Tuesday, August 20, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 7

ĐỪNG NGHĨ: BỆNH NHÂN NHƯ TÙ NHÂN

Nhiều người cạo đầu trọc lóc để tạo cho mình một nét riêng độc đáo. Tôi thấy trên mạng một vài người với cái đầu không tóc nhìn rất đặc trưng, có thể nói là rất đẹp, nhất là đối với phụ nữ. Đa phần, có thể là hầu hết, mái tóc đối với phụ nữ là tài sản quý giá nhất trong tài sản quý giá trên thân thể trời ban nhiều đường cong tuyệt mỹ, nhiều kiểu dáng đáng yêu. Nhìn vào mái tóc dù thoáng qua, chưa nói ngắm kỹ, có biết bao văn nhân, thi sĩ, cảm hứng làm văn làm thơ, ngợi ca “Cái răng, cái tóc là gốc con người”.

Bắt gặp các phụ nữ ở các bệnh viện ung bướu, chắc chắn các vị khách thanh tao sẽ từ bỏ nghề văn, nghề thơ nếu muốn tả mái tóc như “mây chiều trôi” họ hằng tưởng tượng. Nhiều phụ nữ đội tóc giả lên đầu tóc rụng hết của mình nhưng có nhiều người thì không. Họ tưởng mình sắp lìa trần khi mang căn bệnh kinh hoàng, chăm chút bên ngoài, mái tóc hay cặp chân mày kẻ bút chì, cũng chẳng làm họ quan tâm. Sức khỏe lúc này là quý nhất chứ không phải đầu tóc giả, chân mày kẻ bút chì, son đỏ trên đôi môi tái nhợt.

Rụng tóc sau khi vô hóa chất đối với hầu hết bệnh nhân ung thư là nỗi kinh hoàng. Tôi là đàn ông, từng ngẫu hứng cạo đầu trụi lủi; chỗ tôi làm việc, nhiều người dị nghị, tôi thất tình hay thề thốt chi đây mà xuống tóc. Tự động cho đầu không tóc rất khác bệnh làm cho đầu không tóc. Một bên là theo ý muốn đầu không tóc, một bên là bị bắt buộc đầu không tóc. Nếu bỗng dưng, tóc rụng một lần sau ngày vô thuốc, tôi sẽ ít bàng hoàng vì biết rõ tác dụng phụ của thuốc chữa ung thu. Đằng này thì không.

Cứ mỗi sáng thức dậy, trên chiếc gối mềm, các mảng tóc nằm ngổn ngang, như những mảnh thủy tinh vỡ, sắc nhọn, làm tim tôi thắt lại. Tóc rụng làm cho tôi nghĩ, mình đang mang một án tử trong người: ung thư. Và mỗi sáng thức dậy, những mảng tóc ấy như khoét thêm vết thương vốn nhói đau, sâu hoắm. Cạo sạch là một giải pháp để vết thương ấy chóng qua. Nếu ai mắc bệnh ung thư sắp vô hóa chất, họ thường tự động cạo sạch tóc trên đầu mình đi. Khi đến lúc tóc rụng do tác dụng của thuốc, tóc ta đâu còn mà rụng. Một cách chữa trị tâm lý, tôi nghĩ, bệnh viện hay các nhà khoa học chưa nghĩ tới, hay có nghĩ tới mà tôi không biết.

Bệnh ung thư chia làm hai loại bệnh nhân: nội trú và ngoại trú. Nội trú dành cho những người không thể ở nhà, cần ở bệnh viện, để bác sĩ trực tiếp chữa trị có khi vì quá nặng hay phải chịu mổ xẻ các khối u trong cơ thể hay những bệnh nhân không thể chữa ngoại trú. Ngoại trú dành cho những người còn khỏe mà mắc bệnh ung thư như tôi. Điều trị nội trú rất vất vả nhưng bệnh nhân ít chịu áp lực tâm lý hơn bệnh nhân ngoại trú vì trong bệnh viện…ai cũng bị như mình.

Khi điều trị ngoại trú, áp lực khác đè lên người bệnh: sự hòa nhập. Khi đi ăn sáng, uống cà phê, cái đầu trọc và nước da xanh mướt của tôi, không nói ra, người khác sẽ có cái nhìn, mà nhìn lại, tôi biết

ngay họ rất ái ngại: ông này chắc là sắp chết vì…ung thư. Nếu không chuẩn bị tinh thần, người bệnh rất dễ thương tổn. Qua cặp mắt của những người chung quanh, tinh thần của một người bệnh chùng xuống rất sâu, chùng vào trầm cảm.

Tôi từng trải qua những giây phút, những hoàn cảnh như thế, và mỗi lần đi ra ngoài trở về, nhớ lại những cái nhìn ái ngại của những người mình gặp, dù họ xa lạ, lòng tôi luôn trĩu nặng. Dù chạy xe được, mỗi lần đội hay gỡ nón bảo hiểm, tóc rụng của tôi rớt theo, rơi xuống đất, một số còn vướng trong vành mũ vải. Tôi cảm thấy tâm hồn mình trĩu nặng hơn.

Khi rơi vào tình cảnh gần như tuyệt vọng - tâm tưởng cái chết vì ung thư sẽ đến - người ta có khuynh hướng bám víu vào một sức mạnh khác, sức mạnh siêu nhiên, mà trước đây, khi khỏe mạnh người ta ít để ý tới. Tôi là người theo đạo công giáo; cha tôi từng có đạo trước năm 1945. Tôi vốn là người hay hồ nghi. Cả tôn giáo nói về đức Chúa Trời, về Chúa Jesus, về thánh Giuse, mẹ Maria. Tôi đọc cựu ước, tân ước rất kỹ để tìm hiểu về cái tôn giáo có hệ thống tổ chức khá chặt chẽ và thống nhất này, cả thế giới đều quy tụ về một vị chủ chăn, đức Giáo Hoàng.

Tôi không tin mấy, ví dụ mẹ Maria đồng trinh sao có thể đẻ con. Tục lệ thời Jesus không ai tuổi như ngài mà không có vợ. Và, trong nhiều lần đọc sách, tôi nghĩ Thượng đế do con người sáng tạo chứ không phải thượng đế sáng tạo con người. Nếu Thượng đế toàn năng, tại sao ngài lại sinh ra con rắn ác độc cám dỗ Eva và Adam ăn trái cấm, để họ phải thấy xấu hổ vì trần truồng mà trước khi ăn trái cấm họ không thấy xấu hổ. Với một học sinh, rồi một sinh viên, tôi tìm đọc rất nhiều sách. Tôi cho Thượng Đế chẳng toàn năng.

Nhưng khi tôi nghĩ mình sắp chết vì bệnh ung thư, tôi lại quay về Thượng đế mà trước đây tôi không mấy tin là có. Có bệnh thì vái tứ phương. Tôi cũng ở tâm trạng đó. Tôi đi lễ nhà thờ đều đặn hơn. Tôi cầu nguyện với Chúa của tôi chân thành hơn. Lời cầu của tôi chân thành bởi tôi không muốn chết khi tuổi chưa tới 60, con cái tôi chưa phải tất cả đều thành đạt. Con út tôi còn chưa tốt nghiệp đại học.

