Friday, February 2, 2024

CHIẾN HAY CHẠY?

“Fight-or-flight” là một thuật ngữ trong một cuốn sách tôi vừa dịch cho nhà xuất bản Phương Nam. Theo đó, con người từ khi xuất hiện trên trái đất đã áp dụng phương thức này để sinh tồn. Triết lý: lúc cần “chiến đấu” mà “bỏ chạy” sẽ chết không khác chi lúc cần “bỏ chạy” mà lại “chiến đấu”.

Một con virus mắt thường không thấy nhưng lại gần như “vô địch”, một đất nước 1,4 tỷ dân cũng phải lao đao, khốn khổ vì nó. Chỉ với chừng hơn 2 tháng số người nhiễm lên hơn 107 ngàn, và số người chết là 3600. Từ chủ tịch nước Trung Quốc, tổng thống Donald Trump, 2 cường quốc hàng đầu, cho đến người dân khố rách áo ôm trên trái đất đều đang sống trong lo lắng sợ hãi.

Hà Nội hoảng loạn đua nhau mua hàng hóa thức ăn dự trữ khi chỉ nghe có thêm mỗi một ca bệnh thứ 17. Một vài thành phố phát hiện thêm một hai người nhiễm (không phải chết) dân cả nước cuống cuồng như sắp động đất.

Nhiều nguyên do cho nỗi sợ. Virus không phân biệt chủ tịch nước với người dân quèn, lây lan lặng lẽ, không kể biên giới, vô hình, mau lẹ nhất trong máy bay, tàu thủy du lịch. Một người nhiễm vi rút hàng trăm người bị theo dõi, cách ly. Chỉ có 6 người nhiễm bệnh ở một xã miền Bắc mà cả số dân 11 ngàn bị “cô lập”. Chính sự cô lập do vi rút làm mọi hoạt động xã hội, nhất là hoạt động kinh tế ngưng trệ. Không rõ bao người chết, người nhiễm mà gần 60 triệu dân Hồ Bắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; Một nước có GDP chỉ kém có Hoa Kỳ bây giờ đối diện với tăng trưởng âm vì dịch. Không hốt hoảng sao được.

Hốt hoảng hay sợ hãi là bản năng sinh tồn. Chính bản năng này giúp con người sống sót. Nhưng sợ hãi rồi “bỏ chạy” trong tình hình “nguy cập” hiện nay sẽ ích lợi gì trong khi “chạy trời không khỏi cô Vy”.

Fight or Flight, chiến đấu hay bỏ chạy? Chiến đấu làm sao khi chưa có vũ khí diệt vi rút như thuốc đặc trị hay vaccine chích ngừa? Chỉ có một cách duy nhất mọi người đều biết: tránh nơi đông người, nhất là trong không gian đóng kín, nếu cần phải đến nơi đó nhất thiết phải đeo khẩu trang, không đứng gần ai có dấu hiệu bệnh hắt hơi sổ mũi, ăn uống đủ chất, năng tập thể dục, nhà cửa thoáng đãng, nếu có dấu hiệu sốt, ho khan, liệu mà đến ngay y tế…và quan trọng hàng đầu: KHÔNG SỜ TAY LÊN MẶT.

Các nhà khoa học nhận thấy vi rút lây chủ yếu qua màng nhầy ở vòm miệng, hốc mũi và mắt. Vật trung gian đưa cô Vy lên   nơi đó là bàn tay. Tay luôn sờ lên mặt. Không nên sờ lên mặt, nói dễ nhưng làm rất khó.

Năm 2015, một đại học ở Sidney quan sát 26 sinh viên y khoa bằng camera trong ngày, thì thấy rằng trung bình một giờ, các bác sĩ tương lai này sờ tay lên mặt 23 lần, và 44% những lần sờ đó nhắm vào mắt, mũi, miệng.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy chỉ một lần tiếp xúc thì Corona trên các ngón tay đã chui vào cơ thể qua đường mũi, mắt, và miệng. Vi rút tấn công hệ hô hấp được tìm thấy ở ba nơi này. Tay mất vệ sinh (không rửa bằng xà phòng sát khuẩn, dung dịch 60% cồn) khiến con người dễ dàng nhiễm bệnh.

Sờ tay lên mặt là thói quen cả đời của con người, không dễ gì bỏ hay hạn chế số lần sờ mặt. Một chuyên gia y tế đang giảng giải cho khán giả cách thức phòng bệnh Corona , bằng cách không sờ tay lên mặt, chạm vào mũi, miệng, mắt nhưng khi lật sách tham khảo qua chương khác, bà ta đã đưa ngón tay lên miệng thấm nước miếng để dễ lật trang giấy. Donald Trump tuyên bố, ông là người chúa ghét vi trùng (germaphobe): “Tôi cả mấy tuần rồi không sờ lên mặt. Tôi quên nó rồi” (ổng “hề” thôi) khi tiếp các chuyên gia chống Corona trong tòa bạch ốc nhưng tức thì một bức ảnh chụp ông ta đang tỳ một ngón tay lên mặt ngay sau đó (ảnh).

Vì sao người ta hay sờ tay lên mặt? Ngay khi năm bảy tuổi, con người đã luôn sờ tay lên mặt. Một nghiên cứu cấp liên bang (Mỹ) năm 2014 cho biết sờ tay lên mặt liên quan đến stress. Sờ tay lên mặt giúp người ta giảm bớt lo lắng, bất an, hay khó chịu. Cử chỉ sờ tay lên mặt xảy ra cả ngày không phải là một động tác tạo cảm thông, và thường ít được hay không được ý thức.

Không bỏ được thói quen sờ tay lên mặt không phải là “bó tay chấm com”. Sau đây là vài gợi ý cho quý vị có thể giảm bớt nguy cơ lây nhiễm khi phải sờ tay lên mặt.

