Thursday, January 25, 2024

THẦN TƯỢNG

Tôi theo đạo kitô nhưng lại sống thâm thấm chút Phật. Trong các điều tôi để ý về Phật pháp, BUÔNG BỎ là hai từ đơn giản nhưng thực hiện rất khó khăn. Thường, ta hay gắn kết cái gì đó - vật chất và tinh thần - trong mọi mặt cuộc sống.

Chiếc smartphone giúp ta lên facebook, chiếc xe tay ga giúp ta đi lại, cái nhà ta đang ở, to hay bé, tất cả như gắn chặt vào đời sống chúng ta. Điện thoại bị giật, xe bị mất cắp, nhà đang ở phải đi nơi khác vì lý do bất khả kháng, tất cả sẽ làm cho chúng ta đau khổ: những vật thân yêu đó không còn bên ta, chúng gắn bó thân thương quá nhưng chúng ta sẽ nhẹ tênh nếu học biết chấp nhận và buông bỏ.

Đó là gắn bó vật chất. Và tinh thần thì sao? Bị vợ, chồng, bỏ rơi ta đi theo tình mới. Người đang yêu say đắm bỗng đột ngột chia tay. Đang là thiếu tướng, anh hùng, bỗng trở thành tù nhân trong cũi sắt. Mất vợ, mất chồng, mất người yêu, mất công danh…tất cả đều gây ra đau khổ. Nhưng nếu người gặp hoàn cảnh ấy nhìn ra, vầy duyên thì đến, thì hợp; hết duyên thì đi, thì tan; quy luật nhà Phật nói thế, có lẽ họ sẽ không đau khổ nữa, cuối cùng họ biết  “buông bỏ” - nhẹ nhàng – chứ không phải buông bỏ nặng nề, vì “buộc” phải…buông bỏ.

Tôi là người rất thích thời sự, và theo dõi thời sự hằng ngày là niềm vui từ khi tôi còn bé, học đâu lớp đệ thất, đệ lục. Cứ mỗi chiều tối, đúng 6 giờ 30, tôi qua nhà bên cạnh (nhà tôi không có radio) của một cán bộ “xây dựng nông thôn”, để theo dõi thời sự; hồi đó chúng tôi không gọi nghe radio là nghe đài. BBC là hãng tin người miền Nam thích theo dõi nhất. Tin họ loan đi thật “trung thực” trong suy nghĩ của chúng tôi. Đài phát thanh quốc gia, “tiếng nói Việt Nam phát thành từ thủ đô Sài Gòn”, phải nói là ít người nghe tới, lý do dễ hiểu, họ cũng như đài Hà Nội, “địch thua nhiều, ta thắng to”, dù họ ít thổi phồng con số, có khi khó tin, quá đáng.

Nghe thời sự là cách chúng tôi, thật ra là tôi, thể hiện “lòng yêu nước”: chuyện quốc gia đại sự, không nghe thì nghe chuyện gì. Ngay cả những năm tháng sau 1975, (không rõ người khác thế nào) tôi vẫn theo dõi thời sự; lúc đó “sắm” được một chiếc National cũ ba băng (band) là một nỗ lực phi thường; những năm tháng sau chiến tranh, mọi người còn khốn khổ, chấn động trước biến cố long trời lở đất: Giải phóng miền Nam.

Thời sự lúc ấy không phải từ đài Hà Nội mà từ đài VOA hay đài BBC. Thật kỳ cục, người dân Việt phải nghe đài Việt, để thể hiện lòng yêu nước chứ. Như nhiều người quan tâm thời sự, sống ở miền Nam trước 1975, tôi muốn nghe những tiếng nói “khác” tiếng nói quốc nội, tôi nghĩ là luôn luôn “tô hồng” mọi thứ. Một tiếng nói thống nhất, từ đài huyện, đài tỉnh, đến đài trung ương. Một tiếng nói hết sức mạnh mẽ và hết sức thuyết phục, chi phối tinh thần mọi người dân phải chịu nghe nó mỗi ngày.

Nhưng lúc ấy, tại sao một số người (như tôi) vẫn thích “đây là đài Tiếng nói Hoa Kỳ, VOA, (Voice of America), phát thanh từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn”? Hoặc “đây là đài BBC phát thanh từ Luân Đôn, Anh quốc” (hai đài này nghe nói dẹp phần phát thanh tiếng Việt qua radio rất lâu, hơn 10 năm nay)? Người ta muốn nghe một tiếng nói “khác” tiếng nói họ nghe mỗi ngày trên radio (sau dần chuyển qua ti-vi).

