Thursday, January 18, 2024

OAN CHO DƠI CHUỘT

Người dùng từ “mặt dơi”, “mõm chuột” để gọi cậu Hoàng Chí Phong nổi tiếng, bị cộng đồng mạng (một số) gắn cái tên “thằng mặt lợn, thằng mặt lon”.

Một người sử dụng từ ngữ thô tục được đáp trả lại bằng từ ngữ thô tục, nghe thì “có đi có lại”, nhưng tôi thấy cũng không nho nhã mấy. Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại chưa phải là điều hay.

Có đúng người có nét “mặt dơi”, “mõm chuột” là xấu?

Không ai sinh ra đời có quyền chọn cho mình có “mặt hoa, da phấn” hay “mặt mũi thanh tú”.

Những người “tốt tướng” lại đi cười cợt những người “xấu tướng”? Xấu tướng và tốt tướng chỉ là quan niệm truyền đời trong văn minh Nho giáo, xuất phát từ nước Trung Hoa cổ, VN rủi ro hấp thụ tự ngàn xưa. Tàu sản xuất rất nhiều sách coi phong thủy, sách cúng, sách coi ngày, coi tuổi, có cả coi tướng mặt…

Phụ nữ có nốt ruồi dưới mắt là tướng sát chồng “tích lệ khấp phu”. Ai trên môi có nốt ruồi “dòm miệng”, tướng chết đói. Nam có sóng mũi gãy, công danh đứt gánh giữa đường (trừ Đinh La Thăng, ông có sống mũi cao). Số mạng đã định và các thầy tướng số thông thái Trung Hoa đã viết thành sách. Những người có tướng trên sẽ “đau khổ” vô vàn.

Không sao, đến gặp tôi, nhớ mang theo vài ngàn đô la nếu là sửa mũi, chừng trăm đô nếu tẩy nốt ruồi. Số các vị sẽ thay đổi tức thì, chẳng hạn: nữ, từ chỗ sát chồng sẽ đến chỗ vượng phu, hoặc đa phu, cưới có thể ba bốn đời chồng toàn những ông tầm cỡ, giàu còn hơn Vũ Nhôm. Ai có “tướng mõm chuột, tai dơi”, hơi tốn đô la một tý, vì cần phải đi Hàn Quốc. Vài chục nghìn đô, tướng sẽ đẹp như viên đại tá M, chứ không phải “mặt lợn” hay “mặt lon”, như bọn thế lực thù địch xuyên tạc.

Gương mặt các vị sẽ “tốt tướng” ngang ngửa với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.

Nhưng đừng có nghe tôi xúi, tốn tiền vô ích. Nét mặt giống mõm chuột hay tai dơi chỉ là bên ngoài, cái bên trong mới quan trọng. Gương mặt sinh ra “trời bắt xấu” không bằng “lòng bắt xấu”. Chỉ những kẻ vô học mới nghĩ “mõm chuột”, “mặt dơi” là tướng xấu của người. Anh ta không hiểu đó là cách gọi khinh bỉ của ông bà xưa đối với hạng người như cầm thú, “mặt dơi, mõm chuột”: con vật nguy hiểm chuyên gặm phá, gây hại cho lúa, cho trái cây, như chuột, như dơi.

Bọn “mặt dơi, mõm chuột” không khác mấy lũ “lòng lang, dạ sói”. Tôi nghiên cứu rất kỹ cuốn “Tướng mệnh khảo lục” của Vũ Tài Lục in trước 1975 và không thấy có dòng nào nói về “tướng người có mõm chuột, tai dơi”. (Nghiên cứu không có nghĩa “ngâm cứu” để tin tưởng tướng số).

Cơ bản của tướng số (nếu cho là người có tướng): Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh. Hữu tướng vô tâm, tướng tùng tâm diệt. (Người không có tướng mà có tâm, tâm sẽ sanh tướng. Người có tướng nhưng không có tâm, tướng sẽ vì không tâm mà mất – nôm na như thế).

Một trong những mối họa lớn cho dân tộc VN đó là sách bói toán, sách tướng, các loại sách mê tín dị đoan của người Tàu, đang được tự do xuất bản “trăm hoa đua nở”, ngày càng thịnh hành thành “lẽ sống” và đáng lo thay, ngày càng “áp dụng” tràn lan. Người ta coi giờ, coi ngày, coi bói, coi cưới, coi làm nhà, coi chôn cất, coi xuất hành thi cử…mọi sự trọng đại trong đời. Cha mẹ bệnh đang thở ống ô xy, con cái chọn giờ “lành” để rút ống đặng cha mẹ chết đúng giờ tốt, con cháu phát quan, phát giàu. Đám tang kéo dài cả tuần đợi giờ ngày chôn cất cho hết ý . Đẻ được mổ, không phải tránh đau đớn cho người mẹ, nhưng ông chồng muốn con sinh đúng giờ tốt, ngày tốt, đặng nó thành đạt, hanh thông.