Hãy nhớ chú ý đến thói quen này khi bạn sổ mũi, hắt hơi, nên luôn có khăn giấy bên mình. Có chúng bạn sẽ không phải dùng đến các ngón tay để chạm vào nơi nhạy cảm là màng nhầy ở mũi, miệng. Kế đến hãy rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn, nếu không có thì rửa bằng cồn 60% ít nhất 20 giây (phải rửa đúng cách).

Rồi quý vị cũng phải chú ý đến các “vật trung gian truyền bệnh” khác ta tiếp xúc cả ngày như điện thoại, chìa khóa xe, nắm cửa ra vào, thang máy…kể cả tiền mặt, thường “trôi nổi” thập phương. Hãy chú ý chúng có thể dính vi rút và chuyển mầm bệnh vào cơ thể mình qua các màng nhầy ở mũi, mắt, miệng, và có khi qua vết xước nhẹ ở mặt, cổ. Nếu muốn "bắt tay" thì dùng tạm cái chân, đá vào nhau như dân Vũ Hán vừa sáng tạo khi chào hỏi nhau mùa dịch.

Chiến đấu là đây: hãy rửa tay thường xuyên, cố gắng tránh đưa tay sờ mặt, và nếu có muốn “yêu đương tha thiết” hoa khôi du lịch từ ổ dịch ở nước Ý trở về, thì hãy đợi đến hết mùa dịch hay qua 14 ngày cách ly,  sẽ ôm nhau, hôn nhau, sờ vào nơi nhạy cảm có cấu tạo màng nhầy (mucous membrane) –  không có gì phải vội để rồi hoảng hốt.

Chú thích ảnh: TQ có nguy cơ tăng trưởng âm. Giáo phái Tân Thiên Địa nguồn gây bệnh vì tín đồ ngồi sát nhau, "đông đen". Tổng thống Donald Trump và hoàng đế đỏ Tập Cận Bình.

Wednesday, January 31, 2024

THẾ GIỚI SỢ HÃI

Cho đến nay, Covid-19 khiến 6500 người chết, 169.000 người nhiễm, lan trên 157 nước.

Tỉ lệ người chết so với người nhiễm là 3,84 %, cao hơn lúc bùng dịch ở Vũ Hán nhưng nếu so sánh tỷ lệ chết vì dịch SARS (10%) thì Wuhan Virus chỉ là đàn em.

Nghiên cứu ban đầu chứng minh: không phải ai nhiễm corona  đều phải chết, đa phần biểu hiện không đáng kể, chỉ có một số ít người già trên 80 tuổi, người có bệnh nền về phổi, tim mạch, tiểu đường...có nguy cơ cao. Tại sao thế giới sợ hãi nó ghê gớm thế?

Có nhiều nguyên do: cô Vy không thuốc chữa, chưa có vaccine ngừa, lây theo cấp số nhân, lặng lẽ và dấu mặt, ai cũng có thể là nạn nhân, vợ tổng thống cũng dính, Donald Trump cũng phải đi xét nghiệm, và ai dính cũng có thể chết trong thời gian ngắn, 1 tướng lĩnh và 1 cố vấn cao cấp lãnh tụ Iran cũng đã chầu chúa, chưa kể nó đảo lộn xã hội vì phải cô lập dân chúng, đến vài chục triệu người, để chống vi rút lây lan. Thiệt hại về người chưa nhiều nhưng về kinh tế hết sức nhãn tiền.

Ngoài nguyên do đó, theo tôi, bóng ma gieo rắc sợ hãi Covid còn xuất phát từ 2 nguyên do nữa: lấp liếm (giấu dịch) và công khai (báo dịch).

8 vị bác sĩ anh hùng ở Vũ Hán bị công an mời làm việc vì "gieo tin đồn thất thiệt", gây hoang mang dân chúng, ảnh hưởng "ổn định chính trị". Nếu công khai sớm, dập tắt sớm, vi rút Vũ Hán đâu có chu du khắp thế giới, đang gieo kinh hoàng hàng trăm quốc gia. Trong 2 tháng ngắc ngư với dịch của chính mình, chính quyền TQ có tạo điều kiện để các nhà khoa học, nhất là Mỹ, đến thực địa để theo dõi diễn biến, tìm hiểu nguyên do, và biết đâu, dịch được kiểm soát sớm, không phải vượt biên trái phép theo những người mang mầm bệnh?

Không cho báo chí tự do tiếp cận, không cho người dân tự do phản ảnh dịch, ngay cả bác sĩ cũng không được phép nói lên vi rút, thế giới không biết chuyện gì thực sự xảy ra ở tâm dịch. Với số dân gần 60 triệu người bị hoàn toàn cô lập, (Vũ Hán 11 triệu) số người chết theo chỉ đạo (?) vẫn ở tỷ lệ "ổn định" 2,1 phần trăm mỗi ngày, người ta có thể tin được hay sao? Và nếu đó là sự thật thì số người chết vì corona chưa hẳn đáng sợ, TQ có cả 1.400 triệu dân cơ mà. Bệnh sĩ, hay bản chất giấu diếm của thể chế độc tài toàn trị, trong hơn 2 tháng làm cho sự cố kinh hoàng hiện nay có thể tránh được, nếu dịch bệnh được công khai, có sự tham gia của các nhà khoa học khắp thế giới.

Giấu diếm cũng hại không khác chi công khai.

Ý hôm qua có số người chết là 288, nâng số người chết lên 1800, chiếm 28% người chết vì corona trên toàn thế giới. Nếu là tuyên giáo của Ý tôi sẽ không dại gì công bố như thế. Chết cũng đã chết rồi. Cho số chết vì "viêm não" hay "covid thế hệ cũ" là xong. Chết nhiều như thế, gã đấu bò dũng mãnh Tây Ban Nha kế bên cũng hốt hoảng phong tỏa toàn nước.

