Wednesday, October 30, 2024

CHÂN MÀY PHONG THUỶ

Ngôn ngữ chuyển biến theo thời gian. Trong từ điển Hán Việt, Đào Duy Anh cắt nghĩa DẠ VŨ là mưa ban đêm. Ngày nay, dạ vũ là khiêu vũ buổi tối. ĐÀN ĐIẾM: Cái đàn (như đàn Nam Giao- tôi chú thích) và cái điếm (canh)= chỗ hội họp nghiêm trang. Nay, đàn(g) điếm có nghĩa rất xấu. Nhưng phong thuỷ mà đi đôi với chân mày, có sự chuyển biến ngôn ngữ xảy ra ở đây?

Chân mày “phong thủy”!

Đào Duy Anh định nghĩa "phong thuỷ: Nghề xem đất tốt xấu để cất mộ". Ngày nay,  người VN đều hiểu phong thuỷ bắt nguồn từ gió và nước. Phong thủy liên quan đến thiết kế nhà cửa, sắp xếp môi trường sống, ở đó thông thoáng (gió: phong) và đầy đủ nước (thuỷ). Chân mày phong thuỷ hay nốt ruồi phong thuỷ thì có ý nghĩa gì với nhà cửa, đất đai?

Thực ra, gọi đúng phải là chân mày tướng, nốt ruồi tướng, quý tướng. Có thật sự khi sửa lại chân mày hay chấm thêm nốt ruồi mang lại hạnh phúc hay giàu sang thì con người đoạt được quyền tạo hoá? Đang có chân mày “hãm tài” hay “sát phu”, “sát thê “, chỉ cần vài trăm hay đôi triệu, số phận của người “sửa tướng” sẽ thay đổi hoàn toàn?

Giống như làm nhà, có người mở cửa chính rộng hẹp theo đúng thước Lỗ Ban. Gọi là trực. Trên thước có đánh dấu trực hoạ phúc, giàu nghèo, xấu tốt…Vậy, ai mở cửa nhà theo đúng “phép “ Lỗ Ban đều sẽ đạt được mong muốn? Ngày xưa, ở Trung Hoa, mọi người đều phát đạt nhờ áp dụng theo sách vở cha ông họ? Tất cả đều hạnh phúc. Không có ai ly hôn, bỏ vợ, bỏ chồng, chết vợ, chết chồng, vì trước khi cưới nhau, mọi người đều tham khảo tướng số, coi xem tuổi tác?

Phụ nữ coi trọng nhất gương mặt. Làm cho sắc diện mình dễ ngó, đáng yêu là nhu cầu chính đáng của họ. Nhưng để gương mặt đúng với tướng “tốt” như vượng phu hay ích tử rồi dùng biện pháp nhân tạo để “đổi” tướng thì cần phải xem lại. Như tôi nói, đổi chân mày, thêm bớt nốt ruồi, nâng cao hay hạ thấp gò má…để tướng được tốt, thì ai có điều kiện đi giải phẫu thẩm mỹ đều có thể thay đổi số phận? Chắc chắn là không.

Đến thẩm mỹ viện để làm đẹp thì đáng khuyến khích . Đến đó để xăm chân mày “tướng”, điểm thêm nốt ruồi tướng, ở trên mặt hay ở chỗ kín như đầu vú, vùng âm hộ để mình sinh quý tử cũng cần xem lại.

Nhưng thật ra, niềm tin về việc thay đổi “tướng” cho tốt hơn chính là động lực khiến người ta tự tin hơn. Nếu trên gương mặt mình có nốt ruồi đen nằm sát mí dưới, có người sẽ cho là xấu: tích lệ khấp phu (sát chồng hay chồng chết) nếu là phụ nữ. Đàn ông sẽ tích lệ khấp thê: chết vợ hay sát vợ. Tôi thấy nhiều người có nốt ruồi ở vị trí đó và thật trớ trêu họ sống vẫn phây phây hạnh phúc, có người gần 90 tuổi. Đâu có tích lệ khóc ai đâu.

Nhưng nếu tẩy nốt ruồi ấy đi để khỏi bị ám ảnh mình có số sát phu, sát phụ, thì tốt quá đi chứ: tạo sự tự tin.

Nói tóm lại, làm chân mày đẹp hơn, thanh tú hơn, dễ thương hơn thì rất tốt. Đừng vì “phong thủy “( từ sai hoàn toàn) mà sửa chân mày, tốn tiền, có khi gây hại; chân mày cần phù hợp với gương mặt. Khi sinh ra, mọi cái trên gương mặt con người đều rất hài hoà. Quá tin “phong thuỷ “ rồi chỉnh sửa gương mặt quá nhiều, quý cô vô tình làm mất đi cái hài hoà vốn có của trời ban.

Thẩm mỹ để tạo cái đẹp và sự tự tin. Không vì mê tín mà sa đà vào thẩm mỹ. Giải phẫu thấm mỹ không phải là an toàn tuyệt đối.

Sunday, October 20, 2024

DẠY THÊM, HỌC THÊM: Vấn nạn ở Việt nam.

Chúng ta đặt câu hỏi:

- Vì sao phải học thêm?

- Chương trình học chính thống không đáp ứng nhu cầu học hỏi của học sinh?

- Nội dung chương trình học hiện nay đối với học sinh là vừa phải hay ‘quá tải’?

- Dạy thêm để cải thiện mức sống giáo viên?

- Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành không giúp học sinh phát huy năng lực bản thân?

• Học thêm, thực ra đã có tự ngàn xưa. Học thêm dành cho những học không đuổi kịp chương trình. Học thêm cần thiết cho những học sinh nâng cao môn học mình yêu thích. Đây là ý nghĩa của học thêm.

• Học thêm vì học chính thống không đáp ứng nhu cầu học hỏi của học sinh là hết sức vô lý. Vậy, nhà trường lập ra để làm gì?

