Friday, January 19, 2024

TÀU RỜI KHỎI TƯ CHÍNH, MÃI MÃI?

Cả nước thở phào nhẹ nhõm, xung đột đã không xảy ra, biển Đông còn đó, không một tấc đất của giang sơn nào bị mất thêm.

Sự kiện Tư Chính không nóng bỏng như sự kiện tàu 981 năm 2014. Truyền thông nhà nước đưa tin dè dặt, biểu tỏ sự kiềm chế và mềm mỏng. Đến rồi đi, những chiếc tàu của Tàu, như vào chỗ không người? Chúng ta không hiểu lý do Trung Quốc kéo tàu về nước. Có thể họ không tìm thấy dấu hiệu dầu khí, e dè phản ứng của thế giới nhất là của Mỹ, hay e ngại các tàu chiến Việt Nam?Tất cả đều là đoán mò. Dân không được biết vì mọi cái đã có đảng và nhà nước lo, cũng sướng.

Dù không biết chắc lý do Trung Quốc rút khỏi bãi Tư Chính, chúng ta cũng không nên vội mừng, vì thêm một hồ nghi nữa: có sự thỏa thuận nào “gác tranh chấp, cùng khai thác” vì “đại cục” không? Nếu đúng như hồ nghi thì đó là điều đáng buồn và đáng xấu hổ. Thằng hàng xóm tới đất nhà mình, rút dao, giương búa, hung hãn bảo đất này của ông cố nội nó  để lại, phải trả cho hắn. Để giữ tình hữu nghị vun đắp bao đời, chủ đất xuống nước, thôi tính lại, hai ta gác tranh chấp cùng cày cấy. Yên. Ổn định. Không chiến tranh vì chủ nhà còn hàng khối chuyện khác phải lo toan. Tôi không tin ông “chủ đất” đã nhu nhược như vậy.

Đến đây, tôi muốn đi vào câu chuyện giả định, Trung Quốc kéo tàu về nước vì lý do Việt Nam phản ứng mềm mỏng mà kiên quyết, không nhún nhường như hai lần trước cũng vụ việc tranh chấp vùng khai thác dầu khí thuộc lãnh hải, thềm lục địa Việt Nam. Một đất nước dù bao la như Trung Quốc hay nhỏ bé như Việt Nam (so với nhau), nguyên lý ứng xử không khác hai cá nhân hay hai gia đình.

Tôn trọng nhau giữa hàng xóm là điều đầu tiên nhưng sự tôn trọng không có nghĩa anh lớn được tôn trọng hơn anh nhỏ, hay anh giàu được tôn trọng hơn anh nghèo. Lớn, nhỏ, nghèo, giàu hai bên tự biết, tự lo, tự quyết, và phải tôn trọng nhau.

Gia đình nhỏ, nghèo nhưng các thành viên trong ấy yêu thương, đoàn kết sẽ là một điểm mạnh để gia đình to, giàu kia quan sát, lưu ý. Anh hàng xóm sẽ cười vào mũi chủ nhà nếu thấy:

- Cha mẹ giấu giếm xung đột càng nhiều càng tốt, con cái chúng biết sẽ la ó phản ứng, không có lợi cho lãnh đạo hai gia đình. Ta thấy điều này xảy ra ở bãi Tư Chính. Truyền thông im ắng một thời gian dù thông tin bên ngoài có nói đến sự tranh chấp lãnh hải giữa hai bên. Thời gian sau can đảm hơn, không còn dùng chữ “nước ngoài” nữa mà nói thẳng “Trung Quốc” đã xâm phạp trái phép vùng đặc quyền VN.

- Những nhà báo “nhớn” như HHV lên tiếng giảng giải “không có chi” ở Tư Chính. “Mặt trận biển Đông vẫn yên tĩnh”. Dân chúng không nên rối lên. Có chi mô.

- Có những luận điệu như “buông súng” rằng ta và Trung Quốc có mối tình hữu nghị lâu dài, những va chạm nhỏ sẽ được giải quyết ổn thỏa, có thể ở cấp cao nhất. Mọi người hãy yên tâm.

- Tổ chức “biểu tình trong nhà” của một số đội ngũ quan chức, chụp hình đưa ra công chúng, đánh tan luận điệu xuyên tạc của bọn thù địch “hèn với giặc, ác với dân".

