Friday, August 23, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 10

           ĐẾN NHÀ THƯƠNG, HÃY TRÁNH XA NHÀ XÁC

Một trong suy tính đầu tiên của người phát hiện mình ung thư là chữa ở đâu. Thông thường, khi có một hay nhiều dấu hiệu khác lạ trên cơ thể, hay khám một loại bệnh gì đó, người ta tình cờ phát hiện mình mắc bệnh ung thư nhờ bác sĩ. Tôi đi khám theo lời thúc giục của con gái đầu. Cháu có các khối u nhỏ ở ngực và nhiều lần đến Ung Bướu Sài Gòn. Một trong các dấu hiệu, cháu đọc trên tấm bảng lớn ở đó, nói về sự xuất hiện các khối u ở bất cứ nơi nào trên cơ thế, chúng ta cần phải biết nó là ác tính hay lành tính: đến bệnh viện. Có u lành và có khối u không lành. Phát hiện càng sớm, sự chữa trị càng hiệu quả, nếu là u ác tính, tức ung thư.

Nhiều người chữa khỏi như tôi đều chữa ở bệnh viện, theo tôi được biết. Người mắc ung thư chữa lành không phải ở bệnh viện, cho tới nay, tôi chưa gặp ai bao giờ. Khi chữa trị bệnh ung thư, cái làm tôi sợ hãi nhất là vô hóa chất – hóa trị. Bạn tôi có người chữa hóa trị rồi đến xạ trị. Anh ấy bảo xạ trị không “khủng khiếp” bằng hóa trị. Tất nhiên, tùy bệnh mà có cách điều trị khác nhau. Bệnh nhân không thể tự chọn cho mình một trong hai cách điều trị đó – trừ bác sĩ.

Thân thể rời rã, tóc rụng từng mảng lớn, rụng trụi, hóa chất chữa ung thư “đập” nát hình hài, chưa kể sức nóng của thuốc nung như thiêu như đốt từ bên trong; miệng người bệnh như phỏng nước trà nóng, cơm ăn phải quạt thật nguội mới nuốt nổi… Đó là những lý do, người bệnh dễ xiêu lòng trước sự giới thiệu của người quen chữa thuốc Nam, chữa Đông y hay sự mời mọc của những “thần y” xuất hiện không ít trên mạng với quảng cáo chắc như đinh đóng cột “không hết, trả lại tiền”.

Sống là chọn nhưng bệnh cũng phải chọn cho mình cách chữa trị bằng thái độ dứt khoát. “Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước. Chọn một dòng hay để nước trôi” rất đúng trong trường hợp này. Các bệnh viện ung bướu thành lập rất lâu, rất nhiều thời gian chữa trị ung thư. Kinh nghiệm tích lũy, cùng với khoa học tiến bộ trong y học, họ không đáng tin cậy hơn những thầy thuốc, thần y trôi nổi trên mạng hay sao?

Bệnh viện, theo tôi, nên là nơi người phát hiện bệnh ung thư tìm tới. Tuy hiện nay, số lượng bệnh ung thư mỗi năm mỗi tăng, 160.000/ năm (thống kê 2018). Chen chúc trong bệnh viện khi chữa trị là nỗi vất vả nhiêu khê đối với bệnh nhân; nhưng theo tôi, bệnh viện phải là địa chỉ đầu tiên người bệnh ung thư nên nghĩ tới.

Lúc tôi khám cho đến khi được cho lấy sinh thiết, kiểm tra, mất đôi ba ngày và nhận kết quả phải mất một tuần (nay không rõ nhanh hơn không). Các bác sĩ hỏi han tận tình và cặn kẽ. Các thông tin về người trong gia đình có ai từng bị ung thư không. Bản thân có lúc nào thấy có khối u rồi khối u mất đi không, hiện có đang bệnh gì không, có tiền sử bệnh gì không…

Đại loại, trước khi cho lấy sinh thiết khối u đi xét nghiệm, các bước “điều tra” rất kỹ lưỡng, không khác chi ở đồn công an. Ở các phòng làm việc tại bệnh viện, có thể chúng ta sẽ thấy một số nhân viên bực dọc, có lúc lớn tiếng, vì áp lực công việc, chứ các bác sĩ ở Ung Bướu Sài Gòn, tất cả đều có thái độ nhỏ nhẹ khoan hòa đối với bệnh nhân. Họ có học hành kiến thức chuyên môn và có tấm lòng cống hiến đối với những người bệnh ung thư; cái chết rất gần với bệnh nhân, cư xử với họ tử tế thể hiện văn hóa của các bác sĩ tại đây.

Các bước chuẩn bị điều trị ung thư như tôi có nói phần trước rất bài bản và rất khoa học. Trước quyết định hóa trị hay xạ trị, tất cả bệnh nhân đều được hội chẩn bởi một hội đồng đôi ba bác sĩ chuyên môn, trong đó có bác sĩ trưởng khoa. Bác sĩ điều trị cho người bệnh là “thư ký” của buổi hội chẩn đó. Kết luận điều trị đưa ra với ý kiến nhất trí của tập thể sau khi tất cả họ đọc hết hồ sơ bệnh lý, xem xét các kết quả xét nghiệm hỗ trợ. Phác đồ điều trị sai sẽ trả giá một mạng người. Quyết định hội chẩn có ý nghĩa quan trọng như thế. Tới phiên tôi, sau hội chẩn, tôi chưa được vô thuốc vì thiếu phần chụp cộng hưởng từ ở cổ, trong hồ sơ chỉ có chụp phần bụng và phần bẹn nơi hiện diện ung thư. Tôi phải bỏ một ngày hay hai ngày không nhớ rõ để lấy kết quả; bệnh nhân rất đông, máy móc không kịp giải quyết đúng thời gian như trông đợi của bệnh nhân.

Trước khi vô thuốc, cân nặng của bệnh nhân cần biết để phù hợp với liều lượng hóa chất chữa trị. Kho thuốc của bệnh viện là nơi làm việc khoa học và nhanh chóng nhất. Người ta sẽ phát thuốc theo toa người bệnh bỏ vào rổ theo thứ tự kêu trên loa. Cầm thuốc về phòng vô thuốc, tôi vẫn thấy thuốc còn lạnh như vừa mới lấy ra từ ngăn đá của tủ lạnh: thuốc được bảo quản rất tốt ở nhiệt độ phù hợp.

