Friday, June 24, 2022

HỘI AN THƯƠNG NHỚ (sách ảnh) Tác giả TÔN THẤT HÙNG




“Hội An tuy rất nhỏ nhưng với tuổi thơ tôi là cả một thế giới bao la…” Nhận xét ngắn trong lời mở đầu sách “Hội An thương nhớ “ của tác giả Tôn Thất Hùng- ngắn nhưng đủ đầy. Lớp trẻ con chúng tôi từng gọi Hội An là “phố cũ”, phố “già nua” (khi chưa có tên “phố cổ”). Hội An hồi chưa mở rộng có thể ví như một ngôi làng có phố. Có thể không biết tên mọi cư dân, nhưng gặp bất kỳ một ai, chúng tôi có thể biết họ ở ‘thượng Chùa Cầu” hay ở “hạ ông Bổn”. Nhỏ nhưng lại bao la. Tác giả so sánh như thế.
Thế giới bao la có thể là những con hẻm nhỏ, chen lẫn trong những xóm nhà có các bức tường vôi vàng phai, loang lổ dấu vết thời gian. Là những con đường be bé, không dài hun hút, “đi dăm phút đã trở về chốn cũ”. Trên con đường ấy, đôi lúc có một bà lão gánh đôi rổ rau muống ra chợ phố, không vội vã mà thong dong. Hay một vài cô nữ sinh tha thướt trong tà áo trắng đang nhẹ bước đến trường theo sau là các cậu nam sinh, vừa đi vừa trò chuyện. Về đêm, các con phố leo lắt ánh đèn đường vàng mờ ảo, trong không gian tĩnh lặng, có riếng rao lảnh lót của một cô bán chè đậu ván. “Chè đậu ván đây. Ai ăn chè hông”. Một cây đèn dầu nhỏ đặt giữa các chiếc ly thủy tinh đựng chè chiếu ra ánh sáng lung linh. Hội An “nhỏ” nhưng “bao la” trong lòng cậu bé Hùng có lẽ là những con hẻm nhỏ quanh co làm nơi “đá bóng” hay những tiếng rao của người bán hàng rong trong đêm tối.
Hội An còn rất nhiều nét chấm phá đơn sơ như thế. Nhưng với tác giả, Hội An còn hiện ra bằng nhiều hình ảnh độc đáo, với nhiều góc nhìn sắc sảo. Là nhiếp ảnh gia (với cuốn Ruộng Bậc Thang đầy màu sắc sống động), tác giả “tả” Hội An bằng nhiều hình ảnh qua con mắt tài hoa: Hội An “động” và Hội An “tĩnh”. Hội An “xưa” và Hội An “nay”. Hội An “cổ kính” và Hội An “hiện đại”. Hội An của Tôn Thất Hùng thật sự là một “thế giới bao la” như cảm nhận của anh về thành phố hồi niên thiếu.
Ngoài hình ảnh, tác giả còn có cái nhìn tương đối mới mẻ về Hội An. Anh nhận xét: Hội An là cái tên thay cho “hội tụ” và “an lành”. Hội An hội tụ bởi Nhân - Thủy – Văn. Hiếm thành phố nhỏ nào ở Việt Nam có nhiều dân tộc sinh sống hài hòa từ thuở hình thành cho đên khi phát triển như Hội An: ở đây, có dân tộc Việt, dân tộc Chàm, dân tộc Hoa, dân tộc Nhật (NHÂN)…Hội An bảo bọc bởi hải lưu của ba dòng sông Thu Bồn, Vu Gia, Chiên Đàn (THỦY). Hội An hội tụ các nền văn hóa Việt, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa, và sau này là văn hóa Trung Hoa, văn hóa Nhật Bản, văn hóa phương Tây (VĂN).
Tôi xin kết thúc vài dòng về HỘI AN THƯƠNG NHỚ bằng vài lời…chẳng liên quan gì nội dung cuốn sách. Tôi muốn dành phần này cho độc giả. Tôi muốn nói về tác giả - qua cảm nhận của một người bạn học cùng trường Trần Quý Cáp. Tôn Thất Hùng năm nay 70 cùng tuổi với ngôi trường anh từng theo học.
Qua nhiều thăng trầm cuộc sống, Hội An không hề nguôi ngoai trong nỗi nhớ của anh. Từng viết nhiều sách về lịch sử, văn hóa cho quê hương thứ hai Long An, anh dành tâm huyết cho Hội An Thương Nhớ. Không nơi nào từ đông sang tây, từ nam sang bắc của tỉnh Quảng Nam không có dấu chân của Hùng và chiếc máy ảnh trên tay. Nhưng Hội An in dấu chân êm ái nhất, đầy ắp nhịp điệu yêu thương, qua những bức ảnh của anh và của những người yêu mến Hội An mà anh chọn lọc .
Hình ảnh về Hội An trong cuốn sách có lẽ sẽ mang lại nhiều cảm nhận khác nhau của mỗi người xem, nhưng với những ai từng sống ở phố Hội, từng đứng ngắm sông Hoài, từng có thời niên thiếu ở một thành phố hội tụ và an hòa - là cảm nhận duy nhât : “TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA”.
P/S: Sách khổ nhỏ (14x20), dày 115 trang, in trên giấy trắng bóng, hình ảnh đẹp, trình bày sinh động; lời dẫn cho mỗi đề tài đều giản dị, gần gũi, dễ đọc, phảng phất tính cách của tác giả. Đặc biệt, sách của bạn không bán (có lẽ để tặng) dù in tới 500 bản.
Sài Gòn ngày 24 tháng 6 năm 2022.
Nguyễn Long Chiến

Thursday, June 23, 2022

TÀU SÂN BAY THỨ BA CỦA TRUNG QUỐC NHẮM VÀO CHÂU Á SAU (thời của) MỸ. (China’s Third Aircraft Carrier Is Aimed at a Post-U.S. Asia).

 VN cần cảnh giác nhiều hơn.