- Có những người bảo rằng hòa bình là trên hết. Chiến tranh đã cho một bài học xương máu trong mấy chục năm qua. Hòa bình là ưu tiên hàng đầu bởi khi xảy ra chiến tranh, lực lượng không cân xứng, thất bại về phía Việt Nam là cái chắc trước một Trung Quốc hùng mạnh.

- Lãnh đạo Việt Nam còn nhiều vấn đề nhức đầu khác, nếu có xung đột đưa đến chiến tranh, đó là bất hạnh không chỉ đến với họ và gia đình họ, nó đến với tất cả mọi người trong nước.

Những lo sợ và phản ứng như đã nói không phải là không có cơ sở nhưng tôi thì có suy nghĩ khác:

- Dù yêu chuộng hòa bình, dù biết chiến tranh sẽ bị thua thiệt, Việt Nam cũng cần tỏ ra…"ta không sợ chiến tranh". Nếu anh vượt quá lằn ranh đỏ do sự tôn trọng và tình hữu nghị đã vạch ra, láng giềng vĩ đại nên hiểu người Việt Nam từng có truyền thống “chết vinh hơn sống nhục”.

- Trung Quốc đang rối beng chuyện chiến tranh mậu dịch với Mỹ. Nền kinh tế của họ quan trọng chứ không phải dầu ở bãi Tư Chính là quan trọng hơn, sự khẳng định “lưỡi bò” là cốt lõi nhưng không “cốt lõi” hơn chiến tranh mậu dịch trong thời gian đánh nhau về kinh tế với Mỹ.

- Phản ứng dù “bằng miệng” của Mỹ đã có hiệu quả. Những nước khác cũng có thái độ không quả quyết bênh vực bên nào nhưng rõ ràng đã có thiện cảm với Việt Nam.

- Ngoài mặt, Việt Nam không có những vụ biểu tình rầm rộ, bốc lửa như năm 2014 hay những phản ứng quyết liệt trên các phương tiện truyền thông nhưng lãnh đạo Trung Quốc cũng đã hiểu, gần như 100 phần trăm dân chúng Việt Nam không ưa họ, căm thù họ khi lãnh thổ bị xâm phạm dù ở xa tít tắp trên biển Đông.

- Nếu Việt Nam không phản ứng bằng cách đưa những tàu hải quân ra đó, Trung Quốc chưa chắc đã rút đi sớm như thế. "Mềm nắn, rắn buông" là sách lược ngàn đời của họ. Những phát súng bắn cảnh cáo của Hàn Quốc vào máy bay của TQ và Nga trong tập trận phối hợp tháng trước là một chỉ dấu cho biết không thể “ỷ mạnh hiếp yếu” nếu kẻ yếu can đảm và phản ứng tức thì lúc bị hiếp đáp.

- Trung Quốc hùng mạnh quân sự hiện nay nhưng trong quá khứ, họ là quốc gia bị nước ngoài xâm lược nhiều nhất, bị cai trị dồn lại gần cả ngàn năm, không phải vì họ kém văn minh hơn nhưng con người của họ kém đởm lược hơn.

Lưu Á Châu (con rể Lý Tiên Niệm, “tướng trí thức”) từng nói hàng ngàn người Trung Quốc bị một trung đội người Nhật dắt đi hành quyết. Ông ta bảo chỉ cần bỏ chạy để khỏi bị giết nhưng những Đại Hán này không dám, và từng người bị bắn sạch. Chiến tranh năm 1979, tài nghệ đánh nhau rất rõ, Việt Nam thiện chiến gấp mấy, nếu thiếu đởm lược như họ, chắc chắn Hà Nội bây giờ đã treo cờ Trung Quốc, không phải chuyện chữa thẹn “dạy cho VN một bài học", rồi rút quân về. Hơn nữa, binh lính TQ hiện nay đều là con một. Họ rất coi trọng “nối dõi tông đường”. Có chiến tranh, rủ nhau bỏ chạy trước để còn “duy trì nòi giống” là điều không hẳn vô lý.

Sự rút về các tàu chiến và tàu thăm dò, chúng ta không rõ nguyên do chính thức, nhưng rõ ràng thái độ kiên quyết dù còn mềm mỏng của Hà Nội đã là một yếu tố trong việc rút về của Trung Quốc.

Nhưng câu hỏi đặt ra: Trung Quốc sẽ không lặp lại sự kiện Tư Chính? Câu hỏi ngắn và không dễ gì trả lời.

