút ván”. Thiền biết đâu có đóng góp công trạng làm tôi khỏi bệnh? Có một điều tôi thấy mình bạc bẽo quá với thiền, khi hết bệnh, tôi hết ngồi thiền!

Tôi có quen một số bạn, thiền đối với họ là nếp sinh hoạt hằng ngày. Tiếp chuyện với những người quen ngồi thiền, bạn sẽ thấy thoải mái. Tâm trí của những “thiền giả” ấy, tôi cảm nhận, nó trong trắng, nhẹ nhàng, thanh thản, biểu hiện qua nụ cười, tiếng nói, gương mặt, và cử chỉ. Như vậy, chữa bệnh đâu chưa biết, thiền có thể chuyển hóa con người tôi từng có thời gian quen biết họ khá lâu.

Phật bảo ý nghĩ con người như ngựa hoang, khó mà kìm cương. Khi ngồi thiền, theo tôi tìm hiểu, ta nên tập chú suy nghĩ…đếm hơi thở. Nếu đếm “mỏi miệng” thì chỉ chú ý hơi thở, thở ra, hít vào của mình. Có người bảo kẻ hành thiền “thượng thừa” không hề có ý nghĩ nào trong đầu. Tôi thì chịu. Chỉ chú ý hơi thở cũng đã “bỡ hơi tai”. Khi bất chợt suy nghĩ gì đó, tôi liền quay lại chú ý hơi thở.

Có một điều sau này tôi mới biết, không chỉ ngồi thiền, tức tọa thiền; còn có hành thiền (đi thiền), ngọa thiền (nằm thiền) và không nhất thiết thiền phải ngồi xếp chân bắt vào nhau như tượng Phật. Ngồi trên ghế, lưng thẳng, chân buông thõng xuống đất cũng có thể thiền. Thật kỳ diệu, bây giờ tôi không ngồi thiền nữa, nhưng làm gì, đọc sách, đánh máy vi tính, xem phim tài liệu (tôi ít coi phim truyện) thậm chí ngồi trong nhà vệ sinh, tôi cũng để ý hơi thở, thở sâu, thở ra, hít vào nhẹ nhàng và đều đặn. Tôi để ý, ngay cả lúc chạy xe, khi chú ý đến hơi thở, tôi ít bị chia trí, chạy xe an toàn trong thành phố dày ken xe cộ ở Sài Gòn; tôi thấy không chú ý hơi thở, tôi hay nghĩ “toàn chuyện trên trời dưới đất”, không tốt cho an toàn giao thông.

Tôi khỏi bệnh ung thư không biết có phần “đóng góp” nào của mấy tháng thiền hay không; nhưng rõ ràng, nhờ tập thiền, tôi quan tâm rất nhiều đến hơi thở. Quý vị thử làm xem, lời tôi nói có đúng hay sai: Hít vào, thở ra thật thong thả, thật sâu, quý vị sẽ cảm thấy rất thoải mái. Não cần quý vị thở sâu, thở đều lắm đó. Tôi có dịch cuốn sách nói về não cho nhà sách Phương Nam, Sài Gòn, Build A Better Brain (Kiến tạo bộ não ưu việt – Tên “thương mại”: Suy nghĩ nhạy, tiếp thu nhanh).

Tác giả nhấn mạnh não cần dưỡng khí từ máu mang đến. Tập thể dục đều đặn, máu dễ dàng đem dưỡng khí nuôi não. Não không có dưỡng khí, người ta gọi “chết não”. Những ai đang chữa trị ung thư, hãy tập thiền, để hít thở thật sâu, mang dưỡng khí lên não. Thiền có hại gì đâu. Tôi tập mỗi sáng 30 phút, ngày nào cũng như ngày nào. Biết đâu, thiền đã có công “làm cách mạng” cho tôi trong thời gian chữa trị ung thư?