Saturday, December 9, 2023

Phiếm luận về ÁO DÀI ĐỒNG PHỤC

Tôi xin nói về chiếc áo dài, nhân câu chuyện đăng báo, một học sinh tự vẫn không thành vì “bận” nó không kín đáo, bị cô giáo chủ nhiệm kiểm điểm, phê phán trước đám đông học sinh khác. Phê phán trước trụ cờ cần nên bỏ hẳn. Hình thức này về cơ bản không khác gì “đấu tố” thời trước. Bước vào cấp 3, học sinh ở lứa tuổi bỡ ngỡ nửa người lớn, nửa trẻ con. Hành xử thiếu hiểu biết tâm lý giới tính dễ dẫn đến những hối tiếc không đáng có, cho bản thân các em, cho phụ huynh, cho thầy cô và nhà trường.

Mặc đồng phục áo dài trắng không phải bây giờ mới có. Ở miền Nam trước 1975, hầu như học sinh nữ bắt đầu lớp đệ thất (lớp 6) đều mặc đồng phục áo dài trắng khi đi học. Học sinh nam thì mặc sơ mi áo trắng (ngắn hoặc dài tay) và quần dài màu xanh. Học sinh nghèo (như tôi hồi đó) không mua được vải quần tẹc-gan, đơ-min xanh thì có thể mua vải ca ky vàng cũ của lính, nhuộm lại thành màu xanh. Tuy nhiên, ở Hội An nơi tôi theo học, có trường như Lễ Nghĩa (của người Hoa), học sinh nam, nữ lại có đồng phục không giống trường công, nam tôi không nhớ nhưng nữ thì áo trắng dài tay và váy ngắn màu xanh. Học sinh nữ có thể chơi bóng rổ trong trường nhờ mặc váy ngắn.

Bộ áo dài giúp người mặc nó tha thướt, có phần yểu điệu. “Tà áo trắng bay bay” là hình ảnh đi vào “thơ ca” của các anh chàng học sinh mới lớn bắt đầu yêu. Mặc áo dài cho “đồng phục” có làm cho nữ học sinh thoải mái không? Tôi e là không. Nếu là lớp 6 trở lên, áo dài hạn chế các em vui chơi sau giờ học. Nếu là lớp 10 đến lớp 12, áo dài làm các học sinh nữ trở thành những người lớn…lãng mạn hơn, tuổi chớm yêu hay đang yêu hay đã yêu.

Trẻ em cấp 2 cần chỗ rộng trong sân trường để chơi đùa sau các tiết học mệt nhọc sẽ thế nào nếu em nào cũng thướt tha, lướt thướt, tù túng trong chiếc áo dài? Áo dài trắng dễ dính đất bẩn, lấm bụi dơ khi các em tung tăng chạy nhảy. Vậy là học sinh nữ ngồi tụm ba, tụm bảy, móc smartphone ra, tranh thủ lướt web trước khi vào lớp cho áo dài sạch sẽ ?

Đối với các nữ sinh tuổi dậy thì, bắt đầu lúng luyến đôi mắt ướt trước các đôi mắt sáng ngời thanh xuân của các chàng nam sinh, chiếc áo dài sẽ làm các cô nhìn yêu kiều hơn, thục nữ hơn, và chắc là sẽ lãng mạn hơn. Nhưng đó là những cô có thân hình đẹp, phù hợp với chiếc áo dài Việt Nam. Nếu quan sát kỹ, chúng ta thấy chiếc áo dài rất sexy chứ không phải thanh tao, “đứng đắn”. Ngực, vai, eo và mông của thân thể phụ nữ cân đối ba vòng chắc chắn tôn lên qua chiếc áo dài có lớp vải mịn màng như da thịt bó sát. Làm đẹp là khuynh hướng chung, tự nhiên, của người phụ nữ. Học sinh nữ bận áo dài đi học chắc chắn phải “làm đẹp”. Tôi để ý các cụ bà trên 80 vẫn có người chú trọng đến… màu sắc áo quần, dáng vẻ của mái tóc, thậm chí kiểu dáng đôi guốc, đôi dép, dù họ ở tuổi “gần đất xa trời”. Làm đẹp là bản năng trời cho của phụ nữ, kể cả “phụ nữ chưa lớn” như nữ sinh.

Nếu không nhờ vạt áo dài che trước, che sau, người phụ nữ có thân hình đẹp bận áo dài, chắc chắn sẽ không được phép ra đường nếu họ ở một nước theo Hồi Giáo. Vạc áo dài tưởng che giấu “một tòa thiên nhiên” (Nguyễn Du: Ràng ràng trong ngọc trắng ngà/ Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên) nhưng lại vô tình làm người đối diện – nhất là cánh mày râu – tưởng tượng nhiều hơn về cái “dày dày”, cái “trong ngọc trắng ngà” ấy, vì tâm lý đàn ông đối với phụ nữ (có cả tôi đâu): “nửa kín, nửa hở” hấp dẫn hàng vạn lần hở hang, “huỵch toẹt”.