Đó có thể là lý do vừa qua, tôi nghĩ, những diễn biến bầu cử tổng thống Mỹ, ít ai nghe tin tức phát đi từ đài VN và báo VN. Những tin tức có lợi cho tổng thống Trump thì không sao nhưng bất lợi cho ông thì họ cho là…fake news, tin giả, - từ ngữ Trump rất ưa dùng.

Những người ái mộ tổng thống còn đi khá xa trong nhiều nhận định về cục diện bầu cử. Hầu hết những báo sừng sỏ, lâu đời, có tiếng tăm của Mỹ cũng trở thành báo chí “thổ tả” nếu đưa tin bất lợi cho tổng thống.

Một tin được một số người VN đón nhận hồ hởi: quân đội Mỹ vừa đổ bộ xuống Đức để “tó” trọn ổ nhóm người điều hành máy Dominion gì đó, đã gian lận thay đổi kết quả bầu cử Mỹ, có lợi cho Joe Biden “hay quỳ gối, ngủ gục, già nua, và theo cộng sản”.

Cũng như tôi thời trước - tin VOA, tin BBC - họ không tin báo “chính thống” nữa, kể các báo Mỹ, báo Anh, báo Pháp “thổ tả” đưa tin có lợi cho “bọn” Dân chủ (đảng). Ở một đất nước có chủ quyền không nước nào khác được phép đem quân đội của mình đến để bắt nhóm người nào đó, nước ấy lại là Đức (trừ đặc vụ VN, vô cùng ngoạn mục, qua tận Berlin “tó” Trịnh Xuân Thanh về nước quy tội). Nhưng đó được coi là tin “không thổ tả”.

Một số nội dung tin tức liên quan đến việc giám đốc Cơ quan dịch vụ công gửi thư cho Biden (nhờ báo CNN chuyển giúp) cũng đều là fake news, tin tào lao. Một số người không tin Tổng thống Trump đang “xuống nước”; có lúc ông lỡ tuýt: “Ông ấy (Biden) thắng cử vì cuộc bầu cử bị lũng đoạn” (lũng đoạn, rigged, rất khác bị gian lận, fraud, tuy lũng đoạn có thể và có khi là gian lận); 90 phút sau thấy không ổn, ông tuýt tiếp “ Ông ta đắc cử trong con mắt của đám báo chí Fake News”.

Mới đây, Tổng thống tuyên bố sẽ rời tòa Bạch Ốc “nếu các đại cử tri (nhóm họp ngày 14 tháng 12) bầu Biden làm tổng thống. Nếu thế, họ lầm to”. Trump biết số đại cử tri bầu cho Biden cao hơn ông rất nhiều, chắc chắn Biden sẽ là tổng thống, trừ phi họ “phản” Biden (faithless) quay lại bầu cho Trump, vì họ cảm thấy ông đúng: “gian lận bầu cử”.

Nếu bình tĩnh theo dõi những bước đi của tổng thống, chúng ta có thể thấy ông có vẻ đã tính tới nước nhượng bộ dần dần, tuy ngoài mặt vẫn kiên quyết tuyên bố sẽ đi tới cùng, về mặt pháp lý.

Một số đồng bào VN, trong nước lẫn ngoài nước, vẫn tin tổng thống sẽ không bao giờ chấp nhận thua cuộc. Chẳng qua “Lão Quái” (một danh xưng kính trọng) chơi chiêu “giương đông kích tây”; tổng thống sẽ dành một cú “hồi mã thương” thâm sâu, đầu óc thường không hiểu nổi, thời gian trước ngày tổng thống Mỹ nhậm chức; hồi đó mới biết tài năng tổng thống: ai thắng ai, Trump hay Biden.

Tôi không đi sâu về kết quả ngã ngũ bên nào thắng, bên nào thua. Tôi chỉ nói khía cạnh tâm lý của số người ái mộ Trump, một sự việc chưa từng thấy trong lịch sử VN: một tổng thống nước ngoài chi phối mạnh mẽ và bao trùm, một thời gian khá dài, đời sống tinh thần (có lẽ là đa phần) người VN - già, trẻ, giàu, nghèo, bình dân, trí thức, trong nước, và ngoài nước.

Vì sao?

