Monday, January 22, 2024

THÀNH PHỐ CỦA TỰ DO.

Báo Tuổi Trẻ có bài "Không nói không được" ta thán hiện tượng nhà hàng chiếu logo quảng cáo xuống mặt đường gây hốt hoảng cho tài xế ngỡ có vật cản vội vã thắng xe gấp, suýt gây tai nạn.

Sài Gòn rất tự do.

Chúng ta còn nghe chát chúa các loại loa quảng cáo từ sáng đến tối tra tấn người đi đường phát ra từ các cửa hàng dọc các con phố. Các bảng quảng cáo nhan nhản án ngữ các lối đi trên lề đường.

Hàng hóa chất trong nhà bò ra lề, sát đường đi, các khách mua chỉ cần dừng xe lại là mua được hàng, xe vẫn còn nổ máy.

Có nhà hàng "quản" luôn khoảng không trước cửa, dưới lòng đường. Tôi nói không ngoa, quý vị thử dừng xe  (máy, chưa nói tới xe hơi) trên đường trước mặt nhà chốc lát, chắc chắn chủ nhà nếu tiệm nhỏ, bảo vệ nếu cửa hàng to, sẽ bảo bạn phải đi ngay, và khôn hồn chớ có lý sự "lòng đường tôi dừng đâu chẳng được" đấy nhé (ấy là con phố ít xe qua lại).

Sài Gòn mỗi sáng ra rả loa phường "mọi người phải ý thức bảo vệ thành phố xanh, sạch, đẹp, không để âm thanh quảng cáo quá to, không vứt rác bừa bãi...". Nhưng quý vị có thấy đủ thùng chứa rác khác màu đều khắp các đường phố như ta từng thấy ở Singapore chưa? Vứt rác bừa bãi là phải rồi. Và quí vị có thấy ai trách nhiệm kiểm tra cường độ âm thanh của những loa quảng cáo? Cư dân đi xe căng thẳng tinh thần, sẵn sàng ra tay đấu mỗi khi va quẹt xe thật dễ hiểu.

Kẹt xe là vấn nạn. Những dãy chợ tự phát dọc các lề đường người mua bán như tôi nói ở trên vẫn hoạt động tự do thoải mái, xe phải chen nhau, nhích từng chút, người lái xe vừa ngửi khói bụi, ngửi mùi cá thịt heo gà, vừa nghe các loa quảng cáo cam, rau, chuối, thuốc chống rối loạn cương dương...một loại âm thanh hầm bà lằng và một mùi tả pí lù phả lên như từ đống rác. Vào giờ tan tầm hay đón học sinh, trước xí nghiệp hay trường học, cơ mang nào xe, nào người… Xây dựng thành phố  thông minh xa vời quá.

Trước mắt, có mấy cái cần làm.

1- Dẹp ngay lối quảng cáo chiếu logo xuống đường.

Đo cường độ các loa kẹo kéo, phạt ngay nếu quá mức.

2- Chợ thức ăn dọc lề đường ở một số con phố đáp ứng nhu cầu có thật của người dân, không thể dẹp bỏ. Chỉ có cách, hàng phải bày trong nhà, xe người đi mua phải để trên lề trước cửa hàng.

Nghiêm cấm các xe 3 gác chở trái cây, thực phẩm khác, đậu trên đường khu vực có chợ tự phát này.

3- Cho phép phụ huynh chạy xe vào sân trường đón học sinh(một số trường ở quận 12 làm như thế), đường sá ít bị kẹt xe do lượng xe phụ huynh chờ đón rất đông.

4- Phạt thật nặng kẻ vứt rác bừa bãi, đái bậy, ỉa bậy.

5- Đã đến lúc dừng "giáo dục, tuyên truyền" nữa trên các loa phường mỗi ngày (âm thanh loa phường cũng phải tuân thủ luật không quá to, quá lớn).