Bận áo dài làm gì khi người bận, có thể vô tình hay hữu ý, muốn phô diễn cái “tòa thiên nhiên” của mình ở tuổi sắp sửa thanh tân, các em học sinh nữ, nhất là gái 17 “bẻ gãy sừng trâu”? Có em học sinh bị nhà trường bắt làm kiểm điểm vì mặc áo ngực, quần lót có màu sắc tương phản với áo dài màu trắng, nhất là hiện nay có nhiều loại vải “mỏng hơn lụa” và có thể “trong hơn kính”. Chiếc áo dài đồng phục tôn lên vẻ thùy mị đoan trang đâu không thấy lại thấy tôn lên trên chốn “nghị trường” Facebook hàng triệu cặp mắt ngó dòm, săm soi.

"Chiếc áo không làm nên thầy tu" nhưng chiếc áo có thể khiến người ta không thể vô chùa đi tu: những chiếc áo dài bó sát thân thể của những em học sinh tuổi đang yêu, tràn đầy sức sống. Thầy giáo trẻ có “ngó lơ” các em học sinh phơi phới xuân tình trước tuổi, học lớp 12 hay không? Tôi e là không.

Nhưng đâu có phải chiếc áo dài nào cũng đẹp với cơ thể người mặc? Có học sinh nữ thân mình “mỏng như tờ giấy”, “trên dưới thẳng hàng” thì sao? Để che giấu mặc cảm chiếc lá mùa thu, chắc các em phải cậy đến “hiệu ứng điện ảnh” bằng…những vật gì, cho nó như có “gò bồng đảo” - là ông già tóc bạc, tôi không tiện nói ra, nói nhiều e sẽ quá hớp.

Đi học đã mệt mà còn phải mang hàng giả cả ngày, cả tuần, cả tháng, cả năm, những học sinh nữ có “dáng lá mùa thu” ấy liệu có tự tin trong học tập? Chiếc áo dài khi đó sẽ là nỗi đau khổ cho những em học sinh không may trời bắt “quá mỏng”.

Và những em có thân hình ngược lại lá mùa thu – chẳng hạn mỡ màng núc ních, như những khối tròn từ trên xuống dưới; chiếc áo dài đối với các em có thoải mái không? Chẳng lẽ các em phải mặc rộng thùng thình như những bà xơ ở nhà thờ hay các ni cô trong nhà chùa? Mặc áo dài bó sát thì khối khổng lồ cất giấu làm sao? Áo dài đồng phục của các cô có thân hình đẫy đà cũng sẽ là nỗi oan khiên kéo dài cho tới năm cuối lớp 12, thời cơ để “vĩnh biệt” thời trung học?

Có thân hình đẹp, chiếc áo dài sẽ tôn thêm vẻ đẹp. Có thân hình không ưng ý, chiếc áo dài khiến người bận thêm mặc cảm, băn khoăn. Học sinh cần tâm thế vô tư, trong sáng, trong mái trường học tập lại phải băn khoăn với mỗi ngày đến trường với chiếc áo dài “áo đi đằng áo, người đi đằng người”? Đâu phải sinh ra mọi phụ nữ, ở đây là học sinh mới lớn, đều có thân hình “dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”?

Áo dài đồng phục giúp họ học tập tốt hơn không nếu họ bận đồng phục mà không phải là áo dài? Áo dài đồng phục có làm cho các học sinh ở tuổi hiếu động bị hạn chế trong sinh hoạt hay không? Và nếu đồng phục nhưng không phải là áo dài có được phép tồn tại hay không? Hay phải đồng phục là áo dài trắng cho học sinh đượm chất nữ tính, khi tương lai  học sinh nữ sẽ là phụ nữ Việt Nam đoan trang nhờ áo dài?

Và câu hỏi cuối, ai là người nghĩ ra và buộc áp dụng toàn nước từ trước và sau năm 1975 cho tất cả học sinh nữ khi bước vào năm đầu bậc trung học?Tại sao họ không nghĩ ra chuyện đồng phục cho học sinh nữ không phải là áo dài?

Đồng phục nhưng phải đồng phục áo dài trắng cho các em nữ, ngoài lý do bất tiện như tôi nêu ở trên, còn một lý do sâu xa nữa: đàn ông luôn có tư tưởng trọng nam khi nữ. Trong khi nam học sinh không bắt bận áo dài (và khăn đóng cho trọn bộ phong kiến) thì tại sao nữ học sinh “các ông” buộc họ phải mặc áo dài đồng phục khi đi học?

Hết cái thời “cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh” (*) rồi ! (có thể hiểu rộng ra “cho vừa lòng ông”). Tôi phải thẳng thừng chê trách thi sĩ lãng mạn nhất VN viết cái câu quá…lạc hậu như thế nếu cứ áp dụng cho đến ngày hôm nay - thế giới của “@” của “.com”.

Khi đồng phục cho các em học sinh nữ không buộc phải là áo “dài trắng” thì bộ giáo dục sẽ không còn lo lắng có học sinh phải tự tử vì bận áo dài gợi dục trong học đường bị “đấu tố”.

