Sunday, March 10, 2024

NIỀM TIN, CẢ TIN VÀ TỰ TIN.

Nhân vụ chùa Ba Vàng dậy sóng, tôi xin "tám" một chút về mấy chữ trên, “mua vui cũng được một phài phút giây”.

Năm 1978, cha tôi mất lúc ông 73 tuổi, “năm tuổi”. Thời buổi khó khăn, ăn còn khổ, huống chi chết, khổ biết mấy. Tất nhiên, không coi ngày chôn, giờ chôn được cho cha tôi, một phần hồi ấy không ai dám hành nghề bói toán, một phần chôn sớm ngày nào hay ngày đó. Mọi người tắc mũi, đờ mắt vì đồng áng, vì cái ăn, năm ấy lại mất mùa, ai rảnh đâu mà “thăm tang”, “chia buồn cùng gia quyến”.

Giờ, ngày, tôi chôn bố đúng ngay ngày, giờ “trùng tang”, bác tôi “bấm độn” và trịnh trọng tuyên bố, ông thực sự lo lắng cho gia đình tôi. Bác rất thật tình và khuyên gia đình cần phải “nhương sao, giải hạn”, tất nhiên chỉ bằng bông hoa, nhang đèn, đơn giản vì bác cũng như chúng tôi, rất nghèo, tiền đâu mà mua gà, sắm xôi, các thứ như ngày nay.

Chúng tôi không làm theo ý bác, ông rất buồn theo hiểu biết của mình về “trùng tang”, có thể sẽ có 3 người thân chết liên tiếp sau đó hoặc mỗi năm một người. Lạnh sống lưng thật, mẹ tôi lo lắng nhất.

Nhưng mấy chục năm sau đó, nhà tôi vẫn bình an. Những người con, người cháu, vẫn phẻ re sống tốt, làm việc tốt. “Trùng tang” mà có em mô “chầu trời” đâu.

Xưa, ai lấy nhau, làm nhà, đi thi…đều coi ngày giờ rất cẩn thận, theo “sách ông bà để lại” nhưng có ai hạnh phúc 100% đâu, bỏ nhau, uýnh nhau hằm bà lằng, thậm chí vợ đôi, vợ ba, hoặc có ai tất cả “bách niên giai lão”, phu thê đời đời bên nhau đâu.

Nhà thì nhiều cái hoành tráng, có giữ được lâu mấy chục năm không, hay tất cả bị bom ăn mìn phá? Những mộ phần chôn theo ngày tốt, giờ tốt cực kỳ, nhưng “ký qui tam xích thổ, nan bảo bách niên phần”, đã 3  thước đất, ai giữ được mộ 100 năm đâu, biết bao nghĩa trang bị xóa sổ do quy hoạch.

Ngày đi thi cực tốt, 1000 người chưa đỗ một, ai cũng đỗ, làm quan chỗ ngồi đâu cho xiết?

Người bói được mệnh người khác không bói được mệnh mình nên cứ là…thầy bói cả đời, nghèo rớt mồng tơi, suốt đời coi bói, có thấy giàu có chi mô? (trừ thầy bói thời nay). Bà Yến chùa Ba Vàng bảo kiếp trước làm ác nên kiếp này trả báo, cô gái ship gà bị hiếp, giết dã man được Ms.Vong (bà vong) đem ra làm ví dụ, vừa nhẫn tâm nhưng lại vừa hiệu quả: ai muốn thoát kiếp nạn thì hãy đóng tiền cho Vong. Bạc tỷ chẳng xi-nhê chi nếu “tai qua, nạn khỏi”. Nghe nói có người đóng tiền gần tỷ để Vong cứu mạng. Một tỷ, hay 10 tỷ, cứu được mạng sống, có sá chi.

Nếu Steve Job nghe được vong Ba Vàng linh thiêng, ông ta sẽ đến để được cứu sống. Ông than thở “tôi có thể mua tất cả mọi thứ nhưng không mua nổi cái giường bệnh đang nằm”. Ổng giàu nức nở, đóng 100 tỷ VN chứ 100 tỷ tiền USD để được sống, chắc chắn ổng cũng ừ.

Chủ tịch nước vừa quá cố sẽ được cứu sống khỏi bệnh nan y nếu biết sớm nơi này, và ngôi chùa cứu sanh đang nức tiếng này sao chẳng đoái hoài  ông? Nhưng Vong Ba Vàng (qua giáo huấn của bà Yến) bảo kiếp trước những người chết “chưa phải số” đã làm điều thất đức nên kiếp này…nó thế.

Tôi không rành luân hồi bên phật giáo nhưng tôi nghĩ nhân quả là có. Kiếp này trả cho kiếp trước. Gieo chi gặt nấy.

Một người đầu thai tỷ tỷ lần, hẳn phải tỷ tỷ lần “báo ứng” theo luật nhân quả.

