Friday, June 7, 2024

MINH TUỆ- NGUỒN CẢM HỨNG

Người ta nói "hiện tượng Minh Tuệ" khá nhiều và tôi thấy rất đúng. Không là hiện tượng sao được. Không nổi tiếng như người được đề cử giải Nobel Hòa Bình bởi một người Mỹ nổi tiếng Martin Luther King. Không có 'sự nghiệp' gì lớn như "Làng Mai" ở một số nước tiên tiến trên thế giới. Không biết viết sách tiếng Anh, tiếng Việt để xiển dương và lan truyền Phật pháp. Không có trí tuệ thông thái về Phật học. Tôi muốn so sánh Minh Tuệ với Nhất Hạnh; tu sĩ với thiền sư. Vậy mà, đi đến nơi đâu, xuất hiện chỗ nào, dẫu là nơi thanh vắng như núi rừng, Minh Tuệ được nghênh đón còn hơn người nổi tiếng thế giới, nổi tiếng nhất trong hàng sư sãi trong chiến tranh Việt Nam- ông Nhất Hạnh. Không là hiện tượng thì sẽ hiện gì?

Trong một vài video ngắn, tôi thấy nhiều người quỳ mọp xuống đường, có người khóc nức nở, khi Minh Tuệ đi qua. Có người còn rắc hoa tươi trên đường ông sắp đến . Có chỗ còn rải thảm vải màu vàng để đón nhận bước chân dính bẩn của Minh Tuệ trên bước đường trần trụi.

Tôi thấy có người khóc khi đón tiếp một nhân vật uy quyền nhất thế giới về tôn giáo hay là về tinh thần: Đức Giáo hoàng. Một lần, đến Roma dự lễ thánh sáng ngày thứ 4 hằng tuần do đức giáo hoàng chủ lễ, tôi có thấy tín hữu khóc, rất to, rất nhiệt tình, và rất xúc động: Viva Papa. Viva Papa. Có lẽ là Đức Thánh cha vạn tuế. Đức Thánh cha vạn tuế.

Tôi không có ý so sánh; nhưng có người khóc vì xúc động khi thấy Minh Tuệ không khác mấy một người châu Âu (hoặc nước văn minh nào đó) khóc khi thấy lãnh tụ tinh thần đạo Công giáo Francisco; tiếng khóc tự trong tim: Tiếng khóc tự đáy lòng.

Có người cho rằng Minh Tuệ có gì đâu mà có người quỳ người khóc. Nhưng đã có người quỳ và khóc. Họ mê tín sao? Tôi không tin. Có cái gì toát ra từ đức Giáo hoàng. Có cái gì toát ra từ một tu sĩ gầy gò. Tôi không biết đó là cái gì.

Nhiều người cho rằng Minh Tuệ "phát tiết" đức hạnh tích tụ nhiều nhiều ngàn kiếp trước. (Nguyễn Du: Tinh hoa phát tiết ra ngoài). Là người công giáo, tôi không tin như thế.

Tôi tin Minh Tuệ là "hiện tượng" vì ông chân thật. Ông không có hào quang nào huyền bí cả. Hào quang của ông là sự chân thật. Nếu coi kỹ những clip của các Facebooker, TiToker, Youtuber...đeo bám Minh Tuệ, chúng ta sẽ thấy nét nổi nhất- đặc tính khiến ông được coi như Bồ Tát hay Phật sống- chính là sự chân thật. Ăn một bữa trưa chay. Ngủ ngoài đồng không mông quạnh- nghĩa địa hay đồi hoang. Mặc áo may từ vải rách vải nhặt trên đường đi. Không nhận tiền bố thí. Không nhận thức ăn sau 12 giờ trưa. Ông thật thà đến nỗi nói mình không phải là tu sĩ Phật giáo. Ông thật thà đến nổi "hỏi chi nói nấy" dù những lời nói của ông mọi người đều kỳ vọng đó là "lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu". Tri kiến Phật học của ông không cao vời như tri kiến của những vị cao tăng kể cả những tăng lữ trung bình. Vậy thì tại sao hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn - và nếu được tự do "tụ tập"- có khi hàng trăm ngàn người đón tiếp ông như một vị Phật sống?

Không hiện tượng thì là gì?

Nhà chức trách rất kiên nhẫn theo dõi từng bước chân Minh Tuệ. Vì sao? Tụ tập đông người (mà không có lãnh đạo)  là điều cấm kỵ ở xã hội hay ở thời buổi này. Có lẽ Minh Tuệ không đến nổi "đe dọa chế độ" như suy nghĩ của một số người- tiêu biểu là Angela Phương Trinh nào đó. Minh Tuệ không phải khiến người ta mất thì giờ như tiến sĩ Lê Kiên Thành nói . Ai cũng đi theo Minh Tuệ thì ai làm ra lúa cho xã hội, ai cầm súng bảo vệ quê hương. Có người hỏi ngược: nếu ai cũng du học Liên Xô như ông thì lấy ai cầm súng ra chiến trường "giải phóng miền Nam". Có một giáo sư nổi tiếng nhận xét Minh Tuệ áo quần vá miếng, cầm bát đi xin ăn, làm ô uế hình ảnh tu sĩ Phật Giáo Việt Nam. Ông quên rằng, đức Thích Ca Mâu Ni cũng từng ôm bình bát khất thực ngày xưa?

Minh Tuệ xuất hiện gây bấn loạn cho một số sư sãi. Tôi muốn nói Thích Chân Quang. Lẽ đáng nên tán thán vị tu sĩ khất thực Bắc Nam, (như thầy Minh Đạo), vị sư này "nổi đóa" (nổi điên cũng được) gọi Minh Tuệ là "thằng ba trợn". "Hắn" hiện ra nhiều người coi là "vị thánh của đời tôi".

Nếu tôi không lầm, sinh thời khi tu tập Thích Ca gặp rất nhiều thị phi, điều tiếng. Tôi không dám so sánh Minh Tuệ với Phật. Tôi chỉ muốn nói, Minh Tuệ là "cái thá gì" mà không bị miệt thị, bỉ bôi.