Anh chàng xứ sở Kim Chi cũng vậy. Ngày nào ảnh cũng báo số người nhiễm, hôm sau cao hơn hôm trước. Chóng mặt. Có bác ở VN, hớn hở vì 16 ca nhiễm chữa khỏi, bảo "toang, toang" rồi, anh Hàn Quốc. Kim Chi đóng góp (Samsung) cho GDP Việt Nam 28%, nhiều như thế, một số "nhà yêu nước" còn la lối mấy anh bị cách ly khi vào VN còn chảnh chọe, đòi hỏi nọ kia.

Giấu mẹ nó số nhiễm vi rút trong nước, dân mình đi đâu cũng dễ làm ăn, mấy anh Hàn này thật thà quá, không bằng mấy  chàng yêu quý  ở vùng dịch TQ, qua VN du lịch, làm ăn có sao đâu, các khách sạn ở Đà Nẵng, Nha Trang "buộc" phải đón tiếp.

Công khai hại như thế đó, có thua chi giấu diếm.

Hãy thở mạnh để xả stress vì bà nội Covid. Công khai danh tánh bệnh nhân số 17, số 21, và số 34 có lợi không?  Lợi chứ sao không. "Lợi thì có lợi nhưng răng không còn". VN hiện có số nhiễm vi rút trên 50. Những người này là bệnh nhân, nhờ "công khai", một số người trong họ lại trở thành nạn nhân. Không ai muốn mắc bệnh, không ai nghĩ mình bệnh. Vì nghĩ như thế,  ba "bệnh nhân" trên đã không chấp hành biện pháp phòng bệnh (cách ly) và họ cần phải được pháp luật xử phạt.

Nhiều người nghĩ, họ đã phá vỡ con số 16 tuyệt vời, VN vài ngày sau, nếu không có cô gái 17, sẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới khống chế và chữa trị thành công Covid-19 vì không có ai die.

Có ai trên trái đất này chắc chắn sẽ không bị nhiễm vi rút corona ? Không. Vậy, tại sao lại phải lên án người mắc bệnh số 17? Và ai đã công khai danh tánh cô gái này cho xã hội biết, gạch đá ném vào cô tới tấp? "Con mẹ giàu có khốn nạn". Nếu người mắc mà nghèo, như công nhân lao động làm thuê về nhà, lỡ có vi rút thì tính sao? Hiện nay, tuy không nêu tên, những người nhiễm vi rút khi nhập cảnh VN, tên quốc tịch của họ báo chí đều vanh vách. 16 người trước đây đến từ đâu? Mù tịt, trừ 2 cha con người TQ và 1 Việt kiều Anh. Liệu có công bằng không, cái ông công khai?

Công khai nếu không kèm tinh thần trách nhiệm sẽ dẫn đến hậu quả: người Việt sẽ chủ quan. Dân giàu, dân người nước ngoài, mắc bệnh đem truyền vào VN, chứ người VN không có. Từ đó, ý thức cảnh giác đến chỗ đông "đồng bào" sẽ không được nâng cao.

Như vậy, công khai không có hại hay sao?

Công khai với tinh thần trách nhiệm sẽ vô cùng có lợi. Sự thật sẽ cứu rỗi nhân loại. Nếu không công khai với tinh thần trách nhiệm, hoặc chỉ công khai vì mục đích "chính trị",  việc chống chọi lại nạn dịch sẽ vô cùng gian nan.

COVID-19, CÓ ĐÁNG SỢ KHÔNG?

Không. Bởi vì sợ cũng phải đối mặt với nó. Sợ sẽ làm chúng ta cúm tay, cúm chân, sinh lo âu bất lợi. Tại sao không đối mặt nó với sự bình tĩnh và khôn ngoan khi "chạy trời không khỏi nó".

Có nhất thiết phải hoảng sợ trước đại dịch này hay không. Có nhất thiết phải mua thực phẩm, nước rửa tay, khẩu trang để tích trữ cho gia đình mình? Ở Mỹ người ta có chỗ cũng tích trữ như thế, VN có dám làm khác à?

Nếu được công khai với tinh thần trách nhiệm, người ta sẽ hiểu, không phải tất cả người Mỹ đều như thế. Chỉ những người hốt hoảng mới làm như thế.

Nếu nhà nước công khai hoàn cảnh thật sự những nơi bị cô lập, tầm soát corona, người dân nơi chưa bị cô lập sẽ có cái nhìn đúng đắn, họ sẽ không sợ hãi, đến độ hoang mang, không biết khi nào tới khu vực mình, xã mình, huyện mình, có thể tỉnh mình đây. Chính vì không hình dung được "không khí" bị cô lập, người ta thêm sợ hãi, lo lắng "số phận"  họ một ngày nào cũng như thế. Thấy trên mạng cảnh cô lập, một số người dân Tàu bị cư xử như tội phạm, họ càng sợ hãi hơn. Tàu như thế, ta phải khác hơn. Cái nào hay thì học, cái nào dở thì tránh, cái nào cũng rập khuôn, đâu phải là khôn ngoan.

Càng hay nếu người ta biết ở Tây Ban Nha, nước phong tỏa hoàn toàn, cứ đến 10 giờ tối, dân chúng đều ra khỏi cửa, nhất tề vỗ tay để vinh danh những y bác sĩ, nhân viên y tế đang vì họ mà hy sinh chống dịch. Cả Ý cũng thế. Có người mang đàn ra đánh, hát opera, trong những ngôi nhà bị phong tỏa, để làm dịu đi sự căng thẳng vì bị cô lập.

Những nơi bị cô lập ở VN nếu có những sinh hoạt tương tự như thế, cô lập 14 ngày khi có cá nhân trong cộng đồng bị nhiễm vi rút sẽ chóng qua, nhẹ nhàng, và người dân sẽ đồng tâm cùng chính quyền trong trận tuyến chống đại dịch này.