Nếu không chữa ở bệnh viện, người bị ung thư đến những ông thầy, bà thầy trôi nổi hay các “thần y” trên mạng, quy trình khám bệnh, xét nghiệm, quyết định hướng điều trị có bài bản, có chặt chẽ như tôi vừa trình bày? Chắc chắn là không. Chưa kể trình độ siêu việt của các ông bà lang kia không phân biệt người bệnh nhức đầu vì nguyên nhân gì – có hàng chục nguyên nhân khác nhau khiến con người nhức đầu – làm sao họ có phác đồ điều trị một loại bệnh cực kỳ khó trị và cực kỳ phức tạp như ung thư?

Tôi có biết trường hợp, bệnh nhân nghe “tham vấn” của người quen, hoặc ai đó “người thật việc thật”, quyết định bỏ dở điều trị ở bệnh viện, để đến địa chỉ “rất nổi tiếng” nào đó, họ từng chữa lành những bệnh mà bệnh viện “chê” trả về nhà chờ chết. Cũng có thể, bệnh biến chuyển gần đạt kết quả ở bệnh viện thì người bệnh đến một “thần y” nào đó, bằng những loại thuốc bổ “trá hình” nâng đỡ cơ thể, cộng với niềm tin tưởng, bệnh nhân trở nên lành bệnh. Đây chỉ là sự trùng hợp hay “ăn có” của thần y. Nhưng nếu có mệnh hệ nào, ví dụ như uống đôi ba “tể” thuốc hay mười “thang” thuốc, bệnh nhân về nước Chúa, thân nhân người chết sẽ nghe thần y giải thích “gia đình mang đến đây trễ quá” hoặc “tại sao đưa đến bệnh viện mà không đưa đến đây thật sớm”. Những thần y này không những “giỏi” chữa bệnh họ còn giỏi về tài hùng biện. Cuối cùng thì tiền mất tật mang.

Tôi không bài bác cách chữa Đông y hay thuốc Nam; hai ngành này đang cùng Tây y cứu chữa con người; nhiều người sống sót nhờ sự phối hợp đa dạng, nhờ tiến bộ y học phương Đông, phương Tây, cả phương Nam của chúng ta. Nhưng quý vị xem, có bệnh viện đông y nào có khoa chữa ung thư hay không? Huống hồ các ông bà lang, lang thang quảng cáo qua truyền miệng hay trên mạng internet?

"Nhất thì nhì thục" là câu đúc kết của nông dân trên mảnh ruộng của mình nhưng cũng rất đúng cho bệnh nhân mắc ung thư. Thì là thời gian gieo cấy đúng vụ. Thục là cày bừa cho nhuyễn trước khi gieo mạ. Có thế người nông dân mới có bội thu. Người bệnh không đi ra đồng như người nông dân nhưng nên đi bệnh viện, càng kịp thời gian, nghĩa là càng sớm, càng tốt. Bản thân tôi chỉ cần trễ 15 hay 30 ngày, các hạch sẽ đi đến nhiều vùng trong cơ thể, người ta hay gọi là “di căn” – hết phương cứu chữa, hay rất khó cứu chữa.

Lúc điều trị bệnh ở nhà thương, tôi có quen một thầy giáo dạy cấp ba nhà ở một tỉnh miền Trung. Anh lên thành phố Sài Gòn chữa tiếp bệnh giống hệt tôi. Quý vị biết rồi, phác đồ hai, chữa lần hai bệnh ung thư, cơ may chữa khỏi rất khó khăn. Tôi thắc mắc trước đây anh chữa ở đâu và anh trả lời… “chữa tư”. Trời, tôi thầm kêu trong bụng. Mà lại chữa tư ở phòng mạch bác sĩ. Chữa ở nhà ông lang nào đó còn có thể hiểu được, chữa ở nhà một bác sĩ, điều không thể tưởng tượng. Anh kể, vị bác sĩ có làm ở khoa ung bướu của bệnh viện địa phương nhưng muốn chữa ở nhà để bệnh nhân đỡ phải chầu chực hay vất vả thủ tục rườm rà. Một bệnh nhân chữa “ngoại trú” giống tôi ở Sài Gòn. Sau các lần vô thuốc tại nhà, các xét nghiệm – tất nhiên ở bệnh viện – cho kết quả “lui bệnh” (trong y tế, không có khái niệm “hết” bệnh ung thư). 6 tháng sau các khối u xuất hiện lại ở hai bẹn, hai nách, cả ở cổ…cùng loại bệnh như tôi.

Anh đến hỏi bác sĩ, ông ấy bèn hỏi ngược lại anh, có khi nào đi dự đám tang ai hay không. Anh đáp có, đám tang anh ruột mình. Bác sĩ thở ra: “Tôi dặn anh, hết ung thư, không nên đến gần các nơi có đám tang, bệnh rất dễ trở lại. Anh không nghe tôi, giờ bệnh trở lại, tốt nhất là nên vô Sài Gòn”. Anh làm theo lời bác sĩ “gia đình” (!) kia và nói với tôi câu chuyện này.

Nhà chức trách, ở đây là bệnh viện nơi bác sĩ công tác, sẽ kỷ luật vị bác sĩ nếu phát hiện việc làm sai trái của người chữa trị ung thư không được phép này. Nhưng việc kỷ luật ấy có khắt khe cũng không khắt khe bằng tình trạng của vị thầy giáo: chữa bệnh ung thư không kịp thời. Thời gian làm vật “thí nghiệm” cho vị bác sĩ kia dẫn đến hậu họa, vị thầy giáo này phải gánh: chữa trị tiếp phát đồ 2, phác đồ đầy “bất trắc”.

Cách giải thích của ông lang trên kia, “đến chữa ở ông trễ quá” và cách giải thích của ông bác sĩ bên dưới, “bệnh tái phát vì bệnh nhân ung thư đến chỗ đám ma” (*) rất giống nhau ở chỗ: lấp liếm và vô trách nhiệm nếu không nói là quá nhẫn tâm, vô đạo đức. Họ vì tiền mà tước mất cơ hội - ở đây là thời gian - chữa bệnh thành công, một cơ hội sống cho một mạng người.

Tuy nhiên, trước căn bệnh nguy hiểm như ung thư, với cách chữa trị hiện nay (hóa trị hay xạ trị), tác dụng không mong muốn trong điều trị lên cơ thể người bệnh khá là nặng nề. Có khuynh hướng của một số người mắc bệnh ung thư là chọn chữa trị bằng thuốc Nam hoặc bằng Đông y; thuốc Nam hay được nhắc tới nhất vì người ta cho rằng, cách chữa của thuốc Nam không gây tác dụng phụ, “khốc liệt” như Tây y. Tôi không có ý kiến trước sự chọn lựa cách điều trị ung thư như thế, nhưng tôi cho rằng chưa có bao nhiêu người ung thư, với bao nhiêu loại ung thư chữa lành bằng thuốc Nam (hay Đông y) được thống kê chính thức như bên Tây y; các tổ chức y tế nhà nước có con số thống kê rõ ràng. Một bên còn mù mờ, một bên rất rõ ràng trong chữa trị ung thư, người mắc bệnh quyết định thế nào?

