Sunday, January 21, 2024

KHÁT VỌNG HAY BỆNH CHIẾN THẮNG?

Trận bóng đá King cup, Việt Nam thắng Thái Lan đã làm nức lòng không những người hâm mộ mà còn làm nức lòng hầu như mọi người VN. Có người còn đi xa hơn khi nhận định " VN đã rửa được nỗi nhục" thua mãi Thái Lan trong quá khứ (TL:15 trận thắng, 4 huề, 2 thua).

Huấn luyện viên Park được ca ngợi như là nhà phù thủy dẫn dắt thành công đội tuyển VN, những cầu thủ như Thánh Gióng thời nay. Nhưng nếu đội bóng thua, và không chỉ một trận, trong tương lai, liệu người hâm mộ VN có rút lại những lời ca ngợi như thế và không "chì chiết" ông Park và trách móc các anh cầu thủ đã cống hiến hết sức mình trong "quá khứ"?

Có ai vô địch mãi đâu, chỉ trừ cái chủ nghĩa "vô địch muôn năm" ta thường nghe trong mấy chục năm nay. Chiến thắng có được  khi "đánh nhau" hay "đấu nhau". Chiến thắng cũng như thành công không bao giờ...mãi mãi.

Thắng thua, được mất, là quy luật của xã hội. Nhưng người VN không biết đến thua, không biết đến mất, chỉ biết có thắng, chỉ muốn hơn người?

Trong lịch sử, không phải chỉ bây giờ, người Việt Nam luôn được dạy...chiến thắng. Chiến thắng, chiến thắng, và chiến thắng. Rất hiếm chuyện thất bại được giảng dạy cặn kẽ, dù thất bại thật ra còn nhiều hơn chiến thắng trong quá khứ.

Không thế thì 1000 năm bị đô hộ đã  không có. Những cuộc chiến tranh giỏi lắm kéo dài một hai tháng, cùng lắm một hai năm. Sẽ không có chuyện "trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi".

Có thể lịch sử không dạy người dân học nhiều về thất bại, chỉ dạy có chiến thắng nên đất nước chúng ta liên tiếp cuốn hút vào nội chiến, vào chiến tranh xâm lược, vào những cuộc chiến "cùng chiến hào" với XHCH hay TBCN trong thời gian dài hay không? Thất bại là mẹ thành công.

Nhưng có ai dạy dỗ trong trường lớp thất  bại mà chỉ dạy toàn là chiến thắng, hết Tàu, đến Nhật, Pháp, Mỹ, Miên...

Chiến thắng Đống Đa, chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng 30/4... bao nhiêu người chết, bao nhiêu người hy sinh, máu đổ thế nào, hay chỉ có địch chết mà ta thì không? Hậu quả của những "chiến thắng" ấy đã đè nặng, phủ trùm mất mát lên quê hương, tổ quốc như thế nào? Hay cứ mãi ngợi ca "thênh thang tự hào"?

Chúng ta không coi thường mà phải kính trọng công lao của những anh hùng, tử sĩ, đã hiến dâng cuộc đời họ cho sự trường tồn của tổ quốc này. Nhưng con dân đất Việt cần được giáo dục và hiểu thấu cái đau đớn của tổn thất tinh thần và vật chất sau chiến thắng, dù đó là chiến thắng ngoại xâm.

Bao nhiêu người chết trong chiến tranh của cả 2 phe Nam Bắc được thống kê chính thức?

Cái giá hàng triệu người chết "cho" chiến thắng có được giảng dạy trong học đường hay không?

Những trận đánh thua, hàng ngàn người bỏ mạng có được nhắc tới không, hay chỉ có "địch" bị hạ mà ta thì không? Tôi học lịch sử từ nhỏ, và mọi người cũng như tôi, chưa học bài nào nói về trận đánh thua của ta, với những nhận xét nguyên do vì sao. Toàn là chiến thắng. Và con người Việt Nam luôn được giáo dục tự hào về chiến thắng. Lịch sử VN là lịch sử chiến thắng. Thất bại không được nhắc tới.

