Người ta nói "hiện tượng Minh Tuệ" khá nhiều và tôi thấy rất đúng. Không là hiện tượng sao được. Không nổi tiếng như người được đề cử giải Nobel Hòa Bình bởi một người Mỹ nổi tiếng Martin Luther King. Không có 'sự nghiệp' gì lớn như "Làng Mai" ở một số nước tiên tiến trên thế giới. Không biết viết sách tiếng Anh, tiếng Việt để xiển dương và lan truyền Phật pháp. Không có trí tuệ thông thái về Phật học. Tôi muốn so sánh Minh Tuệ với Nhất Hạnh; tu sĩ với thiền sư. Vậy mà, đi đến nơi đâu, xuất hiện chỗ nào, dẫu là nơi thanh vắng như núi rừng, Minh Tuệ được nghênh đón còn hơn người nổi tiếng thế giới, nổi tiếng nhất trong hàng sư sãi trong chiến tranh Việt Nam- ông Nhất Hạnh. Không là hiện tượng thì sẽ hiện gì?
Trong một vài video ngắn, tôi thấy nhiều người quỳ mọp xuống đường, có người khóc nức nở, khi Minh Tuệ đi qua. Có người còn rắc hoa tươi trên đường ông sắp đến . Có chỗ còn rải thảm vải màu vàng để đón nhận bước chân dính bẩn của Minh Tuệ trên bước đường trần trụi.
Tôi thấy có người khóc khi đón tiếp một nhân vật uy quyền nhất thế giới về tôn giáo hay là về tinh thần: Đức Giáo hoàng. Một lần, đến Roma dự lễ thánh sáng ngày thứ 4 hằng tuần do đức giáo hoàng chủ lễ, tôi có thấy tín hữu khóc, rất to, rất nhiệt tình, và rất xúc động: Viva Papa. Viva Papa. Có lẽ là Đức Thánh cha vạn tuế. Đức Thánh cha vạn tuế.
Tôi không có ý so sánh; nhưng có người khóc vì xúc động khi thấy Minh Tuệ không khác mấy một người châu Âu (hoặc nước văn minh nào đó) khóc khi thấy lãnh tụ tinh thần đạo Công giáo Francisco; tiếng khóc tự trong tim: Tiếng khóc tự đáy lòng.
Có người cho rằng Minh Tuệ có gì đâu mà có người quỳ người khóc. Nhưng đã có người quỳ và khóc. Họ mê tín sao? Tôi không tin. Có cái gì toát ra từ đức Giáo hoàng. Có cái gì toát ra từ một tu sĩ gầy gò. Tôi không biết đó là cái gì.
Nhiều người cho rằng Minh Tuệ "phát tiết" đức hạnh tích tụ nhiều nhiều ngàn kiếp trước. (Nguyễn Du: Tinh hoa phát tiết ra ngoài). Là người công giáo, tôi không tin như thế.
Tôi tin Minh Tuệ là "hiện tượng" vì ông chân thật. Ông không có hào quang nào huyền bí cả. Hào quang của ông là sự chân thật. Nếu coi kỹ những clip của các Facebooker, TiToker, Youtuber...đeo bám Minh Tuệ, chúng ta sẽ thấy nét nổi nhất- đặc tính khiến ông được coi như Bồ Tát hay Phật sống- chính là sự chân thật. Ăn một bữa trưa chay. Ngủ ngoài đồng không mông quạnh- nghĩa địa hay đồi hoang. Mặc áo may từ vải rách vải nhặt trên đường đi. Không nhận tiền bố thí. Không nhận thức ăn sau 12 giờ trưa. Ông thật thà đến nỗi nói mình không phải là tu sĩ Phật giáo. Ông thật thà đến nổi "hỏi chi nói nấy" dù những lời nói của ông mọi người đều kỳ vọng đó là "lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu". Tri kiến Phật học của ông không cao vời như tri kiến của những vị cao tăng kể cả những tăng lữ trung bình. Vậy thì tại sao hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn - và nếu được tự do "tụ tập"- có khi hàng trăm ngàn người đón tiếp ông như một vị Phật sống?
Không hiện tượng thì là gì?