Cùng với việc mở rộng cảng quân sự tại Miên, việc chế tạo tàu sân bay tối tân lấy tên Phúc Kiến, chắc chắn không phải một chiếc, TQ - chẳng nghi ngờ gì nữa - không còn là bạn vàng nữa rồi.
....................................................................



“Bắc Kinh chưa thể thách thức trực tiếp hải quân Hoa Kỳ”.
Bài của Sam Roggeveen, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế viện Lowy, Sidney. Bài đăng ngày 21-6-22 trên FOREIGN POLICY, MỸ.
TQ vừa hạ thủy tàu sân bay thứ ba và là tàu thứ hai tự chế tạo, nói lên tham vọng của Bắc Kinh muốn vươn tới vị thế cường quốc quân sự quốc tế. Nó còn cho thấy, TQ sẵn sàng cạnh tranh với Hoa Kỳ trên lĩnh vực mạnh nhất của Washington. Sự thống lĩnh về mặt quân sự của Hoa Kỳ, đặc biệt ở châu Á, được xây dựng trên sức mạnh trên biển, từ đó, là hàng không mẫu hạm. Ngày nay, TQ cho thấy họ đang thách thức trực tiếp: Cái gì các anh làm được, chúng tôi làm còn to hơn, tốt hơn.
Có phải vậy không?
Sự thật là tàu sân bay mới Mẫu 003, nay tên là Phúc Kiến, một cải tiến vượt bậc so với hai tàu trước đó; cả hai đều nhỏ hơn, nghĩa là chứa ít máy bay hơn. Đặc điểm của chúng là mũi tàu ngỏng cao như “mũi giày trượt tuyết” giúp máy bay dễ dàng cất cánh khi điều kiện đường bay bị ngắn.
Kiểu cất cánh cao đột ngột (ski jump) hạn chế kích cỡ, sức nặng, tải trọng máy bay khi xuất phát, điều này khiến Hoa Kỳ luôn luôn lựa chọn dùng máy trợ tốc (catapult), chạy bằng hơi nước, kéo tàu cất khỏi phi đạo ở vận tốc cao. Tàu sân bay Mẫu 003 cũng sẽ dung máy trợ tốc với thiết kế điện từ tiên tiến hơn hơi nước. Điều này khiến TQ bắt kịp công nghệ mới nhất của Mỹ, thấy duy nhất ở tàu sân bay đóng mới USS Gerald Ford.
Nhưng không giống với Ford và mọi tàu sân bay Mỹ, Phúc Kiến không chạy bằng năng lượng hạt nhân vì thế nó phải dựa vào các tàu hỗ trợ để hoạt động tầm xa và có sức chống chịu. Và đó lại là vấn đề tầm cỡ. Đây là siêu tàu sân bay của TQ vừa hạ thủy nhưng chưa hẳn hoạt động trong vài năm nữa. Hoa Kỳ có tới 11 siêu tàu sân bay, cái nào cũng vượt trội nỗ lực (đóng chiếc tàu) đầu tiên của TQ.
Cách biệt quá xa về quy mô và sức mạnh của các hàng không mẫu hạm, chúng ta chẳng phải cân nhắc suy nghĩ đội tàu sân bay TQ là một thách thức trực tiếp đối với Hoa Kỳ. Trận đối đầu giữa các tàu chiến trên biển chung quanh các hang không mẫu hạm theo kiểu trận chiến Midway hãy còn là viễn ảnh xa vời. (Người dịch: Trận đánh quy mô chưa từng có, Nhật có bốn tàu sân bay (aircraft carrier), bảy tàu chiến, 150 tàu hộ tống, 248 máy bay trên hạm và 15 tàu ngầm, trong khi Mỹ có 3 tàu sân bay, 50 tàu hộ tống, 233 máy bay trên hạm, 127 máy bay trên mặt đất, và 8 tàu ngầm).
Tàu ngầm và tên lửa chống hạm ngày nay rất hữu hiệu có khắp nơi đến nỗi tàu sân bay sẽ chẳng tồn tại lâu trong một cuộc chiến quy mô.
Nhưng đó không phải trọng tâm vấn đề. Về phía Hoa Kỳ, hàng không mẫu hạm hữu hiệu sau thời chiến tranh lạnh khi đối phó với các nước dễ bị tấn công về mặt chiến tranh trên biển ví như I-rắc, Libya và Nam Tư. Thật sự, hải quân Mỹ biết rõ điểm này nên họ giảm dần những máy bay có tầm hoạt động xa chứa trên hàng không mẫu hạm. Tại sao lại quan tâm tới tầm hoạt động xa (của máy bay) trong khi ta có thể đưa tàu sân bay đậu sát bờ biển đối phương?
TQ có thể thiết kế đội tàu sân bay cho mục đích tương tự. Họ cần có một sức mạnh để Đảng CS bắt nạt hoặc trừng phạt các nước yếu hơn, không phải để đối đầu với đối thủ ngang hàng. Dĩ nhiên, ngay lúc này, rất khó cho TQ triển khai sức mạnh này mà không sa vào mạng lưới an ninh của Mỹ ở châu Á. Nhưng rõ ràng, mạng lưới ấy ngày càng rách đứt (fraying at the edges) khi TQ tỏ ra kiểm soát hữu hiệu biển Đông, bồi đắp các đảo nhân tạo, bố trí nhiều thiết bị quân sự tại đó. Sự việc xảy ra chẳng có sự chống đối nào từ Hoa Kỳ; Mỹ nghĩ rằng lợi ích của họ không ở thế nguy đến nỗi phải xảy ra chiến tranh lớn.
Cùng câu hỏi chưa lời đáp – dẫn đầu về quân sự của Mỹ và mạng lưới đồng minh châu Á có thực sự quan yếu đến độ (họ phải) đụng độ với một đối thủ lớn nhất mà Hoa Kỳ chưa từng đối mặt? - đang từ từ làm xói mòn sự tin cậy vào cấu trúc anh ninh khu vực lấy Mỹ làm trung tâm.
Vì thế, tàu sân bay Mẫu 003 không thể là thách thức trực tiếp đối với sức mạnh hải quân Mỹ. Thật ra là, đó là chỉ dấu TQ đang nghĩ tới một thời đại khi niềm tin vào sức mạnh Hoa Kỳ ở châu Á xói mòn hơn, và khi chính TQ tự do giơ cao tay với những nước nhỏ hơn. Nói cách khác, TQ đang xây dựng một đội hàng không mẫu hạm (thời đại) "hậu Hoa Kỳ” (China is building a post-American fleet. Ý nói, sau sự có mặt của hải quân Mỹ ở châu Á là hải quân Trung Quốc. Bye to U.S. – ND).