Mỗi sáng thức dậy, trước khi đi bộ, tôi cầu nguyện. Khi đi ngủ, tôi cũng cầu nguyện, dù sức nóng của thuốc trong người không đem lại cho tôi giấc ngủ yên bình. Vợ tôi cầu nguyện cho tôi mỗi tối. Con út của tôi cũng cầu nguyện cho tôi. Cháu kể lại từng cầm mấy bó nhang, đi vào nghĩa địa công giáo mênh mông hàng ngàn ngôi mộ ở Thủ Đức, từng ngôi mộ, cháu đều đốt nhang, cầu khấn người quá cố. Cháu bảo con mong những người nằm dưới đất phù hộ cho ba khỏi bệnh.

Bên Phật giáo, tôi thấy có nghi thức hộ thần, các vị tu sĩ tụ tập hướng nguyện suy nghĩ của mình cầu mong cho cha mẹ vị tu sĩ nào đó đang bệnh. Các chư tăng dùng tâm của mình, mấy trăm vị, để độ trì cho ai đó sớm vượt khỏi đau khổ của bệnh cận kề cái chết.

Đau chân há miệng. Trước tôi nửa tin nửa ngờ, nay, vì bệnh có thể sẽ chết, tôi lại tin trọn, vào đấng trước đây, tôi từng nửa ngờ nửa tin. Nhưng không phải tôi không thật lòng, muốn “gạt” Thượng đế để “lừa” ngài cứu tôi sống. Tôi trở nên thật lòng tin chúa; ví dụ, mỗi khi nuốt nước miếng cồm cộm  vì hạch nổi ở đáy lưỡi, tôi cầu nguyện cái hạch nơi ấy lặn đi, và huyền diệu thay, trong suy nghĩ của tôi, hạch ở cổ cả hạch ở bẹn đã không còn.

Nhưng bây giờ nghĩ lại, nếu không có mấy toa thuốc ở bệnh viện ung bướu, chỉ cầu nguyện thôi, làm sao tôi hết bệnh? Đến đây tôi lại nhớ câu nhiều người biết: Trời giúp ai tự giúp mình. Ở đây, tôi giúp tôi, nhưng bệnh viện còn giúp tôi nhiều hơn. Cho đến bây giờ, tôi không rõ, Chúa hay bệnh viện hay chính tôi đã giúp mình thoát qua cơn bệnh hiểm nghèo.

Không biết là do đâu, rõ ràng nếu thiếu một trong ba nhân tố đó, biết đâu bây giờ tôi “an giấc ngàn thu”, đâu còn gõ máy vi tính, trò chuyện với các vị những tâm sự của mình. Và, tôi nghĩ rằng, tôi không phải là điển hình cho sự chiến thắng bệnh tật, mà tôi chỉ muốn trao đổi trải nghiệm, với suy nghĩ “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Câu chuyện căn bệnh nan y biến tôi thành một “tù nhân” ở bệnh viện hay trong xã hội bỗng chốc lại giải phóng tôi thành người tự do như nhiều người tự do khỏe mạnh khác. Tôi có cảm giác cuộc đời mình còn xanh nõn những mầm sống tương lai.

Monday, August 19, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 6

                                          PHẢI ĐẾN CHỖ KHÔNG MUỐN ĐẾN

Có lần, tôi viết như là “lời tự bạch”. Nơi tôi yêu nhất: hồ bơi nếu ở thành phố; con sông, con suối nếu ở miền quê, bãi cát dài nếu ở biển. Nơi tôi ghét nhất: bệnh viện (không phải nhà thương). Ghét của nào, trời trao của đó; trời trao cho căn bệnh nhớ đời. Trong các nơi khám hay chữa trị tôi biết ở Sài Gòn, bệnh viện Răng Hàm Mặt là nơi tương đối “sạch sẽ” và “lịch sự” nhất; đối nghịch với nơi này là bệnh viện ung bướu Sài Gòn: dơ bẩn và bề bộn nhất (tôi nói 8 năm trước; có khi bây giờ đã tốt hơn. Nghe đâu vừa hoàn tất một bệnh viện mới).

Bề bộn vì khuôn viên bệnh viện rộng nhưng lại tràn ngập bệnh nhân, người đi khám, và người nuôi bệnh nhân. Dọc hàng hiên, trên sân, bất kỳ chỗ nào trống, dọc lối đi, cầu thang trong bệnh viện, người cơ man nào là người. Trong phòng bệnh, dưới giường nằm, chỗ nào cũng có người nuôi, chăm sóc người bệnh. Khi một nơi chữa trị ung thư không đủ chỗ cho người đến đó, ở đó, cái nhếch nhác, cái bẩn thỉu không thể tránh khỏi. Ngày nào cũng như ngày nào, trong bệnh viện cũng đông đúc người qua lại hay nằm nghiêng ngửa như chờ đợi những ngày buồn tẻ trôi qua. Vật dụng sinh hoạt vất ra quá nhiều, các thùng rác không đủ chứa, nhân viên vệ sinh làm việc cật lực có thể là cả ngày lẫn đêm.

Ngày xưa, thời chiến tranh, khi vào bệnh viện, cái mùi đặc trưng nhất ai cũng ngửi thấy là “mùi nhà thương”, nghĩa là mùi ê-te, thuốc khử trùng. Có lẽ vì sợ tên bay đạn lạc, bệnh không nặng, ít ai đến bệnh viện, hoặc hồi ấy ít người, ăn uống không ê hề, đa dạng, đa chủng như bây giờ, và nhất là không có nhiều hóa chất, phụ gia hay bảo quản trong thức ăn, các bệnh viện có rất ít người bệnh? Bây giờ, mùi đặc trưng là mùi mồ hôi, gay gắt, khó thở, tôi cảm nhận khi bước qua cổng bệnh viện ung bướu. Đội ngũ nhân viên, y bác sĩ thay ca nhau làm việc; họ từ nhà đến chỗ làm, hằng ngày đều tắm gội sạch sẽ nên cái mùi mồ hôi dứt khoát phải đến từ bệnh nhân, người nuôi bệnh, và cũng có thể người đến khám bệnh. Cho đến bây giờ, mỗi lần ngửi ở đâu trong đám đông có mùi mồ hôi từ áo quần, tôi bỗng nhớ đến bệnh viện, đến những tháng ngày chịu đựng.

Nhiều khoa, nhiều phòng, nhiều cơ sở vật chất kèm theo của một bệnh viện, và nhất là ngoài “mùi hôi tập thể”, là các loại tiếng ồn dai dẳng; đám đông con người chen chúc nhau trong bệnh viện rì rào tiếng nói chuyện, tiếng trao đổi qua lại giữa họ với nhau. Các nơi khám, làm thủ tục, xét nghiệm, trả kết quả, đều có loa phát ra tiếng rất to để thông tin cho bệnh nhân, người khám, đang ngồi, đang đứng, dày đặc áng cả lối đi qua lại. Điều kiện như thế, việc lấy giấy, theo chỉ dẫn bác sĩ ghi trên phiếu, trên sổ bệnh, để hoàn thành các bước khám đối với “bệnh nhân tân binh” như tôi thật hết sức cam go. Khi vào đây nhiều lần, ngoài việc chữa trị, tôi được chữa thêm tính nóng nảy, và may mắn, học thêm tính nhẫn nại và chịu đựng: hãy đợi, đợi, và đợi…cho đến phiên mình. Năng lực tiếp nhận xử lý bệnh không theo kịp số lượng bệnh nhân lúc nào cũng dày đặc và thường trực trong bệnh viện.