Và lúc đó, cái ý muốn “gia trưởng” buộc người khác phái của quý ông phải “tha thướt” trong tà áo dài trắng, trong khi các ông thì không bận áo dài, sẽ không còn nữa. Học sinh nữ - là phụ nữ tương lai - sẽ mang lại hạnh phúc nhiều hơn cho phân nửa nhân loại này trong đó có mấy mấy ông ở VN nếu họ tự do không lấy áo dài trắng làm đồng phục khi còn ở tuổi tự do tung tăng như cánh bướm mùa xuân. Áo dài sẽ đẹp nếu người mặc tự do muốn mà không bị bắt buộc phải “đồng phục “ ngay trong học đường.

(*) Nguyễn Bính.

Thursday, December 7, 2023

Phiếm luận về KÍNH ĐEN

Người Bắc gọi kính, người Nam gọi kiếng, kính đen, kiếng đen. Thực ra, kính (làm)mát (mắt) thường gọi là kính đen, dù kính có nhiều màu: đen, nâu, xanh lơ, xanh lá cây, xanh nước biển, có cả tím nhạt, vàng…Kính để ngăn bớt ánh sáng chói vào mắt khi ra ngoài, nhất là ngày nắng to, nắng gắt, nắng chói chang.

Kính mát có loại là kính độ, nhất là kính cận thị. Người đeo vừa che mát vừa giúp mắt nhìn tỏ. Có câu chuyện “cười ra nước mắt “ về kính vừa mát vừa (có) độ (cận).

Sau 30/4/75, bạn tôi đi trình diện cải tạo vì nó là sĩ quan. Nó đang ở Mỹ (diện HO)nhớ lại:

- Tên anh là gì? Binh chủng và chức vụ?

-Dạ, thưa đồng chí, tôi tên Châu Văn Ân, thiếu uý, sĩ quan tâm lý chiến.

Một tiếng quát to:

- Ai là đồng chí của anh?

Bạn tôi xẻn lẻn; hắn tưởng gọi đồng chí là kính trọng. Cán bộ nạt hắn là đúng.

- Anh vô đây mà còn đeo kiếng đen hả?

- Dạ, thưa ông- bạn tôi rụt rè thay cách xưng hô, hồi đó chưa quen “thưa cán bộ”. Không đeo thì không thấy đường.

- Vô lý. Không ai lấy kính đen ra mà không thấy đường.

- Tôi không thấy đường thật nếu không đeo kính. Tôi cận thị nặng.

- Anh đừng có mà qua mặt tôi. Ngu.y không bao giờ sử dụng người không thấy đường để đi lính, huống hồ anh là sĩ quan.

Những năm 1970, nhiều người miền Nam chưa hẳn rõ hết có loại vừa kính độ vừa kính mát. Vị cán bộ này có lý của mình. Ông ở rừng ra không rõ là phải.

Thế là bạn tôi buộc phải gỡ kính cầm trên tay. Dù mắt nhiều độ hắn vẫn lờ mờ thấy đường. Vì là cận, nhìn gần rất rõ, hắn ký rất chỉn chu và ghi nắn nót họ tên, rất rõ ràng. Thấy vậy, vị cán bộ cười khẩy: đúng là tâm lý chiến hết thời. Lừa ai chứ lừa được tôi à: Không đeo kính đen là không thấy đường.

Câu chuyện của bạn tôi, buồn cười, lại làm cho tôi rất yêu kính đen- kính mát. Trong các vật dụng yêu thích: đồng hồ, bút máy, kính mát là cái tôi thích nhất.  Người thân biết vậy nên có ai đi du lịch nước ngoài hay ở nước ngoài về, nếu yêu mến tôi, họ thường mua cho tôi kính mát. Và tôi rất quý chúng. Có thể bỏ quên đồng hồ hay vật dụng quý giá khác, tôi không bao giờ bỏ quên hay làm mất kính mát. Có lần vừa chạy xe, vừa đeo kính, sơ ý rơi kính, và rất xót xa, chiếc xe chạy sau cán nát chiếc kính, tôi có cảm giác nghe rõ tiếng kính, gọng vỡ vụn dưới bánh xe oan nghiệt. Từ đó, tôi không bao giờ vừa chạy xe vừa đeo kính.

Có lẽ mọi người nghĩ tác dụng của kính mát là làm dịu mắt, ngăn ánh sáng mặt trời chứa tia cực tím. Kính mát còn tô điểm gương mặt người đeo. Không vậy thì các ca sĩ sẽ không đeo trong lúc trình diễn ngay cả ban đêm. Ai từng mê phim cao bồi Mỹ đều nhớ hình ảnh oai hùng của diễn viên đẹp trai cưỡi ngựa lưng lặc lè khẩu ru lô, đầu đội mũ cao bồi. Hàng trăm bức ảnh của minh tinh điện ảnh hay ca sĩ nổi tiếng thế giới thường xuất hiện trên các trang báo ảnh hay trước rạp hát, xinh đẹp càng xinh đẹp nhờ đeo kính đen.