Tuesday, June 21, 2022

CUỘC CHIẾN THẤT BẠI CỦA PUTIN TẠI UKRAINA ĐỒNG NGHĨA VỚI SỰ “CÁO CHUNG NỀN CÔNG NGHIỆP VŨ KHÍ NGA” (Putin's Failed Ukraine War Means 'Demise of Russia's Arms Industry':Dobson)

 Mua vũ khí Nga, các nước đang rầu đời, "bỏ thì thương vương thì nặng" cái thứ hữu danh vô thực.



.................................................................................
(Cựu tùy viên hải quân Anh tại Moscow) Dobson: CUỘC CHIẾN THẤT BẠI CỦA PUTIN TẠI UKRAINA ĐỒNG NGHĨA VỚI SỰ “CÁO CHUNG NỀN CÔNG NGHIỆP VŨ KHÍ NGA” (Putin's Failed Ukraine War Means 'Demise of Russia's Arms Industry':Dobson)
Bài của XANDER LANDEN đăng trên Newsweek, Mỹ, ngày 19 tháng 6 năm 2022.
Trên tờ Guadian (Anh) chúa nhật, Dobson nhận định: Các quốc gia mua hầu hết vũ khí từ Nga đang phân vân độ tin cậy và việc chuyển giao trong tương lai khi vũ khí của Nga chẳng có hiệu quả trong cuộc chiến với Ukraina.
Dobson mô tả các thất bại của Nga và cho biết, không đúng như Putin rêu rao so sánh mình với Phi-e-rơ đại đế tuần rồi, “càng rõ ràng, Putin sẽ không thực hiện nổi ý đồ thôn tính được Ukraina và sáp nhập nó vào đế quốc Nga mới”. Ông còn nêu ra sự việc một số tướng lĩnh Nga bị giết hoặc bị Putin cách chức.
Ông viết tiếp, “Điều này cả thế giới đều biết; các nước chăm chú theo dõi kết quả thảm hại của Nga ở Ukraina và tự mình rút ra kết luận; những nước mua hầu hết vũ khí Nga đang phân vân hiệu quả cũng như việc chuyển giao chúng trong tương lai”.
“Nga từng khuyến dụ mua vũ khí của họ nhờ giá rẻ và dễ bảo trì hơn vũ khí phương Tây…Nhưng khuyến dụ này chẳng còn ai nghe khi các nước chứng kiến vũ khí tổn thất và kém cỏi của Nga tại chiến trường”.
Cựu tùy viên hải quân còn nêu ra các nhận định của các chuyên gia, ước lượng Nga mất hơn 1000 xe tăng, 50 máy bay trực thăng, 400 khẩu đại bác; tỷ lệ tên lửa phóng hỏng lên tới 60% vì lỗi thiết kế, lạc hậu, hoặc kém chất lượng.
Ngoài ra, do ảnh hưởng cấm vận, Nga gặp khó khăn về khâu chế tạo vũ khí vì họ không tiếp cận được thiết bị nhập của nước ngoài, chẳng hạn các bảng vi mạch. Dobson còn lập luận, Nga sẽ phải thay thế khí tài của chính mình trước khi xuất khẩu chúng cho nước khác, đồng nghĩa “các quốc gia muốn duy trì mua xe tăng hay máy bay phải lần lượt chờ đợi hoặc phải kiếm nơi thay thế nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu quốc phòng của mình.
Ông còn lưu ý, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là hai quốc gia tận dụng lợi thế từ việc Nga đang giảm vai trò xuất khẩu vũ khí.
Nhắc lại ngày tháng Nga xâm lược Ukraina, Dobson viết: "Trong những năm tới, các sử gia sẽ nhìn lại cuộc xâm lược vô cớ Ukraine và liệt kê vô số hậu quả khôn lường của cuộc chiến, đặc biệt là sự cáo chung ngành công nghiệp vũ khí Nga, phát sinh từ quyết định cổ quái (bizarre) và hồ đồ (illogical) của Putin vào ngày 24 tháng 2 năm 2022".
Ảnh: xe tăng Nga trên đường phố Ukraine.

Friday, June 17, 2022

MƯỚN DANH HAY MƯỢN DANH?

