(Thư giãn ngày chúa nhật)
Mở đầu bức thư tình, cô gái:
“Em viết trong thư mấy bữa rày
Sao mà bươm bướm cứ đua bay
Em
buồn, em nhớ, chao em nhớ
Em gọi tên anh suốt cả ngày” (*)
Chàng trai đọc rồi trả lời, hai câu cuối thư:
“Em tôi ăn nói vô duyên quá
Em đốt lòng anh, em biết không” (*)
Có những cái tưởng trường tồn cùng năm tháng. Nhưng cũng theo năm tháng, chúng lại tụi tàn. Những bức ảnh chụp phim đen trắng ghi lại những hình ảnh một thời của quá khứ cũng chỉ là những bức ảnh kỷ niệm ngày nào đó sẽ qua đi. Chiếc máy chụp từng là niềm kiêu hãnh không còn, chỉ còn nằm trong tủ kính đầy bụi bặm thời gian. Những chiếc máy Akai (cassette) chạy băng nhựa tròn không còn nằm trên kệ tủ búp phê trang trọng giữa phòng khách sang trọng từ thập niên 1960. Những chiếc máy quay đĩa, thê thiết hơn, trở thành những cụ già âm nhạc thời quá vãng.
Mới đây thôi, khi xuất hiện computer, chiếc đĩa nhựa tròn bằng bàn tay là “tiến bộ” vượt bậc trong việc ghi chép và phát ra những bài nhạc kèm hình ảnh âm thanh cực chuẩn. Cũng như chiếc máy thu băng, máy chụp ảnh phim, chiếc đĩa vi tính…trở thành quá khứ.
Mất đi để cái khác sinh ra, đó dường như là quy luật, con người cần hoan hỉ đón chờ.
Nhưng mất đi những bức thư tình viết tay là một xót xa cho rất nhiều thanh niên thế hệ của tôi và thế hệ đi trước tôi. Trai gái yêu nhau và những bức thư tình là cánh bướm xinh, bay lượn trong vườn hoa tâm hồn của hai người đang yêu, cánh thư của trái tim đến với trái tim, dù cho lòng còn lo lắng: “Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương. Tôi thay mực cho vừa màu áo tím” (**).
Thư tình không còn là cánh thư có thể bay được nữa; thư là cánh chim, bay từ nơi yêu thương này đến nơi yêu thương khác, thư mới có “cánh”, đôi cánh tình yêu.
Tôi không rõ trong ba lô của những bộ đội miền Bắc vào Nam đánh nhau trong chiến tranh có cánh thư tình nào hay không, nhưng chắc chắn trong ba lô của những binh sĩ miền Nam, thư tình rất nhiều; có lẽ thư tình viết nhiều hơn thư gởi cho gia đình cha mẹ, vợ con, vì bước vào tuổi 18 là tuổi bắt đầu đăng lính, tuổi còn khá trẻ hầu như chưa ai lập gia đình. Tôi có một người bạn đi lính đã mất trong chiến tranh và tôi kể quý vị nghe lịch sử bức thư tình khi anh ta còn đi học.