Vâng, sống là chọn, trong trường hợp này chọn lấy cách chữa trị một căn bệnh quái ác cho mình là chọn lẽ sống hay chọn lẽ chết. Theo thống kê tôi nói ở phần trước, qua báo Thanh Niên, năm 2018, có 115.000 người chết trên 300.000 người đang điều trị; tôi xin lặp lại, tỷ lệ ấy là có 32 người chết và 68 người sống trên 100 người. Tỷ lệ người sống ấy nhiều hay ít khi so sánh với số lượng người bệnh chữa bằng thuốc Nam? Và con số chữa lành là bao nhiêu? Mù tăm chim cá. Vậy, tại sao người ung thư lại chọn cho mình cách chữa u u minh minh?

Tất nhiên, thuốc Nam có những loại cây lá, cứu chữa nhiều bệnh nhưng phải được người có thẩm quyền ra toa, người bệnh không thể tự ý sử dụng theo hiểu biết cá nhân, thu nhặt trên mạng, hay nghe truyền miệng với nhau. Điều chắc chắn đối với tôi, ung thư không thể chữa bằng cây lá vu vơ chưa được khoa học kiểm nghiệm.

Tôi cũng như quý vị, tất cả đều mơ hồ về chữa ung thư bằng thuốc Nam. Rõ ràng các quảng cáo “đã chữa lành cho ông A, bà B ở phố nọ, phố kia, số điện thoại, số nhà”, nhưng thử hỏi có ai thống kê là bao nhiêu không? Có hội đồng khoa học nào chứng nhận các loại thuốc Nam nào chữa khỏi ung thư không? Không, vậy khi biết mình mắc ung thư, bệnh nhân nên đến bệnh viện thăm khám và chữa trị, tôi nghĩ đó là cách tốt nhất.

Không cuộc sinh nở nào không đau đớn, cách chữa trị bằng hóa trị, xạ trị rất là “đau đớn” nhưng cơ may sống sót là có; “sinh đẻ” (như sống lại) là đây chứ ở đâu nữa. Do đó, tôi nói “nên đến nhà thương nên tránh xa nhà xác” mang ý nghĩa như thế.  

(*) Có một tin tưởng, người chữa lui bệnh ung thư hạch bạch huyết, không nên đến chỗ tang ma, bệnh sẽ dễ tái phát. Đây có thể là cách giải thích tâm lý: người vừa khỏi bệnh nên giữ tâm thái bình an, vui vẻ, tránh xa cảnh bi thương, bi lụy như thường thấy ở các đám ma. Tôi chưa đọc tài liệu nào nói có liên quan giữa đám ma với ung thư.

Thursday, August 22, 2024

Sách “Ung thư và con đường tôi chữa khỏi”. CHƯƠNG 9

YÊU BỆNH NHÂN UNG THƯ NHƯ YÊU TRẺ CON BÉ BỎNG

Có lẽ nhiều người phì cười nếu tôi ví một người đang chữa trị ung thư như đứa trẻ. Đứa trẻ ở đây không có nghĩa là trẻ con. Người mắc bệnh “nan y” này, nghĩ mình sắp chết, ao ước được quan tâm và cư xử như với trẻ con. Tôi trẻ con như thế. Khi ra chỗ đông người, với chiếc đầu trụi lũi, bóng lưỡng, không một sợi tóc, chân mày bị “rớt” mất, cả mấy cọng lông mi cỏn con cũng không còn, và gương mặt vàng như nghệ, tôi rất ái ngại nếu có một ai đó nhìn tôi hơi lâu. Tôi muốn có mẹ mình bên cạnh, tôi sẽ nép vào vạt áo, mong bà che chở như khi còn đôi ba tuổi.

Bệnh ung thư không làm người ta rụng tóc nhưng hóa chất chữa ung thư gây ra tác dụng đối với hầu hết mọi người. Cái răng cái tóc là gốc con người. Bên ngoài bệnh hoạn còn có tâm lý người bệnh thương tổn, nhưng cái thương tổn lớn hơn, tôi từng trải, đó là thái độ của một đôi người, không phải là không có, trong cái xã hội có phần đa đoan; “thằng đó”, “ông đó”, hay “bà đó”, kiếp trước có vay sâu nặng, nên kiếp này phải trả: trời phạt nó căn bệnh chết người! Cách giải thích kiếp nạn của Phật giáo có cái hay: nhân nào quả đó. Kiếp này nhân tốt, kiếp sau sẽ quả tốt. Một số người cho rằng kẻ mắc bệnh ung thư là trả nợ cho kiếp trước. Nhận xét như thế rất bất nhẫn. Cách giải thích “nhân - quả” máy móc, vô tình làm thương tổn người bệnh chẳng may nghe được.

Ung thư là căn bệnh không phải là một tội lỗi. Không thể nào người mắc bệnh ung thư phải trả nợ tội lỗi họ vay ở kiếp trước. Ở đây, tôi không sa đà vào tín lý tôn giáo. Tôi muốn nói, thái độ của người chung quanh với bệnh nhân ung thư. Hãy cư xử mềm mỏng, nhẹ nhàng, và yêu thương với bệnh nhân ung thư. Thông thường, người ta rất bi quan khi mắc bệnh nan y (như ung thư), ít có ai lạc quan mình sẽ được chữa khỏi, do đó, tính tình của người tưởng mình “sắp chết” trở nên mềm yếu, dễ bị tổn thương như một người con trẻ luôn trông mong an toàn bên cha bên mẹ, bên những người yêu thương. Ngôn ngữ, vâng, chính ngôn ngữ cần hết sức tế nhị, cân nhắc đối với người bệnh.

