Saturday, January 20, 2024

CÔ TÔI

Tôi vài năm nữa bước qua 70, nếu cô tôi còn sống bà phải ngoài một trăm hai chục tuổi. Cô là chị kế sinh trước cha tôi trong một gia đình cả thảy bảy anh chị em. Chừng 8 tuổi, cô bị bỏng nặng trong một trận cháy thiêu rụi gần phân nửa những ngôi nhà tranh, có lẽ trước cả lúc Bảo Đại về nước, ở một vùng quê xa tít tắp, sát chân dãy Trường Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Vết bỏng nặng làm biến dạng gương mặt nhưng không làm cô xấu đi nhờ còn đôi mắt hiền hòa và nụ cười đôn hậu. Ông nội gả cô về làm dâu một làng quê bên kia sông, một làng quê có cái tên nên thơ là Non Tiên. Ngôi làng xinh đẹp nhờ ở sát chân núi quanh năm xanh thẫm những tàn cây cao vút, có những căn nhà nho nhỏ xa xa nhìn như trong truyện cổ tích, nằm rải rác dọc theo bờ sông uốn cong; sông lững lờ chảy qua ngôi làng như muốn nấn ná giơ tay chào trước khi quay dòng đổ về phía hạ nguồn; nước sông trong vắt thấy cả cá con bơi lội, một làng quê thanh bình. Lúc còn nhỏ mỗi mùa hè nước cạn, tôi lội bộ qua sông thăm cô thường xuyên lý do thật trẻ con vì nhà cô có hai cây ổi ra trái quanh năm, khi chín những quả ổi tròn nho nhỏ có mùi thơm dìu dịu, ruột bên trong màu hồng tươi tắn.

Thi thoảng cô gửi cho tôi mang về cho em bà - là cha tôi - những túm cá hoặc lươn gói trong lá chuối xanh hơ lửa, bên trong có một ít nước cột bằng sợi dây tướt từ bẹ chuối rất chắc. Những dịp lễ tết, thôi theo cha qua nhà cô. Ông không quên bắt tôi bưng theo một thúng nhỏ chứa đôi ba ô (lít) nếp  cho cô nấu xôi, gia đình cô vẫn còn khó khăn, chồng cô mất sớm, cô phải tần tảo nuôi hai anh tôi.

Đó là những năm tháng yên bình nhất ở quê tôi sau khi nền cộng hòa thành lập được đôi ba năm.

Rồi chiến tranh ló mặt. Ban đầu là những anh du kích về làng ban đêm, và ban ngày là lính quận. Sự có mặt của họ như nước với lửa. Hễ có “cách mạng” thì không có "quốc gia". Không bao giờ họ muốn gặp nhau nhưng nếu gặp thì lúc đó có máu người đổ, không của bên này thì cũng của bên kia.

Tôi  theo cha mẹ gấp rút tản cư về Hội An trước khi Mỹ qua và chiến tranh bùng nổ ác liệt; lý do gia đình phải đi khỏi làng vì tôi có anh ruột là công chức "quốc gia", ở lại sẽ có nguy cơ bị khó dễ vì là gia đình “đối tượng”.

Từ đó, gia đình tôi và gia đình cô không còn liên lạc được với nhau. Hoàn cảnh chiến tranh, việc liên lạc hết sức khó khăn, quãng đường non 50 cây số từ quê tôi ra Hội An đầy hiểm nguy rình rập, đường luôn có mìn gài hoặc luôn có súng nổ bom rơi do đánh nhau.

Chiến tranh chấm dứt, tôi mới nghe được chuyện về gia đình cô tôi. Con cả của cô làm chính quyền ấp và bị “cách mạng” bắt trong một trận đánh ở một bót gác đầu làng. Cô tôi từ nhỏ vốn cam chịu, đành nuốt nước mắt vào trong phần nhớ con, phần chăm hai cháu nhỏ, chị dâu tôi thì nay ốm  mai đau. Anh tôi biền biệt từ khi bị bắt cho đến khi cô tôi phải tản cư ra Đà Nẵng, dắt theo hai đứa cháu không cha, mẹ lập gia đình khác, và một thời gian sau, bà không nuôi nổi, buộc phải gửi cháu vào cô nhi viện Hòa Khánh. Từ đó cho đến khi cô mất vài năm sau thì “giải phóng”, hai đứa cháu mồ côi cha tản lạc phương xa, đến bây giờ, sau thời gian cất công tìm kiếm, tôi mới gặp chúng ở một nơi cách làng quê cô tôi non ngàn cây số.