Một nhân vật trẻ tuổi chống độc tài, ra tù tay ôm một chồng sách, thân hình gầy guộc, cả thế giới ngưỡng mộ, nhưng bị một tay "trí thức có máu mặt" ở VN chửi bới “mặt dơi mõm chuột”: thật là vừa tiểu nhân, vừa không hiểu biết, ỷ mình là thầy “tướng số” giỏi của Tàu; người ta có thể hồ nghi, việc làm ấy không khác chi được thuê đánh giặc mồm cho kẻ ác, đang lăm le xâm chiếm nước ta. Hồng Công chứ có phải bãi Tư Chính đâu.

Phương Tây có ai coi tướng, coi giờ, coi bói, tại sao họ luôn là những nước có mặt trời văn minh soi rọi: Internet, Apple, Windows, Android… thay đổi nhân loại, chắc chắn không phải đến từ xứ sở của bói toán, coi tướng, và những tên bói thuê.

GIÁO DỤC VNCH ?

“Xin phép bác cho em hỏi 2 ý kiến, vì đọc các bài của bác, em nhận ra bác học trước 75, rất hay, em xin bác lúc nào rảnh rỗi bàn cho 2 điều: 1. Trong buổi học (Quốc văn) thì nhà trường có dành thời gian (tiết học) nào để giáo viên (giáo sư) tổ chức cho học sinh bàn về một cuốn sách không ạ? 2. Cái văn hóa còn lại cho đến nay của nền giáo dục VNCH trong tâm hồn người miền Nam đến nay cụ thể là gì ạ?( em muốn tìm để so sánh với bài của Trần Đình Hựu có dạy trong chương trình hiện nay). Cảm ơn bác nhiều!”

Tôi nhận được câu hỏi của một thầy giáo dạy văn cấp 3, bạn trên facebook như trên. Tôi xin trả lời thầy câu thứ hai, còn câu đầu tôi sẽ trả lời thầy qua messenger. Tôi có mấy ấn tượng về nội dung câu hỏi.

Trước hết, tôi nghĩ thầy được đào tạo bài bản trong môi trường giáo dục XHCN. Tìm hiểu một khía cạnh về nền giáo dục (bị xóa bỏ sau 1975) từng “song hành” với nền giáo dục miền Bắc là điều đáng hoan nghênh ở một thầy giáo trẻ, không để chính trị “yêu - ghét”, “địch - ta” chi phối suy nghĩ vốn tự do của con người.

Thầy hỏi tôi một câu rất khó trả lời, “Cái văn hóa còn lại cho đến nay của nền giáo dục VNCH trong tâm hồn người miền Nam đến nay cụ thể là gì ạ?”

Nếu tôi ca ngợi văn hóa còn lại của giáo dục VNCH là tốt thì có người sẽ chê bai, chửi bới tôi :“Cái chế độ của mày tốt sao lại thua chế độ tao?” Nếu tôi chê bai, phỉ báng cái văn hóa còn lại của giáo dục VNCH thì hóa ra tôi “ăn cháo đá bát”, “ăn gian nói ngược” à? Tôi sẽ nói đúng cảm nhận mình về câu hỏi thầy nêu ra.

Giáo dục VNCH hình thành không lâu, có thể từ 1955 đến 1975 trong hoàn cảnh chiến tranh. Do đó, ảnh hưởng văn hóa còn lại chưa hẳn đã hằn sâu trong tâm hồn những người sinh sống ở miền Nam trước đây. Tôi chỉ có thể trao đổi với thầy trên một góc hẹp từ cái nhìn cá nhân.

Tôi cảm nhận mình là “sản phẩm” văn hóa còn lại của giáo dục VNCH. Trước nay thầy đã đọc những bài viết từ “sản phẩm” này sinh ra.  Tôi lấy mình ra làm ví dụ. Sống gần nửa thế kỷ trong một xã hội mới, ảnh hưởng của giáo dục xã hội cũ (ở miền Nam trước 1975) trong tôi khó mà không bị “nhạt nhòa” theo năm tháng gian lao. Tuy nhiên, có mấy cái tôi không thay đổi: trọng danh dự mình và suy nghĩ độc lập.

Giáo dục trung học chế độ VNCH không nhiều, không đa dạng, không “chuyên sâu”, nhưng nó cung cấp một nền tảng kiến thức cơ bản, cho một người đã “đỗ tú tài”: có thể ra đời để sống, đồng thời là bước đệm khi có điều kiện tiếp tục bậc học cao hơn.

Nhiều người cầm bằng tú tài đăng ký dạy các trường tư thục và người ta không hồ nghi chất lượng giảng dạy của họ. Họ tự đào tạo mình theo chuẩn mực bộ giáo dục đưa ra, không phải học chuyên tu hay tại chức: tự học để tự nâng cao mình trước khi dạy học trò, họ tự nguyện chứ không ai bắt buộc, kể cả nhà trường nơi họ dạy.

Giáo dục trung học giúp hầu hết những người ra đời sớm đều có thể tự học, tự rèn luyện mình, tự mình “lập thân” trên những nền tảng tiếp thu từ lớp 1 cho đến lớp 12. Thầy có thể thấy những người như thế trong đời sống thường ngày nếu có dịp tiếp xúc họ (bây giờ họ tầm 65 tuổi trở lên).

