Thursday, January 18, 2024

TIỀN THƯỞNG

Chủ đề về tiền rất phong phú, chẳng ai có trí huệ mẫn tiệp để nói đầy đủ ý nghĩa đồng tiền. Tôi chỉ nói về tiền trong khen thưởng ở trường học.

Ảnh bên dưới chụp bà bộ trưởng y tế tặng tiền cho sinh viên, có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi, mỗi anh chị 15 triệu đồng. Không bằng tiền mặt nhưng bằng tấm bảng ghi rõ số tiền, chứng tỏ tiền quan trọng như một bảng danh dự hay như một bằng tưởng thưởng. Người nhận không rõ có vinh dự không nhưng người trao rất là vinh dự nhìn qua nét mặt.

Có cần thiết phải làm như vậy không, với cái bảng to tướng, có số tiền to tướng, trong buổi khai giảng trọng thể? Chúng ta không chỉ thấy tiền với dãy số 6 hay 7 con không trong các buổi lễ trọng thể. Trên hệ thống truyền hình khắp nước, mỗi đêm, không thiếu những chương trình có những giải thưởng bằng tiền. “Ai là triệu phú” là một ví dụ. Người Việt Nam sẽ nhìn những dãy số 5 triệu, 10 triệu, 20 triệu ngất ngưởng.

Nhưng trong một buổi lễ khai giảng, tiền là đỉnh điểm cho sự có mặt của một vị cao nhất trong ngành y tế? Khi còn đương chức, những vị bộ trưởng luôn nghĩ mình là “thủ trưởng” cao nhất ngành. Trưởng luôn luôn lớn, họ được đón bằng những thảm đỏ trải như tiếp nguyên thủ quốc gia. Ông bộ trưởng giáo dục với bộ vest sang trọng đã hiên ngang đi trên thảm đỏ trong một lễ khai giảng của một trường học nào đó. Vinh quang làm cho họ nghĩ mình là "vô đối".

Thu phí là tiền đóng cho các trạm BOT được một ông bộ trưởng đổi thành thu giá. Một bác tài Nam bộ mang một rổ giá nộp vào trạm thu phí thay cho tiền, thu giá mà. Cộng đồng mạng rỗi hơi góp ý, ban đầu bị quy là thù địch, sau thấy ồn ả quá, à thì đổi lại thu phí, có chi khó đâu, ta là bộ trưởng mà.

Đại học Y Dược cũng cùng số phận "thay tên đổi họ" của thu phí, thu giá. Trường được đề nghị tên đại học Sức Khỏe. Tên đại học Y Dược có khai sinh hẳn hoi, có cả con dấu, đâu dễ dàng thay đổi như ý bà muốn. Có đứa cắc cớ, muốn đổi tên Nguyễn Thị Kim Tiến thành Nguyễn Thị Kim Tiêm, bà có chịu nỗi không? Kiêm tiêm là dụng cụ thân thương nhất của ngành y tế và cũng là vật gần gũi nhất của tất cả người thầy thuốc.

Lan man nhiều chuyện, tôi xin trở lại chủ đề tiền. Có nhất thiết phải vẽ to chữ tiền rồi trao cho sinh viên học giỏi có hoàn cảnh khó khăn không? Hay như thế để thể hiện sự quan tâm của một người đứng đầu ngành y tế? Học bổng 15 triệu được vinh danh, những sinh viên VN có học bổng du học nước ngoài, hàng trăm ngàn đô la Mỹ, trường ở nước sở tại khi trao cho họ, hẳn cũng phải vẽ một tấm bảng to như pano quảng cáo mới ghi đủ tiền tính bằng 9 số không?

Vinh danh một người, nhất là người chuẩn bị bước vào đời như sinh viên, không phải bằng tiền mà bằng sự trân trọng tài năng, có khi chỉ là một cái bắt tay trên khán đài, hoặc là một tấm hình chụp chung, hay gần gũi thân thương nhất, bằng một bữa ăn chung với bộ trưởng.

Người Mỹ rất trọng nhân tài. Tôi chưa từng thấy người có chức trách nào tặng sinh viên xuất sắc bằng tấm bảng to như ở ta. Có thể tiền sẽ nhận sau khi thông báo tên các em có học bổng. Các em cũng không cảm thấy mặc cảm vì là sinh viên học giỏi và vì…nghèo nên có được ngần ấy tiền.

