Wednesday, May 18, 2022

BÀU QUYỀN




Khoảng đầu thu năm 1963, ở quê tôi, xưa tên Thường Đức, có một hiện tượng lạ, cá thần xuất hiện. Địa điểm là bàu Quyền. Thực sự đây không hẳn là con bàu như bao con bàu khác ở vùng quê. Nó như con sông bị cắt khúc, hình chữ L, độ dài ước chừng nửa cây số, nước rất sâu, có chỗ không dò tới đáy. Có suy đoán, nước bàu ăn thông trong lòng đất với nước của sông Côn gần đó (thực ra là Con, người Pháp, đến người Mỹ ghi tên sai trên bản đồ). Do vậy, nước bàu trong vắt. Vì tán cây rừng mọc chung quanh, nước bàu trở nên thăm thẳm màu xanh lục.
Chẳng ai trực tiếp nhìn thấy cá thần. Người thì bảo cá to như chiếc ghe nhỏ, có lớp vảy sáng rực như vảy…rồng. Người thì cả quyết cá dài chừng sải tay, màu đỏ như son, cặp mắt sáng như đèn pha. Có người, thực tế hơn, cho đó là con cá măng lửa khá lớn.
Ở thôn quê, thời còn bé, thỉnh thoảng tôi có thấy cá măng lửa đuổi bắt cá chép (to bằng bàn tay) ở các khúc sông nước sâu, nhất là mùa lũ, nước vừa rút khỏi làng mạc, trở về lòng sông, hai bên bờ còn tràn nước lụt, màu đục ngà ngà, gọi là “nước bạc”. Vì bơi đuổi con mồi với tốc độ khá cao, cá măng đôi lúc phóng lên bãi cát. Nhờ thế, tôi mới thấy tỏ tường, hình dáng một con cá măng lửa.
Cá có chiều dài chừng một mét rưỡi, lớp vảy to, óng sắc đỏ; đầu giống đầu cá chép nhưng to hơn so với cơ thể, chắc hàm răng sắc nhọn hơn. Cá có bề vòng to tầm bắp vế người lớn, thon nhỏ về hướng đuôi. Nổi bậc nhất là lớp vi gáy trên lưng, như cánh bườm, xé nước mỗi khi cá tăng tốc đuổi mồi trên mặt sông.
Nếu là một mình, nhìn mặt sông mênh mông nước bạc, chảy xiết, bờ bên kia là hàng tre ngả bóng âm u, bờ bên này là bãi cát dài vắng vẻ, tôi chắc chắn quý vị- cũng như tôi- sẽ rớt tim ra ngoài khi con cá măng vừa vụt lên bờ, rồi vội vã vụt xuống sông, đánh ùm một tiếng lớn, mất tăm. Cá ma rồi. Cá gì mà to lớn quá. Nếu không phải cá ma thì cũng là cá thần.
Con cá ở bàu Quyền có phải là cá thần? Không ai có câu trả lời chính xác cho đến lúc này, hiện tượng kỳ bí chấm dứt cách nay gần nửa thế kỷ (1963-2022). Tôi có hỏi một vài cán bộ lão thành Việt Cộng (có vị ngoài 90) xem, hiện tượng cá thần, cá bàu Quyền, có phải họ là tác giả, tung tin giả, tạo cớ cho "cách mạng" hội họp, gặp gỡ công khai, mà không sợ bị đối phương phát hiện. Họ đều trả lời là không.
Vậy cá thần có thật?
Mỗi ngày, kéo dài đúng ba tháng mười ngày, hàng ngàn chứ không phải hàng trăm người, kéo về bàu Quyền để xin “nước thánh” vì bàu có cá thần. Từ Huế, Đà Nẵng, Hội An, kể cả từ Sài Gòn, xe đò như nối tiếp nhau, kéo về quê tôi, không khác chi trảy hội chùa Hương.
Các câu chuyện thần kỳ xuất hiện, truyền tai nhau, càng về sau càng lôi cuốn người nghe. Có người câm bỗng nói, người mù bỗng thấy, người điếc bỗng nghe. Nhiều người mắc bịnh hiểm nghèo bỗng nhiên hết bịnh. Tất cả họ nhờ uống nước “thánh” múc lên từ nước bàu vốn trở nên ngà ngà vì cả ngày đêm có người lấy nước.
Trên mặt bàu, người ta lập các bàn thờ Phật, khói hương (nhang) nghi ngút. Ai bước đến vái lạy xong sẽ được múc nước, tuỳ thể tích mà trả tiền cho chủ có bàn thờ. Có người mang sen từ nơi khác đến, nhúng vào nước, đem lên bán, giá 5 đồng một cái; quê tôi sen rất hiếm. 20 đồng, quý vị có thể mua một ang (10 lít) gạo. Một tô mì Quảng giá 3 đồng.