Bên ngoài như trong giao tiếp, thầy sẽ nghe “cám ơn” và “xin lỗi” là những câu họ sẵn sàng nói ra từ trong lòng, không phải là cửa miệng. Bên trong, danh dự luôn luôn là phẩm chất của họ. Họ có thể đánh mất cơ hội thăng tiến xã hội đôi khi vì không thể “hy sinh danh dự” như ton hót, luồn cúi, hay bợ đỡ cấp trên. Tôi có một bạn học là tiến sĩ (làm luận án hơn 20 năm trước), lẽ đáng sẽ lên phó viện trưởng hoặc viện trưởng một viện thuộc nông lâm nghiệp ở Sài Gòn, đành bỏ qua công tác ở một trường đại học, chuyển từ quản lý sang dạy học và hướng dẫn thạc sĩ. Anh ta thấy muốn đạt một vị trí “danh vọng” như thế, danh dự mình (tôi không đào sâu vì sao) cần phải “hy sinh”.

Một “thầy giáo VNCH”, bạn tôi, dạy trung học có kinh doanh photocopy (năm 1981, máy này khá đắt, khá hiếm) từ chối in thu nhỏ tài liệu của học sinh mang đến để giấu gọn vào phòng thi quay cóp, dù đó không phải là những học sinh ở trường anh dạy. “Tiền cũng cần nhưng tiền bỉ ổi từ gian lận thi cử, tao không cần” anh ta tâm sự với tôi.

Bản thân tôi có lần mang giấy tờ ra ngoài phô tô vì máy trong cơ quan bị hỏng. Phô tô xong, chủ tiệm hỏi tôi :“Chú cần viết hóa đơn bao nhiêu đây?”. Tôi thoáng ngạc nhiên, anh ta liền cười, “các vị khác trong cơ quan ra đây thỉnh thoảng cũng kê lên chút đỉnh kiếm tiền uống cà phê”. Những năm sau 1980 đời sống kinh tế khá khó khăn. Tôi cười và lắc đầu thầm nghĩ “tôi không phải như họ”.

Có thể ví dụ của tôi và của bạn tôi chỉ là cá biệt không trả lời đúng câu hỏi thầy nêu ra nhưng tôi nghĩ những người “có đến trường” như chúng tôi đều có một tính cách không khác nhau về mặt nhân cách: luôn tự trọng. Những người tầm tuổi như tôi còn sống rất nhiều ở miền Nam, thầy có thể kiểm chứng điều tôi nói khi có dịp tiếp xúc với họ, và đó là câu trả lời thực tiễn nhất. Chào thầy.

HỚT TÓC

Nữ  thoải mái khi đi làm đầu hay gội tóc và nam có lẽ cũng sung sướng mỗi lần đi hớt tóc.

Chưa ngồi trong tiệm làm tóc nên không rõ nữ đi làm tóc có cạo mặt, ráy tai hay không. Hớt tóc thiếu cạo mặt và ráy tai đối với nam coi như đừng đi tới tiệm.

Kinh nghiệm của tôi chọn tiệm khi phải thay đổi chỗ, chưa tìm một tiệm hớt tóc vừa ý: tiệm nào khách ngồi chờ nhiều sẽ hớt vừa ý hơn tiệm thênh thang nhưng ít khách. Ngồi chờ nhưng thợ vẫn nhảnh nha, chả biết có người chờ, bạn đã gặp một tay hớt thiện nghệ rồi đó: hớt hết ý, không hớt  hết giờ. Gặp thợ luống cuống đon đả khách và vội vã với khách đang ngồi trước gương, bạn nên nghe tôi, anh này hớt rất tệ.

Thường ở Sài Gòn, phần hớt thuộc nam, phần “phụ”như ráy tai, cạo mặt, đắp mặt nạ hay gội đầu thuộc nữ, nhưng chính “phần phụ” này là phần chính của công đoạn hớt tóc.

Khi đến phần việc của người nữ, bạn sẽ thấy rất dễ chịu. Nàng cười một nụ thật tươi như hoa cúc đầu xuân, bạn chưa kịp cười đáp lễ thì nàng đứng tựa sát người, một cánh tay nửa đặt lên ngực bạn, tay kia phơn phớt chiếc dao cạo mặt, thao tác nhanh nhẹn như  y tá  đang xoa  miếng gạc lên da một vết thương sắp lành.

Qua những đường dao ngọt, lướt nhẹ nhàng là những cái xoa mặt của mấy ngón tay búp măng, mềm mại, kiểm tra chỗ nào chưa vừa ý, thêm một vài đường cạo, thêm một  cái vuốt nhẹ, da mặt bạn dường như vừa có làn gió mát thổi qua, thoang thoảng như có hương hoa lan đâu đó, bâng quơ…