Ở Hội An thời chiến tranh, tôi từng sống lúc học sinh, những người có trọng trách trong chính quyền rất quan tâm đến học sinh xuất sắc cấp trung học. Tôi từng là học sinh lớp đệ lục (lớp 7) được một vị tỉnh trưởng trao phần thưởng cuối năm tổ chức tại rạp hát Phi Anh, không bằng tiền, chỉ bằng một “ram” vở 20 cuốn, đôi ba cuốn sách giáo khoa, và một cây viết máy rẻ tiền. Thật vinh dự. Thật hãnh diện. Xin lưu ý, phần thưởng đó do nhà trường lo liệu. Tỉnh trưởng hình như không có kinh phí cho việc thưởng học sinh. Ông cũng không thể trích ngân sách thưởng cả tỉnh. Chỉ có việc cầm phần thưởng trao cho học sinh, học sinh đã hãnh diện lắm rồi cho thành tích học tập của mình, cần chi tiền to lớn với tấm bảng như thế.

Cũng là học sinh từ thành phố Hội An nhỏ bé này, ông Lương Trí được du học Mỹ, tiến sĩ điện tử (Ph.D in Electronics), chuyên nghiên cứu về điện tử vệ tinh viễn thông, thời còn đi làm, đã vinh dự được John F. Kennedy và phu nhân gửi thư mời đến tòa bạch ốc, ăn cơm chung cùng gia đình tổng thống 2 lần, để tưởng thưởng công lao đóng góp to lớn của ông cho ngành khoa học không gian Hoa Kỳ; ông đâu có nhận tấm bảng 15 triệu tiền cụ Hồ, hay nhỏ hơn là 15 ngàn tiền bác Washington.

Bill Clinton cũng chỉ được mời vào tòa bạch ốc để được tuyên dương bằng cái bắt tay với tổng thống John F. Kennedy. Khi Kennedy hỏi lớn lên em sẽ làm gì, Bill trả lời “tôi thích làm tổng thống”, và ông ta làm tổng thống thật.

Sự có mặt của một quan chức cao cấp nhất của ngành trong một ngôi trường đại học nên truyền đi một cảm hứng, một sự thôi thúc, một niềm hãnh diện cho giới trẻ, để họ háo hức kế tục ngành nghề thiêng liêng, y tế cứu người của mình, những từ mẫu tương lai, chứ không phải là những tấm bảng ghi  số tiền dài ngoằng như một món hàng vinh danh cho người trao thưởng.

TÓM TẮT CHÍNH CAN THIỆP CỦA VIỆT NAM VÀO CAMPUCHIA từ 1978-1989

(Background Brief Vietnam’s Intervention in Cambodia, 1978-89 September 27, 2019)

Chúng tôi xin hỏi đánh giá của ông về quan hệ lịch sử giữa VN và Campuchia từ 1979-1989

HỎI: Quân tình nguyện VN thực thi nhiệm vụ giúp đỡ Miên từ cuối 1978 đến ngày 26 tháng 9 năm 1989. Đang có cuộc tranh luận đây có phải là “hành động chính đáng” hay không. Đánh giá của ông về quân tình nguyện VN phục vụ ở Miên (bản gốc Thayer có thể viết nhầm “ở VN” - What is your assessment of Vietnamese volunteers serving in Vietnam? )

ĐÁP: Sau khi Khmer Đỏ chiếm quyền ở Nam Vang ngày 15 tháng 4 năm 1975, họ bắt đầu tấn công những đảo của VN trên vịnh Thái Lan và năm sau đó, họ mở các đợt tấn công vào lãnh thổ VN. Dù có những nỗ lực ngoại giao nhằm tiến tới thỏa thuận về biên giới, KM Đỏ vẫn tăng cường tần suất và cường độ các cuộc tấn công, gây ra những tội ác kinh hoàng chống lại dân làng Việt Nam.

Giữa tháng 9-10 năm 1977, VN tổ chức các cuộc phản công nhằm trừng phạt hành động của Khmer Đỏ. Khmer Đỏ đánh trả, tất nhiên. Tháng 5 1978, có cuộc nổi dậy trong nội bộ ở phía Đông nước Miên chống lại sự thống trị của Khmer Đỏ. Cuộc nổi dậy bị đè bẹp và nhiều người Miên tìm qua VN ẩn náu trong đó có Hun Sen. Những lực lượng này kết hợp nhau trong Mặt trận đoàn kết giải phóng quốc gia Campuchia.

Thứ nhất, VN thực thi quyền tự vệ chống lại xâm lược. Thứ hai, VN đáp ứng lời kêu gọi giúp đỡ từ nhân dân Khmer Đỏ và Mặt trận đoàn kết giải phóng quốc gia Campuchia nhằm lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Hành động của VN trong việc tự vệ hoàn toàn được giải thích theo luật pháp quốc tế. VN cũng theo đó bảo vệ dân chúng Khmer khỏi chế độ diệt chủng. Tuy lúc ấy chưa có quy định theo luật pháp quốc tế, Liên Hiệp Quốc sau đó đi đến việc chấp nhận “trách nhiệm bảo vệ”( “responsibility to protect”) như là một nghĩa vụ pháp lý (a legal obligation) của cộng đồng quốc tế

HỎI: Tại sao VN vẫn ở lại Miên sau 1979 ?