Tôi lại nghĩ đơn giản: luật nhân quả, kiếp này qua kiếp khác, chỉ để răn dạy chúng sinh và giải thích những hiện tượng nghịch lý.

Làm phước sẽ được hưởng phước kiếp sau. Tốt quá đi chớ. Hãy sống phước đức để có hậu về sau. Nhiều người bình phẩm kẻ khác gặp  nạn bất đắc kỳ tử “người nầy hết phước”.

Nhân quả cũng có thể dùng để giải thích nhiều người “ác” vẫn giàu có, vẫn công danh ngút ngàn, bởi kiếp trước họ làm việc thiện, việc tốt lành (phải chi mỗi kiếp phải viết bản lý lịch, để dễ tra cứu).

Tôi tin người nào bản chất đã ác thì kiếp nào cũng ác.  Thiện qua ác, ác qua thiện trong kiếp người, kiếp này, kiếp khác, thay đổi như sóng nước, xuống xuống lên lên?

Rồi chuyện ăn chay, sát sinh.

Tôi cũng không hiểu thâm sâu việc ăn chay, không sát sinh, nhưng rõ ràng những chất từ thực vật nếu sử dụng đúng, đủ, những dinh dưỡng của nó sẽ không khác chi những dinh dưỡng có từ động vật.

Nhiều vị tu sĩ, nhiều người ăn chay, vẫn có một sức khỏe cực tốt vì họ ăn chay đúng phương pháp.

Tôi nghĩ ngài Thích Ca khuyến khích ăn chay còn vì một lý do khác (tôi mới phát minh ra sáng nay khi uống cà phê) là để khỏi sát sinh.

Con gà, con vịt, con heo, con bò, ta không nên sát sinh vì là một “kiếp” nào đó của con người, thì ai mà đan tâm đi giết người?

Mỹ, Nga, Tàu, ngay cả chúng ta, sắm súng đạn làm chi nếu mục đích không phải là…giết người? Địch hay ta, cũng đều là người. “Giết người đi thì ta ở với ai?”.

Sự thâm sâu của giáo lý phật giáo tôi không am tường nhưng “nhân quả”, “không sát sinh” trong giáo lý này là rất hữu ích.

Cũng vì giáo lý phật giáo mênh mông quá, sâu xa quá, một số người lợi dụng, nhờ vào  cửa chùa để làm tiền, kinh doanh tâm linh, hay mỹ miều hơn, làm “du lịch tâm linh”.

10 triệu để giải oan, tránh kiếp nạn, chứ 10 tỷ, hay trăm tỷ con người cũng sẵn sàng.

Nhưng những người sẽ gặp kiếp nạn nghèo, không tiền, ít tiền, hay không đến được ngôi chùa Cứu Mạng Ba Vàng sẽ gặp nạn và chết đi hay sao?

Phật linh thiêng sao…bất công như thế? (Tôi nói “vị phật” ở chùa này).

Một hiện tượng tưởng như đơn giản xảy ra ở ngôi chùa này thật ra không đơn giản chút nào. Hiện tượng đó nói lên:

- Niềm tin tôn giáo chính đáng bị lợi dụng

- Dân chúng (một bộ phận) đã không thấm nhuần “đạo đức XHCN”mà tuyên giáo dày công "giáo dục" hơn nửa thế kỷ nay, còn mụ mị “tin vào những gì không có cơ sở khoa học” (Karl Max).

- Sự thờ ơ của những người cầm đầu tôn giáo (ở đây là phật giáo) trước hiện tượng báng bổ giáo lý chân chính của nhà Phật, làm hoen ố hình ảnh phật giáo đã chiếm vị thế trang trọng trong hành trình lập nước, giữ nước từ thời Lý, thời Trần.

- Sự tắc trách của một bộ phận quản lý chính quyền địa phương trong việc để những hành động mê tín, dị đoan này phổ biến và phát triển không phải mới đây, và số lãnh đạo đến thăm chùa bị vị sư ở đây lợi dụng “chụp hình chung” nhằm quảng bá hình ảnh (PR, public relation), tạo “chính danh” ngôi chùa tai tiếng của mình.

- Hiện tượng người  cả ngàn ngồi xếp hàng ngày đêm cầu nhương sao, giải hạn ở một ngôi chùa Hà Nội, nay đến hàng ngàn người khác chen chúc đến cầu vong giải oán ở chùa Ba Vàng, hình ảnh được quảng bá lên Internet ra cả thế giới; điều này chứng tỏ dân trí chúng ta đang có vấn đề.