• Học sinh chỉ học nâng cao khi chương trình nhà trường nhẹ nhàng và không hề quá sức, ta hay gọi là “quá tải”. Có ai không than vãn chương trình học hiện nay không quá tải? Tổ chức học thêm không gây nặng gánh lên vai học sinh, thầy cô, người quản lý?

• Dạy thêm không hề “nâng cao” mức sống của…mọi giáo viên. Lý do: Không phải thầy cô nào cũng có điều kiện dạy thêm.

• Chương trình học hiện nay “không giúp học sinh phát huy năng lực bản thân”, thì duy trì nó làm gì? Tại sao không đổi mới, ngắn gọn hơn, tiến bộ hơn, khoa học hơn? Các nước tân tiến trên thế giới có chủ trương dạy thêm bên cạnh dạy chính thống? Hay họ để việc học thêm, dạy thêm cho xã hội lo? Ở VN, tại sao bộ giáo dục lại phải cưu mang lĩnh vực dạy thêm? Nhiệm vụ quản lý giáo dục hiện nay của họ không “nặng nề” sao?

Theo tôi, dạy thêm và học thêm là nhu cầu có thật, hãy để cho nhu cầu ấy phát triển tự nhiên. Nhà trường không nên dài tay quản lý. Vì là hoạt động ngoài nhà trường, việc quản lý sẽ thuộc về chính quyền sở tại. Bù đầu công việc nhà trường, ông hiệu trưởng không thể quản những việc làm của giáo viên ngoài giờ hành chánh (dạy học ở nhà trường).

Nhà trường chỉ có thể tổ chức dạy thêm (miễn phí hay tự nguyện của giáo viên – càng tốt) một số em không theo kịp bạn trong lớp). Số này có lẽ rất ít. Nhưng nếu số này nhiều, nhà trường nên xem lại chất lượng dạy của thầy hoặc sức học của trò. Lên lớp do năng lực hay vì chạy theo thành tích: Không có học sinh lưu ban?

Đọc bản dự thảo THÔNG TƯ quy định dạy thêm, học thêm của bộ giáo dục, tôi có cảm tưởng sẽ có thêm một chương trình giáo dục song song với chương trình giáo dục chính thống hiện hành trong nhà trường. Công việc dạy thêm, học thêm cũng bài bản ra phết.

Ở trường:

“Tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) việc dạy thêm, học thêm…”. (Điều 4 điểm 1). “Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm…” (Điều 4, điểm 2). “Nhà trường công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm…” (Điều 4, điểm 3). “Hiệu trưởng căn cứ nguyện vọng của học sinh xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm (xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu theo từng môn học ở mỗi khối lớp) (Điều 4, điểm 4).

Ở ngoài:

Nếu là giáo viên ở trường muốn dạy ở ngoài thì phải “Báo cáo Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao…” (Điều 5, điểm 2, mục a). Nếu có dạy thêm học sinh của mình ở trường thì giáo viên phải báo với hiệu trưởng “danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) (mục b). Nếu hiệu trưởng muốn dạy thêm thì phải xin “thủ trưởng” của mình như trưởng phòng giáo dục hay sở giáo dục. (Tội nghiệp cho hiệu trưởng, nghèo đến nổi phải…dạy thêm).

Qua những quy định, tôi thấy vai trò của hiệu trưởng quyền lớn ngút ngàn trong việc “điều hành” dạy thêm và học thêm. Có quyền cao sẽ đẻ ra nhũng lạm. Đó là quy luật. Hãy để các vị hiệu trưởng làm tròn bổn phận của họ trong nhà trường. Bên ngoài, hãy để cho nhà chức trách. Có như thế, nhà trường mới toàn tâm toàn ý trong vấn đề giáo dục.

Nói thêm chỗ này: Có một câu quy định ngắn nhưng tôi thấy là quan trọng, cũng ở mục b này: “…cam kết (với hiệu trưởng) không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm”.

Thông thường, dạy thêm, học sinh đang dạy ở trường sẽ là “mục tiêu” nhắm tới của bất cứ ai được nhà nước cho phép dạy thêm. Thấy có “vấn đề” nên thông tư có nhắc tới hai từ “ép buộc” đối với học sinh. Không. Không bao giờ thầy ép buộc học trò mình học thêm.

Nhưng, giống như trước đây, nông dân đều “tự nguyện” làm đơn xin vào hợp tác xã nông nghiệp, học sinh giáo viên đang dạy ở trường chắc chắn (100%) sẽ tự nguyện học thêm. Cha mẹ sẽ “chú tâm” điều này. Trong huyết quản của phụ huynh luôn chảy câu “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”. Học trò giỏi cũng cần phải học thêm cùng với học trò kém. Không thiếu trường hợp học sinh có lực học tập không đạt hạng khá giỏi vì không chịu học thêm với giáo viên dạy mình ở nhà trường. Từ đây, đẻ thêm tệ trạng: dạy thêm và học thêm “lệch lạc”.

Nhưng không phải ai cũng dạy thêm. Người dạy thêm có thu nhập khá nhờ “học trò của mình” sẽ khiến những thầy cô không dạy thêm tâm tư, suy nghĩ. Tốt hơn, học sinh không nên học thêm lớp dạy thêm nếu giáo viên đang dạy học ở trường. Điều này giúp người dạy thêm không mang tiếng “ép buộc” (vô hình) như thông tư lo ngại.

Học sinh các nước tiên tiến có học thêm không? Tôi nghĩ là có. Họ học ở các trung tâm hẳn hoi. Cũng có người “thuê” riêng thầy để học thêm những môn học họ yêu thích.

Riêng ở Phần Lan – nơi tôi có cháu nội ngoại đang học – không có học thêm và dạy thêm. Nhà trường đầu tư hầu như đầy đủ phương tiện phát huy năng lực học sinh từ bé. Các cháu “chơi” nhiều hơn “học”. Đi đón cháu mẫu giáo tôi thấy học sinh ra chơi rất lâu. Các cô giáo đứng quanh sân trường quan sát.

