Thursday, January 25, 2024

Ở VIỆT NAM, NHIỀU NGƯỜI TIẾC THƯƠNG MỘT THẦN TƯỢNG MỸ THẤT SỦNG.

(In Vietnam, Many Are Mourning the Downfall of an American Idol)

Một facebooker viết: “Nếu có thể chết cho Trump trở thành Tổng thống, tôi sẽ quyết tâm nhận lấy cái chết”

(“If I could die for Mr. Trump to become the President, I would be very willing to do so.”)

Nghe có vẻ vô lý nhưng câu nói trên không phải từ một người Mỹ ủng hộ Trump mà là từ một facebooker người Việt, khi nghe tin tổng thống Mỹ đang thua cuộc bầu cử trước cựu phó tổng thống Joe Biden. Khi theo dõi bầu cử, nhiều người Việt khẳng định với niềm tin không hề lay chuyển “thần tượng” Donald Trump của họ phải thắng cử nhiệm kỳ hai. Chúng tôi tiếp xúc với một số người trong nước, xem xét phản ứng trên truyền thông xã hội, cố gắng “giải mã” hiện tượng này.

Một nhận xét nhiều người đồng ý, ông Lê Hồng Hiệp khái quát, trong bài trả lời tờ Viettimes, là người Việt xem chính sách quyết đoán của Trump có lợi cho quốc gia họ. Thái độ cứng rắn của Trump đối với TQ đáp ứng bất bình của đám đông; một lòng tin vững vàng được quần chúng VN đặt vào tổng thống.

Đây là lý do dễ thấy nhất đối với người Việt ủng hộ Trump, nhưng không phải lý do duy nhất. Ông Vương Toàn Hiệp, một fan của Trump, 41 tuổi, người Hà Nội nói với chúng tôi: “Trump là một doanh nhân khí khái, tự tin, thậm chí cả độc đoán”. Nhất trí với nhận xét đó, ông Trương Xuân Thái, cư dân tuổi bát thập, ở Hội An, phát biểu: “Tổng thống Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ quyết đoán, cuốn hút, và cứng rắn. So với Biden, Trump dứt khoát phải xứng đáng hơn”.

Tôn vinh tính khí của Trump có thể giải thích theo cái nhìn ngưỡng mộ lãnh đạo, ăn sâu trong truyền thống chính trị VN. Truyền thống Khổng Giáo ẩn chìm xuyên suốt trong xã hội người Việt, biểu hiện cung cách người dân đánh giá một nhân vật quyền lực qua tính khí của họ.

Cảm giác về nỗi hoài nghi chính trị len lỏi trong chính trường quốc nội  VN xen lẫn những tình cảm ái mộ nhiều người dành trọn cho Trump. Ông Vương cho biết: “Người dân chán nản các chính trị gia lừa lọc, lợi dụng”. Ý kiến này được một quan chức 46 tuổi muốn giấu tên, đồng tình: “Tôi thích Trump, thật ra, vì ông không phải là người làm chính trị. Ông nghĩ sao nói vậy, nói là làm”. Ông muốn ám chỉ, Trump không như các chính trị gia khác, chuyên nói những lời rỗng tuếch, hứa những điều rỗng tuếch”. Nói khác đi, lòng ái mộ Trump xuất phát từ nỗi bất mãn lan tràn của người Việt trước việc làm của các chính khách trong nước.

Thành công khống chế Covid-19 có thể tạo ra niềm tin, rằng dân chúng tin tưởng rất nhiều vào chính quyền VN. Tuy nhiên, hiện nay không còn bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh, hoài nghi chính trị trở thành thường xuyên mỗi ngày ở VN. Ví dụ mới đây về tranh chấp đất tại Đồng Tâm, tai tiếng sách giáo khoa Cánh Diều, vụ án liên quan đến tử tù Hồ Duy Hải.

Chỉ trích cay cú, nhạo báng, về tham nhũng thường xuyên ở mỗi bữa cơm, nỗi bực tức vì nạn lạm quyền của quan chức, là đề tài chính trong mỗi câu chuyện hằng ngày. Một facebooker nhận xét tin cập nhật trên Zing News, cơ quan báo chí VN, nói về chiến thắng của Biden: “Zing thường thông tin kết quả bầu cử có trước bỏ phiếu như VN, họ tưởng ở Mỹ cũng thế”.

Không những tư tưởng “chống tầng lớp ăn trên ngồi trốc” trong chiến dịch tranh cử của Trump cùng nhịp với cảm giác hoài nghi chính trị đang lan tràn ở VN, mà ngôn ngữ bất cần, đầy cảm xúc của Trump cũng mang ý nghĩa như lời lẽ phẫn uất dành cho “tầng lớp ăn trên ngồi trốc” tham nhũng (ở VN). So với cung cách cẩn trọng, kiềm chế của các chính khách Việt Nam truyền thống, thái độ ngang tàng của Trump tạo ra sự trái ngược hoàn toàn trong tâm trí của nhiều người Việt Nam; họ đặt ông vào đỉnh cao thực sự theo một thứ hạng chân chính ai cũng thấy, trong khi các chính khách trong nước mặt khác, rất mờ nhạt.