Nếu có giải thích, công khai, bệnh nhân nhiễm bệnh sẽ được cách ly đàng hoàng, đối xử đúng mức, lúc đó, người nhiễm vi rút không còn sợ sẽ trở thành "tội đồ", do suy nghĩ vì họ khiến cộng đồng bị "vạ lây". Người nghi nhiễm sẽ không ngại ngùng giấu bệnh, bệnh sẽ không có nguy cơ lây lan, và cộng đồng phải hiểu, không ai muốn ôm cô Vy và cũng không ai vì nhuốm bệnh bị cộng đồng, xã hội xa lánh. Thái độ kỳ thị trước đây từng có với người nhiễm HIV thời gian đầu xuất hiện.

Tuy số tử vong đang cao ở châu Âu, quý vị cũng không nên hốt hoảng. Trung Quốc đã qua đỉnh dịch. Hàn Quốc cũng thế. Ban đầu ai cũng nghĩ Hàn "toang" rồi, giờ họ đã khống chế dịch, số chết chưa tới 1%. Nước Mỹ đang vào cuộc, với tiềm lực kinh tế, mũi nhọn khoa học, sớm muộn dịch cũng sẽ bị khống chế ở nước họ, và họ sẽ giúp kinh nghiệm cho thế giới, không bảo thủ như chú chệt đáng yêu kia, mới vừa qua dịch đã huênh hoang, phách lối. Mỹ than phiền TQ để dịch trôi đi 2 tháng, thế giới không đến được nguồn dịch nghiên cứu, để sớm có giải pháp. Trễ còn hơn không. Khi Mỹ "mắc dịch", tôi nghĩ họ sẽ có cơ hội nghiên cứu kỹ hơn về cô Vy.

Và điều này, tuy có vẻ thiếu cơ sở khoa học, tôi nhận định: qua 2 tháng, người Việt đã "trụ" được với dịch; cơ thể chúng ta có hệ miễn nhiễm khá tốt với vi rút Vũ Hán, và có lẽ đã quen với quá nhiều vi rút, vi trùng từ xưa đến nay.

Nếu giàu như chú Hàn, ăn chơi như anh Ý, sợ vi trùng như bác Mỹ,  nằm sát ông "tổ" dịch TQ, cửa khẩu không đóng, "môi hở răng lạnh", VN, hôm nay, quý vị và tôi, nếu không sẵn kháng thể chống bành trướng, ý lộn, kháng thể chống Wuhan Virus, tất cả chúng ta đã vô trại cách ly, tôi không còn có thể ngồi đây chém gió, bốc phét tứ phương.

40 ngàn gia đình Vũ Hán ăn tiệc tất niên trước tết khi đang dịch; các chuyến bay chở khách kín bưng, các chuyến tàu thủy du lịch các phòng đóng kín, nhà thờ nghẹt cứng giáo dân Tân Thiên Địa, Hàn Quốc, những minh chứng rõ ràng cho dịch bệnh dễ dàng lan truyền khi tụ tập quá đông, quá gần nhau.

Xưa đổ máu để giết giặc mới gọi là anh hùng, nay hãy học tập và làm theo thủ tướng nước đấu bò Tây Ban Nha: "rửa tay và ở nhà cũng là hành động anh hùng". (Heroism is also about washing your hands and staying at home - BBC English)

Nè, cô Vy, mong cô hãy an giấc nồng, hay an giấc ngàn thu, cũng không sao. Farewell to you !

(Hình minh họa, cô này không phải là cô Vy)

VIRUS CORONA GÂY SUY THOÁI XÃ HỘI

Lời người dịch: Dù còn nghèo, người Việt vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, không như nước Mỹ giàu có, tỷ lệ người stress vì cô đơn không nhỏ; dịch bệnh khiến họ cô đơn hơn. Cô đơn gây chết người cao hơn hít vào phổi khói thuốc mỗi ngày 15 điếu. Cô đơn rút ngắn tuổi đời. Cô đơn nguy hiểm không kém bệnh béo phì, ngồi bất động cả ngày trên ghế. Nhờ thói quen hay nhậu nhẹt “đông người”, lễ hội quanh năm, và gắn bó gia đình, gia tộc, chỉ số hạnh phúc người Việt cao hơn người Mỹ? “Trốn dịch” hiện nay đang là nỗi lo cho họ, tác hại không phải chỉ về kinh tế mà còn về tinh thần:

(The Coronavirus Could Cause a Social Recession).

Vivek H. Murthy, Cựu bác sĩ trưởng phẫu thuật Hoa Kỳ và Alice T. Chen, bác sĩ nội khoa

Báo Atlantic số ra ngày 22-3-20. NLC dịch.

“Suy giảm kinh tế dễ đo đếm nhưng sự tổn hại đối với quan hệ xã hội không kém phần nguy hiểm”.

Đầu tháng 3, những ca nhiễm vi rút corona chủng mới gia tăng nhanh chóng hơn nhiều ca phát hiện của các bác sĩ ở Mỹ, hai chúng tôi hiểu ra mình và các con nhỏ phải thay đổi lối sống thế nào.

Chúng tôi hủy bỏ các buổi tiệc sinh nhật, các hội nghị y khoa, bỏ đi ăn quán, và cho con cái ở nhà. Chúng tôi chào hỏi nhau không như thường lệ - một việc hết sức khó khăn khi chúng tôi thường hay bắt tay, ôm hôn các đồng nghiệp. Hạn chế ra ngoài làm việc hoặc mua sắm, và cùng hàng triệu người trên thế giới, chúng tôi bối rối với cung cánh mới, phải sống cách ly nhau.