Hãy xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm. Tô Hoài nói Hà Nội "thanh lịch" một phần cũng nhờ có mấy thằng cò (cảnh sát) đi xe đạp lòng vòng, kè kè cuốn biên lai phạt bên hông. Ỉa bậy, đái bậy, vứt rác...A lê hấp, phạt ngay. Nếu không phạt người không đội mũ bảo hiểm, chỉ giáo dục, tuyên truyền thôi, trăm năm nữa  lên chủ nghĩa xã hội, chưa chắc người dân chấp hành, dù đội mũ có lợi cho bản thân họ.

Nhưng, nói nhiều cũng chả ăn thua, nhiều người nói rồi. Tôi nghiệm rằng Sài Gòn là thành phố tự do nhất. Không thấy một cảnh sát bắt một người vứt rác bậy, chưa kể đái bậy. Các loa kẹo kéo mọc ra hơn nấm, tự do tra tấn lỗ tai dân Sài Gòn. Các bác tránh kẹt xe chạy luôn lên lề chớ hề thấy ai bị phạt vì họ nhiều quá, cảnh sát ít quá? Tự do, ai mà không thích, nhất là tự do muốn làm chi cũng được như những chuyện nói trên. Tự do muôn năm.

BẮT HỌC SINH QUỲ

Chúng ta đang chứng kiến thảm trạng như thế ngày càng nhiều trong giáo dục. Cô giáo bị đình chỉ 1 tuần vì bắt học sinh "cá biệt" quỳ gối trước lớp.

Phản ứng chia 2 hướng. Một, lên án việc làm nhục trẻ em. Hai, ủng hộ việc "trừng phạt" học sinh cá biệt, quậy phá. Người ta viện dẫn lúc nhỏ, họ từng bị thầy đánh, phạt, thậm chí bắt quỳ trên gai mít, hai tay giang với 2 cục đá, hay nằm chồng lên nhau, thầy đánh roi vào mông. Và kết luận "nhờ vậy họ đã nên người".

"Thương cho roi cho vọt" là "triết lý" giáo dục thịnh hành có thể là cả ngàn năm nay ở  VN. Có ai tự suy gẫm triết lý ấy đơm hoa kết trái thế nào chưa? Trẻ con bị nhục hình giáo dục(như phạt quỳ) nhận 2 hậu quả: lòng oán hận và "trút oán hận" lên người khác khi có cơ hội. Cả hai hậu quả đều không phải là yêu cầu của giáo dục. Nhưng nếu không phạt bằng nhục hình, trẻ con sẽ...hư hỏng sao?

Các nước tôn trọng trẻ con, không hề có trẻ bị đánh, bị phạt nhục hình, nền giáo dục họ kém sút cả à? "Không trị học sinh cá biệt, quậy phá, có mà loạn". Câu nói ngắn này biểu hiện bất lực của giáo dục. Nhà trường sinh ra để làm gì, nếu mục đích không phải biến những học sinh quậy phá, cá biệt này thành những học sinh tốt, học sinh gương mẫu? Phạt nhục hình học sinh nói lên sự bất lực của thầy, cô. Hãy bàn thêm hệ quả của "thương cho roi, cho vọt".

Thế hệ này tiếp thế hệ kia, hàng trăm thế hệ, trong lịch sử, đào tạo con người thế nào? Lúc nào con người cũng bị buộc khuất phục kẻ có sức mạnh, dẫu là sức mạnh "bá đạo". Có vị vua đáng kính của chúng ta chẳng từng quỳ gối "nhận làm cha" kẻ xâm lược giết hại dân mình trong lịch sử? Nhiều vị vua hằng năm phải đúc tượng vàng mà triều cống. Mỗi lần lên ngôi đều phải "báo cáo" xin thừa nhận của Thiên triều, luôn coi mình là nước chư hầu không phải chỉ có ở thời xưa.

