Thursday, January 18, 2024

VIỆT NAM ĐƠN ĐỘC ĐỐI MẶT TRUNG QUỐC

Lời người dịch: Hậu quả của “3 không”. Hậu quả của tình hữu nghị đời đời bền vững 16 chữ vàng: “Sơn thủy tương liên. Văn hóa tương thông. Lý tưởng tương đồng. Vận mệnh tương quan”.

(Vietnam Confronts China, Alone)

Việt Nam và Trung Quốc sa vào cuộc đối đầu dần nóng lên ở biển Đông đã không nhận được sự quan tâm đúng mức.

VN đáp trả bằng việc bố trí các tàu cảnh sát biển. Theo những tường thuật báo chí VN dẫn lời bộ Ngoại giao, sự đối đầu đang diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở biển Đông (theo cách gọi của VN) từ tháng bảy năm nay. Vùng đặc quyền kinh tế được phân định theo Công ước quốc tế về luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), Việt Nam và Trung quốc đã ký kết. Việt Nam thấy mình đang ở trong một vị trí căng thẳng, không có nhiều hỗ trợ ngoài lời nói khi đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán.

Những rắc rối xảy ra gần đây, nhất là vào giữa tháng 7, khi phát ngôn viên bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố một đội tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vừa vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN ở biển Đông. VN khẳng định đã nhiều lần gặp TQ để “phản đối các hành động vi phạm”

Ngoài ra, VN còn kêu gọi các cường quốc lớn cố gắng đem lại hòa bình và trật tự ở biển Đông với phát ngôn “ổn định trật tự, hòa bình, và an ninh biển Đông là mối quan tâm chung của các nước cả trong và ngoài khu vực. VN mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế bảo vệ và duy trì mối quan tâm này”. Vào cuối tháng bảy, phát ngôn viên bộ Ngoại giao VN tái khẳng định quyết tâm yêu cầu: “TQ rút ngay tức khắc tất cả tàu bè của họ ra khỏi vùng biển của VN và…tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán, vì tình hữu nghị giữa hai nước và vì ổn định, hòa bình khu vực”. VN khẳng định đã nhiều lần tiếp xúc với TQ qua nhiều kênh khác nhau.

Đưa vấn đề này ra hội nghị ASEAN vào cuối tháng bảy, phó thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao VN Phạm Bình Minh, “bày tỏ quan tâm sâu sắc về những diễn biến mới đây ở biển Đông, với những hoạt động của đội tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN trên biển". Ông tuyên bố thêm những hành động như thế “đe dọa nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn niềm tin, gây ra căng thẳng, do đó sẽ làm tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực”.

Cũng nên lưu ý quanh lần này, TQ theo đuổi phương sách triển khai khác trước. Tác giả bài này được biết từ các nhà phân tích VN là không như trước đây, khi các tàu TQ ở lại đôi tháng trên cùng vùng biển, lần này TQ triển khai tàu thăm dò một vài tuần rồi rút đi, chỉ quay lại vùng đặc quyền kinh tế ấy sau đó. Bắt đầu vào tháng 8, phát ngôn viên bộ ngoại giao VN loan báo: “Tàu khảo sát Hải Dương 8 gây cản trở công tác khảo sát địa chất của VN và đã rời vùng đặc quyền kinh tế VN và 2 vùng ở phía đông nam của thềm lục địa”. Tuy nhiên, vài ngày sau, phát ngôn viên bộ Ngoại giao VN lại thông báo “đội tàu TQ cùng tàu hộ tống đã trở lại vùng biển thuộc lãnh thổ VN”. VN một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng với tình huống này nhằm duy trì hòa bình và an ninh khu vực. Trong lúc đó, TQ qua báo cáo là đã bắt đầu tập trận gần các đảo Hoàng Sa.

Mặc kệ những phản đối liên tục của VN, cuộc đối đầu đang tiếp diễn, và đến nay đã sang tháng thứ ba. Vài hôm trước, ông Nguyễn Mạnh Đông, vụ trưởng Vụ các vấn đề biển, thuộc Ủy ban phụ trách biên giới quốc gia của bộ Ngoại giao, trả lời chi tiết phỏng vấn của Thông tấn xã VN, với quan điểm rằng: “Các tranh chấp là không thể tránh khỏi trong việc giải thích và áp dụng Công ước (UNCLOS), nhưng tất cả các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình thông qua các biện pháp quy định tại Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc và Điều 279 của UNCLOS”.

TQ ngày càng hung hăng hơn ở khu vực (biển Đông -ND) trong những năm vừa qua. Một tháng trước cuộc đối đầu hiện nay với VN, một tàu TQ đâm chìm một tàu đánh cá Philippines ở bãi Cỏ Rồng (Recto Bank). Đầu tháng 5 năm 2019, một tàu Cảnh sát biển TQ tên Hải Kinh 35111 có báo cáo đã ngăn cản hoạt động của giàn khai thác dầu Mã Lai gần bãi cạn Luconia, ngoài bờ biển bang Sarawak. Trong một động thái khác nhằm tuyên bố chủ quyền của mình, TQ tổ chức Cúp Sinan Regatta ở đảo Duy Mộng, một phần của quần đảo Hoàng Sa.

