Thursday, May 30, 2024

CHÁO BỘT

Khi ra đến Quảng Trị, tôi mới biết bánh canh là cháo bột. Huế có bánh canh. Tôi nói ngay, nó không ngon bằng Quảng Trị. Vì sao? Rất đơn giản. Huế là vương giả. Vì vương giả, cái gì của họ cũng đầy màu sắc. Mấy đứa xấu miệng, gọi là “màu mè “ kể cả những món ăn. Tôi không nghĩ vậy. Món ăn của người Huế đa dạng và phải nói là cầu kỳ.

Cháo bột (tức bánh canh) Quảng Trị không cầu kỳ. Tôi có ra thị xã (QT) nhưng khi ăn bánh canh, tôi thấy ở đó không ngon bằng ở Hải Lăng. Tất nhiên theo cảm nhận cá nhân.

Tôi có “tánh kỳ” là đi đâu cũng tìm hiểu…món ăn địa phương. Tôi tự hào suy nghĩ hơi khoe khoang: món ăn là đặc điểm con người vùng miền. Món ăn là tính cách con người . Tại sao người Quảng (Nam) có những món ăn “đơn giản”, “ mộc mạc”, “đậm đà”. Bởi họ rất đơn giản, mộc mạc, thiệt thà. Thiệt thà nên con mỳ (trong Mỳ Quảng) sợi to, xắt dày; sợi phở Bắc hay con bún “thanh tao” hơn nhiều. Nhưng Mỳ Quảng hiện nay sánh ngang với Phở (Hà Nội) và Bún (Huế). Không nói khoa trương. Tôi chắc chắn Sài Gòn ở VN hay San Jose ở Mỹ đều trương bảng hiệu Mỳ Quảng ngang hàng với Phở Bắc hay Bún Huế.

Tính cách người thể hiện ở món ăn. Có thể là “đặc sản”.

Bánh canh Quảng Trị rất đơn giản. Cá lóc, bánh, nước lèo (nhưn), một ít tiêu bột, bên trên tô bánh canh là lá hành và ngò gai (ngò tàu) xắt nhỏ. Chỉ có vậy thôi. Khi ăn, quý vị chỉ có chú tâm…vừa húp vừa gắp. Húp nước và gắp sợi mì, một vài miếng cá lóc. Tôi đoan chắc khi ăn, quý vị sẽ chẳng để ý đến ai ngoài tô cháo bột: Quá ngon vì quá đậm đà.

Quý vị sẽ không thấy trên bàn có rau đắng như bánh canh ở miền Nam. Tìm rau ư? Thưa, không có. Lọ nước mắm nêm thêm? No. Người Quảng Trị sẽ quyết định khẩu vị của thực khách. Đi ăn rất nhiều lần, tôi không thấy ai gọi nước mắm (và đừng bao giờ gọi nước tương- xì dầu, người ở đây sẽ nghĩ quý vị trên khung trăng rơi xuống).

Bánh canh sẽ không ngon nếu người Quảng Trị không làm vừa lòng quý vị về độ mặn lạt (nhạt). Nếu ở độ mặn làm bạn không vừa lòng, bạn sẽ chẳng thèm ăn thứ cháo bột ấy. Nhưng tôi cam đoan, bạn sẽ chẳng nêm nếm gì nữa. Bạn sẽ cúi đầu trước tô bánh canh, húp lấy, húp để vì nó quá…ngon. Tất nhiên, như tôi nhiều lần nói, bột ngọt và đường, không bao giờ quyết định cái ngon của món ăn. Người Huế, người Quảng Trị, không bao giờ lạm dụng đường và bột ngọt. Đó là thế mạnh ẩm thực. Khác với quê tôi, Quảng Nam và Đà Nẵng, đã “uốn câu cho vừa miệng cá”, không gìn giữ bản sắc: cho đường vào món ăn để làm vừa lòng khách số đông từ miền Nam ra.

Tôi ăn cháo bột (bánh canh) ở quán Hồng Phúc. Phải đợi rất lâu mới tới phiên mình. Xe máy, xe hơi (ít hơn) đậu kín đường trước quán. Nhưng đây chưa phải là quán ngon nhất. Quán bà Nguyệt nằm trong một con hẻm xe hơi không vào được. Người ăn bánh canh tại đây phải tự cầm tô. Họ sẽ lần lượt chìa tô ra cho bà chủ múc bánh canh. Không có tiếng quát như một số quán bún chửi Hà Nội. Ở đây, thực khác rất giác ngộ, ý lộn, rất tự giác. Nếu không xếp hàng và tự bưng tô (self service), có tiền đến trễ cũng về không. Bà Nguyệt chỉ bán từ 3,5 đến 4,5 giờ chiều. Không bán nhiều.

Cháo bột ở Quảng Trị “phổ thông” như mỳ Quảng ở Quảng Nam, phở ở Hà Nội, bún ở Huế, hay hủ tiếu ở Nam Vang. Cháo bột như cơm. Ăn hằng ngày vẫn không thấy…ngán.

Ở Sài Gòn tôi thích ăn bánh canh Quảng Trị. Nhưng khi đến Quảng Trị tôi mới thấy những quán bánh canh ấy chả bõ bèn gì. Vậy mà, rất lâu, có thể cả chục năm, tôi là người hâm mộ của những quán ăn bánh canh Quảng Trị.

Tôi thấy “cháo bột “ của họ quá ngon. Bởi nó thật thà, chất phát, giản dị như mỳ Quảng của tôi? Món ăn ngon, tôi nghiệm ra không phải cầu kỳ. Món ăn ngon khi nó phản ảnh tính chất của người làm ra nó. Cháo bột (bánh canh) Quảng Trị thể hiện sự chân phát, thật thà, hiếu khách có khác gì món mỳ Quảng quê tôi.