Có một tác dụng khác rất quan trọng của kính đen (kính mát) là giấu đôi mắt người đeo. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Tôi không nói tâm hồn của các vệ sĩ lăm lăm nhìn qua các cặp kính đen, nhất là vệ sĩ của các tổng thống Mỹ.

Ở VN, chỗ đông người tôi ít đeo hoặc không đeo kính đen. Lý do: tránh người khác suy nghĩ “ông già lập dị”. Việc ngắm hay quan sát người đối diện, nhất là phái nữ, không khiến các bà, các cô khó chịu, dù ánh mắt của một số quý ông (đương nhiên không có tui) bén như dao có thể làm rách áo, rách quần.

Nhưng khi ra nước ngoài du lịch- các nước văn minh- tôi luôn luôn đeo kính. Làm chi? Thành thật khai báo: để giấu đôi mắt. Tâm hồn tôi như một cửa sổ “hơi tối” do đó tôi cần đeo kính đen, để che nó đi. Quan sát người nước ngoài - nhất là phụ nữ phương Tây- để có cái nhìn thật về một giống nòi da trắng như tuyết, mũi cao như núi, mắt xanh như nước hồ thu. Đương nhiên, kính đen giúp tôi quan sát họ mà không vướng vào cái tội “quấy rối tình dục qua ánh nhìn sòng sọc “ như ở xứ ta, mỗi khi diện kiến một giai nhân sắc nước hương trời. Tất nhiên, tôi còn có thể quan sát đàn ông phương Tây để đánh giá xem vì sao họ lại văn minh và từng nhiều thế kỷ mang quân đi chinh phục các nước khác, ta hay gọi là xâm lược hay thực dân (cũ, mới).

Đàn ông họ (chỉ một số nước tôi may mắn đi qua: Thụy Điển, Đức, Pháp, Ý, Estonia, Phần Lan) đa phần cao to và lịch sự. Tất cả có vẻ hiếu khách, thân thiện (tất nhiên tôi không chính xác) trừ người Đức. Họ có gương mặt vuông, to, trán đứng, mũi khá cao, và cặp mắt, rất đặc biệt, khá sâu dưới đôi chân mày rậm. Qua kính đen, quan sát kỹ, tôi thấy họ có vẻ rất nghiêm, cái nghiêm pha chút dữ tợn. Hay là tôi không ưa Hitler và Karl Marx mà nhận xét sai lầm đàn ông Đức (gặp rất nhiều trên xe lửa, tàu điện, xe buýt)? Cái nhìn của họ rất sắc. Tôi liên tưởng đến nhân vật trong “Zarathustra đã nói như thế” của Nietzsche chăng? Đôi mắt đàn ông Đức rất sắc có lẽ ví như đôi mắt ó. Không có gì có thể giấu dưới ánh mắt ấy. Vì thế, Đức sản sinh ra những những triết gia lỗi lạc cho thế giới? Hay là tại tôi mang kính đen, cái nhìn của họ vào tôi quá chăm chú khiến tôi nhận định họ một cách sai lầm?

Dù sao, kính đen giúp tôi che ánh mắt quan sát trước những người phương Tây, để có cái mục sở thị cụ thể hơn so với khi quan sát người Tây du lịch qua VN.

Tất nhiên, nhờ ở lâu, nhất là nhờ kính đen, tôi có nhận xét: về hình dáng người phụ nữ Phần Lan, ngoài nước da rất đẹp, đôi mắt hiền lành, chiếc mũi cao, nói chung họ không hoàn hảo mấy: Mông khá to (do đi bộ nhiều?) nhưng ngực không tương ứng kiểu “ngực tấn công, mông phòng thủ “; có lẽ xứ lạnh, phần ngực không phát triển nhiều, hay vì băng giá, bộ áo mùa đông khiến tôi “trông gà hóa cuốc”? Hay là tại mờ mắt vì kính đen? Hoang mang quá.

YÊU NƯỚC

Ăn cơm mới nói chuyện cũ.

Tôi có nói về đề tài này một lần nhưng tôi muốn nói thêm. Trước viễn cảnh xung đột có thể dẫn đến chiến tranh xuất phát từ biển Đông (bãi Tư Chính- chẳng hạn) yêu nước cần bàn đến, cần thiết hơn bao giờ hết, trong giai đoạn đất nước hòa bình.

Yêu nước, trong quá khứ, thường được hiểu là cầm súng giết giặc. “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”, “Đường vinh quang xây xác quân thù” hoặc “Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu” (quốc ca).

Hy sinh mạng sống cho đất nước, vì sự tồn vong của tổ quốc có nghĩa là…yêu nước. Những người hy sinh được phong anh hùng, liệt sĩ.

Nhưng có một câu hỏi: Những người lính VNCH đã chết năm 1974 để bảo vệ Hoàng Sa khỏi kẻ xâm lược Trung Quốc, dù không thành công, có phải là những người yêu nước không? Nếu yêu nước, họ có được nhà nước công nhận là liệt sĩ?