Là bác sĩ, chúng tôi hiểu: giảm tiếp xúc gần gũi con người (human contact) trên khắp hành tinh này là cơ hội tốt nhất để cứu lấy mạng sống. Người ta tập trung nói về Covid-19, mạng sống hàng triệu người có thể bị mất đi, suy thoái kinh tế xảy ra, doanh nghiệp và gia đình phải cắt giảm chi tiêu.

Tuy nhiên, đại dịch còn kéo theo một việc khác: SUY THOÁI  XÃ HỘI (social recession)

Rạn vỡ trong các mối quan hệ xã hội phơi bày nhiều hơn khi sống thiếu đi kết nối giữa người với người kéo dài hơn. Điều này tác động tai hại đến tâm tính, sức khỏe, khả năng làm việc, học hành, và ý thức cộng đồng của con người chúng ta. Y như lực kinh tế mạnh mẽ, chống chọi với những mất mát và gắn kết xã hội sẽ là một nguồn lực luôn phải làm mới, để tất cả chúng ta đối phó các khó khăn gặp phải khi mình là những cá nhân trong cộng đồng xã hội.

Suy thoái kinh tế dễ dàng đo đếm, hậu quả của nó kéo dài ngay cả khi kinh tế bắt đầu phát triển trở lại nhưng suy thoái xã hội mà Covid-19 gây ra rất khó mà đo đếm – khi mọi người trên thế giới đang ẩn sâu sau các cánh cửa đóng chặt, tránh giao tiếp với người khác – những tác hại của nó không hề kém sâu sắc và chắc phải kéo dài.

Cuộc sống không như xưa khi mọi người xa cách nhau. Những người già trong các trại dưỡng lão thiếu vắng người nhà thăm nom. Trẻ con không được nô đùa hay học hành cùng bạn bè trong lớp. Nhiều học sinh, sinh viên sẽ lấy bằng cấp qua học online, không có niềm vui trong các buổi lễ tốt nghiệp, một dấu ấn ghi nhớ suốt đời đối với một số khác. Các cặp vợ chồng phải hủy bỏ hôn nhân dự tính từ lâu. Quá nhiều thứ chúng ta cho là đương nhiên đã bị hoãn lại– đi ăn với bạn bè, tán chuyện trong văn phòng, cổ vũ đá banh, đi nhà thờ, nhà chùa cùng với cộng đoàn tôn giáo.

Suy thoái xã hội đánh dấu bằng nỗi cô đơn, chia cắt, và xa cách.

Trước khi đại dịch chia tách con người với nhau, nỗi cô đơn cũng chi phối khá nhiều.

Năm 2018, tổ chức gia đình Kaiser/một nghiên cứu của báo The Economist cho biết, 22 % người trưởng thành ở Mỹ phải vật vã với nỗi cô đơn. Một nghiên cứu của AARP cùng năm cũng cho biết 35% người trên 40 tuổi đều cảm thấy cô đơn.

Nghiên cứu của hãng bảo hiểm Cigna năm 2018 và 2010 ghi nhận tỷ lệ người cảm thấy cô đơn cao hơn 50%, đặc biệt ở những người mới trưởng thành. Những con số như thế khác nhau rất nhiều cho thấy việc đo đếm những suy thoái xã hội khó khăn mức nào. Tuy nhiên, đa phần các con số, người thành niên chống chọi với nỗi cô đơn nhiều hơn người nghiện thuốc lá hay mắc bệnh tiểu đường. Và điều này không phải duy nhất ở Mỹ. Úc, Vương quốc Anh, Đan Mạch, Hà Lan, và nhiều nước nữa, nhận ra vấn đề sâu xa và lan rộng, đã khởi sự các sáng kiến chống lại vấn nạn cô đơn, để thức tỉnh quần chúng, đẩy mạnh các hoạt động cộng đồng.

Cảm giác cô đơn còn nguy hại hơn một cảm giác tội lỗi. Cô đơn ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng hoàn thành công việc, ý thức viên mãn của mỗi người chúng ta. Như thuở sơ khai, chúng ta là  những người săn bắn, hái lượm, với sự gần gũi, niềm tin tưởng, cơ hội sinh tồn được nhân lên nhiều hơn.  Khi chúng ta chia cách khỏi cộng đồng, chúng ta dễ gặp hiểm nguy, điều đó tạo ra tình trạng căng thẳng (stress) trong cơ thể. Trải qua hàng ngàn năm, phản ứng đối với căng thẳng do sự cô đơn đã ngấm sâu trong hệ thống thần kinh con người.

Trong ngắn hạn, căng thẳng vì cô đơn là một biểu hiện tự nhiên thúc đẩy chúng ta tìm đến con người, không khác chi đói hay khát khiến chúng ta tìm món ăn, thức uống. Nhưng khi nỗi cô đơn kéo dài quá lâu, nó trở nên nguy hiểm vì nó đặt chúng ta vào trạng thái cô đơn mãn tính (chronic). Các nhà nghiên cứu nhận thấy cô đơn mãn tính liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, mất trí, trầm cảm, và lo lắng. Nó còn quan hệ với tuổi thọ thu hẹp. Cô đơn gây ra cái chết cao hơn béo phì hay lười vận động. Tác động chết người tương đương với hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.

Cô đơn kéo dài có nhiều nguyên do – xa cách trong việc đi lại; công nghệ buộc làm việc một mình; lối sống văn hóa định hình bởi đam mê quyền lực, giàu sang, và danh tiếng.

Khi trẻ con được hỏi cha mẹ mong mỏi nhiều nhất đối với chúng là gì, chúng trả lời cha mẹ đánh giá cao nếu chúng tử tế với người khác. Càng dành ít ưu tiên cho việc gần gũi với con người, chúng ta càng để chất lượng tương tác của chúng ta suy giảm, “cơ bắp” xã hội (social muscle) của chúng ta càng trở nên teo tóp. Cũng giống như cơ cắp thông thường, không vận động sẽ làm cơ bắp yếu đi. Điều này làm khó khăn hơn đối với sự gắn kết nhau có chất lượng tốt hơn.