Trong khi đó, VN tìm kiếm các nước Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Úc và những nước vùng Ấn Độ Thái bình dương. Nhưng những phản ứng khu vực và thế giới đối với những diễn biến này đều im ắng (muted). Mã Lai trong hồ sơ ngoại giao mới đã nói: “Biển Đông nên là vùng biển của sự hợp tác, kết nối, và xây dựng cộng đồng và không nên là đối đầu hay xung đột. Điều này phù hợp với tinh thần Khu vực của Hòa bình, Tự do, và Trung lập (ZOPFAN). Mã Lai sẽ đề xướng tích cực tầm nhìn này trong các nước Asean. Hơn nữa, một thông cáo chung phát hành hôm 27 tháng 8 giữa Việt Nam và Mã Lai “nhấn mạnh sự quan trọng của tự kiềm chế, không quân sự hóa, và tuân thủ những nghĩa vụ luật pháp quốc tế trong niềm tin tốt đẹp, tôn trọng đối với chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của những quốc gia cùng bờ biển, và đối với quy tắc luật pháp theo đúng với tuyên bố UNCLOS năm 1982, và tránh các hành vi có thể gây ra leo thang sự căng thẳng”.

Các cường quốc ngoài khu vực cũng đã đưa ra những tuyên bố tương tự nhưng chẳng có gì nhiều hơn thế. Điều trần trước ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ, ông David Stilwell, thứ trưởng ngoại giao phụ trách Vụ Đông Á và Thái bình dương, phát biểu: “Bằng nhiều hành động phi pháp lặp đi lặp lại và bằng việc quân sự hóa những thực thể (features) đang tranh chấp, Bắc Kinh đã và đang tiếp tục hành động ngăn cản các nước ASEAN không được tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng có thể khai thác tới 2500 tỷ Mỹ kim".

Các cường quốc khác đã ngưng không còn nhắc lại sự quan trọng của tự do hàng hải, như thông cáo chung Ấn-Pháp trong chuyến viếng thăm gần đây của thủ tướng Modi tới Pháp. Một hội nghị tổ chức hồi gần đây ở Ấn Độ Dương thuộc nước Maldives hôm ngày 3 và ngày 4 tháng 9, nơi thủ tướng Sri Lanka và các bộ trưởng Singapore, Maldives có mặt, cũng nhấn mạnh sự tự do hàng hải, nhưng lại lần nữa, cũng không hề nhắc tới Biển Đông.

Nhật Bản thì mạnh hơn một chút, với việc tuyên bố của bộ trưởng ngoại giao: “Biển Đông là vùng biển huyết mách lưu thông đối với Nhật Bản và nhiều nước khác. Nó trực tiếp liên quan đến sự ổn định và hòa bình của khu vực, cộng đồng quốc tế gồm cả Nhật Bản đều nghiêm túc chú ý đến tình hình biển Đông. Nhật Bản phản đối bất kỳ hành vi nào bởi bất cứ ai làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông”. Ấn Độ vững vàng đứng về phía tự do hàng hải, tự do hàng không, giao thương hợp pháp không bị cản trở, trong những vùng biển quốc tế, theo đúng luật pháp quốc tế, nhất là công ước UNCLOS (về luật biển-ND).

Hình như Việt Nam không thể lôi kéo được sự ủng hộ mạnh mẽ nào từ những đối tác của họ trong vùng và bên ngoài.

Việt Nam cũng có thể khó mà một mình chống lại Trung Quốc. Bắc Kinh tỏ ra đã tính toán đúng rằng họ chẳng phải có sự lo ngại nào về một sự chống đối nghiêm trọng, của nhiều người. (Beijing appears to have correctly calculated that it does not have to fear any serious, united opposition).

Bài viết của Rajeswari Pillai Rajagopalan trên báo THE DIPLOMAT, ngày 26 tháng 9 năm 2019.

CÁC ANH ĐÃ LÀM GÌ CHO TỔ QUỐC?

Báo đăng có 9 người trong đoàn của quốc hội Việt Nam đã trốn lại ở xứ sở kim chi năm ngoái trong chuyến công du Hàn Quốc. Chín người này đã “làm gì cho tổ quốc” rồi đó, thưa bà chủ tịch quốc hội. Đây là một sỉ nhục quốc gia. Nếu những người này không cùng đi với đoàn thì đúng là hồng phúc cho đất nước.

Bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chắc chắn không muốn điều này xảy ra. Vậy ai là người đứng ra tổ chức cho “quá giang” để những người này được trốn lại Hàn Quốc? Không khó để có câu trả lời. Nếu sự việc chìm xuồng, báo không đăng, thì may mắn cho bà chủ tịch biết mấy. Bọn "thế lực thù địch" đã nhúng tay vào việc tiết lộ này rồi sao? Hay là chú Việt Tân?