Tư duy như thế chúng ta sẽ chiến thắng mãi mãi, nghĩa là sẽ đánh nhau mãi mãi hay sao?

Nếu thất bại trước Thái Lan hay bất cứ nước nào trong bất cứ "trận địa" nào mà người dân bình tĩnh, bình tâm suy nghĩ, tìm hiểu vì sao thất bại, không còn chuyện chiến thắng thì ngợi ca, thất bại thì chỉ trích, thậm chí đổ trách nhiệm lên đầu những người từng làm nên chiến thắng thì phúc hạnh biết bao cho dân tộc này.

Thắng hay thua, thành công hay thất bại đều có những bài học giá trị như nhau, nghĩ được như thế, người VN chúng ta sẽ thăng tiến nhanh hơn, sẽ không còn  bị hào quang quá khứ làm ngây ngất tầm nhìn đi đến tương lai; không có chuyện thắng một trận đá bóng, mấy chục người bỏ mạng vì chạy ra đường đi bão...mừng chiến thắng. Chiến thắng quan trọng hơn mạng sống con người hay sao?

TRI ÂN VÀ CHIA TAY TỪ BIỆT, TT TRUMP GỬI ĐẾN THẾ HỆ VĨ ĐẠI NHẤT.

(Trump bids farewell and thank you to the greatest generation)

Tổng thống Donald  Trump có mặt trong giờ phút, thật tuyệt vời, với những ngôn từ bóng bẩy như thơ nhờ giản dị.

Rời nhóm người quây quần giữa những nấm mồ người Mỹ đã ngã xuống ở Normandy, ông chăm chú nhìn vào những gương mặt nhuốm đẫm thời gian, đồng đội còn sống của những người đã khuất, những người không bao giờ quên nỗi kinh hoàng của bờ biển phía xa xa bên dưới.

Ông đi trước chào đón những con người, phần nhiều không đứng nổi, một lần nữa vượt đại dương, như họ đã từng làm ba phần tư thế kỷ trước trong một sứ mạng cứu lấy tự do.

“Quý vị là niềm vinh quang của nền cộng hòa chúng ta và tự đáy lòng, chúng tôi mang ơn quý vị.”, Trump tuyên bố.

“Quý vị là những người Mỹ vĩ đại nhất trong những người Mỹ từng sống”, Trump phát biểu “Hôm nay, chúng tôi xin bày tỏ lòng tri ân vô hạn”.

Nhúm cựu chiến binh già nua, hãnh diện đeo những huy chương trước ngực, mũ lưỡi trai gắn đầy chiến tích, thấm thía với những lời ca ngợi. Ba đồng đội đứng sát bên nhau sau lưng tổng thống trong một tấm poncho (loại mền lính -ND) – tả lại cảnh như cùng trong một hố chiến đấu cá nhân thuở trước.

Ai đến viếng những vùng đất chết người của Normandy cũng đều thấy mình nhỏ bé và tràn đầy cảm xúc.

Khi những nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau để đánh dấu những kỷ niệm lịch sử, lòng mọi người trở nên chùng hẳn xuống.

Những cái tên, những độ tuổi, và quê hương của những người ngã xuống, được khắc sâu trên những tấm mộ bia gần đó, bảo bọc nỗi kinh hoàng bất chợt đổ xuống của một cuộc chiến tranh toàn thế giới.

Nhưng năm nay, có cái gì đó hơi khác, chua xót hơn, kết thúc những ghi nhớ tưởng niệm cái ngày D-Day lịch sử. (Ngày đánh dấu sự đổ bộ của đồng minh vào bờ biển Normandy nước Pháp, 6 tháng 6 năm 1944 – ND)

Cao giọng với những thông điệp hiếm hoi tình cảm và đoàn kết, nhân danh những người Mỹ, thường gọi là thế giới tự do, Trump thực sự đã chia tay một thế hệ vĩ đại nhất.