Hàng trăm ngàn, có khi hàng triệu người VN không kể khác tôn giáo, đều mong ước thấy "Ngài" Minh Tuệ. Họ quý trọng gọi ông là "Ngài" trong khi ông xưng "Con" rất chân thành, không phải tỏ ra  khiêm cung. Nếu có ai kể lại những thái độ của các trí thức hay các vị tu sĩ Phật giáo (như Thích Chân Quang), tôi nghĩ, Minh Tuệ sẽ cười, nụ cười thật thà và đôn hậu: Con không phải là tu sĩ Phật giáo (VN) mà.

Tôi sa đà chỗ "hiện tượng Minh Tuệ" mà chưa đi vào trọng tâm bài viết: Nguồn Cảm Hứng Minh Tuệ.

Có ai thấy Minh Tuệ là nguồn cảm hứng (inspiration)? Ai cũng thấy. Không chỉ mỗi tôi.

-Minh Tuệ xuất hiện khiến cho giáo hội PGVN giật mình. Một tu sĩ gầy gò, chân không dép, đầu không nón, trông "nhếch nhác" đi đến đâu, dân chúng đón chào đến đó. Vị thống lĩnh Phật giáo có được đón tiếp như ông tu sĩ này không? Tụ tập đông người quanh một vị tu sĩ "tồi tàn" là một nỗi lo lắng cho giáo hội. Lập tức có thông bạch: Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo VN. Hết trách nhiệm.

- Nhiều người trước đây xem Phật giáo VN đang đi vào thời mạt pháp. Tôi cũng hiểu không phải là tất cả. Một số tu sĩ coi việc cúng dường là "bổn phận' và 'quyền lợi". Bỏ vợ, bỏ con, bỏ gia đình nhưng không bỏ Phật. Ai cúng dường kiếp này 1 trăm thì kiếp sau sẽ có 1 triệu. Ai không cúng vong, vong sẽ bắt tội: thương tật, chết chóc. Vong cần tiền thì cúng vong chứ nhà chùa đâu cần (Thích Trúc Thái Minh).

Minh Tuệ không xin tiền. Ông không nói "nhân quả" theo như mấy vị cao tăng kia. Người ta mới ớ ra: đạo Phật đâu phải vì tiền. Bố thí là một "hạnh". Bố thí thể hiện lòng thành: San sẻ cho nhau. Bố thí không phải bắt buộc. Bố thí không phải đánh lô tô- đặt một đồng sẽ trúng 100. Bố thí không phải là điều kiện: Cúng nhẫn cưới cho chùa, gia đình chồng vợ mới hạnh phúc. Minh Tuệ làm cho người ta thức tỉnh: Bố thí là hạnh phúc- cho và nhận. Bố thí không phải là đánh bài. Đặt một trúng mười.

- Minh Tuệ chứng minh cho người ta thấy: không hẳn ăn ba bữa, ăn sung túc, ăn những cao lương mĩ vị mới làm con người khỏe mạnh vì "đủ chất" dinh dưỡng. Ông ta chỉ ăn một bữa, lại ăn chay. Vậy mà ông đi bộ một ngày mấy chục cây số. Có người mất mạng vì đi theo ông. Tôi có bức hình chụp Minh Tuệ năm 2018 trên một cánh rừng cách Đà Nẵng gần 100 cây số. Minh Tuệ cũng chứng minh: Ăn để sống chứ không cần sống để ăn.

- Minh Tuệ chứng minh ngủ ở nghĩa địa cũng an bình như ngủ ở nhà cao cửa rộng. Muỗi không làm ông khó ngủ. Ngủ không cần phải nằm, giấc ngủ vẫn bình an. Bởi tâm ông bình an. An lạc.

- Minh Tuệ chứng minh tu là tinh tiến. Có ai đi bộ từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vô Nam? Chân của ông không cần dép nhưng không hề phồng rộp. Các vị "đồng hành" với ông hầu hết đều mang dép. Chưa đắc đạo nhưng Minh Tuệ coi những việc bất thường là bình thường: Muỗi cắn không bịnh. Ngủ ngoài trời không cảm lạnh, cảm sương.

- Minh Tuệ không đắm chìm trong danh vọng. Ai quỳ lạy, ông đều từ chối. Chỉ có lạy Phật, Pháp, Tăng. Nhất Hạnh là vị thiền sư trí tuệ. Một lần tôi thấy ngài mặc y phục đặc biệt như đức hồng y bên Công Giáo khi ông về nước được đón rước lần đầu tiên. Chiếc áo không làm nên thầy tu. Nhưng có thầy tu cần những chiếc áo rực rỡ ánh vàng?

- Minh Tuệ luôn giữ nụ cười chân phát trên môi. Ông cười chân thật. "Con không cần hộ vệ. Con không cần đưa đón. Quý vị nên trở về. Ông nói với lòng chân thành không phải muốn khiêm cung. Tôi có kinh nghiệm, chỉ cần quan sát nụ cười, tôi có thể biết người cười chân thật hay đãi bôi. Minh Tuệ cười chân thật.

- Minh Tuệ xuất hiện vô tình. Sáu năm rồi, người ta mới phát hiện ra ông. Có người giải thích. Như cây hoa hồng đầy gai. Chỉ khi trổ hoa người ta mới trầm trồ: Đẹp như hoa hồng. Minh Tuệ xuất hiện làm con người gắn bó nhau. Kẻ theo Cao Đài, người Công Giáo. Họ tán thán ông. Minh Tuệ không làm được phép lạ. Ông ta không giảng đạo. Ông cũng chẳng chữa lành ai. Vậy mà, số người tụ tập theo ông, quanh ông nhiều, có thể nói là nhiều hơn những người tụ tập quanh chúa Jesus khi ngài đi từ chỗ này sang chỗ nọ để rao giảng Tin Mừng.

- Minh Tuệ khiến những nhà trí thức, những vị nghiên cứu Phật học, những nhà văn, những thi sĩ...viết bài vinh danh ông dù ông chẳng có danh gì để vinh. Ông chỉ là sự chân thật.

- Ở Nhật Bản, người ta in hình Minh Tuệ trên áo thun. Để bán, một phần nhưng để vinh danh một tu sĩ gầy gò mặc áo vá đi chân đất đầu trần người Việt Nam đi bộ hàng nghìn cây số..