Khi ở với một người bệnh có tâm trạng như thế, cách ứng xử người thân trong gia đình cần cẩn thận nhiều hơn. Vợ tôi là người rất yêu mến chồng. Bà hy sinh cho gia đình, và có lẽ gấp bội cho tôi nhiều hơn tôi hy sinh cho bà. Những ngày tháng đầu mang trong người căn bệnh quái ác, tính tình tôi vừa dễ thương tổn vừa dễ cáu gắt. Tôi có cảm tưởng người trong gia đình cư xử không tương xứng với một người chồng, người cha “sắp lìa trần” (trong suy nghĩ của tôi). Tôi không vừa ý một vài cái tôi được chăm sóc, tôi phản ứng, có lần thái quá. Khi vợ tôi phản ứng lại - “tức không chịu nổi” - thói trái tính trái nết của một người bệnh, tôi đâm ra thương thân tủi phận. Nhiều đêm mất ngủ vì lo âu căn bệnh; nhìn chỗ lưng bàn tay bầm đen vì thuốc ung thư chích vào mạch máu lọt ra da thịt; cảm giác môi và miệng tôi lở loét vì sức nóng của thuốc, đến nỗi không ăn được cả lá hành tươi. Nghe tiếng to của vợ hay lời nhắc nhở hữu ích của con cái về đôi việc quá đáng của một người đang bệnh, tôi có khi muốn tìm đến cái chết: mình có phải là gánh nặng cần phải cất khỏi gia đình?

Tôi không rõ những người mắc bệnh ung thư khác có đồng tâm trạng của tôi hay không; hay tôi vốn dễ xúc cảm, nhốt mình mãi mình trong nhà, tôi có thể mắc chứng trầm cảm. Nhưng rõ ràng, theo tôi nghĩ, người bệnh ung thư cần sự thông cảm và chia sẻ hết mức, mà sự thông cảm và chia sẻ ấy có khi là quá mức chịu đựng của người chung quanh. Tôi nói chỗ dựa chữa bệnh ung thư là ở gia đình là chỗ đó. Người vùng miền khác tôi không rõ, chứ ở quê tôi, người Quảng rất thật thà trong giao tiếp. Hồi nhỏ, mặt tôi mụn nhiều lúc dậy thì, rất mặc cảm; vốn đã xấu trai lại thêm mặt mụn, càng mặc cảm hơn. Các bạn học mới thoáng thấy tôi, đã la toáng lên “trời! sao mặt mi mụn đầy, như cơm cháy”. Quý vị biết rồi, cơm cháy thì nham nhở biết bao, bạn tôi lại tặng cho tôi mấy mỹ từ đau đớn đó. Họ không biết đã khoét sâu nỗi đau “mặt nhiều mụn” bạn mình. Đối với người mắc ung thư, những lời nhận xét đúng “như cơm cháy” ấy sẽ là mũi dao đâm vào tim họ: da “mi sao mét quá, người mi sao ốm quá, bệnh thế có qua nổi không, hay là bỏ nhà thương, qua chữa bên thuốc Nam, thuốc Bắc cho đỡ hại người”. Lời khuyên chân thật, nhưng lợi bất cập hại: người bệnh mặc cảm vừa “không giống ai” vừa “nghi ngờ” cách chữa trị đang theo đuổi. Lỡ nghe lời khuyên mà họ bỏ cách chữa trị đang theo, chuyển qua cách chữa trị khác, và sau đó vài tuần, thì họ chẳng… còn sống để nhận thêm lời khuyên chân thành nào nữa.

Tôi nói hãy cư xử người ung thư “sắp chết” (chắc gì đã chết) như con trẻ là như thế. Một lần trong một quán ăn sáng, tôi gặp một người phụ nữ có gương mặt thanh tú dù tuổi bà có lẽ hơn tuổi tôi, thật thông minh qua cặp kính cận thị gọng vàng sang trọng. Nhìn tôi một lúc, bà mỉm cười hỏi: “Xin lỗi ông. Hình như ông đang chữa trị ung thư?”. Tôi thành thật gật đầu. Bà cười, nụ cười thật đẹp - còn trẻ, hẳn bà mê hoặc nhiều đàn ông lắm – và nói tiếp: “Tôi nhìn tướng mặt ông, ông sẽ khỏi bệnh. Tướng ông thọ lắm. Tai ông dày và dài như thế, ông sống rất thọ. Ông sẽ khỏi bệnh, tôi cam đoan”.

Tôi chưa từng nghe ai “coi tướng” bảo tôi sống thọ nhưng tại sao người đàn bà xa lạ này lại bảo tôi sống thọ? À, tôi nghĩ ra rồi. Bà ta an ủi, động viên tôi, thanh tú thế kia không lẽ bà hành nghề bói toán? Nhìn cái tướng thật thà với cặp môi dày của tôi, người đàn bà kia đem lòng thương hại bằng cách “nói dối” tôi sẽ không chết vì ung thư hay chăng? Bà cư xử mềm mại với tôi như một người mẹ cư xử với đứa con bằng câu nói dối dễ thương, gieo trong lòng tôi một niềm hy vọng. Nhưng dù cho đó là câu nhận xét “ngoại giao” hay “thật lòng” của một người chưa từng gặp, tôi vẫn thấy khoan khoái vô cùng. Buổi sáng vừa uống viên thuốc ung thư, tôi cảm thấy, đến lúc đó, bụng mình vẫn không thấy cồn cào, cái nóng của thuốc, có lẽ nhờ gặp người phụ nữ “nhân đức” kia chăng?

Người lớn đôi khi nói dối vô hại với trẻ con cũng không khác chi một bác sĩ nói dối với bệnh nhân sắp chết: anh chuẩn bị ra viện, anh không còn bệnh nữa. Chắc chắn người chuẩn bị lìa trần kia sẽ nở một nụ cười trên đôi môi héo hắt. Nói những lời tốt đẹp (dù không thật) với một người bệnh trong tâm trạng “rày sống mai chết” có mắc tội với chúa với cha hay không?

Lúc qua chỗ siêu âm dịch vụ bên kia đường, đối diện Ung Bướu Sài Gòn, tôi có quen với một anh thanh niên đang dẫn mẹ từ Đà Lạt về chữa bệnh ung thư như tôi. Bà cụ 85 tuổi trông còn khỏe mạnh. Bệnh ung thư xuất hiện có khi con người còn khỏe mạnh. Trước đó mấy tháng, bác sĩ bệnh viện bảo anh không cần chữa cho cụ bà. Nếu vô thuốc bà sẽ mau chết hơn vì tuổi quá cao, không đủ sức chống chọi với thuốc, anh nên chữa “tâm lý” cho bà. Đó là gợi ý của bác sĩ ở bệnh viện Ung Bướu.