- Và sau hết, không tin vào khoa học văn minh , không tin vào  khả năng vươn lên của chính con người trước mọi hoàn cảnh dẫu hiểm nguy; không tin chính mình, tức là không có tự tin, luôn dựa dẫm vào lý số xuất phát từ Tàu, rủi may theo thầy bói phán, phước họa từ kẻ lợi dụng tôn giáo moi tiền vì sự khốn khó của người cả tin.

Đây mới là tai hại lớn nhất và nguy hiểm nhất.

“Không tin nơi ta, thế ta định nhờ ai dẫn đầu?”

Một câu hát tôi nhớ đã hát hơn mấy chục năm trước.

Câu hát đơn giản nhưng phản ảnh một sự thật đất nước chúng ta “không tin nơi ta” bao thập kỷ, nay theo cái này, mai theo cái kia, mong “nhờ ai dẫn đầu”, tại sao ta không nhờ ta, mà cứ phải nhờ vong, cứ mãi hối lộ thánh thần?

Ba Vàng, hay "ngàn vàng", người VN hãy “Bái bai” (không phải Bái Đính), càng sớm càng tốt.

CHIM

Tiếng Việt thật giàu có ngữ nghĩa. Một từ mang nhiều nghĩa. Tỷ dụ như ở đây: chim. Không hiểu vì sao ông bà ta gọi "giống" (đực cái) là chim.

Mấy bác trai ngồi nhậu hay tếu, sửa lời câu hát trẻ con thật hay thành ý nghĩa diễu cợt: " Em yêu chim, em mến chim, vì mỗi lần chim hót em vui".

Chủ nhật nói chuyện vui thì không sao nhưng hôm nay tôi nói chuyện nghiêm túc về "khoe chim".

Chơi facebook hơn 10 năm, tôi gặp tình huống này cả thảy 5 lần. Sáng nay là một. Chat qua video trên messenger.

Tôi luôn tôn trọng người gọi dù trong thế giới ảo, quen, lạ, rất dễ nhầm lẫn. Nhỡ người gọi là chỗ thân quen yêu cầu bật video nhưng mình từ chối  sẽ sinh mất lòng. Và thế là, một con chim xù xì, đen đủi hiện ra.

"Chú cởi quần đi". Tôi điếng người, chưa kịp trả lời thì nghe tiếp 1 câu từ chàng tầm ngoài 30 , mặt mũi cũng sáng láng . "Ch. chú to không?".

Một lần khác, cũng chỉ mới bật video lên thì gặp ngay một anh tầm dưới 40 tuổi. "Chat đi chú?". "Chat gì?" "Thì chú vô phòng tắm cởi đồ ra". Thôi, đúng rồi, lại một ông muốn chơi trò khoe chim.

Tôi biết đồng tính là một khuynh hướng tự nhiên, có thật, ở một số người. Đó là một hiện tượng khó cắt nghĩa vì sao lại " trái" lẽ âm dương như thế nhưng thái độ của chúng ta về hiện tượng đồng tính gần đây đã cởi mở rất nhiều và pháp luật cũng đã công nhận nó qua cho phép hôn nhân đồng tính.

Nhưng tôi không hiểu vì sao, một ông lão gần ngưỡng 70 như tôi lại trở thành "đối tượng" cho một số thanh niên, qua video nhìn khỏe mạnh, điển trai, lại tìm đến dù không nhiều, chỉ 5 lần với 5 " cuộc gọi messenger" như tôi nói?

Có một sự trái khoáy nào ở đây không? Khuynh hướng đồng tính trong một bộ phận thanh niên VN đang có xu thế phát triển, hay đã có sẵn, nhờ thế giới ảo, và nó dễ dàng bộc lộ?

Trẻ tìm trẻ là điều hiển nhiên, dù tìm tiếng nói chung của những người đồng tính, nhưng trường hợp này, trẻ tìm già, ở đây như tôi, làm tôi rất khó nghĩ.

Có ai bị như tôi không? Cũng khó trả lời bởi đây là vấn đề tế nhị, tôi đoán chỉ có tôi can đảm đề cập.

Đời sống sinh lý mỗi người mỗi khác, tùy tuổi tác, sức khỏe, giới tính nhưng theo lẽ thường, nam tìm đến nữ, nữ tìm đến nam, ít khi tìm đến người đồng giới vì nhu cầu tình dục sàm sỡ như mấy anh chàng nói trên.

Có câu hỏi, nhu cầu tình dục đồng giới xuất phát từ khuynh hướng bẩm sinh hay xuất phát từ bên ngoài, ở đây là từ những trang web khiêu dâm, chiếu những cảnh làm tình nóng bỏng giữa những phụ nữ thân hình bốc lửa với nhau, hay giữa những người nam lực lưỡng đầy nhựa sống?