Tổng thống Trump là hình ảnh của một Lục Vân Tiên thời @, “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” (*). Nếu văn chương chút nữa, ông cũng có thể ví (về một khía cạnh nào đó) như Từ Hải: “Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm tấc rộng lưng mười thước cao”.  “Giang hồ quen thói vẫy vùng/ Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”. Nhất là: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai (**)”.

Không những thế, ông còn có thể ví như Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (cái này là tôi tưởng tượng ra), ba lần đánh tan quân Nguyên xâm lược (nay có thể sửa lại thành “quân bành trướng xâm lược”) bằng cách đánh “dập mõm” kinh tế Tàu với thuế quan nặng khủng, kể cả việc bật đèn xanh cho Canada “bắt sống” công chúa Huawei - niềm hãnh diện tót vời về công nghệ cao của Tập Cận Bình.

Ngoài việc “quét sạch đầm lầy” trong nước, trước quần hùng và bá quan văn võ (đại hội đồng Liên hợp quốc), Hiệp Sĩ dõng dạc tuyên bố: “Chủ nghĩa cộng sản (ám chỉ ông Tàu) đem lại đói nghèo và áp bức”. Hào Kiệt còn lên án vi-rút Corona là “china virus” đang gây hại nước Mỹ, phát sinh lén lút ra khắp thế giới từ Vũ Hán.

Tình cảm nồng nàn, sục sôi, chống bành trướng của một số người chuyển thành tình cảm yêu mến vô vàn vị Anh hùng dân tộc… (Mỹ). Hình ảnh tổng thống gắn chặt vào trái tim của những người ái mộ ông nhiệt liệt. Donald Trump chiếm trọn tình cảm của người Việt chống Tàu + đến thế.

Đến đây, tôi quay lại phần đầu bài viết: BUÔNG BỎ. Nếu Donald Trump tiếp tục làm tổng thống sau thành công ở tòa án tối cao liên bang (hiện chưa thấy đưa hồ sơ lên, hay tôi chưa biết), đó sẽ là tín hiệu tốt lành: lòng ái mộ ông được đền đáp xứng đáng.

Nhưng nếu Biden làm tổng thống, những người ái mộ Trump có đau khổ không? Tôi chắc chắn là có; đau khổ sẽ dai dẳng vì tức tối với suy nghĩ, “bầu cử gian lận” đã kết thúc sự nghiệp của một thần tượng; một thần tượng chưa từng có từ trước tới nay - một nhân vật chính trị người Mỹ tóc vàng.

Tôi thấy chỗ này Phật pháp rất hữu dụng: BUÔNG BỎ. Trump đến, Trump đi, Biden đến (rồi cũng sẽ đi) Dân chủ đến, Cộng hòa đi…lúc nào đó sẽ ngược lại, tất cả là lẽ vô thường trong cuộc sống. Nếu khu trú mãi mãi vào hình ảnh thần tượng, con người sẽ rất đau khổ, vì thần tượng không thể… sống mãi. Ai đó hô khẩu hiệu thần tượng “đời đời sống mãi” cũng chỉ là hô khẩu hiệu. Không ai sống đời đời cả; giỏi lắm chừng 3 đời là hết date.

Huyền thoại (legend) bóng đá Maradona từng thu hút hàng tỷ người trên hành tinh cũng vừa mới ra đi. Nếu thần tượng Donald Trump có ra đi (khỏi cái vòng danh lợi – “Cái vòng danh lợi cong cong/ Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào” (***) cũng là lẽ thường tình.

Người ta than khóc cho huyền thoại bóng đá nhưng đôi ba hôm nữa, họ sẽ lau khô nước mắt. Khóc nhiều sinh đỏ mắt, tốn tiền mua thuốc "Rohto mát lạnh". Đối với Donald Trump cũng vậy, hãy “lau khô” nước mắt nếu thật sự ông ấy ra đi (khỏi tòa Bạch Ốc) trong nay mai.

Người Việt Nam nên trở về tính lạc quan vốn có của mình: hãy bước tới, có thần tượng bên cạnh, hay không có thần tượng, cũng cứ vững bước. Đất nước phát triển nhờ những người bình thường như chúng ta chớ không phải nhờ thần tượng. Thần tượng cũng chỉ là thần tượng.

(*) Nguyễn Đình Chiểu;

(**) Nguyễn Du;

(***) Ca dao VN.