Học thêm không có nhưng học trước là không được. Cháu tôi rất “giỏi toán” trong lớp vì nó học trước ở VN. Cô giáo gửi mail yêu cầu phụ huynh không “tự tiện” dạy trước môn toán cho cháu. Con tôi giải thích lý do. Họ bằng lòng giả thích và nói thêm “Chúng tôi dạy cháu học toán theo phương pháp nhà trường: Cần suy nghĩ chứ không cần đáp án”. Dĩ nhiên, giáo dục mỗi nước mỗi khác. Ta không bì họ nhưng tôi muốn nói học thêm không hẳn là thượng sách.

Để kết thúc bài viết, tôi xin nhắc lại: Nhà trường không nên tổ chức dạy thêm trong trường trừ những lớp phụ đạo học sinh yếu. Hãy để xã hội giải quyết việc dạy thêm, học thêm. Nhà chức trách sẽ hiểu họ sẽ phải làm gì để dạy thêm, học thêm không phải là bận tâm lớn, bận tâm chính, của ngành giáo dục.

Có một điểm làm cho dạy thêm, học thêm thành điểm nóng xã hội: Đó là do chạy theo thành tích. Nếu bỏ được việc phân hạng học sinh ở bậc trung học thì “vấn nạn” dạy thêm học thêm sẽ không còn. Người ta chỉ học thêm để nâng cao môn học nào đó. Đây là nguyện vọng chính đáng. Dạy thêm, học thêm sẽ không tràn lan khi việc dạy thêm và học thêm đi đúng hướng. Bỏ phân hạng (giỏi, khá, trung bình, kém) không có nghĩa là bỏ chấm điểm. Điểm thể hiện việc học của học sinh chỉ có cha mẹ, thầy cô, và bản thân học trò ấy biết như một số nước thực hiện.

Háo danh, chạy theo thành tích, nặng hình thức, khiến mọi người (phụ huynh và học sinh) ai cũng muốn tiếng “giỏi, khá” sẽ đẩy giáo dục vào nỗi lo không chính đáng. Thầy cô nào không muốn học trò họ giỏi? Tại sao phải lấy thành tích học sinh để đánh giá thầy cô? Mà thành tích ấy có thật hay ảo? Tại sao xã hội lại chuộng ảo hơn thật? Hay ảo là cái người ta mơ ước để thỏa lòng ước mơ?

Kết luận của tôi: Khi nền giáo dục Việt Nam hoàn chỉnh thì việc học thêm, dạy thêm cũng chẳng cần.

Ảnh: Có thật sự giáo viên phải đi bán hàng, làm cò đất?

Wednesday, October 16, 2024

ELON MUSK VÀ NƯỚC MỸ

Thế giới vừa chứng kiến một tiến bộ vượt bậc của loài người: Thu hồi thành công tên lửa Super Heavy khi nó trở về trái đất trước sự “kinh hoàng” và thán phục của hàng tỷ người trên trái đất. 55 năm trước, phi hành gia người Mỹ - Neil Armstrong-   tuyên bố một câu nổi tiếng khi lần đầu tiên đi bộ trên mặt trăng: “Đây là một bước nhỏ đối với con người, (nhưng là) một bước tiến vĩ đại đối với nhân loại. ("That's one small step for man, one giant leap for mankind").

Hàng chục phát minh của nước Mỹ làm thay đổi diện mạo thế giới. Năm 1960, họ “phát minh” ra Internet. Hai chục năm sau thế giới mới được sử dụng thành quả ấy qua thương mại. Giải thưởng danh giá nhất hành tinh, người đoạt giải đa phần từ nước Mỹ. Năm 2024, có ba người Mỹ đoạt giải Nobel kinh tế. Họ nổi tiếng với nhận xét “Thể chế chính trị ảnh hưởng đến nền tảng đạo đức và sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia”.

Không dám nói “vĩ mô”, tôi chỉ nói “vi mô” về một câu chuyện có thể minh chứng nhận định của ba “ông nội” chuyên về kinh tế này là… “có cơ sở”.

Không người nông dân miền Nam nào không có ký ức “nhớ đời” về hợp tác xã nông nghiệp những năm sau ngày “giải phóng”.

Không rõ cái thể chế của ba nhà kinh tế nói tới có phải là thể chế bao gồm chính quyền xã, huyện, tỉnh…hay không. Nhưng ở mỗi xã, phương thức sản xuất “xã hội chủ nghĩa” tiên tiến nhất có lẽ là…hợp tác hóa nông nghiệp.

Từ chỗ lúa gạo ăn không hết -  dù thời điểm trước và sau ngày thống nhất, năng suất lúa không cao- đến chỗ đói “rã ruột” khi hợp tác ngày càng “khí thế” đi lên. Xã viên hợp tác xã thiếu ăn. Cán bộ công nhân viên chức cũng đâu khá hơn. Phần ăn của họ có bo bo “hợp tác’ mới có thể đủ suất ăn mười mấy ký mỗi tháng. Như vậy, cái “thể chế” hợp tác xã này làm cho mức sống người dân đi xuống.

Nhưng cái đáng nói hơn, “thể chế” hợp tác xã ấy làm cho đạo đức làng quê đi xuống thấy rõ.

Khi làm cho ruộng của mình (như sau ngày “đổi mới”- ruộng về tay họ), người nông dân rất tận tâm, nhiệt huyết. Khi làm hợp tác  thì hỡi ôi, lãng công, đãi công, làm dối, ăn cắp, làm qua loa lấy lệ…trở nên phổ biến và “đều khắp” hợp tác. Từng làm việc cho hợp tác xã, tôi chứng kiến nhiều chuyện “đau lòng”, xảy ra cũng vì cái “thể chế” hợp tác ấy.

