Saturday, January 20, 2024

TẦM NHÌN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Chúng ta thường tự hào dân tộc thông minh, cần cù, hiếu học, nhưng tôi hết sức ngạc nhiên đất nước gần 100 triệu dân chưa có một triết gia thực thụ, đúng nghĩa, hay một nhà tư tưởng, lập ra một chủ thuyết minh triết cho dân chúng theo đó để chấn hưng đất nước. Ngay cả những vị lãnh đạo đất nước, từng đánh bại Pháp, Mỹ, chưa có vị nào được ngưỡng mộ trên thế giới về tư tưởng xây dựng đất nước như ông Lý Quang Diệu của Singapore.

Người ta cho rằng do chiến tranh, các vị nguyên thủ không được đào tạo bài bản trong các trường học danh tiếng thế giới. Có sống ở nước ngoài, tầm nhìn các vị cầm trịch quốc gia sẽ rộng mở hơn.

Cũng có thể. Lãnh tụ như Hồ Chí Minh có thời gian ở nước ngoài rất lâu, bắt đầu từ nước Pháp văn minh, khi làm cách mạng trong gian khổ cho đến khi làm đến chủ tịch nước, cụ có cung cách điều hành quốc gia hết sức thông thoáng.

Việc liên kết các đảng chính trị đối lập thời 1945 trong chính phủ lâm thời, cho thành lập thêm hai đảng Dân Chủ và Xã Hội bên đảng Lao Động, bổ nhiệm những vị không nằm trong đảng làm bộ trưởng, sử dụng những người trong triều đình phong kiến Huế như Bảo Đại hay các vị quan đại thần, cả những trí thức xuất thân “tư sản”, “tiểu tư sản”…tất cả nói lên tầm nhìn rộng của một nhân vật chính trị đã có thời gian trưởng thành ở những nước tiến bộ, văn minh (tuy tất cả không được kéo dài cho đến nay vì hoàn cảnh lịch sử mỗi lúc).

Sau này, bên Trung Quốc, có Đặng Tiểu Bình (nhân vật không được “hoan nghênh” ở VN hiện nay). Ông ta có thời gian dài sống ở Paris, từng biết Nguyễn Ái Quốc khi ấy. Nếu trưởng thành từ quần chúng nhân dân trong nước như Mao Trạch Đông, không có thời gian dài tiếp xúc văn minh phương Tây, chắc chắn Đặng Tiểu Bình đã không áp dụng nguyên tắc tư bản chủ nghĩa để đưa đất nước cả tỷ dân lên nền kinh  tế lớn đứng hàng thứ hai sau Mỹ, từ chỗ tơi tả vì  đói rách và hỗn loạn do Đại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa, với chủ thuyết “mèo trắng hay mèo đen, (ý nói tư bản hay cộng sản) mèo nào bắt được chuột đều tốt”.

Nhưng ý tưởng “nếu được sống hay được đào tạo ở phương Tây”, tầm nhìn của lãnh đạo sẽ thoáng rộng hơn, chưa hẳn đã hoàn toàn đúng.

Kim Yon-un là ví dụ đối nghịch, phản bác ý tưởng này rõ ràng nhất và thuyết phục nhất. Ông ta được học từ nhỏ với một cái tên giả ở Thụy Sĩ, một nước tư bản hàng đầu. Đất nước ông có thay đổi chi đâu.

Thế thì "tầm nhìn xa trông rộng" còn xuất phát từ đâu? Trả lời ngắn: từ ý tưởng “phản động”. Đây không phải là đảng hay tổ chức phản động mà là tư tưởng “phản động” (tức đối nghịch tư tưởng cũ); đôi khi chúng ta hay nghĩ nó xấu xa vì hai chữ này liên quan đến "bọn" muốn lật đổ chính quyền, nói xấu đảng, nói xấu chính phủ, cần bị trừng trị.

Đặng Tiểu Bình đã suy nghĩ “phản động” khi ông ta cả đời đi theo lý tưởng cộng sản nhưng lại áp dụng kinh tế tư bản  chủ nghĩa. Ông Kim Ngọc ở Việt Nam đã “phản động” khi vượt rào, phá vỡ chính sách của đảng về hợp tác hóa nông nghiệp nông thôn…bằng “khoán chui” và đã trả giá khá đắt (năm 1986, ông được phục hồi danh dự, và được phong anh hùng lao động).

Các nhà làm chính sách VN thời đổi mới đã “phản động” lại kinh tế hợp tác xã, kinh tế quan liêu bao cấp, áp dụng nguyên tắc kinh tế thị trường, "cởi trói" toàn nước, biến một đất nước mua miếng thịt vài lạng cũng phải xếp hàng cả buổi, lại có ruộng cò bay thẳng cánh mà cũng phải ăn bo bo của nước ngoài viện trợ, trở thành một nước có thu nhập trên 2000 đô mỗi người (tuy còn trung bình nghèo) và gạo xuất khẩu ngút ngàn, muốn ăn gạo thơm có gạo thơm, muốn nhâm nhi cá hồi có cá hồi, muốn lai rai Tiger có Tiger.