Cô mất do già yếu, được xóm giềng chôn ở nghĩa địa Nam Ô và thời gian đói khổ sau 1975, không thân nhân, không ai biết có lệnh di dời mộ vì nhà nước quy hoạch, thân xác cô tôi không rõ đã trôi dạt phương nào. Cái chết của cô ở tuổi già không thương cảm bằng cái chết của hai anh tôi ở tuổi thanh xuân với nhiều oan khuất.

Cái đói và sốt rét rừng những năm 1960 là nỗi ám ảnh khủng khiếp cho những người bị bắt cùng anh tôi còn sống nhớ lại. Vì quá đói, anh tôi nhiều lần mò ra nơi trồng sắn của trại, nhổ trộm vào ban đêm, lúc tù nhân không bị giam giữ chặt chẽ như ban đầu. Chuyện có lẽ sẽ êm nếu anh không chia sẻ những củ sắn nướng khi đi lao động bên ngoài với vài người bạn cũng đang rất đói. Một anh giấu sắn nướng đem về trại để khuya ăn thêm cho đỡ đói và bị bắt quả tang. Tên anh tôi bị khai ra. Người ta nhốt riêng anh ra khỏi bạn tù một thời gian, cách ly bí mật. Không rõ ăn uống thế nào hay có bị tra khảo gì không nhưng khi được trả về trại, thân hình anh rất tiều tụy và anh lặng thinh như người câm dù tính anh rất thích chuyện trò. Các bạn tù không hiểu anh tự ý không nói hay bị người ta không cho anh nói.

Đói quá sinh liều và rủi ro thay, anh bị bắt lần nữa và cũng là lần cuối cùng. Củ sắn không quan trọng nhưng kỷ luật mới quan trọng. Các người tù đều được quản tù "quán triệt" rất kỹ không được ăn cắp dẫu có đói rã đến chết khi chưa được cấp phần ăn. Muối và sắn luộc là phần ăn thường bữa những năm Mỹ rải chất khai quang. Hồi ấy ở tù không ai biết nơi nhốt và cũng không có thăm nuôi.

Anh tôi được dẫn đi một nơi khác vào một buổi tối, biệt tăm, cho đến bây giờ đã gần 60 năm không một tin tức gì về anh, và không một ai biết anh đã sống thế nào, hay anh đã chết, gửi xác một nơi nào đó giữa rừng sâu.

Đau đớn khi nhắc tới anh nhưng tôi càng đau đớn hơn khi nghe kể cái chết của em ruột anh, tức anh Th. của tôi. Anh đi lính nghĩa quân ngoài quận một thời gian thì vứt súng lại đơn vị, bỏ trốn về nhà, không phải theo “cách mạng” mà theo lời nhắn về nhà của cô tôi lúc đó. Cô đang sốt rét và hai đứa cháu con của người anh ở tù, mẹ chúng đã đi bước khác, đang bị bệnh kiết lỵ. Anh hốt hoảng không biết phải xử lý bệnh tình của mẹ và hai đứa trẻ thế nào. Trở ra quận để xin thuốc hay mang mẹ và cháu đi ra ngoài đó cũng không được vì sợ hãi, anh đã bỏ vùng quốc gia để về vùng cộng sản. Hồi đó dân làng tản mát đi các nơi khác, số ít vô rừng theo cách mạng, số đông khác ra khu tạm cư sống lay lắt, không có ai để giúp đỡ anh trong lúc nguy khốn ấy.

Anh có một người bạn cùng làng trước có đi du kích xã nhưng đã bỏ về, vì phải ở nhà chăm sóc người vợ trẻ cũng đang bệnh sốt rét. Hai người rủ nhau đi vòng qua chỗ đóng quân của quận lỵ bằng cách băng rừng, lội qua sông suối, về một thị trấn cách đó chừng 20 cây số để mua thuốc về chữa những người đang bệnh.

Trên đường đi hay về gì đó, có lẽ là lúc về. Họ bị một số lính Nùng có vài lính Việt (lính người dân tộc Nùng, do Mỹ tuyển dụng và trả lương) bắt vì nghi là Việt Cộng hoặc tiếp tế cho Việt Cộng khi xét trong túi xách có nhiều thuốc sốt rét và kiết lỵ. Họ trói hai người và đem đến một chỗ vắng để khai thác, tra khảo. Ban đầu hai người khai thật mục đích chuyến đi nhưng những báng súng trường đánh vào lưng, những cú đạp bằng giày vào ngực, bạn anh đau quá khai có đi du kích nhưng giờ không theo nữa. Lời khai không thuyết phục đối với đội lính đã có năm bảy người bị du kích bắn chết mấy tiếng giao tranh trước đó; oán hận đã khiến họ hóa cuồng; họ không bắn chết bạn anh nhưng xúm nhau đập chết bằng báng súng.