Bạn tôi khác tôi rất nhiều. Anh ta cao ráo, đẹp trai, mặt mũi thanh tú nhưng học không thuộc loại khá vì cái tội lo yêu không lo học. Tuy không giỏi văn nhưng trí nhớ của anh khá tốt. Bài “Văn tế thập loại chúng sinh” rất dài nhưng anh ta thuộc làu làu khi trả bài trước bảng đen. Bỏ công tán tỉnh cô gái hoa khôi khác lớp không đem lại kết quả dù bên ngoài anh có bộ vó khá bảnh. Hay là viết thư. Viết thư tình. Hắn nghe lời tôi gợi ý. Phải chi trước khi gởi, hắn cho tôi xem, để “tham vấn” tránh cái kết quả thật ê chề. Giữa lớp học trong giờ ra chơi, cô “hoa khôi” bèn “liệng” bức thư tình của hắn cho các bạn cùng lớp, nhất là bạn gái giành lấy xem trước. Đến phiên hắn “nhặt lại” và đưa tôi, tôi mới té ngửa ra, phần cuối của bức thư tình là đoạn thơ, tôi còn nhớ:
Tiết tháng tám mưa dầm sùi sụt
Gió heo may, lạnh buốt tâm can
Não nùng thay buổi học tan
Nhác trông em dạ anh càng ngẩn ngơ
Không phải là đạo văn của Nguyễn Du nhưng vì “chí lớn” gặp nhau hay “thuộc lòng” giỏi quá, hắn làm tôi nhớ tới đoạn thơ trong bài Văn tế thập loại chúng sinh:
Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô,
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
Viết thư tình ai lại "mượn" thơ dùng để cầu cơ, xin số đề thuở ấy, tôi nghĩ thầm cho bạn. “Mối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” (***). Bạn tôi buộc đi lính vì thi rớt. Thỉnh thoảng gặp nhau lúc chiến tranh, hắn hay rên rỉ bài hát có câu: “Ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu. Đau lòng ta muốn khóc. Đau lòng ta muốn khóc”.
Bạn tôi muốn khóc nhưng tôi cũng muốn khóc, còn to hơn; không phải tôi hỏng tú tài, mà chỉ hỏng có mỗi…tình yêu.
Tôi rất kém các môn khoa học nhưng khá các môn xã hội. Nhờ đọc truyện kiếm hiệp nhiều, môn văn của tôi thường đem lại thành quả cao trong học tập, nhưng hỡi ôi, môn văn ấy lại không mang lại thành quả cao tý nào trong tình yêu.
Tôi không được đẹp trai, cao ráo như một số bạn, “đường tình duyên” hồi còn trẻ rất là “lận đận”. Ở đời, “không được voi, lại đòi như hai Bà Trưng”, lúc nào tôi cũng bỏ bụng và đem lòng yêu…các cô nữ sinh xinh đẹp. Cho nên tôi thường thường “có gởi tình đi chẳng thấy về” (*).
Đó là lần gởi thư tình cuối cùng trong đời một học sinh khi chuẩn bị thi tú tài hai. Giai nhân của tôi có nước da sáng, trắng, đôi mắt đen hiền dịu, mái tóc huyền dài ngang lưng, thân hình đầy đặn, nền nã, và nụ cười, nhất là nụ cười bây giờ tôi vẫn còn nhớ, lúc nào cũng e ấp, như nụ hoa chớm nở. Nhiều chàng trai bạn tôi mấy chục năm sau, gặp nhau dạn dĩ thố lộ tâm can, “con bé có nụ cười cả Hội An không cô nào có được”. Thật xấu hổ, hồi ấy tôi tưởng chỉ có mỗi tôi mới thấy nàng có nụ cười như thế. Không ngờ sau này tôi “phát hiện” có thêm vài chục thằng nữa.
Bức thư tình của tôi không giống như những bức thư tình hay nhất thế giới. Tôi có đọc cuốn sách in những bức thư tình này rồi, chẳng có bức nào dài 6 trang giấy học trò như tôi.
Ròng rã cả tuần, gọt dũa, trau chuốt, bức thư tình hoàn tất. Hồi đó, chị tôi không xài nước hoa, chứ có, chắc chắn tôi phải lấy trộm vài giọt cho vào bì thư như đọc trong tiểu thuyết. Viết cho mùi mẫn bức thư đã khó, làm cách nào để gởi đi càng khó bội phần. Nhờ bạn đưa thì nhờ ai đây. Lỡ nó la toáng lên “thằng Chiến gởi thư cho con…” thì toi đời học trò, có nước bỏ trường, đi đăng lính.