Xã viên đi cấy lúa sẽ  ăn điểm theo diện tích. Ví dụ, một sào là 100 điểm; mỗi ngày công là 10 điểm. Vì chạy theo số lượng, thay vì bụi lúa cấy cách nhau 10 cm, người ta cấy giãn ra trên 20 cm, cho mau  hết điện tích. Tất nhiên, sát bờ, lúa cấy đúng “kỹ thuật”. Cán bộ sẽ đi trên bờ để nghiệm thu. Và ở gần giữa ruộng, việc kiểm tra mật độ cấy không thể: lúa cấy xong, lội xuống gốc lúa sẽ trồi lên, không đứng vững. Làm cỏ cũng theo “phương sách” cấy lúa. Sát bờ làm sạch, xa bờ chỉ sục cho bùn nổi chứ không cây cỏ con nào bị trốc gốc.

Khi gặt, không suy nghĩ, người ta vẫn biết năng suất thấp và lúa thu không đạt yêu cầu. Điểm làm thì nhiều nhưng lượng lúa chia cho công điểm chẳng là bao. Có mùa, ngày công chưa tới 7 lạng.

Đó là chưa kể bón phân cho ruộng. Nhà nhà đều làm phân xanh, phân Bắc, phân tro. Thư ký đội sản xuất sẽ cân phân và ghi sổ lượng, rồi quy ra điểm. Phân càng nhiều điểm càng cao. Thế là, phân được trộn thêm đất cho nặng ký. Đâu có phòng thí nghiệm để tính tỷ lệ đất cát chiếm bao nhiêu trong phân mà…trừ hao hụt. Cánh đồng ruộng rộng mênh mông. Không cán bộ nào đủ sức để đi theo từng người mà “chỉ đạo” đổ những đám ruộng nào, ở đâu, ngoài “lệnh miệng”, gánh phân này chị rải vào đám Gò Mùn nhá. Gánh này bà rải vào đám Bằng Lăng nghe…Và phân rải vào đâu, rải bao nhiêu, chỗ nào trên ruộng, chỉ có Trời mới biết. Có khi ổng biết cũng mù. Hàng trăm xã viên gánh phân đi rải ruộng tám phương tứ hướng. Trời giỏi lắm cũng chỉ có hai mắt mà thôi!

Nhưng cái thiếu, cái đói khi thực hiện “thể chế” hợp tác xã ấy không những khiến con người trở nên không trung thực mà nó còn đẻ ra tính…trộm cắp.

Của chung không ai xót. Cha chung không ai khóc. Thu hoạch lúa chính là lúc nạn trộm cắp xảy ra. Thật ra thì chẳng nên gọi là “nạn”. Người lao động chỉ xúc trộm chừng năm bảy lạng, mỗi ngày một lần, trên đường gánh lúa chuyển về kho hợp tác. Những vật dụng như can đựng nước, bi đông, thậm chí ống quần dài (phần dưới), đều là nơi cất giữ “của phi pháp”. Cán bộ đội biết không? Họ biết rất rõ. Và họ làm như không biết. Của hợp tác mà. Họ cũng biết người lấy cắp có cả người nhà của mình.

Nhà nước không thu nhiều lúa. Người nông dân không đủ lúa để ăn. Việc ăn cắp nhỏ ấy xảy ra mùa này sang mùa khác, năm này sang năm khác. Và ai cũng thấy chuyện lấy cắp ấy rất tự nhiên. Ai không “nhon” một ít của chung; tất cả cũng  vì đói.

Sự thịnh vượng quốc gia phụ thuộc vào thể chế. Tôi thấy đúng quá. So sánh hai thể chế chính trị Nam Hàn và Bắc Hàn, chúng ta thấy rất rõ. Một bên dân chúng sung túc. Một bên dân chúng nghèo khổ; có năm phải xin cứu tế.

Nhưng đạo đức cũng phụ thuộc thể chế nữa sao?

Hai chữ thể chế rất là “nhạy cảm”. Thể chế làm người ta liên tưởng đến chế độ dù thể chế không hẳn là chế độ. Cái thể chế của Singapore giúp cho nước họ bài trừ thành công nạn tham nhũng. Lúc mới hình thành quốc gia, nạn tham nhũng ở cái xứ bé con này cũng “dữ trời thần”. Người Hoa mà. Nhờ thể chế (hay cơ chế gì đấy), đất nước sư tử này được tiếng trong sạch trong bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng hằng năm.

Nói gần, nói xa, không qua nói thật. Chế độ (hay thể chế) chúng ta hiện nay thế nào? Tôi nghĩ là vững hơn bàn thạch. Nhưng thấy một số lãnh đạo “thôi giữ chức”, một cách đột ngột, những vị trí trọng trách của quốc gia, tôi có mối hồ nghi. Và tôi muốn hỏi tại sao, nhiều vị trẻ tuổi, học thức cao, được đào tạo bài bản, niềm hy vọng tràn trề của quốc gia, lại bỗng dưng…thôi giữ những vị trí dẫn dắt đất nước? Có vấn đề gì về đạo đức ở các vị ấy không? Hay là nhận xét của ba nhà kinh tế mà tôi trích dẫn ở trên là có lý?

Có một điều tôi đưa ra đây để chúng ta bình luận.

Người Việt Nam nhưng ở các nước tiên tiến lại có cơ hội phát triển hơn ở quê nhà. Có phải vì thể chế khác nhau? Tôi chưa dám khẳng định. Nhưng tôi có thể khẳng định: Người Việt ở ngoài nước (ta hay gọi là Việt kiều- hai từ có vẻ không ổn lắm) thành công rất nổi trội trong bình diện khoa học, kỹ thuật, y tế, tôi chưa nói tới các lĩnh vực khác.