Ngoài những điều tôi nói ở trên, còn một điều quan trọng nữa, không phải chỉ liên minh với cường quốc để bảo vệ mình, mà con người Việt Nam phải liên minh với nhau. Khi đã đoàn kết thật sự, sức mạnh của chúng ta không phải ở những chiếc máy bay mua của Mỹ, của Nga hay những chiếc tàu ngầm, tên lửa, hay nằm ở chuyện huênh hoang quá khứ thắng những đế quốc to; sức mạnh đó nằm ở trong trái tim của mọi người Việt Nam, trái tim đó không phân biệt màu vàng hay màu đỏ, trái tim của yêu thương, của hòa giải, của bao dung.

Khi chúng ta có một “kẻ thù tiềm ẩn” như ông bạn vàng bành trướng trên biển Đông trong tương lai mà lại có thêm “một thế lực thù địch” mơ hồ nữa trong dân chúng, liệu người Việt Nam có đủ sức để đánh trả xâm lược như thời nhà Trần có hội nghị Diên Hồng không? Câu hỏi này dễ trả lời hơn câu trên kia rất nhiều vì tùy vào thái độ nhà cầm quyền hiện nay, không phụ thuộc vào thái độ của ông láng giềng bành trướng.

TRƯỜNG TÂY, TRƯỜNG TA

Trẻ lớp một chết trên một chiếc xe đưa đón học sinh gây chấn động dư luận cả nước. Một cái chết thương tâm cho cha mẹ có một con duy nhất và một trách nhiệm nặng nề cho đội ngũ quản lý nhà trường, có cái tên tây rất oai GATEWAY.

Tư nhân tham gia mở trường lớp đã giúp chính phủ bớt phần nào gánh nặng trong giáo dục toàn dân nhưng cũng đặt ra một vấn đề lớn: trách nhiệm giám sát của chính quyền tới đâu trong những cơ sở giáo dục tư nhân?

Trước đây chúng ta chứng kiến rất nhiều cảnh “tra tấn” các trẻ mẫu giáo trong các clip quay được ở các nhà trẻ và gần đây đã không thấy phát hiện nạn bạo hành trẻ ở cấp học này. Đây là nỗ lực chấn chỉnh rất lớn của ngành chức năng ( hay vì chưa có clip nào chấn động tương tự được đưa lên mạng?).

Đối với các trường có tên tây, sang cả, như tên trường có em bé chết, sự kiểm soát của các ngành chức năng có thực hiện như những cơ sở giáo dục “An Nam” không? Chắc chắn là phải có. Nhưng có lẽ, với những cơ sở hoành tráng, đội ngũ cô giáo đồng phục đẹp mắt, có những chú bảo vệ oai phong với cảnh đưa đón cháu trang trọng, trường có tên tây nữa, sự tin tưởng chắc chắn sẽ nhiều, không những bởi nhà chức trách mà cả những phụ huynh các cháu.

Đẳng cấp quốc tế mà. Các trường có cái tên hoành tráng như sau (tôi đặt ra, không rõ có trùng hợp không): Trường Mầm Non quốc tế Việt Anh, Trường Mầm Non Việt Úc, Trường quốc tế Việt Mỹ, Trường Mầm Non Việt Pháp…(có cái lạ: không thấy trường mầm non quốc tế Việt Trung hay Việt Miên).

Sính ngoại, đó là tâm lý chung, nhà trường hay lấy những cái tên tây như vậy đặt cho cơ sở giáo dục của mình, rất bắt mắt, rất thu hút, như cái tên Gateway ở trên. Trường mầm non Hoa Hồng, trường mầm non Hướng Dương…chắc hẳn không oai bằng trường có tên Tây, tên Mỹ.

Thói sính ngoại không phải bây giờ mới có. Lúc khai sinh ra nhà nước Việt Nam, cho đến hàng ngàn năm sau này, chữ Hán cũng đã được coi trọng hơn chữ Nôm và chữ quốc ngữ.

Quý vị nhìn đồng tiền bên dưới sẽ thấy ngoài chữ quốc ngữ ra còn có chua thêm chữ Hán, chứng tỏ trong suy nghĩ của người Việt Nam luôn luôn lấp ló ông một…Ngoại trong đó. VTV là cái gì? Xin thưa: Vietnam Television. Sao không nói Truyền hình Việt Nam, THVN, mà gọi VTV? Cho nó…Tây, thế thôi.