- Chúa Jesus trong Kinh Thánh than thở: Các nhà tiên tri không được vinh danh tại quê nhà. Tiếng Việt chúng ta có "Bụt nhà không thiêng ". Tôi không nói Minh Tuệ là nhà tiên tri. Nhưng không phải coi Minh Tuệ là "hiện tượng". Người ta coi ông chỉ là một công dân, cần phải cấp CCCD. Chỉ cần một "'động tác chiến thuật", qua một đêm hiện tượng Minh Tuệ biến mất, êm ru bà rù.

Có thể Minh Tuệ cần một động tác như thế. Ông cần tĩnh lặng. Ông thấy đám đông bu quanh thử thách ông quá lớn. Không chịu nổi. Bởi ông quá mỏi mệt vì mọi người coi ông như...lãnh tụ tinh thần, đó là điều ông không bao giờ nghĩ tới và cũng không biết nghĩ tới.

Nhưng cảm hứng Minh Tuệ vẫn còn...trong tâm tưởng của người VN không hẳn ở những vị Phật tử. Minh Tuệ mang đến xã hội VN một thông điệp mạnh mẽ hơn hàng trăm cuốn sách viết về Phật giáo: Sự chân thật của một tu sĩ.

Tôi thấy nguồn cảm hứng toát ra từ ông Minh Tuệ gói gọn trong hai từ: Chân Thật. Chân thật sẽ giúp người VN hiểu nhau hơn. Chân thật sẽ mang lại cho Phật giáo VN sức sống như từng có sức sông thời Trần với Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Chỉ có sự (chân) thật mới cứu vãn loài người.

Thursday, May 30, 2024

CHÁO BỘT

Khi ra đến Quảng Trị, tôi mới biết bánh canh là cháo bột. Huế có bánh canh. Tôi nói ngay, nó không ngon bằng Quảng Trị. Vì sao? Rất đơn giản. Huế là vương giả. Vì vương giả, cái gì của họ cũng đầy màu sắc. Mấy đứa xấu miệng, gọi là “màu mè “ kể cả những món ăn. Tôi không nghĩ vậy. Món ăn của người Huế đa dạng và phải nói là cầu kỳ.

Cháo bột (tức bánh canh) Quảng Trị không cầu kỳ. Tôi có ra thị xã (QT) nhưng khi ăn bánh canh, tôi thấy ở đó không ngon bằng ở Hải Lăng. Tất nhiên theo cảm nhận cá nhân.

Tôi có “tánh kỳ” là đi đâu cũng tìm hiểu…món ăn địa phương. Tôi tự hào suy nghĩ hơi khoe khoang: món ăn là đặc điểm con người vùng miền. Món ăn là tính cách con người . Tại sao người Quảng (Nam) có những món ăn “đơn giản”, “ mộc mạc”, “đậm đà”. Bởi họ rất đơn giản, mộc mạc, thiệt thà. Thiệt thà nên con mỳ (trong Mỳ Quảng) sợi to, xắt dày; sợi phở Bắc hay con bún “thanh tao” hơn nhiều. Nhưng Mỳ Quảng hiện nay sánh ngang với Phở (Hà Nội) và Bún (Huế). Không nói khoa trương. Tôi chắc chắn Sài Gòn ở VN hay San Jose ở Mỹ đều trương bảng hiệu Mỳ Quảng ngang hàng với Phở Bắc hay Bún Huế.

Tính cách người thể hiện ở món ăn. Có thể là “đặc sản”.

Bánh canh Quảng Trị rất đơn giản. Cá lóc, bánh, nước lèo (nhưn), một ít tiêu bột, bên trên tô bánh canh là lá hành và ngò gai (ngò tàu) xắt nhỏ. Chỉ có vậy thôi. Khi ăn, quý vị chỉ có chú tâm…vừa húp vừa gắp. Húp nước và gắp sợi mì, một vài miếng cá lóc. Tôi đoan chắc khi ăn, quý vị sẽ chẳng để ý đến ai ngoài tô cháo bột: Quá ngon vì quá đậm đà.

Quý vị sẽ không thấy trên bàn có rau đắng như bánh canh ở miền Nam. Tìm rau ư? Thưa, không có. Lọ nước mắm nêm thêm? No. Người Quảng Trị sẽ quyết định khẩu vị của thực khách. Đi ăn rất nhiều lần, tôi không thấy ai gọi nước mắm (và đừng bao giờ gọi nước tương- xì dầu, người ở đây sẽ nghĩ quý vị trên khung trăng rơi xuống).

Bánh canh sẽ không ngon nếu người Quảng Trị không làm vừa lòng quý vị về độ mặn lạt (nhạt). Nếu ở độ mặn làm bạn không vừa lòng, bạn sẽ chẳng thèm ăn thứ cháo bột ấy. Nhưng tôi cam đoan, bạn sẽ chẳng nêm nếm gì nữa. Bạn sẽ cúi đầu trước tô bánh canh, húp lấy, húp để vì nó quá…ngon. Tất nhiên, như tôi nhiều lần nói, bột ngọt và đường, không bao giờ quyết định cái ngon của món ăn. Người Huế, người Quảng Trị, không bao giờ lạm dụng đường và bột ngọt. Đó là thế mạnh ẩm thực. Khác với quê tôi, Quảng Nam và Đà Nẵng, đã “uốn câu cho vừa miệng cá”, không gìn giữ bản sắc: cho đường vào món ăn để làm vừa lòng khách số đông từ miền Nam ra.

Tôi ăn cháo bột (bánh canh) ở quán Hồng Phúc. Phải đợi rất lâu mới tới phiên mình. Xe máy, xe hơi (ít hơn) đậu kín đường trước quán. Nhưng đây chưa phải là quán ngon nhất. Quán bà Nguyệt nằm trong một con hẻm xe hơi không vào được. Người ăn bánh canh tại đây phải tự cầm tô. Họ sẽ lần lượt chìa tô ra cho bà chủ múc bánh canh. Không có tiếng quát như một số quán bún chửi Hà Nội. Ở đây, thực khác rất giác ngộ, ý lộn, rất tự giác. Nếu không xếp hàng và tự bưng tô (self service), có tiền đến trễ cũng về không. Bà Nguyệt chỉ bán từ 3,5 đến 4,5 giờ chiều. Không bán nhiều.