Nhà chức trách rất kiên nhẫn theo dõi từng bước chân Minh Tuệ. Vì sao? Tụ tập đông người (mà không có lãnh đạo) là điều cấm kỵ ở xã hội hay ở thời buổi này. Có lẽ Minh Tuệ không đến nổi "đe dọa chế độ" như suy nghĩ của một số người- tiêu biểu là Angela Phương Trinh nào đó. Minh Tuệ không phải khiến người ta mất thì giờ như tiến sĩ Lê Kiên Thành nói . Ai cũng đi theo Minh Tuệ thì ai làm ra lúa cho xã hội, ai cầm súng bảo vệ quê hương. Có người hỏi ngược: nếu ai cũng du học Liên Xô như ông thì lấy ai cầm súng ra chiến trường "giải phóng miền Nam". Có một giáo sư nổi tiếng nhận xét Minh Tuệ áo quần vá miếng, cầm bát đi xin ăn, làm ô uế hình ảnh tu sĩ Phật Giáo Việt Nam. Ông quên rằng, đức Thích Ca Mâu Ni cũng từng ôm bình bát khất thực ngày xưa?
Minh Tuệ xuất hiện gây bấn loạn cho một số sư sãi. Tôi muốn nói Thích Chân Quang. Lẽ đáng nên tán thán vị tu sĩ khất thực Bắc Nam, (như thầy Minh Đạo), vị sư này "nổi đóa" (nổi điên cũng được) gọi Minh Tuệ là "thằng ba trợn". "Hắn" hiện ra nhiều người coi là "vị thánh của đời tôi".
Nếu tôi không lầm, sinh thời khi tu tập Thích Ca gặp rất nhiều thị phi, điều tiếng. Tôi không dám so sánh Minh Tuệ với Phật. Tôi chỉ muốn nói, Minh Tuệ là "cái thá gì" mà không bị miệt thị, bỉ bôi.
Hàng trăm ngàn, có khi hàng triệu người VN không kể khác tôn giáo, đều mong ước thấy "Ngài" Minh Tuệ. Họ quý trọng gọi ông là "Ngài" trong khi ông xưng "Con" rất chân thành, không phải tỏ ra khiêm cung. Nếu có ai kể lại những thái độ của các trí thức hay các vị tu sĩ Phật giáo (như Thích Chân Quang), tôi nghĩ, Minh Tuệ sẽ cười, nụ cười thật thà và đôn hậu: Con không phải là tu sĩ Phật giáo (VN) mà.
Tôi sa đà chỗ "hiện tượng Minh Tuệ" mà chưa đi vào trọng tâm bài viết: Nguồn Cảm Hứng Minh Tuệ.
Có ai thấy Minh Tuệ là nguồn cảm hứng (inspiration)? Ai cũng thấy. Không chỉ mỗi tôi.
-Minh Tuệ xuất hiện khiến cho giáo hội PGVN giật mình. Một tu sĩ gầy gò, chân không dép, đầu không nón, trông "nhếch nhác" đi đến đâu, dân chúng đón chào đến đó. Vị thống lĩnh Phật giáo có được đón tiếp như ông tu sĩ này không? Tụ tập đông người quanh một vị tu sĩ "tồi tàn" là một nỗi lo lắng cho giáo hội. Lập tức có thông bạch: Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo VN. Hết trách nhiệm.
- Nhiều người trước đây xem Phật giáo VN đang đi vào thời mạt pháp. Tôi cũng hiểu không phải là tất cả. Một số tu sĩ coi việc cúng dường là "bổn phận' và 'quyền lợi". Bỏ vợ, bỏ con, bỏ gia đình nhưng không bỏ Phật. Ai cúng dường kiếp này 1 trăm thì kiếp sau sẽ có 1 triệu. Ai không cúng vong, vong sẽ bắt tội: thương tật, chết chóc. Vong cần tiền thì cúng vong chứ nhà chùa đâu cần (Thích Trúc Thái Minh).
Minh Tuệ không xin tiền. Ông không nói "nhân quả" theo như mấy vị cao tăng kia. Người ta mới ớ ra: đạo Phật đâu phải vì tiền. Bố thí là một "hạnh". Bố thí thể hiện lòng thành: San sẻ cho nhau. Bố thí không phải bắt buộc. Bố thí không phải đánh lô tô- đặt một đồng sẽ trúng 100. Bố thí không phải là điều kiện: Cúng nhẫn cưới cho chùa, gia đình chồng vợ mới hạnh phúc. Minh Tuệ làm cho người ta thức tỉnh: Bố thí là hạnh phúc- cho và nhận. Bố thí không phải là đánh bài. Đặt một trúng mười.
- Minh Tuệ chứng minh cho người ta thấy: không hẳn ăn ba bữa, ăn sung túc, ăn những cao lương mĩ vị mới làm con người khỏe mạnh vì "đủ chất" dinh dưỡng. Ông ta chỉ ăn một bữa, lại ăn chay. Vậy mà ông đi bộ một ngày mấy chục cây số. Có người mất mạng vì đi theo ông. Tôi có bức hình chụp Minh Tuệ năm 2018 trên một cánh rừng cách Đà Nẵng gần 100 cây số. Minh Tuệ cũng chứng minh: Ăn để sống chứ không cần sống để ăn.