Sự tương tác đặc biệt này giữa lòng ái mộ người Việt dành cho Trump và niềm hoài nghi chính trị còn "vô hại" cho đến khi người ta nhận ra được cái sự thật, chính mạng truyền thông xã hội là nơi “nổi dậy” các ý kiến quần chúng liên quan đến vấn đề đang nóng.

Tổng thống Trump có số lượng fan rất lớn ở VN, gồm cả chục ngàn người Việt trên Facebook, một diễn đàn nhiều người sử dụng nhất  VN, có đến cả 45,3 triệu tài khoản hồi năm 2019. Ngoài việc đề cập đến Trump, facebooker còn can dự vào các cuộc cãi vã nảy lửa liên quan hàng núi vấn đề chính trị, mà 10 năm trước, bị coi là “nhạy cảm”, đặc biệt chỉ xảy ra ở chốn riêng tư. Nào là, chỉ nêu đôi cái, tranh chấp biển Đông, tính chính danh của chế độ cộng sản VN, Trung Quốc, khả năng liên minh với Hoa Kỳ.

Xin trích:

-  “Đảng CSTQ là nhóm khủng bố! Toàn thế gới, đoàn kết lại, tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản…Bọn tân phát xít.

-  “Tốt nhất tôi nên học ngay tiếng Tàu. Chúng ta sớm muộn gì cũng mất hết đảo ở biển Đông”.

-  “Nếu tổng thống Trump mà ở thêm nhiệm kỳ nữa, người Việt sẽ có dân chủ, cái dân chủ đang bị cộng sản trấn áp”.

Những ý kiến nói trên có mặt trên diễn đàn phổ thông Facebook, của nhóm người yêu mến ông Trump, như nhóm “Người Việt ủng hộ Trump”, và một trang web kèm theo  là “Diễn đàn những người ái mộ Donald Trump”. Cả hai tổ chức này do một Việt kiều Mỹ sống ở San Jose điều hành. Điều thú vị, trang này ban đầu lấy tên là “Chận ngay vi rút đảng CSTQ”. Không phải ngẫu nhiên, San Jose cũng là trụ sở của đảng Việt Tân, một tổ chức chống cộng “phản động” nhiều người biết ở VN.

Các nhóm chống đối có trụ sở nước ngoài, từ lâu, bị quy trách nhiệm về các câu chuyện đặt điều vu khống, chống đảng CSVN, kích động nhiều đợt gây rối bất ổn chính trị, như là biểu tình phản đối tác hại môi trường năm 2016, hoặc biểu tình chống TQ năm 2018. Sự trỗi dậy không lường nổi của mạng xã hội trong nước đem lại cho các tác nhân đó, một kênh thông tin quá tốt, để tạo ra ảnh hưởng lên dư luận quần chúng VN. Chính quyền VN có lý do để lo ngại: xen kẽ các nội dung ca ngợi Trump trên các nhóm dân chúng, các trang web này nêu lên luận điệu chống lại các chế độ cộng sản, đe dọa làm mất đi tính chính danh của đảng CSVN.

Vừa mới đây, Rosie Nguyễn, một tác giả người Việt đang theo học thạc sĩ về nghiên cứu truyền thông ở Hoa Kỳ nói với chúng tôi: “Người VN cực kỳ dễ bị tác động bởi luận điệu dân túy của Donald Trump, các thuyết âm mưu lan tràn trên mạng ủng hộ Trump. Thiếu hiểu biết đầy đủ truyền thông, cách thức xử trí tác động từ bên ngoài, chính là những tác nhân chính đầu tiên”.

Ngay cả với cơ chế quản lý luật pháp (như Luật An ninh mạng 2018, lực lượng 47) luôn có sẵn, điều đó không đủ sức ngăn cản người VN tiếp nhận không biết cơ man nào thông tin đủ nguồn. Như Nguyễn Thu Giang, trường đại học Queensland, viết trong tài liệu nghiên cứu gần đây: “Chiến lược chủ yếu của việc quản lý không gian mạng ở VN vẫn còn dựa vào sự trừng phạt…Nhưng với tình trạng sản xuất và điều phối hằng ngày một số lượng khổng lồ dữ liệu trực tuyến, không thể nào cái chiến lược này có khả năng thay đổi sự hình thành và nhân lên các ta thán cộng đồng, các bất mãn thường ngày.

