PHẢI ĐẾN CHỖ KHÔNG MUỐN ĐẾN
Có lần, tôi viết như là “lời tự bạch”. Nơi tôi yêu nhất: hồ bơi nếu ở thành phố; con sông, con suối nếu ở miền quê, bãi cát dài nếu ở biển. Nơi tôi ghét nhất: bệnh viện (không phải nhà thương). Ghét của nào, trời trao của đó; trời trao cho căn bệnh nhớ đời. Trong các nơi khám hay chữa trị tôi biết ở Sài Gòn, bệnh viện Răng Hàm Mặt là nơi tương đối “sạch sẽ” và “lịch sự” nhất; đối nghịch với nơi này là bệnh viện ung bướu Sài Gòn: dơ bẩn và bề bộn nhất (tôi nói 8 năm trước; có khi bây giờ đã tốt hơn. Nghe đâu vừa hoàn tất một bệnh viện mới).
Bề bộn vì khuôn viên bệnh viện rộng nhưng lại tràn ngập bệnh nhân, người đi khám, và người nuôi bệnh nhân. Dọc hàng hiên, trên sân, bất kỳ chỗ nào trống, dọc lối đi, cầu thang trong bệnh viện, người cơ man nào là người. Trong phòng bệnh, dưới giường nằm, chỗ nào cũng có người nuôi, chăm sóc người bệnh. Khi một nơi chữa trị ung thư không đủ chỗ cho người đến đó, ở đó, cái nhếch nhác, cái bẩn thỉu không thể tránh khỏi. Ngày nào cũng như ngày nào, trong bệnh viện cũng đông đúc người qua lại hay nằm nghiêng ngửa như chờ đợi những ngày buồn tẻ trôi qua. Vật dụng sinh hoạt vất ra quá nhiều, các thùng rác không đủ chứa, nhân viên vệ sinh làm việc cật lực có thể là cả ngày lẫn đêm.
Ngày xưa, thời chiến tranh, khi vào bệnh viện, cái mùi đặc trưng nhất ai cũng ngửi thấy là “mùi nhà thương”, nghĩa là mùi ê-te, thuốc khử trùng. Có lẽ vì sợ tên bay đạn lạc, bệnh không nặng, ít ai đến bệnh viện, hoặc hồi ấy ít người, ăn uống không ê hề, đa dạng, đa chủng như bây giờ, và nhất là không có nhiều hóa chất, phụ gia hay bảo quản trong thức ăn, các bệnh viện có rất ít người bệnh? Bây giờ, mùi đặc trưng là mùi mồ hôi, gay gắt, khó thở, tôi cảm nhận khi bước qua cổng bệnh viện ung bướu. Đội ngũ nhân viên, y bác sĩ thay ca nhau làm việc; họ từ nhà đến chỗ làm, hằng ngày đều tắm gội sạch sẽ nên cái mùi mồ hôi dứt khoát phải đến từ bệnh nhân, người nuôi bệnh, và cũng có thể người đến khám bệnh. Cho đến bây giờ, mỗi lần ngửi ở đâu trong đám đông có mùi mồ hôi từ áo quần, tôi bỗng nhớ đến bệnh viện, đến những tháng ngày chịu đựng.
Nhiều khoa, nhiều phòng, nhiều cơ sở vật chất kèm theo của một bệnh viện, và nhất là ngoài “mùi hôi tập thể”, là các loại tiếng ồn dai dẳng; đám đông con người chen chúc nhau trong bệnh viện rì rào tiếng nói chuyện, tiếng trao đổi qua lại giữa họ với nhau. Các nơi khám, làm thủ tục, xét nghiệm, trả kết quả, đều có loa phát ra tiếng rất to để thông tin cho bệnh nhân, người khám, đang ngồi, đang đứng, dày đặc áng cả lối đi qua lại. Điều kiện như thế, việc lấy giấy, theo chỉ dẫn bác sĩ ghi trên phiếu, trên sổ bệnh, để hoàn thành các bước khám đối với “bệnh nhân tân binh” như tôi thật hết sức cam go. Khi vào đây nhiều lần, ngoài việc chữa trị, tôi được chữa thêm tính nóng nảy, và may mắn, học thêm tính nhẫn nại và chịu đựng: hãy đợi, đợi, và đợi…cho đến phiên mình. Năng lực tiếp nhận xử lý bệnh không theo kịp số lượng bệnh nhân lúc nào cũng dày đặc và thường trực trong bệnh viện.
