Monday, October 14, 2024

TRÚC XINH

Năm lớp 12, được dạy lịch sử thế giới, từ sách giáo khoa, tôi tìm hiểu và thấy thán phục nhất 2 đất nước: Do Thái và Nhật Bản.

Là một dân tộc bị “lưu đày” non 2000 năm, lưu lạc nhiều nơi trên thế giới, có thời gian bị phát xít Đức đưa vào lò thiêu hàng triệu người, Do Thái chỉ cần vài tuần đánh nhau với vài nước Ả Rập, đã trở về nơi trước đây tổ tiên họ đã ở, thành một quốc gia nhiều thế kỷ không có tên trên bản đồ thế giới. Một Do Thái bé nhỏ mà hùng mạnh, chế tạo được bom nguyên tử, luôn là nỗi e sợ cho những nước láng giềng, và hãnh diện có những bộ óc siêu việt thế giới.

Là một “đế chế” không lớn, đánh tan tành căn cứ hải quân hùng mạnh Trân Châu Cảng của Hoa Kỳ, lấy làm thuộc địa một phần lãnh thổ Trung Hoa hùng vĩ, xâm chiếm một số nước Đông Nam Á, đô hộ Triều Tiên (Bắc, Nam). Nhưng khi bị 2 quả bom nguyên tử hủy diệt tiềm lực quân sự, xứ sở mặt trời mọc thành xứ sở mặt trời lặn, tăm tối, tan vỡ.  Nhưng chỉ cần 30 năm, thời gian bằng 2 cuộc chiến tranh Đông Dương, Nhật Bản vươn lên nền kinh tế thứ 2 trên thế giới.

Hai dân tộc ấy hẳn lòng yêu nước có lẽ cũng không hơn dân tộc VN. Họ là hai nước hùng mạnh thế giới trong khi chúng ta vẫn còn là nước trông chờ đồng vốn thế giới.

Tôi nghiệm ra: về tính cách, con người của họ "tự chủ" hơn chúng ta. Ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào, tôi nghĩ tự chủ, tinh thần và vật chất, là nhân tố quyết định hàng đầu. Hai dân tộc này không bị bất kỳ chủ nghĩa đẹp đẽ, hấp dẫn nào trên thế giới chế ngự tư tưởng tự do họ.

Nhật Bản là nước từng triều cống Trung Hoa như Việt Nam. Văn minh, văn hóa của họ thấm đẫm văn minh, văn hóa Trung Hoa như Việt Nam. Trong khi họ thoát khỏi  ảnh hưởng Tàu hết sức ngoạn mục thì chúng ta, triều đình nhà Nguyễn, vẫn thắc thỏm trông lên phương Bắc như vị cứu tinh, không hiểu rằng vị cứu tinh ấy đang bầm dập, xâu xé bởi các nước tư bản phương tây.

Đến khi chủ nghĩa cộng sản xuất hiện, những bậc tiền bối chúng ta hồ hởi như bắt được vàng. Họ vận dụng thành công chủ nghĩa ấy vào công cuộc đánh Pháp, đánh Mỹ, VNCH để thống nhất đất nước. Có thời gian: Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, hai yếu tố phải đề huề.

Nhưng tôi nghĩ: chính lòng yêu nước quyết định vận mệnh dân tộc, giúp nhân dân thoát khỏi ách thực dân, đế quốc. Chủ nghĩa cộng sản chỉ là một xúc tác, một hỗ trợ mạnh mẽ cho lòng yêu nước.

Về tư tưởng, chúng ta không có một tư tưởng của riêng cho dân tộc: Tư tưởng Việt Nam. Chúng ta là một dân tộc không đủ thông minh để xây dựng riêng cho mình một tư tưởng, một triết thuyết quản trị đất nước, thì tại sao chúng ta không chắt lọc những tư tưởng, những triết thuyết ưu tú và phổ quát của nhân loại, làm phương châm, nền tảng cho đất nước mình, cho dân tộc mình, mà lúc nào cũng phải dựa vào tư duy quá khứ, cũng phải vận dụng những cái thế giới văn minh từ chối, vất bỏ, ngay cả ở cái nôi nước Nga, người ta đã cũng không còn trọng vọng, xiển dương?

Tinh thần tự chủ về tư tưởng ở chỗ này có cần phải xem xét lại không? Người dân thường chúng ta không có tư tưởng, triết thuyết nào soi dẫn, chúng ta có tự chủ trong suy nghĩ không, chớ chưa nói đến hành động?