Một cuộc thăm viếng cấp quốc gia đâu có giống một cuộc thăm viếng cấp xóm cấp phường. Thời gian chuẩn bị, công tác chuẩn bị, số lượng người đi chuẩn bị, đâu phải như bữa nhậu ở miền Nam, chỉ cần “hú” một tiếng là đầy đủ thành phần. Có gì quan trọng ở nước Triều Tiên, đến nỗi người ta phải trốn ở lại bất hợp pháp? Tỵ nạn chính trị ư? Không hẳn. Ai lại tỵ nạn ở nước còn là tàn tích của thói “gia trưởng”. Bác sĩ cấp trên đá vào ống chân bác sĩ cấp dưới trong các phim tình yêu đã chiếu ở VN. Ở lại với số vốn tích lũy  nhờ “buôn chổi đót” để làm ăn? Chưa hẳn. Không lẽ những người bỏ trốn ở lại để giải phẫu thẩm mỹ mong đẹp như những diên viên trong phim Hàn?

Tôi đoán và đoán đúng 100% những người ở lại là những…lao động làm thuê. Họ đã “vượt biên giai đoạn” nhờ giúp đỡ của những tay trong tay ngoài ở quốc hội phụ trách việc xuất ngoại của các đại biểu. Thời bao cấp, người ta hay gọi hành vi như vậy là “cải thiện” trong sản xuất, nghĩa là “làm thêm” kiếm chút cháo thời đó, tương đương vài ngàn đô mỗi người (trốn lại) thời nay.

Tôi cũng đoán và đoán đúng 100%, tính cách vô tư trong sáng của bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyện này. Vốn bản tính thật thà của người Nam bộ, chắc chắn bà không biết và cũng không hề ngờ chuyện này xảy ra. Nhưng trách nhiệm bà phải chịu. Tôi là người dân, làm sao tôi hiểu được tính cách của một quan chức cao cấp nhất quốc gia, một tứ trụ triều đình?

Nhưng tôi biết được bà qua lời kể của bạn tôi, một học sinh trung học ngang lớp ở trường Trần Quý Cáp, Hội An, sau này vào Sài Gòn tiếp tục đại học. Hắn là lớp trưởng trong lớp kế toán tài chính, sau này nó học thêm, mấy năm trời mà chị Ngân là học sinh trong lớp hắn. Bạn tôi là người to cao, hết sức bảnh trai, có nước da trắng như con gái. Tôi 1,6  m đứng bên anh ta như người Việt cạnh người Mỹ. Có thể anh ta cao 20 cm hơn tôi. Tôi thì ất ơ nhưng anh ta thì khá “thành đạt”, các chức vụ kinh qua là phó giám đốc sở (duy nhất không đảng), rồi giám đốc một đơn vị khác, trước khi về hưu ở một tỉnh miền Nam, sát Sài Gòn. Vì là lớp trưởng, anh ta luôn là người trách nhiệm trong việc tổ chức họp mặt hằng năm lớp tài chánh kế toán.

Chị Ngân xinh đẹp, ngay cả lúc là tứ trụ, vẫn thu xếp về họp mặt mỗi năm, và đương nhiên không đều đặn như lúc chị làm những chức vụ thấp hơn. Bạn tôi kể làm lớn như “nó”, tức chủ tịch quốc hội, chả thoải mái tí nào. Một lần họp mặt, “học sinh” Ngân đến dự, cả lớp như đang chuẩn bị…đại hội, không khí trang nghiêm, không phải không khí của buổi giao lưu cựu học sinh. Chị đến không được sớm vì bận, họp mặt chỉ là kết hợp việc đại sự quốc gia. Chừng 15 phút là "học sinh" Ngân phải đi. Thứ nhất, nếu chị ở lại, buổi họp mặt rất phiền toái. Một vệ sĩ nữ cấp thiếu tá luôn cặp kè sát chị, không rời nửa tấc, chứ không phải nửa bước. Mọi cử chỉ của "học sinh bạn" luôn luôn được vị cận vệ này quan sát không sót một động tác nào. Thứ hai, chị Ngân biết nếu mình ở lâu, họp mặt sẽ không vui, vì bà là một quan chức quá lớn, các bạn sẽ ngại ngùng.

Bạn tôi kể, hắn hay có tính bông lơn (hay đùa). Lâu thật lâu mà gặp một bạn học gái cùng lớp thời đi học, hắn hay giang rộng tay ôm họ, không chặt như người phương Tây nhưng cũng thâm tình tuy vẫn rất  giữ lễ. Hắn cũng làm như vậy đối với bạn cùng lớp Nguyễn Thị Kim Ngân. Đâu có thể như thế. Vừa chào vừa giang rộng tay, nó cao như tây, viên cận vệ bà chủ tịch quốc hội đã chen vào giữa, mắt cô chằm chằm vào mắt nó, quan sát, chỉ cần một cử chỉ “lạ” phát sinh, có lẽ người to như hắn chỉ có nước trồng chuối, trước một người võ nghệ cao cường, chưa kể khẩu súng giắt bên hông, nằm gọn trong tay nhanh hơn xiếc nếu có gì bất trắc xảy ra. “Lớp trưởng của chị đó, em à”. Nghe bà giới thiệu, người cận vệ mới thôi áp sát; bạn tôi dừng lại tức thì động tác "đón chào", nửa cười nửa mếu, thõng tay xuống như chuẩn bị chào cờ đầu tuần.