Đây là đức cha chứ không phải là cha. Chú dẫn sai chứng tỏ lời của kẻ mạo danh


Mướn thì phải trả tiền mượn thì khỏi. Mấy hôm nay, có rất nhiều người đăng hình ảnh các vị linh mục, có cả giám mục, trong các bài quảng cáo thuốc chữa bịnh. Không rõ các vị chức sắc tôn giáo này có được “mướn” danh hay được “mượn” danh, tôi rất băn khoăn. Khi đọc thử các bài viết, tôi thấy nhiều bài na ná nhau: cha bịnh thế này, cha bịnh thế kia, nhờ chữa vị bác sĩ này, bác sĩ kia mà “cha” khỏi bịnh. “Cha” chỉ truyền đạt để cứu giúp các “con” thôi, không vì lợi lộc gì. Tôi chọn một (trong nhiều bài) quảng cáo tương đối ngắn, để quý vị đọc: (Trích)
AI BỊ X.Ư.Ơ.N.G K.H.Ớ.P CHÚ Ý BÀI VIẾT NÀY CỦA CHA
Hiện nay tỉ lệ người mắc vấn đề X.Ư.Ơ.N.G K.H.Ớ.P càng ngày càng gia tăng. Nhóm bệnh lý khá phổ biến ở người ở độ tuổi khoảng 45 trở lên. Tuổi tác, thay đổi nội tiết tố, khiêng vác nặng, sai tư thế là những nguyên nhân gây bệnh lý xương khớp thường gặp. Triệu chứng phổ biến mọi người thường gặp là thoái hóa, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, đau mỏi vai gáy, tê bì tay chân. Rất nhiều bệnh nhân tìm đến cha khi trong tình trạng bệnh đã chuyển nặng, cơn đau dữ dội kéo dài làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hướng điều trị họ đi theo không phù hợp, lạm dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài khiến cho bệnh không khỏi mà còn chuyển nặng, nhờn thuốc. Nhiều người chạy chữa khắp nơi không khỏi nhưng biết đến cha cha chỉ giúp hai tháng đã khỏi bệnh. Đa số bệnh nhân của cha đều ổn định được 5 10 năm cơn đau chưa hề tái phát. Nay cha viết bài này để chia sẻ cho mọi người, đặc biệt là những người con của Chúa biết đến và tìm được đúng cách điều trị, không mất thêm nhiều thời gian, chi phí để ổn định sức khỏe nữa. AI BỊ X.Ư.Ơ.N.G K.H.Ớ.P để lại SỐ ĐIỆN THOẠI cho cha ngay để cha thăm khám và điều trị kịp thời tránh bệnh chuyển biến nặng. Cha chúc tất cả mọi người luôn sức khỏe và tràn đây hồng ân của Chúa. Người luôn giang tay che chở cho tất cả chúng ta. Amen! (Hết trích)
Vì sao các chức sắc tôn giáo VN lại được kính trọng, nhất là các vị linh mục, các xơ, chưa nói tới các giám muc? Cũng dễ hiểu. Để mặc áo “linh mục”, vị tu sĩ phải vượt qua không biết bao nhiêu là thử thách về lòng thành phụng vụ Chúa trong cả cuộc đời tu tập. Họ phải là những người có nền tảng học vấn cao, cả “ngoài đời” lẫn trong trong giáo hội. Và phải ở một độ tuổi nào đó, họ mới được thụ phong linh mục, trẻ nhất phải là trên 32. Linh mục còn được kính trọng nhờ nếp sống đạo hạnh của họ. Sống độc thân là quy định bắt buộc đối với giáo hội La Mã và cũng là ý nguyện của mỗi vị muốn trở thành “chủ chăn”.
Ngoài phụng vụ Chúa trong các nhà thờ, các vị linh mục không hề phụng vụ buôn bán làm ăn. Hình ảnh các vị chức sắc đáng kính đứng ra quảng cáo thuốc trên mạng thật quá bất nhẫn (như ảnh bên dưới).
Tôi chắc chắn các vị đã bị một số người mượn hình ảnh và tên tuổi mình để khuếch trương chuyện làm ăn. Bọn chúng lợi dụng tâm lý chung: Ai nói còn ngần ngại chứ các “cha” nói thì chắc chắn là sự thật.
Tôi không nghĩ nhiều người sẽ tin vào các quảng cáo này. Lý do: Không có linh mục nào rảnh đến nỗi mở Facebook lên để nhận tin nhắn và chuyển số điện thoại bịnh nhân đến vị bác sĩ (hay vị thánh nào đó) để nhờ họ chữa trị. Trừ trường hợp ở trong nhà thờ, từ “cha” mới được dùng (như “Chúa ở cùng cha”) trong cộng đồng công giáo. Có thể tín hữu xưng “con” và thưa “cha” nhưng các linh mục bây giờ không xưng cha với giáo dân; có khi họ còn tự xưng “con” với cộng đồng nếu là linh mục trẻ; họ thường gọi tín đồ đối diện là ông bà hay anh chị mà không gọi bằng con. Và đương nhiên, không một vị linh mục nào có quyền gọi “con” những người không quen biết, không phải là tín đồ (như trên mạng). Thêm nữa, không một tín hữu nào ghi ở cuối bài viết chữ AMEN chứ đừng nói là vị linh mục. Amen chỉ có ở cuối một số bài kinh đọc trọng thể trong nhà thờ bởi Amen hàm nghĩa, “sự thật là như vậy” hay “được ghi nhận như vậy”. Người ta chỉ có thể dùng chữ này theo nghĩa thiêng liêng và như thế chỉ dùng chữ “amen” khi nói về Chúa.
Như vậy, các bài viết (như ở trên) nói là của cha hay đức cha hoàn toàn không phải là sự thật. Bịa nhưng bịa không logic. Cách bịa này vô tình (hay hữu ý) bôi nhọ giáo phẩm công giáo VN. Linh mục và giám mục cũng đi quảng cáo.
Giáo hội công giáo VN hẳn không có bộ phận nào chuyên theo dõi các mạng xã hội – nhất là Facebook, và vì vậy, chắc chắn không ai biết các vị chức sắc trong giáo hội đang (bị mượn) làm “trình dược viên” không công cho một số người bất lương.
Nếu không vì tiền quảng cáo, và có chút long tự trọng, ban quản trị Facebook VN hãy chấm dứt ngay những bài quảng cáo bôi nhọ này. Tôi tin sự việc nằm trong tay của quý vị.