Tôi vốn sẵn bệnh tim nên bức thư chưa gởi được làm bệnh tim của tôi thêm nặng. Ngày nào tan học, tôi cũng lẽo đẽo, nhưng kín đáo, đi theo nàng cho đến tận nhà, lòng cầu nguyện Chúa không thôi, tranh thủ “thiên thời, địa lợi” để trao thư, lồng ngực héo với quả tim khô đập liên hồi kỳ trận. Kéo dài thời gian không gởi thư sẽ chết vì bệnh tim; gởi thư biết đâu sẽ “chết” (trong lòng một ít) vì "đối tượng" không chịu nhận thư? Không còn đường nào nữa. Suy nghĩ nát óc. Liều. “Một liều ba bảy cũng liều” (***).
Nhà nàng trên đường đi khá ngắn có 7 cây dừa quen thuộc. Ngần ngừ chờ đợi thời cơ, tôi đếm từng cây dừa đang đứng vô tư bên vệ đường. Chúng không biết có một sự trọng đại sắp xảy ra. Một, hai, ba…đến cây dừa thứ bảy, phải đưa thư, quyết phải đưa thư. Hồi đó tôi thầm mong, sao lại 7 cây dừa mà không phải 700 cây để cho tôi đếm, đặng đủ thời gian lấy lại bình tĩnh, trước một sự kiện quan trọng: tỏ tình bằng thư. Nín thở vượt qua nàng, lá thư thủ sẵn trong tay, tôi đưa thẳng ra trước ngực mình, hơi đột ngột, nàng thoáng ngạc nhiên và mỉm cười. Ôi, nụ cười. Nỗi sợ trong lòng tôi như tan biến. Tim tôi trở lại nhịp đập bình thường. Tôi đưa bức thư cho nàng, không biết phải mở đầu bằng câu gì. Nhiệm vụ hoàn thành. Tôi vội vã chạy lui quên cả vẫy tay chào, thần trí vẫn không quên được nụ cười khi nãy. Lòng mình “phơi phới dậy tương lai”. Tôi hình dung lại lúc cầm lấy bức thư tôi trao, nàng nhẹ nhàng mở cặp, cẩn thận đặt vào trong, và cũng nhẹ nhàng đóng cặp lại, rồi thư thả đi qua đường vào nhà; nhìn lén theo từ xa, tôi thấy tà áo dài trắng của nàng bay bay trong gió như một tín hiệu vô vàn hy vọng.
Cuối hè năm 1972, tôi vào Sài Gòn và nàng ra Huế. Bức thư kia có lẽ may mắn hơn số phận bức thư của thằng bạn tôi, nhưng rủi ro như nhau, chúng tôi có cùng một "số phận": thất tình - nàng đã có người yêu ở Huế.
Hôm gặp mấy thằng bạn học Trần Quý Cáp, Hội An, tôi bỗng cao hứng kể câu chuyện này cho chúng nghe. Một thằng có râu mép khá đẹp trai đúc kết, vì sao bức thư tình “thế kỷ” của tôi không đem lại kết quả và chuốc lấy thất bại hoàn toàn. “Phải chi mi viết nửa trang thì hay. Viết tới 6 trang dài “thăm thẳm chiều trôi”, đọc xong, cô ta không hiểu mi muốn nói cái gì”. Tôi cười và ngẫm nghĩ, đúng, thằng này nói đúng, cả 6 trang giấy tôi nhớ rất rõ nội dung cho đến bây giờ; nói toàn chuyện trên mây dưới gió, tôi không hề đá động đến ba chữ hết sức quan trọng, khi muốn tỏ tình với phụ nữ: “Anh yêu em”. Rút kinh nghiệm, tôi sẽ rút kinh nghiệm. Và chợt buồn sực nhớ, đã 70 rồi còn thời gian đâu mà “rút kinh nghiệm”.
Kiếp sau, dứt khoát kiếp sau phải rút kinh nghiệm “xương máu” này. Thư tình ơi, ngươi sẽ còn mãi mãi.
Ghi chú: (*): Xuân Diệu.
(**): Nguyên Sa.
(***): Truyện Kiều
(Bài cũ đăng lại)