Nếu Ngô Bảo Châu không rời Hà Nội liệu ông ta có đoạt giải “Nobel” về toán học (Fields) không? Đặng Thái Sơn có nổi tiếng không nếu không được đào tạo piano tại Liên Xô? Có người cho rằng ta không có điều kiện bằng các nước ấy. Đúng. Nhưng tại sao Châu không phải là người Hàn; Sơn không phải người Nhật?

Nhiều người theo dõi thời sự đều biết:

- Khoa học gia thuộc cơ quan NASA, ông Nguyễn Xuân Vinh, đã vạch quỹ đạo cho những phi thuyền Apollo của Mỹ lên được mặt trăng nhờ luận án về tính toán quỹ đạo tối ưu.

- Bà Dương Nguyệt Ánh (1960) giám đốc khoa học và kỹ thuật của Indian Head Division thuộc Trung tâm vũ khí hải quân Hoa Kỳ, chế tạo hàng chục loại chất nổ vũ khí, nổi tiếng nhất là bom áp nhiệt (thermobaric bomb), đánh sập hang ổ quân khủng bố Bin Laden ở Afghanistan, chỉ sau 45 ngày nghiên cứu.

- -Bà Giao Phan, nữ tổng giám đốc người Việt điều hành đóng hàng không mẫu hạm hiện đại nhất thế giới, trong đó có chiếc USS Gerald Ford nổi tiếng.

- Ở Cộng hòa Liên bang Đức có một vị cựu phó thủ tướng cũng gốc người Việt,  Philipp Rösler. Nghĩ vui. Ở VN, nếu tìm một chủ tịch xã, chưa chắc ai dám chọn anh ta.

-

Ở  Mỹ có khoảng khoảng hơn 280 nhà phát minh người Mỹ gốc Việt được cấp bằng sáng chế của Mỹ. Tiêu biểu là tiến sĩ Đoàn Trung của Tập đoàn Micron có tới 72 bằng sáng chế. Về y tế, trung bình cứ 1.000 người dân Mỹ gốc Việt có 3,5 bác sĩ. Tiến sĩ Nghiêm Đại Đạo - người tham gia vào một số sáng kiến cấy ghép dịch tụy cho những bệnh nhân đái tháo đường. Giáo sư Nguyễn Hữu Xương, người có phát minh nổi tiếng đóng góp rất nhiều cho việc nghiên cứu cấu trúc protein trong chữa trị căn bệnh ung thư.

Nếu không ở một thể chế chính trị như Mỹ, liệu những người Việt Nam có đạt những thành tựu to lớn như thế không?

Thấy nhà văn Hàn đoạt giải Nobel văn chương nhiều người Việt thầm trách cho Việt Nam. Người Việt thua sút về trí thông minh hơn người Triều Tiên? Không chắc. Tại sao những nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ, số người gốc Việt chiếm ưu thế nhiều hơn người Hàn?

Tại sao ở miền Nam, có người Hàn chế tạo những thứ nổi tiếng thế giới (Samsung, Hyundai) cho người ta sống để hưởng thụ…thì ở miền Bắc, người Hàn lại chuyên chú chế tạo bom, hỏa tiễn, tàu ngầm… để mong muốn chiến tranh cho người ta chết?

Ước chi, một ngày nào đó, người Việt trong nước cũng đóng góp cho nhân loại, không khác chi những người Việt nước ngoài. Và câu nói của ba nhà kinh tế này chẳng làm cho chúng ta phải nhức đầu suy gẫm: “Thể chế chính trị ảnh hưởng đến nền tảng đạo đức và sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia”.

Khi đó, Elon Musk sẽ chẳng còn khoe khoang mình thành công  nhờ sinh ra ở Mỹ.

Monday, October 14, 2024

TRÚC XINH

Năm lớp 12, được dạy lịch sử thế giới, từ sách giáo khoa, tôi tìm hiểu và thấy thán phục nhất 2 đất nước: Do Thái và Nhật Bản.

Là một dân tộc bị “lưu đày” non 2000 năm, lưu lạc nhiều nơi trên thế giới, có thời gian bị phát xít Đức đưa vào lò thiêu hàng triệu người, Do Thái chỉ cần vài tuần đánh nhau với vài nước Ả Rập, đã trở về nơi trước đây tổ tiên họ đã ở, thành một quốc gia nhiều thế kỷ không có tên trên bản đồ thế giới. Một Do Thái bé nhỏ mà hùng mạnh, chế tạo được bom nguyên tử, luôn là nỗi e sợ cho những nước láng giềng, và hãnh diện có những bộ óc siêu việt thế giới.

Là một “đế chế” không lớn, đánh tan tành căn cứ hải quân hùng mạnh Trân Châu Cảng của Hoa Kỳ, lấy làm thuộc địa một phần lãnh thổ Trung Hoa hùng vĩ, xâm chiếm một số nước Đông Nam Á, đô hộ Triều Tiên (Bắc, Nam). Nhưng khi bị 2 quả bom nguyên tử hủy diệt tiềm lực quân sự, xứ sở mặt trời mọc thành xứ sở mặt trời lặn, tăm tối, tan vỡ.  Nhưng chỉ cần 30 năm, thời gian bằng 2 cuộc chiến tranh Đông Dương, Nhật Bản vươn lên nền kinh tế thứ 2 trên thế giới.

Hai dân tộc ấy hẳn lòng yêu nước có lẽ cũng không hơn dân tộc VN. Họ là hai nước hùng mạnh thế giới trong khi chúng ta vẫn còn là nước trông chờ đồng vốn thế giới.

Tôi nghiệm ra: về tính cách, con người của họ "tự chủ" hơn chúng ta. Ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào, tôi nghĩ tự chủ, tinh thần và vật chất, là nhân tố quyết định hàng đầu. Hai dân tộc này không bị bất kỳ chủ nghĩa đẹp đẽ, hấp dẫn nào trên thế giới chế ngự tư tưởng tự do họ.