Nếu quả thực tình dục đồng tính gia tăng xuất phát từ sự bắt chước, thử cho biết, tỏ ra "đẳng cấp bê đê", thì thật đáng suy nghĩ, nếu tình hình này cứ tiếp diễn ngày càng "đại trà", bất chấp chuẩn mực đạo đức, như trường hợp này, một thanh niên tuổi nhỏ hơn con trai tôi, chưa nắm rõ thân thế, phẩm cách người đối thoại, dám mồi chài một người tóc bạc đáng cha chú mình, tham gia trò chơi " khoe chim" vô cùng khả ố.

Libido, từ đó sinh tính dục, là bản năng của mỗi con người. Khuynh hướng chung là giống đực tìm giống cái, và ngược lại, nhưng có khuynh hướng khác đi, cũng có thể chấp nhận, nhưng khuynh hướng ấy phải xuất phát tự nhiên, chứ không thể chấp nhận khuynh hướng đó xuất phát từ những trang web nhan nhản trò làm tình cùng giới, và buồn thay, những trang web khác tư tưởng thường bị tường lửa nhưng những trang "web trời ơi" như thế lại rất "tự do", chỉ cần 1 click chuột là tha hồ "thưởng thức".

Tường lửa nếu tốt hãy chặn những trang web thật đen như thế. Tôi viết những dòng này không có mục đích chỉ trích giới LGBT,(lesbian, gay, bisexual, transgendered, đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính, chuyển giới tính) nhưng chỉ lên án những kẻ đã xúc phạm tôi khi gửi những hình ảnh tục tĩu, những con vật xù xì, lông lá, bẩn thỉu vào messenger của tôi, đồng thời mồi chài tham gia trò chơi dâm dục đồi bại.

"Tôi yêu chim, tôi mến chim, vì mỗi lần chim hót tôi vui", như con chim bên dưới.

AI THẮNG TRONG CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI TQ - MỸ? - Việt Nam.

Who Wins From The China/U.S. Trade War? Vietnam.

Khi chiến tranh thương mại giữa TQ và Mỹ đang ầm ì, cần để ý ai có thể là những người hưởng lợi. Một khi TQ từ bỏ nền tảng sản xuất giá rẻ - qua sự  bắt buộc hay do thiết kế- ai sẽ hưởng lợi?

Có một nước thấy rõ nhất : Việt Nam.

VN từ lâu có thể tự hào được những gã khổng lồ như Intel, Samsung, Adidas và Nike chọn làm nơi sản xuất cho họ. Cứ 10 chiếc smartphone sản xuất trên thế giới thì có 1 chiếc tại nước này.

Tuy nhiên, mâu thuẫn thương mại giữa Hoa Kỳ và TQ đã đẩy một số công ty ra khỏi lục địa để hướng đến VN. Một khảo sát mới đây của phòng thương mại và công nghiệp Hoa Kỳ cơ sở đặt tại Quảng Đông cho biết các công ty TQ đang mất dần thị trường khắp châu Á, đặc biệt là VN.

Andy Ho, trưởng quan chức quĩ cơ hội đầu tư Vina-Capital VN, cho biết: “Nhiều  công ty đang tìm cách di dời cho sản xuất. Các công ty vật tư xây dựng chẳng hạn đang xây cất nhà máy trong nước, di chuyển chuỗi cung ứng của mình tới đó. Năm ngoái, toàn nước có 19 tỷ đô la đầu tư nước ngoài được đăng ký”.

VN được kêu gọi là nơi  chọn lựa an toàn thay cho TQ. Điều này không phải là vô hạn, nhưng VN xuất hiện khi chú ý của chính phủ Hoa Kỳ lại ở chỗ khác. Có thể nào Hoa Kỳ đuổi theo VN? Cái nầy hẳn có một  rủi ro. Tuy nhiên, điều quan trọng là VN không vi phạm sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ và điều này có thể tạo sự khác biệt.

Phát triển ngoạn mục.

VN nổi tiếng là tâm điểm sản xuất phản ảnh qua phát triển mạnh mẽ của quốc gia – 6.6 % năm 2018 và 6.5 % năm 2019 (dự báo của IMF, Quỹ tiền tệ quốc tế). Lại có những thu hút khác: Ông Ho chỉ vào dân số 90 triệu, cùng sự lớn mạnh của giai cấp trung lưu. Số này có thể tăng 30 % vào năm tới thêm vào trên 1 triệu người.

Những nhà quản lý quỹ châu Á  đang lưu tâm chú ý. Mike Kerley, giám đốc quỹ Thu nhập Viễn đông Henderson đã đặt nặng tin tưởng vào nơi đây: “VN đang làm 1 việc đúng, và họ đang theo mô hình TQ. Họ đang tạo ra nền tảng sản xuất mang lại nhiều công ăn việc làm. Họ cũng đã trải qua khủng hoảng ngân hàng, và đã giải quyết xong những khoản nợ xấu. Nền tiền tệ đang vận hành khá tốt. Họ cũng có dự trữ tài khoản hiện đang khá mạnh. Câu chuyện còn tiếp diễn nữa”.