Đến đây ta thấy ra vấn đề: yêu nước cũng lắm đường, lắm nẻo, không phải ai cũng công nhận dễ dàng.

Trong cuộc chiến dai dẳng Trịnh Nguyễn phân tranh, hai phe đánh nhau, hẳn phe nào cũng cho phe kia là thù địch, phản quốc vì không yêu nước. Ngọn cờ yêu nước chắc chắn được giương lên, hồi ấy yêu nước là yêu vua, trung quân ái quốc. Hai miền như hai quốc gia riêng, ngọn cờ nào là chính nghĩa? Người bên nào là người yêu nước chân chính? Khi vua Quang Trung lên ngôi, đánh tan quân Thanh, dẹp xong chúa Trịnh, đất nước lại đẻ thêm một sức mạnh uy vũ nữa: một nhà Nguyễn nổi lên, Nguyễn Huệ chứ không phải Nguyễn Ánh – kẻ kế thừa các chúa nhà Nguyễn từ ông nội Nguyễn Hoàng.

Việt Nam lẽ ra được thống nhất thành một, non sông nối liền một dải nhưng nội chiến xảy ra. Vị tướng tài ba, anh hùng dân tộc nhờ đánh tan cả chục vạn quân Thanh, giữ gìn được bờ cõi, không hề thất trận lần nào trong cuộc đời cầm quân của mình, bỗng dưng chết đột ngột khi còn khá trẻ.

Anh hùng dân tộc phút chốc trở thành…"tội đồ dân tộc", sử sách nhà Nguyễn còn gọi là Ngụy, ngụy vương; xác thân đầy chiến tích cũng không toàn vẹn, bị đào bới, chiếc sọ bị giam vào ngục tối để  lính tiểu vào.

Những người theo Quang Trung đánh Nguyễn Ánh có được coi là những người yêu nước không? Chắc chắn là không, họ chưa bị bắt tội, tru di tam tộc, là may mắn lắm. Như vậy, yêu nước chỉ dành cho những những người của “bên thắng cuộc” Nguyễn Ánh?

Nhưng những người theo Nguyễn Ánh, Gia Long sau này, cả quân lính lẫn quan lại, những người trong triều đình, một số bị cho là…phản quốc (không yêu nước) vì cái tội “tổ tông”, sử hiện đại gọi Gia Long “cõng rắn cắn gà nhà”, hay nặng nề hơn “rước voi về giày mả tổ”. Công lao thống nhất sơn hà, đặt nền móng quản trị toàn nước, mở mang bờ cõi (nhà Nguyễn là thời lãnh thổ Việt Nam to lớn nhất trong lịch sử VN lúc Minh Mạng ở ngôi, chưa kể họ đã có công lao to lớn khai phá miền đất trù phú, giờ chúng ta gọi là miền Nam) không hề được nhắc tới, thậm chí một con đường tên Gia Long  cũng chẳng có, một ngôi trường mang tên ông ở Sài Gòn cũng bị tước bỏ.

Người ta nói “lịch sử mất đi khi xuất hiện các nhà viết sử”. Nghe khó hiểu, thật ra thế này. Một sự việc xảy ra trong lịch sử, hai ông viết sử, một ông theo Nguyễn Huệ, một ông theo Nguyễn Ánh, sử mỗi ông viết mỗi khác. Biết tin ông mô đây, khi những người làm nên, hay liên quan, lịch sử đều không còn. (Nhưng lịch sử cũng còn may mắn về giai đoạn này: sự ghi chép của các giáo sĩ phương Tây là sử liệu quan trọng, dù mấy ông Tây này cũng có người thiên vị…bà cố, nhưng nói chung, họ là người ngoài, những người có học vấn, cái nhìn về hai bên tương đối chân thật).

Một vấn đề gai gốc và hết sức nổi gai ốc xuất hiện: những người cầm súng chiến đấu dưới hai nền đệ nhị cộng hòa vì một quốc gia VNCH chống lại “sự xâm lăng cộng sản” của những người cũng cầm súng bên VNDCCH đi “giải phóng miền Nam”, có yêu nước không?

Câu hỏi chỉ để hỏi, câu trả lời đơn giản: “ngụy quân, ngụy quyền” làm sao mà yêu nước. Dưới cái nhìn của “bên thua cuộc”, họ chống trả lại quân “giải phóng” vì lòng yêu nước. Họ muốn miền Nam của mình không theo…cộng sản. Trong quá khứ 9 năm đánh Pháp, thêm diễn biến “cải cách ruộng đất” long trời lở đất ở miền Bắc, họ rất sợ cộng sản. Những người yêu nước bên thắng cuộc (sau này) bị họ xem là “phản quốc”, không yêu nước, chỉ yêu cộng sản (thực ra, yêu nước và yêu cộng sản thường được trộn lẫn, hai trong một, như cà phê hòa tan). Những người bên thắng cuộc thì cho những người cầm súng chống lại họ, “chống” lại đồng bào, là phản quốc, ôm chân đế quốc Mỹ, quay lại đàn áp nhân dân, bắt nhân dân sống kiếp lầm than: “Quê nhà ta đau đớn lầm than sao bóp nghẹt tim người”.