TÌM HIỂU NỖ LỰC HIỆN ĐẠI HÓA QU N ĐỘI VIỆT NAM

(Understanding Vietnam’s Military Modernization Efforts)

“Lực lượng vũ trang VN đi một bước dài từ những năm tháng sau chiến tranh”

(The country’s armed forces have come a long way since the years following the Vietnam War).

Giữa các năm 2003 và 2018, chi tiêu quân sự của VN gia tăng chừng 687%. Tuy nhiên, con số khá ấn tượng ấy không nói hết câu chuyện, làm thế nào có thể biến đổi một quân đội từ giai đoạn nghiêng về chiến đấu, kỹ thuật lại kém, sang một quân đội năng động, khá hiện đại của ngày hôm nay.

Hạt giống cho chương trình hiện đại hóa quân đội VN được gieo trồng ngay sau việc tuyên bố thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN năm 1976, và khi đất nước bị hàng xóm khổng lồ xâm lược, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Tháng giêng năm 1979, Bắc Kinh xua hàng trăm ngàn quân tràn qua biên giới phía Bắc, theo sau việc Hà Nội lật đổ chế độ Khơ-me Đỏ được TQ hậu thuẫn một tháng trước đó. Cuộc chiến chớp nhoáng nhưng khốc liệt ấy lấy đi sinh mạng hàng chục ngàn binh sĩ chưa kể không biết bao nhiêu thường dân.

Khi VN tiến hành chủ trương đổi mới, mở cửa kinh tế năm 1986, các nhà lãnh đạo đất nước đề cao yêu cầu tăng cường an ninh biên giới, hiện đại hóa quân đội. Họ kỳ vọng xây dựng Quân đội nhân dân VN thành một lực lượng chính quy, tổ chức hợp lý, cân đối, tinh gọn và vững mạnh để bảo vệ chủ quyền quốc gia khó khăn mới giành được, đồng thời bảo đảm an ninh biên giới, hải đảo, vùng trời và vùng biển.

Tuy nhiên, tốn kém do việc giải ngũ, mất viện trợ quân sự của khối Xô Viết thời kết thúc chiến tranh lạnh, dẫn tới cắt giảm ngân sách quốc phòng hằng năm, từ 1,31 tỷ đô la Mỹ năm 1987 xuống còn 431 triệu năm 1994.

Trong thời kỳ đó, tháng 3 năm 1988, TQ đem lực lượng đánh chiếm các đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam, trong một biến cố khốc liệt, đưa đến cái chết của 64 binh sĩ VN.

Năm 1991, các nhà lãnh đạo VN thừa nhận, chất lượng toàn diện của quân đội không đáp ứng yêu cầu tình hình hiện có của quốc gia. Lấy ví dụ, sức chiến đấu, trình độ sẵn sàng chiến đấu, chất lượng huấn huyện vẫn còn thấp. Một lần nữa, VN nhắm tới hiện đại hóa quân đội với mong muốn bảo vệ lợi ích đất nước, đặc biệt trước một TQ, ngày càng giàu có và hùng mạnh.

Đặt tầm quan trọng vào chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, VN ngay từ đầu, đối phó đe dọa từ TQ, bằng việc tiến hành một chương trình quy mô tương đối, cải thiện sức mạnh hải quân và không quân trong những năm giữa thập niên 1990. Từ 1995 đến 1999, Hà Nội đặt mua sáu máy bay chiến đấu, sáu chiến chiến đấu cơ/ tấn công mặt đất, 40 tên lửa chống hạm.

Cho đến năm 2001, các nhà lãnh đạo VN mới quyết định đầu tư thích đáng trong công nghiệp quốc phòng, trang bị quân đội với nhiều công nghệ hiện đại. Từ 2001 đến 2005, VN tự trang bị một kho vũ khí, bao gồm hai giàn tên lửa đất đối không (SAM), 75 hỏa tiễn SAM, 50 hỏa tiễn SAM cơ động, 50 chục tên lửa không đối không tầm ngắn, 100 tên lửa không đối đất, 270 tên lửa chống hạm, hai tàu tuần tra, bốn chiến đấu cơ/ tấn công mặt đất, tám tàu tấn công tốc độ cao. Tất cả đều mua của Nga, minh chứng sự gắn bó lâu dài vẫn tiếp diễn, sau cuộc Chiến tranh lạnh, giữa Hà Nội và Mạc Tư Khoa. Ngoài ra, VN còn mua hai tàu tuần tra hải quân của Ba Lan, 13 chiến đấu cơ tấn công mặt đất của cộng hòa Czech và Ukraine.