Cũng không khó hiểu nhiều nước phương Tây có nền dân chủ tiên tiến mà các nước châu Á bị đè nặng ảnh hưởng tai hại của Nho giáo (quân-sư -phụ) lẹt đẹt rất lâu trong tiến trình dân chủ (ngoại trừ Nhật Bản sớm thoát Á, Hàn Quốc, và vài nước sớm từ bỏ Khổng giáo, tiếp nhận văn minh phương Tây hết sức dứt khoát).

Tất cả thật ra là hậu quả của giáo dục "quỳ gối" do đòn roi khuất phục. Trẻ con luôn được tạo dựng theo hình mẫu người lớn, không được tạo dựng theo hình mẫu của chính chúng, tự do phát triển theo lứa tuổi, tư chất khác biệt cá nhân, tư tưởng của chúng phải...giống tư tưởng người lớn. "Tử viết...Tử viết"( tên gọi Khổng Tử), cái gì " lãnh tụ" phán ra cũng đều là ánh sáng, là khuông vàng thước ngọc, ai cưỡng lại sẽ bị "đòn roi".

"Bắt học sinh quỳ" (buộc khuất phục, "cho biết thế nào là nhục"), khiến chúng phải như người lớn "ngoan ngoãn", là hình thái giáo dục hình thành một xã hội luôn luôn cam phận, luôn luôn cam chịu,  luôn luôn tự  bằng lòng, dù có phải bị tước đi những quyền lợi cơ bản như tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt...

Chúng ta cũng sẽ không ngạc nhiên khi VN có những con người thông tuệ, giỏi giang (nhất là trong nước) nhưng chẳng ai có những phát kiến vĩ đại làm thay đổi xã hội đang sống  chứ chưa nói đến thay đổi thế giới, tầm cỡ Samsung, Apple...

Tư tưởng cũng phải được định hướng, lấy đâu ra tư tưởng tự do, để có những tư tưởng vĩ đại, những phát minh vĩ đại? Người ta sẽ viện dẫn Huawei để phản bác quan điểm của tôi rằng TQ định hướng "tư tưởng" mà sản phẩm công nghệ của họ đang chi phối thế giới. Xin thưa, bí quyết phát triển "thần kỳ" của họ là...ăn cắp, ăn cắp sở hữu trí tuệ, thế giới đang lên án, tẩy chay.

Bắt học sinh quỳ là hành vi bị phản ứng nhưng việc đó nói lên cái gì? Dùng sức mạnh (của thầy) khống chế kẻ dưới cơ (học trò) để biện minh lối giáo dục buộc mọi người chấp nhận khi vào đời nếu "sai phạm" sẽ bị " trừng phạt, bị bắt cảm nhận sự nhục nhã, để trở thành người tốt. Công an, cảnh sát,  tòa án, nhà tù...quan trọng hơn nhà trường hay sao? Nhốt tù càng nhiều, trừng phạt càng khắt khe, sẽ khiến xã hội tốt đẹp hơn à? Chúng ta không từng đọc báo thấy vài nước "tư bản giãy chết" như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hà Lan... nhà tù đang..."ế ẩm" là gì?

 Bắt quỳ học sinh cho chúng tốt hơn, tuy cá biệt, nói lên trong tâm thức của một số người suy nghĩ chỉ có trừng phạt, chỉ có làm nhục, những người xấu sẽ thành người tốt, xã hội cần hình phạt nặng nề hơn mới yên bình hơn. Như vậy, giáo dục sinh ra để làm gì?

Vấn đề lớn hiện nay không phải dẹp bỏ việc làm nhục học sinh bằng cách bắt nó quỳ mà là làm sao gột bỏ khỏi đầu óc con người làm giáo dục cái tư duy "bắt thế hệ sau phải như thế hệ trước", ngoan ngoãn, dễ bảo, theo một định hướng tư tưởng nào đó.

