Cả nước thở phào nhẹ nhõm, xung đột đã không xảy ra, biển Đông còn đó, không một tấc đất của giang sơn nào bị mất thêm.
Sự kiện Tư Chính không nóng bỏng như sự kiện tàu 981 năm 2014. Truyền thông nhà nước đưa tin dè dặt, biểu tỏ sự kiềm chế và mềm mỏng. Đến rồi đi, những chiếc tàu của Tàu, như vào chỗ không người? Chúng ta không hiểu lý do Trung Quốc kéo tàu về nước. Có thể họ không tìm thấy dấu hiệu dầu khí, e dè phản ứng của thế giới nhất là của Mỹ, hay e ngại các tàu chiến Việt Nam?Tất cả đều là đoán mò. Dân không được biết vì mọi cái đã có đảng và nhà nước lo, cũng sướng.
Dù không biết chắc lý do Trung Quốc rút khỏi bãi Tư Chính, chúng ta cũng không nên vội mừng, vì thêm một hồ nghi nữa: có sự thỏa thuận nào “gác tranh chấp, cùng khai thác” vì “đại cục” không? Nếu đúng như hồ nghi thì đó là điều đáng buồn và đáng xấu hổ. Thằng hàng xóm tới đất nhà mình, rút dao, giương búa, hung hãn bảo đất này của ông cố nội nó để lại, phải trả cho hắn. Để giữ tình hữu nghị vun đắp bao đời, chủ đất xuống nước, thôi tính lại, hai ta gác tranh chấp cùng cày cấy. Yên. Ổn định. Không chiến tranh vì chủ nhà còn hàng khối chuyện khác phải lo toan. Tôi không tin ông “chủ đất” đã nhu nhược như vậy.
Đến đây, tôi muốn đi vào câu chuyện giả định, Trung Quốc kéo tàu về nước vì lý do Việt Nam phản ứng mềm mỏng mà kiên quyết, không nhún nhường như hai lần trước cũng vụ việc tranh chấp vùng khai thác dầu khí thuộc lãnh hải, thềm lục địa Việt Nam. Một đất nước dù bao la như Trung Quốc hay nhỏ bé như Việt Nam (so với nhau), nguyên lý ứng xử không khác hai cá nhân hay hai gia đình.
Tôn trọng nhau giữa hàng xóm là điều đầu tiên nhưng sự tôn trọng không có nghĩa anh lớn được tôn trọng hơn anh nhỏ, hay anh giàu được tôn trọng hơn anh nghèo. Lớn, nhỏ, nghèo, giàu hai bên tự biết, tự lo, tự quyết, và phải tôn trọng nhau.
Gia đình nhỏ, nghèo nhưng các thành viên trong ấy yêu thương, đoàn kết sẽ là một điểm mạnh để gia đình to, giàu kia quan sát, lưu ý. Anh hàng xóm sẽ cười vào mũi chủ nhà nếu thấy:
- Cha mẹ giấu giếm xung đột càng nhiều càng tốt, con cái chúng biết sẽ la ó phản ứng, không có lợi cho lãnh đạo hai gia đình. Ta thấy điều này xảy ra ở bãi Tư Chính. Truyền thông im ắng một thời gian dù thông tin bên ngoài có nói đến sự tranh chấp lãnh hải giữa hai bên. Thời gian sau can đảm hơn, không còn dùng chữ “nước ngoài” nữa mà nói thẳng “Trung Quốc” đã xâm phạp trái phép vùng đặc quyền VN.
- Những nhà báo “nhớn” như HHV lên tiếng giảng giải “không có chi” ở Tư Chính. “Mặt trận biển Đông vẫn yên tĩnh”. Dân chúng không nên rối lên. Có chi mô.
- Có những luận điệu như “buông súng” rằng ta và Trung Quốc có mối tình hữu nghị lâu dài, những va chạm nhỏ sẽ được giải quyết ổn thỏa, có thể ở cấp cao nhất. Mọi người hãy yên tâm.
- Tổ chức “biểu tình trong nhà” của một số đội ngũ quan chức, chụp hình đưa ra công chúng, đánh tan luận điệu xuyên tạc của bọn thù địch “hèn với giặc, ác với dân".
- Có những người bảo rằng hòa bình là trên hết. Chiến tranh đã cho một bài học xương máu trong mấy chục năm qua. Hòa bình là ưu tiên hàng đầu bởi khi xảy ra chiến tranh, lực lượng không cân xứng, thất bại về phía Việt Nam là cái chắc trước một Trung Quốc hùng mạnh.
- Lãnh đạo Việt Nam còn nhiều vấn đề nhức đầu khác, nếu có xung đột đưa đến chiến tranh, đó là bất hạnh không chỉ đến với họ và gia đình họ, nó đến với tất cả mọi người trong nước.