Nếu kiên trì hợp tác xã, kiên trì bao cấp tem phiếu, chẳng có ai tư duy “phản động” lại tư duy cũ, thì hiện nay có khi đất nước ta biết đâu lại đi xin viện trợ gạo như xứ sở Kim Chi của chú Un. Vì sao tư tưởng mới trái với tư tưởng cũ - tư tưởng của nhà thống trị xã hội -  thì gọi là “tư tưởng phản động”.

Và "phản động" thì…nguy hiểm lắm, ở tù như chơi.

Không phải chế độ bây giờ, tư tưởng “phản động” mới có thể gây hiểm nguy cho người có nó; thời xa xưa trong lịch sử, “tư tưởng phản động” cũng éo le, thê thiết lắm lắm.

Vì Hai Bà Trưng “phản động” đối với bọn Tàu cai trị, hai vị phải gieo mình tuẫn tiết ở Hát Giang. Cao Bá Quát nổi lên chống lại áp bức triều đình nhà Nguyễn cũng bị chém đầu vì “phản động” (làm giặc chống vua Nguyễn không khác chi “làm phản động”).

Nguyễn Tường Tam cũng phải uống thuốc độc quyên sinh vì dính líu đến cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm. Một nhà văn, một nhà “cách mạng” như ông cũng bị coi là phần tử “phản động” với chế độ gia đình trị của nền đệ nhất cộng hòa.

Thời Pháp thuộc còn tàn độc hơn nữa. 13 vị anh hùng Quốc Dân Đảng lên đoạn đầu đài vì “phản động” lại bọn thực dân Pháp, đau đớn có vị đầu bị cắm vào nọc tre bắt dân chúng đến xem.

Thời nô lệ và thời bị xâm lược phong kiến phương Bắc, thời Pháp thuộc kháng chiến chống thực dân, thời chiến tranh đánh Mỹ…bất kỳ ai có tư tưởng chống lại tư tưởng của nhà cầm quyền đều bị đối xử hết sức tàn khốc, tư tưởng chống đối nhà cầm quyền từng thời kỳ được xem là “tư tưởng phản động”.

Ai ‘tư tưởng phản động” đều lãnh hậu quả thảm khốc: ngay cả Lê Văn Duyệt một khai quốc công thần, đã chết rồi, mồ mả cũng bị đóng xích, bia cũng bị đục tên, chỉ vì cái tội làm giặc (phản động) của một người khác, con nuôi Lê Văn Khôi.

Sự nguy hiểm của tư tưởng khác biệt, có khi ngược hẳn lại tư tưởng của giới cầm quyền, của nhà vua, cả ngàn năm nay đã khiến người VN không bao giờ dám suy nghĩ khác, có tư tưởng khác với suy nghĩ và tư tưởng chính thống, do đó, làm sao có được những tư tưởng lớn, những lý thuyết lớn, những triết thuyết lớn, để dẫn dắt quần chúng nhân dân, đưa đất nước đến phú cường, văn minh?

Chỉ có một cái “Hiến Chương” (chưa hẳn đã "phản động") thôi, Lưu Hiểu Ba ở  Trung Quốc đã bỏ xác trong tù.

Tư tưởng cần có môi trường thuận lợi là "tuyệt đối tự do" để nảy nở, huống hồ chi những tư tưởng lớn, những tư tưởng có thể dẫn dắt quần chúng. Có ai chắc chắn một tư tưởng, một triết thuyết, một chủ nghĩa nào đó, luôn luôn đúng, luôn luôn bất biến, từ lúc Lão Tử, Khổng Tử, ra đời cách nay mấy ngàn năm cho đến nay, 2019?

Không phải chỉ ở VN mà ở những nước khác, không có tư tưởng lớn, không có những triết gia lớn, chính là do hoàn cảnh lịch sử, vua chúa không muốn quyền hành của mình bị thách thức bởi tư tưởng cách tân của tầng lớp trí thức mới, hoặc do chiến tranh của đất nước đó, việc bảo vệ đất nước là ưu tiên hàng đầu: không bị xâm lược - chứ không phải là ưu tiên hàng đầu cho những tư tưởng lớn, triết thuyết lớn.

Tư tưởng lớn, triết thuyết lớn, chỉ có ở những nơi học thuật được tôn trọng, tinh thần tự do được thể hiện, sự bao dung làm nền tảng: “Ta với ngươi có thể chết vì quan điểm khác nhau nhưng ta quyết chết để bảo vệ sự SỰ TỰ DO KHÁC NHAU QUAN ĐIỂM đó của chúng ta”. Hơi khó hiểu nhưng đó là chân lý.

Cách đây hơn 2000 năm, thời nhân loại còn phôi thai, khi Jesus bị bắt, ngài được đưa ra cho công chúng xét xử, kẻ bảo tha người bảo giết, tranh luận với nhau, ý kiến khác nhau rất nhiều (bây chừ ta gọi cho mỹ miều là “đa nguyên”).