Vấn đề là cái này có tạo được cơ hội đầu tư tốt lành không. Thị trường (chứng khoán) tăng đáng kể vào năm 2017 và nó không hạ như trước. Tuy nhiên, nó hạ thấp đáng kể trong năm 2018, trong 12 tháng hạ xuống 15%. Ông Ho tin tưởng vẫn có những cơ hội chọn lựa cho những người  tích lũy cổ phiếu. Ông nói: “ Việc định giá là hợp lý và giao dịch thị trường tăng 13-14 lần thu nhập”. Tuy nhiên, cũng như với những thị trường đang nổi, chỉ số chứng khoán (Index) cũng có những méo mó. “ Cổ phiếu tài chính, bao gồm ngân hàng và bất động sản chiếm phần lớn chỉ số chứng khoán(Index).

Quỹ Vina-Capital mặt khác lại chú trọng vào những câu chuyện tiêu thụ nội địa. Nó bao gồm các lĩnh vực như các hãng  hàng không giá rẻ. Có nhiều hãng khởi nghiệp lần đầu ở VN và việc đi lại trong nước đang gia tăng: “Hiện có 21 sân bay trong nước và đây là ưu tiên của chính phủ”, ông Ho phát biểu.

“Phát triển hạ tầng cơ sở từ lâu là chuyện thú vị kín đáo của cái xứ sở này. Dù còn nhiều thách thức, VN đã có những bước tiến dài quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng: Ngày nay, 99 % dân số có điện sử dụng chủ yếu thắp sáng hơn năm 1993 chỉ có 14%. Nhà cửa cũng được xây dựng đáng kể, đường sá và các loại hình cơ sở hạ tầng khác”.

Cũng có những hạn chế. Quản lý doanh nghiệp vẫn cần phải cải thiện nếu xứ sở này muốn giữ sự thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Chính quyền nhận ra điều này, nhưng ý muốn để thay đổi không phải là chính sự thay đổi.

Tiếp cận những thị trường (chứng khoán-ND) ở VN cũng thật khó. Kerley phát biểu: “Thị trường VN không hẳn mở cửa, với những luật lệ phức tạp về chuyện người nước ngoài làm thế nào để mua cổ phiếu. Chúng tôi tiếp xúc thông qua tín thác đầu tư từ các chuyên gia”

Ngay thời điểm này, chỉ có 3 tổ chức mở cửa cho các nhà đầu tư Anh quốc – quỹ đầu tư: VinaCapital Vietnam, Cổ phần Việt Nam và Doanh nghiệp Việt Nam. Thực trạng quỹ đầu tư Vina-Capital dẫn đầu đáng kể việc làm ăn, tăng 96,6 % trong 3 năm, khoảng 67 % so với đối thủ sau đứng sau.

Có nhiều cái hỗ trợ tăng trưởng của VN trong vài năm tới. Khi các công ty di dời khỏi Hàn quốc, Nhật Bản, Singapore hoặc Trung quốc, VN có thể là nước hưởng lợi.

VN đang trong quá trình ký kết hiệp ước thương mại to lớn với EU.

Điều này dần dần sẽ mở ra nhiều thị trường; triển vọng của nó thật là thú vị.

Bài của Cherry Reynard đăng trên Forbes, tạp chí tài chính hàng đầu thế giới, ngày 29 tháng 3 năm 2019. Nguyễn Long Chiến dịch.

TĨNH LẶNG

Một bản nhạc sẽ không hay nếu thiếu khoảng lặng. Cuộc sống chúng ta sẽ không hoàn toàn hạnh phúc nếu thiếu thời gian tĩnh lặng. Cuộc sống bộn bề lo toan ngày nay bị đe dọa hàng ngày với biết bao sự ầm ĩ, âm thanh đinh tai nhức óc tràn ngập phố phường cả thôn quê.

Loa " kẹo kéo" phát ra tiếng chào mời mua rau củ, áo quần, giầy dép ra rả các con phố ầm ầm tiếng xe qua lại. Những cửa hiệu lắp những chiếc loa công suất cao chơi những bản nhạc giật gân của nước ngoài, lôi kéo sự chú ý khách đi đường thương hiệu cửa hàng.

Mỗi sáng sớm, mỗi chiều tối, " đây là tiếng nói nhân dân..." oang oang phát ra từ những chiếc "loa phường" có tuổi thọ dường như niên viễn.

Trên xe buýt,  trong nhà hát, ở các quán nhậu, sự ầm ĩ của của tiếng nói thả cửa như nơi đó là nhà của riêng mình, muốn la to, nói lớn, thế nào tùy thích.