Viên tài xế của bà luôn ngồi trên xe, không hề bước xuống. Bạn tôi ra mời dự tiệc, anh lịch sự từ chối. Nó bèn bảo người mang thức ăn ra nhưng anh ta cám ơn không nhận, cho đến khi bạn tôi nói lại với bà, và khi bà bảo tài xế “em ăn đi”, anh ta mới dám ăn. Khi chia tay các bạn, bà rất bùi ngùi, đôi mắt xinh đẹp có vẻ luyến tiếc, không được ở lại cùng bạn bè họp mặt thật lâu, sau mấy chục năm xa cách. Bạn tôi còn nói, đôi ba năm có dịp công tác qua tỉnh nó, bà đều gọi điện kêu nó và một số bạn học đang công tác ở Sài Gòn hay trong tỉnh, đến gặp bà hàn huyên năm bảy phút.

Một người phụ nữ nghĩa tình. Bạn tôi nhận xét. “Nó” không như những người bạn khác, khi đã làm chức khá lớn, ít khi thân thiện bạn bè, trừ lúc nghỉ hưu, không còn chức vụ. Không rõ bạn tôi có “thêm mắm dặm muối” gì cho câu chuyện nó “quen” một tứ trụ triều đình; tôi tin nó nói thật, bởi dù đã hưu nhưng nó đâu có dám “giỡn mặt vua”.

Khi đọc tin 9 người trong đoàn quốc hội trốn lại Hàn Quốc, tôi nghĩ những người này không phải là quan chức, chỉ những người bình thường “ăn ké” chuyến đi. Bà chủ tịch quốc hội không thể kiểm soát được sự việc như vậy. Với tính cách bà, qua câu chuyện bạn tôi kể, bà có lẽ đã “vô tư” trong chuyện này. Vô tư tuy đúng nhưng trách nhiệm bà phải mang, mang rất nặng.

Dù là gần năm sau việc mới lộ ra, ảnh hưởng quốc thể không nhỏ. Thế giới người ta bảo quốc hội VN có người bỏ trốn, họ đâu có biết, nếu là người trong tổ chức quyền lực cao nhất nước này, đâu có ai dại dột mà bỏ mất cơ hội trở lại VN, sống một cuộc sống đủ đầy, tội chi phải “đầu thú” (một), “bị bắt” (một), hay "lẩn trốn" (7) .

Nếu tôi là bạn tôi, cựu lớp trưởng của học sinh Nguyễn Thị Kim Ngân, tôi sẽ gọi điện cho bà “Ngân à, bạn hãy xin lỗi dân, cách chức tức thì ông chánh văn phòng. Chín người bỏ trốn không hẳn do ông ta, nhưng ổng phải là người trách nhiệm cao nhất khi để điều này xảy ra, khâu tổ chức kém quá, hậu quả là “nhục quốc thể”. Nhưng tôi đâu phải là bạn tôi. Tiếc quá, hỉ.

LỜI KHUYÊN CHO NHỮNG NGƯỜI BẠN VIỆT NAM VỀ TRUNG QUỐC

Lời người dịch: Cuối bài, có lẽ tác giả bài viết hơi lạc quan, nhưng những biện pháp đưa ra sau chiến tranh với TQ là mong muốn đối với người VN. Những đoạn viết về sự chuẩn bị chiến tranh sát biên giới của TQ và mưu đồ chiếm phần lãnh thổ phía bắc VN, tuy chỉ là suy đoán,  cũng rất đáng suy nghĩ.

Advice for Our Vietnamese Friends on China

Trung Quốc cứ lâu lâu xâm lược Việt Nam kể từ năm 111 trước Công nguyên. Người Việt từng có lịch sử lâu dài và anh dũng chống lại các cuộc xâm lược của người Tàu, bắt đầu từ cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng vào năm 39, Công nguyên. Nhà lãnh đạo gần nhất lật đổ những kẻ đô hộ Trung Hoa là Lê Lợi, dẫn đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đại nhà Minh vào năm 1428.

Trung Quốc tấn công lần nữa vào năm 1979. Bối cảnh cho tình huống đó là Khờ Me Đỏ ở Campuchia, giết hại một phần tư dân số của mình, lại đàn áp những kiều dân Việt Nam ở đó. Việt Nam đem quân qua Miên để ngăn chặn cuộc diệt chủng. Chế độ khát máu Pol Pot là chế độ Trung Quốc đỡ đầu và Trung Quốc không đành bỏ mặc họ. Vì vậy, Trung Quốc xâm lược Việt Nam để “dạy Việt Nam một bài học”. Lãnh tụ khi ấy là Đặng Tiểu Bình cũng muốn dùng chiến tranh để củng cố quyền kiểm soát quân đội của ông ta.