Phải nói là đội ngũ bác sĩ bệnh viện này không những thật giỏi mà còn thật thông minh và tâm lý. Vậy là hằng tháng, anh dẫn bà xuống khám cùng một bác sĩ, và liệu trình chữa trị của bà là thuốc bổ giả thuốc bệnh (placebo). Tuy già bà vẫn còn minh mẫn. Không dẫn đi khám, không siêu âm mỗi tháng, không về tận Sài Gòn (hai mẹ con ở khách sạn mỗi lần về thành phố) chắc chắn không thể “xí gạt” được bà. Và lạ lùng thay, anh con trai nói với tôi, các khối u ở nách, ở cổ, teo dần, kích thước ngày mỗi nhỏ sau mỗi tháng siêu âm. Khi tôi chữa hết bệnh, tôi không gặp lại để hỏi anh, bà cụ có hết hẳn bệnh hay không. Như vậy, bệnh có thể thuyên giảm nhờ liệu pháp tinh thần không hẳn chỉ nhờ liệu pháp y dược. Tất nhiên, trường hợp của cụ bà phải nói rất hiếm.

Tôi không mong người thân phải nói dối với người nhà mắc bệnh ung thư đang chữa trị. Tôi muốn nhấn mạnh, hãy coi họ như những đứa trẻ, cưng như trứng hứng như hoa, trẻ em “như búp trên cành”. Dẫu họ không may mắn vượt qua căn bệnh, người thương yêu cũng vui lòng: họ thương yêu người bệnh ung thư như trẻ con của mình. Tình mẹ dành cho con lúc nào cũng bao la, vô điều kiện. Xin hãy dành cho người thân của mình một tình yêu như thế.

Wednesday, August 21, 2024

Sách “Ung thư và con đường tôi chữa khỏi”. CHƯƠNG 8

                  ĐAU CHÂN HÁ MIỆNG

Theo báo Thanh Niên ngày 31 tháng 8 năm 2019, Việt Nam là một trong những nước có người mắc ung thư tương đối cao. Năm 2018 có khoảng 300.000 bệnh nhân đang điều trị. Số ca mới là 165.000 mỗi năm và số tử vong trung bình 115.000 người. Nếu đúng như số này đưa ra, tỷ lệ người chết trên số người đang điều trị là 38/100 người. Như vậy, không phải ai mắc ung thư cũng đều chết. Bệnh viện ung thư chưa đủ chỗ điều trị tiên tiến và bài bản cho tất cả bệnh nhân nhưng rõ ràng, nhờ bệnh viện, số chữa lành chiếm đa số (62%).

Số ca mới có nhiều nhưng chắc chắn số chữa lành sẽ nhiều hơn. Khi biết mình mắc bệnh ung thư, tôi cũng như bao nhiêu người khác, hoang mang là tâm trạng đầu tiên. Nhờ internet, tôi tìm hiểu rất nhiều nguồn, dĩ nhiên là những nguồn chính thống, để hiểu về loại ung thư mình mắc. Thông thường những số liệu về loại ung thư nào cũng làm cho người bệnh lo sợ. Tỷ lệ chữa khỏi từng giai đoạn có kết quả khác nhau. Có tài liệu: nếu ở giai đoạn 3, bệnh nhân nên thu xếp chuyện gia đình ổn thỏa; giai đoạn 4 thì họ “muốn ăn gì thì ăn”, “chơi gì thì chơi” nếu có gia tài, hãy viết di chúc ngay.

Vì là trên mạng, chúng ta có vô vàn thông tin. Tin vào tư liệu nào, nếu không tìm được nguồn khả tín, tham vấn bác sĩ ngay tại chỗ chữa trị là tốt nhất. Bệnh viện ung bướu Sài Gòn có bác sĩ tham vấn về vấn đề này. Tham vấn có tốn phí nhưng tốn phí hữu ích, cần nghe theo. Không bao giờ tin mọi con số, mọi nguồn tin trên mạng. Chọn lọc nguồn tin không phải ai cũng làm được. Hơn nữa, “tận tín thư, bất như vô thư”, quá tin vào sách, tốt nhất đừng có sách. Khi bệnh, tôi rất hoang mang và nhiều tư liệu về bệnh của mình làm tôi hoang mang hơn. Bác sĩ trực tiếp điều trị cho mình, đó là nguồn thông tin gần gũi và tin cậy nhất. Họ nắm vững chuyên môn và họ nắm vững hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân. Không hỏi ý kiến họ thì hỏi ý kiến ai khả tín hơn?

Người trực tiếp điều trị cho tôi là một bác sĩ nữ, tầm tuổi con gái đầu của tôi. Chỗ ngồi của bác sĩ trẻ này có kệ gỗ đầy nhóc sách, hoàn toàn bằng tiếng Anh, tôi quan sát không có sách tiếng Việt. Có tài liệu bảo người bệnh ung thư không nên ăn thịt bò và các loại thịt đỏ, các tế bào ung thư sẽ phát triển. Tôi hỏi và bác sĩ đáp: “Tôi không rõ có tác dụng như thế, nhưng trong thời gian chữa trị, ông cần ăn thịt bò để có sức mà chữa bệnh. (Bác sĩ đùa) ông không ăn thịt bò, bệnh nó ăn ông đó. Khi khỏi bệnh, ăn hay không ăn thịt bò, đó là quyền của ông”. Tôi hỏi tiếp: Khi vô hóa chất, để cho mát, tôi có được phép uống các loại nước “mát” như bột sắn dây (ngoài Bắc) hay rau má không? Đáp: Sắn dây tôi chưa biết có tác dụng gì với thuốc điều trị ung thư nhưng rau má thì tốt. Ông bà ta uống rau má giải nhiệt rất sớm.

Với kiến thức của một bác sĩ chuyên khoa về loại ung thư tôi đang chữa, tôi tin tưởng vào vị bác sĩ trẻ, cẩn thận theo lời khuyên này.

Đau chân há miệng. Có bệnh thì vái tứ phương. Tôi cũng không thoát khỏi tâm lý ấy. Nhưng khi tin tưởng chuyên môn vị bác sĩ, mỗi thứ cần “nạp” vào cơ thể mấy tháng trời hóa chất lưu thông trong máu, tôi đều hỏi ý kiến của bác sĩ. Các bác sĩ chữa ung thư ngoại trú đều có đưa số điện thoại riêng cho bệnh nhân họ trực tiếp điều trị. Thắc mắc hay muốn ăn uống thêm thứ gì hỗ trợ trong thời gian chữa trị, tôi đều hỏi ý kiến họ.

Có một tâm lý: khi bệnh, ai bày chi nghe nấy, nhất là những người thân, những người “có uy tín”, những người từng biết ai đó cũng có bệnh giống chúng ta. Đây là kiểu “thương thành hại”. (Nguyễn Du: Còn tình chi nữa mà thù đấy thôi). Cơ thể con người không phải là phòng thí nghiệm. Mà có là phòng thí nghiệm cũng không thể “thử” mọi hóa chất: tất cả thức ăn, thức uống đều cấu tạo bằng “hóa chất” (từ vật chất). Ngò, tiêu, tỏi, ớt, sả, tía tô, hành…tất cả đều là vị thuốc huống hồ chi các thứ khác, các thức ăn khác.