Đến nhà hàng hay khách sạn, khu vui chơi hay giải trí, tâm hồn của quý vị sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái. Hình ảnh con người ở đó thật đáng yêu. Ai nấy ăn mặc đều tử tế, đẹp đẽ, nhiều màu sắc. Nụ cười lúc nào cũng chực sẵn trên môi. Tiếng cười che khuất nhiều tiếng nói vui tươi. Nhưng ở đây, ở một bệnh viện đông nghẹt người, hằng mấy tháng trời, tôi chưa từng thấy ai nở một nụ cười.

Nhìn cách ăn bận của họ, đa phần là lếch thếch, không phải họ nghèo cả, nhưng ai mà để ý ăn mặc làm gì khi bước vào đây, với căn bệnh ung thư trong người, hay trong người thân của họ. Nụ cười có lẽ không có nhưng tiếng nấc, tiếng sụt sùi, tôi nghe thường xuyên: khi có ai đó cầm trên tay tờ giấy với chữ K đen đủi và định mệnh.

Cũng như tôi lần đầu tiên, những người vào khám bệnh nơi này sẽ thấy đất trời nghiêng đổ khi biết mình mắc bệnh ung thư. Từng nghe căn bệnh quái ác này đem lại nhiều cái chết, người đầu tiên biết mình bệnh đều không cầm được nước mắt là thế. Nếu có dịp vào thăm thân nhân ở đây, quý vị sẽ thấy cái không khí ảm đạm bao trùm còn hơn tôi tả ở cái thế giới bất định u ám này. Không một nụ cười nhưng có những tiếng sụt sùi nho nhỏ, lặng lẽ, những giọt nước mắt kín đáo lăn dài qua khóe mắt, kèm theo những tiếng thở dài kìm nén hoặc buông xuôi theo số mệnh.

Vì là loại bệnh đặc biệt, các bước xét nghiệm để được chữa trị rất nhiều và rất nhiêu khê. Nào là thử máu, siêu âm toàn thân, lấy tủy sống, chụp X quang (tùy trường hợp), đo điện tim, điện não đồ, cuối cùng là chụp cộng hưởng từ, và nhất là đo huyết áp thường xuyên. Các bước này, bệnh nhân phải tự đi tìm nơi khám. Rất nhiều người lớ ngớ, kể cả tôi lần đầu tiên, đi tìm nơi để thực hiện các bước xét nghiệm. Cả một buổi cho mỗi bước như thế nếu quý vị may mắn và thường là cả một ngày mới lấy được kết quả. Tôi nói đây là giai đoạn phải làm sau khi lấy sinh thiết khối u có kết quả ung thư.

Có những phần xét nghiệm bệnh viện làm không xuể, bệnh nhân phải lấy giấy giới thiệu bước qua bên kia đường, đối diện bệnh viện, tại nơi đây thường có rất nhiều phòng khám tư nhân, với các máy móc không kém bệnh viện, nhiều nhất là siêu âm màu, đo điện tim, điện não đồ. Tất nhiên, lần đầu không kịp xin giấy chuyển viện từ nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, quý vị sẽ không hưởng tiền bảo hiểm y tế. Tiền làm các bước xét nghiệm mỗi thứ cũng khá là đắt, nhất là “khám ngoài” theo giấy giới thiệu của bệnh viện.

Thời gian hoàn tất cho giai đoạn chuẩn bị hóa trị hay xạ trị kéo dài hơn 1 tuần nếu bệnh nhân khám bên ngoài lẫn bên trong bệnh viện, và có thể lâu hơn nếu xét nghiệm toàn bộ trong bệnh viện để được y tế chi trả. Năm tôi chữa bệnh, vẫn còn hai dạng khám, xét nghiệm dịch vụ và bảo hiểm; dịch vụ thì nhanh chóng hơn.

Bệnh của tôi cần phải vô hóa chất. Đến giai đoạn này, tôi không còn chen lấn để khám hay xét nghiệm nữa. Người bệnh sẽ làm một giấy cam kết, có chữ ký người bảo lãnh trong gia đình phòng khi gặp sự cố sốc thuốc (rất hiếm); người bệnh cân trọng lượng để biết số lượng hóa chất đưa vào, phù hợp cơ thể mỗi người.

Cũng cần nói thêm về các bước xét nghiệm đối với ung thư hạch bạch huyết của tôi, u lympho Non-Hodgkin Người bệnh sẽ được gọi vào một phòng khám, nếu là siêu âm hạch nách, cổ, bẹn cho bất kỳ loại ung thư có khối u nào. Khi đang bệnh, các hạch này sẽ sưng lên, cơ thể đang chống lại vật lạ - tế bào ung thư. Càng về sau, khi khối u ung thư teo lại, hóa chất tiêu diệt chúng thành công thì các hạch cổ, nách, bẹn sẽ nhỏ lại, nghĩa là khi trở về trạng thái hoàn chỉnh ban đầu, bệnh ung thư sắp lui.

Tôi được yêu cầu tự cởi quần áo ra, nằm tồng ngồng trên giường, một cô y tá sẽ đắp một tờ giấy dày, mềm lên chỗ kín, hoặc họ đưa cho bạn tự đặt lên nếu quá đông người làm siêu âm. Lần đầu còn ngượng ngùng, các lần sau nằm trần trụi trên giường trước các nữ y tá, bác sĩ tôi chẳng cảm thấy e ngại hay bẽn lẽn; ý nghĩ của cái chết sắp tới (ai mới mắc ung thư cũng đều nghĩ như thế) khiến bạn không còn nghĩ gì khác, kể cả chưa kịp bận áo quần, phải đứng dậy cho bệnh nhân khác đang chờ tới phiên lên giường nằm để siêu âm.

Khi chen chúc trong các phòng khám, bạn sẽ không còn nghe tiếng nói nhỏ nhẹ nào của nhân viên y tế. Mệnh lệnh của họ đưa ra rất ngắn và rất rõ ràng, đương nhiên là với giọng rất to, vì đông bệnh nhân đang chờ tới lượt khám. Họ không muốn phải lặp lại y lệnh bằng miệng; hằng ngày họ phải làm việc có lẽ với quá nhiều bệnh nhân. Người bệnh mỏi mệt đợi chờ, tôi nhìn nét mặt nhân viên y tế, họ còn mỏi mệt hơn. Tôi không trách họ lớn tiếng với bệnh nhân. Tôi thương họ chọn lấy cái nghề quá vất vả, quá căng thẳng, mỗi ngày làm việc với hàng trăm người vào xét nghiệm. Bảo họ vui vẻ mỉm cười với bệnh nhân là điều không tưởng.