Trở lại vấn đề chất lượng giáo dục tư thục trong các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học, sắp có đại học. Chất lượng ta trong trường tây, hay chất lượng tây trong trường ta?

Tôi có một đứa cháu tuổi mẫu giáo học trong ngôi trường có tên tây (tôi không nêu ra đây). Tiền học phí gần phân nửa tiền lương của mẹ nó (tầm 11 triệu mỗi tháng, đây chưa phải là trường đẳng cấp nhất). Tôi thỉnh thoảng đưa đón cháu đi học.

Ấn tượng của tôi: trường hoành tráng. Ngôi trường này xây trên khuôn viên rất rộng gần cả hectare, hết sức bề thế. Lúc khánh thành có sự tham dự của ông bí thư thành ủy lúc đó là Đinh La Thăng. Màu sơn của trường nổi bậc hẳn lên với các cơ sở kế cận. Chỗ chơi cho trẻ khá rộng và điều đặc biệt là ít thấy các cháu ra chơi, vì số lượng đông khi cùng chơi các cô không quản lý xiết? Phụ huynh không được vào đón con em tận cửa lớp như những nơi khác tôi biết, nhân cũng đưa đón một đứa cháu khác, học ở một trường “An Nam”, nơi đây, bố mẹ được nhà trường cho vào dự lớp nếu họ muốn. Trẻ con được cho ra chơi trên một bãi cỏ, có chỗ rải cát, với những trò chơi các em tự thân vận động, có các cô đứng trông bốn góc sân, những chỗ cháu có thể ngã té, giờ chơi lâu hơn, trái với trường "Tây" kia.

Cha mẹ trường "Tây" này chỉ  được xem qua internet, sinh hoạt của các cháu ở trường, không được dự lớp dù một hai lần theo yêu cầu; do đó cha mẹ không trực tiếp được biết việc ăn ở, học tập của các cháu. Mỗi bữa ăn, qua màn hình điện thoại, bố mẹ sẽ thấy một anh bảo vệ to con, đi từ bàn ăn này đến bàn ăn khác, không rõ có phải để “nhắc nhở” các em làm biếng ăn hay không. Nói chung học trường tây này, ta không được biết trong ấy tây hay ta đang xảy ra.

Phía trước mặt tiền nguy nga có để nhiều câu “khẩu hiệu” tiếng Anh, tiếng Việt, chẳng hạn “cha mẹ cho con tiếng khóc chào đời, cô giáo cho các em đôi cánh vào đời”… ngay trên một bàn thờ ông địa có cái bụng chà bá, há hốc mồm cười, ngồi bên con cóc cũng chà bá, ngậm những đồng tiền vàng, cùng những chồng củ tỏi tàu to tướng, phía trước là một bát nhang. Ông “tây” lập trường mẫu giáo này cũng “ta” ra phết. Thờ cúng thần thổ địa, hay ông địa ngay trước mặt trường.

Kết quả giáo dục không rõ nét cho lắm nhưng thành tích giáo dục rất rõ nét. Ngày bế giảng có băng rôn ghi: Chào mừng bế giảng và lễ tốt nghiệp. Tôi không hiểu tốt nghiệp là lãnh bằng gì đối với trẻ bốn, năm tuổi nhưng phát giấy khen là có. Lớp có 24 cháu thì 14 cháu được nhận giấy khen. Cháu tôi không nằm trong số 14 người vinh dự đó, nó cũng xông lên sân khấu đứng cùng các bạn, và cô giáo phải can thiệp, dắt cháu rời khỏi "sân khấu" trong lúc nó khóc lóc, được giải thích lý do nhưng cả buổi bế giảng cháu vẫn ấm ức và mẹ nó ngồi dưới, cùng những phụ huynh không có con “lãnh thưởng”, buồn nẫu ruột gan, không tiện thắc mắc vì sao có loại học sinh có thưởng (một mảnh giấy) và loại học sinh thì không. Một lối giáo dục phi giáo dục qua câu chuyện rất nhỏ này.

Nhiều nước thậm chí học sinh khác không biết cả điểm của nhau. Chỉ có cô giáo, cha mẹ, học sinh, ba người được biết. Trẻ 4,5 tuổi chúng là những tờ giấy trắng, người lớn sao nỡ vẽ vào đó "tư tưởng thi đua” quá sớm như thế. Người lớn đã buộc đầu óc trong trắng các em làm quen với thành tích thi đua !