Trước tin Trump thất cử, các fan người Việt của ông bác bỏ kết quả bầu cử, lên án các báo VN là lan truyền tin thất thiệt (fake news) – từ ngữ mà Trump rất hay dùng. Rốt cuộc, mọi người cứ tiếp tục dấn bước. Tuy nhiên, sau biến cố này, quần chúng người Việt sẽ tiếp tục xem truyền thông xã hội, không những là cổng ngõ thay thế, dẫn đến thông tin chính trị, mà còn là một “bầu trời mới” của công chúng, bày tỏ ý kiến một cách tự do hơn.

Quan tâm sâu đậm của người Việt vào cuộc bầu cử Mỹ còn nêu bật lên một ước muốn của họ về hợp tác Việt-Mỹ sâu sát hơn, mục đích là đối trọng với TQ. Giờ đây, triển vọng về một chính quyền Biden đang dần thành sự thật, chính quyền VN nỗ lực trấn an công chúng, rằng quan hệ với Washington sẽ tiếp tục phát triển. Cổng Thông tin Chính phủ, trang Facebook chính thức của chính quyền, có chừng 1,3 triệu người theo dõi, mới đây đã đăng một thông báo của ông Dương Hoài Nam, người phát ngôn thứ hai của bộ ngoại giao, rằng hai quốc gia (Việt-Mỹ) sẽ làm sâu sắc hơn mối gắn kết hai bên. Ông tuyên bố: “VN hoan nghênh vai trò và sáng kiến của Hoa Kỳ giúp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực”.

Bài của Phạm Thị Thùy Dương và Trương Thúy Quỳnh trên tạp chí nghiên cứu The Diplomat, Nhật Bản. Nguyễn Long Chiến dịch. Phạm Thị Thùy Dương: học giả làm việc ở Học viện Yenching, đại học Bắc Kinh. Trương Thúy Quỳnh: sinh viên đang theo học tại đại học Phụ nữ Ewha, Hàn Quốc.

Ảnh: Tổng thống Donald Trump chào từ biệt ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, trong chuyến thăm Hà Nội, tháng giêng năm 2019.

Flickr/The White House

VĂN TỨC LÀ NGƯỜI?

Nghe cũng chưa ổn. Nếu văn là người, thì cô hoa hậu VN vừa đăng quang, chưa hẳn là người ăn nói "có văn hóa". Có người chụp lại đối đáp với fan của tuyệt sắc giai nhân trên facebook, có mấy từ (xin lỗi phải ghi ra): "Chọc cái lon" đối đáp nhận xét về dáng người của cô từ người bạn: "Cao như cái sào chọc...". Chưa hết, cô còn dùng các từ vcl (vãi cả lon), đ (đéo)...

Bây giờ cô là người nổi tiếng của công chúng, các báo đưa tin ngợi ca sắc đẹp VN. Ngôn ngữ tục tĩu kia không ảnh hưởng vinh quang của hoa hậu.

Văn là người, đúng chưa?

Nói qua chuyện "nhà", hôm qua tôi có đăng 1 status vào buổi tối, sáng ra thấy đâu gần 50 comments. Đọc 1 vài cái, tôi không dám đọc tiếp, sợ nhồi máu cơ tim vì giận, gọi là "thở hổng nổi". Đề tài của bài viết rất nhạy cảm, không phải động đến chế độ, nhưng động đến ngài Donald Trump, ở đâu tận bên kia quả địa cầu.

Nhận xét của 1 người ở Mỹ (anh bỏ phiếu cho D. Trump):" Chưa nói đúng sai ở đây, một người dùng học thức để chọn lọc và giới thiệu kiến thức, thông tin trung thực, đồng thời không ngần ngại nêu lên ý kiến của mình, dù biết rằng đám đông suy nghĩ khác mình, là hành động dũng cảm của một kẻ sĩ".

Tôi trân quý nhận xét và khích lệ của anh, nhưng tôi chưa dám nhận "kẻ sĩ" vì còn phải tự học, tự năng cao mình nhiều hơn hiện tại.

Một người khác (tôi thấy cũng ở Mỹ): "Tôi thật sự khinh bỉ cái bản mặt của ông Long Chiến, có học mà như đồ vô học. Nói như trẻ lên ba". Chưa hả tức, cô thêm:" Cầu cho ông mau chết đi. Tổng thống Trump thắng, ông thắt cổ chết đi".

Có thể người viết 2 câu này nghĩ, tôi sẽ tức giận nín thở khi đọc comment cay nghiệt, nhưng cô ơi, cô nhầm rồi. Tôi tâm niệm" Người không biết giận là người dại, người không muốn giận là người khôn" (ngạn ngữ Anh). Tôi theo đạo kitô, nhưng tôi tìm học Phật pháp chút đỉnh. Nếu tôi tìm câu cay đắng hơn để đáp lại cô, cô sẽ tức giận, biết đâu lại ngủ không được giấc. Tôi đã tạo khẩu nghiệp rồi.

