Quê tôi thuộc vùng núi hẻo lánh so với nhiều vùng quê khác của tỉnh Quảng Nam. Tên gọi mỗi địa danh thay đổi theo lịch sử thời cuộc. Hồi trước Việt Minh, có nhiều làng đặt tên rất nên thơ. Ví dụ: làng Đoài Sơn, làng Non Tiên, làng Trúc Hà, làng Hoằng Phước Bắc…Hồi kháng chiến chống Pháp, và sau 1975, tên gọi các làng trên đổi thành : thôn 3, thôn 7, thôn 6, thôn 8. Nghe thật dân dã, dễ nhớ, nhưng coi bộ ’ khô khan’. Cho đến hơn 10 năm trở lại đây, các thôn bằng số kia trở về bằng chữ như thời chưa có Việt Minh.
Cũng có những tên gọi thay đổi do sự nhầm lẫn theo thói quen: cho tiện. Ví dụ, ngày xưa ông bà chúng tôi gọi ba chiếc cầu bắc qua ba con khe trên quốc lộ 14 (tính từ dưới lên cao) đoạn gần đến quê tôi Thường Đức: cầu Hà Thanh, cầu Ba Khe, cầu Sông Cùng. Thời Việt Minh, rồi thời VNCH, dân chúng gọi ba con khe chảy dưới ba chiếc cầu ấy là Khe Trên, Khe Giữa, Khe Dưới, ’vị chi’ là ba con khe. Thật ra, Khe Giữa gọi bằng Ba Khe là căn cứ vào đặc điểm: trước khi đổ ra sông, con khe này là hợp lưu của ba con khe nhỏ ở phía đầu nguồn.
Gần đây, bên giao thông công chánh lại gọi ba chiếc cầu ấy bằng: Ba Khe 1, Ba Khe 2, Ba Khe 3, rất rạch ròi, nhưng các vị quên rằng cầu Ba Khe chính là Khe Giữa (hợp lưu 3 khe). Quý bạn đọc thấy có…nhức đầu không?
Tên gọi một địa hạt dân cư nên duy trì theo tên gọi có từ thời xa xưa để bảo đảm sự liên tục của địa danh lịch sử. Con cháu sau này cần nghiên cứu địa lý sẽ dễ dàng nhận diện lịch sử hình thành địa danh đó. Không vì sự tuỳ tiện hay ý muốn chủ quan của giới chức trách, tên gọi ’ biến thiên’ theo năm tháng, thời gian.
Nơi tôi sinh ra là “làng Trung Đạo” (từ xưa) có dễ nghe hơn “thôn 5” (mới đây) không? Chắc chắn, ‘cái tên’ gắn bó với tôi gấp vạn lần ‘con số’. Có vị nào sinh ra sau 30 tháng 4 năm 1975 yêu thích địa danh ghi trong khai sinh là “thành phố Hồ Chí Minh” hơn địa danh có từ lâu và rất gọn “Sài Gòn “?
Ghi chú ảnh: Khe Giữa (Ba Khe 2) vào mùa khô, có hình bên dưới, chính là Ba Khe (tên nguyên thuỷ) chảy dưới chân ngọn đồi cùng tên Ba Khe (đồi 52, gọi theo bản đồ).