Có những nơi giải trí khung cảnh hữu tình, những lều nhỏ nằm dọc trên lối đi lát sỏi, 2 bên cây cỏ, xa bên ngoài là hồ nước tự nhiên, điểm tô những bông súng nhiều màu trên nền xanh rêu mặt hồ, những lồng chim treo trên một số cây che mát, cất lên những tiếng hót như hòa với niềm vui của những người đang ngồi trong những lều lợp lá, rôm rả bên mấy cốc bia, hồ hởi chuyện xưa sau.

Khung cảnh lẽ đáng êm đềm như thế sẽ kéo dài nếu không xuất hiện những đám thanh niên, thanh nữ, mặt mũi sáng láng, quần áo bảnh bao, lịch thiệp còn hơn công chức.

Và, tiếng loa kẹo kéo, âm thanh khủng bố vang lên, hòa quyện thi thoảng tiếng "dô dô trăm phần trăm" nhức óc. Liên tục sau đó là những giọng hát, còn tệ hơn  giọng vịt đực của tôi, vang lên có lúc the thé, có lúc oang oang, trộn lẫn trong giọng hát là mùi bia, mùi rượu, mùi thuốc lá, có cả mùi ngả ngớn, tục tĩu, vô duyên của những lời bỡn cợt nhau phát ra trên loa công suất hết cỡ. Hình ảnh này không phải là cá biệt.

Các nơi ở bờ sông Sài Gòn, và một số nơi tôi có dịp tới, đang nở rộ những nhóm thanh niên với " thùng kẹo kéo" mướn, ngặt nỗi, là  sản phẩm của chủ cơ sở du lịch...muốn thu hút khách thanh niên, thích khẳng định sự có mặt của mình bằng âm thanh "cực hót".

Ưa thích âm thanh cực lớn nhưng không màng đến những người khác ưa thích sự tĩnh lặng bình yên. Chỉ biết có mình, không biết có người, đó là triết lý sống của một bộ phận thanh niên rường cột chúng ta ngày nay?

Ở VN, vào những chỗ đông người, nhà hàng, sân bay...nghe có tiếng nói cười hô hố xì xồ là đoán ngay có các du khách 4 tốt. Qua Singapore mà nghe âm thanh tương tự là đoan chắc có người VN.

Âm thanh hổ lốn đã từng gây ra tai vạ, báo chí đã đăng.

Một ông 60 tuổi bị đánh chấn thương đầu đi cấp cứu vì đã lên tiếng với đám thanh niên đang nhậu, đang ca hát qua loa kẹo kéo; ông năn nỉ xin được " giảm âm thanh" mà lãnh hậu quả thương tâm.

Lâu rồi, đâu ở tỉnh nào ngoài trung, một người bị đâm chết vì lên tiếng rồi xảy ra xô xát với người hàng xóm đang hát karaoke quá to, quá ầm ĩ kéo dài.

Khi ý thức chưa hình thành thói quen thì luật pháp, ở đây là nhà chức trách, nên can thiệp bằng những chế tài cần đủ mạnh, hễ ai vi phạm sẽ bị xử phạt, về việc gây tiếng ồn quá mức, quá lâu, ở quá nhiều nơi công cộng.

Việc cấm đốt pháo, buộc đội nón bảo hiểm, nhà nước làm rất hiệu quả, rất tốt. Kiểm soát âm thanh, tiếng ồn, là việc khó lắm hay sao?

Một nghiên cứu cho biết người Việt có chiều hướng mắc bệnh rối loạn tâm thần ngày càng cao, biết đâu âm thanh có cường độ quá mức không là một nguyên nhân chính?

Văn hào Dostoevsky người Nga đã cho đào một cái hầm sâu, đầy đủ tiện nghi để ở đó sáng tác những tác phẩm nổi tiếng thế giới, và khi chết, trong di chúc ông ghi rõ trong đám tang  mình không được có mặt của người vợ. Lý do thì nhiều nhưng một lý do chính bà vợ liên tù tì chì chiết ông cả đêm lẫn ngày, qua giọng nói the thé không khác chi giọng nói của những bà vợ ưa rủa sả chồng mỗi khi say xỉn.

Âm thanh tác động thế đó. Ở Sài Gòn đào hầm đâu được, nếu đào, có khi bị hỏi thăm đào hầm bí mật sao? Sự tĩnh lặng, sao mà khó hung rứa hỉ?

Ảnh minh họa.

CÓ LẼ ĐẪ ĐẾN LÚC THỪA NHẬN Huawei là một mặt trận tình báo của Trung Quốc

(Maybe it’s time to accept that Huawei is a Chinese intelligence front)

Gã khổng lồ công nghệ bị dính thêm một tai tiếng gián điệp nữa.

