Saturday, January 20, 2024

THƯƠNG CHIẾN CỦA TRUMP VỚI TRUNG QUỐC ĐANG THAY ĐỔI THẾ GIỚI.

(Trump’s Trade War With China Is Already Changing the World)

Hội nghị thượng đỉnh G20 tuần này tại Osaka, Donald Trump và Tập Cận Bình dự định sẽ có cuộc gặp riêng, hy vọng lớn cuộc nói chuyện tốt đẹp sẽ tái khởi động thương thảo mậu dịch, thuyết phục Nhà Trắng ngưng các đợt đánh thuế hải quan thêm nữa.

Tuy nhiên, đối với Alfred LaSpina, hệ quả có thể chẳng ý nghĩa nhiều mấy.

Khi LaSpina, tân phó chủ tịch eLumigen, trụ sở ở Troy, bang Michigan, nghĩ đến một chuỗi cung ứng cho một khởi nghiệp làm những sản phẩm công nghiệp nhẹ, Trung Quốc tự nhiên hiện ra trong đầu: LaSpina - bạn cũ của tôi – đã có kinh nghiệm sản xuất ở Trung Quốc trước đây và anh có thể tìm được những nhà cung cấp tin cậy, dày kinh nghiệm tại đó.

Rồi thì, Trump tăng thuế cao bất ngờ vào hàng nhập khẩu từ TQ vào tháng 5. LaSpina và đồng sự phải bóp đầu suy nghĩ, họ đang tìm chỗ thay thế ở các nước Đông Nam Á.

Với quá nhiều bất ổn trong quan hệ Bắc Kinh và Washington, anh ta tin rằng đó là việc nhanh trí nên làm. “Nếu thuế quan hoặc sự trở ngại quay trở lại, anh chẳng có hàng chuyển vào”, anh ta bảo tôi.

Thế lưỡng nan của LaSpina chỉ là một ví dụ nhỏ trong cái cách đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tái định hình thế giới – cả xấu lẫn tốt – và ngay khi có được một thỏa ước thương mại cuối cùng cũng không thể làm chậm động lực thay đổi.

Những kết nối ngày càng rời rã (deteriorating ties) giữa 2 quốc gia đang ảnh hưởng mọi thứ, từ chiến lược địa chính trị to lớn đến đời sống chúng ta hằng ngày: ở chỗ sản phẩm của Walmart được sản xuất; ở chỗ tạo ra việc làm hay mất việc làm; những thành tựu công nghệ chúng ta sẽ (hay sẽ không được) sử dụng; rồi ai có thể ngồi học cạnh bạn ở đại học Harvard; cả chuyện tiền bạc của mình đầu tư như thế nào.

Như thế có nghĩa là chúng ta đang ở trong giờ khắc thay đổi lịch sử.

Từ những năm 1990, những nhà làm chính sách và những doanh nghiệp khổng lồ (business titans) đã cho rằng thế giới này càng ngày càng hội nhập.

Có lẽ biểu tượng vĩ đại nhất cho tiến trình này là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ở đây, hai cường quốc, với ý thức hệ và thiết chế chính trị đối lập hoàn toàn, đã quyện chặt vào nhau (intertwined) thông qua ký kết buôn bán, tài chánh và con người – nhiều đến nỗi một thuật ngữ xuất hiện để diễn tả nó: Chimerica (chiết tự: Chi là China, TQ và merica là America, Mỹ- ND).

Trung Quốc trở thành hội tụ trọng điểm của những kết nối khắp hành tinh về sản xuất và trao đổi.

Tất nhiên, cũng có những phàn hà đâu đó về quyền con người, thị trường bị khép kín, và những vấn nạn khác.

Nhưng với sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết và chấm dứt chiến tranh lạnh, sự hình thành một thế giới chung có vẻ là một tương lai chắc chắn.

Không như vậy nữa rồi.

Với sự cắng đắng như thế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, chẳng có chi là bảo đảm, các doanh nghiệp đang vẽ lại bản đồ sản xuất toàn cầu.

Hãng Apple được biết đang xem xét di dời dây chuyền sản xuất công đoạn cuối gần 3 phần tư sản phẩm của mình khỏi Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á hoặc nơi khác.

Terry Gou, nhà sáng lập Foxconn của Đài Loan, sản xuất thiết bị cho Apple ở các xưởng tại  Trung Quốc, mới đây phát biểu, ông đã thúc dục Apple nên chuyển sản xuất ra ngoài lãnh thổ TQ.

Những công ty ít nổi tiếng hơn (Apple) như hãng chế tạo Giant, nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới, đã chuyển sản xuất dành cho người tiêu dùng Mỹ. Giant đã dời dây chuyền chế tạo nhiều mẫu xe cho Mỹ về bản doanh của mình ở Đài Loan và đang mở một nhà máy mới ở Hungary.

“Thế giới không còn phẳng nữa”, nữ chủ tịch tập đoàn Giant, Bonnie Tú nói với Bloomberg.

Những trường hợp như vầy không còn cá biệt nữa: Một khảo sát công bố hôm tháng 5 do 2 chi nhánh của Phòng thương mại Hoa Kỳ tại TQ tiết lộ 40 % những người trả lời họ đã di dời hoặc đang xem xét di dời hoạt động sản xuất ra khỏi TQ.

Tiến trình này đã diễn ra một thời gian trước, lý do giá thành cao ở TQ và mở thêm các nhà máy khác.