Cháo bột ở Quảng Trị “phổ thông” như mỳ Quảng ở Quảng Nam, phở ở Hà Nội, bún ở Huế, hay hủ tiếu ở Nam Vang. Cháo bột như cơm. Ăn hằng ngày vẫn không thấy…ngán.

Ở Sài Gòn tôi thích ăn bánh canh Quảng Trị. Nhưng khi đến Quảng Trị tôi mới thấy những quán bánh canh ấy chả bõ bèn gì. Vậy mà, rất lâu, có thể cả chục năm, tôi là người hâm mộ của những quán ăn bánh canh Quảng Trị.

Tôi thấy “cháo bột “ của họ quá ngon. Bởi nó thật thà, chất phát, giản dị như mỳ Quảng của tôi? Món ăn ngon, tôi nghiệm ra không phải cầu kỳ. Món ăn ngon khi nó phản ảnh tính chất của người làm ra nó. Cháo bột (bánh canh) Quảng Trị thể hiện sự chân phát, thật thà, hiếu khách có khác gì món mỳ Quảng quê tôi.

CHUYỆN HAI NGƯỜI MỸ

Vụ xả súng bắn chết hàng chục trẻ em Mỹ có hai cô giáo thiệt mạng vì muốn che chắn cho các học trò của mình.

Đối mặt hiểm nguy, mạng sống mình sẵn sàng hy sinh, mục đích bảo vệ mạng sống của người khác, hành động nghĩa hiệp này xuất phát từ đâu?

Chắc chắn từ giáo dục về lòng nhân ái.

Cũng đối diện với hiểm nguy, hàng chục ngàn người chết, lúc nhắm mắt không được gặp người thân, trở về nhà trong những hũ tro lạnh lẽo; hàng trăm ngàn người dắt díu nhau về quê tránh dịch, trên con đường dài hàng ngàn cây số, cả ngày lẫn đêm, đói khát dọc đường; và trong lúc đồng nghiệp của mình ngày đêm xông pha hiểm nguy trong tuyến đầu chống dịch thì một số y, bác sĩ, trong đó có cả giáo sư, tiến sĩ, giữ trọng trách cung cấp vắc xin ngừa dịch lại nhẫn tâm “đục nước béo cò “, ăn trên nỗi đau của đồng loại. Tù tội phải dành cho họ là lẽ đương nhiên. Câu hỏi đặt ra, còn “đương nhiên” hơn:

Có thể phát hiện tất cả những kẻ đội lốt “lương y như từ mẫu” kia không?

Chắc chắn là không. Chưa bị bắt, vị nào cũng “liêm chính, chí công vô tư “.

Thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh là ba thứ xảy ra thường xuyên trong cuộc sống loài người. Liệu trong tương lai, khi gặp nạn do chúng gây ra, sẽ không còn ai lợi dụng đau khổ của đồng bào để trục lợi, chưa nói tới quay lưng với nỗi đau của đồng loại để “chăm sóc bộ lông của mình”?

Không rõ hai cô giáo người Mỹ này có “học tập và làm theo đạo đức” Washington hay không?

May be an image of 2 people and text that says 'E Trang chủ Mới nhất Podcasts Thời sự Hai cô giáo thiệt mạng khi che chắn học sinh trong vụ xả súng BOOM (31 Cảnh sát và người thân cho biết hai cô giáo Mireles và Garcia đã cố gắng bảo vệ các học sinh trong vụ xả súng trường tiểu học ở bang Texas và bị nghi phạm bắn chết.'

Monday, May 27, 2024

KHỎE VÀ ĐẸP

Khi về Trung, tôi bắt gặp nhiều phụ nữ phương Tây đi du lịch. Quê tôi là Quảng Nam và Đà Nẵng mà. Hai chỗ có rất nhiều khách các nơi trên thế giới “kéo về”. Tôi phải dùng chữ kéo về để nói rằng, Đà Nẵng gần Huế, Hội An gần Mỹ Sơn, hai nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Thật ra, Mỹ có nhiều di sản lắm. Họ chẳng mặn mà chi với tên gọi “di sản thế giới”. Việt Nam ta, cái chi mà có ‘danh hiệu’ thì giá nào cũng tầm cho bằng được. Nhưng Hội An hay Đà Nẵng, khách quốc tế cũng nên “tầm” đến.

Đi nhiều nơi, kể cả Singapore, tôi không thấy bãi biển nào đẹp bằng bãi biển Mỹ Khê. Nếu có dịp, quý vị ra Non Nước, tôi đoan chắc, các vị sẽ thấy không nơi nào có bãi biển hoang sơ mà đẹp như ở đây. Tôi không dám so sánh với bãi biển Đại Lãnh, Bình Định.

Tôi có tật hay ‘lan man’. Đang nói sắc đẹp và sức khỏe mà. Vì sao phuu nữ Tây “cởi trần”, ý lộn, gần như cởi trần; họ mặc áo thun, tay phơi ra, tôi thấy, cổ áo gần như phơi cả ngực. Quần đùi, tức là quần ngắn, không có slip nào ngắn hơn, nghĩa là, chân tay họ hoàn toàn phơi trong nắng. Mùa hè mà.

“Mấy con này điên quá. Không sợ đen da". Đó là nhận xét không phải của vợ tôi. Đó là nhận xét tôi nghe từ một phụ nữ VN khá là xinh đẹp. Chị - cô đi, cho nó đúng- rất trẻ và có thể nói, dù mới nghe giọng nói, và mới liếc qua, tôi thấy cô- hay là em, cho nó thân thương, rất đẹp. Làn da trắng của em, ý lộn, của cô, không thể tìm cho ra làn da nào trắng hơn- kể cả Thúy Kiều. “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”.

Khi nàng, á không, khi cô ta, cởi áo ra, để mặc bộ đồ tắm “hết biết’, có lẽ để khoe thân hình thon thả, trắng như bông. Tôi không gọi da trắng như tuyết của Nguyễn Du. Như tuyết chắc gì đẹp như bông. Tất nhiên, khi bước ra khỏi phòng thay đồ ở bãi biển đẹp nhất Đà Nẵng, chồng của cô, hay người yêu của cô, tôi không rõ, được cô "ra lệnh” hay nói to "che em đi". Ý là che bằng dù. Từ chỗ thay áo quần ra đến biển chỉ chừng 100 mét. Nắng ban mai, đâu có gì là gay gắt. Che mát làm gì.