Thursday, June 9, 2022

THƯA CHUYỆN Cùng tiến sĩ Vũ Thị Nghĩa

 Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, một trí thức thực tâm huyết, kiến nghị cần để nhân dân lựa chọ người đứng đầu Hà Nội sau sự cố hai chủ tịch thủ đô nối gót nhau ra đi vì "thiếu đạo đức". Nhà báo "nhân dân" Lưu Trọng Văn thì đề xuất bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (không đảng) một người vì dân vì nước thay ông Nguyễn Thanh Long cựu bộ trưởng y tế đi tù vì gây “hậu quả nghiêm trọng”. Tôi là dân quèn, cách đây mấy năm cũng tranh luận với một tiến sĩ (có lẽ cũng giỏi về xây dựng đảng) về việc chọn người tài đức ra giúp nước bằng sự chọn lựa của nhân dân (nhấn mạnh ở cuối bài viết). Chắc chắn, các vị trí thức kia, không khác dân quèn tôi, nói thì cứ nói, và nghe chẳng ai nghe. Vì mọi cái đã có người lo. Dân chúng tôi rất "phẻ".

....................................................................



Tôi thấy một bản chụp câu nói cho là của chị (nếu không phải, xin chị thứ lỗi, coi như không có cuộc nói chuyện này), nội dung: “Chế độ một đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam hoàn toàn không phải sự áp đặt từ phía Đảng hay một lực lượng chính trị nào khác mà chính là sự lựa chọn của dân tộc, của nhân dân. Từ thực tiễn
cách mạng Việt Nam cho phép khẳng định: ở Việt Nam không cần và không chấp nhận chế độ đa đảng”.
Không biện giải bằng một lập luận khác, tôi chỉ xin đặt một số câu hỏi về sự khẳng định của chị.
1- Chế độ một đảng không ai áp đặt mà là sự lựa chọn của dân tộc, của nhân dân. Chị giải thích rõ hơn, bằng cách nào chị lại BIẾT lựa chọn đó là của dân tộc, của nhân dân? Có ai đại diện (bằng bầu cử dân chủ) cho nhân dân đứng ra lựa chọn không? Chị quên rằng, muốn BIẾT có lựa chọn đó, một QUYẾT ĐỊNH về vấn đề tầm vóc quốc gia, ảnh hưởng vận mệnh dân tộc như thế, người ta phải tổ chức trưng cầu dân ý toàn nước. Quyết định “nhỏ” như tách khỏi EU của Anh có hẳn một cuộc thăm dò ý dân như thế.
2- Chị nói: Từ thực tiễn cách mạng VN cho phép khẳng định: không cần và không chấp nhận đa đảng. Tôi không rõ chị có học lịch sử cận đại VN chưa. Thực tiễn cách mạng VN mấy chục năm qua “cần” đa đảng, “chấp nhận” đa đảng đó chị. Bên đảng Lao động VN (Đảng Cộng sản VN) còn có đảng Xã hội, thành lập năm 1946,
trụ sở tại Hà Nội, bí thư sau cùng là ông Nguyễn Xiển, giải tán năm 1988 sau 42 năm hoạt động; đảng Dân chủ, thành lập năm 1944, trụ sở ở Hà Nội, bí thư là ông Nghiêm Xuân Yêm, giải tán năm 1988 sau 44 năm hoạt động. Thực tiễn cách mạng chị nói có đúng với thực tiễn lịch sử không vậy?
3- Vì là tiến sĩ, chắc chắn lý luận của chị sẽ dựa vào nguyên tắc có tính khoa học, nghĩa là, chị sẽ chấp nhận ý kiến của tôi: sự vật tiến hóa không ngừng, và theo triết học Marx-Angels, hẳn chị thuộc nằm lòng, nếu không nhờ tiến hóa, thì con người bây giờ cũng sẽ là những con vượn thời tiền sử.
Mâu thuẫn cần cho tiến hóa; có mâu thuẫn sẽ có tiến hóa. Đảng cầm quyền – “mâu thuẫn” với một hay nhiều đảng đối lập - sẽ có những quyết sách đúng đắn, ít gặp sai lầm cho đất nước. Chị có tìm hiểu về cải cách ruộng đất, đánh đổ tư sản, hợp tác hóa nông nghiệp, kinh tế tem phiếu…chưa? Người dân có quyền chọn đảng nào làm tốt lên cầm quyền bằng lá phiếu của mình. Một đảng hay nhiều đảng thay nhau điều hành đất nước qua cạnh tranh bằng các cuộc bầu cử, cái nào tốt hơn? Một đảng “nhất nguyên”?nhiều đảng, đa đảng là “đa nguyên”. Theo chị, nhiều đảng xấu hơn một đảng, phải không? "Đa nguyên" xấu hơn "nhất nguyên"?
Có một chuyện "nhỏ như con thỏ" ở Trung Quốc vừa qua chứng tỏ đa nguyên tốt hơn nhất nguyên. Lúc covid-19 mới xuất hiện diện hẹp, nếu bác sĩ Lượng có quyền tự do cất tiếng nói, tiếng nói ấy được mọi người lắng nghe đúng lúc (“đa nguyên”, chứ không phải độc một cái “tiếng nói” của đảng bộ địa phương, hay chờ chỉ đạo của Bắc Kinh) thì nhân loại biết đâu đã tránh được thảm họa dịch bệnh, mấy triệu người bỏ mạng, kinh tế thế giới đình đốn. Nhờ tự do ngôn luận (nhiều chiều, đa nguyên) biết đâu nhân loại đã khống chế Covid-19 ngay trong một bệnh viện, một địa phương, không để chúng đi khắp thế giới, gieo rắc oan khiên, tang tóc?
Đa nguyên là bản chất cuộc sống. Các nước tiến bộ thật sự trên thế giới đều có một chế độ chính trị một đảng hay nhiều đảng? Ngay cả nước Nga (yêu dấu một thời của trí thức miền Bắc) cũng theo chế độ đa đảng. Những nước từng cùng chế độ với VN trong khối Đông Âu, đất nước của họ thế nào? Tốt hơn hay tệ hơn với thể
chế chính trị đa nguyên? Một người hưu trí tầm thường như tôi cũng biết huống hồ chi chị, một tiến sĩ.
Một ví dụ gần đây thôi. Những người đứng đầu ở ba thành phố lớn nhất của 3 miền là Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, kẻ vô tù, người chịu kỷ luật. Vì sao? Vì không có một sức mạnh đối trọng, “soi rọi”, từng chân tơ kẽ tóc, việc cất nhắc người điều hành nắm các chức vụ quan trọng, để “lọt lưới” vào cơ quan công quyền cao ngất những phần tử xấu, bên ngoài luôn luôn mang bộ mặt “liêm chính, vì nước vì dân”.
Tôi biết chị sợ, đa đảng sẽ uy hiếp vai trò lãnh đạo của đảng chị đang theo, sẽ gây “rối ren” không khí chính trị trong nước (như một thời ở Sài Gòn trong chiến tranh). Thôi, cũng không sao. Lo lắng của chị có thể hiểu được.
Chị bảo chế độ một đảng là lựa chọn của nhân dân trong quá khứ. Lần nầy, chị có dám để họ có một lựa chọn nữa: nhân dân (không đảng) có thể ra tranh cử các chức vụ chính quyền, được không?