Bước qua giai đoạn vô hóa chất hay xạ trị, người bệnh sẽ “nhàn nhã” hơn, nghĩa là, mỗi 21 ngày (thông thường) hoặc một thời gian nhất định nào đó theo y lệnh của bác sĩ đối với từng loại ung thư. Mỗi đợt, trước ngày vô thuốc, người bệnh phải làm các bước chuẩn bị các lần giống nhau: siêu âm, thử máu, và đo điện tim. Bất cứ có “trục trặc” nào cho 3 xét nghiệm này, nghĩa là cơ thể chưa đủ điều kiện vô thuốc, liệu trình có thể thay đổi hoặc hoãn lại để chữa trị căn bệnh khác cho đến khi cơ thể đáp ứng việc tiếp tục vào hóa chất.

Một bệnh nhân trẻ hơn tôi 20 tuổi cùng loại ung thư phải ngưng vô thuốc để qua bệnh viện Nhiệt đới điều trị men gan cao, sau lần vô thuốc thứ hai. Chính vì có thói quen uống rượu đế mỗi ngày, kể cả thời gian điều trị, tuần uống đôi lần vì ghiền, việc hóa trị của anh kéo dài, và kết quả không như mong muốn: lá gan ảnh hưởng quá nặng, lượng cồn trong rượu nung nóng mỗi ngày. Bệnh nhân uống rượu tây nên cẩn thận, độ cồn rượu tây gấp đôi rượu ta. Bạn tôi uống rượu thường xuyên, cơ thể khác tôi - không uống rượu; gan của anh không chịu nổi sức nóng thuốc chữa ung thư và anh phải tiếp tục xạ trị sau đợt hóa trị, bịnh không hết và thật đau xót, anh không còn nữa trên đời.

Ở phòng vào hóa chất, mỗi người được ngồi riêng một ghế trong một gian phòng khá rộng có thể chứa hàng chục bệnh nhân. Trên đầu mỗi người là chai nước có pha hóa chất treo lủng lẳng trên một thanh sắt vắt ngang từ tường này chí tường kia. Chai nước cất khi đổ thuốc chữa ung thư vào sẽ đổi màu, từ trắng qua đỏ như màu nước lẫn chút máu (đối với bệnh của tôi), tất cả đều bọc quanh bằng giấy than, loại giấy người ta hay dùng lót xen kẽ giữa các tờ giấy máy đánh chữ hồi xưa. Nếu các bệnh nước thuốc không bao kín bằng giấy này, thuốc sẽ mất tác dụng do ánh sáng của bóng đèn neon đang chiếu.

Cảm giác đầu tiên khi vào thuốc: cơ thể nóng rang như có ai thiêu đốt lục phủ ngũ tạng mình. Tôi từng bị bò cạp chích, rết cắn, ong bò vẽ đốt (còn gọi ong vò vẽ). Mỗi loại côn trùng kia đem lại cái đau nhức khác nhau nhưng tôi có thể chịu đựng nổi, ngoại trừ ong bò vẽ, một lần đốt vào cánh tay, tôi gần như mất ngủ cả đêm, nhức nhối bởi nọc của nó. Tôi lấy nguyên 1 cây đá chặt đôi, đặt tay mình ở giữa, uống 1 liều thuốc ngủ, cánh tay bị tê dại vì đá dễ chịu hơn cái nhức nhối váng cả đầu óc của nọc ong độc; loại ong này cắn voi cũng rống, huống hồ cắn người.

Nhưng thưa quý vị, bò cạp, rết, ong không làm tôi thất đởm bằng sức nóng của hóa chất chữa ung thư, truyền vào vein trên tay. Không thể so sánh cái nóng nào được bởi nó như đốt cháy cơ thể tôi từ bên trong, mạch máu lớn nhỏ trên dưới đều nung nấu hừng hực, và nhiều người cũng như tôi, luôn ói mửa khi truyền thuốc lần đầu.

Tôi có cảm giác cái nóng bên trong ấy “luộc chín” cơ thể mình. Tôi có thể nói như thế. Lúc chích kim tiêm vào vein, nếu y tá sơ ý chích lệch, thuốc đi ra thịt, chỗ thịt ấy sẽ đen bầm vài ngày sau, dường như hoại tử. Lần vô thuốc khác, y tá sẽ tìm một vein kế cận để thay thế. Lúc khốn khổ vì thuốc, tôi thấy cô y tá như một bà quan âm hay một đức mẹ: tôi ao ước họ như thế, còn hơn cả từ mẫu. Mẹ hiền chỉ sơ ý một tý, bàn tay tôi sẽ hỏng một vein dẫn máu. Không sao, khi tôi hỏi bác sĩ trực tiếp điều trị, cơ thể rất huyền diệu: hư mạch máu này, mạch máu khác sẽ thay thế. Vì quá sợ hãi mỗi lần vô hóa chất, tôi nửa tin nửa ngờ lời trấn an của bác sĩ. Không bao giờ tôi thấy câu “lương y như từ mẫu” quý báu và giá trị đến thế. Người bệnh vào bệnh viện, thân phận họ như nhỏ bé lại. Có lương y nào cư xử với họ như từ mẫu, họ trân quý vô cùng. (Tác dụng phụ của thuốc nhưng lại là tác dụng chính lên tâm lý bệnh nhân, xin xem phần tới).

Sunday, August 18, 2024

PHIẾM LUẬN VỀ YÊU NƯỚC

(Nhân xem mấy bức ảnh về cờ nước sơn trên mái nhà chụp bằng flycam)

“Yêu nước là tình cảm thiêng liêng, cao quý không một thứ tình cảm nào có thể sánh bằng. Yêu cha yêu mẹ, yêu thầy yêu cô, yêu bạn yêu bè, yêu quê cha đất tổ, thậm chí “tử vì đạo” cũng không thể sánh được với lòng yêu nước”.

Tôi đọc tình cờ câu này đâu đó không nhớ rõ. Định nghĩa yêu nước là tình cảm thiêng liêng, cao quý nghe thuận tai nhưng khi nói “không một thứ tình cảm nào có thể sánh bằng” thì tôi thấy có gì đó chưa thuận tai, không dám nói là không đúng.

Tình cảm là lẽ tự nhiên trong con người, có hay không có, và tình cảm thì không cân đong đo đếm, do đó không thể nói tình cảm này to tình cảm kia bé, bằng cách so sánh.

Tình cảm (yêu hay ghét) là một chọn lựa từ sự tự do, tự nguyện. Không ai bảo tôi phải ghét người này yêu người kia nếu tôi không muốn. Không ai bảo tôi phải yêu nước 99 % và yêu mình 1%, phải hy sinh để bảo vệ nước, nước sẽ mất vì không có ai yêu nước. Tình cảm yêu nước, do đó, phải giữ vị trí “thống soái” hơn các tình cảm khác? (Trật đường rầy 1 chút, Do Thái sống lưu vong gần hai nghìn năm, họ mất nước vì không ai yêu nước?)

Tình cảm dành cho cha mẹ không giống tình cảm dành cho thầy cô, càng không giống tình cảm dành cho bạn bè. Mỗi tình cảm có những sắc thái và biểu hiện riêng. Có một tình cảm “bao trùm” lên các tình cảm khác thì cũng khó nghĩ dù đó là tình yêu nước, thường gọi là ái quốc.