Nhiều người lên án, chửi bới tôi khi thấy tôi đưa tin, dịch báo, những gì liên quan đến bầu cử nước Mỹ đến tổng thống Trump nếu tôi nhận xét "không tốt" về ông. Tôi hiểu vì sao họ ái mộ Trump. Trump là hình ảnh anh hùng, ngang tàng, một người tuyên bố sẽ "quét sạch đầm lầy" nước Mỹ, quan trọng hơn, hiệp sĩ còn thách thức TQ, đấu tay đôi với Tập Cận Bình. Yêu Trump, ái mộ Trump đối với họ là yêu nước, ái mộ chân lý. Đụng đến thần tượng, lãnh đá ném là đúng rồi, tôi phải chịu.

Tôi thấy phong trào ái mộ này sẽ kéo dài rất lâu, kể cả Trump tiếp tục hay không tiếp tục làm tổng thống. Tôi sẽ không thanh minh, vì sao không ái mộ ông, hay "bênh vực" đối thủ Biden của ông. Giải thích cũng bằng thừa. Tôi suy nghĩ theo con đường tôi đang suy nghĩ: tự do tư tưởng là một trong các quyền tự do căn bản.Tất nhiên, ở VN tự do đó vẫn còn nhiều ràng buộc. Vì sao, tôi để quý vị nhận xét.

Không những hiểu những người ái mộ Trump, tôi còn mừng, khi hầu như tất cả người Việt, trong nước và trên thế giới còn quan tâm đến vận mệnh tổ quốc mình: họ muốn VN phải dân chủ trong bầu chọn người ra lãnh đạo đất nước. Qua hình ảnh của Trump, họ muốn những nhà lãnh đạo của mình, nói là làm, không nói dài, nói lâu. Làm điều mình nói, nói về điều mình làm, người "cuồng" Trump (tôi dùng từ cuồng nhiệt) mong ước ông là hình mẫu hoài bão của họ. Họ cùng Trump kết tội đảng Dân chủ "gian lận" bầu cử vì ở VN không hề có chuyện đó xảy ra. Gian lận không thể có. Bầu 1 người, ai cũng 100% phiếu, làm sao "lôi thôi" như Mỹ, tự hào hơn 200 năm dân chủ.

"Cuồng" Trump là những người, về bản chất, yêu nước, yêu nước theo cách của họ. Tôi chỉ nói về bầu cử, về Trump, về nền dân chủ Mỹ, tôi chưa hề phỉ báng những ai ái mộ Trump; tất nhiên, qua cách viết đa dạng, tôi chỉ nhẹ nhàng trách móc đồng bào tôi, một số trái tim nhiệt huyết nặng hơn đầu óc tỉnh táo.

Theo Trump, chống Trump, đó là quyền mỗi người. Tôi chỉ ngạc nhiên, một người ở Mỹ lại bảo tôi "thắt cổ" chết nếu Trump thắng cử. Người này ở Mỹ không rõ lâu chưa, có đến trường hay không, họ chưa học được mâu thuẫn để tiến bộ như Dân chủ luôn mâu thuẫn với Cộng hòa để nước Mỹ dẫn đầu thế giới. Cô này ái mộ Trump, muốn "giết" tôi vì không ái mộ tổng thống? Ở nước dân chủ, cô không bằng tôi, đang ở nước độc tài: tôi từng viết bài phản bác mạnh mẽ giáo sư Đặng Hùng Võ, thứ trưởng; phê phán chủ tịch hội âm nhạc TP HCM, Trần Long Ẩn; tranh biện với tiến sĩ trường đảng Đồng Nai về đề tài "nhạy cảm" (CNXH là lựa chọn của dân tộc; VN không cần, không muốn đa nguyên đa đảng).

Công an mạng ở VN đầy rẫy, có ai "mời tôi lên làm việc" đâu, họ đâu như một người ở nước dân chủ nhất thế giới, bắt tôi phải chết vì không cùng quan điểm chính trị với cô ta. Trump có, hay Trump không có, nước Mỹ cũng phải đoàn kết lại, để đối phó với một TQ đang đe dọa vị trí dẫn đầu của Mỹ. Và, tôi tin nếu người Mỹ còn tỉnh táo, không bị ai xúi giục, kích động, làm theo cuồng vọng ai đó, nước Mỹ sẽ vĩ đại, Great, lâu dài trong tương lai,  không cần Make America Great Again làm chi cho vất vả.