Nhà sản xuất đồ chơi  Hasbro nói họ đang dần dần giảm thiểu  phần sản xuất sản phẩm bán cho Mỹ làm tại TQ, từ 80% năm 2012 xuống còn 67% vào cuối năm 2018, và dự tính sẽ thu hẹp ngần ấy sự sụt giảm trong những năm tới.

Nhưng cuộc chiến thương mại đã buộc các giám đốc điều hành bước chân vào lửa.

“Những gì các công ty đang làm là gia tốc kế hoạch rời khỏi TQ”, Stephen Lamar phó chủ tịch điều hành Hiệp hội Áo quần và Giày dép Hoa Kỳ nói với tôi.

Ông gọi đây là một “chuyển dịch thế hệ” (generational shift) trong cách thức các công ty Mỹ đang tìm nguồn cung ứng sản phẩm cho mình.

Đối với một số nước, điều đó đến như một tin vui.

Các doanh nghiệp đang kiếm cách di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi TQ có khuynh hướng nhắm đến những nền kinh tế mới nổi như là nơi đặt bản doanh mới.

Lịch sử kinh tế cận đại cho chúng ta biết rằng công ăn việc làm được tạo ra bởi những nhà máy như vậy trong những nước nghèo có thể đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và xóa đi nghèo đói (như đã xảy ra cho chính TQ).

Những nơi sẵn sàng như Việt Nam sẽ hưởng lợi bằng cách lôi kéo các nhà xưởng ra khỏi TQ.

Trong khi đó, Hoa Kỳ có lẽ đang đối mặt với việc tái sắp xếp những quan hệ thương mại (cũng như những tranh chấp thương mại nữa).

Trái với những khoác lác của Trump, có rất ít công ty Mỹ “quay về” hoặc chuyển sản xuất trở lại đất Mỹ từ TQ. (Trong khảo sát của Phòng thương mại Mỹ ở TQ, không tới 6% nói họ đang xem xét việc chuyển dịch như thế).

Điều này có nghĩa thâm hụt mậu dịch lại làm tức giận tổng thống, khiến ông ấy cân bằng lại (thuế) cho nhiều nước khác nhau.

Đối với TQ, cục diện chuyển đổi sản xuất toàn cầu đã áp lực lên những công ty TQ, buộc họ phải “nâng cao chuỗi giá trị” như cách gọi của các nhà kinh tế.

Không còn có thể dựa vào chế tạo xuất khẩu cơ bản để bảo đảm việc làm, những ông chủ doanh nghiệp TQ sẽ phải học cách sản xuất chất lượng cao, những hàng hóa nhiều chất xám để duy trì sự sống của "phát triển thần kỳ".

Đó chính là những chính sách công nghiệp đầy tranh cãi – nuôi dưỡng các ngành mũi nhọn, từ xe chạy điện đến vi mạch được nhà nước hỗ trợ - đã được hoạch định.

Nhưng cũng ở đây, sự tranh chấp với Hoa Kỳ đang đem lại quá nhiều hệ lụy.

Chính quyền Trump đã có những bước đi bảo đảm ngành công nghệ sống còn của mình không rơi vào tay TQ – đáng kể nhất, bằng cách cấm các công ty Mỹ bán những bộ phận cơ yếu như vi mạch cho một số công ty công nghệ quan trọng của TQ, kể cả gã khổng lồ viễn thông Huawei.

Những biện pháp như thế, cộng với nỗi ám ảnh của Bắc Kinh về kiểm soát công nghệ trong nước, có thể chia rẽ Hoa Kỳ với Trung Quốc trên phương diện kỹ thuật số, những người tiêu dùng ở mỗi nước sử dụng những phần mềm và công cụ khác nhau.

Bắc Kinh đã khởi sự tiến trình ấy bằng cách dựng Tường lửa khổng lồ chặn những công ty mạng Hoa Kỳ không hoạt động được ở thị trường Trung Quốc.

Đó cũng là một lý do tại sao công dân mạng TQ sống trong vũ trụ trực tuyến riêng biệt, viết blog ngắn trên Sina Weibo hơn là Twitter; truy cập trên Baidu mà không phải Google.

Thiếu tin tưởng càng lớn giữa HK và TQ đang bắt đầu tách rời công dân của họ trong thế giới thật cũng như thế giới ảo.

Luật đã trình trong Quốc hội ngăn cấm những nhà khoa học TQ có liên hệ với giới quân sự không được học tập hay nghiên cứu ở Mỹ.

Tháng này, bộ trưởng giáo dục Bắc Kinh phát đi cảnh báo sinh viên TQ “cần thiết tăng cường đánh giá rủi ro trước khi du học” ở Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Huawei mới đây đã đưa những người Mỹ ra khỏi những hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) tại những đại bản doanh của mình ở Thâm Quyến. Phát ngôn nhân của Huawei tuyên bố công ty đang xem xét những đáp trả hành động của Washington.

Sự sắp xếp lại việc kinh doanh, công nghệ và nhân lực cũng đang xảy ra trong các quốc gia. Khi TQ và Mỹ tách dạt ra, một hình thái mới của quan hệ toàn cầu xuất hiện.

Ví dụ, TQ và Nga có thể gần gũi hơn, ngày nay so với ngày xưa, khi hầu hết thời gian cả hai đều là nước cộng sản.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trưng ra, tại khách sạn Tập đang ở, một chiếc bánh kem mừng sinh nhật lãnh tụ Trung Quốc khi hai người tham dự một hội nghị ở Tajikistan tháng này.