Đó là lý do tác động chủ yếu của sự xa lánh nhau (physical distance) đáng lo ngại biết chừng nào. Cách ly bắt buộc, ngay cả tạm thời, cũng sẽ đe dọa làm yếu đi “cơ bắp” xã hội, vốn đã oải nhược vì các sức mạnh chia cắt dù với mục tiêu tốt đang có ở thế giới hiện đại này.

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, mỗi người đều có một vai trò – không chỉ làm chậm đại dịch Covid-19 mà còn tránh bớt sự suy trầm xã hội. Hai chúng tôi tin rằng con người chúng ta không chỉ duy trì các mối quan hệ xã hội trong thời gian phải sống xa nhau như thế này, mà họ còn có thể củng cố mạnh hơn những quan hệ đó. Hãy thử xem bốn phương sách như sau:

Thứ nhất, bỏ ra ít nhất 15 phút mỗi ngày để nói chuyện với người thân (ngoài những người bạn đang sống cùng). Dùng hội thoại bằng video với họ, nhờ đó bạn có thể nhìn thấy họ, nghe họ nói, điều này đem lại một trải nghiệm đầy nhân ái trong sự nối kết. Bạn cũng có thể làm như thế khi nhìn nhau ăn trưa hay ăn tối. 15 phút mỗi ngày đâu nhiều nhặn gì, nhưng nó giúp bạn cảm thấy thoải mái tức thì, bạn như đưa dây phao cứu sinh cho thế giới bên ngoài.

Thứ hai, làm sao cho thời gian bạn bỏ ra với người khác không làm bạn phải chia trí. Nếu cùng sống với người khác, hãy tham gia những phút giây gặp gỡ, tránh bớt internet, tivi, hay hàng loạt công việc vạch sẵn. Luôn ở tư thế sẵn sàng sẽ giúp bạn một không gian chia sẻ, khiến người khác cảm thấy tương tự như bạn. Khi đến với nhau qua hình ảnh, cố gắng để tâm câu chuyện đang nói, làm như thể hai người ngồi đối diện nhau. Ngó nhau trực diện không làm cho bạn phải liếc nhìn vào Instagram hay hộp thư điện tử. Khi không bị xao lãng, chúng ta tương tác với nhau sẽ giá trị hơn. Đặc biệt khi thời gian chúng ta có hạn, giá trị càng thêm ý nghĩa.

Thứ ba, thực hành những phút giây sống một mình. Sống một mình, không phải là sống cách ly hay cô độc, đó là một cảm giác thư thái, ngay cả vui tươi, khi bạn làm bạn với chính mình (in your own company). Nhưng cũng không phải dễ đâu. Công nghệ hoàn toàn chiếm lĩnh không gian tĩnh lặng (white space) đời sống chúng ta mỗi ngày – những giây phút trống vắng khi trên đường đi đến chỗ làm hoặc đợi một người bạn ở một quán ăn.

Hãy bắt đầu từ cái nhỏ nhất. Tìm một vài phút giây mỗi ngày để gạt qua một bên công nghệ và việc làm, tận hưởng những phút giây tĩnh tại. Bạn có thể dùng những giây phút này để ngồi thiền, cầu nguyện, hay đi bộ một mình trong một khung cảnh thiên nhiên. Bạn nên tự cho mình cái quyền nhận biết bất cứ những cảm giác rắc rối nào đang ngự trị trong tâm trí. Bạn có thể nhớ đến một cái gì, hay nhớ đến một ai đó bạn muốn tỏ lòng biết ơn. Bạn tôi, Vivek, có một vị cố vấn ngành y, thường đứng trước cửa phòng bệnh nhân, hít một hơi thở thật sâu trước khi vào phòng, ông dùng những giây phút ấy để nhắc nhở bản thân, biết ơn xiết bao khi may mắn tham gia chữa trị bệnh nhân của mình. Những phút giây ấy cho chúng ta một cảm nhận kết nối tốt hơn với tha nhân rất nhiều.

Thứ tư, chìa tay ra, giúp đỡ tha nhân. Khi phục vụ tha nhân, không những thiết lập một cầu nối với họ, chúng ta còn tự nhắc nhở mình hãy còn giá trị đối với nhân quần xã hội. Gọi điện hỏi han một người già hàng xóm. Giúp giao thức ăn đến cửa nhà của một đồng nghiệp phải vất vả đi làm xa, đang tự chăm con nhỏ. Đối xử với lòng vị tha và thấu hiểu khi các thành viên gia đình nào đó nóng nảy hơn hay vô tâm hơn những lúc bình thường. Và nên nhớ, tạo cho người khác cơ hội để phục vụ bằng cách nhờ họ trợ giúp cũng là một cung cách cống hiến.

Ảnh của JOHN TAGGART / THE NEW YORK TIMES / REDUX.

Trong thời gian có đại dịch Covid-19, cứu người là ưu tiên hàng đầu, kế đến mới là hạn chế thiệt hại kinh tế. Chú trọng tình cảm con người nhiều khi không phải là mối quan tâm hàng đầu đối với đám đông. Tuy nhiên, quan hệ với người khác là nền tảng, dựa vào đó, con người tạo ra những cuộc sống khỏe mạnh, đủ đầy, và vì vậy, chúng ta phải bảo vệ cuộc sống ấy khi nỗi lo âu một xã hội suy thoái đang lù lù đến, ngày càng hiển hiện.

Thực sự, nếu cơn khủng hoảng có thể kéo đi bức màn che đậy khoảng trống của nỗi cô đơn đã sẵn trước đại dịch; nếu khủng hoảng có thể nhắc nhở những sợi dây ràng buộc xã hội lỏng lẻo khiến tất cả chúng ta dễ bị tổn thương; nếu khủng hoảng có thể buộc chúng ta làm việc cật lực hơn để củng cố các kết nối giữa con người trong cuộc sống, chúng ta thật sự đã vươn lên mạnh mẽ hơn, kết nối với nhiều người, hơn bao giờ hết.