Che ánh nắng mặt trời, đâu có phải mỗi cô gái, hay bà ‘gái’ này. Ở Sài Gòn, hay bất cứ thành phố nào khác, trừ khi đi xe hơi, tất cả- có khi tôi hơi quá- phụ nữ đều mặc một loại áo gọi là áo “chống nắng”. Nó từa tựa như áo dài vì thân trước, thân sau, của áo phủ gần tới chân. Tất nhiên, từ đó trở lên cổ, ra hai cánh tay, chiếc áo đủ đầy vải, để bảo vệ người đi xe máy, không chỗ nào có ánh sáng chiếu vào. Tia cực tím, thực ra tia sáng mặt trời, đều là “kẻ thù” của làn da bất cứ người phụ nữ VN.

Tôi không nói đến những người bà, người mẹ, người chị, người em nông thôn. Ra ruộng đồng đâu phải ra phố. Họ bận những chiếc áo gọn ghẽ, chiếc quần có thể xắn lên tới…háng. Chấp mầy- tia cực tím.

Phơi ra nắng ở thời gian cho phép của khoa học. Che mọi ánh nắng trong thời gian cho phép cơ thể chịu nắng- nghĩa là không có hai vì tia bức xạ. Cái nào tốt hơn, cho sức khỏe? Tôi không dám giải thích.

Ánh sáng mặt trời biến tiền sinh tố D trên da trở thành sinh tố D giúp cơ thể phát triển. A-D-E nếu tôi không lầm là những vitamin quan yếu cho con người.

Vì sợ đen da, phụ nữ VN, tôi có thể can đảm nhận xét, họ  thà đẹp- ý là nhứt da nhì dáng-  còn hơn khỏe.

Khi qua một số nước châu Âu- nhất là Bắc Âu- tôi thấy, phụ nữ của họ rất thanh mảnh. “Mình hạc xương mai”. Tất nhiên khi có gia đình, nghĩa là đẻ con, hay đẻ nhiều, có thể họ “sồ sề” (xồ xề) hơn. Tiếng Việt ta hay gọi là “nạ dòng” (đẻ nhiều).

Đẹp mà khỏe, tôi thấy là điều hạnh phúc nhất nếu đàn ông Việt chúng ta có người vợ như thế. Nước da như Thúy Kiều nhưng sức khỏe không có thì, tôi nói thật, đố ông chồng nào còn xao xuyến tình yêu nếu người vợ chẳng…khỏe tí nào khi hai người chuẩn bị…"yêu" nhau.

Khỏe và đẹp có lẽ là điều phụ nữ VN nên coi lại. Tôi không nói tất cả. Nhưng khỏe, chứ không phải đẹp, sẽ bảo vệ tình yêu nhiều hơn đẹp…Nó đời đời bền vững. Khỏe, muôn năm! Khỏe sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.

May be art of 1 person

See insights and ads

Boost post

Thursday, March 21, 2024

“TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT”

Cái chết đau đớn. Một câu chuyện xót xa trên báo sáng nay. Vì tình mà một người mẹ nỡ bỏ đói con để vui thú với người yêu trên bãi biển.  Đề bài tôi đặt theo một câu trong chương Châm Ngôn (Kinh Thánh), tất nhiên, ý nghĩa không thể giống nhau.

Một cháu bé ở Ohio chết một mình khị bị mẹ bỏ đi chơi 10 ngày. Quan tòa gọi đây là “hành động cực kỳ tàn nhẫn”.

(An Ohio toddler died after her mom left her home alone while she took a 10-day vacation. A judge called it the ‘ultimate act of betrayal’)

Tiếng khóc của Jailyn (tên cháu bé) vang khắp những con phố lặng ngắt của Cleveland trong đêm tối mịt mờ. Rên la rồi thét gào, cháu bé chẳng có ai đến cứu.

Mẹ của cháu, Candelario, đang đi nghỉ mát 10 ngày ở xa, để con một mình trong củi với vài bình sữa bú. Camera ở cửa nhà hàng xóm còn ghi lại nhiều tiếng thét từng chập của một bé gái 16 tháng tuổi, cả một lần 1 vào giờ sáng khi bà mẹ bỏ đi hai ngày.

Nhưng người mẹ đang ở một thành phố cách đó hàng mấy trăm cây số với bạn trai của mình. Sau vài ngày ở bãi biển, và dừng lại thành phố Detroit, chị ta về nhà và phát hiện con mình đã chết. Cả mười ngày trôi qua.  

Người phụ nữ thừa nhận hai tội danh hôm tháng rồi: một, giết người nghiêm trọng, hai, gây nguy hiểm cho trẻ em.

Ngày kêu án hôm thứ hai, một nhà nghiên cứu bệnh học pháp y cho biết, trẻ con sợ hãi bị bỏ rơi nhất là ở thời gian từ 9 đến 18 tháng tuổi. Bà kể lại những ngày đau đớn cuối cùng của đứa bé trong nước mắt: “Nỗi cùng cực và đau đớn của đứa bé không chỉ kéo dài tính bằng giờ, bằng ngày, mà là cả tuần”.

“Cảm giác bị bỏ rơi nhiều ngày liên tục, cộng với cái đau đớn vì đói khát cùng cực là một thứ đau khổ tôi không nghĩ ai trong chúng ta có thể hình dung được”.

ĐỨA BÉ CHẾT MẤT NƯỚC VÀ GẦY ĐÉT.

Lời tuyên người mẹ tù chung thân của chánh án đánh dấu chương cuối của một vụ án mà những người điều tra mô tả là vô cùng khủng khiếp trong đời hành nghề của họ.

Các viên chức thực thi pháp luật, như thượng sĩ Gomez, không cầm nổi nước mắt khi mô tả tình trạng đứa bé. Anh nói: “Đây là vụ án khắc ghi mãi mái trong trái tim, trong tâm hồn chúng tôi”.

Phụ tá công tố chiếu một đoạn phim an ninh cho thấy người mẹ kéo va li ra xe ngày 6 và trở về nhà ngày 16 tháng 6. Vài phút sau, Candelario gọi 911 (khẩn cấp).