Chính quyền La Mã thời đó đã để cho dân chúng cái quyền phán xét Chúa mặc dù họ có thể đóng đinh ngài mà không cần hỏi ý kiến cái đám dân chúng thấp bé họ đang cai trị.

Sự khác biệt tư tưởng, tôn trọng khác biệt tư tưởng, ở vùng đất cát khô cằn - nay ta gọi là Trung Đông – từ xa xưa đã phát sinh ra ba tôn giáo lớn, có ảnh hưởng bao trùm nhân loại: Do Thái giáo, Hồi giáo, và Thiên Chúa giáo.

Hoàn cảnh tạo anh hùng. Người VN nổi tiếng thông minh nhưng không có những nhà tư tưởng lớn, triết gia lớn, từ xưa đến nay là lẽ đương nhiên. Nói nôm na “chú” thức giả nào có suy nghĩ “phản động” lại tầng lớp cầm quyền, ngược lại hàng ngũ vua chúa, chú ấy sẽ bị “ngắt đầu” ngay.

Có chi mà “théc méc” (âm Quảng Nam: thắc mắc).

TẠI SAO VIỆT NAM LÀ NƯỚC THẮNG LỚN TRONG THƯƠNG CHIẾN MỸ TRUNG.

(Why Vietnam is a big winner in the US-China trade war)

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung có thể đã phủ một đám mây bất ổn lên thời tiết kinh doanh châu Á, nhưng thời thế lại tốt lành cho Vũ Ngọc Khiêm, một chuyên gia tư vấn kết nối những nhà cung ứng với những người mua ở Việt Nam.

Từ lúc Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ và bắt đầu mạnh tay với hàng nhập khẩu Trung Quốc, Vũ có nhiều việc với Global Sources (Nguồn lực thế giới), một công ty truyền thông doanh nghiệp-đến-doanh nghiệp anh đang làm việc.

Anh cho biết: “Việt Nam là một chọn lựa thay thế cung cấp nguồn lực đã hai hoặc ba năm trước, nhưng bây giờ tình hình thuế quan thật sự đã làm những người mua thêm tự tin và thúc đẩy họ càng nhiều hơn nữa”. “Lần đầu tiên từ trước tới nay, những nhà cung ứng Việt Nam chính mình có cơ hội chọn lựa những người mua”

Việt Nam, một nước châu Á với gần 100 triệu dân, đang là một quốc gia lợi lớn trong tranh cãi thương mại trường kỳ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hưởng lợi từ sự tăng vọt trong xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, trong lúc các doanh nghiệp đang tìm cách thu hẹp hoạt động của mình ở Trung Quốc hoặc là di dời đi để tránh thuế quan Mỹ.

Tuần qua, chính quyền cộng sản đã gật đầu lần nữa với tư bản (the communist state gave another nod to capitalism) bằng cách ký kết một thỏa thuận thương lượng từ rất lâu với Cộng đồng châu Âu (EU) sẽ cắt giảm thuế lên hầu hết các mặt hàng.

Thỏa thuận, được Brussels (thủ phủ EU- ND) ca ngợi như “một cột mốc”, ghi nhận một năm bội thu cho tiếng tăm đang nổi của VN như là một hội tụ sản xuất toàn cầu về các sản phẩm từ thiết bị điện tử và quang học, đến da thuộc, giày dép và áo quần.

“Việt Nam nổi lên như là một nước chúng tôi kỳ vọng sẽ gặt hái nhiều nhất từ cuộc xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc”, Abdul Abiad, giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) nói với tờ Telegraph.

“Liên quan đến kịch bản “không xung đột”, chúng tôi kỳ vọng xung đột thương mại hiện nay sẽ là một cú hích cho tỉ lệ chừng 2% GDP của Việt Nam đang đến trong thời gian hai tới ba năm.

“Cú hích đang đến bởi sự chuyển hướng thương mại”, ông ta lý giải. “Trước hết, những nước đứng ra gặt hái nhiều nhất là những nước đang làm ra sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với những nước bị tác động vì thuế quan đánh vào Trung Quốc”.

Và nằm trong những nước đang phát triển ở châu Á, Việt Nam là một quốc gia có sản phẩm nhiều nhất”.Theo một báo cáo mới đây của ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, đa phần những thành quả của VN chủ yếu đến từ thiết bị điện tử dành cho điện thoại thông minh, hàng nội thất, và máy xử lý dữ liệu – tất cả những sản phẩm có thể nhanh chóng di dời đến những nhà máy nằm ngoài Trung Quốc.

Báo cáo đó cũng tiết lộ Việt Nam, có chung biên giới với Trung Quốc, kiếm được nhiều đơn đặt hàng nhờ sự chuyển hướng thương mại đối với những hàng hóa bị đánh thuế tương đương 7, 9 %  GDP trong 12 tháng cho đến tháng 3 vừa qua.