ĐÁP: Sự cai trị của Khmer Đỏ đem lại cái chết ước tính 2 000 000 người. Đất nước bị tàn phá về mặt giáo dục, cơ sở y tế, hạ tầng và sự mất mát những nhân đội ngũ chuyên viên. VN can thiệp vào tháng 12 năm 1978 và giải phóng Nam Vang tháng giêng năm 1979. Nếu VN rút quân, Khmer Đỏ sẽ trở lại nắm quyền và trả thù dân chúng. Khmer Đỏ chắc chắn tiếp tục tấn công VN. Quân VN và các cố vấn ở lại Campuchia gần 10 năm để giúp đỡ nhân dân Miên tái thiết đất nước để họ có thể khôi phục lại cuộc sống bình thường. VN cũng giúp xây dựng một hệ thống chính quyền và một lực lượng quân sự có thể ngăn sự trở lại của Khmer Đỏ. VN đạt thành tựu đáng kể ở Campuchia đặc biệt khi so sánh với Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam, Iraq và Afghanistan.

HỎI: Hành động của VN được xem như là xâm lược Campuchia. Đây có phải là vì hệ thống tuyên truyền của VN không được tốt mấy?

ĐÁP: VN rất nhạy cảm với việc sử dụng từ “xâm lược” vì nó ngụ ý hành động của VN là hành vi xâm chiếm (aggression), do đó là bất hợp pháp theo luật quốc tế. Chữ xâm lược (invasion) cũng có nhiều ý nghĩa phi-pháp-lý (non-legal) như tấn công, xâm phạm, đột kích, xâm lăng, v.v. (non-legal meanings such as assault, incursion, raid, offensive, etc).

Hãy xem xét cách đưa tin trên truyền thông thế giới nhân kỷ niệm 70 năm D-Day (họ hay dùng từ “invasion” mà người Việt cứ cho là “xâm lược” -ND) đánh dấu các nước đồng minh đổ bộ vào bờ biển nước Pháp giải phóng châu Âu khỏi cai trị của Phát Xít. Cùng lúc, VN và Singapore lại dính vào “cuộc chiến từ ngữ” về câu phát biểu của thủ tướng Lý Hiển Long rằng VN xâm lược (invaded) Campuchia. Cũng nên nhớ lại lúc thủ tướng Phạm Văn Đồng công du các nước Đông Nam Á tháng chín và tháng 10 năm 1978; ông cam kết VN sẽ không dùng vũ lực chống lại các nước lân cận. Khi VN can thiệp vào Campuchia tháng 12 năm 1978, nhiều lãnh đạo khối Asean cảm thấy VN đã phản bội lời cam kết của ông Đồng.

Nhưng thực ra, VN dính dáng trong chiến tranh biên giới với Khmer Đỏ đã là vài năm. Sự can thiệp của VN xảy ra vào đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh. Những quốc gia khu vực, như Thái Lan và Singapore, đã không có cảm tình với Việt Nam. Dưới cái nhìn của họ, sự can thiệp của VN vào Campuchia tác động nặng hơn những tội ác của chế độ Khmer Đỏ và quyền tự vệ của VN.

Khi Liên Xô xâm lược Afghanistan tháng 12 năm 1979, cơn hốt hoảng chống cộng đạt đến đỉnh điểm. Trong không khí sặc mùi Chiến tranh lạnh, Việt Nam gặp phải những khó khăn to lớn trong việc giải thích tình cảnh của mình (can thiệp ở Miên -ND).

Trước, VN có những giao lưu hữu nghị với chế độ Khmer Đỏ ngay cả lúc đánh nhau. Sau sự can thiệp của VN, đại sứ của họ ở Liên Hiệp quốc được trích lời đã bảo với các nhà ngoại giao Asean sự chống đối VN “sẽ chỉ kéo dài chừng tuần lễ”. Điều đó đã làm Singapore kiên quyết mang một nghị quyết thường niên ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chống lại VN. Các nước Asean khi đó ủng hộ chính phủ Liên hiệp Campuchia Dân Chủ chống lại VN và Cộng hòa Nhân dân Campuchia (thân VN -ND).

Các nước Asean hy vọng những thành phần không cộng sản trong chính phủ Liên hiệp Campuchia Dân Chủ, lực lượng Sihanouk và Mặt trận nhân dân giải phóng quốc gia sẽ chiến thắng những thành phân dân tộc Khmer chống VN. Tuy nhiên, dưới sự trợ giúp của TQ, Khmer Đỏ vẫn duy trì là hạt nhân của chính phủ Liên hiệp Campuchia Dân Chủ.