Tôi không nêu câu chuyện trường cháu tôi học ra để phê phán, nhưng muốn qua câu chuyện “mục sở thị”, chia sẻ với những phụ huynh trẻ: trường có tên “quốc tế” chưa hẳn là nơi mình phó thác con cái vào đấy, qua nhận xét bề ngoài, không quan tâm mục đích cuối cùng trường ấy, có mang lại giáo dục chân chính cấp mẫu giáo: trẻ tự xúc ăn được chưa, tự đi vệ sinh được chưa, tự tắm được chưa, có biết vứt rác đúng chỗ không, có biết hỏi cha mẹ những câu hỏi cha mẹ đôi khi lúng túng không, biết tỏ bày những câu xin lỗi hay cám ơn chưa, có biết san sẻ đồ chơi với em mình không, có hay bắt nạt em mình không…

Trường quốc tế không có nghĩa học sinh học ở đó lõm bõm vài câu tiếng Anh hay nghêu ngao một đôi câu hát tiếng Anh, cha mẹ chỉ nghe được chừng ấy, đã vội vui mừng con mình vinh dự được học trường “quốc tế”, với tiền học phí cũng rất quốc tế.

Những bà mẹ, những người cha trẻ, ngày nay làm việc cật lực, mong cho con mình mới "vỡ lòng" được hấp thụ một nền giáo dục tiên tiến, bằng cách đầu tư tiền bạc vào những trường đẳng cấp, có khi bằng hay gần bằng lương tháng của mình; đó là một điều hết sức đáng trân trọng.

Trong khi chờ đợi sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước về chất lượng giáo dục của các trường tư thục có tên “quốc tế” hay đẳng cấp quốc tế, khi chọn trường, phụ huynh hãy tìm hiểu trường thật kỹ, từ những phụ huynh đã có con đi học hay ngay cả con nhỏ của mình, từ những ngày đầu, hay vài tuần đầu, qua hiện tượng ta quan sát nơi trẻ, chúng tỏ vẻ sợ hãi hay bình thường, hăng hái hay không hăng hái đi học, và hãy nhận định sơ bộ chất lượng giáo dục của ngôi trường đó; không phải thấy tên trường bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, hay có tên Mỹ, tên Anh, tên Đức… là đưa con mình vào, không cần phải  tìm hiểu sâu xa.

Cũng hiếm trường nào ở VN hay trên thế giới có một em học sinh chết trên xe đưa đón, cả ngày người ta mới biết, khi trường có một cái tên rất tây Gateway, ngôi trường ai cũng tưởng mọi cái đều “năm bờ oanh” (number one) hay là OK tốt, rất tốt, ở đây.

BẢO VỆ

Người ta hay dùng từ bảo vệ trong “bảo vệ đảng", “bảo vệ chế độ", ít ai nghĩ bảo vệ còn là một danh từ như “gọi ngay bảo vệ”; trên áo các anh ghi thêm tiếng Tây là “security guard”, không rõ đúng sai (tiếng Anh), nhưng bảo vệ là nghề khá oai, mới có chừng mấy chục năm sau ngày “giải phóng”.

Từ một cửa hàng bán vàng cho đến nơi sang cả như khách sạn cao cấp, hay chốn quyền uy như các cơ quan nhà nước đều có mặt của một lực lượng oai phong, với những bộ đồng phục, áo thắt cà vạt, vai mang phù hiệu, đầu đội nón kết bi như sĩ quan cảnh sát thời VNCH.

Sự có mặt của họ làm cho tình hình chỗ đông người trở nên an toàn hơn, người nơi đó cảm thấy an tâm hơn.

Nhờ ở trên tuổi thất  thập, sống qua hai chế độ, tôi mới để ý thời VNCH không có…bảo vệ (trừ cơ quan nhà nước). Bây giờ, trong một ngôi trường mẫu giáo nho nhỏ ở thôn quê vẫn có một bảo vệ. Anh ta phải ngủ đêm tại nhà trẻ để bảo vệ “tài sản” nơi này dù đó là những tài sản chẳng có gì là giá trị cao như bàn ghế, chăn chiếu, đồ chơi trẻ con, chén bát, nồi soong, đôi ba chục ký gạo, một số thực phẩm khô…

Những trường học lớn có mấy ngàn học sinh thì tối thiểu cũng có hai ba bảo vệ, đôi khi họ lén dùng gậy cao su, roi điện vào ban đêm (dù không được phép) không như trước đây thời tôi đi học.