Nhật Bản là nước từng triều cống Trung Hoa như Việt Nam. Văn minh, văn hóa của họ thấm đẫm văn minh, văn hóa Trung Hoa như Việt Nam. Trong khi họ thoát khỏi  ảnh hưởng Tàu hết sức ngoạn mục thì chúng ta, triều đình nhà Nguyễn, vẫn thắc thỏm trông lên phương Bắc như vị cứu tinh, không hiểu rằng vị cứu tinh ấy đang bầm dập, xâu xé bởi các nước tư bản phương tây.

Đến khi chủ nghĩa cộng sản xuất hiện, những bậc tiền bối chúng ta hồ hởi như bắt được vàng. Họ vận dụng thành công chủ nghĩa ấy vào công cuộc đánh Pháp, đánh Mỹ, VNCH để thống nhất đất nước. Có thời gian: Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, hai yếu tố phải đề huề.

Nhưng tôi nghĩ: chính lòng yêu nước quyết định vận mệnh dân tộc, giúp nhân dân thoát khỏi ách thực dân, đế quốc. Chủ nghĩa cộng sản chỉ là một xúc tác, một hỗ trợ mạnh mẽ cho lòng yêu nước.

Về tư tưởng, chúng ta không có một tư tưởng của riêng cho dân tộc: Tư tưởng Việt Nam. Chúng ta là một dân tộc không đủ thông minh để xây dựng riêng cho mình một tư tưởng, một triết thuyết quản trị đất nước, thì tại sao chúng ta không chắt lọc những tư tưởng, những triết thuyết ưu tú và phổ quát của nhân loại, làm phương châm, nền tảng cho đất nước mình, cho dân tộc mình, mà lúc nào cũng phải dựa vào tư duy quá khứ, cũng phải vận dụng những cái thế giới văn minh từ chối, vất bỏ, ngay cả ở cái nôi nước Nga, người ta đã cũng không còn trọng vọng, xiển dương?

Tinh thần tự chủ về tư tưởng ở chỗ này có cần phải xem xét lại không? Người dân thường chúng ta không có tư tưởng, triết thuyết nào soi dẫn, chúng ta có tự chủ trong suy nghĩ không, chớ chưa nói đến hành động?

Trước đây, thấy thắng lợi chiến tranh thương mại nghiêng về người Mỹ, chúng ta hồ hởi. Một số người còn nghĩ chỉ thời gian thôi, Trung Quốc sẽ “tanh bành xí quách”. Thấy một số tàu chiến của Mỹ đi sát vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa của VN bị chiếm cứ trái phép, chúng ta sung sướng cứ ngỡ như tàu chiến của… Việt Nam, hiên ngang đi vào vùng biển tranh chấp, thầm nhủ “thử xem mày làm gì tao”.

Tại sao chúng ta không nghĩ ra phương cách nào để đất nước không phải mượn người để “an ủi” mình, để nhờ ai đó “giúp” mình? Luôn trông chờ ai đó sẽ lo cho toàn vẹn lãnh thổ, cho độc lập dân tộc, cho tự chủ kinh tế, tóm lại, lúc nào cũng mong sẽ có …ai đó ra tay nghĩa hiệp, còn bản thân thì chỉ ...hy vọng.

Chúng ta muốn làm bạn với các nước, không phân biệt chế độ chính trị, tại sao chúng ta không làm bạn …với nhau, người Việt đồng bào ? Người Việt với người Việt. Trong nước và ngoài nước. Một người “mắt xanh mũi lõ” chắc chắn không yêu chúng ta bằng chính những người “da vàng mũi tẹt” với nhau. Anh chàng “ngộ ái nị” chắc chắn không đáng tin bằng những người “tao thương mày”.

Do hoàn cảnh lịch sử, VN có hàng triệu người bỏ nước ra đi. Ban đầu chúng ta cho là bất hạnh của dân tộc. Một mẹ mà con phải chia lìa. Sao giống chuyện xưa: người lên núi theo cha Lạc Long Quân, kẻ xuống biển theo mẹ Âu Cơ.

Nhưng xem xét kỹ ra, biết đâu đó là phúc hạnh cho dân tộc.  Hàng triệu người Việt ở khắp nơi trên các nước văn minh. Hàng trăm ngàn trí thức ở mọi lĩnh vực phát triển tiên tiến nhất của nhân loại. Tại sao những người Việt nước ngoài không là người Việt trong nước?

Cái gì đã ngăn cách họ với nhau? Quá khứ ư. Tại sao không xếp lại để mở ra tương lai? Ý thức hệ ư. Tại sao không bỏ đi, để xây dựng một ý thức hệ chung? Tại sao kẻ lên rừng, người xuống bể, nay không về ở cùng chung một nhà?

Câu hỏi mấu chốt: ai sẽ là người thực hiện những điều như thế? Khó quá. Nan giải quá. Một người già cả như tôi, và chắc nhiều người nữa, chỉ nghĩ tới, và không làm được. Thật xấu hổ nếu tôi tự nhủ: thôi, để cho thế hệ con tôi, cháu tôi, chúng nó lo.

Nhưng có chắc những ước nguyện đó sẽ thành hiện thực, hay sẽ trôi đi như biết bao lần trong quá khứ, đã nhỡ biết bao lần chuyến tàu đi đến tương lai?

Tôi suy nghĩ chỉ có được tinh thần tự chủ, như người Do Thái, người Nhật Bản, chúng ta mới có thể xây dựng đất nước này, quê hương này, theo đúng ước nguyện của tiền nhân, và của chính chúng ta.

“Trúc xinh trúc mọc đầu đình

Em xinh em đứng một mình cũng xinh”.