Wednesday, June 8, 2022

KIẾN TÀI ÁM MỤC (Thấy tiền mờ mắt)



(Hay là: Tiên học lễ, hậu học văn)
Hồi học lớp tư (tức lớp 2 bây giờ), tôi có nhớ một bài “học thuộc lòng”:
Chú cá bé bên cha bơi lội
Thấy miếng mồi trôi nổi giữa sông
“Kìa kìa cha hãy ngó trông”
“Miếng ngon vật lạ bỏ không kia kìa”
Cá lớn bảo “hãy lìa cho khá
Miếng mồi ngon là bả trên đời
Con nên ghi nhớ lấy lời
Vì tham ăn đã bao người chết oan”.
Dư luận còn xôn xao, cũng vì miếng mồi ngon, một thanh niên chưa tới tuổi 40 đã đưa vào lao lý gần 50 người, trong đó hầu hết là những người giữ trọng trách bảo vệ sức khỏe nhân dân. Không hiếm người trong số ấy là giáo sư, tiến sĩ – những thành phần trí thức của xã hội, thời xưa còn gọi là “nguyên khí quốc gia”. Đáng nói hơn, có hai vị vừa bị bắt làm tới chức thượng thư của triều đình, đạo đức tót vời, trí tuệ mênh mông, nghĩa là rất hồng và rất chuyên.
Sáng nay, VNexpress đưa tin: Một thanh niên bị bắt vì tội giết cha ruột –một tiến sĩ đang giảng dạy- vì xin tiền không cho. Nghịch tử này học hành cũng rất tử tế ở Singapore, về nước cách đây mười năm.
Ba người trên có chung điều kiện: giàu có và học hành bài bản. Vậy, tại sao họ phạm tội? Tội ác, phải nói là, kinh hoàng.
Trong lúc dân tình khốn khó vì dịch bịnh, hàng chục ngàn người chết, hàng trăm ngàn người chật vật trong các cơ sở cách ly, con xa cha, vợ xa chồng, gia đình ly tán; hàng triệu người mất công ăn việc làm lâm vào đói khổ, và hàng triệu người khác phải dong ruỗi hàng ngàn cây số chạy về quê hương tìm nơi nương tựa thì hai vị trí thức này dửng dưng dung túng cho cấp dưới tha hồ ăn trên sức khỏe của nhân dân? Trúc rừng không ghi hết tội.
Còn vị thanh niên kia, tuy không gây ra tội ác tày trời, nhưng tội giết cha mình, tày trời không kém. Giết cha vì không đòi được tiền (theo báo) – một tội ác trời không dung, đất không tha.
Tội ác kinh hoàng ấy lại xuất phát từ những người “có học”. Và đau đớn thay, đồng tiền đứng phía sau tội ác ấy – đồng tiền vấy máu.
Trước đây, dư luận một thời sôi nổi với khẩu hiệu (không rõ còn hay đã gỡ xuống ở các trường học): TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN. Nhiều vị giáo sư, tiến sĩ, học giả cấp tiến phê phán nó là “tàn dư của phong kiến”. Lễ lạc hậu; văn cũng lạc hậu. Hãy vứt bỏ phong kiến lạc hậu. Nhưng với những người từng học thuộc lòng bài đọc ở trên như tôi, câu ấy đi vào tâm khảm mình từ thuở cắp sách đến trường. Nó thân thương đến nỗi, LỄ trở thành đạo đức; VĂN trở thành học vấn. Nó thay đổi đi ít nhiều nguyên nghĩa ban đầu thời phong kiến.
Không phải lúc còn nhỏ năm bảy tuổi thế hệ chúng tôi mới học về đạo lý giản dị trong bài học thuộc lòng. Lớn hơn, ở lớp đệ ngũ (lớp 8 ) khi chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì, tuổi mới lớn, chúng tôi còn học thêm nhiều “bài thuộc lòng” có tính triết lý, ví dụ như “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc” trong bài thơ của Nguyễn Công Trứ. Biết đủ thì đủ, tìm cho đủ, biết bao giờ mới đủ. Quan chức ngày nay có giàu không? Chắc chắn không nghèo. Vậy có ai “tri túc”? Chắc chắn rất hiếm. Nếu tri túc thì số người vào tù ngày càng nhiều không phải là quan chức tham nhũng. Nhìn cơ ngơi của hầu hết các quan chức cả nước thì biết.
Không hề giữ những vị trí gì (dù cỏn con) trong xã hội, những bài thơ, những câu thơ dạy về tiết chế và về lòng tự trọng vẫn còn mãi trong tâm trí những người thuộc thế hệ chúng tôi.
Và dù không thể đại diện cho tất cả thành phần trí thức trong xã hội ngày nay, những người trên có phải là sản phẩm của một nền nền giáo dục – cả trong gia đình và ngoài xã hội – coi khinh TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN? Và có phải chỉ HỒNG và CHUYÊN là đủ trong việc giáo dục con người?