Ái quốc, yêu nước, là một tình cảm thật ra không giống những tình cảm khác nhưng cũng là một tình cảm, một tình yêu, nó cũng cần thể hiện cụ thể, biểu hiện cụ thể, không thể mơ hồ, trừu tượng nhưng không vì thế mà cân đo nó được.

Yêu nước có nghĩa là yêu cái gì cụ thể, làm cái gì cụ thể, không thế thì đâu có khẩu hiệu: “đóng thuế là yêu nước"? Tình yêu nước kiểu này cao hơn hẳn hay bao trùm hẳn thì ai đóng thuế nhiều sẽ yêu nước nhiều? Như vậy, ông ngoại quốc Samsung sẽ chiếm đầu bảng yêu nước.

Yêu nước là tình cảm xuất phát từ tình yêu cha mẹ, anh em, xóm giềng, xóm làng, bờ tre, con sông khi bé ta hay tắm mát…cho đến quê hương ta ở nói chung. Một tình yêu cụ thể.

Một người tham gia cách mạng trước đây lúc 18 tuổi cho đến khi trên 70, khi tôi hỏi lý do vì sao ông chọn lấy hiểm nguy, chọn lấy cái chết, không ở lại vùng “Mỹ, Ngụy” để tránh đạn, tránh bom, ông trả lời “tôi đi theo cách mạng vì cha tôi trước theo Việt Minh bị Pháp bắn chết. Mỹ thế chân Pháp, chúng cũng sẽ làm như thế đối với tôi. Tôi phải cầm súng chống Mỹ”.

Thời chiến tranh, tôi có người anh rể hoạt động cơ sở “cách mạng” trong lòng chế độ “quốc gia”, một tình huống cực kỳ nguy hiểm; ông rất giàu có, con ông ở Sài Gòn, học hành giỏi giang, sau này thành đạt, có người bác sĩ, dược sĩ, có người tiến sĩ, lý do yêu nước sâu xa… là vì vợ ông, tức chị ruột tôi, trước 1954 bị Tây giết khi đang mang thai gần ngày sinh nở cùng một lần với mẹ và em gái ông. Ông yêu chị tôi, yêu gia đình ông, do đó ông mới theo “cách mạng”, rồi mới dẫn đến yêu nước, dù đã trả giá bằng bản thân bị tù đày, tra tấn.

Rõ ràng, không phải vị cán bộ này, hay anh rể tôi, lúc đó được loa phường tuyên truyền lòng yêu nước, hay có một lòng yêu nước nồng nàn đang ấp ủ; ông đã yêu người cha của mình trước tiên cũng như anh tôi, ông yêu người vợ của ông trước tiên; người thì thể hiện tình cảm của mình với cha, người thì với vợ, bị bọn thực dân giết chết, trước khi họ thể hiện lòng yêu nước. Chưa có thống kê khoa học nói về lý do đầu tiên và chính yếu thúc đẩy nhiều người chấp nhận hiểm nguy đi theo "cách mạng", nhưng tôi có thể suy đoán họ yêu cha mẹ, gia đình, yêu xóm giềng, yêu làng xã, yêu quê hương họ ở, họ sẵn sàng xả thân để bảo vệ những cái đó, để tất cả con người và nơi chốn họ ở được bình yên, không bị giày xéo bởi quân xâm lược và chúng ta gọi đó là lòng yêu nước.

Yêu nước xuất phát từ yêu một cái gì đó cụ thể, không thể yêu nước trừu tượng.

Chúng ta nghe câu chuyện về hai nhân vật của Quốc Dân đảng: Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang. Vị thủ lĩnh đẹp trai này bị đưa lên đoạn đầu đài, trước sự chứng kiến (nhờ ngụy trang) của người yêu, cũng là người vợ, nỗi đau đớn pha lẫn căm thù trong lòng cô gái xinh đẹp tuổi đôi mươi này ngút ngàn, chất ngất. Người ta hy vọng sau đó, vị nữ chiến sĩ kiên cường trẻ tuổi này sẽ tiếp tục con đường chống Pháp, để báo thù cho cái chết của chồng và các đồng chí, thể hiện lòng yêu nước vô bờ bến của mình.

Không, bà đã quyên sinh sau khi viết hai bức thư tuyệt mệnh gởi cho cha mẹ mình và cha mẹ chồng, bằng chính khẩu súng lục của Nguyễn Thái Học, trước khi biết bị bắt, đã trao cho. Bà yêu nước hay bà yêu chồng?

Chúng ta không thể kết luận hồ đồ bà chỉ yêu chồng mà không yêu nước. Bà vì nước, và có thể, vì chồng mà yêu nước. Phận nước nổi trôi cùng số phận mỗi con người Việt Nam. Bà là người yêu nước. Tình cảm dành cho chồng của bà ngang hay thấp hơn tình cảm dành cho quê hương nếu người ta có thể “đo đếm” như câu nói ở đầu bài?Tình cảm về chồng, về tổ quốc đều trân quý như nhau, không thể kết luận yêu nước phải bao trùm lên tất cả các tình yêu khác.

Phan Châu Trinh với chủ trương bất bạo động (trong khi có những người thích chủ trương bạo động) có yêu nước không? Tôi hỏi ngây ngô quá?

Phan Châu Trinh yêu nước theo cách của cụ. Cụ yêu nước nhưng không thể hiện lòng yêu nước đó bằng bạo động. “Bất vọng ngoại, vọng ngoại tắc ngu; bất bạo động, bạo động tắc tử”. (Xin nôm na: không vọng ngoại, vọng ngoại tất ngu; không bạo động, bạo động tất tử).

Chọn lựa bất bạo động của chí sĩ trong đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước không thể bảo đó là lựa chọn…không đúng đắn, thiếu thức thời. Nếu đọc kỹ lịch sử phong trào chống sưu thuế, dưới tác động của cụ và các đồng chí, phát xuất từ huyện Đại Lộc (quê tôi - theo Lịch sử Quảng Nam của Nguyễn Q. Thắng) dấy lên và lan ra nhanh chóng khắp cả miền Trung, chúng ta thấy sức mạnh của bất bạo động mãnh liệt vô cùng, khi đoàn chống sưu thuế đi đến đâu, dân chúng ùn ùn kéo theo đó, như thác lũ (bây giờ gọi là biểu tình), chính quyền thực dân súng ống đầy mình và họ không dám đàn áp bằng vũ lực. Giả sử phong trào này xảy ra ở Thiên An Môn, hàng chục vạn người bị giết chứ không phải mấy ngàn như năm 1989. Tây bó tay, sau đó mới “bắt nguội” những người cầm đầu.

Đấu tranh bất bạo động này người Ấn áp dụng theo thánh Gandhi có thể xảy ra sau Phan Châu Trinh áp dụng ở Việt Nam.

Tôi đọc sử Quảng Nam và phát hiện ra một chi tiết tôi cũng ngạc nhiên mà nhiều người chưa biết: cha cụ Phan Châu Trinh bị giết dưới tay nhà lãnh tụ phong trào Cần Vương, ông Nguyễn Duy Hiệu, do một sự nhầm lẫn có nguồn tin báo ông theo…Tây.