Lý kẻ mạnh nhất bao giờ cũng nhất, (la raison du plus fort est toujours la meilleuse), nếu tôi bênh vực quân đội VNCH yêu nước thì tôi sẽ bị…"bắt tội". Chỉ một người quàng một chiếc cờ vàng thôi, hệ lụy đã chừng nào, ai cũng biết.

Ở đây, tôi muốn đào sâu “vấn đề yêu nước”, để thỏa cái khí chất “Quảng Nam hay cãi” của chính mình. “Yêu người yêu cả lối đi. Ghét người ghét cả tông ty họ hàng”. Những người “yêu nước” bên thua cuộc đã trả giá đau đớn cho “lòng yêu nước” của mình trong quá khứ, không nên nhắc lại, một sự trả giá cho đến bây giờ vẫn còn hậu quả dai dẳng xót xa (tôi không đi sâu).

Nhưng giả sử, nếu bên thua cuộc trở thành bên thắng cuộc khi kéo quân ra “giải phóng miền Bắc”, thống nhất đất nước bằng bạo lực, những người bên thắng cuộc này sẽ đối xử người của bên thua cuộc cộng sản thế nào?

Các tòa án binh, tòa án hình sự, xử những người dính vào chiến tranh, vào cải cách ruộng đất, hay can dự vào việc thủ tiêu những thành phần quốc gia không cộng sản trong thời gian chống Pháp, sẽ không được dựng lên ở Hà Nội? Giả sử, nhưng tôi nghĩ là có thể: trả thù là một đặc điểm của người châu Á, thù dai là một phần căn tính của họ (quân tử 10 năm trả thù chưa muộn). Nợ máu phải trả bằng máu, dù người Việt đa phần theo Phật giáo “lấy tình thương xóa bỏ hận thù”.

Yêu nước có vai trò nào, thể hiện ra làm sao, trong những tình huống như đã dẫn ở trên từ phần mở bài? Yêu nước phải đồng hành với yêu chủ nghĩa xã hội? Không yêu chủ nghĩa xã hội, người ta có quyền yêu nước không? Chắc chắn là không, theo quan điểm hiện nay. Lịch sử đã chứng minh mấy chục năm nay. Yêu nước phải yêu chủ nghĩa xã hội, nghĩa là phải yêu chủ nghĩa cộng sản.

Như vậy, yêu nước không có một định nghĩa nào thật chính xác như trong từ điển?

“Yêu nước là gắn kết con người trong cùng một đất nước lại với nhau, tạo thành một làn sóng mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Trên đây là một trong những định nghĩa yêu nước, tôi muốn trích dẫn, vì yêu nước có nhắc đến yếu tố yêu con người.

Yêu nước thì phải yêu con người trong nước đó. Rất dễ hiểu: không ai yêu nước khi nước đó không có đồng bào của họ. Không ai nói yêu nước bằng cách yêu sa mạc (giả như ta có được), ta không thể hãnh diện vì một đất nước rộng lớn như sa mạc Sahara bên châu Phi (9,4 triệu ki lô mét vuông) nhưng không có người VN nào ở đó.

Và, thật trớ trêu, nếu quan niệm: yêu nước là phải yêu con người, thì hóa ra trước nay, người Việt chẳng yêu nước (ngoại trừ đánh giặc ngoại xâm)?

Từ chiến tranh Nam Bắc thời Trịnh Nguyễn, chiến tranh giữa nhà Nguyễn của Quang Trung với nhà Nguyễn của Gia Long, cho đến chiến tranh 1945 đến 1954, chiến tranh 1954 đến 1975…giữa VNDCCH miền Bắc, VNCH miền Nam, không người nào tham gia trong 2 phe đối địch…được coi là đã yêu nước, vì họ đã giết nhau quá dữ hay sao? Thiệt nan giải.

Yêu nước không cần yêu con người nước đó, yêu đồng bào của mình? Giết đồng bào ruột thịt cầm súng không thuộc phe "ta” cũng là yêu nước?

Có người bảo giết kẻ “bán nước” là yêu nước. Tôi không lấy ví dụ về Việt Nam, ví dụ e rõ quá, sẽ vướng tội “tuyên truyền xuyên tạc” hay “chống phá nhà nước”. Tôi lấy ví dụ của Nam Bắc Triều Tiên.

Số phận của hai miền Nam Bắc Hàn hơi giống số phận Nam Bắc Việt Nam. Đất nước cũng chia đôi bởi vĩ tuyến, thuộc hai phe XHCN và TBCN, một bên theo “cộng sản”, một bên theo “quốc gia”, bị chia đôi không theo ý muốn dân tộc, phải theo ý muốn các cường quốc, và cuối cùng cũng có một cuộc chiến tranh đẫm máu, dù không dài và khốc liệt như chiến tranh Việt Nam.