Một lần duy nhất, những tuyên bố vung vít và sự chệch choạc của Trump- khởi nguồn từ khi lên làm tổng thống, cùng những phản ứng của những người chống đối -  đã được bỏ qua.

Có một cảm nhận: chương sử văn hóa và chính trị - giúp định hình cuộc sống người phương Tây 75 năm qua -  đang khép lại, một tương lai đầy tranh cãi còn bỏ ngỏ.

Người Pháp kỷ niệm ngày Chiến thắng mỗi năm, nhưng những sự kiện trọng đại thường đánh dấu năm năm 1 lần, thu hút các cuộc viếng thăm của các vị tổng thống đến những chiến trường và những nghĩa trang thiêng liêng.

Mỗi lần kỷ niệm, đội ngũ những cựu binh luống tuổi mỗi lần vắng đi đáng kể. Năm nay, trong 173 cựu binh Mỹ đệ nhị thế chiến, chỉ có 65 người có mặt lần này.

Những vị lãnh đạo và những nhà chính trị ra lệnh cho công dân mình nhảy vào chảo lửa của Đức quốc xã vào sáng ngày 6 tháng 6 năm 1944 đã từ lâu không còn ở thế gian này. Những người còn lại để làm nhân chứng – có phần thích hợp – là những chiến sĩ bộ binh anh dũng trước hiểm nguy bị giết chết hàng loạt khi họ đổ bộ theo từng cánh quân lên bờ để cứu lấy nền tự do.

Hễ ai ở 20 tuổi chiến đấu trên bãi biển Omaha hay nhảy ra khỏi tàu Dakota 2 động cơ xuống bầu trời nóng bỏng hỏa lực phòng không ngày ấy đều sẽ bước vào tuổi 100 vào thời điểm tổ chức trọng thể tại Normandy lần tới.

Một vài cựu binh có thể còn sống để đi lần nữa, nhưng một sự thật là nhóm người trên 90 hôm thứ năm đã đại diện cuộc hành hương lớn và cuối cùng, đến địa điểm nhiều đồng đội của họ đang yên nghỉ.

Sự anh dũng của họ sẽ mãi được tri ân khi họ không còn trên cõi đời này – lòng tri ân được những người dân Pháp bày tỏ với những người Mỹ hy sinh cho nền tự do của mình sẽ là chất keo gắn kết cho quan hệ giữa 2 quốc gia.

Nhưng chuyện sẽ chẳng giống nhau khi những người già yếu, với những chiếc gậy trên tay và trên xe lăn không còn chia sẻ những câu chuyện chiến tranh khi chấn thương trong trí nhớ của họ gây mỏi mòn kỷ niệm trong đôi mắt mình.

Trump – cùng với tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại nghĩa trang chiến tranh chôn người Mỹ, những lãnh đạo đồng minh tại những bãi biển đã đổ bộ khác – không chỉ có nói mỗi lời chia tay đến toán cựu binh đã héo hon vào thứ năm vừa rồi.

Những nhà lãnh đạo ấy còn đánh dấu kết thúc một giai đoạn bản lề của lịch sử, khi những định chế -  được hình thành từ hỗn loạn của thế chiến thứ II -  đang nằm trong căng thẳng hiểm nguy.

Diễn văn của Trump là lời tri ân khá hay gửi đến những cựu chiến binh và đồng minh Hoa Kỳ: “Sự cao quí và kiên trung” của những người Anh, những người Canada “dũng cảm”, những người Ba Lan “oai hùng”, những người Pháp “lịch lãm”, những người  Úc “gan dạ” và những người Na Uy “kiên cường”.