Những lo sợ và phản ứng như đã nói không phải là không có cơ sở nhưng tôi thì có suy nghĩ khác:
- Dù yêu chuộng hòa bình, dù biết chiến tranh sẽ bị thua thiệt, Việt Nam cũng cần tỏ ra…"ta không sợ chiến tranh". Nếu anh vượt quá lằn ranh đỏ do sự tôn trọng và tình hữu nghị đã vạch ra, láng giềng vĩ đại nên hiểu người Việt Nam từng có truyền thống “chết vinh hơn sống nhục”.
- Trung Quốc đang rối beng chuyện chiến tranh mậu dịch với Mỹ. Nền kinh tế của họ quan trọng chứ không phải dầu ở bãi Tư Chính là quan trọng hơn, sự khẳng định “lưỡi bò” là cốt lõi nhưng không “cốt lõi” hơn chiến tranh mậu dịch trong thời gian đánh nhau về kinh tế với Mỹ.
- Phản ứng dù “bằng miệng” của Mỹ đã có hiệu quả. Những nước khác cũng có thái độ không quả quyết bênh vực bên nào nhưng rõ ràng đã có thiện cảm với Việt Nam.
- Ngoài mặt, Việt Nam không có những vụ biểu tình rầm rộ, bốc lửa như năm 2014 hay những phản ứng quyết liệt trên các phương tiện truyền thông nhưng lãnh đạo Trung Quốc cũng đã hiểu, gần như 100 phần trăm dân chúng Việt Nam không ưa họ, căm thù họ khi lãnh thổ bị xâm phạm dù ở xa tít tắp trên biển Đông.
- Nếu Việt Nam không phản ứng bằng cách đưa những tàu hải quân ra đó, Trung Quốc chưa chắc đã rút đi sớm như thế. "Mềm nắn, rắn buông" là sách lược ngàn đời của họ. Những phát súng bắn cảnh cáo của Hàn Quốc vào máy bay của TQ và Nga trong tập trận phối hợp tháng trước là một chỉ dấu cho biết không thể “ỷ mạnh hiếp yếu” nếu kẻ yếu can đảm và phản ứng tức thì lúc bị hiếp đáp.
- Trung Quốc hùng mạnh quân sự hiện nay nhưng trong quá khứ, họ là quốc gia bị nước ngoài xâm lược nhiều nhất, bị cai trị dồn lại gần cả ngàn năm, không phải vì họ kém văn minh hơn nhưng con người của họ kém đởm lược hơn.
Lưu Á Châu (con rể Lý Tiên Niệm, “tướng trí thức”) từng nói hàng ngàn người Trung Quốc bị một trung đội người Nhật dắt đi hành quyết. Ông ta bảo chỉ cần bỏ chạy để khỏi bị giết nhưng những Đại Hán này không dám, và từng người bị bắn sạch. Chiến tranh năm 1979, tài nghệ đánh nhau rất rõ, Việt Nam thiện chiến gấp mấy, nếu thiếu đởm lược như họ, chắc chắn Hà Nội bây giờ đã treo cờ Trung Quốc, không phải chuyện chữa thẹn “dạy cho VN một bài học", rồi rút quân về. Hơn nữa, binh lính TQ hiện nay đều là con một. Họ rất coi trọng “nối dõi tông đường”. Có chiến tranh, rủ nhau bỏ chạy trước để còn “duy trì nòi giống” là điều không hẳn vô lý.
Sự rút về các tàu chiến và tàu thăm dò, chúng ta không rõ nguyên do chính thức, nhưng rõ ràng thái độ kiên quyết dù còn mềm mỏng của Hà Nội đã là một yếu tố trong việc rút về của Trung Quốc.
Nhưng câu hỏi đặt ra: Trung Quốc sẽ không lặp lại sự kiện Tư Chính? Câu hỏi ngắn và không dễ gì trả lời.
Ngoài những điều tôi nói ở trên, còn một điều quan trọng nữa, không phải chỉ liên minh với cường quốc để bảo vệ mình, mà con người Việt Nam phải liên minh với nhau. Khi đã đoàn kết thật sự, sức mạnh của chúng ta không phải ở những chiếc máy bay mua của Mỹ, của Nga hay những chiếc tàu ngầm, tên lửa, hay nằm ở chuyện huênh hoang quá khứ thắng những đế quốc to; sức mạnh đó nằm ở trong trái tim của mọi người Việt Nam, trái tim đó không phân biệt màu vàng hay màu đỏ, trái tim của yêu thương, của hòa giải, của bao dung.
Khi chúng ta có một “kẻ thù tiềm ẩn” như ông bạn vàng bành trướng trên biển Đông trong tương lai mà lại có thêm “một thế lực thù địch” mơ hồ nữa trong dân chúng, liệu người Việt Nam có đủ sức để đánh trả xâm lược như thời nhà Trần có hội nghị Diên Hồng không? Câu hỏi này dễ trả lời hơn câu trên kia rất nhiều vì tùy vào thái độ nhà cầm quyền hiện nay, không phụ thuộc vào thái độ của ông láng giềng bành trướng.