Trung Quốc tấn công, bị đánh tan tác, và rút quân sau vài tuần, thực hiện chủ trương đốt sạch, giết sạch trên đường rút về. Việt Nam dành những sư đoàn thiện chiến của họ để bảo vệ Hà Nội; thất bại của Trung Quốc lãnh chịu chính là vì không có hậu cần. Một trong những vấn nạn chính của TQ trong trận chiến đó là không có nhiều đường vận chuyển tiếp tế đến mặt trận.

TQ tiếp tục tấn công VN sau 1979 với những trận đánh lớn vào các năm 1980, 1981,1984 và 1987, khi Đặng Tiểu Bình luân phiên thay quân để binh lính có kinh nghiệm trận mạc. Những cuộc tấn công cuối cùng là vào năm 1989, đa phần bằng pháo binh. Ba chục năm trôi qua, những người Việt tiếp tục đến viếng những ngôi mộ của thân nhân mình chết vì cuộc xâm lược của TQ. Việt Nam có cảm nhận Trung Quốc đang chuẩn bị tấn công lần nữa. Bị mất thuận lợi bởi địa lý, lần này cũng có thể là một cung độ như hồi 1979. Một số sĩ quan quân đội Việt Nam tin rằng họ sẽ  không sống nổi trong chiến tranh sắp tới (Some Vietnamese army officers believe they are going to die in the war to come).

Nay, chúng ta hãy xem xét tình hình từ cái nhìn về TQ. Mục tiêu tối hậu TQ muốn là bá chủ thế giới. Trở ngại lớn nhất của họ là Hoa Kỳ. Trong ngắn hạn, TQ muốn chiếm hai chuỗi đảo về hướng đông – những đảo bên trong từ Okinawa tới Philippines và những đảo bên ngoài mở rộng tận đảo Guam. Họ cũng muốn thâu tóm tất cả trên biển Đông và có khả năng loại trừ quân đội các nước không đến được đó. Đây là những mục tiêu trước mắt.

Để đạt đến mục đích đó, TQ đã xây bãi đáp trực thăng trên quần đảo Nanji sát bên quần đảo Senkaku của Nhật Bản, dùng để tiếp nhiên liệu cho trực thăng trên đường tấn công Senkaku.

Để xâm lược Việt Nam, TQ đã xây một căn cứ rộng lớn cách biên giới Việt Nam 10 km, nằm ở 24 o 24’ Bắc vĩ tuyến, 106 o 42’ Đông kinh tuyến, với những kho chứa và doanh trại rộng 50 mẫu có mái bên trên. Điều này nhằm để che giấu những đơn vị thiết giáp và pháo binh khỏi vệ tinh quan sát bằng cách di chuyển đến đây vào ban đêm. Họ cũng đã đặt những giàn pháo dọc biên giới. Một dặm về hướng đông bắc khu phức hợp quân sự, TQ xây 8 mẫu các tòa nhà dường như sẽ chứa các tên lửa đạn đạo  tầm trung, triển khai đến biên giới khi sửa soạn cho một cuộc tấn công. Điều này giúp mở rộng tối đa tầm bắn xuống bờ biển Việt Nam. Nhớ đời bài học hậu cần năm 1979, TQ đang xây dựng một đường cao tốc 50 dặm Anh phía nam Sùng Tả lên thành phố sát biên giới VN Phổ Thủng (?) (Po Thiung). Hình ảnh từ vệ tinh Planet Labs cho biết đường cao tốc này chưa hoàn thành. Trung Quốc có lẽ không mở cuộc tấn công khi con đường này chưa làm xong.

Để so sánh, những hình ảnh vệ tinh bên trong đất liền qua eo biển Đài Loan không cho thấy bất cứ sự chuẩn bị nào cho một trận chiến với Đài Loan. Không có cái gì giống một giàn pháo hay điểm phóng tên lửa được hiển hiện. Và điều này được coi là một trận chiến khó khăn nhất đối với TQ. Tập Cận Bình, chủ tịch TQ, đã nói về chuyện Quân đội nhân dân TQ cần phải sẵn sàng lấy lại Đài Loan vào năm 2020 nhưng chẳng thấy có động thái nào để khẳng định bước tiến ấy. Nó cũng là bài võ xưa rích gọi là “hư chiêu”. Quân đội TQ sẽ phải dàn mỏng nếu họ muốn tấn công Đài Loan khi phải huy động cật lực để có một kết quả mỹ mãn. Đài Loan có thể không phải là lựa chọn của chiến tranh. Vì nếu tấn công không hiệu quả, họ buộc chỉ phải chờ. TQ chỉ có thể tấn công dàn ra-đa dày đặc trên núi Lạc Sơn, với khả năng quan sát tất cả hoạt động trên không sâu 5000 cây số vào đất liền TQ. Và chỉ có thế.

Những người Cộng sản Trung Hoa đang “mặc cả” (The Chicoms are selling their war) chiến tranh với dân chúng họ, như là cuộc chiến tranh của tộc Hán thượng đẳng – để “rửa hờn” cho những tội ác của Nhật Bản trong thế chiến thứ hai, tỏ ra mình có thể đánh bại được Mỹ và thiết lập sự giám sát đối với những dân tộc chư hầu (Untermenschen) của những nước ở về hướng nam.