Và phần ráy tai, tôi không tìm ra từ ngữ nào để diễn tả, không phải vì những thao tác khéo léo của những ngón tay thiên thần, mà những cảm giác khoan khoái đê mê khi những chiếc vảy nho nhỏ nằm sâu trong lỗ tai được lấy ra, đôi lần gây khó chịu vì ngứa dai dẳng dù đã dùng đến bông tẩm oxy già. Bạn sẽ cảm thấy mình như chìm vào một thế giới khác, êm đềm và mơ mộng, nghe đâu đâu xa lắm, động tác nhẹ nhàng, kéo ra, đẩy vào, đẩy vào, kéo ra, của chiếc ngoáy tai hay chiếc que mảnh gắn bông mềm mại. Động tác đẩy vào rồi kéo ra êm ái, đều đặn, thỉnh thoảng hơi gấp một tý, có lẽ đã quen thuộc hoặc là bẩm sinh của con người nên nó thường gây cảm giác sung sướng đến đê mê…

Hớt tóc thiếu phần ráy tai , tôi xin nói lại, coi như đừng hớt tóc. Lúc này bạn đã chìm vào một giấc ngủ, tuy chỉ năm bảy phút thưởng thức cảm giác mơ màng như bay bổng mấy tầng mây với bàn tay mềm mại của một nàng tiên.

Hình minh họa.

Nhưng một điều các bạn cần lưu ý. Bạn hãy cẩn thận trong những giây phút này, hãy tận hưởng sự sung sướng khi ở trong phòng kín có máy điều hòa, có mùi thoang thoảng như hương hoa lan, thỉnh thoảng có nghe tiếng hỏi han như thỏ thẻ của cô nàng hớt tóc: chớ nói chuyện, nhất là không "táy máy" tay chân dù cô thợ có vừa xinh vừa trẻ. Mối hiểm nguy có thật: trên tay nàng là dao, kéo, và móc tai kim loại,  thứ vũ khí bén và nhọn, chỉ một chút chểnh mảng ,nhẹ thì rách tai, nặng thì đi đời màng nhĩ.

Nhớ nha, chớ lên tiếng bắt chuyện và luôn luôn tâm niệm: “không manh động” với cô nàng hớt tóc, tôi nhắc lại, dẫu cổ có đẹp như mỹ nhân của Xuân Diệu : Tôi mơ tôi là Đường Minh Hoàng / Trong cung mơ nàng Dương Quý Phi.

Lại nói về SỢ

Chưa bao giờ, nỗi sợ ám ảnh người Việt như bây giờ. Kẻ cầm quyền sợ người dân. Đại hội đảng 12 có hàng ngàn cảnh sát cơ động, xe pháo, phương tiện tối tân, lo việc an ninh, sợ gì dữ vậy?

Thấy dân Hồng Công xuống đường, Hà Nội liền diễn tập chống biểu tình, bạo loạn. Một lãnh đạo cấp thành phố xuống gặp dân Thủ Thiêm được hàng chục bảo vệ chìm nổi bao kín như xe bọc thép.

Lúc nào thế lực thù địch không rõ mặt mũi cũng là nỗi  sợ hãi truyền đời như quỷ ám.

Người dân không sợ chính quyền ư? Không, họ không sợ hãi, bởi họ rất ngoan ngoãn; giặc xâm chiếm lãnh thổ, có ai dám cầm cờ xuống đường phản đối không? Mọi cái có nhà nước lo.

Hàng chục công tử được giao cho những quả đấm thép, đã không đấm tan sự nghèo khó, mà còn đấm xiểng niểng tiềm lực quốc gia. Có người dân nào can đảm can ngăn những vị công tử ấy không? Có, nhưng rất ít, và cũng không ít người sưng má vì can ngăn. Người dân sợ hãi không dám đòi cái quyền được ứng cử, được bầu cử theo ý mình, mà phải theo ý đảng. Người dân cũng cam chịu sự chọn lựa chủ nghĩa cộng sản của một số người, không phải sự chọn lựa của mình, của đa số người dân.

Họ sợ hãi không cất lên nổi tiếng nói của mình bằng ngôn luận, quyền tự do tối thiểu. Ngôn luận, người dân có được tờ báo tư nhân nào của mình không? Họ chỉ sống nhờ (về tinh thần) trên một mạng xã hội của một người Mỹ, trong khi họ còn lo ngại, nghi hoặc,  nếu muốn sử dụng mạng Lotus của Việt Nam. Chưa hết, nỗi sợ còn lẩn khuất trong đời sống mỗi người dân mỗi ngày. Sáng sớm đi làm, dắt xe ra khỏi nhà, người thân buổi chiều không biết có trở về ăn bữa tối cùng gia đình hay không.

Vào bệnh viện, không biết mình được chữa bằng thuốc thật hay thuốc giả. "Không lót tay" có được cư xử bình đẳng như người lót tay? Đưa con đến trường, phụ huynh không rõ con mình có gặp từ mẫu hay ác mẫu, hoặc sáng vui vẻ tiễn con đi, chiều đau đớn nhận xác con về. Những người lãnh đạo mình, dân không rõ có ai trong họ là hiền tài thi đại học 1 điểm thành 29 điểm.

Đưa miếng ăn vào miệng, người dân lo lắng không rõ có bao nhiêu chất "lạ", chất hiểm nguy trong ấy; một ngày nào đó, họ thấy mình chen lấn cùng người khác trong một bệnh viện, tá hỏa khi thấy kết quả xét nghiệm: gan, ruột, phổi, thận...đã dính ung thư. Không những thế, họ còn lo sợ lẫn nhau.