Khi tôi mắc bệnh, nhiều người quý mến, ở Quảng Nam – xứ của nấm lim xanh- gởi tăng mấy ký “uống sẽ hết ung thư đó anh”, lời dặn dò của một người quen thân. Tôi cám ơn và cất kỹ để tặng lại cho người khác. Tôi có hỏi về nấm này, vị bác sĩ trẻ điều trị cho tôi, lắc đầu: “Tôi không thấy tài liệu nào bằng tiếng Anh nói nấm này chữa lành ung thư. Vả lại, hàng mấy chục loại bệnh ung thư, một loại nấm làm sao trị “bách bệnh”. Nhưng ông không nên uống trong thời gian tôi điều trị cho ông đấy nha. Gan của ông thuốc nó nung nóng mà ông còn uống thêm hóa chất vào. Chết trước khi chữa đó”. Vị bác sĩ nói thêm : “Có lẽ chỉ ở Việt Nam hay Trung Quốc mới có nghiên cứu này về nấm lim xanh, cái đó ngoài hiểu biết của tôi”.

Có thể một loại cây thuốc nào đó, như lim xanh chẳng hạn, sẽ có thể chữa lành loại ung thư nào đó. Tôi tự hỏi đã có nghiên cứu chính thống y khoa nào về hiệu quả chữa trị ung thư của nấm lim xanh? Nếu nó chữa khỏi nhiều loại bệnh ung thư thì người hái nó, bào chế thành thuốc, gửi đi bán trên thế giới, biết đâu họ sẽ nhận giải Nobel về y khoa, Việt Nam sẽ vang danh quốc tế. Đó là những trao đổi thêm với tôi qua điện thoại của vị bác sĩ trẻ tuổi, đáng kính. Tôi nghĩ, khi đang điều trị ở chỗ bệnh viện, tốt nhất, bệnh nhân hãy tuân thủ y lệnh của bác sĩ trong suốt thời gian của liệu trình.

Tôi tin vị bác sĩ chữa cho tôi vì cô nghiên cứu tài liệu của Anh, Mỹ và Mỹ là nước có kỹ thuật chữa bệnh ung thư tiên tiến nhất thế giới, không thế ông Nguyễn Bá Thanh còn đi qua tận đó để chữa, sau khi Singapore bó tay? Tư liệu về ung thư của họ chắc chắn dựa vào nghiên cứu khoa học không phải như ở xứ sở, một bà lang băm nào đó, quảng cáo trên mạng, bà ta có thể chữa lành bệnh tiểu đường, trong khi nước tiên tiến như Mỹ còn nói chưa chữa lành, chỉ chữa cho khỏi biến chứng qua thuốc kiểm soát đường huyết. Có quảng cáo còn nói ông bà nào ở đâu miệt thượng du Bắc bộ có loại thuốc chữa hết thấp khớp, gout, trong khi ở Mỹ vẫn còn “bó tay” chưa có thuốc chữa khỏi hẳn.

“Đau chân há miệng” là thế. Khi mang trong mình một bệnh nan y, có ai đó mách có người chữa khỏi, nhiều tiếng tăm, người bệnh bằng mọi cách tìm cho được thần y. Tôi không phủ nhận, có người nào đó, có bệnh nào đó có thể chữa khỏi với những loại cây thuốc nào đó nhưng phải thấy rằng không phải ai mắc bệnh nào đó uống thuốc nào đó sẽ khỏi, còn tùy thuộc liều lượng, tùy cơ địa, tùy tâm lý, tùy tinh thần của từng người. Cách chữa trị có liệu trình, có phác đồ, có khoa học dứt khoát phải là ở bệnh viện. Các vị “thần y” xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng, theo tôi, hãy “kính nhi viễn chi”.

Việt Nam còn nghèo nhưng kinh nghiệm của người Việt về chữa bệnh không thua các nước tiến bộ khác. Cơ sở vật chất y tế không tương thích chứ tay nghề mổ sọ não của các bác sĩ Chợ Rẫy có thể bằng hoặc hơn bác sĩ Thái Lan, thậm chí Singapore, lý do đơn giản: Việt Nam chiến tranh nhiều, tai nạn xe cộ nhiều, tay nghề bác sĩ được nâng cao nhiều nhờ thực tiễn, cả trăm triệu dân, số người bệnh đưa vào bệnh viện cho họ mổ chắc chắn gấp mấy lần số bệnh nhân vào bệnh viện Thái Lan hay Singapore. Mổ nhiều tất tay nghề mổ nâng cao. Nhờ chiến tranh, nhờ người Việt như Trần Đông A, nghề “mổ xẻ” của Việt Nam các nước như Nhật Bản cũng e dè. Nhưng về căn bệnh ung thư thì sao?

Tôi không rõ nhưng tôi có biết một trường hợp; một phụ nữ người Sài Gòn rất giàu có cùng chữa với tôi ở bệnh viện ung bướu đôi ba lần, sau đó không thấy bà nữa. Khi sắp hoàn tất đợt điều trị cuối, tôi lại gặp bà. Người bà nhìn tươi tốt hơn lúc điều trị 2,3 đợt cùng lần với tôi. Tôi lân la hỏi chuyện bà chữa ở đâu mà chóng lành ung thư. Bà cười, “ở Singapore về”. “Sao chị lại vô đây”. “Không khỏi, anh ạ”. Tôi ngạc nhiên chưa hỏi tiếp, bà nói: “Phương tiện chữa trị, chăm sóc bên đó rất tuyệt vời. Thức ăn cho mỗi người, mỗi loại bệnh đều có bác sĩ cho ăn riêng, theo dõi riêng. Tôi khỏe nhưng bệnh ung thư vẫn không hết. Họ bảo tôi nếu đến thẳng họ lúc mắc bệnh, khả năng chữa lành rất cao, nhưng tôi đã chữa ở Việt Nam một thời gian, cơ thể tôi “lờn thuốc”. Tôi định về đây chữa tiếp, không biết ra sao”.