Kết thúc bài viết, tôi xin quay lại vấn đề: văn tức là người. Có thể ở trong thế giới ảo, tên tuổi không ai biết, nơi chốn chẳng rõ ở mô, ngôn ngữ chợ búa, tục tĩu cũng không ảnh hưởng gì đến người sử dụng. Chứ đối diện nhau, ngôn ngữ đao búa sẽ nhận lấy đao búa. Ai dùng gươm sẽ chết vì gươm (Jesus). Có lẽ chửi ai, thóa mạ ai, người phát ngôn cảm thấy an toàn, chỉ một mình họ trước bàn phím, họ không cần, không quan tâm đến trách nhiệm phát ngôn của mình, tôi muốn nói, trách nhiệm của một người có lòng nhân ái, tử tế, bao dung.

Lão Tử: Đối với mình, hãy chú ý tư tưởng (suy nghĩ), đối với gia đình hãy giữ gìn hòa khí, đối với xã hội hãy để ý ngôn ngữ". Ca dao Việt cũng "triết lý" không kém: Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Triết gia hay người bình dân, kết luận Văn tức là người, tôi thấy thật là hay.

(Hai câu thơ trích dẫn của Bảo Sinh Nguyễn, trên 90 tuổi, còn rất sáng suốt đang ở Hà Nội. Ông viết sách về Thiền, tôi là đọc giả,  và đặc biệt, 90 ông vẫn còn đánh quyền Anh).

BIỂU TÌNH LỚN ỦNG HỘ TRUMP.

(Số lượng  hàng chục ngàn người, không phải một triệu người như nhầm lẫn; một triệu người xuống đường là mục tiêu hướng tới:1 triệu MAGA (người đội mũ đỏ ủng hộ Trump, viết tắt của dòng chữ MAKE AMERICA GREAT AGAIN, Khiến Mỹ vĩ đại trở lại).

Một người biểu tình ví Donald Trump như Hiệp sĩ Tô Cách Lan, William Wallace,  nổi dậy làm cách mạng, mục đích phá vỡ cái cũ kỹ, lỗi thời, giông giống cái mà TT Trump ví “một đầm lầy” của nước Mỹ.

" Chúng tôi yêu ông! Chúng tôi yêu tổng thống. (Người biểu tình hô vang khẩu hiệu: We love you! We love you!)

- Tôi hãnh diện ủng hộ Trump. Tôi hãnh diện về tất cả những gì ông làm, những gì ông chịu đựng nhưng ông không bao giờ đầu hàng. Chiến đấu chống trả, nếu cần. Tôi vững tin tất cả không phải đã hết.

- Tôi thấy không kìm chế nổi trước những gì đang xảy ra trong bầu cử, nhưng tôi kiềm chế để đến đây (biểu tình), để ủng hộ Tổng thống Trump, ủng hộ nhân dân Mỹ.

- Tôi đi máy bay từ California đến Washington (khá xa) để ủng hộ tổng thống. Tôi tin trái tim ông đập đúng nhịp. Quý vị không ưa cách nói năng của ông, không ưa ngôn từ đả phá khuôn phép truyền thống. Nhưng ông nói việc ông sẽ làm và ông làm điều ông đã nói.

Khi BBC hỏi nếu Biden làm tổng thống thì sao?

- Nước Mỹ sẽ nghèo đi (retraction of prosperity). Nước Mỹ nghèo, thế giới nghèo. Mỹ mà “co lại” thì thế giới còn chi.

- Phải tiếp tục phản đối, phản đối trong ôn hòa. Một lần nữa, hãy chiến đấu cho nước nước Mỹ. Hãy tới thống đốc bang, hãy tới thượng nghị viện, hãy viết thỉnh nguyện thư…Nhưng tất cả phải hợp pháp, phải ôn hòa.

- Chúng tôi không thích biểu tình. Quý vị sẽ không thấy chúng tôi nổi loạn đâu, tôi đoan chắc. Chúng tôi không nổi loạn, người theo đảng cộng hòa không nổi loạn. Nếu Biden làm tổng thống, tôi ủng hộ ông ta, nhưng đó sẽ là ngày buồn nhất cho tất cả chúng tôi. Chuyện gì đến sẽ đến, thế thôi.

- Nếu kịch bản xấu xảy ra (ý là Trump thất cử), chúng ta hãy nhớ lấy, Donald Trump vẫn là tổng thống ít nhất cho đến ngày 20 tháng giêng năm 2021 (nhậm chức tổng thống mới -ND). Nếu tổng thống bị đảng Dân chủ “hủy hoại” (destroyed), cuộc chiến đấu vẫn còn. Chúng tôi phát động một cuộc chiến, chiếm lại hoàn toàn hạ nghị viện (hiện Dân chủ chi phối). Đánh bật Dân chủ ra, chắc chắn chúng tôi sẽ tranh đấu cho ông trở thành tổng thống

vào 2024".