Nhưng những nhà phân tích kinh tế lý giải rằng tranh chấp thương mại đơn giản khuếch đại vị thế Việt Nam thành một chọn lựa tối ưu trong lĩnh vực chế tạo “Trung Quốc cộng một” ("China plus one"), nơi mà các công ty xây dựng cơ sở sản xuất ở một thị trường khác, bên cạnh Trung Hoa lục địa.

“Việt Nam có một nguồn nhân lực rất tốt, chất lượng cao và lao động tương đối trẻ. Một yếu tố khác là chính phủ đã cố gắng tạo thuận lợi và thúc đẩy đầu tư nước ngoài”, Yasuyuki Sawada, kinh tế gia trưởng của ADB giải thích.

Nền kinh tế quốc gia phát triển cao 7,1 % năm ngoái, theo con số của chính phủ, sự tăng trưởng kỳ vọng khoảng 6,8 % trong năm nay. Nếu nó duy trì tốc độ đó trong thập niên tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn nền kinh tế Singapore, các nhà kinh tế của Ngân hàng Phát triển Singapore dự báo.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam tăng từ 9 % lên một kỷ lục 19 tỷ đô la năm ngoái, trong khi nó là một trong những nguồn cung cấp hàng nhập khẩu lớn nhanh nhất từ châu Á vào Mỹ quý vừa rồi – và có thể qua mặt Vương Quốc Anh nếu tốc độ đó được duy trì.

Trent Davies, trưởng nhóm toán cố vấn doanh nghiệp quốc tế thành phố HCM, thuộc Dezan Shira and Associates, theo dõi sự thay đổi về tín nhiệm của VN nhờ sự sửa đổi luật đầu tư nước ngoài vào năm 2014.

“Đó là khi chúng tôi bắt đầu thấy rất nhiều công ty nghiêm chỉnh xem VN như là một sự thay thế”, Davies nói; ông là người hướng dẫn những khách hàng quốc tế thông qua tiến trình xâm nhập thị trường. “Trước đó, chẳng có nhiều sự bảo vệ chống lại những vấn nạn của các nước đang phát triển như là tham nhũng, và chẳng có đủ minh bạch trong bộ luật đó”.

Những thay đổi về luật pháp đã thúc đẩy VN thông qua được “dễ dãi làm ăn” trong xếp hạng, trùng khớp, với Ngân Hàng Thế Giới, ông Davies nhận xét, cùng với sự thịnh vượng đang lên của tầng lớp trung lưu, chứng minh bằng sự bùng nổ của các nhà hàng thịt bít tết, những quán bar trên sân thượng và những điện thoại thông minh đắt tiền.

Các công ty đa quốc gia, kể cả tập đoàn Samsung của Nam Triều Tiên, là những công ty sớm đến VN, mở lối cho đầu tư nước ngoài hơn nữa, và thúc dục các công ty khác xem xét việc di chuyển tới đó để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Nội Samsung thôi hiện nay đã chiếm 1 phần 4 giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Thuế quan vừa áp lên hàng hóa TQ đã đem lại thêm cái “cảm giác khẩn cấp” (“sense of urgency”) cho những kế hoạch di dời dự định trước đó, Davies nói. “Các công ty sẽ đến Việt Nam và nhận ra bất thình lình rằng đất cho công nghiệp không đủ có sẵn và rằng có sự áp lực cho việc tìm chỗ, đã làm cho mọi người quyết định có lẽ nhanh hơn là họ nghĩ trước đó.

“Khả năng quốc gia kém hơn TQ khi đối phó với làn sóng tràn vào của các công ty là một trong nhiều trở lực cho những tham vọng đầu tư nước ngoài của VN. Các nhà kinh tế cũng cảnh báo VN không phải “miễn nhiễm” với tác động tiêu cực của bất ổn tài chánh trong thời tiết kinh doanh ở châu Á.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng điểm từ lúc Trump và Tập Cận Bình, người đồng cấp Trung Quốc, đồng ý tái lập đối thoại tại thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản. Tuy nhiên, Việt Nam có nguy cơ trở thành nạn nhân từ sự thành công của chính mình sau khi thu hút sự chú ý không mong muốn của tổng thống Mỹ.

Được hỏi trong một cuộc phỏng vấn truyền hình mới đây nếu ông có muốn đánh thuế, Trump nói: “Chúng tôi đang thảo luận với Việt Nam. Việt Nam hầu như duy nhất quá tệ - họ nhỏ hơn Trung Quốc, nhỏ hơn nhiều - nhưng họ hầu như là nước lợi dụng tệ nhất của mọi người”  (Vietnam is almost the single worst -- that’s much smaller than China, much -- but it’s almost the single worst abuser of everybody”).