Nhưng diễn văn không có phản ánh nào lớn hơn về vấn đề chính trị đầy rẫy phát sinh ở phút giây này trong lịch sử - hay về những bài học thế hệ anh hùng D-Day mang lại cho thế giới ngày nay.

Không thể đánh giá quá tầm mức cái bóng bao trùm bởi đệ nhị thế chiến lên những nền chính trị và văn hóa của thời đại tiếp nối.

Chiến thắng D-Day là giây phút oai hùng đặc biệt – nó đánh dấu thời điểm khi Hoa Kỳ chính thức thay thế một nước Anh tơi tả vì chiến tranh và đế chế lụi tàn của nó để trở thành cường quốc số một thế giới.

Đó là ngày một họp đồng tác chiến đa quốc gia, vận chuyển đầy phức tạp, cực kỳ hiểm nguy với mục tiêu cao hơn – đánh bại chế độ độc tài – thực sự đã là những thắng lợi vượt trội của tài năng con người. Nó đã huy động sự đoàn kết một lòng cả thế giới, một việc khó tưởng tượng nổi trong những nền chính trị vỡ vụn (fractured politics) ngày nay.

Những năm sau đó, một số nước tự xây dựng cho mình bộ mặt quốc gia toàn diện nhờ đệ nhị thế chiến, có nước tốt hơn, cũng có nước tệ hơn.

“Anh quốc như là một quốc gia vẫn tự khẳng định là nước kiên trì sống sót sau thế chiến II đương đầu lại một châu Âu lục địa đã từng nằm dưới ách Quốc xã”. Giám đốc Chatham House, Robin Niblett, nhận xét với CNN hôm thứ ba.

Ý nghĩa của việc Anh quốc như là một người ngoài cuộc, kiên trì tự mình chiến đấu, nằm trong trọng tâm bàn cãi vấn đề Brexit đầy rẫy những gợi nhớ của hồi chiến tranh.

Nó cũng quên rằng làn sóng chống lại chủ nghĩa phát xít chỉ có khi Hoa Kỳ chịu sử dụng sức mạnh của mình và sự hy sinh đáng kinh ngạc của người Nga đã làm suy kiệt sức mạnh quân đội Hitler ở mặt trận phía Đông.

Tại Mỹ, chiến thắng D-Day và khuôn mẫu đạo đức rõ rệt của cuộc chiến giữa cái ác và cái thiện là một ký ức quốc gia ít rắc rối hơn sự trỗi dậy về mặt xã hội và tình cảm bằng chiến tranh ở Việt Nam và Iraq.

Đệ nhị thế chiến trong hồi tưởng giống như một phút giây mờ nhạt cộng hưởng mối đoàn kết dường như không thể nào tưởng được trong thế kỷ thứ 21 đầy sân hận.

Cũng là lẽ tự nhiên khi ký ức mờ nhạt thì bài học quá khứ cũng tàn phai theo.

Điều này có thể cắt nghĩa sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan cánh hữu ở châu Âu những năm gần đây – một trào lưu chính trị trong nhiều thập kỷ bị đè bẹp bởi sự gợi nhớ về chủ nghĩa phát xít.

Tổng thống Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo châu Âu trong rất nhiều năm hài lòng việc tìm tới những câu chuyện dễ dàng đoàn kết của vinh quang chung về đệ nhị thế chiến và quãng thời gian sau chiến tranh lạnh hơn là khởi động lại một liên minh vượt đại tây dương cho tương lai.

Giờ họ đang phải cố gắng rất nhiều từ sớm, sẽ chẳng còn người nào còn sống để nhớ lại nỗi đau và vinh quang của những năm tháng chiến tranh.

Nhiều năm, những định chế như Liên hiệp quốc, NATO, cộng đồng Châu Âu, những cái mà thế hệ vĩ đại nhất đã hy sinh để xây dựng không những đem lại thịnh vượng mà còn khống chế xung đột 2 lần ở thế kỷ 20, đã lôi kéo Hoa Kỳ bước vào những trận địa đẫm máu ở châu Âu.