Có hai lý do để TQ có lẽ sẽ tấn công VN trong một chiến tranh sắp xảy ra. Một là để quân đội (bộ binh) TQ có một vai trò trong cuộc chiến đem lại vinh quang nếu không thì vinh quang ấy sẽ thuộc về  lực lượng hải quân và không quân. Hai là để ép buộc VN phải “nhả ra” (disgorge) 17 căn cứ trên biển Đông. Những quốc gia khác gồm Malaysia và Brunei cũng có căn cứ trên biển Đông nhưng chỉ VN là người bảo vệ dũng mãnh nhất (ferocious) lãnh thổ của họ. Lực lượng đổ bộ TQ có thể sẽ bầm dập (mauled) nặng nề trong nỗ lực chiếm giữ những căn cứ đó. Nếu TQ thành công trong việc đánh chiếm lãnh thổ ở miền Bắc VN, họ có thể khiến VN rút khỏi những căn cứ trên đảo để đổi lại việc trao trả lại lãnh thổ bị họ chiếm giữ.

Sự đe dọa xâm lăng của TQ đã có một số tác động tốt cho Việt Nam. Sự đe dọa đó đã khiến đảng Cộng sản VN mở cửa đất nước về mặt kinh tế để có một tiềm lực kinh tế lớn hơn nhằm có thể tránh đối đầu với TQ.

Một vấn nạn lớn cho TQ là những nạn nhân nhắm tới của họ sẽ đoàn kết một khi TQ phát động chiến tranh. Nhật Bản hiểu rằng mình phải thắng cuộc chiến này nếu không sẽ phải đối mặt với sự khuất phục TQ vĩnh viễn.  Phương cách chống đỡ Nhật Bản trong cuộc xung đột này và giúp cho họ có thêm niềm tự tin là họ đã trả lại 331 kg Plutonium có thể chế vũ hạt nhân mà Obama ép họ phải nhượng bộ theo sự thúc dục của TQ. Vậy nên, TQ khó trở thành “kẻ thua xơ xác” và sẽ tấn công hạt nhân tiêu diệt các thành phố Nhật Bản nếu cuộc chiến trở nên tồi tệ đối với họ.

VN sẽ trở thành nước duy nhất ở phe Đồng Minh trong trận chiến chiếm lãnh thổ của TQ. Nếu VN càng giúp ích nhiều, sẵn lòng giúp ích, coi như giúp ích Hoa Kỳ trong trận chiến trên không, trên biển với TQ,  khả năng nhiều hơn Hoa Kỳ sẽ đến giúp đỡ VN trong chiến tranh lãnh thổ. Điều này bao gồm việc duy trì bảo vệ trên không trong chiến trận và cung cấp những khí tài kỹ thuật cao để bẻ gãy cuộc tiến công của Trung cộng (Chicom): vũ khí chống tăng trực tiếp, hoặc thả từ trên không, đạn chùm bẻ gãy tấn công, hỏa tiễn điều khiển chống tăng, từ AT4 tới BGM-71 TOW của Raytheon. VN có thể đã chế tạo ra phiên bản hỏa tiễn điều khiển chống tăng Kornet của Nga, chứng minh rất hiệu quả ở Syria.

VN nên mời các sĩ quan cao cấp Hoa Kỳ tham quan những tỉnh tương lai xảy ra chiến trận như Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang. Nên để họ đầu tư suy nghĩ từng cá nhân cho sự phòng thủ của mình. Quân đội Hoa Kỳ nghĩ họ có thể bỏ lỡ một cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương. Sẽ không như thế, nếu họ có được những căn cứ đặt hỏa tiễn trên bờ biển Việt Nam và được tham vấn những cách tốt nhất để phá hủy đội quân trang bị xe bọc thép của Trung cộng. Hoa Kỳ sẽ biết ơn nếu được yêu cầu can dự. (They will be grateful to be asked to be involved).

Tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Mark Esper đã nói ông muốn những hỏa tiễn đầu đạn tầm trung loại mới, tầm hoạt động ngoài 500km được triển khai ở châu Á “trong vài tháng”. Quân đội nói rằng họ muốn tham gia vào việc đánh chìm tàu với hệ thống hỏa tiễn đặt trên bờ. Có hai vị trí tốt cho những hỏa tiễn này: Quần đảo Palawan và Luzon của Philippines ở hướng đông biển Đông và bờ biển VN từ Cam Ranh tới Đà Nẵng. Đây sẽ thành “tử địa” (killing box) cho tàu bè và máy bay của TQ trên biển Đông.

Vịnh Cam Ranh cách từ 500 đến 750 km với chuỗi quần đảo Trường Sa, 6 nước tuyên bố chủ quyền gồm cả TQ, họ đã xây đắp các đảo nhân tạo gần đó. Đà Nẵng cách 400km căn cứ hải quân và không quân TQ ở Hoàng Sa; và cách 300km những căn cứ to lớn của TQ ở Hải Nam. Như cuộc tấn công mới đây ở Arabia Saudi  cho thấy, có thể sẽ có đáp trả qua lại máy bay tự hành (drone), tên lửa hành trình cũng như tên lửa đạn đạo tầm trung, từ sự có mặt của TQ trên những quần đảo tranh chấp và từ bãi biển của Việt Nam.