Đến nhà hàng hay khách sạn, khu vui chơi hay giải trí, tâm hồn của quý vị sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái. Hình ảnh con người ở đó thật đáng yêu. Ai nấy ăn mặc đều tử tế, đẹp đẽ, nhiều màu sắc. Nụ cười lúc nào cũng chực sẵn trên môi. Tiếng cười che khuất nhiều tiếng nói vui tươi. Nhưng ở đây, ở một bệnh viện đông nghẹt người, hằng mấy tháng trời, tôi chưa từng thấy ai nở một nụ cười.
Nhìn cách ăn bận của họ, đa phần là lếch thếch, không phải họ nghèo cả, nhưng ai mà để ý ăn mặc làm gì khi bước vào đây, với căn bệnh ung thư trong người, hay trong người thân của họ. Nụ cười có lẽ không có nhưng tiếng nấc, tiếng sụt sùi, tôi nghe thường xuyên: khi có ai đó cầm trên tay tờ giấy với chữ K đen đủi và định mệnh.
Cũng như tôi lần đầu tiên, những người vào khám bệnh nơi này sẽ thấy đất trời nghiêng đổ khi biết mình mắc bệnh ung thư. Từng nghe căn bệnh quái ác này đem lại nhiều cái chết, người đầu tiên biết mình bệnh đều không cầm được nước mắt là thế. Nếu có dịp vào thăm thân nhân ở đây, quý vị sẽ thấy cái không khí ảm đạm bao trùm còn hơn tôi tả ở cái thế giới bất định u ám này. Không một nụ cười nhưng có những tiếng sụt sùi nho nhỏ, lặng lẽ, những giọt nước mắt kín đáo lăn dài qua khóe mắt, kèm theo những tiếng thở dài kìm nén hoặc buông xuôi theo số mệnh.
Vì là loại bệnh đặc biệt, các bước xét nghiệm để được chữa trị rất nhiều và rất nhiêu khê. Nào là thử máu, siêu âm toàn thân, lấy tủy sống, chụp X quang (tùy trường hợp), đo điện tim, điện não đồ, cuối cùng là chụp cộng hưởng từ, và nhất là đo huyết áp thường xuyên. Các bước này, bệnh nhân phải tự đi tìm nơi khám. Rất nhiều người lớ ngớ, kể cả tôi lần đầu tiên, đi tìm nơi để thực hiện các bước xét nghiệm. Cả một buổi cho mỗi bước như thế nếu quý vị may mắn và thường là cả một ngày mới lấy được kết quả. Tôi nói đây là giai đoạn phải làm sau khi lấy sinh thiết khối u có kết quả ung thư.
Có những phần xét nghiệm bệnh viện làm không xuể, bệnh nhân phải lấy giấy giới thiệu bước qua bên kia đường, đối diện bệnh viện, tại nơi đây thường có rất nhiều phòng khám tư nhân, với các máy móc không kém bệnh viện, nhiều nhất là siêu âm màu, đo điện tim, điện não đồ. Tất nhiên, lần đầu không kịp xin giấy chuyển viện từ nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, quý vị sẽ không hưởng tiền bảo hiểm y tế. Tiền làm các bước xét nghiệm mỗi thứ cũng khá là đắt, nhất là “khám ngoài” theo giấy giới thiệu của bệnh viện.
Thời gian hoàn tất cho giai đoạn chuẩn bị hóa trị hay xạ trị kéo dài hơn 1 tuần nếu bệnh nhân khám bên ngoài lẫn bên trong bệnh viện, và có thể lâu hơn nếu xét nghiệm toàn bộ trong bệnh viện để được y tế chi trả. Năm tôi chữa bệnh, vẫn còn hai dạng khám, xét nghiệm dịch vụ và bảo hiểm; dịch vụ thì nhanh chóng hơn.