Nước Ý mạnh dạn rời bỏ hàng ngũ Hoa Kỳ và một số đồng minh chiến lược châu Âu đầu năm nay trở thành nước G 7 đầu tiên ký vào chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng đầy tranh cãi, Sáng kiến một vành đai và một con đường.

Đối với những nước có quan hệ kinh tế với TQ nhưng lại là đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ, việc đứng "chàng hảng hai" trước hàng rào của hai nước sẽ càng ngày càng nan giải.

Xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc “đặt Úc và một số nước châu Á vào một vị trí bấp bênh”, Merriden Varrall, hội viên không thường trực ở viện Nghiên cứu Lowy, một “bộ não” về chính sách có trụ sở ở Sydney, nói với tôi.

“Chúng tôi không đáp ứng với sự tinh tế cái vấn đề cần phải đáp ứng. Tôi nghĩ chúng ta không nhận thức đầy đủ thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt”.

Giống như sự ăn ý giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là đại diện cho một xu thế lớn hơn về hợp tác toàn cầu, sự băng giá mới đây giữa họ có thể tượng trưng không kém sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự kịch liệt chống toàn cầu hóa, hiện hữu từ Vương Quốc Anh cho đến Ấn Độ.

Việc hoạch định lại tiến bộ về kinh doanh và ngoại giao toàn thế giới sẽ đi tới bao xa?

Ông Lamar của Hiệp hội Áo quần và Giày dép Hoa Kỳ nghĩ rằng nếu một hiệp ước thương mại đạt được và thuế quan gỡ bỏ, một số doanh nghiệp có thể gắng trở lại bình thường – di chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi một Trung Quốc ở thế mạnh chẳng phải dễ dàng.

Nhưng sự bất ổn vẫn còn tồn tại.

“Có rất nhiều cảm tưởng rằng chúng ta đang nằm trong một trận chiến lâu dài để quyết định ai là người dẫn dắt của thế kỷ 21”, ông ta phát biểu.

“Ngay cả trong Washington sau Trump (ý nói trong hàng ngũ lãnh đạo sau Trump -ND), chúng ta vẫn sẽ còn thấy trọng tâm đặt vào Trung Quốc – quốc gia đó có thật là đối tác của quốc gia chúng ta hay không?”

Bài của MICHAEL SCHUMAN đăng trên  THE ATLANTIC, ngày 25.6.2019. Nguyễn Long Chiến dịch.

Ảnh của JASON LEE / REUTERS

TRUNG QUỐC THẬT SỰ COI THƯƠNG CHIẾN NHƯ THẾ NÀO.

(How China Really Sees the Trade War)

“Bắc kinh tin tưởng dân chủ khiến Mỹ  tổn hại gấp mấy vì tác động chính trị từ thương chiến hơn một TQ độc tài”(trích trong bài). (Beijing believes that democracy makes the United States far more vulnerable to the political effects of the trade war than authoritarian China)

Khi chủ tịch Tập Cận Bình và Donald Trump gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka cuối tuần nay để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại, Tập có lẽ muốn làm dịu bớt nghi thức quen thuộc của ngoại giao TQ bằng cách gọi tổng thống Mỹ là “bạn tôi”.

Với bộ mặt thân thiện, tuy nhiên, Tập sẽ không hề nhượng bộ.Trump khi ấy hoặc phải quyết định xem có chấp nhận đề nghị của TQ  ở trên bàn thương thảo từ đầu 2017, chấm dứt thương chiến hoặc vẫn cho nền kinh tế Mỹ và TQ chia tách dài ra.

“Cách nào chúng ta cũng sẽ thắng”, Trump khoái chí tuyên bố. Nhưng theo 2 đồng nghiệp người TQ, tham gia vào bài báo này nhưng không tiện nêu tên, những người làm chính sách Bắc Kinh tin tưởng ông ta, một là bị thông tin nhầm hai là đang “thấu cái” (misinformed or bluffing).

GIỚI HẠN CUỐI CÙNG

Tư thế cơ bản của TQ đối với chiến tranh thương mại không thay đổi từ năm 2107. Theo đề xuất của họ, TQ sẽ mua nhiều sản phẩm Mỹ trong nỗ lực thâu hẹp thâm thủng mậu dịch, tái xác nhận cam kết lâu dài đối với việc bảo hộ hợp pháp các quyền sở hữu trí tuệ.

Nhưng nếu các công ty ngoại quốc tự nguyện chia sẻ bí mật thương mại với các công ty TQ để đổi lấy việc tiếp cận thị trường TQ – một thực tế mà Mỹ mô tả như “chuyển giao cưỡng bức” (“coercive transfer”)— TQ sẽ chẳng mắc mớ gì can dự.

TQ sẽ tiếp tục quỹ đạo đặt ra là mở cửa thị trường của mình cho ngân hàng và doanh nghiệp nước ngoài, nhưng họ sẽ không gia tốc nhịp độ mở cửa. Tiền tệ của họ sẽ cũng nằm chốt vào một rổ với các thứ tiền nước khác, và Bắc Kinh sẽ không cố phá giá đồng tiền, bởi vì TQ chẳng thấy lợi lộc gì với chiến tranh tiền tệ.

Chính quyền TQ đã hạ giọng tuyên về Made in China vào năm 2025, một chương trình thúc đẩy cho sự thống lĩnh kỹ thuật hiện đại của TQ , tỷ như rô bốt và trí tuệ nhân tạo.

Nhưng họ sẽ không sẵn sàng giảm thiểu nghiên cứu và phát triển những kế hoạch thể hiện nền tảng của chương trình ấy.