Rủi ro cho VN, những nỗ lực của mình nhằm phơi bày những tội ác chống lại loài người của Khmer Đỏ chẳng ai thèm nghe cho đến cuộc xung đột ở Campuchia chấm dứt vào tháng 10 năm 1991. Câu chuyện thủ tướng Lý Hiển Long đưa ra vào tháng 5 lại là một câu chuyện bị xuyên tạc (distorted). Ông ta lý giải rằng sự đoàn kết về mặt ngoại giao của Asean đã đem đến thắng lợi ngày ấy và buộc VN phải rút quân khỏi Campuchia, như vậy, đã đặt bối cảnh cho VN gia nhập vào khối Asean.

Thử xem hậu quả thực tế sau đây: Asean bây giờ sẽ như thế nào nếu VN không can thiệp vào Campuchia? Chế độ Khmer Đỏ được TQ hậu thuẫn đang còn nắm quyền. Đông Nam Châu Á lục địa trở thành bất an. VN phải chịu cuộc chiến biên giới với Khmer Đỏ. Những điều kiện cho “đổi mới” đã không chín muồi. Asean đã không có thể mở rộng thành viên.

Bài của Carl Thayer giáo sư danh dự của đại học New South Wales, Canberra, một chuyên gia kỳ cựu về VN. (ngày 27, tháng 9 năm 2019). Nguyễn Long Chiến dịch.

ĐAU ĐỚN THAY PHẬN ĐÀN BÀ

Nguyễn Du mấy trăm năm trước đã than thở số phận người phụ nữ. Cho đến bây giờ, số phận họ cũng còn là số phận cam chịu trong gia đình phụ nữ bị xích chân trong ảnh. Xích sắt không còn là biểu tượng. Xích sắt trở thành sợi dây oan nghiệt trói cuộc đời của một phụ nữ đáng thương: gia đình.

Vì sao người phụ nữ Việt Nam của Á Đông không như phụ nữ phương Tây? Họ cả ngàn năm truyền đời tam tòng tứ đức. Họ như người mẹ, người bà của họ, luôn luôn là cái bóng, là nhân vật phụ trong gia đình truyền thống. Ảnh hưởng về mặt tiêu cực của Khổng giáo đã hết chưa ở thời đại ngày nay, một thời đại có phụ nữ là chủ tịch quốc hội, phó chủ tịch nước, bộ trưởng?

Giáo dục đã không giúp được người phụ nữ thoát khỏi số phận như "tôi đòi" trong một số gia đình, ở những vùng nghèo khó, những vùng đa số dân Việt Nam đang sống. Trọng nam khinh nữ không hẳn ở trong đầu người đàn ông. “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một nam cũng gọi là có, mười nữ coi như không). Tư tưởng đàn ông là thống soái, trớ trêu thay, lại còn rơi rớt ở tâm trí của người phụ nữ. "Thím đâu, chú lại rửa chén?". Tại sao tôi không rửa chén phụ vợ khi bà ấy bận.

Ngay cả ở thành phố, tôi thấy sự phân biệt nam nữ, trọng nam khinh nữ vẫn còn.

Cách đây không lâu, độ năm bảy năm, nhân ghé một người bà con bên ngoại, là một viên chức khá lớn ở một ty sở tại Huế, được anh mời cơm thân mật. Khi ngồi vào mâm, tôi ngỏ ý mời bà chủ, chủ nhà khoác tay, "bà ấy ăn với con ở nhà dưới." Tôi nghĩ thầm, ở Sài Gòn đi đâu dự tiệc, thậm chí đi nhậu, vợ cũng được đàn ông dẫn theo. Vị chủ nhà vẫn còn giữ nếp phong kiến vì đang ở một thành phố cổ kính từng là nơi vua chúa ở?

Vì đâu vẫn còn sự phân biệt nam nữ ngay cả trong quan hệ vợ chồng? Không hẳn tất cả là do giáo dục, hay truyền thống. Người phụ nữ hy sinh nhiều quá, tự nguyện hy sinh, không màng được đền đáp. Họ xem việc chồng ăn xong nhảy lên phòng khách xỉa răng xem ti vi, còn mình loay hoay việc dọn chén bát, thậm chí đút cơm cho con là chuyện của...đàn bà. Vất vả, cực khổ, chịu đựng, hy sinh cả đời con gái, đến làm mẹ, làm bà...cho một gia đình, cho một nguồn an ủi, một nơi chốn người phụ nữ luôn luôn nghĩ đó là hạnh phúc.