Thành lập năm 1987 ở phía nam thành phố Thâm Quyến,Công ty công nghệ Huawei chẳng mấy chốc trở thành tay chơi hàng đầu trong công nghệ thông tin toàn cầu. Từ năm 2012, nó đã trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Năm ngoái, Huawei đã thay vị trí hãng Apple trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh thứ nhì thế giới sau Samsung, Hàn Quốc. Hoạt động trên 170 nước, Huawei đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế toàn cầu và  Trung Quốc.

Tuy nhiên, đã dấy lên nhiều câu hỏi về công ty, khởi đầu từ sự kiện người sáng lập kiêm tổng giám đốc điều hành Mạnh Chính Phi, cựu chuyên  gia cao cấp về công nghệ thông tin của Quân đội nhân dân Trung Quốc.

Nhiều năm, phản gián phương Tây lặng lẽ cảnh báo mối liên hệ giữa  Huawei  với quân đội TQ và các cơ quan an ninh. Mới đây, những cảnh báo đó đã dần rõ rệt.

Tháng hai năm ngoái, ba lãnh đạo của “ba ông lớn” tình báo Hoa Kỳ cảnh báo những người Mỹ về việc mua điện thoại của hãng Huawei mà họ xem là nguy hiểm về mặt an ninh.

Như giám đốc cơ quan tình báo FBI Christopher Wray giải thích: “Chúng ta hết sức quan ngại về nguy cơ cho phép bất kể công ty hay đơn vị nào được chính phủ nước ngoài hỗ trợ,những nước không cùng chia sẻ những giá trị như chúng ta.

Nó có thể đem đến khả năng đánh cắp hoặc thay đổi thông tin theo ý đồ xấu. Nó cũng tạo khả năng thực hiện do thám trá hình".

Huawei phản đối, bảo mình vô tội, và cho đây đều  là âm mưu bất chính của người Mỹ chống lại họ; nhưng câu hỏi nghi ngờ ngày càng nhiều, và nay Huawei thấy mình đang nằm trong tầm ngắm của các cơ quan an ninh phương Tây.

Những điều tra như thế tạo ra nhiều thách thức cho những nỗ lực mồi chài của công ty thâu tóm thị trường công nghệ thông tin khắp thế giới, với sự xuất hiện của điện thoại di động thế hệ  5G.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt cho doanh số không biết bao nhiêu tỷ đô la này có dây nhợ dẫn tới những hàng tít lớn của báo chí vào vào đầu tháng 12 năm ngoái, khi Mạnh Vãn Chu bị bắt ở phi trường Vancouver bởi nhà chức trách Canada theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc gian lận liên quan đến luồn lách cấm vận quốc tế đối với Iran.

Bởi vì nghi phạm không chỉ là giám đốc tài chính của Huawei mà còn là con gái người sáng lập công ty, việc bắt giữ bà Mạnh lập tức bùng lên những giận dữ ở Bắc Kinh.

Bà ta được tại ngoại sau 10 ngày bị bắt với số tiền thế chân 10 triệu đô la, được thả lỏng ở Vancouver, bị gắn chip theo dõi, có thể sẽ được dẫn độ về Mỹ.

Bắc Kinh tiếp tục gào thét chửi bới (howl curses) Canada về trường hợp bà Mạnh.

Hai công dân Canada tức thì bị bắt ở Trung Quốc về cáo buộc mơ hồ  là gây nguy hiểm an ninh quốc gia, trong nỗ lực trả đũa rõ rệt.

Tuần này, đại sứ TQ tại Ottawa kịch liệt chỉ trích việc bắt giữ bà Mạnh là bằng chứng cho thói vị kỷ và coi người da trắng là thượng đẳng của phương Tây (Western egotism and white supremacy).

Nhưng tức giận thực sự của Bắc Kinh  nhắm vào Hoa Kỳ, nước mạnh dạn đánh trả do thám tràn lan công nghệ hàng chục năm nay bởi người TQ, gây tổn thất nghiêm trọng nền kinh tế Mỹ.

Năm rồi chứng kiến quá nhiều việc bắt giữ công dân TQ dính líu vào hoạt động do thám mục đích kinh tế chống Hoa Kỳ, và vấn đề trở nên nghiêm trọng đến mức vào tháng 11 cơ quan tình báo FBI và bộ Tư pháp thiết lập nhóm cộng tác liên ngành nhằm đánh trả nạn Bắc Kinh ăn cắp tràn lan sở hữu trí tuệ. (to combat Beijing’s rampant theft of American intellectual property).

Nhiều thập niên, nền kinh tế phát triển mau chóng của Trung Quốc ăn mừng nhờ đánh cắp những bí mật thương mại, không ai ngoài Hoa Kỳ.

Do thám đã mang lại cho Bắc Kinh những gì nỗ lực nghiên cứu và phát triển của TQ không thể tự mình có được – chí ít là không nhanh hơn và rẻ hơn như thế.