Thursday, June 2, 2022

TAM GIÁC MỸ-VIỆT-NGA: GIẢI MÃ CÂN BẰNG CHIẾN LƯỢC CỦA HÀ NỘI (The US-Russia-Vietnam Triangle: Decoding Hanoi’s Strategic Balancing)

 Dù có thành tích đánh thắng các đế quốc to, Hà Nội vẫn phải theo đuổi chiến lược ngoại giao "cây tre". Tưởng là khôn ngoan nhưng thật ra, vì "ở chiếu dưới", VN đành phải "uốn éo" (như cây tre) trước các cơn bão do các cường quốc gây ra. Nếu tự cường mọi cái, ngoại giao "cây tùng" phải là chọn lựa số một của người Việt chúng ta.



.........................................................................................................................................

“Việt Nam thận trọng giữ cân bằng trong phản ứng trước cuộc chiến Ukraine”.
Bài của Huỳnh Tâm Sang (*) đăng trên THE DIPLOMAT, Mỹ, ngày 1 tháng 6.
Từ lúc Nga xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 02, VN cố tách khỏi sự chạm trán của các cường quốc ở Đông Âu bằng cách nhấn mạnh, họ “không chọn phe” trong xung đột. Tuy nhiên, tranh cãi quanh cách đi dây khôn khéo của VN giữa Mỹ và Nga vẫn kéo dài.
Là đồng minh cũ của Liên Xô, VN bỏ phiếu trắng trong nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc chiến của Nga chống Ukraine, chính thức kêu gọi các bên kìm chế, bỏ phiếu chống lại việc loại Nga ra khỏi hội đồng nhân quyền LHQ. Nhưng rồi vào tháng 5, VN bỏ ra nửa triệu đô la Mỹ viện trợ nhân đạo “cho những người bị ảnh hưởng trong xung đột ở Ukraine”. Mặc dù khá khiêm tốn, đóng góp đó chứng tỏ VN cảm thông với người dân Ukraine, và trên hết, họ muốn giảm bớt hồ nghi của Mỹ đối với Hà Nội trong tư thế lập lờ của mình trước cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy thế, các chuyên gia vẫn nghi ngờ hiệu quả của VN khi chọn cân bằng kín đáo giữa các siêu cường; họ cho rằng phản ứng không rõ ràng của VN có thể phương hại quan hệ Việt-Mỹ, đang trên đà phát triển. Hệ quả, VN có khi bị cuốn hút vào bài toán hóc búa chiến lược, điều họ đang cố tránh.
Diễn văn quan trọng gần đây của hàng ngũ chóp bu VN giúp giải mã lập trường của Hà Nội về vấn đề Ukraine và quan hệ của họ với các cường quốc trên bình diện lớn hơn. Trong diễn từ đọc trước trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ngày 11 tháng 5, thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: “Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược, có quá nhiều chọn lựa, VN không chọn phe.Trái lại, chúng tôi chọn công lý, công bằng, và điều tốt đẹp, dựa trên luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Thông điệp của VN có thể hiểu là một bảo đảm rõ ràng về “vị thế trung lập” của Hà Nội, bất chấp nhiều ràng buộc sâu đậm với Moscow, kéo dài từ lâu sự ủng hộ tinh thần, viện trợ hữu nghị, sự trợ giúp quân sự lẫn kinh tế của Liên Xô đối với miền Bắc.
Nhận định của ông Phạm Minh Chính cũng xoay quanh các nguyên tắc chung, các chia sẻ giá trị phổ quát, với các từ ngữ chính như chân thành, tin tưởng, trách nhiệm xuất hiện hơn 60 lần trong bài nói (và lặp lại trong các câu trả lời với các người tham dự). Từ lăng kính phân tích diễn ngôn, Phạm Minh Chính cố gắng định hình nhận thức và hành động về hợp tác thay vì đối đầu, hòa bình thay vì chiến tranh.
Dẫu không nói ra, thông điệp của ông Chính cho thấy VN không nghiêng về Nga, đặc biệt giữa sự cạnh tranh Nga-Mỹ, không tính đến việc chẳng ủng hộ cuộc xâm lược của tổng thống Putin vào lãnh thổ Uktaine. Đối với các nhà lãnh đạo VN, thật sai lầm nếu so sánh, VN không lên án Nga chẳng khác gì Hà Nội ủng hộ cuộc xâm lược của Moscow vào Kiyv.
Tổng bí thư đảng cộng sản VN, ông Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu tại hội nghị quan hệ đối ngoại toàn quốc tháng 12 năm 2021, đúc kết triết lý trường phái “ngoại giao cây tre” với “gốc vững, thân dẻo, cành uốn”. Là người Việt Nam quyền lực, ảnh hưởng bao trùm lên chính sách ngoại giao đất nước, ông Trọng tóm tắt đặc trưng lời khuyên “quyền biến” (astute) của cố chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông ta đề cập các vấn đề cốt lõi, như đề cao vị thế chiến lược của VN trong quan hệ với các nước láng giềng, tôn trọng và tạo điều kiện để các cường quốc “giữ gìn phẩm giá”, đồng thời, “áp dụng đối sách vừa mềm vừa cứng” để bảo vệ lợi ích quốc gia cao nhất của VN.