Báo cáo chính trị năm 2006 của Trung ương Đảng khóa 9, trình bày tại đại hội Đảng CSVN lần thứ 10, kỳ vọng biến VN thành một nền kinh tế biển hùng mạnh trong khu vực. Kế hoạch ấy kéo theo sự phát triển một hệ thống cảng biển, vận tải hàng hải và khai thác, chế biến dầu khí, cùng thủy sản, dịch vụ hàng hải. Để đạt được các mục tiêu đó, VN cần hình thành và thực hiện một chiến lược toàn diện cả về phát triển kinh tế lẫn về bảo đảm kiểm soát vùng biển chung quanh.

Giữa năm 2006 và 2010, VN tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng từ 1,28 tỷ đô la Mỹ lên 2,67 tỷ. Nước này củng cố thêm khả năng phòng thủ của mình bằng cách mua hai hệ thống phòng thủ bờ biển, 5 giàn hỏa tiễn SAM, 200 tên lửa chống hạm, 200 rocket và bom dẫn đường, 160 ngư lôi, 6 tàu tuần tra, 6 tàu ngầm và 20 máy bay chiến đấu / tấn công mặt đất.

Đáng để ý, sau khi TQ kèm một bản đồ, gọi là vùng “chín đoạn” (lưỡi bò -ND) với công hàm thông thường, gởi lên Liên Hiệp Quốc tháng 5 năm 2009, Hà Nôi liền ký hợp đồng 2 tỷ đô la với Mát-xcơ-va để mua sáu tàu ngầm lớp Kilo. Loại tàu ngầm tối tân nhất này, nghe nói là hoạt động thầm lặng nhất thế giới, giúp cho VN có khả năng thực hiện chống tàu ngầm, chống hạm, do thám tổng quát, cùng các sứ mạng tuần tra.

Vào thời điểm VN điều hành chiếc cuối cùng của 6 tàu ngầm tháng giêng 2017, họ đã sở hữu một đội tàu tối tân nhất ở Đông Nam Á. Hà Nội còn trang bị tàu ngầm Kilo của mình với tên lửa hành trình siêu thanh Klub 3M-14E chống hạm, tấn công mặt đất, khả năng có thể bắn tới đất liền Trung Quốc.

Từ đó, sức mạnh hải quân là trọng tâm hàng đầu trong chương trình hiện đại hóa quân đội VN. Trong Đại hội Đảng lần thứ 11 của trung ương Đảng, các nhà lãnh đạo cam kết bảo đảm lực lượng vũ trang sẽ dần dần trang bị tối tân, “ưu tiên một cho hải quân, phòng không, không quân, lực lượng an ninh tình báo”. Giữa năm 2011 và 2015, Hà Nội trang bị thêm cho kho vũ khí của mình với hai khinh tốc hạm, bốn máy bay tuần tra, bốn hệ thống tìm kiếm trên không, 30 ra đa tìm kiếm không lưu, 12 chiến đấu cơ tấn công/mặt đất, thêm 5 giàn hỏa tiễn SAM, 30 tên lửa chống hạm, trong các nhiều chiến cụ mua sắm khác.

Thời gian này trùng khớp với các rối loạn ngày càng tăng ở vùng Biển Đông. Từ 2014, TQ bồi đắp đảo quy mô khổng lồ, quân sự hóa các đảo còn tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Nước này cũng đã triển khai hàng loạt tên lửa và khí tài quân sự trên các đảo nhân tạo của họ, có thể được sử dụng để ngăn các nước khác tiếp cận các vùng hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Hơn nữa, vào tháng 5 năm 2014, Bắc Kinh đã triển khai một giàn khoan dầu quốc doanh trong vùng biển tranh chấp, cách bờ biển Việt Nam khoảng 222 km.

Trong đại hội Đảng lần thứ 12 năm 2016, các nhà lãnh đạo VN cho thấy rõ, việc cần kíp là sẵn sàng tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo nền tảng vật chất và công nghệ cho quân đội Nhân dân đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.