Trong đoạn băng phát lại ở phòng xử, giọng người mẹ rền rĩ: “Giúp đỡ, tôi cần giúp đỡ. Làm ơn, làm ơn, giúp tôi với. Con tôi đang hấp hối”.

Người phụ nữ mặc lại cho con bộ đồ sạch sẽ trước khi đội cấp cứu đến, theo lời viên công tố. Nhưng thay đổi áo quần không che giấu nỗi kinh hoàng mà đứa bé trải qua, và câu chuyện của người đàn bà khóc nức nở kia hé lộ.

Người điều tra cho biết, cháu Jailin nằm trên tấm ra vãi đầy phân và nước tiểu. Chị nói: “Thú vật chăm sóc con của chúng còn tốt hơn”.

Người bé gái khô đét, mắt trũng sâu, môi khô khốc, phân nằm trong miệng, dính trên đầu các ngón tay. Cháu sụt hơn 3 ký lô so với lần cân cuối khi đi khám bác sĩ hai tháng trước.

Các điều tra viên cho biết người mẹ còn bỏ rơi con mình hai ngày trước khi đi nghỉ mát.

CHA MẸ ĐỐ LỖI HÀNH VI CON HỌ LÀ DO BỊ TÂM THẦN

Cha mẹ của người phụ nữ mong tòa giảm án.

Trong một tờ giấy viết sẵn, bà mẹ cho biết con gái bà có vấn đề về sức khỏe tâm thần, như bịnh thần kinh và thường ngất xỉu. Khi ngưng uống thuốc, con bà bị trầm cảm và lo lắng, khả năng suy nghĩ kém sáng suốt. Bà nói gia đình không hay biết chuyện gì đang xảy ra.

Candelario nói trước tòa, chị hằng ngày cầu nguyện sự tha thứ; chị tin Chúa và Jailin tha thứ cho mình.

“Tôi không cố biện minh cho hành động của mình. Nhưng chẳng ai hiểu tôi đau khổ dường nào và những gì tôi sẽ trải qua”.

Trước khi tuyên án, vị chánh tòa trách cứ người mẹ.

Với giọng nghiêm khắc, ông nói Candelario “đã bẫy con mình vào tù” nhiều ngày trong thời gian chị ta đi nghỉ mát.

Ông nói: “Gắn bó giữa mẹ và con là mối gắn bó trong sáng nhất và thiêng liêng nhất. Nó là mối quan hệ dựa vào tình thương, lòng tin, và sự bảo bọc không ngừng…Chị đã phạm một tội cực kỳ tàn ác. Đứa bé cố sống để chờ người đến cứu. Và chị có thể làm điều đó chỉ bằng một cuộ gọi. Trái lại, tôi thấy chị chụp nhiều bức hình trên bãi biển trong khi con chị phải ăn lấy phân của mình để tìm lẽ sống”

Chánh án tuyên người phụ nữ tù chung thân không ân xá.

“Không khác chi cách nhốt Jailyn để con mình phải chết, chị cũng phải sống nốt quãng đời của mình trong tù, mất quyền tự do. Ít ra,chỉ hơi khác một chút, nhà tù còn cho chị cơm ăn”.

Trong giờ luận án, viên trưởng điều tra Powell phát biểu, Jailyn sẽ không bao giờ chìm vào quên lãng. Giọng run run, ông đọc một bài thơ để tưởng nhớ bé gái bất hạnh: (Mỗi câu bắt đầu bằng một mẫu tự, ghép lại thành tên Jailyn- người dịch)

Tuesday, March 19, 2024

BAO ĐỒNG

Tôi không rõ mấy hai từ này. Nhưng khi lo công việc chi đó không phải của mình, vợ tôi hay nhận xét “ông lo chuyện bao đồng “. Tôi hiểu lờ mờ, hay là “bả” nói tôi “ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng ”?

Thấy có mấy cái quảng cáo vu vơ trên trang Facebook của mình, ná bắn chim, thuốc diệt cây, tôi giật mình.

Xem cái ná bắn chim hiện đại mà sảng sốt. Đạn bằng sắt. Dây ná mạnh gấp ba lần dây ná cao su thông thường. Sức “sát thương”, nghĩa là sự giết chết chính xác vật nhắm- tức là chim muông- một trăm phần trăm. Clip minh họa cho thấy con chim đổ lông rớt khỏi cành chỉ sau một tiếng tách nhỏ của chiếc na tối tân. Theo tôi, chiếc ná này còn nguy hiểm hơn  nở thần Trọng Thuỷ phỉnh Mỵ Châu đđể Triệu Đà đánh bại An Dương Vương.

Còn nữa, thuốc diệt cây, không chỉ diệt cỏ. Chỉ cần 50 ngàn đồng, một cây to như cây đa Tân Trào, hay bụi tre rậm như tre làng thời trước, cây hay tre cũng tiêu, nghĩa là tàn héo, theo quảng cáo từ năm đến bảy ngày. Xem nguồn gốc, nghe đâu từ Thụy Sĩ. Có in hình nhà bác học hay kỹ sư chi đó là người sáng chế thuốc diệt sinh học này.

Tôi tuy già nhưng mắt không đến nỗi bèo. Trên thân chiếc ná, như nòng súng, và trên gói thuốc diệt thực vật, không thấy tiếng Anh, tiếng Pháp, chỉ thấy chữ Tàu.

Hai loại “vũ khí “ có vẻ vô hại. Diệt cây vì khỏi phải chặt công khổ. Tre, cây lớn, có lẽ cổ thụ, chỉ cần 1 gói thuốc bột màu trắng, bụi tre mất hẳn màu xanh. Tre khô như gặp phải thuốc khai quang của Mỹ. Còn chim chết thức thì sau cái bóp cò như gió thoảng.

Tôi phải thở ra khi viết tới đây. Cây ở VN đâu còn nhiều mà phải cần tới thuốc diệt sinh học? Không lẽ, ghét hàng xóm có cây xoài, cây mít, bóng che qua vườn nhà mình, chỉ cần 50k/ gói thuốc, “ân oán “ phân minh? Trồng một cái cây là trồng một hy vọng. Trồng một bóng mát cuộc đời. Thuốc diệt cây để làm gì? Khó nghĩ quá.