BÀI HỌC HÀN QUỐC

Trong lúc thế giới hốt hoảng vì số lây nhiễm, số tử vong do vi rút Vũ Hán mỗi ngày một đáng sợ, ở phần đất Triều Tiên chưa được “giải phóng”, dịch hầu như được khống chế.

Hôm chúa nhật, có 64 ca nhiễm, giảm đáng kể. Trước đó không lâu mỗi ngày chừng 909 ca được ghi nhận. Tỷ lệ người tử vong so với người nhiễm chưa tới 1%, thấp nhất thế giới.

Chỉ có 1 nước khống chế thành công khác là Trung Quốc. Nhiều nước trên thế giới, kể cả Việt Nam, cho rằng thành công của Bắc Kinh nhờ thể chế chính trị: sử dụng “bàn tay sắt” để chống dịch bệnh.

Trái với Trung Quốc, Hàn Quốc không hạn chế mọi mặt quyền ngôn luận, đi lại của người dân, hoặc phong tỏa gây thiệt hại kinh tế, cách thức Hoa Kỳ và các nước châu Âu đang gấp rút áp dụng.

Khi số người chết hiện vượt con số 15.000, các chuyên gia và các quan chức chính phủ xem xét trường hợp Hàn Quốc để rút ra những bài học, nhưng không phải tất cả các quốc gia giàu có hơn họ muốn noi theo. Thật ra, các bài học từ họ chẳng khó mấy, đó là: hành động kịp thời, xét nghiệm đại trà, theo dõi nguồn lây, người lây và sự hỗ trợ của người dân.

Tổng thống 2 nước Pháp và Thụy Điển liên lạc với tổng thống Hàn Quốc để biết rõ các chi tiết trong các cách làm đối với dịch bệnh của họ. Giám đốc WHO cũng khuyến cáo thế giới “hãy áp dụng các bài học từ Hàn Quốc”, và ca ngợi nỗ lực của họ khi khống chế được dịch bệnh (ca Tàu nhiều quá bị chúng chửi, nay quay qua ca Hàn!).

Người Hàn thành công nhiều mặt, có một lý do là họ khiêm nhường chăng? Các giới chức dè dặt tuyên bố: Thành công của họ chỉ là "tạm thời", khiêm tốn (tentative). Họ không dám “nổ”, dịch ở nước mình “ổn định” vì thấy số ca nhiễm, ca chết đang mỗi ngày một tăng trên thế giới. Tái nhiễm hay bùng phát lại dịch bệnh đang là tầm nhìn cẩn trọng đối với họ trong tương lai.

Theo hai tác giả: Max Fisher và Choe Sang-Hun (trên báo The New York Times) có mấy bài học:

1- Can thiệp tức thời, trước khi dịch trở thành cơn khủng hoảng.

Một tuần sau khi ca đầu tiên phát hiện cuối tháng Giêng, chính phủ họp ngay các công ty dược, ra lệnh gấp rút sản xuất hàng loạt các bộ kít thử. Khi số ca chỉ ở 2 con số, hàng ngàn bộ kít xuất xưởng mỗi ngày. Hiện họ có thể sản xuất 100.000 bộ/ngày và đang làm việc với 17 chính phủ để cung cấp chúng cho họ. Chính quyền nhanh chóng áp dụng các biện pháp khẩn cấp lên thành phố Daegu 2,5 triệu dân, bệnh lây lan tại đây xuất phát từ một nhà thờ địa phương.

Họ không hạn chế đi lại của người dân vì biết chắc nguồn gây bệnh do tập hợp đông tín hữu nhà thờ Tân Thiên Địa. Nếu phát hiện trễ nguồn dịch thì không biết việc gì sẽ xảy ra. Một nhà vi trùng học nói với chính phủ của họ như thế.

2- Xét nghiệm sớm, thường xuyên, an toàn.

Hàn Quốc cho xét nghiệm nhiều người để truy tìm vi rút corona, hơn 300.000, so với tỷ lệ đầu người, gấp 40 lần ở Mỹ. Xét nghiệm là biện pháp trung tâm, giúp phát hiện sớm người nhiễm, làm giảm sự lây lan, người nhiễm được điều trị sớm. Đó là lý do tại sao tỷ lệ người chết khá thấp.

Để tránh quá tải ở bệnh viện, trạm y tế, 600 điểm xét nghiệm được bố trí để rà soát càng nhiều người càng tốt. Y bác sĩ ít có nguy cơ lây nhiễm từ người mắc vi rút.

50 trạm xét nghiệm ở các bãi đổ xe. Người trong xe không phải bước xuống. Họ được phát một bảng câu hỏi kê khai, quét nhiệt, và một que thử lấy nước miếng. Quá trình diễn ra 10 phút, vài giờ sau là có kết quả. Nhân viên y tế tiếp xúc que thử qua găng tay dầy gắn vào vách kính trong phòng cách ly, hầu tránh lây nhiễm cho họ.

Dân chúng được hối thúc xét nghiệm bằng những tin nhắn nếu họ có những biểu hiện nghi nhiễm vi rút. Những người nước ngoài phải tải 1 app vào điện thoại, được hướng dẫn tự kiểm tra nếu họ có những triệu chứng đáng ngờ. Văn phòng, khách sạn, các công trình dân dụng khác sử dụng camera tầm nhiệt phát hiện những ai bị sốt. Nhiều cửa hàng ăn chỉ tiếp nhận ai sau khi kiểm tra thân nhiệt của họ.

3- Truy tìm tiếp xúc gần, cách ly, và giám sát.