Nhưng giờ đây, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, khi Nga đang cố phục hồi ảnh hưởng đã mất và khi Tổng thống Hoa Kỳ, của mọi người, dường như muốn phá vỡ những cấu trúc được thiết lập hơn là hiện đại hóa hay làm mạnh mẽ chúng, mọi thứ có vẻ quá mong manh.

Macron, nói chuyện với các cựu chiến binh Hoa Kỳ, cam kết chiến đấu bảo vệ những giá trị họ từng sống mà chiến đấu – bất kể chỗ đứng chính trị thỏa hiệp bản thân và những thách thức càng nhiều đối thế giới quan quốc tế của ông.

“Chúng ta cần chân thật với ký ức của họ và để làm được điều đó, chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ sự hy sinh bùng lên nơi họ”. Macron tuyên bố, một người sinh ra sau D-Day 33 năm.

“Lời thề Normandy sẽ được nước Pháp gìn giữ với cả sức mạnh của mình. Tôi hứa đây sẽ là một chuẩn mực, và đây cũng sẽ là trọng tâm định mệnh nước Mỹ”. Macron phát biểu trong lời từ biệt của mình với thế hệ vĩ đại nhất.

Bài của  Stephen Collinson, CNN, ngày 7 tháng 6, 2019.

CÔNG PHƯỢNG- cầu thủ xuất sắc của quốc gia, không thể gọi anh là “cháu”, là “em”, là “con”.

Anh là cái tên được nhắc nhiều nhất từ hôm tới giờ. Và sẽ còn được nhắc nữa. Nhiều người trách ông Park tại sao để Công Phượng đá phạt. “Anh ta hay đá hỏng lắm mà. Sai lầm, quá sai lầm, cái ông Park này”.

Tôi khuyên ông khi đưa lên đỉnh bóng đá VN thì chuồn ngay về nước, lấy rượu sâm ra nhâm nhi rồi ngâm thơ Thế Lữ “Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng”, chứ ông cứ trụ miết ở VN với bóng đá xứ sở này, sớm muộn cũng ngâm tiếp “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu/ Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thu”.

Danh thủ bóng đá quốc tế còn đá hỏng phạt đền, huống hồ chi Công Phượng. Lại còn bóng gió trách cứ ông phù thủy bóng đá VN, vài tiếng trước đó được ngợi ca như lãnh tụ. Ở đây, không đi sâu chuyện đó, tôi muốn nói cách gọi hay xưng hô với cầu thủ có đôi chân dẻo, đi bóng thần tốc như trong kiếm hiệp Kim Dung môn “Lăng ba vi bộ”. Không nên trách “em” ấy. Có vị còn bảo. Công Phượng không có sao đâu “con”.

Trong Facebook, cách gọi thân mật như thế có thể hiểu được, vì dù có công khai (public) những status vẫn là của một cá nhân (private). Nhưng trên TV, kênh thông tin đại chúng,  các phát thanh viên một tiếng “các em”, hai tiếng “các em”…Có vị bình luận bóng đá có tuổi được mời còn gọi các cầu thủ là “các cháu”, "các cháu".

Ngôi thứ, cách gọi trong tiếng Việt thật tế nhị nếu không nói là khá phức tạp. Vào trong các công sở ta sẽ nghe “thưa anh” nếu người được gọi còn trẻ, ngang tuổi, “em à” nếu trẻ hơn, “thưa chú, thưa bác” nếu lớn tuổi hơn. Nhưng nếu căn cứ vào lứa tuổi để định cách xưng hô như thế cũng có chuyện tréo ngoe.