Trường cấp 3 duy nhất của tỉnh Quảng Nam là  trường Trần Quý Cáp tôi học ở Hội An có cả hàng ngàn học sinh, chỉ có duy nhất một ông “cai trường” làm “bảo vệ”, không mặc sắc phục; đó là nhân viên phụ trách đánh trống hiệu báo vô lớp, tan trường, mở đóng cửa phòng, cổng, kiêm luôn quét dọn, pha trà, rót nước cho các thầy cô trong giờ ra chơi. Nhà trường có những “tài sản” không phải là ít. Ngoài giấy tờ các loại thuộc hồ sơ, học bạ, bảng điểm…còn có một thư viện sách cũng tương đối khá, một phòng thí nghiệm dành cho học sinh các ban A,B (nghiêng về khoa học, kỹ thuật) có cả những kính hiển vi, các dụng cụ tuy “thô sơ” nhưng cũng khó sắm sửa. Cả ngày lẫn đêm trường mấy chục năm không có chuyện mất cắp hay phá phách nào được ghi nhận.

Người dân ở thị xã này khá đông vì có cả dân tản cư các quận kéo về; họ lương thiện hay chưa biết ăn cắp, tôi không rõ, nhưng tình hình an ninh trật tự xã hội rất là tốt  và có thật, dù lúc đó đất nước đang có chiến tranh.

Ngay cả các cơ quan công quyền như tòa quận, tòa tỉnh, “bảo vệ” cũng thật…sơ sài, tôi không nói ngoa, hiện những người còn sống ở Quảng Nam tầm tuổi tôi đều rõ. Bất cứ một thanh niên tuổi vào 18 đều một hai lần có việc phải vào những nơi này để làm căn cước hay giấy hoãn dịch hay các giấy tờ khác.

Tôi một lần vào tòa hành chánh tỉnh Quảng Nam đóng ở thành phố Hội An để làm một giấy hoãn dịch vì lý do gia cảnh (thẻ màu trắng) phòng khi học thi bị rớt sẽ không được có hoãn dịch vì lý do học vấn (thẻ màu vàng). Ngay cổng tòa tỉnh là một bót gác có một “quân cảnh” (hay cảnh sát gì đó không nhớ rõ). Tôi đến bót đưa ra thẻ sinh viên và nói lý do đi vào tòa hành chánh tỉnh. Cầm thẻ liếc qua, viên quân cảnh nhìn vào mặt tôi và gật đầu đưa trả lại thẻ, “vào đi”, hai tiếng ngắn, không đợi tôi năn nỉ hay giãi bày. Trong một dãy nhà dài, hai tầng rộng thênh thang, cơ mang nào phòng, rất nhiều ty sở làm việc ở đó, tôi đang lớ ngớ tìm nơi làm việc của ông chánh văn phòng tòa tỉnh thì được một nhân viên phục vụ chạy lại hỏi lý do và hướng dẫn đến nơi làm việc của ông ta.

Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy lúc ấy con người có trọng trách chốn công quyền, sự bảo vệ phải nghiêm ngặt, chứ đâu như tôi thấy…lỏng lẻo quá, an ninh của cơ quan đầu não một tỉnh lại sơ sài như thế.

Tôi tin những câu chuyện các đặc công Việt Cộng giả dạng sinh viên, thầy tu, sĩ quan, hay nhờ các em học sinh mang chất nổ vào đánh sập những nơi làm việc “đầu não” của “ngụy quân, ngụy quyền” là đúng, không phải họ kể lể thành tích để báo công.

Trong tình trạng chiến tranh, ở một xã hội có những con người tin tưởng nhau, “đối phương” có thể lợi dụng lòng tin đó để đánh phá họ, thậm chí lấy đi mạng sống của họ, một xã hội trong đó con người quá ngây thơ vì quá chân thật, cứ nghĩ ai cũng như mình.

Do đó, ta suy luận thêm, tại sao trong hàng ngũ cách mạng hay hàng ngũ lãnh đạo cách mạng, không có một đối phương (“ngụy”) nào lọt vào, hoạt động tình báo như những anh hùng Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ…đã lọt vào trong bộ máy đầu não chính quyền từ thời Ngô Đình Diệm cho đến Nguyễn Văn Thiệu của VNCH.