Cách thức các nhà lãnh đạo VN định hình quan hệ đối ngoại cho chúng ta thấy nhiều diễn giải đa dạng do (hoàn cảnh) môi trường bên ngoài. Dù theo dõi rất sát các điểm nóng an ninh, cả ở Ukraine lẫn ở biển Đông, VN từng tìm cách đẩy mạnh đòn bẫy địa chiến lược bằng việc chủ động tăng cường tính thích ứng của khối Đông Nam Á qua các sang kiến và can dự năng động. VN còn áp dụng chủ nghĩa đa phương làm phương châm trong chính sách đối ngoại, thiết lập 30 đối tác chiến lược toàn diện với các nước. Thêm vào đó, VN và Hoa Kỳ đã hợp tác nâng cao tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, và quốc phòng. Thực chất, hai nước đã là “đối tác chiến lược về mọi mặt, trừ danh nghĩa”. Chuyến viếng thăm của ông Chính tới Washington là một thành công có tính bước ngoặt đối với VN, cùng những chương trình và cơ hội được cho biết sẽ thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn nữa giữa hai nước.
Trong lúc đó, VN là “đối tác chiến lược toàn diện” với Nga, thành viên thường trực hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Dù cuộc chiến ở Ukraine đang tiếp diễn, Nga vẫn là nhân tố quan trọng trên diễn đàn toàn cầu, cũng như là đối tác quân sự quan trọng của VN, nước mua 80 % thiết bị quân sự của Moscow. Năm ngoái, VN và Nga ký thỏa thuận kỹ thuật-quân sự nhằm mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại và công nghệ. Về an ninh ở biển Đông, VN cần Nga vì Nga đóng vai trò ngoại giao quan trọng trong tam giác Nga-Việt-Trung. Đối với lãnh đạo VN, cửa mở ra cơ hội, có được nhờ quan hệ lâu đời với Nga, dù hẹp và mơ hồ, vẫn còn để ngỏ.
Ngoài ra, phương Tây đang cố tách khỏi nền kinh tế Nga, nhưng ngay cả đồng thuận giữa Nga và các nước phương Tây, hoặc Putin rút quân khỏi Ukraine, có xảy ra, việc cô lập Nga có lẽ không phải là cái mà Hoa Kỳ và phương Tây muốn thấy. Về phía VN, quốc gia còn duy trì liên kết lâu dài với Nga và quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ, lên án Nga hoặc tham gia cấm vận họ do Mỹ dẫn đầu sẽ không phải là lựa chọn khôn ngoan.
Nhưng cô lập Nga của khối phương Tây và sự phụ thuộc của VN vào nền quốc phòng Nga tạo ra thách thức, khó khăn cho chiến lược trung lập của VN trong cuộc xung đột tại Ukraine. Thứ nhất, VN cần hỗ trợ về ngoại giao và trợ giúp chính trị của Nga, khi ghế thường trực hội đồng bảo an và quyền phủ quyết của họ rất quan trọng cho Hà Nội. Tuy nhiên, tình hình xấu đi của Nga khó mà đem lại lợi ích cho VN khi quan hệ ngày càng tăng giữa Moscow và Hà Nội đang làm đau đầu và có nguy cơ bị quy là một loại đồng minh (không chính thức –của Nga). Thứ hai, dù cố đa dạng hóa việc mua vũ khí, không chắc VN quay qua đối tác khác để mua vũ khí tấn công, kể cả Hoa Kỳ, trong ngắn hạn. Giá cả thiết bị quân sự phải chăng, dễ chọn phương thức thanh toán, Nga chính là đối tác vũ khí lý tưởng.
Quan hệ gần gũi Trung-Nga cũng đáng quan tâm. Nếu Nga phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về giúp đỡ kinh tế, công nghệ, và quân sự, có vẻ như thế, vì kinh tế nước này bị tác hại bởi hàng loạt trừng phạt mới, Bắc Kinh có thể khiến Moscow không bán vũ khí tấn công cho Hà Nội. Do đó, Nga sẽ lưỡng lự chuyển giao hoặc giảm thiểu việc bán vũ khí cho VN, đây sẽ thắng lợi cho quốc gia châu Á này. Thêm nữa, những vấn nạn công nghệ quốc phòng Nga, đặc biệt thể hiện đáng kinh ngạc và kém cỏi trên chiến trường Ukraine, sẽ đặt VN vào vị thế mong manh.
Trong trường hợp TQ càng đe dọa biển Đông và/hoặc Nga cắt giảm bán vũ khí, VN cuối cùng có thể xích gần lại Hoa Kỳ để tiếp cận vũ khí quốc phòng. Vấn đề cần lưu ý là, Mỹ có thể áp dụng đạo luật CAATSA (chống kẻ thù Mỹ thông qua trừng phạt) như lá bài chiến lược để thuyết phục Hà Nội giảm thiểu phụ thuộc vũ khí vào Nga và quay qua Washington để đặt mua vũ khí quốc phòng. Nếu chuyện này xảy ra, nó sẽ làm xấu đi quan hệ Hà Nội với Moscow và đặt VN vào tình thế rắc rối khi nhắc tới quan hệ với TQ, hay chí ít, tạo căng thẳng lên mục tiêu của VN, là duy trì thế cân bằng chiến lược giữa các cường quốc.
Nhiều năm nữa, có lẽ VN sẽ phải tiếp tục “đi dây” giữa Mỹ và Nga, và cùng một lúc, theo đuổi cân bằng đa cực trong quan hệ đối ngoại. Thật xa vời để dự đoán một thay đổi triệt để trong những mối quan hệ của VN với Nga, trong bối cảnh, truyền thống của Hà Nội là thận trọng với các vấn đề gây tranh cãi, nhất là với các xung đột của các cường quốc. Tuy nhiên, trong thời buổi hỗn loạn, cam kết không chọn bên của VN trong việc đối đầu của các siêu cường sẽ tiếp tục được thử thách. Xét tất cả các mặt, thành công trong sự cân bằng chiến lược giữa Hoa Kỳ và Nga sẽ còn được chứng kiến.
Ảnh: Ngôi làng đổ nát Borodyanka vừa được chiếm lại từ tay quân Nga ngày 8 tháng 4 năm 2022. Nguồn của Depositphotos.
(*) Huynh Tâm Sang là giảng viên về quan hệ quốc tế tại đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố HCM, nghiên cứu viên tại Tổ chức NextGen Đài Loan, nghiên cứu viên WSD-Handa không thường trực tại Diễn đàn Thái Bình Dương.
Nguyễn Long Chiến dịch.