 Anh tôi khai không phải là Việt Cộng nhưng một con dao găm giấu trong người phòng bị lúc đi đường là bản án tử đã tuyên. Anh càng kêu oan, toán lính Nùng càng hăng máu đánh, khi ngất đi, anh không nói được dù chưa chết, một trong toán người hung hãn đó đã lấy chiếc dao găm vừa tịch thu, cho vào miệng anh và kéo mạnh ra sau tận mang tai, cả hai bên. Anh chết không phải vì máu ra từ vết cắt nơi mặt nhưng chết vì những báng súng phang thẳng vào đầu.

Không lâu sau đó, cô tôi được lính chỉ chỗ để nhận xác anh về, người ta kể, cô không khóc được nữa; đôi mắt ráo hoảnh và đỏ hoe, bà ngồi xuống bên anh, một bàn tay vừa vuốt mặt con, bàn tay kia vừa đan những ngón khô đét vào mái tóc bết máu của anh. “Về đi con, mẹ nhắn con về mấy hôm rồi, sao con còn nằm đây. Về đi con, về với mẹ, con ơi”.

Thời gian tha phương cầu thực mấy chục năm xa quê nhà, sống ở miền Nam, tôi trở về cất công tìm hỏi và được một người đi trong toán lính, hay họ nghe kể lại, cái chết của anh tôi cùng bạn, và khi nghe đến chỗ cô tôi thổn thức “về đi con về với mẹ, con ơi”, tôi không cầm được nước mắt.

Gia đình cô tôi, chồng mất sớm, một người con bỏ xác nơi nào không rõ, một người con chết chính tay bà chôn, mộ đang còn đây, hai đứa cháu lưu lạc tha phương và cô tôi, bà không còn trên cõi đời này để thắp cho anh tôi một nén nhang, và tôi, tôi cũng không biết mộ cô nơi nào, để thắp cho bà một nén nhang, đau đớn. “Cô ơi”!

BÓ ĐŨA VÀ BÃI TƯ CHÍNH

Tôi nhận thấy bất cứ một sự việc nào quan trọng xảy ra trên đất nước này dù nhỏ hay lớn cũng đều hình thành hai luồng quan điểm về chúng. Quan điểm khác nhau về một vấn đề là lẽ tự nhiên và thật bổ ích: nhờ phản biện, có khi đối chọi nhau, vấn đề sẽ trở nên sáng tỏ, chân lý dễ dàng được nhận ra.

Nếu như thế thì sự việc rất đơn giản. Đằng này, sự đối chọi của hai luồng quan điểm về một sự việc mang hơi hướm “chính trị” thành ra dễ dàng chia ra hai phía: "địch" và "ta" giữa những người Việt Nam với nhau; địch ta vẫn “lơ lửng” chưa biết là ai trong khi nếu có “địch” thì nó phải nằm ở biển Đông và cụ thể là đang ở bãi Tư Chính.

Hình ảnh bên dưới cho thấy những chiến sĩ Việt Nam ngồi trên một chiếc ca nô, thật nhỏ nhoi so với ở xa xa chiếc tàu cảnh hải đồ sộ của hải quân Trung Quốc. Nếu là kẻ địch thì đây là kẻ địch “đáng gờm” vì họ đã là bạn, đang là bạn, và sẽ là bạn của Việt Nam. Không ai “nguy hiểm” bằng người bạn khi họ “phản bội” mình.

Biểu tình bằng mọi cách lên án xâm phạm lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam hay xuống đường rầm rộ như hồi Hải Dương 981 năm 2014 đều chẳng tác dụng “răn đe” đối phương, nhất là đối phương hùng mạnh dưới sự dẫn dắt của Tập hạt nhân. Lại có cảnh biểu tình phản đối TQ trong nhà. Có ai lại biểu tình trong nhà trừ khi người ra đường biểu tình sẽ bị đánh bươu đầu hay bị bắt vì tội gây rối trật tự công cộng.