Bệnh của tôi cần phải vô hóa chất. Đến giai đoạn này, tôi không còn chen lấn để khám hay xét nghiệm nữa. Người bệnh sẽ làm một giấy cam kết, có chữ ký người bảo lãnh trong gia đình phòng khi gặp sự cố sốc thuốc (rất hiếm); người bệnh cân trọng lượng để biết số lượng hóa chất đưa vào, phù hợp cơ thể mỗi người.
Cũng cần nói thêm về các bước xét nghiệm đối với ung thư hạch bạch huyết của tôi, u lympho Non-Hodgkin Người bệnh sẽ được gọi vào một phòng khám, nếu là siêu âm hạch nách, cổ, bẹn cho bất kỳ loại ung thư có khối u nào. Khi đang bệnh, các hạch này sẽ sưng lên, cơ thể đang chống lại vật lạ - tế bào ung thư. Càng về sau, khi khối u ung thư teo lại, hóa chất tiêu diệt chúng thành công thì các hạch cổ, nách, bẹn sẽ nhỏ lại, nghĩa là khi trở về trạng thái hoàn chỉnh ban đầu, bệnh ung thư sắp lui.
Tôi được yêu cầu tự cởi quần áo ra, nằm tồng ngồng trên giường, một cô y tá sẽ đắp một tờ giấy dày, mềm lên chỗ kín, hoặc họ đưa cho bạn tự đặt lên nếu quá đông người làm siêu âm. Lần đầu còn ngượng ngùng, các lần sau nằm trần trụi trên giường trước các nữ y tá, bác sĩ tôi chẳng cảm thấy e ngại hay bẽn lẽn; ý nghĩ của cái chết sắp tới (ai mới mắc ung thư cũng đều nghĩ như thế) khiến bạn không còn nghĩ gì khác, kể cả chưa kịp bận áo quần, phải đứng dậy cho bệnh nhân khác đang chờ tới phiên lên giường nằm để siêu âm.
Khi chen chúc trong các phòng khám, bạn sẽ không còn nghe tiếng nói nhỏ nhẹ nào của nhân viên y tế. Mệnh lệnh của họ đưa ra rất ngắn và rất rõ ràng, đương nhiên là với giọng rất to, vì đông bệnh nhân đang chờ tới lượt khám. Họ không muốn phải lặp lại y lệnh bằng miệng; hằng ngày họ phải làm việc có lẽ với quá nhiều bệnh nhân. Người bệnh mỏi mệt đợi chờ, tôi nhìn nét mặt nhân viên y tế, họ còn mỏi mệt hơn. Tôi không trách họ lớn tiếng với bệnh nhân. Tôi thương họ chọn lấy cái nghề quá vất vả, quá căng thẳng, mỗi ngày làm việc với hàng trăm người vào xét nghiệm. Bảo họ vui vẻ mỉm cười với bệnh nhân là điều không tưởng.
Bước qua giai đoạn vô hóa chất hay xạ trị, người bệnh sẽ “nhàn nhã” hơn, nghĩa là, mỗi 21 ngày (thông thường) hoặc một thời gian nhất định nào đó theo y lệnh của bác sĩ đối với từng loại ung thư. Mỗi đợt, trước ngày vô thuốc, người bệnh phải làm các bước chuẩn bị các lần giống nhau: siêu âm, thử máu, và đo điện tim. Bất cứ có “trục trặc” nào cho 3 xét nghiệm này, nghĩa là cơ thể chưa đủ điều kiện vô thuốc, liệu trình có thể thay đổi hoặc hoãn lại để chữa trị căn bệnh khác cho đến khi cơ thể đáp ứng việc tiếp tục vào hóa chất.