Sau sự cố giàn khoan dầu 2014, chiến lược của VN cũng đã xoay hướng. Ngoài nỗ lực tự vệ, VN còn tăng cường hợp tác quân sự với các cường quốc lớn. Hoa Kỳ, Nhật bản, Hàn Quốc, các nước khác, đã giúp đỡ VN nâng cao khả năng thực thi luật pháp và an ninh hàng hải. Trong những khí tài khủng, Nam Hàn đồng ý chuyển giao hộ tống hạm Pohang vào năm 2017, VN nhận vào năm sau đó. Hải cảnh Hoa Kỳ cũng chuyển giao tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Hải cảnh VN tháng 5 năm 2017, và hứa sẽ giao thêm một chiếc thứ hai vào thời gian nữa năm 2020.

Mặc cho VN cố gắng hiện đại hóa, ngân sách quốc phòng của họ chỉ bằng phần nhỏ của TQ. Bắc Kinh chi 253, 5 tỷ đô la Mỹ cho quân sự năm 2018, số tiền gấp 44 lần lớn hơn 5,8 tỷ VN bỏ ra.Dù chi tiêu quốc phòng của VN tăng gấp 7 lần từ năm 2003, số tiền đó chỉ lơ lửng ở mức 2,34% GDP, tương ứng với GDP ở mức 98,5 %. Đây cũng không là điều ngạc nhiên, trong điều kiện phải tuân thủ luật Ngân sách quốc gia, VN quyết định chi tiêu quốc phòng trên cơ sở cân đối tăng trưởng kinh tế xã hội.

Bị lệ thuộc nặng kinh tế vào TQ, chiều hướng tương tai của hiện đại hóa quân đội, như vậy, cho thấy một tình huống dở khóc dở cười – liên kết giao thương đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế - chính điều đó lại mang về VN nguồn sức mạnh để bảo vệ mình chống lại thái độ hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Bài của Trần Thị Bích trên THE DIPLOMAT (Nhật), 25 tháng 11, 2020. Nguyễn Long Chiến dịch. Trần Thị Bích, nghiên cứu sinh tiến sĩ, đại học Antwerp. Thành viên nghiên cứu khách mời (visiting) tại trung tâm Nghiên cứu vấn đề quốc tế ở Kyoto, cựu thành viên nghiên cứu châu Á, trung tâm Đông-Tây ở Washington.

NƯỚC MỸ TỪ KHI TRUMP XUẤT HIỆN

Cái nhìn của một người VN không ở Mỹ, nhân đọc bài báo “Nước Mỹ không người lãnh đạo chìm sâu trong mùa đông ảm đạm dịch bệnh” (hình bên dưới).

Năm 2016, theo dõi trực tiếp ba cuộc tranh luận (debate) giữa Hillary Clinton và Donald Trump, tôi dự đoán cựu ngoại trưởng Mỹ sẽ đắc cử tổng thống, vì bà là vị luật sư tài ba, dày dạn chính trường, có cách nói năng, diễn đạt lịch lãm, thỉnh thoảng chen vào vài nụ cười tươi của một phụ nữ luống tuổi, nhưng vẫn còn duyên dáng, trong lúc Trump bộc trực, ồn ào, nhiều chỗ dùng ngôn từ khá bỗ bã, và nhất là chưa từng một ngày tham chính.

THẦN TƯỢNG THÀNH THẦN THÁNH?

Khi là thần tượng, người ta chiếm trọn lòng ngưỡng mộ vô bờ của đám đông cuồng mộ. Kẻ nào “chạm” đến thần tượng có thể trở thành “kẻ thù của nhân dân”.

Bác sĩ riêng của Maradona là một “nạn nhân” như thế. Các công tố Argentine đang điều tra ông ta có thể liên quan đến cái chết bốn ngày trước của huyền thoại bóng đá thế giới.

Cảnh sát lục soát nơi điều trị ở nhà riêng bác sĩ, tịch thu máy vi tính, điện thoại di động, các hồ sơ bệnh lý; họ muốn tìm bằng chứng về nghi vấn thiếu trách nhiệm có thể dẫn đến cái chết nhồi máu cơ tim của Maradona sau phẫu thuật mổ chỗ máu nghẽn thành công. Bác sĩ Luque vẫn chưa bị truy tố và ông nói nức nở trong nước mắt, không làm gì sai sót trong điều trị, trước các câu hỏi của báo chí.