Nếu không có những suy nghĩ đột phá (out-of- the- box thinking) trong giáo dục hiện nay thì học sinh, thế hệ rường cột nước nhà, sẽ bị..."bắt quỳ" mãi mãi, không phải bằng đầu gối, mà bằng... đầu óc, từ trong trứng nước. Đó mới cần phản ứng, chứ không phải chỉ phản ứng cô giáo bắt học sinh quỳ.

VESAK 2019.

Những năm "Phật giáo đấu tranh" (1966) ở miền trung, thành phố Hội An, tôi chứng kiến nhiều buổi mít tinh biểu tình do tỉnh hội tổ chức. Một lần mít tinh có tham dự của tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh vùng I chiến thuật và  tỉnh trưởng Quảng Nam Nguyễn Ngọc Chi. Những học sinh đệ lục chúng tôi rất khoái cảnh đi theo đoàn biểu tình la hét khẩu hiệu" đả đảo Thiệu, Kỳ, Có"(lãnh đạo miền Nam thời đó).

Phật giáo Quảng Nam đóng vai trò khá mạnh mẽ phong trào chống chính quyền Sài Gòn. Phật giáo có lẽ " đồng hành cùng dân tộc" rất sớm.

Sáng nay, khẩu hiệu ấy cũng nằm chễm chệ trên chánh điện 1 ngôi chùa bề thế của quận nơi tôi ở. Chùa tổ chức lễ Vesak. Nghe phần giới thiệu, biết nhiều chư tăng hòa thượng, và nhất là sự có mặt của các cấp đại diện chính quyền. Mở đầu lễ là "quốc ca", Đoàn quân VN đi...Kế đến là "đạo ca", Phật giáo VN...

Tôi chỉ nghe, không được nhìn, lúc cử nhạc quốc ca, đạo ca, cờ có được kéo lên, cờ đỏ sao vàng trước rồi cờ Phật giáo sau, từ từ như hồi nhỏ còn đi học, hát dứt bài, cờ vừa tới đỉnh cột. Sau những màn giới thiệu lê thê, "dâng hoa" cho hòa thượng, các cấp cán bộ chính quyền, phần đọc thư ông tổng thư ký Liên hợp quốc chúc mừng đại lễ, thư đức pháp chủ, là phần giới thiệu, tối nay trình diễn văn nghệ trong sân chùa, với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, bảng quảng cáo ngay cổng chùa có cả Phương Dung ở hải ngoại về. Hấp dẫn, nha.

Tôi là người công giáo nhưng có "lương duyên" với phật giáo. Thời niên thiếu, tôi thỉnh thoảng được ở một thời gian trong chùa, theo các bạn là các " chú tiểu " lúc bấy giờ (nay hầu hết họ đã thành hòa thượng) để có chỗ học bài...cho nó yên tĩnh. Gác chuông là chỗ tôi được "phân công" ở đó, mỗi đêm. Không khí tĩnh lặng trong chùa là niềm phúc hạnh, đối với tôi.

Tất nhiên "phật giáo đấu tranh" sau đó chấm dứt, ngôi chùa Pháp Bảo trở về an bình như trước, chỉ có tiếng chuông mỗi sáng tinh mơ, và những buổi "công phu" (tụng kinh, thì phải) với những âm thanh ngân nga phát ra những lời kinh kệ nhẹ nhàng, bắt nhịp bằng những tiếng mõ trong veo, ngắt hồi bằng những tiếng khánh thánh thót. Hương, trầm thoang thoảng, đức Phật ngồi trên tòa sen, tĩnh mịch, nét mặt Ngài từ bi, nhân hậu, với nụ cười an lạc đang cứu độ chúng sinh.

Tôi có dịp theo các chú tiểu ra thăm chùa Phước Lâm, chùa Chúc Thánh, chùa Long Tuyền xa tít tắp, rất thú vị đối với cậu bé gầy còm vì mụ mị học như tôi. Các ngôi chùa này có không khí, không gian, còn yên tĩnh hơn nhiều ở chùa tỉnh hội, chúng nằm xa thành phố, ngoại ô Hội An thanh vắng.