Khi vào những địa điểm giải trí “nhạy cảm”, tuổi tác nhất là quý ông, luôn được hạ thấp, càng thấp càng tốt, thấp tuổi ở những chỗ có các cô xinh như hoa hậu, chân dài còn hơn Ngọc Trinh, đồng nghĩa với trẻ, còn sức sống, nghĩa là còn sung. Có trường hợp quý ông chuẩn bị về hưu diện 65 tuổi được các tiên nữ bắt chuyện “ anh chắc bằng tuổi…ba em ở nhà”, có trẻ ngây ngô từ quê lên tỉnh, còn thật thà nhận xét “anh tuổi bằng…ông nội em”…

Tưởng như thế, hạ tuổi sẽ được lòng các “thượng đế”, thật ra không phải lúc nào cũng đúng.

Tôi và một số ông bạn già vào một chỗ uống bia. Các tiếp viên nữ quảng cáo bia thường được tuyển rất trẻ và rất đẹp, không trẻ không đẹp, bia bán cho ai? “Anh để em mở nắp bia cho anh”, một cô cao ráo, trắng trẻo vừa cười vừa tựa sát vào vai bạn tôi đề nghị. Bạn tôi bỗng dưng trợn mắt, nhìn lườm lườm cô gái như quái vật và quát to “Ai là anh cô? Tôi nói cho mà biết, cháu nội tôi còn lớn tuổi hơn cô”.

Cô gái bẽn lẽn và chúng tôi cũng bỡ ngỡ. A, thằng này là nhà giáo được đào tạo thời VNCH, cả đời có vào chỗ uống bia “sơn thủy hữu tình này đâu”.

“Hạ” tuổi để cho quý ông được “trẻ” trong nhiều trường hợp kết quả lúc nào cũng mỹ mãn đâu.

Nếu ở Mỹ (hay ở Pháp), cháu nội nói chuyện với ông nội chắc chắn sẽ xưng là “I” (tôi) và “You”(ông, bà, cô, chú, bác, ông nội, bà nội, ông cố, bà cố…).

Có thể cách gọi phân biệt ngôi thứ, tuổi tác là nếp văn hóa, truyền thống của người Việt Nam. Không rõ người Trung Hoa có xưng hô thứ bậc hay tuổi tác như VN hay không nhưng tôi có biết có 2 từ “Ngộ” (tôi) và “Nị” (ngôi thứ 2) ví dụ như “Ngộ ái nị”.

Cách xưng hô những tên gọi khác nhau đối với người cùng gia đình, họ hàng, hay người đối diện có tuổi tác khác nhau như thế, chừng mực nào nói lên “đầu óc còn phân biệt” của người Việt chúng ta?

Bác chắc khác với chú, cô khác với dì, ông nội khác với ông ngoại…từ đó cách gọi cũng nhuốm tình cảm ở bên trong, tình cảm có thể nặng,  có thể gần, và cũng có thể nhẹ, có thể sơ. Có khi nào ta thuộc vai lớn, đẻ ra vào cái tuổi có những người lớn tuổi ngang cha mẹ ta gọi ta bằng anh và từ đó cái chức anh “cha truyền con nối” luôn luôn lớn mãi ra xã hội, vượt ra khuôn khổ thứ bậc của dòng tộc?

Tôi từng chứng kiến trong những lần chạp mả ở một số tộc họ, người “trưởng tộc” tuổi còn nhỏ, mặt còn non choẹt, lớn tiếng sai biểu những cụ ông râu tóc bạc phơ, gọi họ bằng “chú” (vai nhỏ) một cách kẻ cả, pha phần hống hách, ta là trưởng tộc mà, trưởng tộc danh giá, giàu có nữa chớ (ông này nghèo rớt mồng tơi có dám to tiếng không nhỉ).

Do ngôn ngữ và văn hóa, người Việt phải sử dụng những từ ngữ khác nhau để xác định vai vế, tuổi tác người đối diện trong các cách xưng hô nhưng cũng đừng quá câu nệ, những danh xưng tưởng lớn như bác, chú, cô, dì, hay trên nữa thực ra là ngôi thứ 2, là You, còn ta dù có cháu,con, ông nội, ông cố cũng là I, ngôi thứ nhất. Nghĩ như thế để cư xử với nhau cho phải đạo.