Chí sĩ Phan Châu Trinh vĩ đại trong những người vĩ đại ở chỗ: không lấy cái chết của cha làm thù hận, quay lại chống những người đã giết cha ông;  và qua cái chết này của cha, Phan Châu Trinh (theo nhận định của riêng tôi) biết đâu đã chọn bất bạo động là phương pháp đấu tranh chống Pháp và rất tiếc cho lịch sử, đấu tranh bất bạo động của cụ không kéo dài được lâu vì cụ sớm qua đời, không người kế tục phương pháp này, và biết đâu, nếu còn sống thêm 10 năm, cụ cũng sẽ thành công như Gandhi, từng sách động biểu tình, và nhất là nhờ tuyệt thực non một tháng, đã giành lại độc lập cho Ấn Độ.

Và tiếng Anh, tiếng của Đế Quốc sau đó được dùng làm ngôn ngữ chính thức của đất nước hơn 1,4 tỷ dân với hơn mấy trăm ngôn ngữ, một lối vận dụng khôn ngoan, về bản chất, không khác chi chủ trương của Phan Châu Trinh “ỷ Pháp cầu tiến”, đã bị một số người lên án, họ cho rằng cụ muốn thỏa hiệp với Pháp.

Cụ Phan Châu Trinh yêu nước và sách lược bất bạo động, cũng là một cách yêu nước, nếu được vận dụng tốt hơn, được nhiều người ủng hộ hơn thời đó, nước Việt Nam biết đâu đã không hy sinh hàng triệu người cho 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ?

Cái chết của người cha không ảnh hưởng, không tác động đến lòng yêu nước, đến quyết định chọn lựa đấu tranh bất bạo động đối với giặc Pháp của Phan Châu Trinh hay sao?

Mọi tình yêu dành cho: cha mẹ, anh em, vợ chồng, bè bạn, cho mọi người thân và tình yêu dành cho quê hương ta gọi là tình yêu nước đều có những giá trị nền tảng riêng và không nên mang ra so sánh tình cảm nào cao, tình cảm nào thấp, như một vật chất cụ thể, có nặng có nhẹ.

Tôi đoan chắc người yêu nước là người yêu mình, yêu gia đình trước tiên. Mình được yêu nghĩa là chăm bồi bổ sức khỏe, gia đình an tâm tiễn con lên đường, hun đúc thêm tinh thần yêu nước. Đau ốm, còi cọc, bước khỏi cửa thì lo nghĩ ai phụng dưỡng mẹ cha, làm sao thanh niên cầm nổi súng mà đánh giặc  nếu chúng bất ngờ tấn công trước?

Saturday, August 17, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 5.

 

                                            GIA ĐÌNH - CHỖ DỰA TINH THẦN

Có câu nói quý vị thường nghe: “Có hai cái người ta chỉ để ý khi chúng mất đi, đó là sức khỏe và hạnh phúc”. Một thói quen tôi thấy người Việt hay có: “mất bò mới lo làm chuồng” hay “nước tới chân mới nhảy” (tất nhiên, chỉ là một số ít).

Khi mắc bệnh nan y như ung thư, người ta mới để ý đến việc chăm sóc bản thân, đầy đủ hơn, dinh dưỡng hơn. Lúc đó, bệnh nhân tới tấp bồi bổ nào yến, nào sâm, nào các loại thuốc đắt tiền gửi mua từ nước ngoài, hay mua trong nước sản xuất từ nước ngoài. Lúc bình thường, khỏe mạnh, ít ai chú ý tới dinh dưỡng đúng cho ăn uống. Chăm sóc người bệnh như thế là rất tốt. Nhưng hoàn cảnh người bệnh khó khăn hơn, cơm có khi còn đứt bữa, chỗ ở là một nhà trọ chật hẹp, họ sẽ chết sớm hơn khi mắc và chữa trị ung thư hay sao?

Ở bệnh viện ung bướu, tôi biết nhiều người nghèo, vừa lao động vừa điều trị bệnh, vô hóa chất, lãnh cơm cháo từ thiện; gần tám năm nay, tôi tình cờ gặp họ đi kiểm tra định kỳ ở bệnh viện. Lúc trước, họ cùng chữa trị như tôi, một bệnh như tôi; họ vẫn sống khỏe nhờ “bồi dưỡng ăn uống” hay “tinh thần vô tư”? Đối với họ, khi nói chuyện tôi mới biết ra, ung thư cũng không khác bệnh sổ mũi, nhức đầu, bệnh thì chữa, chết thì thôi, trong suy nghĩ của họ (tất nhiên ít người như thế). Tinh thần rất hữu hiệu ở chỗ này.

Tinh thần đóng vai trò quyết định trong việc chữa trị các loại bệnh, càng quan trọng hơn, đối với việc chữa trị ung thư. Đáng tiếc, ở Việt Nam vì quá đông bệnh nhân, bệnh viện quá tải, việc chữa trị chỉ chú trọng bệnh tình của bệnh nhân mà ít chú trọng đến tinh thần của bệnh nhân. Chữa trị về tinh thần cần song song với chữa trị căn bệnh, không nhiều thì ít cũng rất tốt; nhưng với điều kiện kinh tế hiện nay, chữa bệnh không có thì giờ “chữa” tâm người bệnh, như vậy là tốt quá rồi.

Khi biết tôi ung thư, thân nhân, bà con, bạn bè đến thăm nườm nượp. Họ mang đến người bệnh những thức ăn, thức uống bổ dưỡng; nhưng đồng thời, ngoài lời động viên cố gắng, có người cũng vô tình mang đến tư tưởng bi quan, họ thật thà muốn chia sẻ nỗi đau của một người mắc bệnh nan y. Nào là: “Bác ạ, trời kêu ai nấy dạ. Sống chết có số”.

Có người bà con muốn an ủi tôi với dẫn chứng cụ thể, họ “tương” câu chuyện thảm não khác: “Cháu ruột tôi kìa, mạnh như voi, mới cưới vợ, cũng vừa mới chết vì ung thư như anh. Huống hồ chi anh, tuổi cũng già gần 60. Phúc phần mình tới đâu an vui tới đó, có chi phải phiền”. Tôi không phiền nhưng tôi rất… rầu.

Chia sẻ nỗi buồn của tha nhân là hành vi văn hóa, thấm đẫm tình người. Nhưng “thật thà” quá khi chia sẻ nỗi đau như một vài người đến thăm, tôi càng buồn não nuột. Như vậy, khi bệnh xuống, tinh thần không thể tự nhiên mà vững vàng như ý muốn của bệnh nhân. “Da chú sao xanh mướt. Nhìn chú gầy ốm quá. Chú cố gắng ăn uống vào. Y học bây giờ tiến bộ lắm. Ung thư đâu phải ai cũng chết”. Đó là lời một cô cháu gái tuổi con tôi, rất quý mến an ủi người chú vừa mới vô hóa chất ở bệnh viện về nhà.