Biểu tình ngoài đường “trái phép” hậu quả thấy rồi, cũng không hề nhẹ. Đã có những người bị bắt, bị kêu án, khi biểu tình chống Trung Quốc dẫn đến bạo lực đốt cháy xe gây hỗn loạn một số địa phương mấy năm trước đây. Biểu tình thật ra cũng không làm cho đối phương hạ cờ kéo tàu về nước. Biểu tình chưa có luật ở Việt Nam, người tham gia biểu tình dễ bị kết tội. Nhưng không biểu tình thì thế giới làm sao biết thái độ của người dân Việt Nam đối với hành động ngang ngược của các tàu Trung Quốc đi lại nghênh ngang trên vùng biển đặc quyền của Việt Nam?

Cũng không làm TQ sợ hãi khi vào mạng lên án Trung Quốc, hay ích lợi gì khi chửi bới những thái độ được cho là quá “nhu nhược” trong ứng xử khi lãnh thổ bị xâm phạm, ví dụ, trước chỉ nói chung chung là “nước ngoài”, sau hơn nửa tháng, thế giới biết rõ, VN mới nói trắng ra Trung Quốc là nước đang xâm phạm lãnh hải ở bãi Tư Chính. Trước lên án Hoa Nam buổi sáng ở Hồng Kông là đưa tin vịt về vụ này (fake news), sau mới hiểu ra báo này đã đưa tin như thế là chính xác.

Trong khi Quảng Ngãi phát hàng ngàn lá cờ cho ngư dân ra  khơi bám biển thì lại có quy định tàu dưới 15 mét không được đánh bắt xa bờ trong khi phần nhiều tàu đánh cá VN đều dưới 15 mét. Tàu nào mạnh, chắc chắn ra khơi được, người dân tự khắc hiểu cho sự an toàn của họ cần chi phải quy định chi tiết như thế. Người ta có dân quân biển, ta cũng phải có ngư dân bám biển Đông, càng nhiều càng tốt chứ. Có cái gì không ổn chỗ này không?

Sự việc một vùng lãnh thổ của đất nước bị kẻ khác xâm phạm khi thái độ của con dân trong nước đó không trên dưới một lòng đối phó thì làm sao đối phương nể sợ, xem xét cân nhắc hành động bất hợp pháp của họ? Người Trung Quốc rất giỏi “trông mặt mà bắt hình dong” khi quan sát thái độ phản ứng của người Việt Nam trước sự việc.

Cũng có những người núp dưới “triết lý” dĩ hòa vi quý. Hãy nhịn một chút để yên thân, Trung Quốc là một nước lớn sau Mỹ, quân đội hùng mạnh, gây bất hòa với họ có khi sẽ mang lại hậu quả khôn lường: chiến tranh. “Một câu nhịn chín câu lành”. Nhưng VN đã nhịn như ta thấy qua tin tức đã hơn 2 lần trong tranh chấp vùng khai thác dầu khí. Cúi đầu mà TQ bớt hung hãn ở biển Đông thì cũng nên cúi đầu.

“Sự bất quá tam”, lần “đối đầu” này trong việc khẳng định chủ quyền đất nước đã được nhà chức trách can đảm thực hiện dù rất kiềm chế, không để xảy ra xung đột nguy hiểm có thể dẫn đến chiến tranh, điều mà cả Việt Nam lẫn Trung Quốc và các nước trong vùng đều không mong muốn. Cũng có những người kêu gọi hãy ngả về Mỹ, thoát Trung để “cứu nước”. Ngả như thế nào đây cho phù hợp?

Trước, chống Mỹ cứu nước; nay, lại theo Mỹ, cũng để cứu nước, coi bộ cũng ốt dột lắm nghe. Mỹ cũng bù đầu chuyện của họ. Họ lo cho họ chưa xong thì còn lo cho ai. Hơn nữa, vị tổng thống tóc vàng, một “dị nhân” lịch sử chính trị Mỹ, có tính khí thất thường, sáng nắng chiều mưa, có khi chiều nắng sáng mưa. Hành động bất nhất của ông với Huawei là ví dụ rõ ràng nhất.

Nếu thương chiến với Trung Quốc là mục tiêu của Mỹ để “đòi công bằng” thì khi đạt những yêu cầu đưa ra, Mỹ sẽ quay lại làm ăn và bắt tay với Trung Quốc, thị trường 1,4 tỷ dân, kinh tế “khuất phục” thế giới kể cả Mỹ, Việt Nam nếu có “ngả vào lòng anh” bây giờ, sau này cũng chẳng được Mỹ quan tâm bằng TQ, và khi đó sẽ ngậm ngùi "đường em, em đi em đi , đường anh, anh đi anh đi". Quyền lợi Mỹ là trên hết. Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch) và VNCH là hai ví dụ đau xót và gần đây nhất.