Đất nước tôi sẽ không như trúc, xinh nhờ đứng đầu đình. Không có cái đình to tướng kia, trúc chỉ tả tơi như sậy. Đất nước tôi phải như cô gái xinh, đứng một mình, chả cần (mẹ chi) "cái đình" quá khứ, vẫn xinh, vẫn đẹp. Cô gái xinh kia, đứng một mình, tự chủ, chả cần nay nghiêng qua anh “bạn vàng”, cười cầu tài một cái, mai nghiêng qua anh “bạn xanh” (*) đưa mắt liếc tình một phát.

Đứng một mình, cô vẫn xinh, vẫn đẹp, khi nào là niềm tự hào của mọi chàng trai có cái tên Việt Nam?

(*) Ghi chú: Đồng 100 đô la Mỹ có màu xanh.

Wednesday, October 9, 2024

NĂM TUỔI

Tôi có thời gian rất tin vào tuổi. Ví dụ: Trai nhâm, gái quý là sang. Hay: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi tùng phúc địa. Dần, Thân, Tỵ, Hợi tứ hành xung. Tin ông thầy bói, nhiều "phụ huynh" không chịu cưới vợ hay gã con nếu tuổi của con cháu họ nằm vào "tứ hành xung", nghĩa là vợ chồng xung khắc. Hay là, gái tuổi Dần sẽ dễ ế chồng. Không ông nào tuổi Hợi mà cưới vợ tuổi Dần, cọp rất thích ăn thịt heo (lợn- miền bắc).

Nhưng khi coi giờ, tý sửu (1 đến 3 giờ sáng) đến tuất hợi (11 đến trước 1 giờ sáng), tôi mới ớ ra, giờ mỗi nơi mỗi khác. Ví dụ, ở VN, người sinh giờ Thìn (cuối giờ) thì lại không giống giờ Thìn ở Trung Hoa, nơi phát sinh ra đủ thứ chuyện trên đời, từ phong thủy đến  long mạch, các con giáp, cung, mệnh, sao...lung tung xèng. Nếu là giờ, thì giờ Hợi ở Bắc Kinh sẽ khác giờ Hợi ở Mỹ, hai nơi có múi giờ gần như đối nghịch. Mỹ 1 giờ sáng, Tàu 1 giờ đêm. Ai sinh ở Mỹ lúc đó sẽ có tuổi Tý. Người sinh ở Tàu sẽ là tuổi Tuất. Đố ông nội nào coi bói tuổi Tý sẽ có số mệnh như tuổi Tuất.

Từ suy nghĩ đó, tôi nhận định, lý số Trung Hoa không đáng tin cậy. Ở VN, nếu để ý, quý vị sẽ thấy, 7 giờ ở Sài Gòn (trước  1975) sẽ là  8 giờ ở Hà Nội. Như vậy, người sinh giờ Thìn (gần qua 9 giờ chẳng hạn) thì ở Hà Nội người sinh cùng giờ lại là giờ Tỵ (10 giờ).

Hai người này sẽ có số phận giống nhau dù thật sự sinh ra giờ khác nhau? Sự vô lý nằm ở đây. Xét về mặt khoa học, cùng một giờ (9, chẳng hạn), tuổi phải như nhau. Tại sao kẻ giờ Thìn, người giờ Tỵ.

Hiện nay, có hàng triệu người Việt, có lẽ hàng trăm triệu người Tàu đều tin vào lý số, vào tuổi: Tý, sửu, dần, mẹo...ngọ mùi thân dậu tuất hợi. Rồi nào là Giáp, ất, bính, đinh, dậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý. Hai cái này "giáp công" để có Nhâm  Thìn hay Quý Hợi- những tuổi tốt nhất trong 12 con giáp, kể cả can chi. Nhưng xin thưa. Có chỗ muốn hỏi. Mỗi con giáp biểu hiện cho đặc điểm người mang tuổi đó. Ví dụ, Thìn là con rồng. Tỵ là con rắn. Tý là con chuột. Hợi là con heo. Nếu là "số"- nghĩa là không hề thay đổi - thì tại sao người Trung Hoa không gọi Mão là Mèo mà gọi Thỏ? Có nhiều lý giải chỗ này. Nhưng nói, mỗi con vật thể hiện vận số, Dần (cọp) sẽ ăn thịt Hợi (heo, lợn), thì tại sao ở ta thì Mão là mèo mà không là thỏ như nước phát sinh ra lý số?

Tôi không tin vận người tùy vào cầm tinh con gì. Thế giới có 7 tỷ người. Nếu chia 12 con giáp, sẽ có 580 triệu người cùng tuổi. Nếu lấy số này chia cho 12 giờ (âm lịch) sẽ có chừng 48 triệu người cùng  giờ, cùng tuổi. Tôi tuổi Thìn, có thể sẽ có trên 40 triệu người cùng sinh cùng tuổi, đẻ cùng giờ. Vậy 40 triệu người này có số phận giống hệt nhau? Vô lý.

Vậy mà, có hàng hàng triệu người (Việt), hàng trăm triệu người  (Tàu), coi sự vô lý ấy là hữu lý. Họ tin sái cố vào vận số. Bây giờ vẫn còn tin. Hàng ngàn ông thầy bói sống khỏe nhờ sự mê muội của người khác.

Tuy nhiên, có điều này tôi còn nghi ngại. Tại sao một năm không chia 10 tháng mà lại 12 tháng. Tuổi âm lịch lại có 12 con giáp mà không phải là 24 con? Một ngày không chia thành 24 giờ như dương lịch mà lại thành 12 giờ như âm lịch? Tại sao, phận gái không mấy chục bến nước  mà lại "mười hai" bến nước? (Sĩ, nông, công, thương, y, nho, lý, bốc, ngư, tiều, canh mục). Bây giờ nhiều nghề lắm. Không thấy ngày xưa có nghề đào bitcoin, nghề chế tác phần mềm, phần cứng vi tính...

Như vậy, số 12 là con số "định mệnh" ư? Chúa Jesus cũng có 12 tông đồ. Sao Ngài không chọn 10 cho nó chẵn?