Dưới thời tổng thống Trump, các cơ quan an ninh Mỹ cuối cùng cũng đã thấy ra đe dọa xâm nhập của người TQ đến an ninh và thịnh vượng của Hoa Kỳ.

Về lâu về dài, cắt đứt việc tiếp cận dễ dãi của TQ đến những bí mật công nghệ thuần túy của phương Tây tạo ra trở ngại cho tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh trong lúc tổng thống Trump đang  hể hả đe dọa đánh thuế.

Hơn nữa, vấn đề do thám của TQ còn liên quan ngoài nước Mỹ.

Trên toàn thế giới, các nước đang lo sợ thói quen ăn cắp khi  họ thực hiện tình báo để mưu cầu lợi thế thương mại.

Ở Úc, hoạt động tình báo TQ xâm phạm nhiều - bao quát không chỉ việc ăn cắp công nghệ mà còn do thám và hoạt động khuynh đảo chính trị -  đến nỗi người đứng đầu tình báo quốc nội của Canberra đã cảnh báo mới đây về đe dọa hiện hữu, thực sự và tiềm tàng đến chủ quyền và an ninh nước Úc, bắt nguồn từ Bắc Kinh.

Chống trả đang xảy ra ở các nước trên thế giới, và hôm nay(11 tháng giêng) có tin động trời vụ bắt giữ ở Ba Lan, đe dọa phơi trần thực sự việc dính sâu vào hoạt động gián điệp quốc tế của Huawei.

Hai người đã bị giam giữ vì nghi ngờ làm tình báo cho Bắc Kinh. Một có quốc tịch Ba Lan, xác định tên Piotr D, cựu sĩ quan cao cấp cơ quan An ninh nội địa, một vị trí tiếp cận những thông tin nhạy cảm, bao gồm hệ thống truyền thông trong nội bộ chính quyền về truyền đạt bí mật thông tin, chỉ  dành riêng cho các quan chức chóp bu trong chính phủ. Có những báo cáo cho biết Piotr đã bị sa thải khỏi cơ quan an ninh vì các cáo buộc tham nhũng. Nghi can thứ hai, được biết  là Weijing W, công dân TQ và là giám đốc bán hàng của Huawei phụ trách ở Ba Lan; người ta nói ông này dính líu tới việc bán sản phẩm công nghệ thông tin cho các cơ quan nhà nước Ba Lan.

Ông ta đã làm việc cho Huawei ở Ba Lan từ năm 2011, theo tường thuật cùng năm Piotr bị sa thải khỏi cơ quan an ninh.

Chức vụ trước đó của nghi can người Ba Lan là phó chỉ huy bộ phận an ninh thông tin đã dấy lên nhiều câu hỏi hiển nhiên về công tác phản gián trong trường hợp này.

Cho đến nay, các sĩ quan an ninh nội địa đã lục tìm và nắm giữ bằng chứng ở các văn phòng Huawei tại Ba Lan , cũng như những văn phòng của Orange, tên một công ty viễn thông đã thuê Piotr sau khi ông ta rời cơ  quan an ninh trong cảnh sa cơ thất thế.

Hai người này đã bị cáo buộc tội do thám, đối mặt với án 10 năm tù nếu bị tòa kết án.

Vụ gián điệp chấn động ở Ba Lan đe dọa không phơi ra cái gì ngoài công ty  toàn cầu Huawei.

Nếu một quan chức cấp cao của Huawei dính líu vào điệp vụ do thám kiểu cũ – không chỉ là ăn cắp mạng – song song với một cựu quan chức cao cấp Ba Lan, phỏng chừng chống Vác-sa-va (thủ đô Ba Lan- ND), điều này sẽ khó mà giải thích khác đi.

Ngoài ra, nó còn chứng tỏ Huawei chính xác là tiền đồn cho các cơ quan tình báo Bắc Kinh mà các công ty phương Tây đã từng được cảnh báo ở mức độ ngày càng nhiều.

Chỉ dấu giao thương tương lai cho Huawei  - và TQ – sẽ là thảm họa (catastrophic)

Chỉ một tháng trước đây thôi, các học giả phương tây vẫn gọi là “hoang tưởng” (paranoia) cái khái niệm cho rằng Huawei  đã can dự vào công tác do thám nhân danh TQ.

Những gì trưng ra hôm nay  bởi cơ quan phản gián Ba Lan cho thấy không có gì là vô lý về khái niệm đó, bây giờ còn nhiều hơn là thuyết lý.

Mọi con mắt hiện nay đang hướng về Vác-sa-va để coi chính xác vụ gián điệp chấn động này phơi bày ra một góc khuất trong cái sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc .

John R. Schindler viết đăng trên Spectator của Mỹ ngày 11 tháng giêng 2019. Nguyễn Long Chiến dịch.