- Minh Tuệ chứng minh ngủ ở nghĩa địa cũng an bình như ngủ ở nhà cao cửa rộng. Muỗi không làm ông khó ngủ. Ngủ không cần phải nằm, giấc ngủ vẫn bình an. Bởi tâm ông bình an. An lạc.
- Minh Tuệ chứng minh tu là tinh tiến. Có ai đi bộ từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vô Nam? Chân của ông không cần dép nhưng không hề phồng rộp. Các vị "đồng hành" với ông hầu hết đều mang dép. Chưa đắc đạo nhưng Minh Tuệ coi những việc bất thường là bình thường: Muỗi cắn không bịnh. Ngủ ngoài trời không cảm lạnh, cảm sương.
- Minh Tuệ không đắm chìm trong danh vọng. Ai quỳ lạy, ông đều từ chối. Chỉ có lạy Phật, Pháp, Tăng. Nhất Hạnh là vị thiền sư trí tuệ. Một lần tôi thấy ngài mặc y phục đặc biệt như đức hồng y bên Công Giáo khi ông về nước được đón rước lần đầu tiên. Chiếc áo không làm nên thầy tu. Nhưng có thầy tu cần những chiếc áo rực rỡ ánh vàng?
- Minh Tuệ luôn giữ nụ cười chân phát trên môi. Ông cười chân thật. "Con không cần hộ vệ. Con không cần đưa đón. Quý vị nên trở về. Ông nói với lòng chân thành không phải muốn khiêm cung. Tôi có kinh nghiệm, chỉ cần quan sát nụ cười, tôi có thể biết người cười chân thật hay đãi bôi. Minh Tuệ cười chân thật.
- Minh Tuệ xuất hiện vô tình. Sáu năm rồi, người ta mới phát hiện ra ông. Có người giải thích. Như cây hoa hồng đầy gai. Chỉ khi trổ hoa người ta mới trầm trồ: Đẹp như hoa hồng. Minh Tuệ xuất hiện làm con người gắn bó nhau. Kẻ theo Cao Đài, người Công Giáo. Họ tán thán ông. Minh Tuệ không làm được phép lạ. Ông ta không giảng đạo. Ông cũng chẳng chữa lành ai. Vậy mà, số người tụ tập theo ông, quanh ông nhiều, có thể nói là nhiều hơn những người tụ tập quanh chúa Jesus khi ngài đi từ chỗ này sang chỗ nọ để rao giảng Tin Mừng.
- Minh Tuệ khiến những nhà trí thức, những vị nghiên cứu Phật học, những nhà văn, những thi sĩ...viết bài vinh danh ông dù ông chẳng có danh gì để vinh. Ông chỉ là sự chân thật.
- Ở Nhật Bản, người ta in hình Minh Tuệ trên áo thun. Để bán, một phần nhưng để vinh danh một tu sĩ gầy gò mặc áo vá đi chân đất đầu trần người Việt Nam đi bộ hàng nghìn cây số..
- Chúa Jesus trong Kinh Thánh than thở: Các nhà tiên tri không được vinh danh tại quê nhà. Tiếng Việt chúng ta có "Bụt nhà không thiêng ". Tôi không nói Minh Tuệ là nhà tiên tri. Nhưng không phải coi Minh Tuệ là "hiện tượng". Người ta coi ông chỉ là một công dân, cần phải cấp CCCD. Chỉ cần một "'động tác chiến thuật", qua một đêm hiện tượng Minh Tuệ biến mất, êm ru bà rù.
Có thể Minh Tuệ cần một động tác như thế. Ông cần tĩnh lặng. Ông thấy đám đông bu quanh thử thách ông quá lớn. Không chịu nổi. Bởi ông quá mỏi mệt vì mọi người coi ông như...lãnh tụ tinh thần, đó là điều ông không bao giờ nghĩ tới và cũng không biết nghĩ tới.
Nhưng cảm hứng Minh Tuệ vẫn còn...trong tâm tưởng của người VN không hẳn ở những vị Phật tử. Minh Tuệ mang đến xã hội VN một thông điệp mạnh mẽ hơn hàng trăm cuốn sách viết về Phật giáo: Sự chân thật của một tu sĩ.
Tôi thấy nguồn cảm hứng toát ra từ ông Minh Tuệ gói gọn trong hai từ: Chân Thật. Chân thật sẽ giúp người VN hiểu nhau hơn. Chân thật sẽ mang lại cho Phật giáo VN sức sống như từng có sức sông thời Trần với Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Chỉ có sự (chân) thật mới cứu vãn loài người.