Không nên cho tiền người ăn xin(lời khuyên của quan chức), có thể đó là ăn mày giả. Giữa đường vắng có 1 cháu bé bị lạc, khóc lóc, người ta đọc báo hãy cảnh giác, cẩn thận kẻo dính bẫy kẻ gian.

Lòng thương người không còn như trước: người ta có thể mang "khổ" nếu thương "lộn" kẻ gian đóng vai đói nghèo, tật bệnh, gặp cảnh không may.

Chúng ta nghèo vật chất không phải đáng lo nhưng nghèo lòng nhân ái vì nỗi sợ hãi càng đáng lo hơn. Thấy một người bị tai nạn giữa đường, hay một cảnh có kẻ cầm dao chém chết người này đến người kia, người ta ngần ngại không dám can thiệp; họ sợ...liên lụy. Nỗi sợ hãi còn giấu mình trong tình ruột thịt. Cha hoặc mẹ có căn nhà mặt tiền, lo sợ làm sẵn di chúc, chứ bất ngờ qua đời, con cái xúm nhau giành giật tài sản, nhẹ thì ra tòa, nặng thì chém chết nhau. Cha giao tiền hối lộ cho con khai ra may nhẹ tội, không ngờ con chối, sống chết mặc...bay, í lộn, sống chết mặc cha.

Nhưng nghĩ chí tình, tôi thấy nỗi lo sợ lớn nhất hiện nay là nỗi lo mất nước. Kẻ xâm chiếm lãnh thổ liệu có nghĩ tình anh em thắm thiết mà "tha" cho thằng em chân thành mấy chục năm nay được có chỗ đi ra đi vô và làm ăn trên biển?

Người dân lo sợ không hiểu quyết sách của chính quyền thế nào về việc lãnh thổ của em mà anh cứ giành của ổng, bởi chuyện Tư Chính vẫn hoàn toàn yên tĩnh...trên truyền thông quốc gia.

Nỗi sợ càng lớn và còn canh cánh trong lòng mỗi người dân yêu nước VN. Tôi nghĩ chẳng phải sợ hãi tý nào kẻ bất nghĩa muốn bá chủ biển Đông, một khi nỗi sợ này không còn: chính quyền không sợ dân, dân không sợ chính quyền, và dân không sợ nhau. Nhưng khó quá: bao giờ hết sợ?

VIỆT NAM ĐƠN ĐỘC ĐỐI MẶT TRUNG QUỐC

Lời người dịch: Hậu quả của “3 không”. Hậu quả của tình hữu nghị đời đời bền vững 16 chữ vàng: “Sơn thủy tương liên. Văn hóa tương thông. Lý tưởng tương đồng. Vận mệnh tương quan”.

(Vietnam Confronts China, Alone)

Việt Nam và Trung Quốc sa vào cuộc đối đầu dần nóng lên ở biển Đông đã không nhận được sự quan tâm đúng mức.

VN đáp trả bằng việc bố trí các tàu cảnh sát biển. Theo những tường thuật báo chí VN dẫn lời bộ Ngoại giao, sự đối đầu đang diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở biển Đông (theo cách gọi của VN) từ tháng bảy năm nay. Vùng đặc quyền kinh tế được phân định theo Công ước quốc tế về luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), Việt Nam và Trung quốc đã ký kết. Việt Nam thấy mình đang ở trong một vị trí căng thẳng, không có nhiều hỗ trợ ngoài lời nói khi đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán.

Những rắc rối xảy ra gần đây, nhất là vào giữa tháng 7, khi phát ngôn viên bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố một đội tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vừa vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN ở biển Đông. VN khẳng định đã nhiều lần gặp TQ để “phản đối các hành động vi phạm”

Ngoài ra, VN còn kêu gọi các cường quốc lớn cố gắng đem lại hòa bình và trật tự ở biển Đông với phát ngôn “ổn định trật tự, hòa bình, và an ninh biển Đông là mối quan tâm chung của các nước cả trong và ngoài khu vực. VN mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế bảo vệ và duy trì mối quan tâm này”. Vào cuối tháng bảy, phát ngôn viên bộ Ngoại giao VN tái khẳng định quyết tâm yêu cầu: “TQ rút ngay tức khắc tất cả tàu bè của họ ra khỏi vùng biển của VN và…tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán, vì tình hữu nghị giữa hai nước và vì ổn định, hòa bình khu vực”. VN khẳng định đã nhiều lần tiếp xúc với TQ qua nhiều kênh khác nhau.

Đưa vấn đề này ra hội nghị ASEAN vào cuối tháng bảy, phó thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao VN Phạm Bình Minh, “bày tỏ quan tâm sâu sắc về những diễn biến mới đây ở biển Đông, với những hoạt động của đội tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN trên biển". Ông tuyên bố thêm những hành động như thế “đe dọa nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn niềm tin, gây ra căng thẳng, do đó sẽ làm tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực”.