Tháng trước, Ngân Khố Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách cảnh giác những nước bị theo dõi có thể đang thao túng tiền tệ. Hà Nội cũng đang đấu tranh chống lại những cáo buộc rằng những nhà xuất khẩu Trung Quốc đang chuyển hướng hàng hóa của họ vào Việt Nam và dán nhãn giả vào sản phẩm của họ để tránh thuế.

Bộ thương mại Mỹ cũng lên kế hoạch đánh thuế đến 456 % vào một số thép sản xuất ở Nam Hàn hoặc Đài Loan chuyển qua Việt Nam chế biến đôi chút trước khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Nếu thuế quan nới rộng hơn đối với Việt Nam, nền kinh tế xuất khẩu thịnh vượng của họ chắc chắn gặp tổn thất. Nhưng Trump cần muốn cân nhắc nhiều chỉ dấu lớn hơn, Bill Hayton, một think-tank (đầu não) của Chatham House đưa ra giả thuyết.

“Đây là thế địa chính trị xưa cũ so đọ với kinh tế học, nếu ông ta muốn một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc về mọi vấn đề, do đó, về lý thuyết ông ta đang cần những đồng minh”. Bill Hayton nói. “Nếu Trump bây giờ theo đuổi áp thuế Việt Nam, điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến những lợi ích về địa chính trị của ông ta? Việt Nam có hàng tá những bạn hữu ở Hoa Thịnh Đốn – những con người chiến lược xem Việt Nam như là một đối tác trong trận chiến lớn hơn với Trung Quốc”.

Bài của Nicola Smith, đăng ngày 9 tháng 7 năm 2019 trên TELEGRAPH, Anh. Nguyễn Long Chiến dịch.

HIỀN TÀI.

Trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám năm 1442, có khắc những dòng chữ :"...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết..." (Thân Nhân Trung).

Đoạn văn không dài nhưng cô đọng, khái quát. Hiền tài thời buổi ấy có lẽ là những người có tài văn chương, thông kinh sách thánh hiền, đỗ trạng nguyên, tiến sĩ, rồi ra giúp dân, giúp nước. Hiền tài thời ấy hẳn không đa dạng và nhiều như bây giờ nhưng người xưa cũng rất cẩn trọng khi tuyển chọn họ.

Định nghĩa thế nào là hiền tài thời nay? Những người có bằng tiến sĩ, giáo sư, viện sĩ, hoặc là nghệ sĩ nhân dân, nhà giáo nhân dân đều là…hiền tài? Như thế, đất nước này “hiền tài” còn nhiều hơn lá mùa thu…Hiện nay ai là hiền tài, rất khó có câu trả lời thích đáng.

Thiển nghĩ: hiền tài là những người tài ba, đức độ, sẵn sàng cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước. Hiền tài VN trọng dụng như thế nào gần một thế kỷ nay? Một đặc điểm dễ nhận biết là hiền tài không được trọng dụng, không phải vì họ không có cơ hội, nhưng cơ hội không phải là của họ.

Những hiền tài được đào tạo thời Pháp thuộc sau này đã buộc ngã theo hai phe vì lịch sử: phe Việt Minh và phe không Việt Minh. Nếu không có phe nào, chỉ có một “phe” là tổ quốc, khối hiền tài ấy đóng góp hiệu quả biết bao cho dân tộc.

Sau 1945, một số hiền tài bị phe bên kia tiêu diệt, số may mắn còn sống sót thì cũng trốn khỏi nước để cứu lấy thân, tha phương chờ thời. Hiền tài còn lại nếu lượng định được, chỉ “non” phân nửa. Hiền tài ấy phải cầm súng đánh Tây, đuổi Tàu, số người chết đi không ít.

Năm 1954, hiền tài lần nữa lại chia rẽ về hai ngả: Sài Gòn và Hà Nội. Hà Nội tiến hành cải cách ruộng đất, đấu tranh chống Nhân văn giai phẩm, xét lại. Số hiền tài nằm trong những người mất mạng hay bị đọa đày chắc cũng có, không nhiều thì ít. Số hiền tài ở chế độ VNCH cũng có số phận tương tự, dù rất ít. Nguyễn Tường Tam, Hồ Hữu Tường…là một trong số rất ít đó.

Rồi “cách mạng 1.11.1963” đã loại bỏ một hiền tài của nền đệ nhất cộng hòa. Đám tướng lĩnh “hiền tài” nghe lời Mỹ, giết chết con người mà sau này chính họ và người Mỹ than thở, trong đám “hiền tài mang lon tướng tá”, không tìm ra ai bằng cái người họ cho thuộc hạ nổ súng vào đầu lúc tay chân bị trói.

Cuộc chiến tranh khốc liệt hơn 3 triệu người chết 2 bên, trong đó không có hiền tài? Số hiền tài miền Nam và trong gần 1 triệu người di cư vào Nam cũng không thoát khỏi số phận đắng cay sau 30/4/1975.

Chạy trời không khỏi nắng. Trong núi rừng âm u hàng trăm trại cải tạo, những người bị giam giữ không xét xử, có người bỏ mạng vì bệnh tật, hay những người vượt biên trên biển mất xác, không có hiền tài trong những nhóm người ấy hay sao?