Trước đây, thấy thắng lợi chiến tranh thương mại nghiêng về người Mỹ, chúng ta hồ hởi. Một số người còn nghĩ chỉ thời gian thôi, Trung Quốc sẽ “tanh bành xí quách”. Thấy một số tàu chiến của Mỹ đi sát vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa của VN bị chiếm cứ trái phép, chúng ta sung sướng cứ ngỡ như tàu chiến của… Việt Nam, hiên ngang đi vào vùng biển tranh chấp, thầm nhủ “thử xem mày làm gì tao”.

Tại sao chúng ta không nghĩ ra phương cách nào để đất nước không phải mượn người để “an ủi” mình, để nhờ ai đó “giúp” mình? Luôn trông chờ ai đó sẽ lo cho toàn vẹn lãnh thổ, cho độc lập dân tộc, cho tự chủ kinh tế, tóm lại, lúc nào cũng mong sẽ có …ai đó ra tay nghĩa hiệp, còn bản thân thì chỉ ...hy vọng.

Chúng ta muốn làm bạn với các nước, không phân biệt chế độ chính trị, tại sao chúng ta không làm bạn …với nhau, người Việt đồng bào ? Người Việt với người Việt. Trong nước và ngoài nước. Một người “mắt xanh mũi lõ” chắc chắn không yêu chúng ta bằng chính những người “da vàng mũi tẹt” với nhau. Anh chàng “ngộ ái nị” chắc chắn không đáng tin bằng những người “tao thương mày”.

Do hoàn cảnh lịch sử, VN có hàng triệu người bỏ nước ra đi. Ban đầu chúng ta cho là bất hạnh của dân tộc. Một mẹ mà con phải chia lìa. Sao giống chuyện xưa: người lên núi theo cha Lạc Long Quân, kẻ xuống biển theo mẹ Âu Cơ.

Nhưng xem xét kỹ ra, biết đâu đó là phúc hạnh cho dân tộc.  Hàng triệu người Việt ở khắp nơi trên các nước văn minh. Hàng trăm ngàn trí thức ở mọi lĩnh vực phát triển tiên tiến nhất của nhân loại. Tại sao những người Việt nước ngoài không là người Việt trong nước?

Cái gì đã ngăn cách họ với nhau? Quá khứ ư. Tại sao không xếp lại để mở ra tương lai? Ý thức hệ ư. Tại sao không bỏ đi, để xây dựng một ý thức hệ chung? Tại sao kẻ lên rừng, người xuống bể, nay không về ở cùng chung một nhà?

Câu hỏi mấu chốt: ai sẽ là người thực hiện những điều như thế? Khó quá. Nan giải quá. Một người già cả như tôi, và chắc nhiều người nữa, chỉ nghĩ tới, và không làm được. Thật xấu hổ nếu tôi tự nhủ: thôi, để cho thế hệ con tôi, cháu tôi, chúng nó lo.

Nhưng có chắc những ước nguyện đó sẽ thành hiện thực, hay sẽ trôi đi như biết bao lần trong quá khứ, đã nhỡ biết bao lần chuyến tàu đi đến tương lai?

Tôi suy nghĩ chỉ có được tinh thần tự chủ, như người Do Thái, người Nhật Bản, chúng ta mới có thể xây dựng đất nước này, quê hương này, theo đúng ước nguyện của tiền nhân, và của chính chúng ta.

“Trúc xinh trúc mọc đầu đình

Em xinh em đứng một mình cũng xinh”.

Đất nước tôi sẽ không như trúc, xinh nhờ đứng đầu đình. Không có cái đình to tướng kia, trúc chỉ tả tơi như sậy. Đất nước tôi phải như cô gái xinh, đứng một mình, chả cần (mẹ chi) "cái đình" quá khứ, vẫn xinh, vẫn đẹp. Cô gái xinh kia, đứng một mình, tự chủ, chả cần nay nghiêng qua anh “bạn vàng”, cười cầu tài một cái, mai nghiêng qua anh “bạn xanh” (*) đưa mắt liếc tình một phát.

Đứng một mình, cô vẫn xinh, vẫn đẹp, khi nào là niềm tự hào của mọi chàng trai có cái tên Việt Nam?

(*) Ghi chú: Đồng 100 đô la Mỹ có màu xanh.