Cũng nên lưu ý quanh lần này, TQ theo đuổi phương sách triển khai khác trước. Tác giả bài này được biết từ các nhà phân tích VN là không như trước đây, khi các tàu TQ ở lại đôi tháng trên cùng vùng biển, lần này TQ triển khai tàu thăm dò một vài tuần rồi rút đi, chỉ quay lại vùng đặc quyền kinh tế ấy sau đó. Bắt đầu vào tháng 8, phát ngôn viên bộ ngoại giao VN loan báo: “Tàu khảo sát Hải Dương 8 gây cản trở công tác khảo sát địa chất của VN và đã rời vùng đặc quyền kinh tế VN và 2 vùng ở phía đông nam của thềm lục địa”. Tuy nhiên, vài ngày sau, phát ngôn viên bộ Ngoại giao VN lại thông báo “đội tàu TQ cùng tàu hộ tống đã trở lại vùng biển thuộc lãnh thổ VN”. VN một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng với tình huống này nhằm duy trì hòa bình và an ninh khu vực. Trong lúc đó, TQ qua báo cáo là đã bắt đầu tập trận gần các đảo Hoàng Sa.

Mặc kệ những phản đối liên tục của VN, cuộc đối đầu đang tiếp diễn, và đến nay đã sang tháng thứ ba. Vài hôm trước, ông Nguyễn Mạnh Đông, vụ trưởng Vụ các vấn đề biển, thuộc Ủy ban phụ trách biên giới quốc gia của bộ Ngoại giao, trả lời chi tiết phỏng vấn của Thông tấn xã VN, với quan điểm rằng: “Các tranh chấp là không thể tránh khỏi trong việc giải thích và áp dụng Công ước (UNCLOS), nhưng tất cả các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình thông qua các biện pháp quy định tại Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc và Điều 279 của UNCLOS”.

TQ ngày càng hung hăng hơn ở khu vực (biển Đông -ND) trong những năm vừa qua. Một tháng trước cuộc đối đầu hiện nay với VN, một tàu TQ đâm chìm một tàu đánh cá Philippines ở bãi Cỏ Rồng (Recto Bank). Đầu tháng 5 năm 2019, một tàu Cảnh sát biển TQ tên Hải Kinh 35111 có báo cáo đã ngăn cản hoạt động của giàn khai thác dầu Mã Lai gần bãi cạn Luconia, ngoài bờ biển bang Sarawak. Trong một động thái khác nhằm tuyên bố chủ quyền của mình, TQ tổ chức Cúp Sinan Regatta ở đảo Duy Mộng, một phần của quần đảo Hoàng Sa.

Trong khi đó, VN tìm kiếm các nước Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Úc và những nước vùng Ấn Độ Thái bình dương. Nhưng những phản ứng khu vực và thế giới đối với những diễn biến này đều im ắng (muted). Mã Lai trong hồ sơ ngoại giao mới đã nói: “Biển Đông nên là vùng biển của sự hợp tác, kết nối, và xây dựng cộng đồng và không nên là đối đầu hay xung đột. Điều này phù hợp với tinh thần Khu vực của Hòa bình, Tự do, và Trung lập (ZOPFAN). Mã Lai sẽ đề xướng tích cực tầm nhìn này trong các nước Asean. Hơn nữa, một thông cáo chung phát hành hôm 27 tháng 8 giữa Việt Nam và Mã Lai “nhấn mạnh sự quan trọng của tự kiềm chế, không quân sự hóa, và tuân thủ những nghĩa vụ luật pháp quốc tế trong niềm tin tốt đẹp, tôn trọng đối với chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của những quốc gia cùng bờ biển, và đối với quy tắc luật pháp theo đúng với tuyên bố UNCLOS năm 1982, và tránh các hành vi có thể gây ra leo thang sự căng thẳng”.

Các cường quốc ngoài khu vực cũng đã đưa ra những tuyên bố tương tự nhưng chẳng có gì nhiều hơn thế. Điều trần trước ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ, ông David Stilwell, thứ trưởng ngoại giao phụ trách Vụ Đông Á và Thái bình dương, phát biểu: “Bằng nhiều hành động phi pháp lặp đi lặp lại và bằng việc quân sự hóa những thực thể (features) đang tranh chấp, Bắc Kinh đã và đang tiếp tục hành động ngăn cản các nước ASEAN không được tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng có thể khai thác tới 2500 tỷ Mỹ kim".

Các cường quốc khác đã ngưng không còn nhắc lại sự quan trọng của tự do hàng hải, như thông cáo chung Ấn-Pháp trong chuyến viếng thăm gần đây của thủ tướng Modi tới Pháp. Một hội nghị tổ chức hồi gần đây ở Ấn Độ Dương thuộc nước Maldives hôm ngày 3 và ngày 4 tháng 9, nơi thủ tướng Sri Lanka và các bộ trưởng Singapore, Maldives có mặt, cũng nhấn mạnh sự tự do hàng hải, nhưng lại lần nữa, cũng không hề nhắc tới Biển Đông.

Nhật Bản thì mạnh hơn một chút, với việc tuyên bố của bộ trưởng ngoại giao: “Biển Đông là vùng biển huyết mách lưu thông đối với Nhật Bản và nhiều nước khác. Nó trực tiếp liên quan đến sự ổn định và hòa bình của khu vực, cộng đồng quốc tế gồm cả Nhật Bản đều nghiêm túc chú ý đến tình hình biển Đông. Nhật Bản phản đối bất kỳ hành vi nào bởi bất cứ ai làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông”. Ấn Độ vững vàng đứng về phía tự do hàng hải, tự do hàng không, giao thương hợp pháp không bị cản trở, trong những vùng biển quốc tế, theo đúng luật pháp quốc tế, nhất là công ước UNCLOS (về luật biển-ND).