Tất nhiên, những người như hai ông phải là những kẻ tài ba xuất chúng, sống hai mặt như là một mặt, tuyệt đối trung thành với “quốc gia” trong khi trong lòng họ tôn thờ cộng sản. Chế độ Sài Gòn cũ không có những chính sách phân biệt khắt khe, cứng rắn, không coi trọng lý lịch, nguồn gốc xuất thân, thấy ai tài năng trung tín thì trọng dụng, không hề nghi ngờ họ là những Nguyễn Thành Trung tương lai, ăn, ngủ, học, được đào tạo như một “Mỹ con” dù cha ông là cộng sản.

Tôi nhắc lại chuyện quá khứ không có mục đích khơi dậy sự hận thù nhưng muốn qua đó nói đến lòng tin. Lòng tin chân chính có ai lợi dụng lòng tin, người bị lợi dụng không thể biết được do họ quá ngây thơ trung thực? Trung thực là một khuyết tật tinh thần?

Hiện nay, ngoài lực lượng cảnh sát hùng hậu, xã hội còn có một lực lượng bảo vệ cũng hùng hậu không kém, đi đâu ta cũng thấy: chợ, siêu thị, chung cư, trường học, khu vui chơi, thậm chí các cơ sở tín ngưỡng, nhà chùa, đền đài miếu mạo…Xã hội chúng ta đang sống tốt đẹp hơn, an ninh hơn, con người trung thực với nhau hơn, do đó lực lượng bảo vệ ngày càng phải nhiều hơn?

MÁI TÓC DÀI

Bà là mẹ của cô bạn tôi lúc còn ở quê. 1965, chiến tranh xảy ra, bà cùng con gái duy nhất tản cư ra Đà Nẵng. Những năm sau đó,cơ duyên thế nào con gái bà kết hôn với một người Mỹ, được chồng đưa về nước trước kết thúc chiến tranh.

Khi xa quê hương, mẹ bảo cô qua Mỹ nhớ không được cắt tóc, " mi cắt tóc, mi không phải con tau", giọng Quảng thô nhưng chan chứa tình. Cô bạn tôi có mái tóc đen, dài, mượt mà, với nước da trắng nõn nà, cặp mắt tinh anh, luôn ánh lên như một nụ cười.

Cô giữ lời mẹ dặn 20 năm ở xã hội Mỹ luôn luôn sống động, những mái tóc phụ nữ đầy màu sắc không làm cô thay đổi tóc mình cho giống họ. Mái tóc ngày càng dài thêm, đen hơn, mượt mà hơn. Những người Mỹ quen biết luôn nể phục khi thấy mái tóc dài của cô, nể phục hơn khi nghe cô kể, để tóc dài theo ý mẹ cô khi hai người chia tay.

"Mẹ con rồi cũng gặp nhau, tưởng đâu biền biệt sau ngày "giải phóng", bạn tôi kể. Lúc tìm ra nhà mẹ trên nền đất cũ ở quê, cô nức nở khóc ôm lấy thân hình gầy yếu của bà. Người mẹ nhìn con, nhìn chăm chú vào mái tóc để ngắn, rồi giật khỏi vòng tay con gái, tức giận. " Mi không phải con tau. Con tau tóc dài mà".

Cô đau đớn nhìn mẹ, bà đã lãng rồi sao. Cô vừa khóc vừa van nài: "Con đây mẹ, con đây mà, con là Quế đây mẹ ơi"." Không, tau không có con như mi. Mi đi đi. Con tau tóc dài". Cô gái chợt nhớ ra, mặt đang buồn thoắt thành rạng rỡ. Cô lấy tay kéo mạnh chiếc mũ rộng trên đầu xuống, mái tóc đầy đặn, đen mướt bung theo, dài gần chấm gót.

Người mẹ bỗng sững sờ một chút rồi khóc òa, ôm chầm lấy con, đưa bàn tay gầy lên xoa đầu, vuốt tóc nhiều lần, nhẹ nhàng, âu yếm nói nhỏ: " Đúng là con mẹ".