Người chồng của phụ nữ trong ảnh đánh bạc và uống rượu, mỗi lần thua bài hay say xỉn, về nhà lôi vợ ra đánh, thậm chí xích chân vợ lại, khủng khiếp, thân phận người phụ nữ này không khác thân phận một con chó. Đến đây, có hai điểm tôi thấy: một, phụ nữ phải tự giải thoát mình, bằng học hành nếu có điều kiện, phải tìm cho mình một việc làm thích hợp, tự chủ về tài chánh, không nên phụ thuộc chồng, và điều tiên quyết trong tư duy: hãy thương mình trước để thương chồng, thương con, thương gia đình nhà chồng. Đây không phải là lời khuyên vô đạo. Mình "thương" mình để có điều kiện "thương" người khác.

Có rất nhiều bà vợ, bà mẹ đã bị chồng, ngay cả con cái, bỏ rơi họ, không phải hiếm khi về già, đau yếu, không một đồng xu trong túi, vì đã dành trọn cho chồng, cho con. Hai, đối với đàn ông chúng ta, hãy là đàn ông đích thực, không phải là quân tử (Tàu) mà là gentleman, trượng phu thời nay.

Không thể bắt chước được lời ông Jesus: Hãy thương người như mình, thì cũng theo (mặt tích cực Nho giáo): Điều chi mình không muốn thì đừng làm cho người, đối với phụ nữ. Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân. Thương cho người phụ nữ trong ảnh quá. Chị hãy dũng cảm bỏ ngay thằng chồng đốn mạt, như trong bài báo, chị nói sẽ ly dị sau vụ việc này. Thà ở một mình còn hơn ở trong địa ngục, phải không chị?

HAI MẶT, SỐNG HAI MẶT

Nhìn hình bên dưới, chúng ta thấy 2 cánh con bướm có hình mặt con cú mèo. Con bướm hiền lành vẫn phải có thêm một mặt dữ tợn, để giúp nó sinh tồn; cú là loài chim đem lại nỗi sợ hãi cho những sinh vật sống chung với nó.

Sống hai mặt, hay sống nhiều mặt là bản năng “sinh tồn” của con người trong một môi trường sống, nếu chỉ "một mặt" thì sẽ “khó sống” hoặc “dễ chết”? Nhiều ví dụ lắm. Nếu một nhân vật lịch sử có ảnh hưởng nhất đến chế độ này không sống “nhiều mặt”, cụ thể là sống với nhiều cái tên, đóng nhiều vai che mắt, ngày nay Việt Nam chắc chi đã dựng nhiều tượng, xây nhiều đài để trọng vọng ông.

Thời nhân văn giai phẩm, nhà giáo nhân dân Nguyễn L. đáng kính, có năm sáu người con là giáo sư, tiến sĩ hiện nay, cũng phải viết bài đả kích kẻ “bị rút phép thông công” Trần Đức Thảo, với lời lẽ không tương thích với một người trí thức chân chính. Ông hẳn trong lòng không muốn như thế vì biết rõ Trần Đức Thảo là trí thức yêu nước, từ chối sống sung sướng ở Paris hoa lệ, để theo cụ Hồ đấu tranh cực khổ cho độc lập nước nhà.

Cũng vì sống “một mặt”, không biết sống hai mặt mà vị trí thức mới 23 tuổi đã có hai bằng tiến sĩ ở Pháp, ông Nguyễn Mạnh Tường, đăng đàn hưởng ứng phong trào sửa sai Cải Cách Ruộng Đất bằng những lời phê phán chân thành, theo lương tri và kiến thức một luật sư yêu nước, với cái kết quả, ông phải sống một thời gian dài như "vô dụng", bị hờ hững, hồ nghi, trong con mắt giới cầm quyền.

Nguyễn Tuân nếu “không biết sợ”, trắng ra nếu sống một mặt thẳng ngay, chắc chi ông còn được “sống sót” với trọng vọng trong văn đàn VN hiện đại. Không xét về mặt đạo đức, con người sống "hai mặt hay nhiều mặt", nghĩ cho chí tình, không hẳn là xấu nếu xét về nguyên lý sống còn, sinh tồn.

Trong truyện Papillon, người tù khổ sai, có chi tiết, ông ta và một người bạn rất thân trốn tù, chẳng may rơi vào vùng cát lún không đáy, chỉ có chết nếu không có vật gì làm phao, và khi người bạn bơi lại để chụp mảnh ván ông đang ôm, ông đành giang chân đạp người đó ra, nếu hai người bu phao thì hai người sẽ chết hết. Nếu Papillon sống “một mặt”, trung thành với bạn, sinh tử có nhau, người bạn thân ấy và ông sẽ chết vì cùng chìm dần vào bãi cát lún. Bản năng sinh tồn khiến ông ta phải sống hai mặt.