Dây xấp xôi, loài dây gai, trên lá cũng có gai, mọc dại rất nhiều trên các đồi đất quanh bàu đều gần như sạch. Chúng được cắt như hoa huệ, nhưng ngắn hơn, cứ mươi đoạn hay mươi ngọn ghép thành một bó, mỗi bó 5 đồng. Đương nhiên, chúng phải nhúng qua nước bàu Quyền, tức là nước thánh. Xấp xôi có nơi nấu nước uống, đôi lúc thay chè lá.
“ Xin” nước, bán nhang, bán “lộc”, cảnh người chen lấn nhau để được đến trước các chiếc cầu bắc ra giữa bàu, (gần bờ nước đục, hẳm sâu) tạo nên quang cảnh náo nhiệt, ồn ào, có khi trở thành bát nháo. Nhưng vì thành tâm lấy nước, mọi người đều nhường nhịn nhau: “Nhân hữu thiện nguyện, thiên tất tùng chi” ( Trời thương ai có tâm thiện lành).
Cảnh xin nước thánh thỉnh thoảng trở nên hỗn loạn, chen lấn xô đẩy nhau, có người bị ngã xuống bàu sâu, phải gọi người cứu, vớt. Nguyên có tiếng người nào đó la lớn như báo nhà cháy hay động đất. “Ngài lên, Ngài lên”. Có người hốt hoảng hỏi “nó đâu, nó đâu” liền bị có ai to tiếng mắng “sao gọi Ngài là nó? Muốn bị “nhận” (dìm ) nước hả?”. Đám đông kéo đến chỗ phát ra tiếng “Ngài lên”. Tất cả bỗng im phăng phắc, chú mục vào chỗ có ai đó trỏ tay, không chừng là chỗ cá thần vừa xuất hiện. Có người may mắn thì thấy chiếc vi cá sắc lẹm xé mặt nước cùng thân cá óng ánh vàng dưới mặt nước, dài bằng sải tay người lớn.
Kẻ thấy, người không, nhưng tất cả đều lần lượt quỳ bên bờ bàu; thấy người khác quỳ mình cũng quỳ, một phản xạ của đám đông. Quỳ để tỏ lòng kính trọng. Ai sao ta vậy!
Cá thần sẽ không nổi tiếng thần nếu chính quyền địa phương đừng cố tâm giết nó. Vị quận trưởng là người theo đạo Công Giáo. Việc tụ tập đông người gây rối loạn trật tự xã hội. Quan trọng hơn, chính quyền muốn dẹp “mê tín dị đoan” phát sinh từ cá thần, nước thánh.
Một toán lính công binh phái tới bàu Quyền. Họ được lịnh đặt một lượng lớn chất nổ TNT xuống bàu và cắt người canh gác. Khi thấy cá thần xuất hiện, họ sẽ kích hoạt thuốc nổ. Và cá xuất hiện thật. Cá chạy gần như lộ cả mình trên mặt bàu, nước xé theo đuôi cá, trông như khói nối sau tên lửa. Ùm, ùm, ùm, ùm…Những cột nước bắn lên trời cao như báo hiệu, cá thánh cũng tiêu, chứ kể chi cá thần.
Và lạ lùng thay, ngay buổi chiều hôm đó, trên mặt bàu, nước còn vẩn đục, cá “thần” lại xuất hiện trong tiếng reo hò tở mở của những người thất vọng, cứ nghĩ là cá đã chết. Họ mừng vì niềm tin không bị lay chuyển. Con người không thể qua thánh thần?
Hơn một tạ thuốc nổ vẫn không làm mất đi sự xuất hiện của cá thần. Thỉnh thoảng cá xuất hiện như thách thức con người. Và bàu Quyền vẫn nườm nượp đón người đến lấy nước về chữa bịnh. Chẳng có thống kê nước thánh chữa lành được mấy người.
Mọi người ở quê tôi, cho đến bây giờ, vẫn không hiểu tại sao cá xuất hiện và mất đi đúng ba tháng mười ngày. Sau ngày “Cách mạng “ 1-11- 1963, bàu vắng vẻ, không một bóng người. Cá chẳng ai thấy nữa. Có cụ cao niên “lý giải”, bàu Quyền cạnh gò (trồng cây) Trao thành Trao-Quyền, hết ông Ngô Đình Diệm thì phải trao quyền. Hiện nay, bàu Quyền vẫn còn (ảnh) nhưng gò Trao chỉ là tên, cây trao bị đốn mất. (Nay, bàu trở thành nơi câu cá giải trí).