Tóm lại, TQ đề nghị chẳng thay đổi cái gì thuộc về cấu trúc trong mô hình phát triển của mình, nhưng họ sẵn lòng "tặng" cho Trump một chiến thắng danh nghĩa để ông ta có thể sử dụng trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2020.

Từ đầu những cuộc đàm phán, phía TQ tin rằng Trump có lẽ chấp nhận đề xuất của họ, thể theo lời cố vấn của nhân vật trong chính quyền như bộ trưởng ngân khố Steven Mnuchin và những người hay rỉ tai Trump như trùm đánh bạc Steve Wynn.

Nhưng rồi người TQ đã quan sát những nhân vật cứng rắn như cố vấn thương mại Peter Navarro và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã nói lọt tai Trump.

Hai người này thuyết phục Trump rằng chỉ có những thay đổi căn bản trong mô hình kinh tế TQ mới có thể giúp Mỹ duy trì vị trí kinh tế dẫn đầu thế giới.

Kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ vững mạnh cũng làm Trump dạn dĩ nhận lấy vị thế cam go hơn.

Vào tháng 4, những nhà thương thuyết Mỹ, do đó, đã đưa ra một thỏa thuận dự thảo đòi: TQ phải ngưng bao cấp đặc biệt những công ty quốc doanh, cho phép các công ty Mỹ làm ăn ở thị trường TQ mà không phải chia sẻ kỹ thuật công nghệ cho đối tác người TQ, sửa lại luật lệ không tương thích với yêu cầu của người Mỹ, và cho phép Washington thiết lập một văn phòng tại Bắc Kinh để theo dõi sự tuân thủ của TQ.  

Đội ngũ của Trump đề xuất dỡ bỏ thuế quan Mỹ từng bước căn cứ chứng minh TQ đáp ứng những điều khoản thỏa thuận.

Phía TQ chùn bước và gạt bỏ những đòi hỏi phía Mỹ trong thỏa thuận sơ bộ. Những người Mỹ lên án họ đi ngược thỏa thuận.

Trong một cuộc phỏng phấn với báo chí ít được ai để ý ngày 10 tháng 5, ngay ngày cuộc đối thoại thất bại, nhà thương thuyết chính người TQ, phó thủ tướng Lưu Hạc, nhìn nhận rằng phía TQ đã gạt bỏ nhiều đề nghị người Mỹ đã thêm vào.

Làm như thế là hợp lý, ông ta nói. “Không có gì kết thúc khi thỏa thuận chưa ngã ngũ. Vì vậy chúng ta không đồng ý mô tả của người Mỹ là chúng ta “bội ước”.

Lưu còn nêu ra 3 vấn đề, theo quan điểm của TQ, đã cản trở đối thoại.

Thứ nhất, TQ muốn thuế quan trừng phạt phải dỡ bỏ trước khi thỏa thuận đạt được, không phải đợi từng giai đoạn cho đến khi hoàn tất. TQ không nhượng bộ với cây gậy nhứ trên đầu mình.

Thứ hai, người Mỹ đã cố diễn dịch – và tạo lợi thế nhiều – một đề xuất gia tăng lượng hàng nhập khẩu mà Tập đã hứa năm 2018. Nhưng đề xuất ấy “cũng không thể thay đổi khinh suất được”, Lưu nói.

Cuối cùng, TQ muốn văn bản thỏa thuận cần phải “hài hòa”, bởi vì “tất cả các nước đều có danh dự của mình”. TQ sẽ không từ bỏ kiểm soát nền kinh tế của họ.

Tất cả những người lãnh đạo TQ thương lượng dưới cái bóng ám ảnh về những “hiệp ước bất công”, những thỏa thuận thiên lệch, TQ đã bị ép buộc ký với cường quốc phương Tây vào thế kỷ thứ 19.

Hàng nhiều thập kỷ phát triển kinh tế nhanh chóng không  làm lành vết thương của những gì ở TQ người ta xem như là “một trăm năm ô nhục”.

Tập sẽ chỉ ký thỏa thuận nào dựa trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên đều có lợi.

Trong một sách trắng giọng diều hâu hơn, phát hành đầu tháng 6 sau đó, Bắc Kinh lặp đi lặp lại rằng TQ sẽ không nhượng bộ về “những vấn đề có tính nguyên tắc” và đỗ lỗi Mỹ là nguyên do cho đổ vỡ đối thoại, lên án họ thay đổi thái độ đối thoại 3 lần từ đầu 2018.

NIỀM TỰ TIN CỦA TẬP

Mặc cho các quan chức Mỹ tuyên bố TQ cần một thỏa thuận hơn Mỹ, Tập vẫn tin tưởng rằng TQ có vị trí thương lượng vững chãi hơn.

Thuế quan Mỹ đã làm thiệt hại kinh tế TQ ít hơn chính quyền Trump tưởng.

Dù  thuế quan đang ép các nhà bán lẻ tính tiền người tiêu dùng cao hơn khi mua hàng TQ, các nhà nhập khẩu không thể tìm nguồn hàng thay thế cho nhiều sản phẩm người Mỹ muốn mua.

Hàng xuất khẩu TQ đến Mỹ giảm 4.8 phần trăm trong 5 tháng đầu của 2019. Cùng thời gian đó, hàng xuất khẩu TQ đến EU (cộng đồng châu Âu) – bạn hàng lớn nhất của TQ – tăng mức 14.2% và hàng nhập khẩu từ EU lên cao 8.3 %, trong khi đó, ASEAN đã thay Mỹ làm thị trường xuất khẩu lớn thứ nhì của TQ.