Hình như Việt Nam không thể lôi kéo được sự ủng hộ mạnh mẽ nào từ những đối tác của họ trong vùng và bên ngoài.

Việt Nam cũng có thể khó mà một mình chống lại Trung Quốc. Bắc Kinh tỏ ra đã tính toán đúng rằng họ chẳng phải có sự lo ngại nào về một sự chống đối nghiêm trọng, của nhiều người. (Beijing appears to have correctly calculated that it does not have to fear any serious, united opposition).

Bài viết của Rajeswari Pillai Rajagopalan trên báo THE DIPLOMAT, ngày 26 tháng 9 năm 2019.

CÁC ANH ĐÃ LÀM GÌ CHO TỔ QUỐC?

Báo đăng có 9 người trong đoàn của quốc hội Việt Nam đã trốn lại ở xứ sở kim chi năm ngoái trong chuyến công du Hàn Quốc. Chín người này đã “làm gì cho tổ quốc” rồi đó, thưa bà chủ tịch quốc hội. Đây là một sỉ nhục quốc gia. Nếu những người này không cùng đi với đoàn thì đúng là hồng phúc cho đất nước.

Bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chắc chắn không muốn điều này xảy ra. Vậy ai là người đứng ra tổ chức cho “quá giang” để những người này được trốn lại Hàn Quốc? Không khó để có câu trả lời. Nếu sự việc chìm xuồng, báo không đăng, thì may mắn cho bà chủ tịch biết mấy. Bọn "thế lực thù địch" đã nhúng tay vào việc tiết lộ này rồi sao? Hay là chú Việt Tân?

Một cuộc thăm viếng cấp quốc gia đâu có giống một cuộc thăm viếng cấp xóm cấp phường. Thời gian chuẩn bị, công tác chuẩn bị, số lượng người đi chuẩn bị, đâu phải như bữa nhậu ở miền Nam, chỉ cần “hú” một tiếng là đầy đủ thành phần. Có gì quan trọng ở nước Triều Tiên, đến nỗi người ta phải trốn ở lại bất hợp pháp? Tỵ nạn chính trị ư? Không hẳn. Ai lại tỵ nạn ở nước còn là tàn tích của thói “gia trưởng”. Bác sĩ cấp trên đá vào ống chân bác sĩ cấp dưới trong các phim tình yêu đã chiếu ở VN. Ở lại với số vốn tích lũy  nhờ “buôn chổi đót” để làm ăn? Chưa hẳn. Không lẽ những người bỏ trốn ở lại để giải phẫu thẩm mỹ mong đẹp như những diên viên trong phim Hàn?

Tôi đoán và đoán đúng 100% những người ở lại là những…lao động làm thuê. Họ đã “vượt biên giai đoạn” nhờ giúp đỡ của những tay trong tay ngoài ở quốc hội phụ trách việc xuất ngoại của các đại biểu. Thời bao cấp, người ta hay gọi hành vi như vậy là “cải thiện” trong sản xuất, nghĩa là “làm thêm” kiếm chút cháo thời đó, tương đương vài ngàn đô mỗi người (trốn lại) thời nay.

Tôi cũng đoán và đoán đúng 100%, tính cách vô tư trong sáng của bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyện này. Vốn bản tính thật thà của người Nam bộ, chắc chắn bà không biết và cũng không hề ngờ chuyện này xảy ra. Nhưng trách nhiệm bà phải chịu. Tôi là người dân, làm sao tôi hiểu được tính cách của một quan chức cao cấp nhất quốc gia, một tứ trụ triều đình?

Nhưng tôi biết được bà qua lời kể của bạn tôi, một học sinh trung học ngang lớp ở trường Trần Quý Cáp, Hội An, sau này vào Sài Gòn tiếp tục đại học. Hắn là lớp trưởng trong lớp kế toán tài chính, sau này nó học thêm, mấy năm trời mà chị Ngân là học sinh trong lớp hắn. Bạn tôi là người to cao, hết sức bảnh trai, có nước da trắng như con gái. Tôi 1,6  m đứng bên anh ta như người Việt cạnh người Mỹ. Có thể anh ta cao 20 cm hơn tôi. Tôi thì ất ơ nhưng anh ta thì khá “thành đạt”, các chức vụ kinh qua là phó giám đốc sở (duy nhất không đảng), rồi giám đốc một đơn vị khác, trước khi về hưu ở một tỉnh miền Nam, sát Sài Gòn. Vì là lớp trưởng, anh ta luôn là người trách nhiệm trong việc tổ chức họp mặt hằng năm lớp tài chánh kế toán.