Những cây cổ thụ ríu rít tiếng chim không làm cho ngôi chùa bớt đi tĩnh mịch. Sự xa cách chốn "phồn hoa" là có thật ở những ngôi chùa này. Bóng cả, cây cao, tiếng mõ đều đều, tiếng chuông thanh thoát, các bước đi của sư thầy, chú tiểu, nhẹ nhàng như gió thoảng, lá rơi, những cái nhìn độ lượng, những cái xá tay chào nhau lặng lẽ, những nụ cười đơn sơ, chan chứa đạo hạnh, tràn đầy yêu thương. Những ngôi chùa này có lẽ chưa "đồng hành cùng dân tộc" nên chưa hồ hởi, tưng bừng như mấy chục năm sau. Nghe đâu chùa Chúc Thánh sẽ được "hạ giải"(đập bỏ) để xây chùa mấy chục tỉ trong tương lai.

Đời thay đổi, đạo cũng phải đổi thay!

Ngôi nhà thờ 134 tuổi ở Bùi Chu (hình) cũng sẽ bị đập bỏ xây mới (nghe đâu được ngưng, cầu trời nó được giữ lại). Sự đổi thay ngoài đời là lẽ tự nhiên trong đà tiến hóa. Sự thay đổi nơi chốn linh thiêng của tôn giáo, có cái gì đó làm cho chúng ta, vốn yêu quý sự cổ kính, sự tĩnh mịch, những ngôi nhà thờ, những ngôi chùa mang lại, cảm thấy bồi hồi, tiếc nuối, khi có ngôi chùa, có nhà thờ cổ xưa nào đó bị đập bỏ để xây lại cho nguy nga, hoành tráng.

Con người càng tiến bộ, càng muốn đập bỏ quá khứ để mau chóng chia tay nó hay sao?

Quá khứ ở đây là sự tĩnh mịch chốn thiền môn, nơi đã từng có "cô Lan" giả trai đi tu, thầm yêu Ngọc, trong Hồn bướm mơ tiên; một ngôi chùa hiện ra ở lưng chừng đồi, có sư cụ tụng kinh mỗi chiều, những chiếc lá vàng rơi rụng, rơi rụng, như tiễn biệt Lan, Ngọc...chấm dứt trong đau khổ mối tình đầu dưới bóng Từ Bi, một  mối tình trong trắng, nên thơ, và lãng mạn.

Những ngôi chùa của tôi trong quá khứ không còn. Tiếng chuông chùa chỉ vang vọng trong hồn tôi, trong "Hồn bướm mơ tiên".

Vesak, tối nay sẽ rất vui, ca nhạc kịch, những tiếng vỗ tay, cổ vũ, sẽ nhộn nhịp ồn ào cả sân chùa bề thế. Tôi yêu giọng ca Phương Dung từ lúc thanh niên và mong được tận mắt nhìn nữ danh ca.

Nhưng, thôi, tôi sẽ không đi xem văn nghệ mừng Vesak. Tôi sẽ ở nhà ao ước thành bướm để... mơ tiên.

Nhà thờ Phát Diệm.

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, sinh viên sư phạm chúng tôi được học tập chính trị rất nhiều trong lúc chờ chương trình học chính thức. Một trong những câu chuyện được kể nhiều nhất là về chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hay nhắc đến nhiều nhất là tính giản dị và tiết kiệm của cụ. Chẳng hạn, khi ngồi chung với một số người đang cùng xem tiết mục văn nghệ quần chúng, cụ rút thuốc ra định hút, một người ngồi cạnh vội vã lấy hộp quẹt diêm Thống Nhất (?) ra đưa cho. Cụ lắc đầu bảo người ấy đưa điếu thuốc đang hút dở để cụ mồi. Cụ bảo hãy tiết kiệm dù chỉ là một que diêm. Ai nghe cũng cảm phục. Tiết kiệm vào thời điểm khó khăn do chiến tranh là điều dễ cảm thông.