Sau 1954, lúc “quốc gia” tái lập ở vùng quê tôi, có câu chuyện xé cờ đỏ sao vàng và dẫm hình Hồ Chí Minh của một vị từng nắm giữ chức bí thư thời Việt Minh, trong một mít tinh đấu tố, có đông đủ những “đảng viên VM sám hối”, "trở về với chính nghĩa quốc gia”. Vị cán bộ này sau đó không còn được dân chúng kính trọng vì đã sám hối "phản đảng": “quốc gia” buộc ông có hai chọn lựa: chết, bị bỏ bao tời thả sông (một lối giết cán bộ cộng sản ở lại miền Nam) hoặc sống, xé cờ và dẫm lên ảnh lãnh tụ. Sau khi thoát chết, ông tiếp tục hoạt động cộng sản và ngày 30 tháng 4 thành công, ông ở Sài Gòn, do đổi địa bàn hoạt động; đóng góp của ông lớn đến mức nhà nước cấp một ngôi nhà mặt tiền ở một đại lộ cho gia đình ông. Ông thành công với lý tưởng của mình nhờ “sống hai mặt”. Ông cũng như bao người bất khuất kiên cường khác, sẽ nhận lấy cái chết anh hùng nếu sống “một mặt”: thà chết chứ không làm điều “sỉ nhục”.

Con người bản chất không xấu nhưng hoàn cảnh xã hội đã làm người ta…xấu: phải sống hai mặt hay nhiều mặt.

Để kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ. Những năm kháng chiến chống Pháp sau 1945, quê tôi thuộc vùng “tự do”, nghĩa là không nằm trong địa bàn Pháp kiểm soát. Các đơn vị bộ đội thường đóng dưỡng quân ở đây một thời gian trước khi lên đường chiến đấu. Nhà tôi khá rộng, cha tôi lại làm “trưởng ban đỡ đầu dân quân vùng bị chiếm”, được ban chỉ huy tiểu đoàn xin ở trọ nhà trên.

Các anh trong ban - độ mấy người- rất thân thiện, gần gũi, và hay giúp đỡ, như mỗi ngày gánh giùm đôi nước uống khi đi tắm từ sông về, thi thoảng quét dọn nhà, hoặc bồng chị tôi hai tuổi (tôi chưa sinh ra) ra sông tắm với “xà bông” cục, rất hiếm thời đó. Họ chỉ huy cả trăm bộ đội nhưng cung cách cư xử rất lễ phép, đúng mực dù người chỉ huy khá trẻ, tầm tuổi con đầu cha tôi.

Nhân một ngày giỗ, mẹ tôi làm bữa mì Quảng khá thịnh soạn, có mổ cả một con gà trống thiến to, một sự kiện hết sức trọng đại thời kháng chiến đói kém, dân chúng đều phải ăn độn, nhà nào cũng phải có một “hũ gạo tiết kiệm” (mỗi bữa vo gạo bốc ra 1 nắm, hằng tháng có người đi gom để góp gạo nuôi quân).

Khi dùng bữa xong, ba vị sĩ quan ngồi uống nước trà, người chức lớn nhất nghiêm nghị nói với cha tôi: “Cám ơn cụ (ông là người Bắc) đã cho chúng tôi ăn một bữa ngon, nhưng tôi không thể không nói: trong lúc quần chúng nhân dân đói khổ, cụ không tuân thủ chủ trương tiết kiệm, tất cả cho đánh Pháp, lại tổ chức ăn uống lãng phí thế này, chúng tôi thật bất đắc dĩ phải nhận lời. Chúng tôi không muốn việc này xảy ra một lần nữa.” Cha tôi đỏ mặt, vừa buồn vừa tức giận, từ đó về sau, trừ những việc quan trọng phải lên nhà trên, ông không hề muốn gặp mặt cáí vị “được ăn rồi còn được chửi”.

Lúc đơn vị sắp đi nơi khác, khi chia tay, vị chỉ huy kêu cha tôi vào một chỗ khuất trong nhà và nói nhỏ, chỉ đủ cha tôi nghe, với giọng buồn buồn: “Cháu xin cụ tha thứ. Vì có mặt anh em chi bộ trong bữa tiệc, cháu phải nói với cụ cái câu bội ơn hôm ăn giỗ. Cụ tha lỗi cho cháu. Cháu cám ơn cụ và gia đình đã cưu mang chúng cháu hơn một tháng nay”. Cha tôi hiểu ra và không còn giận ông chỉ huy nữa. Ông ta buộc phải “sống hai mặt”, vì nếu thật lòng, vì "một mặt", sẽ bị đồng chí mình xét nét phê phán "thiếu lập trường".

Đầu năm nay thì phải, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng than phiền “cần khắc phục ngay lối sống hai mặt của một số cán bộ”. Từ khi có một chế độ dân chủ vạn lần tư bản cho đến bây giờ, hơn 2/3 thế kỷ, lối sống “hai mặt” trong một số quan chức với nhau và với người dân, tại sao không giảm đi? Vì sao người phải sống hai mặt? Xã hội trong đó người khó sống thật (một mặt) với nhau lắm sao?