Tôi cố gắng dịch sát ý kiến của người tham gia biểu tình ủng hộ TT Donald Trump, sáng nay xem trên BBC. Qua đối đáp của họ với phóng viên, tôi nhận xét:

-Nước dân chủ xem biểu tình là một quyền và biểu tình phải ôn hòa (không phải xuống đường để đập phá, nổi loạn, hôi của... ở các nước kém dân chủ).

- Nếu Biden thắng cử, dù không thích vì nghi gian lận, người ủng hộ Trump vẫn chấp nhận… nhưng rất buồn bã, “một ngày buồn nhất đối với chúng tôi”.

- Người ủng hộ không phải vác súng ra chiến đấu (dân Mỹ sở hữu 400 triệu khẩu súng), họ chiến đấu bằng lá phiếu, quyết “đá” (kick out) đảng Dân chủ ra khỏi 2 cơ quan quyền lực nhất nước, thượng và hạ viện.

- Người Mỹ lạc quan, luôn chiến đấu cho niềm tin của mình: Trump sẽ là tổng thống năm 2024 nếu thất cử lần này.

LỜI BÀN THÊM:

Ngoài đặc tính (Mỹ) “nói là làm”, Trump còn cái rất hay, mọi người đều biết ông nghĩ gì mỗi ngày. Tweets và tweets. Không đợi tới 5 năm, không đợi ra nghị quyết, không đợi họp hành tốn kém, dân Mỹ biết tổng thống sẽ làm gì. Ngày nào cũng tweets từ tòa Bạch Ốc, từ nơi đánh golf,  từ phòng ngủ, (không chừng từ toa-lét, ai mà biết!) và ngày nào cũng thấy “dung nhan quân vương”, đặc điểm với mái tóc vàng chải chuốt kỹ. Không như nguyên thủ một số nước, lặn mất tăm, có khi mấy tháng, lúc “trồi” lên tuyên bố vung vít rồi lại xuống tàu ngầm, cậu Kim Jong-un là ví dụ.

Trump tạo được yêu mến nơi quần chúng Mỹ vì người Mỹ cảm thấy gần gũi ông. Ảnh hưởng truyền thông mạng của ông gấp 10 lần Biden. Ông lúc nào cũng ở bên họ, đó là cảm giác của những người ái mộ ông.

Nhưng bộc trực với tweets quá, đôi lúc TT cũng bị ép phê ngược, đây là ví dụ mới nhất: “Ông ta (ám chỉ Biden) thắng vì cuộc bầu cử bị lũng đoạn”. Thấy hơi "hớ", (tâm lý học có hiện tượng "lỡ lời", vô tình nói ra suy nghĩ của mình) TT tuýt lại: “Ông ta chỉ thắng trong con mắt của đám truyền thông thêu dệt (fake news). Tôi không lùi bước” (He won because the Election was rigged”. 90 phút sau :“He only won in the eyes of the FAKE NEWS MEDIA. I concede NOTHING”.

Lũng đoạn (rigged) khác với gian lận (fraud). Lũng đoạn bầu cử (đôi khi) chưa hẳn là gian lận bầu cử ở chỗ, vì mãnh lực đồng tiền, vì truyền thông theo hùa, vì số dân chủ ghét tổng thống. Hẳn có tham mưu, nên tổng thống “chữa cháy” cấp kỳ, “liền lạc” với tweet trước đó.

Một người già 74 tuổi, giàu có, mạnh khỏe, luôn yêu đời, (có tới 3 lần vợ, bà nào cũng ngôi sao), quyền biến, can cường, giỏi đối phó, ăn nói bạt mạng, thách thức cả truyền thông, có lần gọi là “kẻ thù của nhân dân”, lại làm việc không lương, dám đương đầu với Tập Cận Bình, gọi virus Corona  là China Virus... làm sao không trở thành thần tượng đối với trên 72 triệu cử tri Mỹ (chưa kể vài chục triệu người VN)?

Nhưng qua thái độ của người biểu tình, cách thức “sơ hở” khi tuýt của tổng thống Trump, chúng ta có thể dự đoán, cục diện bầu cử nước Mỹ sẽ không trở thành lò thuốc nổ - còn hơn bom nguyên tử - khi hai phe ủng hộ Trump, ủng hộ Biden đều không xuống đường “quyết đấu”, “ăn thua đủ”, vì dân Mỹ luôn tôn trọng luật pháp; nếu luật pháp không được tôn trọng, nước Mỹ sẽ vỡ vụn chưa tới 1 tuần với 400 triệu khẩu súng. Khi đó, Trump có làm tổng thống mãn đời cũng không chơi lại TCB, đang ngồi rung đùi uống trà, mong NỀN DÂN CHỦ MỸ sớm "sụm bà chè". Thế giới biết đâu lại tin tưởng hơn mô hình TQ đang đi, rất "ổn định chính trị".

CHIẾC CHÕNG TRE

Người Nam gọi giường tre, người Trung tôi gọi chõng tre.