Việc làm của lãnh tụ luôn mang tính biểu tượng nhằm tuyên truyền giáo dục. Một số người không phải lãnh tụ cũng bắt chước việc làm như  lãnh tụ cốt để gây ấn tượng truyền thông. Ông cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn, cùng vài vị khác  mới năm nào từng vào vùng biển bị xả thải bởi Formosa, ung dung  tắm biển và ăn cá. Việc làm của ông ngụ ý biển an toàn và cá cũng an toàn. Ông là quan chức "làm gương" thì người dân hãy cứ an tâm tắm biển và ăn cá trong khi nếu biển và cá không nhiễm độc,  Formosa không dại gì bỏ ra 500 triệu đô la Mỹ khắc phục hậu quả.

Chúng ta khoan nói đến việc người dân "làm theo" ông ta sẽ gặp một hậu quả khôn lường: vô tư ăn những hải sản ô nhiễm tác hại tương lai sức khỏe họ và con cháu họ sẽ thế nào? Cán bộ đi trước làng nước theo sau. Mới đây, hình ảnh trên báo mạng cho thấy một vài cán bộ cùng nhau ăn thịt heo trong lúc cả nước hốt hoảng trước nạn dịch tả heo châu Phi.

Chưa có chứng minh bệnh lây sang người, heo bị dịch cũng phải được tiêu hủy hết sức cẩn thận. Hình ảnh ăn thịt heo để chụp hình có mục đích gì? Chắc chắn các vị ấy sẽ không ăn thịt heo mắc bệnh nhưng "quảng bá" như thế vô tình làm người dân thoải mái ăn thịt heo mà không cảnh giác cẩn thận thịt heo lành và thịt heo bệnh.

Phải chi chụp cái hình các vị xắn ống quần lên cùng đoàn vệ sinh dịch tễ vào các trại heo phun thuốc phòng chống dịch, bức hình  sẽ  có tác dụng biết bao. Học tập và làm theo cũng cần phải sáng tạo. Ông bà ta chẳng có câu đúc kết rất hay "con hơn cha là nhà có phước" là gì?

Nhà nước cũng rất có lý khi nói "học tập và làm theo đạo đức, phong cách HCM". Họ không nói "học tập và làm theo chủ tịch HCM", vì nếu học mọi cái, như cách tiết kiệm nói ở đầu bài thì sản xuất hàng ra ai mà tiêu thụ?

TIỀN NHIỀU, ĐỂ LÀM GÌ?

Câu nói nổi tiếng trước tòa của ông chủ Trung Nguyên nổi tiếng. Tiền nhiều để giúp xóa nợ 400 sinh viên vay theo học ở trường Morehouse, bang Georgia, Mỹ. Robert Smith đã bỏ ra 9 triệu đô la để làm một việc nghĩa hiệp, không hiếm ở xã hội Mỹ. Bill Gates dành hầu hết tài sản khổng lồ làm từ thiện. Mỹ có nhiều tỷ phú chia sẻ giàu có cho những người nghèo như thế.

Các nhà giàu có nứt đố đổ vách ở TQ, VN, có mấy người như vậy? Tiền nhiều để làm gì?

- Để thâu tóm những mảnh đất nông nghiệp giá bèo, biến chứng thành đất giá vàng, giá kim cương.

- Để xây cho mình, cho gia đình những "lăng tẩm" hàng tỷ, xưa vua chúa mới làm nổi, phòng khi về với các cụ;

- Để xây những ngôi chùa hàng trăm tỷ, sắp tới sẽ có chùa...to nhất thế giới.