Hiệp ước đầu tư song phương EU-TQ, sẽ có hiệu lực năm 2020, đã đẩy mạnh rất nhiều quan hệ thương mại giữa TQ với EU.

Ở châu Á, TQ và 15 nước khác ở Thái Bình Dương chuẩn bị ký kết "Hợp tác kinh tế toàn diện khu vực" vào cuối 2019 hoặc đầu 2020.

Sáng kiến Một vành đai Một con đường hàng ngàn tỷ đô la của TQ đang mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu TQ đi khắp châu Á, châu Phi, và Trung Đông.

Cùng lúc đó, cuộc chiến thương mại đang gây tổn thất cho kinh tế Mỹ nhiều hơn là chính quyền Trump dường như nhận ra.

Khi tăng thuế đánh vào hàng hóa Mỹ, TQ lại giảm thuế vào hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại khác.

Hàng xuất khẩu của Mỹ đến TQ giảm hơn 26 % trong 5 tháng đầu 2019.

Nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, thiệt hại có thể là vĩnh viễn, khi TQ nhanh chóng tìm ra những nước cung ứng mới, như Argentina và Brazil.

Thị trường TQ đã trở nên bức thiết cho nhiều công ty lớn của Mỹ. General Motor, lấy ví dụ, hiện nay bán xe hơi số lượng ở TQ nhiều hơn ở Mỹ. Bởi một số loại xe hơi này được sản xuất tại TQ, doanh số bán ra không được kể vào hàng xuất khẩu của Mỹ, nhưng lợi nhuận của hãng trở về bản doanh Detroit.

Năm 2017, theo thống kê của TQ, các công ty Mỹ mang về 700 tỷ doanh thu tại TQ, với lãi ròng hơn 50 tỷ đô la. Nhiều công ty Mỹ đang có báo cáo hoặc đang dự phóng doanh thu thấp vì thương chiến.

TQ còn nhiều cách ngoài thuế để gây đau đớn cho kinh tế Mỹ. Những cách bao gồm: yêu cầu siết chặt kiểm toán các công ty Mỹ ở TQ, tăng cường kiểm tra kiểm dịch và an toàn đối với hàng nhập khẩu của Mỹ, thắt chặt quy định các tổ chức tín dụng Mỹ hoạt động tại TQ.

TQ vừa hạn chế xuất khẩu đất hiếm đến Mỹ, loại đất thiết yếu trong sản xuất sản phẩm điện tử chất lượng cao. Và họ đã lên danh sách sơ bộ những công ty Mỹ bị coi là “thiếu tin tưởng” mặc dù trừng phạt mà danh sách đó phải đối mặt  chưa biết thế nào.

Cùng lúc, TQ đã tạo không khí dễ thở hơn cho các công ty người Anh, Pháp, Đức và Nhật. Ngân hàng nhân dân TQ từng bước giảm dần việc nắm giữ trái phiếu ngân khố Mỹ, như thế sẽ dần dần hạn chế khả năng Washington bơm tiền tài trợ thâm hụt với lãi suất thấp.

Ngay cả Bắc Triều Tiên cũng vừa nhảy vô sân khấu. Cuộc viếng thăm của Tập tới Bình Nhưỡng tuần rồi kịp thời nhắc nhở phía Mỹ rằng TQ có thể giúp hay phá Mỹ không chỉ về kinh tế mà còn về chiến lược nữa.

Bắc kinh tin tưởng dân chủ khiến Mỹ tổn hại gấp mấy vì tác động chính trị từ thương chiến hơn TQ độc tài.

Người lao động bị tác hại khốc liệt hơn vì thuế quan ở Mỹ, nơi mạng lưới an sinh xã hội chẳng giảm nhẹ nhiều cú đấm bằng ở TQ, nơi nền kinh tế kiểm soát bởi nhà nước có thể tạo công ăn việc làm mới cho người lao động mất việc làm.

Những tiểu bang nông nghiệp và chế tạo rất quan trọng cho cơ hội thắng cử nhiệm kỳ hai của Trump vào cuộc bầu cử năm tới trong khi Tập chẳng có nỗi lo nào (Vua mãn đời mà – ND)

Như người TQ đã chỉ ra, 2 năm bị chèn ép của Mỹ và 11 vòng đàm phán đã thất bại, không thay đổi giới hạn cuối cùng nào của TQ (Chinese bottom line).

Tập Cận Bình có thể gói gọn cho Trump một đề xuất ở Osaka thực sự ít hào phóng hơn đề xuất 2 năm trước.

CHIA TÁCH BẮT ĐẦU

Dù đánh giá của họ về yếu thế của Mỹ, người TQ không cần thiết kỳ vọng Trump chấp nhận đề xuất của họ.

Trump chắc chắn làm thế và tuyên bố chiến thắng. Nhưng ông ta cảm thấy bị dồn vào chân tường bởi tư thế thương lượng cứng rắn ông ta tự chuốc lấy cho mình.

Bắc Kinh cũng biết Trump đối mặt với những sức ép từ các cố vấn, và ai là người ông có thể nghe vào thời điểm đặc biệt, khó mà lường được.

Người TQ tin rằng Navarro và có lẽ cả Lighthizer nhìn sự chia tách kinh tế không phải như một nguy cơ thương chiến mà chính là mục đích của thương chiến.

Về phần mình, những người TQ chẳng thấy lợi ích – và một chút suy giảm – với sự chia tách đó.