Và khi chiến tranh kết thúc điều quan trọng sẽ là thiết lập những điều kiện cho một nền hòa bình lâu dài. Trước hết, Hoa Kỳ phải chiếm lấy những đảo nhân tạo của TQ ở biển Đông. Không bên nào được tham gia. Thứ hai, TQ phải thu hẹp trở vào theo biên giới của họ năm 1949 trước khi họ xâm lăng Tây Tạng và chiếm giữ một số vùng của Ấn Độ. Thứ ba, tất cả tài sản ngoài nước, kể cả những gì của công dân TQ ở nước ngoài, phải bị thu giữ để bồi thường chiến tranh. Thứ tư, tất cả những bẫy nợ của những nước trong kế hoạch Một vành đai một con đường phải bị hủy bỏ. Chiến tranh thương mại TQ thời hậu chiến nên được giảm thiểu. Người Trung Quốc chỉ sử dụng thương mại để tạo thành một “Đế chế quốc xã thứ ba” và lên kế hoạch một cuộc chinh phục khác. Trung Quốc có thể trở nên một khối sục sôi oán hờn nhưng đó là chuyện của họ. Họ phải được thức tỉnh không còn có ý niệm khởi động bất kỳ một cuộc chiến tranh nào lần nữa.

Chúng ta có thể nào biết chắc cuộc chiến tranh sắp tới đang hiển hiện, gạt qua chuyện cuộc chiến tranh tiếp đó? Bởi vì TQ đang miệt mài chọc tức Nhật Bản, như ghi nhận của bộ Ngoại giao Nhật trong biểu đồ bên dưới.

Các cuộc xâm phạm của TQ vào vùng biển Nhật Bản đã dần đi vào ổn định, đều đều, ở mức 12 lần mỗi tháng. Đây là biểu đồ nhịp đập của sự oán ghét và thù hận từ TQ. Cho tới khi những cuộc xâm phạm này giảm xuống zero, châu Á có chiến tranh rồi đó.

Bài của  David Archibald trên American Thinker (ngày 27-9-19)

TÓC BẠC VÀ THUỐC NHUỘM

"Nợ nước chưa xong đầu đã bạc,

Gươm mài bóng nguyệt biết bao ngày".

Ngoài hình ảnh "đầu bạc" dạn dày trong thơ cảm hoài của Đặng Dung, thì đầu bạc, hay tóc bạc là nỗi ám ảnh của biết bao người. Đến độ tuổi nào đó trong cuộc đời, xuất hiện tóc bạc như là báo hiệu của già nua tuổi tác.

Còn trẻ, nghĩa là ngực còn chứa cả bầu trời mơ ước, mái tóc bắt đầu lốm đốm, ta trở nên lo lắng, bồn chồn: ta đã già trước tuổi rồi sao ! Nhỡ đang tỏ tình say đắm, bản thân hoàn hảo: đẹp trai, vui vẻ, học giỏi, thêm chút “nhà giàu” nhưng cũng bị khéo léo từ chối vì một lý do rất tế nhị (không nói ra của cô gái)“trông anh già quá”; thôi rồi, tại cái đầu bạc trước tuổi…

Buồn như thế nhưng không thể buồn hơn khi ti vi quảng cáo "thuốc cường dương sinh lực", dành cho những người… “tóc bạc sớm, sinh lý yếu”. Đối với nam giới, nếu dọa giết có khi họ cũng vui lòng chứ bảo họ “bất lực” thì thà giết quách họ đi còn hơn. Muốn nói gì để quảng bá sản phẩm cũng được nhưng nói “tóc bạc sớm, sinh lý yếu” là xúc phạm giới tóc bạc chúng tôi quá thể. Sinh lý yếu do  tóc bạc sớm, chưa tìm ra chứng minh, nhưng tôi lại có chứng minh ngược lại từ bản thân.

Lúc 20 tuổi, tóc tôi đã lốm đốm bạc. Cha tôi, ông nội, và ông cố, đều nghe kể lại các cụ tóc bạc rất sớm, “giòng” bạc tóc sớm. Nhưng ông cố, ông nội, và cha tôi đều có…2 vợ. Thời phong kiến ở nông thôn, có hai vợ cũng thường như có ba vợ hiện nay ở một số nước Hồi giáo. Riêng ông thân sinh ra tôi, cụ 54 tuổi tôi mới được ra đời (bà kế) và tôi là con thứ tám. Tôi cũng có tới…5 người con. Anh chàng quảng cáo “tóc bạc sớm sinh lý yếu kia” nói sai, anh ta chỉ hù dọa nhằm bán được nhiều sản phẩm cho những ai tóc bạc sớm mà cả tin.