Gần đây, tôi có dịp gặp cô, tôi già nhưng cô còn trẻ hơn tôi gấp bội; tuổi bằng tôi nhưng cô còn giữ những nét thanh tân dù đang là bà ngoại. " Mẹ em mất đã lâu rồi. Em về sửa lại mộ mẹ". Tôi để ý mái tóc cô, vẫn còn đen không một sợi bạc, trong khi tóc tôi bạc không một sợi đen.

Mái tóc vẫn dài, vẫn đẹp, mái tóc mẹ cô từng yêu thích; mái tóc luôn đẹp nhờ cô nhớ mẹ mình chăng? Tôi suy nghĩ khi chia tay, tình yêu giữa những con người chân quê, giản đơn mà đằm thắm, mái tóc cũng là tình yêu. Ở Mỹ, có ai để tóc dài và đẹp mượt mà như cô bạn tôi không?

Ảnh minh họa.

THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

Thế lực thù địch ngày xưa có thể còn gọi là phản động. Ai chống lại nhà nước, hay chủ trương nhà nước, có thể hiểu là thế lực thù địch, nếu bị kết tội có thể sẽ bị nhốt tù. Không ai bắt kẻ không thuộc thế lực thù địch ngoại trừ họ phạm các tội hình sự.

Tôi đọc một bài viết ghi nguồn từ Peter Nguyen nói về một trường quốc tế đầu tiên ở Việt Nam thành thập năm 1929 tại Đà Lạt, và trường đã tồn tại cho đến ngày nay gần 100 năm, nhưng không phải ở Việt Nam (hình bên dưới). Nếu ông bà hiệu trưởng người Pháp này không thuộc thế lực thù địch thì sẽ không bị du kích bắt năm 1962, sau đó 1965, trường buộc phải dời qua Thái Lan rồi Mã Lai; trường quốc tế thu nhận học sinh từ 28 nước trên thế giới này “sẽ là của Việt Nam”, với giáo trình giảng dạy của Mỹ ngay cả khi mới thành lập, không phải như các trường “quốc tế” nhan nhản hiện nay, trong đó có trường “tây” nhưng chất lượng “tây đui”.

Trường có tên Dalat ở Malaysia.

Điểm qua lịch sử thế lực thù địch. Thế lực thù địch sau năm 1945 thì hơi bị nhiều, nào là Quốc Dân đảng, Đại Việt, Việt Cách…và chính phủ thân Pháp do họ lập ra. Một số thành viên trong thế lực này hoặc nhờ che chở của người Pháp, hoặc phải trốn chạy khỏi nước như Nguyễn Tường Tam và một số đồng chí…mới thoát khỏi số phận thê thảm của Khái Hưng, Phạm Quỳnh, Huỳnh Phú Sổ, Tạ Thu Thâu…Những tổ chức này, những con người này, đều yêu nước, chỉ cái tội là không yêu chủ nghĩa xã hội.

Sau 1954 và trước đó một vài năm, thế lực thù địch là thành phần bóc lột địa chủ ở miền Bắc và bọn “Việt gian” đội lốt. Theo nhà sử học kinh tế Đặng Phong, trong 172.008 người bị đấu tố, có 123.266 bị quy sai, quy oan, chiếm tỷ lệ hơn 71 %. Tài sản năm ba mẫu đất của những địa chủ này so với các ông đại điền chủ bây giờ có nhằm nhò chi; họ thì bị đấu tố, có người bị giết, nhưng những người giàu gấp trăm lần họ thì được biểu dương thành tích nhờ tích tụ ruộng đất hàng trăm mẫu “làm giàu đất nước”. Nhưng số phận bà Nguyễn Thị Năm, hiệu buôn Cát Hanh Long, trong số họ là đau đớn nhất. Bà là mẹ của một trung đoàn trưởng, giúp Việt Minh cả ngàn lượng vàng, nuôi quân kháng chiến ở Thái Nguyên, lại là người lãnh phát súng đầu tiên năm 1953 trong đợt mở màn cải cách ruộng đất. Có người khuyên không nên giết bà vì là người có công và lại là phụ nữ, nhưng những cố vấn Trung Quốc cho rằng “đã là hổ thì hổ đực hay hổ cái cũng đều ăn thịt người”. Nếu người “thù địch” này sống thời buổi bây giờ, bà có quyền đi nghênh ngang cạnh Phạm Nhật Vượng, Trịnh Văn Quyết, bắt tay với các quan chức cấp côi chứ chẳng chơi, công trạng còn lớn hơn mấy ông kia gấp vạn.