Huawei và những công ty công nghệ khổng lồ khác phụ thuộc vào những nhà chế tạo Mỹ về các loại chip và bộ phận thiết yếu điều hành thiết bị mạng lưới 5 G; Mỹ đang đề xuất không cho TQ tiếp cận.

Để đáp trả, Tập đã lệnh Huawei và các công ty khác đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và phát triển những ngành công nghệ then chốt như chip lỏi (core chips), hệ điều hành, điện toán hiệu năng cao, thiết bị liên lạc di động, thiết bị truyền thông lượng tử, và cảm biến AI (trí thông minh nhân tao).

Giống những người chủ trương cứng rắn trong chính quyền Trump, Tập Cận Bình cũng đã có một tầm nhìn lâu dài về thương chiến.

Những nguồn tin từ TQ trích lời ông ta nói rằng khi TQ trỗi dậy, nó phải thấy trước 30 năm “ngăn chặn và khiêu khích” từ phía Mỹ (“containment and provocation”), kéo dài tận 2049 – kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – khi đó, ông ta kỳ vọng TQ sẽ vượt mặt Mỹ về sức mạnh kinh tế và quân sự.

Để phục vụ mục tiêu đó, TQ đã cố đa dạng thị trường, tài nguyên năng lượng và nguyên liệu thô, và các chỉ tiêu đầu tư, khi họ làm việc để “tự lực cánh sinh” về ngành chế tạo và công nghệ tiên tiến.

Thương chiến hay không thương chiến, tách rời hay không tách rời, TQ vẫn đi trên con đường dẫn tới nền kinh tế không còn phụ thuộc vào Hoa Kỳ.

Bài của Andrew J. Nathan trên FOREIGN AFFAIRS ngày 27-6-19. Ông tốt nghiệp tối danh dự (Summa Cum Laude) đại học Harvard lúc 20 tuổi, giáo sư dạy chính trị, viết cả chục cuốn sách về TQ. Nguyễn Long Chiến dịch.

TẠI SAO VIỆT NAM YÊU MẾN DONALD TRUMP.

(Why Vietnam Loves Donald Trump)

"Thuế quan đang thay đổi chuỗi cung ứng, nó không cắt giảm thâm hụt thương mại".

Ba chục tháng Trump làm tổng thống, nền kinh tế Mỹ tiếp tục nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Đây chẳng là vấn đề, bởi vì thâm hụt mậu dịch không tác hại lớn như một biện pháp kinh tế. Nhưng theo ý của tổng thống Trump, đây là mối nguy rõ ràng và có thật, vì vậy, cũng nên giải thích tại sao thuế quan của ông đã không giảm đi thâm hụt mậu dịch với thế giới. Một lý do đó là thành công của những chính sách kinh tế khác của ông Trump. Cải cách và bãi bỏ quy định thuế khóa đã củng cố nền kinh tế Mỹ và thu hút nguồn vốn thặng dư khắp thế giới.

Theo định nghĩa kế toán, thặng dư vốn này sẽ bù đắp thâm hụt mậu dịch. Đây là dấu hiệu của sức mạnh kinh tế nước Mỹ.

Một lý do nữa là chính sách thương mại của Ông Trump đang thay đổi nguồn hàng xuất khẩu đến Mỹ, không giảm đi quy mô của chúng. Ông Trump đã đánh 25% thuế vào 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc, và ông còn đe dọa đánh thuế thêm vào số 300 tỷ nữa. Điều này đã thu hẹp khoảng cách trao đổi hàng hóa song phương Mỹ - Trung Quốc nhưng tổng thâm hụt mậu dịch lên đến mức kỷ lục vào năm 2018. Trong khi đang co cụm vào quý một năm nay, thâm hụt mậu dịch tất cả hàng hóa nới rộng 5,8 % trong tháng năm từ một tháng trước và trên đà vượt qua tổng số của năm ngoái. Những nhà sản xuất đang rời khỏi Trung Quốc, nhưng không phải chuyển đến Mỹ.

Gọi là “Làm ASEAN vĩ đại trở lại” (Make Southeast Asia Great Again) một khi những nhà xuất khẩu từ Việt Nam đặc biệt gặt hái những phần thưởng từ đánh thuế của Hoa Kỳ. Trong lúc hàng hóa Trung Quốc xuất qua Mỹ giảm sút 12,3 % so với năm trước từ tháng Giêng đến tháng Năm, Việt Nam chứng kiến sự tăng vọt 36,4 %, theo số liệu thống kê của Mỹ. Đài Loan so với năm trước 22,5% trong cùng thời gian, tăng hơn 3 lần từ năm 2017-18. Nam Hàn xuất khẩu đến Mỹ tăng 12,4 % trong thời gian đó.

Nếu có một cuộc “leo thang toàn thế giới về xung đột thương mại”, một báo cáo hôm tháng 12 của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) viết, Việt Nam có thể tăng 2,1% GDP trong khi Mã Lai sẽ là 0,5 % và Đài Loan 0,4% nhờ vào chuyển hướng thương mại và đường cung hàng toàn cầu đang chuyển biến.

Một số gia tăng xuất khẩu này có thể do trung chuyển, một hành vi hàng xuất khẩu Trung Quốc vận chuyển qua một nước thứ ba trước khi chuyển đến nước Mỹ để tránh thuế. Một tường thuật mới đây của bản báo phát hiện ra những hàng nhập khẩu máy vi tính và dụng cụ điện tử của Việt Nam từ Trung Quốc gia tăng cùng với sự gia tăng tương tự những mặt hàng cùng loại ở nước đó tới Hoa Kỳ.