Số người may mắn khác trước đó được người Mỹ di tản ra khỏi nước, sống những năm tháng nhớ quê buồn tủi nơi đất khách quê người, không có ai là hiền tài ?

Hiền tài do lịch sử chiến tranh bị phân tán và mai một mỗi ngày.  Đất nước thống nhất liền một dải nhưng hiền tài của 2 phe do lịch sử có thống nhất một lòng, anh em Nam Bắc một nhà?

Hay vẫn còn nhức nhối những câu như “bọn thế lực thù địch” , “bọn cộng sản Hà Nội” trong tâm trí của một bộ phận người VN.

Đã gần nửa thế kỷ, vết thương dân tộc vẫn chưa liền da, muối vẫn xát, xát thật đau mỗi khi tưng bừng mừng “đại thắng”.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” vẫn chỉ là ước muốn khi người Việt Nam chưa thật sự bắt tay nhau, chân tình từ trái tim, chứ không phải bởi đầu môi chót lưỡi.

Chưa kể, cách tuyển chọn “hiền tài” cho đất nước hiện nay thật bất cập, chỉ giới hạn trong số một nhóm người gần 4 phần trăm dân số cả nước. Rồi những “hiền tài” bị tước thẻ đảng, ra đảng, hay đang ở trong tù (chúng ta “giàu” hiền tài thế ư?).

VN sẽ cất cánh thật sự nếu “hiền tài là nguyên khí quốc gia” không phải là câu khẩu hiệu, và không còn đầu óc phân biệt hiền tài bên “ta” hay hiền tài bên “địch”.

CHÓ, ĐỒ CHÓ.

Chó là con vật sống gần gũi nhất con người. Trong tất cả con vật, chó trung thành nhất. Bị “đánh như chó”, “chửi như chó”, khinh rẻ gọi “đồ con chó”, ác khẩu hơn “đồ chó chết”…nhưng chó lại chẳng màng thái độ tàn nhẫn, khi dễ của con người đối với mình. Nó vẫn ngoắc đuôi chân thành mừng chủ dù vài giây trước đã bị chủ phang một gậy nên thân vì một lỗi gì đó nó cũng không biết.

Trung thành, đáng yêu, gần gũi như thế, chó vẫn không thoát khỏi kiếp nạn bị trói chặt, nhận nước cho đến chết, cắt cổ, thui lửa, và bị chặt ra từng mảnh, phục vụ cho những người cả đời chúng một mực yêu thương.

Tập quán ăn thịt chó có lẽ đã lâu đời, truyền từ Trung Hoa qua Bắc rồi vào Nam, “sôi nổi” nhất từ khi có mặt của gần triệu dân di cư vào Nam. Nói như thế không có nghĩa dân Nam không ăn thịt chó, có ăn nhưng mức độ “phong trào” hẳn không bằng đồng bào chúng ta ngoài Bắc.

Bài viết của tôi không có mục đích nhận xét người vùng nào ăn thịt chó nhiều hơn. Tôi muốn tìm hiểu vì sao người ta thích ăn thịt con vật rất gần gũi con người trong khi nhiều loại thịt có sẵn, dinh dưỡng còn hơn thịt chó.

Ăn thịt chó tuy có người coi là "dã man" nhưng không dã man bằng ăn thịt người. Đọc truyện Tàu, cảnh ăn thịt người không thiếu, nhất là trong Thủy Hử. Người Tàu xưa ăn thịt người trong khi người Việt xưa không thấy như thế qua sách vở để lại. Ăn thịt người, ăn thịt chó, ngấm vào máu, khiến việc rút kiếm ra chém rơi đầu một người, nhẹ tựa như nhổ một sợi tóc ngứa trên đầu?

Quen giết người, quen giết chó, đã khiến người Trung Hoa xưa, lịch sử 5000 năm đánh nhau hầu như không ngừng nghỉ? Người Việt Nam ngoài đánh quân xâm lược, chúng ta còn đánh nhau nhiều hay ít trong lịch sử ngắn hơn so với Tàu (không kể  1000 năm bị đô hộ)?

Con người đang tâm giết một con vật đáng yêu như một đứa trẻ-  là con chó - để ăn thịt sẽ dễ dàng giết chết đồng loại hơn những người yêu quý nó như là vật cưng, ưu ái được xếp sau trẻ con và phụ nữ? Hỏi cho vui vậy thôi chứ hai chuyện giết chó và giết người khác nhau hoàn toàn.

Triều Tiên là xứ sở coi thịt chó như “quốc hồn, quốc túy”. Trong quá khứ, nghe nói Kim Nhật Thành được đãi món thịt chó khi qua thăm Việt Nam; ông đã khen nức nở và khi về nước có "vời" chuyên gia mổ chó về để truyền đạt nghệ thuật “cầy bảy món” của chúng ta.