Bác sĩ buồn bã: “Các vị muốn biết trách nhiệm của tôi chứ gì? Tôi yêu thương chăm sóc Maradona để anh kéo dài cuộc sống, tôi muốn anh cuối cùng sẽ bình phục…Tôi làm mọi cách và bằng mọi cách cứu anh”. Vị bác sĩ giải thích thêm: “Lẽ đáng Maradona phải đến trung tâm điều dưỡng. Nhưng anh không muốn. Diego tỏ ra “bất cần” (unmanageable). Anh rất buồn, muốn ở một mình, và bảo không phải anh không yêu mến con cái, gia đình, những người thân cận”.

“Bàn tay của Chúa” (Chơi bóng bằng tay).

Maradona chơi bóng cho Barcelona và Napoli, đoạt 2 giải hạng A ở phe Italia. Ra trận 91 lần thì ghi bàn 34 quả vào lưới đối phương trong 4 lần Argentina vào chung kết vô địch World Cup.

Huyền thoại có như thánh không? Có. Nhưng Diego cũng có các hành vi nếu là người khác ở nước khác thì nguy cơ ở tù rất cao: nghiện ma túy và sử dụng ma túy. Anh còn nghiện cả rượu mạnh, chết sau khi cai rượu. Ngoạn mục nhất là cú dùng tay đánh bóng vào lưới đội Anh, nổi tiếng thế giới ở World Cup, bị đám báo chí “thổ tả”  bỉ bôi  gọi “Bàn Tay của Chúa” (Hand of God).

Maradona còn kết thân với các chính trị gia thiên tả (tức có khuynh hướng cộng sản) như các nhà độc tài: Fidel Castro (Cuba), Hugo Chavez (Venezuela), và Evo Morales (Bolivia).

Khuynh hướng kết thân nhân vật các chế độ độc tài, nghiện ma túy, nghiện rượu, “chơi xấu” (dùng ta đánh bóng), tất cả không làm giảm đi sức ngưỡng mộ của dân chúng khắp hành tinh, bởi Maradona là thiên tài bóng đá.

Bóng đá lại được coi như Túc cầu giáo; Maradona được thần tượng như giáo chủ. Maradona có nhiều “khuyết tật” vẫn là… “giáo chủ”.

NGUỒN GỐC 2 CÂU CA DAO:

Người Quảng nói chuyện Quảng.

Thông thường, nói người Quảng, người ta “mặc định” là người Quảng Nam- dù có tới 5 ‘ông’ Quảng (Ngũ Quảng: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức – Thừa thiên, Huế- Quảng Nam, Quảng Ngãi). Cũng như mì Quảng; không ai có thể giành thương hiệu.

Cuối năm, nói chuyện vui: “Học trò trong Quảng ra thi/Thấy cô gái Huế bỏ đi không đành”. Hoặc: “Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Nhưng các bác Quảng Nam thì lại nói: “Học trò trong Quảng ra thi/ Mấy cô gái Huế bỏ đi không đành”.

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy hai chữ ‘lợi hại’ nhất của hai phiên bản là “Thấy” và “Mấy”. Ở quê ra kinh thành, “thấy” gái, mà lại gái Huế nữa, ai mà không mê? Nhưng “mấy” cô gái Huế lại…bỏ đi không đành khi gặp chàng trai Quảng Nam.

Hai câu thơ khuyết danh hoặc ca dao thành thơ này có lẽ xuất hiện trong thời gian Minh Mạng tổ chức các khoa thi gọi là thi đình, tuyển chọn tiến sĩ, phó bảng để bổ làm quan.

Luận chứng cho câu: “Mấy cô gái Huế bỏ đi không đành” dựa vào niềm tự hào của học trò xứ Quảng; thời Thành Thái có 5 người cùng đỗ một khoa, có danh danh “Ngũ Phụng Tề Phi” và mấy bác nhà tôi “lên giọng”: "Đất Quảng là đất học". Gái Huế mộng mơ ai ai cũng “phải” thích trai Quảng. “Mấy” cô dễ dàng nào đi cho đành nếu muốn sau này sẽ thành bà…tổng, bà huyện. Nhưng tôi đoan chắc, học trò xứ Quảng, “Thấy” cô gái Huế là chân đi không rời- có thể là theo ‘bén gót’ hoặc cúm giò, hai chân ‘dính’ vào nhau…đi không đành hoặc chân không rời.

Thứ nhất, không có thống kê nào cho thấy số người đỗ các khoa thi thời Nguyễn là học trò xứ Quảng, để khẳng định lòng tự tôn của học trò xứ Quảng, ngoài một lần ‘ngũ phụng tề phi’.