Qui mô về hành vi bất hợp pháp này không rõ rệt nhưng cũng có bằng chứng về sự thay đổi chuỗi cung ứng hợp pháp. Apple là ví dụ mới nhất. Lắp ráp tại Trung Quốc chiếm hầu hết sản xuất của công ty, và ông Trump năm ngoái khuyến khích Apple dời hoạt động sản xuất về Mỹ như là một “giải pháp dễ dàng” (“easy solution”) về thuế quan. Tuy nhiên, tạp chí Nikkei Asian tường thuật vào tháng Sáu, Apple đang xem xét di chuyển 15 đến 30 % công năng sản sản xuất từ Trung Quốc đến Đông Nam Á hoặc Mễ Tây Cơ.

Apple có chuỗi cung ứng thiết lập lâu đời ở Trung Quốc không dễ dàng tái tạo được ở những nền kinh tế nhỏ hơn, nhưng công ty trù tính sản xuất ở Kuala Lumpur vẫn rẻ hơn ở Kentucky. Thuế của Ông Trump đang phá vỡ chuỗi cung ứng hiệu quả mà chẳng lợi lộc gì cho người Mỹ.

Người lao động Mỹ có thể tổn thất vì chuyển hướng thương mại, theo phúc trình của ADB tháng 12. Nếu thuế quan lan ra toàn cầu, đặc biệt nếu Mỹ đánh thuế vào ô tô, các nhà nghiên cứu ước tính công ăn việc làm của Mỹ và Trung Quốc sẽ chịu đau đớn trong khi “châu Á đang phát triển” (“developing Asia”), không gồm Trung Quốc, có được việc làm. Mất mát của Mỹ bao gồm 30.000 chỗ làm trong ngành điện tử, 48.000 trong ngành máy móc công nghiệp, và hơn 50.000 trong ngành nông nghiệp.

Bài học ở đây là thật điên rồ mới lo lắng về thâm hụt mậu dịch, một kết quả của những sức mạnh lớn hơn nhiều thuế quan hay chính sách thương mại. Những hành vi thương mại “cá mập” (predatory) của Trung Quốc cần bị thách thức bởi chính chúng, và điều đó có thể thu nhỏ thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc. Nhưng thâm hụt mậu dịch còn đó và nền kinh tế Mỹ vẫn phát triển. Ông Trump nên thoải mái và tận hưởng nó.

Bài trên  báo WALL STREET JOURNAL, ngày 10 tháng 7 năm 2019. Nguy

VÌ SAO NGƯỜI VIỆT LUỘM THUỘM?

Nói người Việt anh hùng thì ai cũng khoái chứ luộm thuộm thì dễ bị chửi “nói xấu đồng bào”. Thí dụ thôi nhiều ê hề, không kể ra đây, tôi chỉ tìm hiểu nguyên do xem sao. Có người bảo đa số người Việt xuất thân từ nông nghiệp nên nhiễm cái thói “tiểu nông”, ra đồng ruộng nếu buồn tiểu buồn tiểu thì sà vào bụi cỏ ven đường ngồi thực hiện vế sau của câu “Nhất quận công, nhì... đồng”.

Ăn uống thì có khi trong nhà, có lúc ngoài ruộng, không giờ giấc, không nơi cố định vì mọi việc tùy vào thời vụ, do hoàn cảnh “nhứt thì, nhì thục” (nông vụ kịp thời quan trọng hơn chuẩn bị cày bừa chu đáo). Thời gian làm việc cũng có khi sương đang xuống, mặt trời chưa mọc, người nông dân đã có mặt ngoài đồng nhưng khi mãn mùa, nằm ngủ  mặt trời mọc “non 1 sào” trời đông, họ vẫn còn an giấc, pho pho ngáy.

Tính “tiểu nông” theo con người ra phố thị phồn hoa? Cũng có thể như thế. Nhưng nước nào khởi đầu tiến bộ văn minh lại không từ nông nghiệp? Người ở các nước công nghiệp hóa như Nhật, Hàn, Singapore…cũng đi lên từ nông nghiệp, tại sao đời sống nơi phố phường của họ văn minh, thành phố họ sạch đẹp?

Việt Nam đang trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã mấy chục năm, các thành phố lớn là bộ mặt của sự phát triển, thử hỏi có cái nào thực sự “xanh, sạch, đẹp” như mong ước của mấy cái loa phường ra rả ta nghe mỗi sớm mai thức giấc?

Hà Nội sẽ như Paris, Sài Gòn sẽ như Singapore, ước muốn "sẽ" ấy khi nào hiện thực? Các thành phố lớn khắp nước sao vẫn còn những cảnh sinh hoạt nhếch nhác, lộn xộn, và rất chi là luộm thuộm, vì đâu nên nỗi?

Chờ đợi khi giàu thì sang sẽ đến, trước mắt cần giàu cái đã, có đúng hay không? Nếp sống văn minh, phố phường sạch đẹp có được khi con người sống ở đó có…văn hóa đạt tầm cao nhất định.

Đến bao giờ thì văn hóa cao đủ tầm để có nếp sống văn minh, phố phường sạch đẹp, trong khi phải mất ít nhất một thế hệ chừng 30 năm của một đời người, mới có thể hình thành một nếp văn hóa, chứ không phải thức dậy là đã “văn hóa” khắp hang cùng ngõ hẻm, gia đình văn hóa, ấp văn hóa, khu phố văn hóa, xã văn hóa, huyện văn hóa…Văn hóa ngút ngàn.