Thật khó nghĩ.

BÁNH TRÁNG ĐẬP

Hội An có món ăn dân dã này từ rất sớm. Chưa nhìn, chỉ nghe "bánh tráng đập", người ta không hình dung ra món ăn quen thuộc bất kỳ ai từng sống ở Hội An đều có kỷ niệm về nó.

Ở Sài Gòn, một quán ăn người Quảng (Ngãi), giới thiệu món này với tên "bánh tráng ráo ướt", muốn giải thích món ăn này gồm một bánh tráng ráo (bánh nướng) phủ bằng một bánh ướt mới ra lò đang nóng.

Cả hai tên gọi đều nói lên những đặc điểm của món ăn. Bánh tráng đập nghe...ấn tượng hơn. Đập là động tác gây ra âm thanh, và đúng đối với món ăn, phải dùng tay đập nhẹ, bánh nướng bể ra những miếng vừa cầm để chấm mắm đưa vào miệng. Bánh sẽ chẳng thành đặc sản nếu không có nước chấm, mắm chấm.

Mắm chấm chắc chắn quyết định phần hồn của bánh tráng đập. Màu mắm thường hơi sẫm nâu, nước hơi đặc, sóng sánh ít mỡ cá từ con mắm, dầu phộng chiên thơm, ít ớt bột rắc bên trên.  Khi ăn, ngoài hương vị thúc dục cồn cào, người ta còn thưởng thức âm thanh rôm rốp trong miệng, giòn giã, vui tai như tiếng cười của các cô con gái. Hương mắm nồng nàn, không thể diễn tả làm sao, cứ nhớ mãi như nhớ mùi mồ hôi dìu dịu của thiếu nữ là người yêu đang xuân hay mùi mồ hôi mặn một nắng hai sương của người mẹ quê kham khổ.

Ăn xong, khi ra về, nếu là dân "sành điệu" không ai uống nước sau đó. Hãy lẳng lặng thưởng thức mùi thơm của mắm, không phải chỉ trên đường về nhà, còn cả trên con đường đời khi ai đã xa Hội An.

Tôi đôi lần ăn lại món này khi có dịp trở lại Cẩm Nam, cái nôi của bánh tráng đập Hội An.

Ngon thì có ngon đối với khách vãng lai, nhưng đối với dân Quảng tâm hồn "mắm cái" như tôi, mắm đã làm mất đi phần hồn cốt bánh tráng đập nổi tiếng: ngọt quá. Chất ngọt của đường đang hủy hoại tinh túy hầu hết món ăn hiện nay không chỉ ở miền Nam. Vâng, chén mắm pha đường ngọt không ngon bằng chén mắm mặn mà nguyên chất. Tôi có bảo thủ quá không? Hay tại tôi là “dân mắm cái”?

TRUNG QUỐC DÙNG NHIỀU CHIÊU THỨC BẮT NẠT MỚI Ở BIỂN ĐÔNG

(China is resorting to new forms of bullying in the South China Sea)

“Họ muốn các nước ven biển chấp nhận một bộ quy tắc ứng xử thiên lệch”.

Những ngày gần đây đã ít nghe nói những hoạt động rầm rộ quy mô khủng của Trung Quốc ở Biển Đông, từng gây bấn loạn không những các nước láng giềng mà ngay cả nước Mỹ. Im ắng không có nghĩa Trung Quốc bớt khẳng định vùng biển 1,4 triệu cây số vuông hầu hết thuộc chủ quyền của họ dựa trên những cơ sở mỏng manh nhất. Trái lại, TQ xem ra coi những đảo bồi đắp đã cho họ cái quyền mở ra một giai đoạn mới, tự khẳng định đối mặt với những nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên biển.

Khởi sự từ 2013, 7 đảo bồi đắp nhân tạo mọc lên từ những bãi đá ngầm xa xôi TQ kiểm soát. Các nước khác, gồm Việt Nam, Philippines và Đài Loan, cũng sử dụng đất trên đảo ở biển Đông, xây các phi đạo và căn cứ. Nhưng quy mô những nỗ lực của họ thật nhỏ bé so với TQ. Chủ tịch Tập Cận Bình thề thốt  những hoạt động của họ trên biển là nhằm một lợi ích chung, một khẳng định bị phá hỏng, bằng việc tàn phá hệ sinh thái diện rộng với những công trình xây dựng, và bằng việc lắp đặt sau đó những tên lửa, các dàn ra đa và những boongke vững chắc chứa máy bay chiến đấu.