Chị Ngân xinh đẹp, ngay cả lúc là tứ trụ, vẫn thu xếp về họp mặt mỗi năm, và đương nhiên không đều đặn như lúc chị làm những chức vụ thấp hơn. Bạn tôi kể làm lớn như “nó”, tức chủ tịch quốc hội, chả thoải mái tí nào. Một lần họp mặt, “học sinh” Ngân đến dự, cả lớp như đang chuẩn bị…đại hội, không khí trang nghiêm, không phải không khí của buổi giao lưu cựu học sinh. Chị đến không được sớm vì bận, họp mặt chỉ là kết hợp việc đại sự quốc gia. Chừng 15 phút là "học sinh" Ngân phải đi. Thứ nhất, nếu chị ở lại, buổi họp mặt rất phiền toái. Một vệ sĩ nữ cấp thiếu tá luôn cặp kè sát chị, không rời nửa tấc, chứ không phải nửa bước. Mọi cử chỉ của "học sinh bạn" luôn luôn được vị cận vệ này quan sát không sót một động tác nào. Thứ hai, chị Ngân biết nếu mình ở lâu, họp mặt sẽ không vui, vì bà là một quan chức quá lớn, các bạn sẽ ngại ngùng.

Bạn tôi kể, hắn hay có tính bông lơn (hay đùa). Lâu thật lâu mà gặp một bạn học gái cùng lớp thời đi học, hắn hay giang rộng tay ôm họ, không chặt như người phương Tây nhưng cũng thâm tình tuy vẫn rất  giữ lễ. Hắn cũng làm như vậy đối với bạn cùng lớp Nguyễn Thị Kim Ngân. Đâu có thể như thế. Vừa chào vừa giang rộng tay, nó cao như tây, viên cận vệ bà chủ tịch quốc hội đã chen vào giữa, mắt cô chằm chằm vào mắt nó, quan sát, chỉ cần một cử chỉ “lạ” phát sinh, có lẽ người to như hắn chỉ có nước trồng chuối, trước một người võ nghệ cao cường, chưa kể khẩu súng giắt bên hông, nằm gọn trong tay nhanh hơn xiếc nếu có gì bất trắc xảy ra. “Lớp trưởng của chị đó, em à”. Nghe bà giới thiệu, người cận vệ mới thôi áp sát; bạn tôi dừng lại tức thì động tác "đón chào", nửa cười nửa mếu, thõng tay xuống như chuẩn bị chào cờ đầu tuần.

Viên tài xế của bà luôn ngồi trên xe, không hề bước xuống. Bạn tôi ra mời dự tiệc, anh lịch sự từ chối. Nó bèn bảo người mang thức ăn ra nhưng anh ta cám ơn không nhận, cho đến khi bạn tôi nói lại với bà, và khi bà bảo tài xế “em ăn đi”, anh ta mới dám ăn. Khi chia tay các bạn, bà rất bùi ngùi, đôi mắt xinh đẹp có vẻ luyến tiếc, không được ở lại cùng bạn bè họp mặt thật lâu, sau mấy chục năm xa cách. Bạn tôi còn nói, đôi ba năm có dịp công tác qua tỉnh nó, bà đều gọi điện kêu nó và một số bạn học đang công tác ở Sài Gòn hay trong tỉnh, đến gặp bà hàn huyên năm bảy phút.

Một người phụ nữ nghĩa tình. Bạn tôi nhận xét. “Nó” không như những người bạn khác, khi đã làm chức khá lớn, ít khi thân thiện bạn bè, trừ lúc nghỉ hưu, không còn chức vụ. Không rõ bạn tôi có “thêm mắm dặm muối” gì cho câu chuyện nó “quen” một tứ trụ triều đình; tôi tin nó nói thật, bởi dù đã hưu nhưng nó đâu có dám “giỡn mặt vua”.

Khi đọc tin 9 người trong đoàn quốc hội trốn lại Hàn Quốc, tôi nghĩ những người này không phải là quan chức, chỉ những người bình thường “ăn ké” chuyến đi. Bà chủ tịch quốc hội không thể kiểm soát được sự việc như vậy. Với tính cách bà, qua câu chuyện bạn tôi kể, bà có lẽ đã “vô tư” trong chuyện này. Vô tư tuy đúng nhưng trách nhiệm bà phải mang, mang rất nặng.

Dù là gần năm sau việc mới lộ ra, ảnh hưởng quốc thể không nhỏ. Thế giới người ta bảo quốc hội VN có người bỏ trốn, họ đâu có biết, nếu là người trong tổ chức quyền lực cao nhất nước này, đâu có ai dại dột mà bỏ mất cơ hội trở lại VN, sống một cuộc sống đủ đầy, tội chi phải “đầu thú” (một), “bị bắt” (một), hay "lẩn trốn" (7) .

Nếu tôi là bạn tôi, cựu lớp trưởng của học sinh Nguyễn Thị Kim Ngân, tôi sẽ gọi điện cho bà “Ngân à, bạn hãy xin lỗi dân, cách chức tức thì ông chánh văn phòng. Chín người bỏ trốn không hẳn do ông ta, nhưng ổng phải là người trách nhiệm cao nhất khi để điều này xảy ra, khâu tổ chức kém quá, hậu quả là “nhục quốc thể”. Nhưng tôi đâu phải là bạn tôi. Tiếc quá, hỉ.