Người châu Á, cụ thể người VN, rất lo xa trong cuộc sống. Không những lo cho hiện tại, họ còn lo cho tương lai; không những đầu tư của cải vật chất, họ còn  "đầu tư tâm linh". Nhìn những mâm cúng đầy tiền trong các buổi ngồi đồng dâng cho cậu, cho cô, trong các đền sơn son thếp vàng, với ánh đèn màu sáng rực, lô nhô hằng hà các tượng thánh, vị nào mặt cũng đỏ gay, như chăm chú nhìn xuống kẻ "hầu đồng" giàu có đang dâng hậu lễ, tờ 500 trăm, có cả đô la mới cáu, xếp xòe ra như cánh quạt.

Có ai sắm những mâm lễ ngất ngưởng, gồm tiền và tiền, cầu cho bình an hay không? Có chứ, họ cầu bình an trong kinh doanh, bình an trong thăng tiến con đường danh vọng. Bỏ hàng chục, hàng trăm tỷ "cúng dường" xây dựng những ngôi chùa hoành tráng có để cầu cho "quốc thái dân an"?

"Cao lễ, dễ thưa" ngay trong một số chùa.

Đức Như Lai ngồi trên tòa sen mỉm cười từ bi vô lượng nhưng trong con mắt của những nhà "đầu tư tâm linh", nụ cười của ngài dường như...vui vẻ, bằng lòng phù trì cho họ, làm ăn phát tài hơn nữa nếu là đại gia, thăng tiến hơn nữa nếu là quan chức.

Có bao nhiêu ngôi trường, bao nhiêu cây cầu (để thay đi cầu khỉ), bao nhiêu bệnh xá (chưa nói tới bịnh viện) được các tỷ phú người Việt bỏ tiền ra xây dựng? Xây chùa, sẵn sàng. Trường học, cầu, bệnh xá, có ông thánh nào trong đó phù trì cho họ đâu?

Chúng ta vui mừng GDP mỗi năm với tỉ lệ đẹp khiến nhiều nước "ghen tị", có nước mô đó còn muốn "học tập và làm theo". GDP đó biết đâu không có phần đóng góp từ số tiền khổng lồ bỏ ra xây chùa của một số đại gia giàu nứt trứng? GDP đó chắc chắn có tiền của bọn tham nhũng, bòn rút của công, những con người lòng dạ cá sấu, miệng luôn rao giảng đạo đức, hàm răng trắng nhởn với cặp mắt rưng rưng những giọt lệ thương xót "đồng bào". GDP đầu người cao, nhưng nhiều người còn chưa rõ: kẻ đang ăn một con gà rán, kẻ kia đứng nhìn, thèm chảy nước miếng. GDP bình quân mỗi đầu người: nửa con gà béo ngậy.

Phấn khởi lắm. Biết đến khi nào chúng ta có được những người giàu có như tỷ phú  da màu vừa cho 9 triệu đô la giúp sinh viên xóa nợ? Và cũng biết đến khi nào, người ăn trọn con gà ngon kia chia sẻ bớt cái cánh, cái cổ, hay 2 cái giò, cho người  đang nhỏ dãi đứng nhìn? Người này cũng được "chia đều" GDP đó chớ.

NGẠC NHIÊN, CÓ GÌ MÀ NGẠC NHIÊN?

Nhiều người hốt hoảng trước kết quả học tập 1 trường ở Vũng Tàu 42/ 43 học sinh giỏi. Nhà chức trách sẽ 'vào cuộc" xem xét. Có chi lạ đâu mà...vào cuộc. Nhắm mắt cũng biết, nếu có thể, cả triệu học sinh VN sẽ đạt 99, 99 phần trăm học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Nếu không như thế thì giáo dục nước nhà sẽ thụt lùi  sao?

Không chỉ có ông giáo dục, các ông khác cũng ưa thích những "con số đẹp" như thế. Các bác để ý đố tìm ra làng nào không đạt làng văn hóa, xã nào không xã văn hóa, gia đình nào không gia đình văn hóa. Có chắc mọi làng, mọi gia đình, được công nhận "danh hiệu văn hóa" đều văn hóa?