Thế hệ sau ông Kim ở Bắc Triều Tiên có còn phát huy truyền thống ăn thịt chó hay không chứ ở Nam Hàn phong trào tẩy chay thịt chó trong giới trẻ đang dâng cao mạnh mẽ; họ còn yêu cầu quốc hội ra luật cấm giết mổ chó. Số lượng người ăn thịt chó đã giảm sút ngày càng rõ rệt. Tổng thống Nam Hàn thấy “hiền lành” không như chủ tịch Bắc Hàn, lâu lâu hùng hổ tuyên bố “phá tan” đối phương bằng hỏa tiễn, dù đói vẫn ngày đêm hì hục cho ra lò, nỗi đe dọa nguy hiểm đến nỗi tư lệnh tối cao quân lực hùng mạnh nhất thế giới cũng phải  xuống nước, nạt nộ không xong bèn ra sức dỗ dành, nay gặp bắt tay, mai chào vỗ vai, thân thiện lấy lòng chú Rocket Man (người Hỏa Tiễn, Trump gọi Un như thế).

Biết đâu ăn nhiều thịt chó khiến người ta trở nên hung hãn hơn? Chưa có kết luận khoa học chứng minh như thế. Nhưng tại đây có chứng minh: Nam Hàn giảm ăn thịt chó trong khi ở Việt Nam ăn thịt chó đang tăng. Số lượng chó tiêu thụ nghe đâu 5 triệu con mỗi năm với 4 tỷ lít bia chưa kể rượu; giá thịt chó ngày càng "nâng lên tầm cao mới"; ăn trộm chó ngày càng ác liệt, tinh vi, kẻ trộm chó tự trang bị cả vũ khí như roi điện, súng điện, chống trả khi bị bắt, đến nỗi bị đánh chết, bị bắt trói như tội phạm thời trung cổ, họ vẫn không chấm dứt nghề trộm chó.

Cũng là con người, sao dân Nam Hàn ý thức việc dần dần từ bỏ tập quán tàn nhẫn ăn thịt chó, còn những con người chúng ta  luôn tự hào nhân ái vẫn xem giết chó, ăn thịt chó, là lẽ tự nhiên, thường tình, không thấy có phong trào nào cảnh báo hay kêu gọi giảm ăn thịt chó, nghĩa là giảm bớt việc giết những con vật trung thành nhất với con người?

“Sống trên đời không ăn thịt chó, chết xuống âm phủ không có mà ăn”, câu nói bốc đồng của các bạn nhậu lúc say sưa món chó trở thành một triết lý sống hay sao?

Và biết đâu, nếu bắt chước Nam Hàn  lên án giết chó, ăn thịt chó, giá thịt chó ở ta giảm bớt "tầm cao", cảnh đau lòng một con người bị trói, gối đầu lên những con chó đã chết, như trong ảnh, sẽ không còn nữa?

(Tôi xin lỗi không phải lên án những người ăn thịt chó mà muốn chúng ta nên từ bỏ tập quán quá nhẫn tâm này).

ĂN TO NÓI LỚN

Tôi tình cờ đọc, trên tờ một báo lớn thuộc top của VN, một bài báo tựa đề "Ăn to nói lớn" là truyền thống văn hóa của người Việt! Mào đầu bài viết tác giả lại thêm: “Ông bà ta có câu ‘đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại’, ấy là văn hoá người Việt Nam”.

Văn hóa là hai từ hiện nay rất “đại trà”: gia đình văn hóa, làng văn hóa, văn hóa phong bì, văn hóa giao thông, thậm chí văn hóa…nhậu. Mỗi ấp, mỗi làng khắp nước này đều có “nhà văn hóa”.

Nhưng nói “ăn to nói lớn” là truyền thống văn hóa có cái gì đó ngường ngượng. Giữa đám đông nhiều người đang ngồi thừ ra chờ chuyến bay bị hoãn giờ thì có một ông áo quần bảnh bao, mày râu nhẵn nhụi, móc điện thoại ra oang oang như chốn không người. Trong lúc chờ nhau xếp hàng đến phiên lấy thức ăn tự chọn (buffet), có cô nom đẹp còn hơn hoa hậu, toe toét cười khoe hàm răng trắng lóa, bô bô khoe với bạn chuyện đại gia theo tán tỉnh mình lủ khủ như quân Nguyên.

Ở Việt Nam, vào trong các quán nhậu, nghe “ăn to nói lớn” có thể châm chước được, vì bù khú quá, rượu vào lời phải ra, và nói nhỏ không nghe được đành phải “nói lớn” cho bình đẳng với các bàn bên, cũng đang to tiếng nói cười, dzô dzô 100%.

Nhưng giữa những chỗ người đông đúc, cần sự yên lặng để người khác có phút giây yên tĩnh, lắng nghe những câu thông báo của những người trách nhiệm như ở  các bãi đợi xe, đợi tàu, hay trong nhà chờ sân bay, các ông các bà thi nhau nói oang oang, chuyện trên trời dưới đất, chuyện con cái, chuyện làm ăn, chuyện vợ chồng, như đang giữa chợ; ăn to nói lớn là “văn hóa”… chi ác rứa trời.