Đừng có chuyện hễ đẻ ra, xuất thân  từ “thứ bậc cao”, tài cán không ra gì, trình độ thì “đập dập kéo lết”, điểm thì mua, bằng thì dỏm, nhưng lúc nào cũng nhơn nhơn ta là “hồng phúc dân tộc” dựa hơi, ăn có, luôn suy nghĩ mình là phái nhất, nhánh nhất, buộc phái nhì, phái ba, phái một ngàn... phải gọi ta là “anh”, là” bác” mãn đời.

Công Phượng, ơi, Công Phượng, dù có đá hỏng quả penalty để VN vuột mất chức vô địch, tôi vẫn gọi là Anh Công Phượng, và anh cũng chẳng cần ai thương hại cảm thông, gọi anh là “em”, là “con” làm chi.

Nếu khi về nước được vinh danh, có ai ghì anh xuống để xoa đầu như xoa đầu một đứa con nít, anh hãy ngẩng cao đầu từ chối nha anh. Công Phượng. Anh là niềm hãnh diện của bóng đá Việt Nam.

CÁCH VN CÓ THỂ NGĂN CHẶN THAM VỌNG CỦA TRUNG QUỐC

(Xưa, bắn máy bay Mẽo, nay mua máy bay chú Sam, đời sao khéo thế !)

(How Vietnam may curb China's ambitions)

Tại tòa nhà Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bọc ngoài với lớp nhôm, kiếng, đá hoa cương sáng bóng, nhìn xuống dòng sông Đông Nữu Ước, các nhà ngoại giao VN sẽ sớm ăn mừng sự kiện quốc gia mình được bầu làm hội viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Là một quốc gia từng chịu thảm họa của những cuộc chiến tranh, bao gồm một chạm trán thảm khốc và quá lâu với Hoa Kỳ năm thập kỷ trước, vai trò chính sách đối ngoại của Hà Nội ngày nay hình thành trên cơ sở hợp tác hòa bình, ổn định, và độc lập.

Trong khi có năm thành viên thường trực của hội đồng Bảo an LHQ, được biết như Năm Ông Lớn (Big Five): TQ, Pháp, Nga, Anh và Mỹ, có tất cả 15 nước thành viên trong hội đồng Bảo an LHQ, 10 nước còn lại phải bầu.

Chỉ có 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết, cho phép họ ngăn cản việc thông qua bất kỳ dự thảo nghị quyết quan trọng nào của Hội Đồng.

Vai trò quan trọng của VN trong an ninh thế giới nâng lên rõ rệt từ hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Ấ Thái Bình Dương (APEC), khi quốc gia này tổ chức thành công việc đón tiếp các vị tổng thống Donald Trump, tổng thống Nga Putin, chủ tịch Tập Cận Bình cùng các vị lãnh đạo khu vực khác tại Đà Nẵng, một thành phố ven biển miền Trung Việt Nam.

Dù thất bại cuộc gặp giữa Trump và Kim Jong-Un tổ chức hồi đầu năm, cuộc họp thượng đỉnh đã thành công trong việc đặt nước chủ nhà vào trọng tâm chú ý của vài trò người hòa giải.

Dù bị thách thức bởi nạn tham nhũng tràn lan, nhân quyền, và những khuynh hướng cộng sản cổ hủ  (recidivist communist tendencies) Hà Nội đã được công nhận là một thành viên cộng đồng quốc tế từ khi họ chấp nhận đường hướng tự do hóa thị trường, đưa đến thành quả kinh tế ấn tượng, một GDP cao, giảm được nghèo và nhiều cởi trói chính trị.