Chỉ khi nào biết chắc Mỹ vì lý do địa chính trị, muốn thực sự ngăn chặn ông bành trướng Bắc Kinh vươn vòi “bạch tuộc” ra thế giới, xuất khẩu lề lối cai trị độc đoán của mình ra những nước vốn dân chủ, những nước đồng minh của Mỹ, sự chọn lựa theo Mỹ thoát Trung sẽ hợp lý và khôn ngoan, đúng cái câu “đi tắt đón đầu” hay như trong kinh thánh kitô giáo, "sự thông sáng sẽ gìn giữ ngươi".

Nhưng thưa các vị, ngay cả những học giả Mỹ, có cả trăm, gửi thư hỏi chính quyền Trump “triết lý” của Hoa Kỳ hiện nay về mọi vấn đề là gì, họ cũng mù tịt.  Bản thân những bộ óc thông thái ấy chưa biết Trump muốn gì và sẽ làm gì, huống hồ chi chúng ta, ngây thơ hào hứng theo Mỹ, thoát Trung; chỉ mới cái thông cáo ngoại giao về bãi Tư Chính thôi, một số người VN sung sướng như gặp được vị cứu tinh. Trump cũng không biết ổng muốn gì và sẽ làm gì ngày mai huống chi những công dân bình thường chúng ta.

Sự bất nhất của dư luận (ở đây tôi muốn nói dư luận trên mạng, vì VN không có báo chí tư nhân) về một sự việc an nguy như vụ Tư Chính lại cứ kéo dài, đôi khi chệch qua hướng chỉ trích hay lời ong tiếng ve, có khi trút bực tức không chỉ lên đầu "phe địch" mà lên luôn đầu cả "phe ta".

Thử hỏi trong tương lai, VN sẽ đối phó và giải quyết vụ Tư Chính (và sẽ có nhiều vụ tương tự nữa, nếu với vụ này, hành động của VN kiểu “tránh voi không xấu mặt nào”) như thế nào? Khi đất nước có nguy cơ bị xâm lăng, hay đã bị xâm lăng một phần, việc trước tiên cho đất nước đó là đoàn kết dân tộc. Khi quân Mông Cổ hàng hàng lớp lớp tiến vào nước ta, nhà Trần đã gấp rút mở Hội Nghị Diên Hồng. Nếu đất nước chúng ta ngày nay cũng gặp một sự kiện tương tự, VN có đủ sức hay có dám mở một hội nghị như thế không?

Cũng không khó để có câu trả lời.

Người dân và nhà chức trách có cùng một lòng, một dạ hay chưa? Thế lực thù địch nào đó đang ở đâu, còn lẩn quất hay đã chường mặt ra? Những người trước đây thuộc bên “thua cuộc” và con cháu họ, có cùng với bên “thắng cuộc” chung tay ngăn ngừa hiểm nguy của đất nước không?

Muốn bảo vệ được mình, bản thân mình trước hết phải có sức mạnh, đó là sức mạnh của sự đoàn kết khi tiềm lực chúng ta không sánh với đối phương về mọi mặt.

Kẻ thù, nếu có, hiện nay phải xác định không phải là người Việt Nam.

Nếu tư duy như thế thì chắc chắn chúng ta không cô đơn trước bất cứ  hiểm họa nào, ngay cả hiểm họa sắp bị xâm lăng.

Biển Đông sẽ là nơi mà Trung Quốc coi như yết hầu của họ (lợi ích cốt lõi) về giao thông và năng lượng. Sự phát triển hải quân là ưu tiên hàng đầu đủ thấy tham vọng độc chiếm biển Đông không bao giờ rời khỏi ý tưởng và tầm nhìn của họ.

Mỹ, hay bất kỳ một cường quốc nào ta muốn liên minh, cũng muốn chúng ta tự thân hùng mạnh để chống chọi lại thế lực bành trướng xấu xa. Nếu giúp ta, họ chỉ giúp phần nào thôi vì lợi ích của họ.

Mỹ rất thực tế. Anh có một đô tôi sẽ cho anh mượn một đô, không xu nào thì đừng hòng, không hề có “tình cho không, biếu không” và họ cũng không khác Việt Nam “có thóc mới cho mượn gạo”.