Tôi không nói cách chữa trị ở Singapore không bằng ở Việt Nam nhưng tôi muốn nói, đã chữa ở đâu thì nên theo đuổi ở đó, không nên thấy chỗ nọ, chỗ kia, nghe nói chữa giỏi lắm, người mắc ung thư bỏ dở liệu trình đang điều trị, đến nơi chữa mới. Tôi có một em bên vợ như thế. Ban đầu điều trị cùng lần với tôi ở Ung bướu Sài Gòn đôi ba đợt vô thuốc; thấy cơ thể vẫn yếu chú ấy nghe lời ai giới thiệu ông thầy nào ở Tây Ninh chữa ung thư rất giỏi, nhiều người khỏi. Bỏ ngang bệnh viện về Tây Ninh, mấy tháng sau bệnh trầm trọng hơn, chú quay lại Ung Bướu, và nay đã nằm sâu trong lòng đất khi trở về chỗ chữa trị cũ chưa tới một tháng.

Tôi không nói bệnh viện mới chữa khỏi ung thư mà không ông nào, bà nào chữa được. Tôi chỉ muốn nói, chữa ở đâu, cần kiên trì theo đuổi ở đó, chữa bệnh không phải đi hành hương, hết nhà thờ này thì đến nhà thờ khác. Và theo tôi, đối với bản thân, bệnh viện nên là chọn lựa đầu tiên nếu người nào mắc bệnh ung thư dù hiện nay các bệnh viện hết sức quá tải, các phương tiện y tế hỗ trợ chưa phải đầy đủ; nhưng đó là chỗ có thể tin cậy hàng đầu. Chưa ai thống kê mấy thần y, thần dược, chữa lành ung thư bao nhiêu người, nhưng nhà thương có thống kê tôi nhắc lại trước khi chấm dứt bài viết: cứ 100 người mắc thì có 62 người chữa khỏi, và thời đại tiên tiến, tôi tin, tỷ lệ ấy càng nâng cao, không như thời tôi chữa trị gần 8 năm trước. Hãy luôn nhớ ngạn ngữ “tiền mất tật mang” nếu điều trị sai chỗ, sai nơi, sai thầy.

CỔNG TRỜI

Là tên khu du lịch sinh thái rộng hàng trăm héc ta, lấy theo tên đã có từ trước. Dân vùng rừng núi Tây Quảng Nam còn gọi nó là Gợp. Tiếng địa phương có nghĩa là đá chồng lên nhau từng tảng lớn có khoảng trống ở giữa. Vì ở nơi cao nhất tỉnh, vào đây, qua cổng (đá) này, người ta nghĩ là có thể lên trời, Cổng Trời có tên từ đó.

Gợp, cổng “lên trời”.

Khí hậu mát mẻ như Bà Nà. Đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi đến đây hơn 10 năm trước, lúc cơ sở hạ tầng, nhà hàng, khách sạn, các hạng mục khác, đang cấp tập xây dựng, ngổn ngang, bừa bộn xe cộ, vật tư.

Và tôi cũng đầu tiên cảm nhận: thiên nhiên đang bị phá vỡ. Mới đây, khi khu du lịch đi vào hoạt động, tôi lại thay đổi cảm nhận ban đầu. Có “phố “ ở  “ rừng” cũng là sự kết hợp hài hòa : hiện đại và nguyên sơ, văn minh và hoang dã, con người và thiên nhiên.

Tuesday, August 20, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 7

ĐỪNG NGHĨ: BỆNH NHÂN NHƯ TÙ NHÂN

Nhiều người cạo đầu trọc lóc để tạo cho mình một nét riêng độc đáo. Tôi thấy trên mạng một vài người với cái đầu không tóc nhìn rất đặc trưng, có thể nói là rất đẹp, nhất là đối với phụ nữ. Đa phần, có thể là hầu hết, mái tóc đối với phụ nữ là tài sản quý giá nhất trong tài sản quý giá trên thân thể trời ban nhiều đường cong tuyệt mỹ, nhiều kiểu dáng đáng yêu. Nhìn vào mái tóc dù thoáng qua, chưa nói ngắm kỹ, có biết bao văn nhân, thi sĩ, cảm hứng làm văn làm thơ, ngợi ca “Cái răng, cái tóc là gốc con người”.

Bắt gặp các phụ nữ ở các bệnh viện ung bướu, chắc chắn các vị khách thanh tao sẽ từ bỏ nghề văn, nghề thơ nếu muốn tả mái tóc như “mây chiều trôi” họ hằng tưởng tượng. Nhiều phụ nữ đội tóc giả lên đầu tóc rụng hết của mình nhưng có nhiều người thì không. Họ tưởng mình sắp lìa trần khi mang căn bệnh kinh hoàng, chăm chút bên ngoài, mái tóc hay cặp chân mày kẻ bút chì, cũng chẳng làm họ quan tâm. Sức khỏe lúc này là quý nhất chứ không phải đầu tóc giả, chân mày kẻ bút chì, son đỏ trên đôi môi tái nhợt.

Rụng tóc sau khi vô hóa chất đối với hầu hết bệnh nhân ung thư là nỗi kinh hoàng. Tôi là đàn ông, từng ngẫu hứng cạo đầu trụi lủi; chỗ tôi làm việc, nhiều người dị nghị, tôi thất tình hay thề thốt chi đây mà xuống tóc. Tự động cho đầu không tóc rất khác bệnh làm cho đầu không tóc. Một bên là theo ý muốn đầu không tóc, một bên là bị bắt buộc đầu không tóc. Nếu bỗng dưng, tóc rụng một lần sau ngày vô thuốc, tôi sẽ ít bàng hoàng vì biết rõ tác dụng phụ của thuốc chữa ung thu. Đằng này thì không.

Cứ mỗi sáng thức dậy, trên chiếc gối mềm, các mảng tóc nằm ngổn ngang, như những mảnh thủy tinh vỡ, sắc nhọn, làm tim tôi thắt lại. Tóc rụng làm cho tôi nghĩ, mình đang mang một án tử trong người: ung thư. Và mỗi sáng thức dậy, những mảng tóc ấy như khoét thêm vết thương vốn nhói đau, sâu hoắm. Cạo sạch là một giải pháp để vết thương ấy chóng qua. Nếu ai mắc bệnh ung thư sắp vô hóa chất, họ thường tự động cạo sạch tóc trên đầu mình đi. Khi đến lúc tóc rụng do tác dụng của thuốc, tóc ta đâu còn mà rụng. Một cách chữa trị tâm lý, tôi nghĩ, bệnh viện hay các nhà khoa học chưa nghĩ tới, hay có nghĩ tới mà tôi không biết.

Bệnh ung thư chia làm hai loại bệnh nhân: nội trú và ngoại trú. Nội trú dành cho những người không thể ở nhà, cần ở bệnh viện, để bác sĩ trực tiếp chữa trị có khi vì quá nặng hay phải chịu mổ xẻ các khối u trong cơ thể hay những bệnh nhân không thể chữa ngoại trú. Ngoại trú dành cho những người còn khỏe mà mắc bệnh ung thư như tôi. Điều trị nội trú rất vất vả nhưng bệnh nhân ít chịu áp lực tâm lý hơn bệnh nhân ngoại trú vì trong bệnh viện…ai cũng bị như mình.