Phe ta thì có Trung Quốc, Liên Xô, các nước XHCN, phe địch thì có đế quốc Mỹ và bè lũ “chư hầu”. Trong chiến tranh, chắc chắn phe “chính nghĩa” Bắc Hàn sẽ chửi bới phe "phi nghĩa" Nam Hàn bán nước, ôm chân đế quốc, ăn bơ thừa sữa cặn, phản động đồi trụy, đánh thuê cho đế quốc Mỹ, giết hại đồng bào…

Nhưng không biết may mắn hay rủi ro cho dân tộc này, phe chính nghĩa lại không giải phóng thành công phe phi nghĩa, thống nhất đất nước, ca ngợi sức mạnh xứ củ Sâm vĩ đại, đã đánh thắng một đế quốc đầu sỏ, tiêu diệt “ngụy quyền" Seoul… (không phải "ngụy quyền" Sài Gòn).

Nếu giải phóng thành công, các hãng xe Hyundai và Daewoo, điện thoại Samsung, các phim ảnh Hàn Quốc với những diễn viên đẹp như tiên… làm gì có cơ mà ló đầu ra, chi phối kinh tế nhân loại và làm rung động trái tim hàng triệu nam thanh nữ tú thế giới?

Nam Hàn thật bất hạnh, không được giải phóng, thống nhất. Đế quốc Mỹ không chịu cút về nước, ăn dầm nằm dề tại bán đảo Triều Tiên, lại có bọn bán nước nào đó còn yêu cầu đế quốc đừng có rút đi; đúng là quân bán nước.

Dông dài mà quên nói chuyện yêu nước. Những người của hai bên Bắc Hàn và Nam Hàn, ai là những người thực sự yêu nước?

Chúng ta không thể kết luận Bắc Hàn hay Nam Hàn ai mới yêu nước Triều Tiên. Hai bên sẽ không muốn đánh nhau nữa, cất vào kho những vũ khí nguy hiểm như bom hạt nhân, tên lửa đạn đạo, hay sử dụng chung tàu ngầm…gạt bỏ quá khứ, hướng tới tương lai, chủ nghĩa cộng sản của vị cha già dân tộc Kim Nhật Thành được giảng dạy tại Seoul, các cuốn phim nóng, hình ảnh bốc lửa của những nữ diễn viên Nam Hàn được chiếu rộng rãi ở Bình Nhưỡng, Kim Jong-un nắm tay tổng thống Hàn Quốc đi uống bia và đánh golf (không cần quỵ lụy anh chàng tóc vàng trịch thượng Donald Trump kia nữa).

Hai bên cùng hát bài ca thái bình để dân chúng hai miền và thế giới thấy: tụi tao yêu nước, đâu cần giết nhau để thống nhất, đâu cần phải đánh nhau bươu đầu sứt trán.

Nói thì dễ nhưng làm thì khó, chuyện đó không bao giờ xảy ra, vì hai miền đang yêu nước rất dữ, nhất là anh Un, có lúc thề phóng tên lửa cho Seoul ra tro, nóng lòng trống giong cờ mở giải phóng Nam Hàn, giang sơn thu về một mối.

Đến đây tôi như lạc vào mê cung, đầu óc choáng váng, yêu nước hiểu như thế nào đây? Yêu nước không yêu người thì rất dễ, nhưng như thế yêu nước đúng đắn chưa? Người ta muốn loại trừ "thế lực thù địch" ra khỏi nhân dân nhưng không rõ có thành công không. Là một kitô hữu hơi mộ đạo, tôi cầu nguyện hằng đêm, làm sao thế lực thù địch sẽ “nhỏ như con thỏ”, để tất cả người VN không bị cái ảo giác chúng giật dây liên tù tì; tất cả đoàn nên kết bên nhau trước một kẻ thù nguy hiểm; bởi quá khứ nó là bạn, hiện nay trở nên thù, mới mà cũ, đang giương oai diễu võ ở biển Đông.

ĐÀN ÔNG, YÊU TỪ TUỔI NÀO?

Nhiều người đồng hương Quảng Nam khuyên tôi bớt viết về chính trị, vì nó “nguy hiểm “ lắm. Nay, tôi sẽ thử, xem sao. Đề tài an toàn: đàn ông biết yêu từ lúc nào?

Đa số cho rằng tuổi biết yêu bắt đầu từ 16 nếu là nam và 13 nếu là nữ. Nữ thập tam, nam thập lục. Nữ bắt đầu có kinh nguyệt, nam bắt đầu dậy thì. Tuổi có thể sinh con.

Các nghiên cứu về con người, về hình thành tình yêu, về phát triển tính dục hầu hết từ người nước ngoài; người Việt cũng có nghiên cứu nhưng không đầy đủ bằng. Do đó, kết luận tuổi nào thì bắt đầu yêu không hẳn đúng cho mọi người VN.