Trong lúc đợi văn hóa hình thành để có nếp sống văn minh lành mạnh, tôi nghĩ “chế tài”, đưa vào khuôn phép, là biện pháp trước mắt, để hạn chế đi đến giảm bớt những cái chúng ta gọi là “tệ nạn” đã làm cho đời sống dân chúng vốn bộn bề lo toan lại bát nháo hơn vì chúng. Chế tài mạnh (phạt) là biện pháp tệ nhất trong các biện pháp quản trị xã hội nhưng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Có mấy cái tệ nạn dễ thấy nhất ở các đô thị, thành phố, là vứt rác bừa bãi, ồn ào vì loa kẹo kéo, loa bán hàng, và lấn chiếm lề đường, lòng lề đường, gây kẹt xe, không có chỗ cho người đi bộ. Biện pháp mạnh quá, khắt khe quá sẽ đẻ ra những tệ nạn khác là “né” biện pháp bằng thói “hối lộ” để khỏi bị chế tài. Thật ra biện pháp hay luật pháp đều có kẽ hở.

Trước đây khi chuẩn bị áp dụng chế tài những ai không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, nhiều người đã “lên án”, không những bởi người đi xe máy mà còn bởi những “ông bà nhà báo” (quốc doanh đường hoàng nghe). Họ chế giễu Sài Gòn sẽ là thành phố “phi hành gia”, ai cũng đội mũ như những phi hành gia. Đi đám cưới làm tóc tốn bạc triệu, “úp” cái mũ bảo hiểm lên, còn chi là vẻ đẹp của quý bà…

Cuối cùng thì mọi người đi xe máy đều phải chấp hành đội mũ bảo hiểm gần như 100%. Nếu không phạt hay không chế tài, liệu có ai chịu đội cái “nồi cơm điện” trên đầu dưới ánh nắng chói chang, nhiệt độ như lửa đốt, chạy mấy giờ đồng hồ chen chúc trên những con đường đặc nghẹt xe cộ bụi đường?

Nếu có sẵn nền tảng “văn hóa” thì mọi người sẽ tự nguyện đội mũ vì an toàn cho chính bản thân khi chạy xe trên đường chứ không phải sợ bị cảnh sát phạt mới đội mũ.

Cấm đốt pháo là một ví dụ sinh động khác, dù rằng đốt chừng mực, có giới hạn vào ngày tết sẽ là nếp văn hóa cổ truyền rất đáng trân trọng. Nếu không bị phạt nặng, người sản xuất, người đốt pháo, liệu họ có chấp hành lệnh cấm hay không?

Do chúng ta chưa đủ “tầm văn hóa” trong việc sử dụng pháo chừng mực, ý thức, tục đốt pháo nên thơ từ xưa trong những ngày đầu xuân đã bị xóa bỏ đầy tiếc nuối. Chưa đạt đến tầm văn hóa thì biện pháp là cái cần nghĩ tới khi quản trị xã hội -  ở đây là nói về các thành phố lớn khắp cả nước.

“Rác, tiếng ồn, lấn chiếm lề đường” là những vấn đề cỏn con hay sao?

Hay là những người quản trị đất nước này đã quen với những kế hoạch vĩ đại, vĩ mô, nên phát ngôn của họ cũng vĩ mô vĩ đại: thành phố thông minh, thành phố đáng sống, sẽ bắt kịp Singapore, Hồng Kông, sẽ có giải Nobel y tế?

Tôi đi Singapore và ngạc nhiên tại sao dân nơi đây không lập cho ông Lý Quang Diệu một cái tượng đài hoành tráng, để ghi nhận công lao của ông đối với một đất nước nhỏ, có mức sống nằm trong hàng cao nhất thế giới. Và nếu lập tượng đài tại đó, tôi nghĩ họ nên làm thêm một tượng đài về thỏi kẹo cao su (chewing gum) của hãng Wrigley, đã bị ông Lý Quang Diệu cấm tiệt sản xuất tại đảo quốc này sau 15 năm cho phép hoạt động. Kẹo nhai chóp chép tốt cho răng cho hàm rất thường dùng trên thế giới lại không thấy ở đất nước này, lý do: lợi bất cập hại.

Chúng ta đã từng thấy ở VN, trên nền sảnh sang trọng ở những tòa nhà cao đẹp đã có những bã kẹo cao su nham nhở  dính chặt lỗ đỗ. Những chiếc ghế trong rạp hát đã có những bã kẹo dính vào quần của người đi xem vô tình ngồi lên. Trên cầu thang bộ, thang máy…chúng ta thấy không ít những bã kẹo như thế, cho dù trên vỏ bọc kẹo, người Mỹ đã in câu “hãy giữ cho xứ sở bạn sạch sẽ” và hướng dẫn cách để gói kẹo khi ăn xong. Chỉ cái bã kẹo thôi, ông Lý Quang Diệu đã có biện pháp dứt khoát và mạnh tay, không hề nể sợ người Mỹ.

Chúng ta với “rác, tiếng ồn, lấn chiếm lề đường”…không “vĩ mô” hơn chuyện cây kẹo Wrigley kia hay sao? Internet là xa lộ thông tin mà quý vị còn có quyền phân làn cho chạy, chẳng lẽ ba cái “rác, tiếng ồn, chiếm lòng lề đường”, quý vị lại không quản nổi? Tôi sẽ nói lại một ngày nào đó: người Việt văn minh, không luộm thuộm đâu nhé, chớ có mà xuyên tạc.