“Tập tễnh người đi, tớ cũng đi

Cũng lều, cũng chõng cũng đi thi

Tiễn chân cô mất ba đồng lẻ

Sờ bụng thầy không một chữ gì” (*)

“Chõng” đi vào văn chương nhiều hơn “giường”.

Lúc học lớp 7 (đệ lục), “chõng tre” là đề tài tranh cãi của tôi và thầy dạy văn, “giáo sư” Nguyễn Đình Hiến. Đoạn trích bài đọc từ Bướm Trắng của Nhất Linh có nhắc đến chiếc chõng tre. “Trương KÉO chiếc chõng ra ngoài sân, dưới bóng cây xoan tây. Nằm soãi người, chàng nhìn lên cành, đàn chim ri đang ríu rít gọi nhau trong các tán lá xanh nõn”. Tôi nhớ đoạn văn ấy như thế. Thầy hỏi, tại sao Trương, nhân vật trong đoạn văn trích, lại KÉO chiếc chõng và không vác nó ra hiên. Tôi nhanh nhẩu đưa tay trả lời: vì chõng rất nặng, thưa thầy. Thầy giải thích, không phải, chõng không nặng, Trương phải KÉO mà không VÁC vì chàng mắc bệnh ho lao, người rất yếu.

Theo truyện Bướm Trắng, đúng là Trương bị ho lao. Người ho lao rất yếu. Tôi không “phục” cách trả lời của thầy. Chiếc chõng tre dềnh dàng, chỉ có thể kéo, không thể vác. Thầy cười, giải thích tiếp. Trò không thấy, ngày xưa, sĩ tử đi thi đều mang chõng? Trò đọc Lều Chõng của Ngô Tất Tố, trò không hiểu, với chiếc chõng, người ta có thể mang đi bộ từ Quảng Nam ra đến Huế, thi hội, thi đình hay sao? Tôi vẫn gân cổ cãi thầy. Rằng sĩ tử đi có người hầu theo, mấy người không có. Vác chõng không phải việc của “học trò” (sĩ tử), “Ai ơi chớ lấy học trò. Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” (mấy ổng làm biếng lắm, ai mà vác chõng. Tôi suy nghĩ trong bụng).

Hơn sáu mươi năm sau (một đời người!), tôi mới “công nhận” thầy tôi nói đúng. Vợ tôi vừa mới mua cho chồng 1 chiếc chõng tre Củ Chi, nằm nghỉ trưa rất mát, của một người “đi bán dạo”. Người đàn ông xấp xỉ tuổi tôi, ốm nhom nhưng gân guốc, “vác” chõng tre bên hông bằng vai, ghé vào thanh tre cột giữa chõng. Mỗi ngày ông vác bộ từ bến xe Miền Đông (chõng đưa từ Củ Chi xuống) tới chợ Thủ Đức, theo các con phố, đến những ngõ hẻm dẫn vào vài khu vực người ở còn thưa thớt, của một thành phố vốn “nông thôn” đang trở mình thành đô thị; ông nói ông có thể đi bộ hơn vài chục cây số với chiếc chõng trên vai, nếu không bán được cái nào trong ngày.

Rõ ràng, người ta có thể vác chõng đi dễ dàng. Vậy mà lúc bé, tôi dám cãi lại thầy tôi, Trương kéo chiếc chõng do không vác được, không phải chàng ốm yếu vì bệnh lao.

Trẻ con chúng tôi được giáo dục trong môi trường “có thể cãi” lại thầy mà không lo sợ bị thầy “đì” vì dám cãi người lớn, có khi bị mắng là “vô lễ”, “trứng đòi khôn hơn gà”, hay dám “bận áo quá đầu”.

Cung cách giáo dục đó ảnh hưởng tâm trí tôi cho đến ngày nay: có những lúc, tôi hay đi ngược lại suy nghĩ của đám đông hùng mạnh. Tôi nghiệm ra, nếu "gió chiều nào theo chiều đó", cuộc đời sẽ “thuận buồm xuôi gió”. Nhưng tôi lại không. Nhiều người yêu mến tôi trên facebook bỗng quay ra “ghét” tôi, thậm chí bảo tôi “treo cổ chết đi”, khi ý kiến của tôi đi ngược lại ý kiến của họ.

Cứ theo suy nghĩ đám đông hay suy nghĩ độc lập, không sợ bị chỉ trích khi đi “ngược đời”? Đôi khi tôi tự hỏi mình. Con người vốn sống hợp quần. Một trong năm bản năng con người là: sống bầy đàn. Mọi con vật đều đi theo con vật đầu đàn, nó đi đâu, các con khác phải theo, để giữ vững trật tự, ổn định xã hội. Con nào “lạc bầy cố tình” không dễ gì sống nổi với đám đông bầy đàn.