Có người phê phán những hành vi như thế thì nghe lời giáo huấn tương tự như câu trích từ bài báo “Ông bà ta có câu “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại", ấy là văn hoá người Việt Nam”. Ý nói có ăn to nói lớn thì cũng nên che đậy đi vì nó là truyền thống của người Việt “cao quý”.

“Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”, một lối sĩ diện tưởng đâu lịch lãm, khôn ngoan, té ra tai hại vô cùng.

Thế giới đọc “Người Trung Quốc xấu xí” rất thán phục tác giả, đã can đảm nói lên cái xấu xa của dân tộc mình, dám vạch áo cho người xem lưng, từ đó sửa chữa để dân tộc vươn lên, trong lúc những “ hồng vệ binh yêu nước” Trung Quốc chửi bới thậm tệ người viết, muốn ăn tươi nuốt sống ông ta.

Xấu che, tốt khoe đã khiến con người giả dối lẫn nhau. Tại sao xấu không khoe ra như tốt để cùng nhau sửa chữa, xấu sẽ thành tốt nhưng lại muốn che giấu nó? “Xấu che, tốt khoe” đã khiến người dân Việt Nam trong một ngàn năm đô hộ, trong hàng mấy trăm năm đánh giặc rồi đánh nhau (cộng gộp lại) lúc nào dân ta cũng anh hùng, địch thua, ta thắng, địch hàng vạn người bỏ mạng, ta chẳng mất mống nào.

Những kinh nghiệm của thất bại, của thua trận, của tổn thất có giá trị gấp mấy ngàn lần thành công, thắng trận, và thắng lợi. “Xấu che tốt khoe” nên giặc cứ xâm lược nước ta "lai rai", hết triều đại này qua triều đại khác; người Việt không học được cái xấu, cái yếu, cái “yếu” cái “xấu” bị đời trước vì bệnh sĩ đã giấu nhẹm với đời sau, đời sau cứ lấy oai hùng là chính mà không tận dụng sự khôn ngoan đẻ ra từ cái xấu, cái yếu đó.

Nếu xấu trưng ra nhiều như tốt, thành tâm rút kinh nghiệm, biết đâu giặc sẽ bị ta đánh bại chỉ một hai tháng chứ không phải chục, vài chục năm, mới thành công, với biết bao xương máu?

Truyền thống mọi cái đều tốt hết sao? "Truyền thống" đốt vàng mã, đến chùa cúng tiền dâng sao giải hạn, đốt nhang nghi ngút, ô nhiễm những ngôi chùa cần trong lành tĩnh lặng; ma chay rình rang, tốn kém; cưới hỏi phô trương đua đòi; thi nhau xây mồ mả như dinh thự; phóng sinh chim chóc ngày lễ lớn (vô tình khuyến khích bắt nhiều chim); giẫm đạp nhau giựt lộc thánh, đánh nhau cướp ấn đền Trần, chém lợn lấy huyết, đâm trâu lấy máu, giết chết con vật gần gũi yêu mến nhất của nhà nông…những “truyền thống” ấy có nên duy trì hay không?

“Ăn to nói lớn” là truyền thống ư? Tôi thấy người Trung Quốc cũng giống người Việt Nam. Trên xe, trên tàu, trong quán cơm, nhà hàng, hễ có họ là không khí nơi đó nhao nhao lên như ong vỡ tổ. Có lẽ hai dân tộc này cũng nhờ “vận mệnh tương thông” ,“lý tưởng tương đồng” chăng?

Trước đây hơn 50 năm, người Việt chúng ta có như người Trung Quốc bây giờ không -  ở miền Nam cũng như ở miền Bắc? Tôi ở Sài Gòn khi là thanh niên 20 tuổi; tôi có đến những nơi đông người như rạp chiếu bóng, rạp hát, hay dạ hội, trong lúc chờ khai mạc, tuyệt nhiên tôi không nghe ai nói oang oang như bây giờ; ví dụ có thật, trong một tổ chức sự kiện (event), có ông nhìn giống đại gia hay quan chức chi đó, móc điện thoại xịn ra quát ầm ào, thao thao, như nói vào loa phóng thanh.

Tôi chưa biết người Đài Loan thế nào chứ người Hoa ở Singapore nói năng với nhau chỗ đông người rất nhỏ nhẹ cũng như người Hoa ở Hồng Kông. Họ cũng là người Hoa, cùng một văn hóa lâu đời, chỉ khác thể chế, sao “truyền thống” của họ lại không giống nhau? Truyền thống tốt nên duy trì, truyền thống không tốt nên bỏ đi, ấy mới là trí.

“Ăn to nói lớn” là truyền thống không bỏ được hay sao, những nhà “truyền thống” của tôi?