Các bạn “tóc xanh” nên sung sướng không nằm trong số những người như quảng cáo nói, nhưng cũng đừng…khi dễ khả năng đàn ông đích thực của những người …tóc bạc đó nha.

Nhưng như thế, tóc bạc không phải là một “thuận lợi”. Tôi rất ghét đi chợ với bà vợ, không phải vì bả …đẹp hơn tôi. Những cô nàng múp míp trong sạp, miệng tươi như hoa, chào hỏi như chim hót, gọi vợ tôi bằng chị mà lại gọi tôi bằng…bác, thậm chí bằng ông, có cô nào “nhân đạo” lắm thì gọi tôi bằng…chú. Không bao giờ họ gọi tôi bằng “anh” trừ những khi “bất đắc dĩ” có việc phải vào những chỗ “nhạy cảm”, nơi đó đàn ông mọi lứa tuổi từ 20 đến 75 đều được gọi “anh” vô cùng thân mật và vô cùng triều mến.

Nhưng tóc bạc coi mòi cũng có còn…lợi thế. Chen chúc chỗ đông người đăng ký cái gì đó, với mái tóc bạc, càng bạc càng tốt, bạn sẽ nghe câu nói hướng về phía mình “quý vị nhường cho …cụ lớn tuổi kia trước” dù so sánh những “anh tóc xanh” trong đám  còn nhiều tuổi hơn cái “anh tóc bạc” là bạn.

Tôi ít khi  đi xe hơi vì hay ngộp và có thói quen chạy xe máy kể cả đi hơn 100 cây số; quy tắc: chạy chậm lúc nhiều xe, “kéo” tý ga khi đường vắng. Những quãng đường về các tỉnh, những chỗ khó quan sát nơi núp của CSGT thường làm bạn chủ quan rất dễ bị thổi khi chạy xe quá tốc độ. Tôi cũng là người chủ quan như vậy. Khi dừng lại sau hiệu lệnh của cảnh sát, tôi cởi mũ bảo hiểm, kính đen bảo hộ, khẩu trang, hồi hộp nghe lệnh phạt, tối thiểu cũng 200 ngàn, nặng hơn có khi bị giữ bằng lái. Nhưng lòng bỗng nhẹ tênh khi nghe anh cảnh sát trẻ tuổi hơn con tôi la to: “Già mà chạy dữ thần zậy ? Thôi cụ đi đi”. Tiếng "cụ" thật dễ thương ! Các bạn thấy không: mái đầu bạc trắng đã cứu  tôi một bàn thua trông thấy. Ấy là tôi nói lúc mình không còn nhuộm tóc hơn 6 năm nay từ khi chữa trị ung thư.

Trước đó tóc tôi…mượt như nhung nhờ thuốc nhuộm. Người ta nói thuốc nhuộm tóc, nhất là màu đen, có nguy cơ gây ung thư. Trên nguyên tắc những sản phẩm có chất như vậy không được lưu hành bày bán. Muốn lưu thông, thuốc nhuộm phải được loại trừ những chất đó. Nhưng công đoạn để loại bỏ chất đó rất phức tạp, và rất tốn kém, nhà sản xuất không rõ có thực hiện hay không, hay là đăng ký thì khác với lưu hành.

Đa nghi như thế cũng không có cơ sở, sản phẩm nước ta thì có thể mập mờ, nhưng sản phẩm nước ngoài hẳn quy chuẩn rất khắt khe. Tôi xin kể câu chuyện nhuộm tóc của mình với bệnh ung thư.Trước khi đề ra phác đồ điều trị ung thư hạch bạch huyết, bác sĩ hỏi tôi có từng nhuộm tóc không. Tôi nói có đã mấy chục năm trước, lúc đó thuốc nhuộm hẳn không như bây giờ. Thuốc nhuộm có nguy cơ gây ung thư nhưng không hẳn ai cũng bị khi nhuộm. Nguy cơ có nghĩa người có người không tùy cơ địa.

Thuốc nhuộm tóc có liên quan tới ung thư?

Các bà các cô, nếu có nhuộm, nên tránh bớt màu đen, có thể màu hạt dẻ, màu vàng óng... khi tóc mình bắt đầu bạc hay đã bạc. Khi trẻ, tóc bạc làm tôi rất thiếu tự tin, các bạn cùng hoàn cảnh hẳn cũng vậy. Bây chừ, lớn tuổi tôi không còn mặc cảm nữa vì mình đã…già. Tôi tự tin một phần, một phần không phải tiếp xúc với thuốc nhuộm, không còn ám ảnh nó có là nguyên do gây ung thư cho tôi hay không.

Giá như hồi trẻ tôi cũng như bây giờ, mái tóc lốm đốm, hoa râm, hay bạc trắng không làm cho tôi mất tự tin, phải nhuộm tóc biết bao nhiêu năm. Giờ tóc bạc trắng không thuốc nhuộm, có khi hãnh diện hơn,  gặp ai cũng được gọi ông, bác, chú…họa hoằn lắm mới “hạ” xuống làm…anh. “Giá như” trong cuộc sống đôi khi có giá rất đắt.