Thứ hai, Vua khen một khóa 5 người đỗ đầu không có nghĩa khóa nào sĩ tử trong Quảng đều đỗ đạt, cứ 3 năm một lần thi từ thời Minh mạng.

Thứ ba, các cô gái Huế ‘mẫu’ thường có dáng  thướt tha, “liễu yếu đào tơ”. Mắt “trong trẻo” như dòng sông Hương với làn môi son “như cợt ghẹo kẻ ‘râu mày’”. Và chắc chắn họ là những cô gái “khuê các” thuộc dòng dõi “trâm anh”;  biết làm thơ nữa, không chừng. Học trò trong Quảng ra thi, rất hồi hộp, lo lắng, không rõ có đỗ đạt không, hay là “lều chõng” năm nào cũng vác lên lưng lội qua đèo Hải Vân cọp beo lẩn quất? Và, tinh thần đâu để “mấy” cô gái Huế “bỏ đi không đành”?

Thứ tư, và là điểm duy nhất, tôi có thể lý giải sự ra đời của hai câu thơ (hoặc ca dao) với ý nghĩa tôi phân tích ở trên. Đó là dựa vào bài thơ tôi thuộc cách đây mấy chục năm. Muốn xem bản chính, tìm trên Google vẫn không có. Tác giả của nó, theo ký ức của tôi, có thể là Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Nhưng tôi nghĩ là của Tùng thiện vương (hoàng thúc của vua Tự Đức, rất giỏi thơ văn). Nguyên bài hát nói ấy như sau, theo trí nhớ:

Học trò xứ Quảng (không phải trong) ra thi

Thấy cô gái Huế chân đi không rời

Sự đời nghĩ cũng nực cười

Một con cá lội mười người buông câu

Khách hà nhân giả

Đường ngựa xe xa mã rắp đua chen

Mấy mươi năm nghiên bút sách đèn

Thi cử đến cũng một phen ra sức

Nào tiền của chõng lều lương thực

Vượt núi sông nô nức đến kinh kỳ

Tưởng rồi đây áo gấm với vinh quy

Thông kinh sử mong gì không đỗ đạt

Thú thành thị khách còn ngơ ngác

Khác chi loài mường mán lạc về kinh

Rõ oái oăm con Tạo khéo đa tình

Xui cô gái Huế chàng thư sinh gặp gỡ

Khách bỗng thấy tâm hồn rạng rỡ

Chân muốn đi ngờ ngợ bước không đành

Ai nỡ nào hờ hững gái đô thành

Thân tha thướt xinh như cành liễu yếu

Mắt mơ mộng dòng sông Hương trong trẻo

Làn môi son như cợt ghẹo kẻ râu mày

Khách thấy mình không uống mà say (1)

Cơn sóng sắc mới hay là thế thế

Châu ải gập ghềnh vin bẻ quế (2)

Thành xuân vướng vít muốn vin hoa

Thôi võng đào, thôi lọng tía, thôi áo gấm, thôi thẻ ngà

Bao thứ ấy há ăn qua nhan sắc ấy

Lều với chõng xếp ngay vào xó vậy

Đường công danh khách đổi lấy đường tình

Phải chăng duyên nợ ba sinh

Nếu trí nhớ tôi đúng thì từ bài thơ này có thể là khởi nguồn cho câu câu ca dao: “Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành” (Câu nhiều người chấp nhận nhất).

Cũng có thể học trò xứ Quảng học giỏi nên dễ đỗ đạt ra làm quan (có một số người ông bà họ xuất phát từ đất học Nghệ An). Và cũng có thể, các chàng trai thần kinh đem lòng “ganh tị” chăng? Không ganh tị sao lại dùng sự so sánh xúc phạm “Khác chi loài "mường mán" lạc về kinh”?

Các anh chàng Quảng Nam chúng tôi nổi tiếng HAY CÃI. Họ chỉ cần thay từ THẤY bằng từ MẤY, ý nghĩa câu ca dao hoàn toàn đổi khác.

“Học trò trong Quảng ra thi.

MẤY cô gái Huế bỏ đi không đành”.

Ghi chú: (1) Tác giả ngầm nhắc câu ca dao: Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhắm đà say. (2) Sự tích Huyền Trân Công chúa gã về đất Chiêm Thành. Chàng Đại Việt nào đó tức tối ca dao: Thương (có bản là “uổng”) thay cây quế giữa rừng/ Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo”.