Bắt tay đoàn kết, nhà chức trách Việt Nam chính là người sẽ đưa bàn tay ra trước (ý tưởng từ lâu không phải của mỗi mình tôi) để bắt tay tất cả mọi người Việt Nam, gác qua và không phân biệt quá khứ, trong nước hay ngoài nước, cùng ý thức hệ hay khác ý thức hệ,  bên thua cuộc hay thắng cuộc, không tùy tiện phân biệt “ta” “địch”, và quan trọng nhất là bắt tay bằng cách nào, qua cơ chế nào, với trình tự ra làm sao, cái đó nằm ngoài khả năng hiểu biết của người viết vì nó thuộc lãnh vực rất “nhạy cảm”, dễ bị chụp mũ (lưu ý không phải "nhạy cảm" như trong vụ “cưỡng hôn” ở thang máy đâu nghe).

Người viết ngu ngơ nhớ lại câu chuyện nghe kể hồi nhỏ, rất chán ngấy khi lặp lại: bó đũa; nếu tách từng chiếc, không có chiếc nào còn; nếu nguyên bó, đố ai bẻ được (và cũng lưu ý, đừng phân biệt chiếc này màu đỏ, chiếc kia màu vàng khi bó chung).

Và nếu có chút duy tâm thì cũng nên tin: Thượng đế chỉ giúp ai tự giúp mình (God helps those who help themselves), và cũng xin đừng nghĩ Mỹ là Thượng đế.

CÂY BÚT CHÌ CỦA NASA.

NASA tên viết tắt của Cơ quan quản trị hàng không và không gian Hoa Kỳ. Có lần các nhà khoa học ở đây bối rối khi gặp vấn đề nan giải không thuộc khoa học, kỹ thuật: làm thế nào chế một cây viết, để khi ở trong không gian tĩnh mịch không người, những nhà phi hành vũ trụ có thể giải khuây, bằng cách ghi chép những cảm nhận của mình trước sự bao la vô cùng của vũ trụ.

Những nhà khoa học trán hói vì bù đầu nghiên cứu cũng chẳng tìm ra giải pháp, vì trong tình trạng vô trọng lực, một cây bút bi, hay bút máy đều vô tác dụng, mực sẽ không ra được khi viết. NASA phát thông báo tìm giải pháp. Thời gian đó chưa có internet như bây giờ. Gần tuần sau, có 1 bức thư cậu bé 5 tuổi gửi đến: "Sao các bác không sử dụng cây bút chì thử xem?".

A, những vị bác học trán sói bỗng sói hơn, họ bực tức giật đứt thêm tóc, vậy mà chẳng nghĩ ra. Câu chuyện được sáng chế trong những bữa nhậu hào hứng, có thể không có, nhưng tôi muốn mượn chuyện "trẻ 5 tuổi đâu có kém các khoa học gia" để nói đến chuyện giáo dục trẻ con.

Vấn đề có vẻ lớn quá. Xã hội chúng ta đang lo lắng cho giáo dục nhưng người dân vẫn chưa hài lòng, vẫn lời ong tiếng ve, thậm chí còn chửi bới...nhà chức trách. Chúng ta không cải tạo được xã hội nhưng chúng ta có thể tự "cải tạo" mình: giáo dục gia đình. Một thế giới nhỏ của chúng ta, cha mẹ, con, hay có thêm ông bà.

Những người trẻ thuộc giới trung lưu đã đầu tư nhiều cho giáo dục con cái, ngay khi mới cắp sách vào đời, những bước đi chập chững trong những sân trường mẫu giáo. Họ cho con mình học nhiều thứ, những thứ mà khi còn bé, lúc bao cấp đói ăn, họ không hề được biết: tin học, ngoại ngữ, những cách thức giáo dục tiên tiến, ở trường hay ở trên mạng, họ tìm hiểu và đem áp dụng trong việc dạy dỗ con cái mình. Những cố gắng rất cam go cho những cặp vợ chồng trẻ phải bươn chải, đầu tắt mặt tối vì việc làm, hầu cung ứng thật đầy đủ cho nhu cầu đào tạo một thế hệ mới (con mình)  trong thế kỷ bùng nổ thông tin.

Nhưng tôi thấy có một cái chỉ một số cặp vợ chồng quan tâm: xây dựng sự tự tin. Đa phần trẻ em châu Á, nhất là Việt Nam,bị cái  "tôn ti trật tự" chi phối gần như là chuẩn mực duy nhất trong phát triển xã hội. Người ta muốn ổn định. Người ta muốn nề nếp, đâu ra đó, trên dưới rõ ràng, trên bảo dưới phải nghe.