Chim muông nhiều là môi trường giàu sức sống. Tôi về quê, và đi nhiều quê khác, chim là thứ ít thấy. Chúng vào lồng cho phóng sinh. Chúng nằm trên bàn cho quán nhậu. Chúng chết dần vì ăn phải cào cào, châu chấu vừa dính thuốc trừ sâu trên đồng lúa. Chim còn đâu?

Vậy mà có ná tối tân như súng xuất hiện ở VN, xứ của chim muông vắng bóng. Trước đây thì súng bắn chim. Nay bị cấm hay không có vì vắng chim, ná bắn chim đời mới tối tân thay thế.

Tứ bề thọ tiễn.

Có nên cấm ná giết chim, hoá chất diệt cây? Không. Không thể cấm nổi. Nhưng chúng cần được kiểm soát.

Chính quyền cách mạng CS trong quá khứ chứng tỏ họ rất mạnh. Nhưng ngày nay, tôi có cảm giác họ dễ dãi quá? Cái gì cũng thoải mái.

Trước đây, nếu họ khắt khe với chiếc cưa máy, gọi là cưa lốc gì đó, thì biết đâu, rừng VN có khai thác, bây giờ vẫn còn cây. Lâm trường có cưa máy, người dân có cưa máy. Chỉ cần 1 cái cưa máy, 10 phút, cây cổ thụ 100 năm trên rừng nằm lăn ra đất, chết ngay. Những cây to mấy người ôm, nếu không có cưa máy, đố ai hạ ngã nó? Năm 1976, cây rừng ở quê tôi- cũng như mọi quê có rừng khác- nếu không có cưa máy, chắc gì bây giờ chỉ toàn rừng tràm bông vàng làm giấy.

Ngày xưa, người Việt khai thác rừng nhẹ nhàng không mãnh liệt như sau ngày “giải phóng “. Với chiếc rìu, con rựa, một cây hai người ôm trên rừng, đốn hạ bao lâu thì hoàn tất? Rất khó. Với cái cưa líu, cưa đợi (truyền thống) cây to, chưa nói cổ thụ, đại thụ, không dễ gì bị tuyệt diệt khi cưa máy xuất hiện. Người VN làm ra cưa máy? Không. Phải nhập. Ai là người cho nhập? Rất dễ trả lời. Có cưa máy, có lòng tham, có sự tù mù, có tiếp tay của lâm tặc, “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” chỉ còn là rừng nghèo rừng kiệt.

Đã không sáng suốt với cưa máy, xin quý vị hãy sáng suốt với thuốc diệt cây, ná diệt chim. Lịch sử sẽ trông chờ . Xin quý vị dè dặt và lưu tâm.

Wednesday, March 13, 2024

Phiếm luận: RƯỢU, UỐNG MẤY CHO VỪA?

(Bài dài lê thê. Ai không uống rượu xin đừng đọc).

Không biết rượu xuất hiện lúc nào trên thế gian này. Nhưng theo tôi, người châu Á – nhất là Trung Hoa và Việt Nam có lẽ là Nhật Bản nữa- gắn bó với một loại nước có men này rất sớm. Rượu đi vào văn hóa rồi văn học. Ở VN thì khỏi nói.

Cao Bá Quát là thi sĩ nổi tiếng bất đắc chí và kiêu ngạo.  Giai thoại trước khi bị chém đầu, ông làm hai câu thơ: Xích sắt cùm lim chân có đế/ Ba hồi trống giục bước thì vương”. Để ý hai chữ cuối của hai câu thơ. Đế vương.

Trước đó, ông coi rượu như thế nào? “Gõ nhịp lấy, đọc câu “Tương tiến tửu”: “Quân bất kiến: Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai, Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.” Làm chi cho mệt một đời”.

Lý tưởng sống hưởng thụ (trong có có rượu) gợi ý từ Lý Bạch, say đến nỗi, đi trên thuyền, thấy trăng lồng dưới nước, ông ngã người xuống để vớt, thuyền lật, ông chết cùng bóng trăng. Thật nên thơ. Quá nên thơ đi chứ, nhờ quá say.

Bài thơ nổi tiếng mà Cao Bá Quát yêu thích có đoạn nói về rượu: …”Đãn nguyện trường tuý bất nguyện tỉnh!/Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh/ Trần vương tích thời yến Bình Lạc/Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước/ Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền/Kính tu cô thủ đối quân chước/ Ngũ hoa mã,/Thiên kim cừu,/Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu/Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.

Tôi chọn bản dịch của một người đồng hương có thơ in trong sách giáo khoa, Nguyễn Lãm Thắng: “Ta muốn say tuý luý, tỉnh mà chi? / Các bậc thánh hiền xưa đều vắng ngắt/ Duy chỉ còn kẻ uống rượu mới lưu danh/ Thời trước Trần Vương yến cung Bình Lạc/ Một đấu rượu vạn đồng, mặc sức uống thâu canh/ Này chủ nhân ơi! Tiền làm sao thiếu được? / Mua rượu mau! Để nâng chén cùng nhau/Ngựa ngũ sắc, áo lông cừu quý giá/Đổi rượu đi con! ta phá vạn cổ sầu!”

Phá “Vạn cổ sầu” chẳng qua là lấp liếm cho chuyện mê uống rượu.

Rượu không còn là thú vui tao nhã. Thi hào Nguyễn Khắc Hiếu cũng “vinh danh” nó: “Say chẳng biết phen nầy là mấy!/Nhìn non xanh chẳng thấy, lại là say./Quái say sao say mãi thế nầy?/Say suốt cả đêm ngày như bất tỉnh./Thê ngôn tuý tửu chân vô ích,/Ngã dục tiêu sầu thả tự do./Việc trần ai ai tỉnh ai lo,/Say tuý lý bất lo mà bất kể./Giời đất nhỉ, cái say là sướng thế!/ Vợ can chồng, ai dễ đã chừa ngay./Muốn say, lại cứ mà say!”

Tỉnh táo như Nguyễn Khuyến cũng “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt/ Mắt lão không viền cũng đỏ hoe”. Uống rượu dữ quá mắt phải đỏ. Về sau cụ mờ cả hai mắt. Chu Mạnh Trinh chơi khăm, tặng cụ loại hoa có sắc mà không hương. Cụ bực: “Đếch có hơi thơm, một tiếng khà”.