Khi điều trị ngoại trú, áp lực khác đè lên người bệnh: sự hòa nhập. Khi đi ăn sáng, uống cà phê, cái đầu trọc và nước da xanh mướt của tôi, không nói ra, người khác sẽ có cái nhìn, mà nhìn lại, tôi biết

ngay họ rất ái ngại: ông này chắc là sắp chết vì…ung thư. Nếu không chuẩn bị tinh thần, người bệnh rất dễ thương tổn. Qua cặp mắt của những người chung quanh, tinh thần của một người bệnh chùng xuống rất sâu, chùng vào trầm cảm.

Tôi từng trải qua những giây phút, những hoàn cảnh như thế, và mỗi lần đi ra ngoài trở về, nhớ lại những cái nhìn ái ngại của những người mình gặp, dù họ xa lạ, lòng tôi luôn trĩu nặng. Dù chạy xe được, mỗi lần đội hay gỡ nón bảo hiểm, tóc rụng của tôi rớt theo, rơi xuống đất, một số còn vướng trong vành mũ vải. Tôi cảm thấy tâm hồn mình trĩu nặng hơn.

Khi rơi vào tình cảnh gần như tuyệt vọng - tâm tưởng cái chết vì ung thư sẽ đến - người ta có khuynh hướng bám víu vào một sức mạnh khác, sức mạnh siêu nhiên, mà trước đây, khi khỏe mạnh người ta ít để ý tới. Tôi là người theo đạo công giáo; cha tôi từng có đạo trước năm 1945. Tôi vốn là người hay hồ nghi. Cả tôn giáo nói về đức Chúa Trời, về Chúa Jesus, về thánh Giuse, mẹ Maria. Tôi đọc cựu ước, tân ước rất kỹ để tìm hiểu về cái tôn giáo có hệ thống tổ chức khá chặt chẽ và thống nhất này, cả thế giới đều quy tụ về một vị chủ chăn, đức Giáo Hoàng.

Tôi không tin mấy, ví dụ mẹ Maria đồng trinh sao có thể đẻ con. Tục lệ thời Jesus không ai tuổi như ngài mà không có vợ. Và, trong nhiều lần đọc sách, tôi nghĩ Thượng đế do con người sáng tạo chứ không phải thượng đế sáng tạo con người. Nếu Thượng đế toàn năng, tại sao ngài lại sinh ra con rắn ác độc cám dỗ Eva và Adam ăn trái cấm, để họ phải thấy xấu hổ vì trần truồng mà trước khi ăn trái cấm họ không thấy xấu hổ. Với một học sinh, rồi một sinh viên, tôi tìm đọc rất nhiều sách. Tôi cho Thượng Đế chẳng toàn năng.

Nhưng khi tôi nghĩ mình sắp chết vì bệnh ung thư, tôi lại quay về Thượng đế mà trước đây tôi không mấy tin là có. Có bệnh thì vái tứ phương. Tôi cũng ở tâm trạng đó. Tôi đi lễ nhà thờ đều đặn hơn. Tôi cầu nguyện với Chúa của tôi chân thành hơn. Lời cầu của tôi chân thành bởi tôi không muốn chết khi tuổi chưa tới 60, con cái tôi chưa phải tất cả đều thành đạt. Con út tôi còn chưa tốt nghiệp đại học.

Mỗi sáng thức dậy, trước khi đi bộ, tôi cầu nguyện. Khi đi ngủ, tôi cũng cầu nguyện, dù sức nóng của thuốc trong người không đem lại cho tôi giấc ngủ yên bình. Vợ tôi cầu nguyện cho tôi mỗi tối. Con út của tôi cũng cầu nguyện cho tôi. Cháu kể lại từng cầm mấy bó nhang, đi vào nghĩa địa công giáo mênh mông hàng ngàn ngôi mộ ở Thủ Đức, từng ngôi mộ, cháu đều đốt nhang, cầu khấn người quá cố. Cháu bảo con mong những người nằm dưới đất phù hộ cho ba khỏi bệnh.

Bên Phật giáo, tôi thấy có nghi thức hộ thần, các vị tu sĩ tụ tập hướng nguyện suy nghĩ của mình cầu mong cho cha mẹ vị tu sĩ nào đó đang bệnh. Các chư tăng dùng tâm của mình, mấy trăm vị, để độ trì cho ai đó sớm vượt khỏi đau khổ của bệnh cận kề cái chết.

Đau chân há miệng. Trước tôi nửa tin nửa ngờ, nay, vì bệnh có thể sẽ chết, tôi lại tin trọn, vào đấng trước đây, tôi từng nửa ngờ nửa tin. Nhưng không phải tôi không thật lòng, muốn “gạt” Thượng đế để “lừa” ngài cứu tôi sống. Tôi trở nên thật lòng tin chúa; ví dụ, mỗi khi nuốt nước miếng cồm cộm  vì hạch nổi ở đáy lưỡi, tôi cầu nguyện cái hạch nơi ấy lặn đi, và huyền diệu thay, trong suy nghĩ của tôi, hạch ở cổ cả hạch ở bẹn đã không còn.

Nhưng bây giờ nghĩ lại, nếu không có mấy toa thuốc ở bệnh viện ung bướu, chỉ cầu nguyện thôi, làm sao tôi hết bệnh? Đến đây tôi lại nhớ câu nhiều người biết: Trời giúp ai tự giúp mình. Ở đây, tôi giúp tôi, nhưng bệnh viện còn giúp tôi nhiều hơn. Cho đến bây giờ, tôi không rõ, Chúa hay bệnh viện hay chính tôi đã giúp mình thoát qua cơn bệnh hiểm nghèo.

Không biết là do đâu, rõ ràng nếu thiếu một trong ba nhân tố đó, biết đâu bây giờ tôi “an giấc ngàn thu”, đâu còn gõ máy vi tính, trò chuyện với các vị những tâm sự của mình. Và, tôi nghĩ rằng, tôi không phải là điển hình cho sự chiến thắng bệnh tật, mà tôi chỉ muốn trao đổi trải nghiệm, với suy nghĩ “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Câu chuyện căn bệnh nan y biến tôi thành một “tù nhân” ở bệnh viện hay trong xã hội bỗng chốc lại giải phóng tôi thành người tự do như nhiều người tự do khỏe mạnh khác. Tôi có cảm giác cuộc đời mình còn xanh nõn những mầm sống tương lai.