Những cải tạo to lớn ấy không còn tạo ra "tít báo" bởi lẽ chúng gần như hoàn tất. Các chỉ huy quân đội Mỹ nói rằng những căn cứ mới này cho phép TQ kiểm soát hoàn toàn biển Đông trong bất kỳ kịch bản xảy ra chiến tranh toàn diện nào với Mỹ. Hải cảng mới cùng những căn cứ tiếp tế giúp TQ triển khai sức mạnh ngay cả tại chỗ. Những tàu thăm dò TQ đang tìm dầu khí trong những vùng biển đang tranh chấp. Họ điều tàu tới lui “không khác chi điều khiển máy cắt cỏ”, Bill Hayton, thuộc “túi khôn” (thinktank) Chatham House của Anh nhận xét.

Đặc biệt, chỉ có Việt Nam là cảnh giác cao. Năm 2014, Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu ngay vùng đặc quyền kinh tế VN, kích hoạt một cuộc đối đầu giữa dân quân biển TQ và VN, và những cuộc biểu tình rộng khắp chống TQ. Giàn khoan dầu lập tức kéo đi nhưng mới đây lại lộ ra một giàn khoan khác, còn "khủng" hơn trước.

Lấn sâu vào thực địa, hơn một chục tàu cảnh sát biển tuần tra tới lui chung quanh hai bãi đá ngầm, chìm sâu dưới nước, nơi trước đây, TQ chẳng hiện diện thường xuyên: Bãi cạn Thomas thứ hai, phía tây Philippines, nơi lực lượng nhỏ người Phi duy trì sự có mặt của mình trên một sườn tàu rỉ sét; và bãi cạn Luconia, bên ngoài phần thuộc Malaysia của Borneo. Những hoạt động khẳng định chủ quyền: tuần tra thường xuyên, và những nước khác cuối cùng phải chấp nhận sự kiểm soát đã rồi (de facto) của Trung Quốc. Cùng lúc, một số những tàu đó đã đe nẹt những giàn khoan (có khi là những tàu tiếp tế) đang khoan dầu trong những vùng biển của Việt Nam và Malaysia.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ thuận buồm xuôi gió cho TQ. Có những đồn đoán bóng gió về lớp bê tông của những đảo mới bồi đắp đang vỡ ra, nền móng của chúng biến thành bọt biển vì thời tiết không thuận lợi. Ấy là trước khi lượng định nếu có một trận siêu bão tác động trực tiếp không biết sẽ như thế nào.

Càng đáng để ý hơn, những nước láng giềng đang hợp tác chống lại sức ép của TQ muốn khai triển những bãi dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Ngay cả việc Philippines đồng ý trên nguyên tắc cho việc khai thác chung, một hiệp ước chính thức cuối cùng vẫn chưa được ký kết. Trung Quốc cũng chưa ngăn được các công ty ngoại quốc đang làm việc với những quốc gia ven biển trong vùng. Giàn khoan mà TQ quấy nhiễu trong vùng biển VN là do một công ty quốc doanh Nga điều hành, Rosneft, dù cho Nga được coi như là người bạn thân thiết của TQ.

Trong lúc đó, sự bắt nạt của TQ đang cản trở việc chuẩn thuận một bộ “quy tắc ứng xử” giữa họ và các nước Đông Nam Á – dù chính TQ đề xuất năm 2021 là hạn chót cho việc đi đến thỏa thuận. Ian Storey thuộc viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, thấy ra hàng tá trở ngại. Một trở ngại là làm sao bộ quy tắc ấy có tính ràng buộc pháp lý – ví dụ như là trình ra Liên Hiệp Quốc. TQ sẽ chống đối chuyện đó. Trở ngại khác là xác định phạm vi địa lý của hiệp ước.  TQ sẽ nhấn mạnh vào đường “chín đoạn mênh mông mà mơ hồ, bao phủ gần như hoàn toàn biển Đông. Hầu như mọi người sẽ chống đối điều đó.

Vậy thì, có một câu hỏi là những hành vi nào phải bị cấm đoán. TQ sẽ chống đối những lệnh cấm về việc không được bồi đắp nữa, không được quân sự hóa thêm. Và các nước khối Asean chắc chắn bác bỏ đề nghị ma mãnh chống lại việc tập trận chung với những nước (ngụ ý Hoa Kỳ -ND)  không nằm trong bộ quy tắc, hậu quả sẽ cho TQ quyền phủ quyết về việc tập trận giữa các nước Asean và Hoa Kỳ. Những yêu sách của TQ đối với bộ quy tắc ứng xử, nói theo Teodoro Locsin, bộ trưởng ngoại giao Phi “là sách hướng dẫn…chăm sóc một con rồng ở trong phòng khách nhà bạn” (ý nói rước hổ vào nhà, còn cho nó ăn -ND).

Bài của Banyan đăng trên The Economist ấn bản châu Á Ngày 3 tháng 10 năm 2019. Nguyễn Long Chiến dịch.