Những “sĩ phu” xưa của Ta và Tàu có lẽ không khác nhau. Ban đầu, uống rượu là một sinh hoạt văn hóa. Nhưng thi sĩ nào cũng thích…say. Nên quá chén. Say có khi làm thơ mới hay? Ấy là tôi chưa kể Thơ say của thi bá Vũ Hoàng Chương. Nguyên một cuốn chớ không phải một bài.

Nhiều người cho rằng Trung Hoa và Việt Nam thời trước bị xâm lược vì vua quan hèn yếu. Tôi nói, chỉ là một yếu tố. Tại vua quan  uống rượu nhiều quá. Rượu đưa lên lễ: Vô tửu bất thành lễ. Uống rượu mới trượng phu: Nam vô tửu như kỳ vô phong.

Nếu họ chừng mực trong việc uống rượu thì chắc chi phương Tây nô dịch nổi họ. Họ say sưa với Nho giáo. Họ say sưa với thơ phú. Họ say sưa ca tụng thánh hiền. Họ say sưa thơ Đường. Sẵn trớn, họ ca ngợi luôn vua Nghiêu, vua Thuấn tận bên Tàu, thời xa lắc xa lơ. Bởi họ Trung Hoa như say rượu.

Chừng mực là cái không có đối với hàng ngũ thi sĩ Trung Hoa và Việt Nam? Rượu chẳng qua là chất gây men tạo hưng phấn. Nó tạo men cho cuộc sống. Nó không phải là lẽ sống. Vậy mà, cả triều đình, cả quan lại, cả giới sĩ phu (elite) đều lấy rượu làm vui và hãnh diện. Ai được ban ngự tửu là vinh dự cả một đời làm quan.

Rượu không những đi vào văn học. Rượu còn đi vào sự sống còn của họ: Đi đánh giặc cũng mang theo rượu. Sức đâu chiến đấu. Giặc mới nổ súng là kéo gươm chạy rào rào.  “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, / Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi./ Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu,/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.

(“Rượu bồ đào, chén dạ quang/Muốn say, đàn đã rền vang dục rồi/Sa trường say ngủ, ai cười?/Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu!” (Trần Trong San)

Khi tiếng súng nổ vang vào xứ sở, người Nhật thức tỉnh nhưng người Trung Hoa và người Việt Nam vẫn còn say sưa. Họ đang say cái thế giới của họ. Biết đâu trong đó là do say rượu?

Tôi muốn nói sự chừng mực. Say với chính mình không khác chi say rượu. Tự hào, vinh quang, luôn ngó lên trời, không phải là chất men như men rượu là gì?

Người Tây uống rượu không ít hơn người châu Á. Tôi có học một ít văn chương các nước tiêu biểu văn minh thế giới như Pháp, Mỹ, Anh. Các thầy của tôi - những cuốn sách tôi đọc - không thấy có chỗ nào người phương Tây ca ngợi rượu; dù đó là thức uống có thể nói là hằng ngày của họ. Không những không ca ngợi rượu trong thơ văn; họ cũng chẳng xiển dương rượu như các thành phần trí thức VN và Trung Hoa.

Tôi nghĩ, họ uống rượu chừng mực. Không thể “say túy lúy đêm ngày như bất tỉnh”. Không chừng mực thì không nghiên cứu: whiskey liều lượng bao nhiêu cho đàn ông, đàn bà. Kể cả liều lượng rượu vang và bia. Phải biết liều lượng bao nhiêu là phù hợp (tôi không nói tốt) cho cơ thể.

Ông cố uống, ông nội uống, ông cha uống, ông con uống, cả làng uống, mạnh ai nấy uống và không bao giờ khuyên và buộc bản thân, con cháu uống bao nhiêu là đủ.

“Thê ngôn túy tửu chân vô ích/ Ngã dục tiêu sầu thả tự do” (Tản Đà). Vợ có khuyên uống rượu chẳng lợi gì, chồng cũng chẳng thèm nghe. Ổng muốn tự do. Ngày nay, nếu uống vô độ sẽ tự do vô nhà thương chữa xơ gan; tự do vô nhị tỳ vì gan “đẻ” ung thư.

Tây uống rượu gì? Nói thật, người Trung Hoa chưa chắc nhiều loại rượu ngon như người Pháp, người Mỹ, người Anh. Rượu của họ chưng cất truyền thống, tinh vi, khoa học. Rượu cất xong có thứ để trong hầm vài năm, chục năm, vài chục năm. Rượu càng để lâu dưới đất càng ngon và do đó càng đắt tiền.

Nhưng so việc uống rượu, Tây có khác Ta không? Rất khác. Họ muốn uống loại rượu mình chọn. Họ uống rượu nhưng không nhậu rượu. Không như ta, gặp một chai rượu Tây, kiếm ra một chai “cuốc lủi” ngon (thấy trong cuốn hồi ký NĐM), nhạc sĩ V.C, nhà văn Ng. T, hay T.H. xúm ngay lại mà uống, mừng rỡ, hít hà. Họ không có nhiều lựa chọn các loại danh tửu. Được uống rượu ngon là mừng dù chỉ là một thứ cuốc lủi “vô danh tiểu tốt”. Rất cám cảnh. Say túy lúy là đủ rồi. Rượu thấm trong dòng máu người Việt, không chỉ giới bình dân.

Ngày nay, người Việt uống rượu ít hơn bia, nhưng không đồng nghĩa ít uống.  Bia có độ cồn nhẹ hơn. Và có lẽ ngon hơn vì được ủ men nhiều cách và nhiều loại bia. Nhưng mấy ai định cho mình uống mấy lon là vừa, là ngon, nghĩa là còn cảm nhận hương vị bia?

Tôi chắc chắn ít người uống vừa phải. Uống cho đã. Đó là khuynh hướng của người quen bia rượu.

Một số người bị lôi cuốn bởi cái “thói” tự hào. “Nó uống được ta uống được”. Người không uống nhiều trong bàn nhậu bị chê là “không manly- nam tính”. Đó là suy nghĩ trong đầu những người uống rượu bia vô độ. Lấy tửu lượng cao làm thành tích là “tàn dư” của thói quen “tự hào”. Ai uống không say hay lâu say thường được người trong bàn nhậu nể phục. Ép nhau uống rượu (bia) chính là cách “phát huy” thói tự hào hảo ấy.