Cách an ủi bệnh nhân ung thư như thế không khác gì tiếp thêm vào người họ vài lít hóa chất. Do đó, tôi nghĩ người bệnh nên tìm chỗ nào không ai đến viếng thăm mình. Nhưng chắc chắn họ phải sống cạnh người thân trong gia đình. Người mắc bệnh hiểm nghèo dễ đối diện cái chết như ung thư giai đoạn cuối, rất cần sự chăm sóc của người thân, bằng những lời động viên chân tình đơn sơ, chứ không phải “thật thà như đếm”, và nhất là các chăm sóc về ăn uống, sinh hoạt khác cần phải được lưu ý.

Người đang chữa ung thư rất dễ xúc động, hay tự thương cảm. Có lúc tôi thấy tủi thân, tại sao tỷ lệ mắc bệnh như tôi là 2 trên 100.000 người. Số hẩm hiu, tại sao mình lại là 1 trong 2 người sẽ cầm lấy “cái chết”? Nghĩ đến đó, nước mắt tôi chực trào ra. Khi điều trị một thời gian gần 6 tháng ở bệnh viện, tôi chứng kiến nhiều cảnh thương tâm về tình cảm gia đình dành cho bệnh nhân. Đây là một. Có một chị tầm ba lăm tuổi cũng mắc bệnh giống hệt tôi. “Đồng bệnh tương lân” rất đúng khi người ta ở nhà thương, gặp gỡ thường xuyên người cùng hoàn cảnh, tình cảm dễ nảy sinh và duy trì lâu dài.

Bây giờ, có người còn sống sau chữa trị ung thư gọi điện cho tôi và tôi cũng gọi điện cho họ mỗi đôi ba tháng, nhất là dịp lễ, tết. Chị phụ nữ này mấy lần đầu vô thuốc có người chồng đi theo. Bệnh nhân nào cũng phải làm cam kết trước khi vô hóa chất, phòng khi sốc phản vệ lỡ chết, bệnh viện không phải bị thưa kiện lôi thôi.

Khi gặp nhau lần thứ 4 ở bệnh viện (liệu trình 8 lần như nhau), tôi thấy người phụ nữ không có chồng đi theo. Chị có nhà ở ngoại ô thành phố, bên chồng thuộc thành phần tương đối khá giả. Chị than thở với tôi đã sinh 4 đứa con gái liên tục, theo yêu cầu bên nhà chồng: tìm cho ra con trai. Chị nói lần này chồng chị không đi theo nữa, anh ấy về ở hẳn nhà của cô bồ trẻ tuổi, dù nhiều lần chị phản ứng quyết liệt nhưng thất bại, cả bên nhà chồng cũng yên lặng như đồng tình: người chồng muốn người khác đẻ con trai cho anh. Phụ nữ dễ nhìn nhờ mái tóc. Ý muốn bỏ chị có lẽ mạnh mẽ hơn vì vợ mình mắc bệnh “nan y”, thân hình như một cái xác không hồn chăng?

Hầu hết, người chữa ung thư, hơn 1 tuần sau lần đầu vô thuốc, tóc họ rụng từng mảng, có thể nói là rụng sạch, hoặc rụng gần sạch, bệnh nhân cạo trọc cho dễ ngó. Gương mặt như tàu lá chuối xanh của chị mất hẳn cả đôi lông mày, tôi trông thật thảm thương, huống hồ chi chồng chị, rắp tâm bỏ vợ từ rất lâu.

Phụ nữ rụng tóc vì chữa ung thư thường hay đội tóc giả, kẻ chì đậm thế đôi chân mày, nhưng người phụ nữ ngoài ba lăm tuổi, vẫn còn trẻ, không buồn để ý đến ngoại hình tiều tụy. Chị vừa chống chọi cái nóng thiêu như hỏa ngục của hóa chất, vừa chống chọi lại nỗi đau đớn bị chồng bỏ rơi. Trong lúc ngặt nghèo nhất của một đời người phụ nữ: có ai đó chia sẻ nỗi đau của mình trước cái chết lừng lựng đang tới nếu chữa trị không thành công.

Thân thể chị tàn tạ hẳn sau mỗi hai mươi mốt ngày gặp lại, tái khám vô hóa chất. Và lần thứ tám, không thấy chị đến nữa. Lần này chỉ có người chồng. Anh đến để lấy giấy tờ bệnh viện về làm thủ tục khai tử cho vợ. Tôi đánh bạo hỏi thăm và được anh trả lời: “Nó uống thuốc diệt cỏ chết rồi”. Giọng nói thật bình thản.

Tôi dài dòng như thế để nhấn mạnh một điều, với ai có thân nhân chẳng may mắc ung thư, các vị phải chú ý thật nhiều đến sự chăm sóc của mình về tinh thần với họ. Nếu anh chồng kia tận tình cùng vợ đến vô thuốc đủ 8 lần; không phải phản bội người vợ không chân mày, không tóc, nước da xanh mướt trong thời gian chữa trị ngặt nghèo; không phải coi khinh 4 đứa con gái của mình, thì có lẽ người phụ nữ kia cũng sẽ sống sót như tôi. Tôi lúc nào cũng có người vợ bên cạnh, các con cái luôn luôn quan tâm, lo lắng cho cha.

Bệnh dẫn đến cái chết như ung thư giai đoạn cuối hay gần cuối không phải là không chữa được nếu người trong gia đình thật lòng yêu thương nhau, nương cậy nhau trong những “bước đường cùng” bên cạnh việc tận tình tạo điều kiện cho họ chữa trị bền bỉ ở nhà thương. Tôi xin nhắc lại, tinh thần rất quan trọng. Ở đây, không chỉ có tinh thần người bệnh, mà tình thương người trong gia đình sẽ giúp người bệnh giữ vững tinh thần. Khi còn sống khỏe mạnh, thật giàu sang hay thật danh vọng, hàng chục, hàng trăm người đến với chúng ta; họ mang theo nhiều phẩm vật, nhiều nụ cười tươi tắn với bao lời chúc tụng hoa mỹ.

Nhưng khi chúng ta ngã bệnh, nhất là bệnh ung thư không thể chữa hay không kịp chữa, chính người thân trong gia đình là chỗ dựa tinh thần chắc chắn nhất. Không ai mang đến cho ta phẩm vật và nụ cười chúc tụng khi ta nằm trên giường bệnh, khi danh vọng mình sẽ không còn, ngoài người thương yêu ta trong gia đình hay bè bạn trung tín.

Gia đình cùng với lòng yêu thương là chỗ dựa tinh thần để người bệnh ung thư củng cố tinh thần của họ, chống chọi lại tật bệnh hiểm nghèo. Trước khi ngưng bài viết cho chương tới, tôi xin lưu ý: không phải ai ung thư cũng chết. Số người chữa lành bệnh “nan y” này ngày càng nhiều nhờ tiến bộ thần kỳ của khoa học và nhờ phát hiện rất sớm, rất kịp thời. Nếu mắc ung thư phải chết thì bệnh viện ung bướu duy trì để làm gì?

Friday, August 16, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 4

                             

                                                 ĐẤT SỤT DƯỚI CHÂN

Ai cũng hiểu sinh lão bệnh tử là quy luật. Nhưng phát hiện mình bệnh, hiếm ai giữ bình tĩnh, nhất là biết mình mắc bệnh nan y - ung thư.