Một xã hội trật tự là đúng đắn nhưng cố duy trì "trật tự" đó mà kìm hãm cá nhân, mọi người đều phải răm rắp làm theo mà không dám tự do suy nghĩ, tự do đặt câu hỏi "làm theo như thế có đúng hay không". Đây là điều cần suy nghĩ.

Liệu những đứa trẻ lớn lên, hồn nhiên như cây cỏ, những làn gió mát mẻ của đầu óc tự do với  giọt nước trong lành, sẽ phát triển "lộn xộn" hơn khi không được nhốt trong những lồng kín, có bao che bảo bọc?

" Im đi, mày con nít, biết gì mà nói?" đâu có phải là câu mà chúng ta ít nghe. "Trứng mà đòi khôn hơn vịt à?". "Triết lý" này không phải dạy người mà là mạt sát con người.

Rồi đầy những thần tượng, những lãnh tụ như những vì sao

trên trời rộng. Tất cả đều là cây cao, bóng cả, như đang che chở nhân quần. Không ai được mặc áo quá đầu. Trẻ con như là một "đứa con nít" chứ không phải là "người lớn của tương lai".

Chúng được nuôi dưỡng đầy đủ bằng dưỡng chất nhưng sự tự tin, một dưỡng chất tuyệt vời, ngày càng như là "suy dinh dưỡng". Trẻ con cần phải được tôn trọng, thật sự, chứ không phải trên đầu môi chót lưỡi của những kẻ mị dân, giỏi khua môi múa mép.

Nếu quý vị để ý sẽ thấy trong những phỏng vấn truyền hình nước ngoài, như Mỹ chẳng hạn, trẻ con khi được hỏi, chúng trả lời rất đĩnh đạc, rất tự tin, không phải run lập cập, hoặc cầm tờ giấy chà bá dí mắt vào đọc như một  quan chức của ta khi nói chuyện với Bush.

Sự giáo dục chú trọng hình thành nhân cách, ở đây là sự tự tin, tôi cho là hàng đầu. Trẻ con thực sự phải là người lớn tương lai. Chúng không thể bị đánh đập như một tù nhân trong lớp mầm non, tuy ít, nhưng không phải không có. Trẻ con phải được dạy yêu mến tự do, tự do bày tỏ, tự do biểu đạt, tự do thể hiện, để tự tin được củng cố vững chắc mỗi ngày. Không thể mỗi cái là mỗi nghe người lớn quát tháo: Con không được làm cái này; con không được làm thế kia; con phải thế này, con phải thế kia.

Người lớn đòi hỏi quá nhiều ở trẻ con và kỳ vọng quá nhiều. Dường như trẻ con phải thực hiện những gì cha mẹ chúng khi nhỏ đã thất bại, không có khả năng làm được, hoặc phải thực hiện ước mơ theo tham vọng của mình chứ không phải ước mơ, nguyện vọng của chính con cái họ.

Sự tự tin vì thế không có chỗ đứng hay có chỗ đứng nhưng quá yếu, chưa rõ ràng, trong con mắt của người lớn.

Chúng ta thường dạy con cái phải lễ phép khi cúi đầu chào, hay khoanh tay trước người lớn khi xin cái gì đó. Điều này chấp nhận được khi chúng ta thực sự tôn trọng nhau, và trẻ em cũng sẽ học tôn trọng như thế qua cử chỉ cúi đầu, khoanh tay.

Người Nhật đã cư xử với nhau trong cung cách tương tự vì họ có tầm văn hóa, sâu và cao. Chúng ta đừng vì những ràng buộc xã hội mà bắt bẽ trẻ con với những động thái quá đáng, như mắng con trước đám đông do tức giận chúng không làm đúng ý mình muốn để thể hiện với người khác, con mình có "giáo dục"(cúi đầu, khoanh tay).

Việc này kéo dài sẽ dẫn đến tư tưởng quỵ lụy, khúm núm nẩy nở trong tâm hồn con trẻ. Đất nước chúng ta lẽ đáng phải tự hào có những con người không thua kém  những con người ở các nước chung quanh.

Nhưng chúng ta ngày càng thua kém họ không phải vì nghèo hơn họ mà vì không tạo được những công dân tương lai, đầy tự tin, luôn ngẩng cao đầu trước khó khăn, trước thách thức, luôn luôn biết chiến đấu chống cái nghèo, cái dốt, cái  phụ thuộc dựa dẫm, phải tự tin mình, để khi ra nước ngoài không phải buồn bã nhìn dòng chữ xót xa: "Không được ăn cắp", bằng tiếng Việt.