Yêu sớm có lẽ dễ thấy nhất ở trường hợp Hoàng Cầm, khi cậu bé mười mấy tuổi “đem lòng yêu mến “ một người chị và “đòi” cưới làm vợ- tôi suy diễn thôi. Thương hại cậu bé, người phụ nữ xinh đẹp kia ra điều kiện, “xin lấy làm chồng “ khi nào tìm ra lá diêu bông. Cả đời Hoàng Cầm và cả cuộc đời chúng ta sẽ không thỏa nguyện lấy ai làm vợ với điều kiện tìm ra lá diêu bông.

Biết yêu như vậy không hẳn ở tuổi 13, có khi còn nhỏ tuổi hơn. Sigmund Freud, nghe đâu có nói, “tình yêu là tình dục thăng hoa”. Từ đó suy ra, khi các bộ phận thể hiện tình dục phát triển “chín muồi “ thì con người mới có thể bắt đầu yêu.

Tôi cho là không đúng hoặc chưa đúng. Không căn cứ vào nghiên cứu khoa học, tôi lấy (bản thân) mình ra làm ví dụ. Có ai đó nói “ không có cái gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi”. Có khi là nguyên tắc “dĩ nhất suy chi” (lấy một suy ra).

Khi học lớp  Tư (lớp 2 bây giờ), tầm 8,9 tuổi, tôi bắt đầu để ý đến “mấy con trong lớp” dễ ngó, nghĩa là tóc mượt, mắt trong, da sáng, hàm răng trắng đều…không siết, không sún, không sâu. Lẽ tất nhiên, trong lớp năm sáu chục học sinh, không phải học sinh nữ ai ai cũng lọt vào “tầm ngắm “ của tôi. Trên đời, người đẹp không nhiều.

Cho đến khi thi tiểu học, tuổi 12,13 gì đó (hồi trước tuổi đi học không hạn chế) tôi vẫn còn “bỏ bụng” thầm nhớ những “giai nhân” còn bám váy mẹ khi ra chợ hay đi chơi. Thứ năm và chúa nhật là ngày nghỉ học. Tôi nhớ lớp vô cùng. Thật ra là nhớ đến hình ảnh thơ ngây của “nàng” búp bế. Nghỉ hè 3 tháng là thời gian “đau khổ” nhất: hình ảnh cô bạn bé nhỏ đáng yêu trong lớp ám ảnh tôi không nguoi trong cả những đêm không ngủ. Để vuốt ve nỗi nhớ nhung khôn tả, tôi bèn đánh bạo tìm cách đi qua nhà “nàng”. Bắn chim với chiếc ná thun là lý do hợp tình nhất. Những cây ổi, cây cau , có chim bay kêu  ríu rít trong vườn nhà “con bé” là cơ hội lý tưởng để có cớ thấy lại “người xưa”.

Nhưng Trời không thương người bất chính. Tài bắn ná của tôi không vào hàng thượng thặng. Thay vì trúng vào con chim đang đậu trên cành cây ổi trước hiên nhà, viên đạn sỏi của tôi xông thẳng vào nhà “nàng”, cánh tủ kính không dễ gì ai có ở thôn quê vỡ toang. Bỏ chạy tức thì nhưng tôi vẫn nghe tiếng kính rơi loảng xoảng. Tôi hoảng sợ chết khiếp. Và người như chết điếng khi nghe tiếng của “con bé “ cất to: “Thằng bắn ná đó học lớp con” khi nghe người cha hỏi kẻ nào làm vỡ tủ kính.

Không nói, quý vị cũng biết, cả lớp, cả trường, cả làng trên xóm dưới của cô bé cũng biết cái thằng Ch. ở dưới làng Trung Đạo lãnh hậu quả nặng nề không chỉ là những vết roi mây vào mông đít của thằng bé học lớp nhất. Và đau đớn hơn cả là “giai nhân” trong mộng gọi tôi bằng “thằng “ mà không gọi bằng tên, và từ đó, “nàng” không bao giờ nhìn tôi thân thiện nữa, cái nhìn mà trước đó, trong lòng tôi cứ nghĩ đó là những ánh nhìn âu yếm, yêu thương.

Những năm học về sau, hình ảnh những cô bạn học xinh xắn nhất nhì trong lớp đều lọt vào trái tim tôi và cho đến khi biết tỏ tình (bằng  thư), thật sự tôi không hiểu có phải mình đã biết yêu tự lúc nào. Điều chắc chắn không phải mỗi mình tôi “yêu” sớm như thi sĩ Hoàng Cầm. Nhiều đứa bạn học chung hồi “để chỏm” hơn nửa thế kỷ gặp nhau, người con gái họ “để ý” đúng cái cô bé tôi thầm để ý, cô bé gọi tôi bằng “thằng” ở trên.

Khi về già người ta mới trở nên thành thật và can đảm. Họ dám nói mình bắt đầu để ý người khác phái rất sớm. Và tình cảm dành cho mấy“đứa giai nhân “ kia có phải là tình yêu trai gái?

Tôi xin kết thúc câu chuyện bằng một câu hỏi: Các bà, các cô, biết “để ý đến” người khác phái lúc nào? Hay phải đợi đến tuổi “thập tam”?