Tính “bầy đàn” là một cách gọi trần trụi theo khoa học; cách gọi trân trọng hơn là tính “tập thể”, tính “quần chúng”. Tập thể và quần chúng thì…vô địch rất lâu trong lịch sử VN. Ở trong môi trường ấy, mọi người đều sống và suy nghĩ theo chuẩn mực chung, quy tắc chung của tập thể, của quần chúng. Khó có ai sống khác, suy nghĩ khác, ông Nguyễn Văn An là một ví dụ.

Khi còn đương chức chủ tịch quốc hội, ủy viên bộ chính trị, ông sẽ không bao giờ dám phát ngôn: “lỗi hệ thống”, “vua tập thể”, trong một thể chế XHCN, ông và đồng chí mình hy sinh và đeo đuổi, nếu không muốn bị thất sủng.

Có lẽ khi rũ bỏ danh lợi, vinh quang, ông trở về con người thật, nói ra suy nghĩ thật của mình. Ước chi, lúc còn tại chức, ông nêu ra nhận xét ấy để người ta suy nghĩ, đi tới những cải cách toàn diện, để có một cơ chế tốt đẹp hơn, không còn “lỗi hệ thống”. Có lẽ ông không như tôi (so sánh hơi phạm thượng) trưởng thành trong môi trường “hay cãi”; khi đương chức, ông “cãi” có mà về vườn trước tuổi hưu.

(*) Thi sĩ Trần Tế Xương.

BÓ RAU LANG

Nhà con gái tôi ở trên một con đường nhỏ quận 12, hai bên lề là chợ "chồm hổm", khách mua đa phần là công nhân các khu công nghiệp gần đó.

Chợ đông chừng 2,3 tiếng thì vãn. Tôi chạy xe qua thăm con, người đông, xe nhích từng chút. Bên lề, tôi nghe tiếng rao của một cụ già tầm tuổi mẹ tôi khi bà còn sống; nghe thôi, tôi có cảm tình ngay: giọng Quảng Nam đặc sệt, "chị ơi, mua giùm bòa giòa (bà già) bó rau loang"(rau lang). Tôi đoán người bán rau này ra chợ lần đầu tiên.

Xe nhích từng chút, tôi quan sát bà cụ. Chiếc nón lá đúng là chiếc nón Quảng, thô, cứng, không tinh tế như nón lá Huế. Rổ đựng 4 bó rau đúng là rổ Quảng mang vào, nhìn khá cứng cáp, không khéo léo bằng rổ người Củ Chi làm. Cái giọng Quảng quê mùa ấy cứ lặp đi, lặp lại câu mời mua rau,  tôi nghe sao ái ngại.

Bốn bó rau lang chẳng chút mượt mà, non mởn, như những bó rau lang thường thấy. Bà già Quảng mời mọc chẳng thấy người mua là đúng rồi. Như rau lang "dạt" được bà bó lại. Tôi thấy thương thương, giọng Quảng cục mịch của tôi đây, không thương sao được, ở cái đất Sài Gòn đô hội này.

Tôi định bụng sẽ mua giúp bà cụ vài bó, có thể là mua hết, 4 bó rau ấy chắc chừng 20 hay 30 ngàn, để bà cụ không phải ngồi lâu giữa chợ. Nhìn bà tôi nhớ mẹ tôi, cũng từng bưng rổ rau ra chợ quê để bán khi tôi năm ba tuổi.

Chi phối chuyện con tôi đang xây nhà mới, tôi quên hẳn bà cụ; sực nhớ ra, tôi vội đi lại chỗ "bà Quảng". Không thấy bà, tôi hỏi một người bán cá khô gần đó, đang lặt rau lang: "Chị có thấy bà già ngồi đây, có bưng rổ rau đi đâu không?" Người phụ nữ tầm 40, nói giọng Nam chơn chất: "Chú hỏi bà "nẫu" già hả? Bả mới về nhà thất thời. Cả buổi, không ai mua. Tôi nghiệp, tôi mua cho bả, đang lặt nè; rau già quá, chú thấy tôi bỏ gần phân nửa nè".

Tôi nhìn người phụ nữ tốt bụng và suy nghĩ, nhiều người gọi dân Quảng của tôi là nẫu. Họ tưởng Quảng Nam cũng như Bình Định. Tôi vui, biết người đồng hương vừa bán xong mấy bó rau lang héo.

Bốn chục năm nay, gia đình tôi sống an lành, có ăn ba bữa ở miền Nam, một phần cũng nhờ những người miền Nam tốt bụng, như người phụ nữ này; chị giúp một cụ già "nói giọng nẫu", không phải giọng của chị, dù chỉ mua 4 bó rau.

Sài Gòn, nơi đáng sống, không phải là thành phố giàu có nhưng giàu lòng nghĩa hiệp. Bốn bó rau lang.

Ảnh minh họa.