Nếu đất nước còn bị rẻ khinh thì chúng ta, những công dân Việt Nam, không phải là không trách nhiệm. Hãy đào tạo những đứa con trong mỗi gia đình: TỰ TIN.

Friday, January 19, 2024

Tha hương ngộ cố tri?

"Hương" đây là thế giới Facebook, "cố tri" là bạn trên thế giới ấy.

Nơi gặp nhau: gần Thung lũng tình yêu, Vale'e d'amour. Chỗ gặp nhau: Cafe Dala. Tôi ghé quán uống cafe để chờ vợ và mấy cô em vợ.

- Chú dùng gì hôn(g)?

- Cà phê sữa nóng, sữa ít.

-Dạ, chú chờ một chút.

Ngoài trời mưa phùn, không khí se lạnh, trong quán thấy ấm áp, giọng nói cô chủ pha chút Huế, nhỏ nhẹ và truyền cảm.

- Cháu thấy chú quen lắm. Nhìn chú rất là quen.

- Vậy sao, có lẽ cháu nhầm người.

Cô chủ tầm 40 vội vã quay lại quầy, cầm điện thoại lên, thao tác trên màn hình, bỗng la to, những người trong quán hơi ngạc nhiên.

- Nguyễn Long Chiến, chú là NLC trên face. Hèn chi, quen lắm. Cháu luôn đọc bài của chú.  Cháu là "fan" ruột của chú. Cô vừa cười vừa chỉ hình đại diện: ông già tóc bạc, đúng là tôi, trên màn hình điện thoại.

Khi khách vãn, cô lân la lại chỗ tôi ngồi, nhỏ nhẹ, giọng còn ấm áp hơn lúc nãy.

- Chú nhìn trẻ hơn trong face.

Chà, tôi thầm nghĩ, phụ nữ ở tuổi này luôn tinh tế và lịch lãm, còn hơn nam.

Tôi cười ngượng nghịu, chưa biết đáp lời thế nào, cô ta tiếp luôn:

- Em thấy chú viết rất hay, những bài thời sự. Nếu ở Đà Lạt, em sẽ mời uống cà phê luôn miễn phí. Bạn mà.

Ông lão gần 66 tuổi, cô gái 40, bạn được à. Tôi thầm nghĩ.

Tôi cảm thấy ngại ngùng nhưng trong lòng lại rất sung sướng. Lời khen lúc nào cũng làm người nghe sung sướng.

Facebook thật hay, khi quý nhau, tuổi tác không ngăn trở lòng quý mến nhau.

Cô ta một mình nói chuyện, tôi chỉ nhìn vào mắt cô, xem những lời cô nói thực trong lòng hay chỉ là giao tế, quán mà. Không, tôi thấy đôi mắt cô biểu hiện sự chân thành, như một người đã từng quen nhau, biết nhau, dù chưa hề lần nào gặp mặt nhau.

Nụ cười, tôi hay để ý nụ cười của phụ nữ, ở đó, bạn có thể biết nụ cười thật lòng, hay nụ cười đẩy đưa.

Khách vào, cô chủ đứng lên nói một câu chào, tay cầm chiếc áo len đan dở.

Lại một câu nói nhỏ nhẹ, thoang thoảng như mùi hương lan hay mùi hương quế, giọng Huế của Đà Lạt, thật dễ nghe.

Điện thoại reo. Tôi giật mình sợ hãi. Hồi chuông báo vợ và mấy đứa em vợ đã ra khỏi Thung lũng tình yêu, nơi tôi đã đến năm ba lần, lần này không đi, ngồi chờ mọi người.

Tôi đến chỗ cô chủ quán, cô hơi bất ngờ khi tôi gọi tính tiền. Cô có vẻ tiếc khi không nói chuyện với tôi được lâu, ấy là nhìn đôi mắt của cô mà đoán như thế. Cô từ chối nhận tiền, cười hơi bỡ ngỡ:

- Chúc đi bình an. Em luôn quý và dõi theo chú mỗi đêm. Chú trẻ hơn trong ảnh đại diện nhiều lắm.

Cô nói câu này lần thứ nhì, cả hai lần tôi đều thấy thật vui.

Tôi ra về lòng bâng khuâng. Trên đường đi, tự hỏi cô ta xưng em với tôi, hay tôi tưởng tượng như thế. Người già lẩm cẩm lắm, cháu với em, đôi khi tưởng là một. Tưởng chết người.


Cafe Da La (Hình có tính minh  họa).