Sự hiểu biết con người có giới hạn. Nhưng con số 12 làm cho con người càng thấy mình...giới hạn hơn.

Có những cái xảy ra, trùng hợp, hay không trùng hợp, làm con người thêm suy nghĩ. Tôi muốn nói: Năm tuổi.

Thí dụ, tôi tuổi Thìn. Năm nay là "năm tuổi" của tôi. Năm Giáp Thìn. Những người tôi biết, tuổi Thìn, đều chết năm Thìn. Một cháu kêu chú ruột (Giáp Thìn) chết lúc 49 tuổi (Năm Thìn). Một cháu khác chết lúc 61 tuổi (Thìn). Bạn tôi cùng tuổi chết lúc 25 tuổi (Thìn). Cha tôi tuổi Ngọ (1906) chết lúc 73 tuổi (Ngọ). Có thể người ta chết không vào năm tuổi. Nhưng tôi để ý, bản thân tôi, những biến cố lớn thường xảy ra vào "năm tuổi". Năm 49, tôi gặp tai nạn chạy xe, gãy xương vai, sém chết. Năm 60 bước qua 61 (Thìn) tôi bị bịnh ung thư. Năm 72 qua 73 tuổi (nhâm Thìn), tôi bị giãn cơ tim (do hóa chất chữa ung thư). Như vậy, năm tuổi, cứ 12 năm, nhất là những năm trên 40, Nguyễn Công Trứ viết "Mười lăm trẻ, năm mươi già không kể", sức khỏe con người có khuynh hướng giảm sút. Những "năm tuổi" là những năm thay đổi sinh lý trong cơ thể, con người dễ gặp những trục trặc về sức khỏe cuộc sống.

Nhưng, tóm tắt tại, có thực sự "năm tuổi" là năm đáng sợ?

Tôi trải qua những "biến cố" vào năm tuổi của mình. Tôi chứng kiến những người thân chết vào năm tuổi. Ban đầu, tôi có...lo sợ. Không lẽ người Tàu giỏi thế sao. Họ có cả sách, hàng ngàn  cuốn, viết về tử vi, về lý số, về phong thủy, về mồ mả...

Nhưng tại sao, tôi tuổi Thìn (nhâm Thìn) vẫn tành tành sống cho đến ngày nay. Những người tuổi Thìn tôi biết, già có, trẻ có, họ lần lượt về với ông bà. Tôi cùng tuổi họ, vẫn còn đây, vẫn đàm đạo với quý vị. Như vậy, cùng tuổi không hẳn cùng số phận. Năm tuổi không hẳn ai cũng dễ gặp vận không may. Con người có số mạng, ta hay gọi là Số.

Viết đến đây, tôi mới nghiệm ra Đức thắng Số chứ không phải Số thắng Đức. Số tôi (tuổi Thìn) chưa ngoẻo vào năm tuổi. Tôi không nói tôi có Đức mà sống lâu. Đa thọ đa nhục mà. Tôi muốn nói, Đức sẽ làm con người yên bình hơn, sống an nhiên hơn.

Để kết thúc "Năm Tuổi", tôi xin thuật lại câu chuyện cha tôi kể lúc tôi 10 tuổi. Câu chuyện nói về Đức.

Một bà phú hộ trong làng muốn làm nhà lớn. Thợ gồm hai thứ: Thợ rừng và thợ mộc. Vùng quê tôi gỗ quý rất nhiều. Đi rừng cực khổ, những người đẽo cây, kéo gỗ ăn cơm với mắm cái - đầu những con mắm nục. Tức giận vì bị đối xử tệ bạc, những thợ rừng nghĩ đến việc "trả đũa". Những cây đẽo gỗ, thay vì gốc ngọn phân minh, họ đẽo ngọn thành gốc, gốc thành ngọn. Ngày xưa, người ta rất cẩn thận khi chọn cây làm nhà. Những cây cụt đọt, cây gãy ngang, cây có dấu máu của chim...đều không được chọn đẽo thành gỗ làm nhà. Huống hồ cây lộn ngược, gốc thành ngọn.

Ở nhà, những người thợ mộc cùng suy nghĩ với thợ rừng. Những con mắm dọn cho họ đều không còn thân. Chỉ là những đầu cá nục. Thế là, gỗ gốc đẽo lại ngọn; ngọn đẽo thành gốc.

Vô tình, những người lao động làm nhà cho bà phú hộ để nguyên cây gỗ gốc ra gốc, ngọn ra ngọn, không "chổng ngược"- điều xui xẻo cho gia chủ - như ý muốn của họ.

Vì sao lại có sự cố may mắn cho chủ nhà như thế? Tại vì mấy cái đầu con mắm.

Lúc tạ ơn thợ ra về, bà phú hộ tặng cho mỗi người thợ một hũ mắm cá nục, bên trong toàn là những phần đuôi con cá. Mắm cái đỏ tươi, những thân cá còn nguyên vẹn, thơm lừng. "Các anh ở đây, ăn cơm có cá. Vợ con các anh ở nhà thiếu thốn. Tôi dành những mình cá này cho gia đình các anh". Bà phú hộ trần tình.

Khi ôm hũ mắm ra về, nhìn thân cá đỏ au, những người làm thuê cho bà chủ bỗng áy náy vô cùng. Thâm tâm họ nỗi ân hận hiện lên. Chào từ biệt bà chủ, họ nghẹn ngào không nói nên lời. Họ hối hận. Người trong rừng đẽo gỗ ngọn thành gốc. Người ở nhà thì đẽo gốc thành ngọn. Họ nghĩ như thế mới trả được nỗi ức bà chủ nhà keo kiệt. Họ không ngờ, chính cái Đức của bà chủ nhà đã làm cho họ không còn mang tội...hại người.

Tôi xin kết thúc bài viết: Năm tuổi mà kể gì.