“VN tự hào là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc.Trải qua 4 thập kỷ, VN đã là một bộ phận của LHQ, chúng tôi luôn luôn cam kết làm đúng sứ mệnh cao cả của Tổ chức này – xây dựng một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển”, phát biểu của ông Phạm Bình Minh, bộ trưởng bộ ngoại giao.

Đáng chú ý, VN đã thúc đẩy hội nhập nhiều hơn với hệ thống kinh tế quốc tế, gồm việc được gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007. Vào tháng 10 năm đó, VN cũng được bầu lần thứ nhất làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu thuận 183/190 cho nhiệm kỳ 2008-2009.

Hành trình thành công đến LHQ được đánh dấu bằng những bước tiến đáng kể thực hiện từ 1995 đến 1999, bao gồm cả việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao và thương mại với Hoa Kỳ.

Hội nhập của quốc gia này với phương Tây mở ra những cơ hội hợp tác với những tổ chức quốc tế phát triển của thế giới, kể cả những nhà tài trợ đa phương như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á

VN cũng là một trong những nguồn cung cấp lớn mạnh nhất hàng nhập khẩu từ châu Á vào Mỹ trong quí 1 năm nay, nhờ vào sự chuyển dịch có lợi về buôn bán do thuế quan của Mỹ đánh mạnh vào hàng hóa TQ.

Dù không dễ dàng một sớm một chiều, Hà Nội đã có những bước tiến trở thành thành viên ASEAN (1995), APEC (1998). Hiệp ước thương mại song phương VN – HK được ký vào năm 2001 và nâng cao ý muốn chính trị đẩy mạnh sự gia nhập của VN vào WTO.

“Nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2008-2009, VN được Hoa Kỳ đánh giá cao về sự đóng góp tích cực của mình và cùng bỏ phiếu thuận về những vấn đề quan trọng như không phổ biến hạt nhân và chống khủng bố”, giáo sư danh dự đại học New South Wales, Carl Thayer cho biết.

Là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, VN  sẵn sàng bày tỏ tiếng nói ngày càng trọng lượng trong khối ASEAN, thực hiện khả năng ngoại giao mềm mỏng và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Ngày nay, tình hình thế giới phức tạp hơn, quan hệ giữa các cường quốc, cụ thể Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga đang xấu đi.

Đã ba năm từ khi tòa án trọng tài thường trực tại Hague ra phán quyết có tính bước ngoặt trong vụ Philippines kiện TQ,  đưa đến kết quả thắng lợi hầu như tuyệt đối cho Manila, với lời kêu gọi vai trò luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp biển Nam Trung Hoa(Biển Đông) một cách hòa bình.

Trung Quốc và Việt Nam đều có những tuyên bố chồng lấn ở Biển Đông và hơn thập kỷ, Bắc Kinh lấn lướt thúc ép VN bằng cách bồi đắp và quân sự hóa những hải đảo và gây áp lực buộc VN không được khai thác nguồn dầu khí  trong những vùng gần bãi biển VN nhưng TQ cứ tuyên bố của họ.

“Hà Nội hy vọng việc mở rộng quan hệ ngoại giao sẽ khiến Bắc Kinh dè dặt hơn trong cách hành xử với VN”, phát biểu của ông Murray Hieber, cộng sự cao cấp Chương trình Đông nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Trong khi những hoạt động tự do hàng hải đang gia tăng ở Biển Đông, báo hiệu cho quyền quá cảnh của Mỹ, VN buộc phải tỏ thái độ nếu chính quyền Trump khẳng định quyết tâm hơn nữa.

Thông báo có phần lặng lẽ tuần này của Hoa Kỳ bán những máy bay do thám tự hành (drone) không vũ khí cho Việt Nam đã đánh động Trung Quốc.

Như là hệ quả, có những câu hỏi về động thái ngoại giao tiếp theo của Hà Nội sẽ là gì.

Ngày 6 tháng 6 năm 2019, James Borton, cộng tác viên của Thời báo Hoa Thịnh Đốn.