Xã hội đôi khi không công bằng ở chỗ có người xem ung thư như hình phạt trong khi nó là nỗi đau đớn mênh mông. Mắc ung thư dường như chấm hết tương lai phía trước. Bỉ bôi cái gì đó, người ta bảo, hết thuốc chữa, ung thư giai đoạn cuối rồi. Mang một căn bệnh báo hiệu một cái chết ra để ví với một cái gì không cứu vãn nổi là chuyện vô tình nhưng quả là bất nhẫn.

Lần phát hiện ra bệnh ung thư, trong bệnh viện, đất dưới chân tôi như đổ sụp. Cầm tờ giấy ghi kết quả xét nghiệm có chữ K định mệnh, mắt tôi tối sầm lại. Hàng trăm người chờ lấy kết quả chập chờn trước mắt mình. Họ đứng sắp hàng, trên tay tờ giấy kết quả xét nghiệm như bông huệ trắng, gương mặt không vui không buồn, chết lặng. Tôi lờ mờ nhìn họ như đang cùng tôi đi vào nhà vĩnh biệt.

Trên đường về nhà, ngồi trên xe buýt, cầm tờ giấy hẹn nhập viện để điều trị, ngó lại lời ghi kết quả xét nghiệm, tôi oà khóc như trẻ con. Tôi không buồn để ý khách trên xe ái ngại nhìn tôi. Gần đến tuổi 60, cuộc đời tôi lại chấm dứt hay sao. Nghĩ đến đó tôi còn khóc to hơn, nức nở.

Khi bước xuống trạm xe buýt gần nhà, vợ tôi đứng sẵn trước cửa, có vẻ đang chờ tôi từ bệnh viện ung bướu trở về. Thấy tôi buồn bã, qua cái nhìn, vợ tôi muốn tôi nói trước kết quả đi bệnh viện. Tôi định mở lời an ủi vợ nhưng chưa kịp thốt, tôi lại khóc lần nữa, lần này to hơn. Vợ tôi không coi giấy tờ, bà cũng nức nở như tôi. Khi nỗi đau ập đến như dao nhọn đâm vào cơ thể, ban đầu còn đau đớn, về sau, nỗi đau dịu dần. Nếu đau đớn không dịu đi, có lẽ không ai sống nổi.

Việc đầu tiên của tôi là...lên mạng tìm bác sĩ Google. Trên tờ giấy xét nghiệm, quý vị sẽ thấy mình bị loại ung thư nào. Có vài chục loại ung thư. Ở Việt Nam, có chừng mươi loại phổ biến, đầu bảng có thể kể: ung thư gan, phổi, ruột, vòm họng, mũi, tuyến tiền liệt...đối với nam và, ung thư vú, cổ tử cung...đối với nữ.

Trên mạng, quý vị sẽ thấy cơ man nào tư liệu nói về ung thư. Vì quá nhiều, chúng ta nên vào những trang web uy tín, có thẩm quyền y tế, của các bệnh viện Hà Nội và Sài Gòn là tốt nhất. Khi thấy hạn sống, nghĩa là, ung thư loại nào, sống mấy năm, hay sống bao lâu sau chữa trị, chúng ta không nên hốt hoảng. Y văn nói bệnh ung thư A sẽ sống 1 năm, B sống không quá 3 năm...Y khoa tân tiến nhưng y khoa không phải là thượng đế quyết định sống chết. Có bệnh nhân được cho biết sống chừng 6 tháng nhưng tôi chứng kiến người bệnh bây giờ vẫn phây phây sống, vui vẻ như chưa từng mắc bệnh.

Cơ địa và tinh thần mỗi người khác nhau đã quyết định thời gian sống khác nhau, dù họ cùng chung mức độ giai đoạn bị ung thư như nhau, có thể chữa trị không khác nhau. Tôi muốn thưa với quý vị: tinh thần, có thể nói, quyết định 90 % cơ may sống sót của người mắc bệnh ung thư. Tất nhiên không phải ung thư nào cũng lành nếu tinh thần vững chãi. Ví dụ ung thư máu hay ung thư có di căn, giai đoạn cuối.

Tôi biết một người sống gần chỗ tôi; anh mắc bệnh ung thư về gan, chuyển qua giai đoạn bụng chướng lên đầy nước không thở được. Gia đình rất giàu có. Anh đi khắp các bệnh viện tốt nhất và lớn nhất Sài Gòn, cả một thời gian dài không chữa khỏi. Bác sĩ nói riêng với thân nhân mang anh về vài giờ trước khi chết, để tránh thủ tục rườm rà khi mang xác ra khỏi bệnh viện.

Trên đường trở về, anh bắt đầu khó thở, xe cứu thương chở anh vào bệnh viện Thánh Tâm (đa khoa Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) gần đó để được cấp cứu. Đêm hôm đó anh thở được. Anh và gia đình rất mộ đạo, bệnh viện này trước đây của Công giáo, nhà thờ sát khuôn viên bệnh viện. Gia đình mời cha xức dầu thánh, thủ tục bên đạo cho người sắp chết. Các xơ mang cháo đến hỏi anh có cần ăn không. Anh đòi nào ăn cháo từ thiện. Khi khỏe, anh ăn uống đầy dinh dưỡng của một người giàu. Sữa đắt tiền anh chẳng buồn uống, huống hồ gì cháo.

Anh mở mắt nhìn các xơ bận áo choàng trắng, và trước sự ngạc nhiên của gia đình, anh đòi ăn cháo. Hỏi bác sĩ, người ta coi bệnh án cũ, biết anh ăn cũng chết, không ăn cũng chết; họ bảo tuỳ gia đình và không cản trở. Ăn đôi ba muỗng, anh đòi ăn nữa, gia đình không dám cho ăn nhiều. Buổi khác anh đòi ăn tiếp cháo trắng. Và các ngày hôm sau anh khỏe dần dần. Anh yêu cầu đi lễ mi-sa (buổi sáng) và con anh dìu bố đi nhà thờ.

Ở nhà mấy bữa trước, nghe điện bảo anh khỏe, thân nhân cho dỡ rạp làm đám ma vừa mới dựng lên. Bác sĩ không phải là thượng đế. Người đàn ông cổ trướng vì ung thư gan này cho đến nay vẫn còn sống, và vẫn uống tì tì khi gặp bạn bè. Anh dành dụm riêng hơn 3 tỷ, anh hiến trọn cho từ thiện.

Không phải ai ai cũng thoát chết như anh. Anh có niềm tin tôn giáo, anh phó thác số mệnh vào bàn tay thượng đế của anh. Tôi không cổ vũ đạo kitô, tôi muốn nói, tinh thần, ở người đàn ông này, từ cõi chết trở về, là niềm tin tôn giáo. Tinh thần cứu sống anh. Chính tinh thần giúp chúng ta đứng vững trước mọi gian nan, thử thách trong cuộc sống.

Lý thuyết thì như thế nhưng thực tế cam go bội phần. Hiếm có ai biết mình mắc bệnh ung thư mà giữ vững tinh thần. Tôi cũng vậy. Đất trời đảo lộn. Và làm sao tôi sống sót qua bạo bệnh, nhưng có một người bệnh hệt như tôi không sống (giai đoạn 3, ung thư chia 4 giai đoạn để có phác đồ trị riêng). Mời quý vị đọc qua chương kế.