Bệnh thành tích chính là...thằng đánh máy, tại nó hết trơn hết trọi.

Tôi là một sếp cấp nho nhỏ mô đó. Nếu tôi không có thành tích, đố mà bò lên chức. Thành tích sẽ là bậc thang dẫn lên cao. Nhưng vì hoàn cảnh éo le, mỗi địa phương có giống nhau đâu, thành tích sẽ khó đạt, chẳng lẽ bó tay? Số đẹp như vàng 4 số 9 sẽ là cứu cánh. Đẹp bên dưới  và sẽ đẹp bên trên. Ai cũng win-win.

Nếu gom lại một chỗ tất cả giấy tờ khen thưởng, huân, huy chương, ghi nhận thành tích xây dựng đất nước mấy chục năm nay, núi Thái Sơn e cũng không cao kịp. Nhưng kết quả thành tích thế nào? Xây cái chi, làm cái gì, cũng ngóng tới tiền vay, tiền mượn.

Chỉ có 1 con đường huyết mạch quốc gia, cột sống của đất nước, hằng hà trạm thu phí, lý do: mượn tiền các nhà đầu tư sửa đường, làm đường, buộc phải trả tiền cho họ, BOT là lẽ sống, các bác có chi mà than vãn. Nếu than vãn, hãy than vãn ông...thành tích.

Một lớp học, một đơn vị, đâu có phải may mắn có được hầu hết học sinh giỏi, hầu hết nhân viên tiên tiến đâu. Ra chỉ tiêu phải giỏi, phải tiên tiến, thực tế không đáp ứng, buộc phải đẻ ra các con số, những con số đẹp, rứa thôi.

Mấy chục năm rồi, chúng ta không học gì được ở những nước tiến bộ chung quanh, như Thái Lan, Mã Lai, không nói Singapore, họ có như ta, nghĩa là "thi đua", "báo cáo thành tích" trong mọi mặt đời sống? Họ chả thi đua, chả báo cáo thành tích, chẳng lẽ họ thua kém chúng ta?

Tôi chưa ở Mỹ, không biết họ tiến bộ vượt bậc nhiều mặt, có nhờ phép lạ của thi đua hay không?

Cái bác giáo dục yêu quý tỉ lệ 42/43 học sinh giỏi đã thế thì xã hội, phát triển nhờ giáo dục, yêu quý con số đẹp cỡ nào?

Chừng nào giáo dục được con người VN lấy học tập làm phương tiện hiểu biết mình, hiểu biết cuộc sống, làm hành trang vào đời, không lấy học tập làm mục tiêu thi đua, bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu tốt nghiệp đại học bằng đỏ, bao nhiêu ngàn tiến sĩ, bao nhiêu ngàn giáo sư, bao nhiêu nhà giáo ưu tú, bao nhiêu nhà giáo nhân dân...lúc đó áp lực thành tích sẽ không còn đè nặng lên vai thầy, trên tâm hồn học sinh, từ rất lâu khiến giáo dục phát triển méo mó, lệch lạc.

Nhưng muốn thay đổi một thực trạng đã ăn sâu trong đầu óc mọi người mấy chục năm nay như thế thật rất cam go. Nội cái chuyện này thi, mai bỏ tốt nghiệp phổ thông, đã tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức, huống hồ chuyện xem xét lại bỏ hay duy trì "triết lý thi đua, thành tích thi đua", bác nào mà ê a mạnh miệng sẽ bị "phạm húy" tức thì.

Nhưng, chẳng lẽ cứ duy trì con số đẹp mãi mãi 99, 99 hay sao? Ước mong cho nước nhà rảo bước cùng các nước tiến bộ năm châu mà không oằn oại với tư duy chỉ tiêu năm sau "cao" hơn năm trước. Chỉ cần ta "cao" hơn chính ta là phúc hạnh cho dân tộc này lắm lắm.

Bị phạt quỳ. Hình phạt xúc phạm nhân phẩm.