Một bệnh nhân trẻ hơn tôi 20 tuổi cùng loại ung thư phải ngưng vô thuốc để qua bệnh viện Nhiệt đới điều trị men gan cao, sau lần vô thuốc thứ hai. Chính vì có thói quen uống rượu đế mỗi ngày, kể cả thời gian điều trị, tuần uống đôi lần vì ghiền, việc hóa trị của anh kéo dài, và kết quả không như mong muốn: lá gan ảnh hưởng quá nặng, lượng cồn trong rượu nung nóng mỗi ngày. Bệnh nhân uống rượu tây nên cẩn thận, độ cồn rượu tây gấp đôi rượu ta. Bạn tôi uống rượu thường xuyên, cơ thể khác tôi - không uống rượu; gan của anh không chịu nổi sức nóng thuốc chữa ung thư và anh phải tiếp tục xạ trị sau đợt hóa trị, bịnh không hết và thật đau xót, anh không còn nữa trên đời.
Ở phòng vào hóa chất, mỗi người được ngồi riêng một ghế trong một gian phòng khá rộng có thể chứa hàng chục bệnh nhân. Trên đầu mỗi người là chai nước có pha hóa chất treo lủng lẳng trên một thanh sắt vắt ngang từ tường này chí tường kia. Chai nước cất khi đổ thuốc chữa ung thư vào sẽ đổi màu, từ trắng qua đỏ như màu nước lẫn chút máu (đối với bệnh của tôi), tất cả đều bọc quanh bằng giấy than, loại giấy người ta hay dùng lót xen kẽ giữa các tờ giấy máy đánh chữ hồi xưa. Nếu các bệnh nước thuốc không bao kín bằng giấy này, thuốc sẽ mất tác dụng do ánh sáng của bóng đèn neon đang chiếu.
Cảm giác đầu tiên khi vào thuốc: cơ thể nóng rang như có ai thiêu đốt lục phủ ngũ tạng mình. Tôi từng bị bò cạp chích, rết cắn, ong bò vẽ đốt (còn gọi ong vò vẽ). Mỗi loại côn trùng kia đem lại cái đau nhức khác nhau nhưng tôi có thể chịu đựng nổi, ngoại trừ ong bò vẽ, một lần đốt vào cánh tay, tôi gần như mất ngủ cả đêm, nhức nhối bởi nọc của nó. Tôi lấy nguyên 1 cây đá chặt đôi, đặt tay mình ở giữa, uống 1 liều thuốc ngủ, cánh tay bị tê dại vì đá dễ chịu hơn cái nhức nhối váng cả đầu óc của nọc ong độc; loại ong này cắn voi cũng rống, huống hồ cắn người.
Nhưng thưa quý vị, bò cạp, rết, ong không làm tôi thất đởm bằng sức nóng của hóa chất chữa ung thư, truyền vào vein trên tay. Không thể so sánh cái nóng nào được bởi nó như đốt cháy cơ thể tôi từ bên trong, mạch máu lớn nhỏ trên dưới đều nung nấu hừng hực, và nhiều người cũng như tôi, luôn ói mửa khi truyền thuốc lần đầu.
Tôi có cảm giác cái nóng bên trong ấy “luộc chín” cơ thể mình. Tôi có thể nói như thế. Lúc chích kim tiêm vào vein, nếu y tá sơ ý chích lệch, thuốc đi ra thịt, chỗ thịt ấy sẽ đen bầm vài ngày sau, dường như hoại tử. Lần vô thuốc khác, y tá sẽ tìm một vein kế cận để thay thế. Lúc khốn khổ vì thuốc, tôi thấy cô y tá như một bà quan âm hay một đức mẹ: tôi ao ước họ như thế, còn hơn cả từ mẫu. Mẹ hiền chỉ sơ ý một tý, bàn tay tôi sẽ hỏng một vein dẫn máu. Không sao, khi tôi hỏi bác sĩ trực tiếp điều trị, cơ thể rất huyền diệu: hư mạch máu này, mạch máu khác sẽ thay thế. Vì quá sợ hãi mỗi lần vô hóa chất, tôi nửa tin nửa ngờ lời trấn an của bác sĩ. Không bao giờ tôi thấy câu “lương y như từ mẫu” quý báu và giá trị đến thế. Người bệnh vào bệnh viện, thân phận họ như nhỏ bé lại. Có lương y nào cư xử với họ như từ mẫu, họ trân quý vô cùng. (Tác dụng phụ của thuốc nhưng lại là tác dụng chính lên tâm lý bệnh nhân, xin xem phần tới).