Khi có ai dương tính với vi rút, nhân viên y tế sẽ truy tìm những nơi bệnh nhân đến, tiếp xúc ai, để tìm đến xét nghiệm họ, và nếu cần, cách ly ngay người nghi nhiễm, cách thức gọi là “truy tìm tiếp xúc” (contact tracing). Cách này giúp xác định được vi rút sớm, tách người nhiễm khỏi cộng đồng, không khác chi một bác sĩ mổ lấy một khối u trong cơ thể, ngăn chặn lây sang chỗ khác. Các quan chức y tế theo dõi “lộ trình” người nhiễm thông qua các cuộn băng ghi hình từ camera, những con số từ thẻ tín dụng, ngay cả dữ liệu GPS trên xe, và điện thoại di động. Họ điều tra bệnh như cảnh sát điều tra tội phạm.

An toàn sức khỏe cộng đồng đặt trên quyền tự do riêng tư cá nhân. Khi dịch bùng nổ quá mức, nhắn tin hàng loạt cho dân chúng là biện pháp cấp bách. Các trang web, điện thoại, luôn được cảnh báo nơi ca bệnh được phát hiện tại địa phương mình ở, đôi khi lộ trình người nhiễm bệnh được cho biết hằng giờ, hằng phút, họ đi xe buýt nào, lên xuống ở đâu, khi nào, ngay cả họ có mang khẩu trang hay không. Nếu ai có tiếp xúc gần, họ được khuyến khích báo về trung tâm đối phó dịch bệnh.

Dân Hàn Quốc chấp nhận xâm phạm quyền riêng tư như một sự đánh đổi an toàn không nhiễm bệnh. Những ai tự cách ly mà bỏ đi ra ngoài có thể đối diện mức phạt lên tới 60 triệu tiền VN. Bằng cách phát hiện bệnh, đối phó sớm sự lây nhiễm, tách những ca nhiễm nhẹ vào trung tâm chăm sóc đặc biệt, Hàn Quốc giúp bệnh viện trống chỗ chữa trị những ca bệnh nặng hơn.

4- Tranh thủ sự chung tay, hỗ trợ của quần chúng.

Lực lượng y tế không thể bố trí rộng khắp, không có đủ dụng cụ quét thân nhiệt người dân mỗi ngày, người dân Hàn Quốc đều có ý thức chúng tay dập dịch.

Chính quyền Hàn Quốc thừa nhận để khống chế dịch, người dân cần được thông tin kịp thời, trung thực, sự cộng tác của người dân là yếu tố quan trọng.

Đài truyền hình, các thông báo nơi xe buýt, tàu điện ngầm, trên điện thoại không ngừng cảnh báo người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, nơi có đông người chỗ nào, lịch trình duy chuyển mỗi ngày…Các thông điệp gởi đi như trong thời chiến tranh, khơi lên ý thức của cộng đồng.

Thăm dò cho thấy người dân ủng hộ các nỗ lực của chính phủ, tin tưởng cao, hốt hoảng ít, và không nhiều đồn đoán hoang mang.

“Niềm tin từ quần chúng là kết quả cao của nhận thức dân sự, sự hợp tác tự nguyện làm tăng sức mạnh những nỗ lực của chúng tôi”. Đó là lời của thứ trưởng ngoại giao cho báo chí biết tháng này.

Các quan chức đánh giá cao hệ thống chăm sóc y tế quốc gia, đủ khả năng chữa trị nhiều ca bênh ngặt nghèo, và những luật lệ ban hành kịp thời, ngân sách trang trải đủ phí tổn trong việc khống chế dịch bệnh, điển hình khuyến khích những người chưa có triệu chứng nhiễm vi rút hăng hái tham gia các xét nghiệm tầm soát không mất tiền.

BÀI HỌC HÀN QUỐC, KHÓ HAY DỄ?

Thành công của Hàn Quốc với phương pháp và công cụ ngăn chặn dịch không rắc rối vì bị phạm luật, đòi hỏi công nghệ cao, hay quá sức tốn kém. Trong số 7 quốc gia bị dịch hoành hành, 5 nước giàu hơn Hàn Quốc. Các chuyên gia cho biết có 3 trở ngại, chẳng có cái nào liên quan tới công nghệ hay tiền bạc.

Dân Hàn Quốc xếp hàng mua khẩu trang trong lúc dịch lan chóng mặt ở thành phố Daegu, nơi có nhà thờ Tân Thiên Địa

Một: đó là ý chí chính trị. Nhiều chính phủ khá ngần ngừ, không áp dụng các biện pháp đồng nhất, họ không nhìn thấy nguy cơ khủng hoảng do dịch bệnh gây ra.

Hai: ý chí quần chúng. Niềm tin trong xã hội ở Hàn Quốc cao hơn nhiều một số nước, nhất là nền dân chủ của các nước phương Tây, bị trói buộc bởi sự phân cực quyền hành và tác động dân túy... ( hầu kiếm phiếu của các cử tri)

Ba: thời gian: Thời gian là vấn đề quyết định. Một số nước phương Tây từng “câu giờ' với dịch bệnh. Nhận thức chậm chạp, ích kỷ. Tổng thống Braxin còn bô lô bô loa, dịch bệnh là do "thế lực thù địch" thổi phồng nhằm trút phế ổng.

Các nước quá chậm trễ khi đối phó với dịch, không khẩn trương như Hàn Quốc đã làm để ngăn dịch hiệu quả.

Trung Quốc trả một giá khá đắt cho nền kinh tế đang khốn đốn của họ và của cả thế giới, tai hại hơn, nhân loại đang ngồi trên chảo lửa cùng vì chính quyền TQ: ban đầu thờ ơ với sự bùng nổ dịch ở Vũ Hán, Hồ Bắc, để rồi sau đó họ mới quyết liệt vào cuộc. Phải chi họ biết sớm, dập sớm, "bắt chước" sớm chú Hàn Quốc!